(Đoạn trích Kinh Thánh: Luca 18:1-8)
Khi tôi là một cha sở lúc còn ở tổng giáo phận St. Louis, tôi được gọi đến bệnh viện để thăm một giáo dân trong xứ. Ông ta trạc sáu mươi tuổi, một thương gia rất giầu có, nổi tiếng và có thế lực. Khi tôi đến nơi, ông ngồi trên giường, trông rất mạnh khỏe, với năm người con trai đứng chung quanh, tất cả đều trong công ty của ông. Ông cho biết sẽ phải trải qua cuộc giải phẫu não bộ rất tinh vi, nguy hiểm đến tính mạng để chữa một động mạch sưng phình mà các bác sĩ cho rằng đã đến lúc nó vỡ ra. Một cách thận trọng, thông thạo cố hữu, ông bắt đầu phân công cho các người con.
“Al, con là luật sư. Bố muốn con xem lại di chúc của bố để đảm bảo mọi sự đã được cập nhật. Michael, con là kế toán viên, hãy xem lại mọi sổ sách để biết chắc không có dấu hiệu gì nguy hiểm. Larry, con là chuyên viên đầu tư của bố, hãy coi lại hồ sơ để biết chắc là có thứ tự. Joseph, con phải lo cho mẹ và các em. Họ đang lo lắng và con là người gần gũi với họ nhất. Con phải liên lạc với các bác sĩ và thông tin cho gia đình. Và Tony, là chuyên gia bảo hiểm, con phải biết chắc là bố được bảo hiểm trong thời gian phục hồi, và hãy thanh toán các chi phí.”
Tất cả những người con im lặng ghi chép, và tôi là người duy nhất không được đề cập đến. Tôi nói với ông, “Và tôi sẽ làm gì?”
Ngay lập tức mười hai con mắt liếc nhìn tôi, tất cả ngạc nhiên vì tôi hỏi một câu như thế, và ông Leo mau mắn trả lời. “Sao cha hỏi như vậy, dĩ nhiên là cha cầu nguyện!”—trong khi các người con gật đầu đồng ý, họ ngạc nhiên vì tôi đã lên tiếng hỏi.
“Sao cha hỏi như vậy, dĩ nhiên là cha cầu nguyện!” Đó là một trong những giây phút then chốt, đáng nhớ mà tất cả chúng ta đều có trong đời linh mục, khi chúng ta vô tình thốt ra một sự thật căn bản quá hiển nhiên. Trong con mắt của giáo dân, linh mục chúng ta là người cầu nguyện chính thức; người dân trông nhờ đến chúng ta để cầu nguyện với họ và cho họ. Có lẽ lời yêu cầu phổ thông nhất mà các linh mục thường được nghe là, “Xin cha cầu nguyện cho con.”
Họ luôn luôn tin tưởng, tín thác chúng ta với các ý chỉ đặc biệt. Và hàng ngày chúng ta thấy mình trả lời hàng chục lần, “Tôi sẽ cầu nguyện cho ông/bà.” Đừng bao giờ để lời đó rỗng tuếch, nhàm chán, nói cho qua. Tuy chúng ta phải thú nhận rằng lời cầu xin của chúng ta không phải tốt nhất, tuy chúng ta luôn thúc giục dân chúng cầu xin cho chính họ chứ đừng chỉ trông cậy vào chúng ta, và tuy chúng ta thú nhận rằng giáo dân thường thánh thiện hơn chúng ta nhiều, nhưng chúng ta phải biết rằng linh mục có một nhiệm vụ thiêng liêng là trở nên người cầu nguyện chính thức cho dân chúng. “Sao cha hỏi như vậy, dĩ nhiên là cha cầu nguyện!”
Người cầu nguyện chính thức… Phải, nhiệm vụ của chúng ta trong Giáo Hội là cầu nguyện. Tôi muốn chú trọng đến chính kinh thần vụ. Chúng ta gọi đó là “vụ” vì đó là nhiệm vụ, công việc của chúng ta trong Giáo Hội, là cầu nguyện hàng ngày với Giáo Hội và cho Giáo Hội.
“Con có quyết tâm duy trì và làm cho tinh thần cầu nguyện sâu đậm hơn, thích hợp với lối sống của con và, phù hợp với bổn phận của con, là trung thành cử hành phụng vụ giờ kinh cho Giáo Hội, và cho toàn thể thế giới không?” Những ai đã nhận chức thánh khi chịu chức phó tế đều phải đồng ý với câu hỏi ấy; với những ai chưa lãnh nhận thì sẽ phải nghe đức giám mục đặt ra câu hỏi này.
Qua câu trả lời kiên quyết, chúng ta trở nên người cầu nguyện chính thức của Giáo Hội, người cùng với Chúa Giêsu cầu bầu trước mặt Chúa Cha. Vì vậy kinh thần vụ trở nên phần mật thiết của đời sống linh mục. Nghe có vẻ ủy mị, nhưng chúng ta gọi sách nhật tụng là “bà” vì nó gần gũi với chúng ta như một người vợ, và ít khi chúng ta rời sách ấy. Sách nhật tụng giống như cặp mắt kính; nếu không có nó chúng ta sẽ đi lạc.
Như Giáo Luật diễn tả, “Giáo Hội cử hành phụng vụ giờ kinh, khi chu toàn chức năng linh mục của Chúa Kitô, qua đó lắng nghe Thiên Chúa nói với dân chúng và tưởng nhớ đến mầu nhiệm cứu độ, Giáo Hội ca tụng Người một cách liên tục, và cầu xin cho toàn thế giới được cứu độ” (Số 1173).
Vì vậy, chúng ta có món nợ đối với giáo dân là phải trung thành với kinh thần vụ, vì chúng ta cầu nguyện cho họ khi đọc các giờ kinh. Hồi còn niên thiếu, tôi nhớ có thấy cha sở của tôi, Cha Callahan, thường đọc kinh thần vụ. Nhiều năm sau, khi người từ trần cách đột ngột, tôi là người giải quyết tài sản của cha và tôi giữ lại sách nhật tụng cho chính tôi sử dụng cho đến ngày nay. Khi lần dở các trang giấy sờn cũ của bốn cuốn sách, tôi cảm động với những tấm ảnh thánh và các mẩu giấy ghi lại ý chỉ cầu nguyện… tấm ảnh kỷ niệm ngày tôi chịu chức, ảnh ngày cha tôi từ trần, và hàng chục tấm ảnh cầu nguyện cho các linh mục quá cố của tổng giáo phận St. Louis, ảnh lưu niệm của các nữ tu khi khấn trọn, mẫu giấy về việc giải phẫu túi mật, xẩy thai, khó khăn hôn nhân, thất nghiệp… tất cả được đưa vào lời cầu nguyện hàng ngày mà một linh mục tốt lành phải chu toàn kinh thần vụ để cầu nguyện với và cho dân chúng.
Những ai được hân hạnh tham dự Thánh Lễ buổi sáng của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đều nhận thấy một điều. Trong bàn quỳ của người là sách nhật tụng, và đầy những lá thư, tấm thiệp, danh sách, mẩu giấy, và các ghi chú, tất cả là những ý cầu nguyện. Khi người đọc kinh thần vụ, người dâng tất cả lên Thiên Chúa.
Ông George Weigel kể cho tôi nghe có lần ông được gặp Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và ông đã trao cho người mẩu giấy của bà vợ để xin người cầu nguyện cho các bạn của bà. Khoảng sáu tháng sau, khi ông George giới thiệu vợ mình với Đức Thánh Cha, người hỏi bà, “Sao, các bạn của bà thế nào?” Điều đó cho thấy người coi trọng kinh thần vụ để cầu nguyện hàng ngày cho và với Giáo Hội trong phụng vụ các giờ kinh.
Khi là tổng giám mục Omaha, Đức Giám Mục Elden Curtiss đã viết thư cho các linh mục về ngày Thứ Năm Tuần Thánh, năm 1998. “Trong vai trò là người cùng với Chúa Kitô cầu bầu cho dân chúng, linh mục chúng ta phải chấp nhận nhiệm vụ cử hành phụng vụ các giờ kinh hàng ngày. Giáo Hội trao cho chúng ta nhiệm vụ này vì yêu thương chúng ta và vì dân chúng mà chúng ta phục vụ.”
Vì vậy, chúng ta có món nợ đối với giáo dân là phải trung thành với kinh thần vụ…
Và chúng ta cũng có món nợ đối với chính chúng ta, với chức linh mục, là phải trung thành với kinh thần vụ. Có thể nói điều đó quá đơn giản, nhưng sự hăng say và kết quả của đời sống linh mục là trực tiếp tuỳ thuộc sự trung thành của chúng ta với phụng vụ--đó là phụng vụ Thánh Thể và phụng vụ các giờ kinh.
Bây giờ, có lẽ bạn không ngạc nhiên khi tôi cho biết một số linh mục không coi trọng sách nhật tụng. Chính bạn biết một số linh mục ngày nay thật thẳng thừng thú nhận là họ không đọc kinh thần vụ. Có lẽ đây là một phản ứng có thể hiểu được đối với chủ nghĩa nghi thức tỉ mỉ mà một số linh mục thường có khi đọc kinh thần vụ; có thể nó là một phản ứng đối với sự bó buộc đủ mọi thứ.
Chúng ta không cần đi vào việc đổ lỗi hay chỉ mặt những ai không cử hành phụng vụ các giờ kinh. Chúng ta có thể cảm tạ Thiên Chúa vì, thật vậy, ngày nay có sự hồi sinh trong việc quý trọng kinh thần vụ, ngay cả nơi giáo dân, và ngay cả các linh mục trước đây không đọc cũng phải thú nhận đó là một hối tiếc hơn là một điều hãnh diện.
Thực tế, chúng ta có những dữ kiện cho biết sự chểnh mảng kinh sách là dấu hiệu đầu tiên cho thấy ơn gọi của họ đang trong tình trạng nguy hiểm. Kinh nghiệm nói với chúng ta rằng những ai nói, “Tôi không đọc kinh thần vụ, nhưng tôi cầu nguyện hàng ngày,” thì thường tự lừa dối mình. Ngày càng hiển nhiên là một linh mục cần kinh thần vụ để sống còn!
Vì vậy, Giáo Hội Mẹ thật khôn ngoan khi đòi hỏi điều đó. Là giám đốc chủng viện, tôi phải rõ ràng về nhiệm vụ của chủng sinh trước khi chịu chức: là một phó tế và linh mục bạn phải nghiêm trọng hứa đọc kinh nhật tụng đầy đủ. Chỉ khi có lý do chính đáng--tỉ như bệnh hoạn—thì mới được miễn nhiệm vụ này. “Không có thời giờ” không phải là lý do nghiêm trọng! Lời hứa này ràng buộc chúng ta nếu không giữ sẽ có tội. Nếu bạn không có ý định tuân giữ thì đừng hứa--đừng chịu chức. Vào năm thứ ba ở đại chủng viện, nếu bạn không có thói quen đọc kinh nhật tụng đầy đủ, nếu bạn không yêu quý kinh ấy và không mong đợi lúc đọc kinh, hãy coi đó là dấu hiệu phải trì hoãn việc chịu chức cho đến khi bạn yêu quý kinh nhật tụng. Để tôi trích đoạn 29 của “Hướng Dẫn Tổng Quát về Phụng Vụ Các Giờ Kinh”:
Do đó, các giám mục và linh mục, cũng như các thừa tác viên khác, là những người đã nhận lãnh từ Giáo Hội nhiệm vụ cử hành các giờ kinh hàng ngày, phải duy trì càng nhiều càng tốt sự liên hệ xác thật giữa các giờ kinh trong ngày. Họ phải để ý đến sự quan trọng của hai giờ kinh mấu chốt mà phụng vụ này dựa vào đó xoay chuyển, đó là Laud, kinh sáng và Vesper, kinh chiều; đừng bỏ qua hai giờ kinh này, trừ trường hợp có lý do nghiêm trọng. Họ còn phải trung thành giữ bổn phận đọc Sách Thánh, mà cao hơn tất cả là cử hành phụng vụ Lời Chúa. Như vậy, hàng ngày họ sẽ đảm nhận trách nhiệm đón nhận Lời Chúa. Để ngày hôm ấy được hoàn toàn thánh thiện, họ phải ao ước đọc kinh trưa và kinh tối, như thế họ phó thác cho Chúa và chu toàn “Opus Dei” (công việc của Chúa) trước khi đi ngủ.
Nhiều chủng sinh đọc toàn thể các giờ kinh hàng ngày ngay từ khi họ vào chủng viện—hoan hô! Với những ai đang tập thói quen này, tôi nghĩ đó là điều công bằng khi mong đợi chủng sinh năm thứ nhất đọc kinh sáng, kinh chiều và kinh tối hàng ngày. Vào năm thứ hai, tôi mong đợi các chủng sinh đọc thêm Sách Thánh và kinh trưa, như thế vào năm thứ ba, họ đã đọc trọn kinh thần vụ hàng ngày.
Tôi thúc giục các chủng sinh và linh mục hãy thường xuyên bàn với vị linh hướng về việc đưa kinh thần vụ vào sự điều dưỡng tâm linh hàng ngày. Một phần của việc phân định chức linh mục là sự trung thành với kinh thần vụ như thế nào. Nếu bạn sợ, nếu bạn chưa bao giờ đọc trọn, hoặc nếu bạn thấy nó nặng nề và phiền toái, có lẽ Chúa muốn nói với bạn là đừng nên chịu chức.
Và đây là một kiểm tra: vào ngày nghỉ bạn làm gì? Thật ngộ nghĩnh, hầu hết mọi linh mục có thể đọc kinh thần vụ trong những ngày bận rộn, nhưng lại thấy khó khăn vào ngày nghỉ hoặc khi đi hè.
Do đó, để tôi lập lại điều ấy: đọc trọn bộ kinh thần vụ là một nhiệm vụ nghiêm trọng cho thầy sáu và linh mục. Chỉ với lý do thật nghiêm trọng mới có thể miễn cho chúng ta bỏ qua một giờ nào đó. Thận trọng trung thành với kinh thần vụ thì cần cho sự sống còn của ơn gọi linh mục.
Nhưng bây giờ, kinh thần vụ thì chắc chắn không chỉ là một gánh nặng hợp pháp mà chúng ta khiếp sợ dù chỉ để sống còn và đừng sa ngã phạm tội. Thật vậy, đó là một thái độ mà nó đưa đến việc tẩy chay kinh sách của một số linh mục trong những năm gần đây.
Khi tôi là phó tế ở Anh, người quản gia dẫn tôi đến phòng sách của cha xứ, là nơi cha đang đọc kinh nhật tụng. Tôi lặng người, thán phục, cho đến vài phút sau, cha đóng ập sách lại và nói lớn, “Cám ơn Chúa, hôm nay tôi đã xong cái công việc đầy đọa này!” Đó không phải là điều Giáo Hội mong muốn. Tôi rất tiếc.
Không, đối với chúng ta, phụng vụ các giờ kinh là một hành vi đức ái, không chỉ là một nhiệm vụ--một trách nhiệm chúng ta trìu mến ôm ấp và nếm thử; và nó không chỉ là một hành vi để sống còn nhưng là một phương cách vô song để làm sâu đậm hơn đời sống tâm linh của chúng ta. Để tôi nhắc đến một số phần thưởng tinh thần đích thật xuất phát từ việc trông cậy bền bỉ vào lời kinh vĩ đại này.
Kết quả tinh thần đầu tiên và trên hết của việc trung thành đọc kinh thần vụ là sự hợp nhất với Chúa Giêsu. Tôi cho rằng phụng vụ các giờ kinh chỉ đứng sau phụng vụ Thánh Thể trong danh sách các phương cách hữu hiệu để đạt được mục đích siêu phàm là kết hợp với Chúa Kitô.
Tôi tin như thế vì kinh thần vụ thật sự là lời cầu của Chúa Kitô. Khi chúng ta cử hành phụng vụ các giờ kinh, chúng ta được kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu trong lời chúc tụng, sám hối, và van xin vô tận và vĩnh viễn của Người dâng lên Chúa Cha. Chúng ta không chỉ cầu nguyện với Chúa Giêsu, chúng ta cầu nguyện qua Người, vì nhận biết rằng Người là trung gian tuyệt hảo, là đường đưa chúng ta đến với Chúa Cha; và chúng ta cầu xin Người là Con duy nhất của Thiên Chúa, “Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, đồng bản thể với Chúa Cha.” Thánh Augustine giải thích điều này rất hay: “[Chúa Giêsu] cầu nguyện cho chúng ta với tư cách là tư tế của chúng ta, Người cầu nguyện trong chúng ta với tư cách là đầu của chúng ta, Người là đối tượng của lời chúng ta cầu vì là Thiên Chúa của chúng ta… Chúng ta cầu nguyện với Người vì Người là Thiên Chúa, Người cầu nguyện cho chúng ta vì chúng ta là tôi tớ. Vì vậy chúng ta cầu nguyện với Người, nhờ Người, trong Người, và chúng ta cùng lên tiếng với Người và Người lên tiếng với chúng ta.”
Hoặc, như Thánh Fulgentius ở Ruspe đã nhắc nhở chúng ta: “[Chúa Giêsu] vừa là tư tế vừa là của lễ, vừa là Thiên Chúa vừa là đền thờ. Người là tư tế mà nhờ đó chúng ta được giao hòa, là của lễ mà qua đó chúng ta được giao hòa, là đền thờ mà trong đó chúng ta được giao hòa. Một mình Người là tư tế, của lễ, và đền thờ…”
Bạn đã thấy phụng vụ các giờ kinh thực sự hướng về tâm điểm là Chúa Kitô, và sự hợp nhất với Chúa Kitô trong lời kinh tuyệt vời này thật mỹ miều là chừng nào.
Đặc biệt Chúa Kitô cầu nguyện trong các thánh vịnh. Tôi phải thú nhận là càng già, tôi càng thấy thích thánh vịnh. Chúng bao gồm mọi cảm xúc. Trong đời sống hàng ngày của một linh mục, họ sẽ trải qua biết bao cảm xúc: khi họ cầm lấy sách thần vụ để tranh thủ một vài giây phút cầu nguyện, có thể lúc ấy họ cảm thấy mệt mỏi khủng khiếp, có thể giận dữ, có thể hoang mang, có lúc chán nản hay buồn sầu, có lúc vui sướng và phấn khởi, rồi sau đó lại bệnh hoạn hay bồn chồn. Trong các thánh vịnh kinh thần vụ, họ kết hợp với Chúa Giêsu khi bày tỏ những cảm xúc này lên Chúa Cha. Hãy lắng nghe một vài đoạn trích từ sách thần vụ chỉ trong một ngày thôi, và nói cho tôi biết làm thế nào một linh mục không thể cùng lên tiếng với Chúa Giêsu tự đáy lòng cho được!
Tôi tin rằng mỗi người trong các bạn đều bầy tỏ các tâm tình ấy lên Chúa; chắc chắn bạn sẽ làm như vậy khi là một linh mục trong giáo xứ. Bạn sẽ thấy rằng hợp nhất với Chúa Giêsu trong thánh vịnh của kinh thần vụ thì rất an ủi trong những thời gian tranh đấu, chán nản, giận dữ, hay bị cám dỗ. Khi bày tỏ điều đó trong sự cầu nguyện với Chúa Giêsu khi đọc thánh vịnh của kinh thần vụ, nó có giá trị vô cùng. Như Thánh Ambrôsiô nhận xét: “Tuy mọi Sách Thánh đều thơm tho với ơn sủng của Chúa, các thánh vịnh có sự thu hút đặc biệt. Trong đó, Chúa Giêsu không chỉ sinh ra cho chúng ta, Người còn phải chịu thống khổ để cứu độ, Người nằm trong sự chết, Người sống lại, Người lên trời, Người ngự bên hữu Chúa Cha.”
Khi đọc kinh thần vụ, nếu ý thức rằng chúng ta đang trong sự hợp nhất với Chúa Giêsu, điều đó có thể giúp chúng ta chống lại sự chán chường và thất vọng mà nó thường xảy đến trong ý muốn trung thành với kinh thần vụ hàng ngày. Bạn thấy đó, sự hữu hiệu của kinh thần vụ không tùy thuộc những gì chúng ta có được từ đó, có phải không, bởi vì, về lâu về dài, chúng ta không thi hành điều đó—mà Chúa Giêsu làm, và chúng ta chỉ trong sự hợp nhất với Người khi cử hành phụng vụ các giờ kinh. Trong khi điều này không cho phép chúng ta được cẩu thả, bất kính, chia trí, hay hời hợt khi đọc kinh thần vụ, chắc chắn nó sẽ khích lệ chúng ta khi chán nản xảy đến--chắc chắn như vậy.
Thứ hai, kinh thần vụ đưa chúng ta hiệp nhất với Giáo Hội. Công Đồng Vatican II với Hiến Chế Tín Lý về Phụng Vụ Thánh đã dậy, “Vì thế, tất cả những ai đọc kinh thần vụ không chỉ chu toàn bổn phận của Giáo Hội, mà còn chia sẻ trong vinh dự lớn lao là được hòa hợp với Hiền Thê của Đức Kitô khi dâng những lời chúc tụng lên Thiên Chúa, họ đứng trước ngai Thiên Chúa nhân danh Giáo Hội, người Mẹ của họ” (Số 85).
Khi tôi rời trường North American College để về nhà vào tháng Sáu 1976, tôi mua được vé rẻ qua hãng Air India, và tôi sung sướng khi biết Mẹ Têrêsa cũng trên chuyến bay đó. Dĩ nhiên tôi đã đến gặp người trong khi bay. Khi từ giã, cũng như hàng ngàn người khác, tôi nói với người là “Xin Mẹ cầu cho con!”
Mẹ vỗ nhẹ vào sách thần vụ tôi đang cầm và nói, “Chúng ta cầu nguyện cho nhau khi đọc kinh này!” Người nói đúng—chúng ta liên kết với tất cả mọi người trong Giáo Hội trên toàn thế giới trong một chuỗi chúc tụng không cùng, trong sự cầu bầu, và thống hối của mọi người dân Chúa. Phụng vụ các giờ kinh thuộc về giáo hội một cách tinh tế. Bạn có thể đọc nó ngay trong phòng ngủ ở khách sạn, khi không có ai chung quanh, tuy vậy bạn lại được bao quanh bởi Giáo Hội khi đọc kinh.
Đặc biệt—và đây là kết quả tinh thần thứ ba nẩy nở từ kinh thần vụ--là chúng ta hiệp nhất với anh em linh mục khi đọc kinh thần vụ. Tôi nhớ có một cựu chủng sinh trở về thăm trường, sau khi đã làm linh mục khoảng hai, ba năm. Người cùng với chúng tôi cầu nguyện ở hành lang, và để quên sách thần vụ trong phòng tôi. Vì không biết là của ai, tôi mở ra xem tên, và thật cảm động khi thấy ngay ở trang bìa một tấm thẻ nhỏ đã sờn mòn có ghi tên tất cả các bạn cùng lớp. Tình huynh đệ giữa các linh mục là một chủ đề rất thường được khuyến khích ngày nay.
Chúng ta cần sự hỗ trợ và khích lệ lẫn nhau, đó là điều rất đúng. Trong tình bạn, khi nghỉ hè, trong nhóm Jesu Caritas, qua các cha giải tội và linh hướng, chỉ trong một tụ họp và liên lạc, linh mục chúng ta có thể hỗ trợ lẫn nhau. Nhưng không bao giờ chúng ta được quên sự hiệp nhất hàng ngày trong lời cầu nguyện chung của kinh thần vụ. Khi bạn đọc kinh hàng ngày, hãy cung kính nhớ đến anh em linh mục, nhất là những ai đang đau yếu, cô đơn, chịu đựng, bị cám dỗ, hay gặp khó khăn. Hãy nhớ rằng khi bạn cầu nguyện, bạn được kết hợp với hàng trăm linh mục trên toàn thế giới qua những lời kinh giống nhau.
Tôi thấy rằng một sự hiệp nhất như vậy với các linh mục thì có giá trị đặc biệt cho các linh mục triều. Không phải các linh mục dòng được miễn, nhưng họ có sự che chở của tổ chức để chống lại sự cô đơn mà nó đè nặng trên linh mục triều, là người rất cần đến sự giúp đỡ để giữ liên lạc với các anh em linh mục.
Một cựu chủng sinh mới chịu chức được hai năm cho tôi biết, vào ngày nghỉ hàng tuần, người lái xe hơn bảy mươi dặm đến với một linh mục gần nhất để xưng tội, để cùng cầu nguyện vào ban đêm, để có một bữa ăn ngon miệng, chuyện trò, và một giấc ngủ ngon. Đó là cao điểm của một tuần lễ của vị linh mục ấy. Chúng ta có thể sống xa anh em linh mục trong giáo phận, nhưng gần với họ trong sự hiệp nhất tinh thần qua phụng vụ các giờ kinh.
Tôi đã viết nhiều về “linh đạo của linh mục triều.” Còn lâu tôi mới là một chuyên gia về lãnh vực này, nhưng có điều gì nói với tôi rằng đời sống tâm linh của linh mục triều chúng ta phải bám rễ hàng ngày trong phụng vụ Thánh Thể và phụng vụ các giờ kinh, hoặc đời sống ấy sẽ rất nông cạn. Nhiều khi chúng ta bỏ qua giá trị mêng mông của sách thần vụ trong linh đạo của chúng ta. Khi nghe anh em linh mục xưng tội, rất thường chúng ta nghe: “Đời sống tâm linh của tôi rất nông cạn. Ồ, tôi dâng lễ hàng ngày và đọc kinh thần vụ, chỉ có vậy .” Khoan đã! Cũng không đến nỗi tệ!
Trong linh đạo của linh mục triều, dâng Thánh Lễ hàng ngày với sự kính trọng và niềm vui, rồi sau đó đọc kinh thần vụ với sự hăng hái và thận trọng, đó là cốt lõi sự tương giao của chúng ta với Chúa. Sự suy niệm và xét mình hàng ngày có thể xảy ra cách tự nhiên trong phụng vụ các giờ kinh. Thay vì cảm thấy chán ngán với nền tảng đó—”Ồ, tất cả những gì tôi cần phải làm cho xong là Thánh Lễ và kinh thần vụ”—chúng ta phải biết ơn là vì ít nhất chúng ta cũng còn có nền tảng ấy, và phải đảm bảo là nó được thi hành một cách đầy suy tư, chăm chú và sốt sắng.
Một trong những cha sở của tôi có nói, “Tôi không cần một 'chuyên gia' linh đạo làm phụ tá. Có lần tôi gặp một người chỉ biết đi tĩnh tâm, tham dự hội thảo, ngày sa mạc, và lúc nào cũng giúp đỡ nhóm này nhóm kia, nhưng công việc giáo xứ thì không chu toàn. Ai mà cần! Tôi chỉ cần một người dâng Thánh Lễ và đọc kinh nhật tụng hàng ngày!” Không biết là tôi có trình bầy quá đáng hay không, nhưng cha ấy có lý do. Bạn thân mến, bạn sẽ thấy rằng là linh mục của giáo xứ, nếu sự cầu nguyện hàng ngày của bạn không bao gồm việc dâng lễ và kinh thần vụ… có lẽ bạn không hiện hữu.
Món quà thứ tư mà các giờ kinh đem cho chúng ta là sự hiệp nhất với vĩnh cửu. “Khi bạn đọc kinh thần vụ, nó như thể bạn rơi vào một cuộc đối thoại đã được tiến hành--một đối thoại giữa Thiên Chúa và con người mà nó đã được bắt đầu từ lâu trước khi bạn sinh ra, và sẽ tiếp tục sau khi bạn chết.” Lời này được trích từ Evensong trong Vương Cung Thánh Đường Coventry, nó cho thấy phụng vụ các giờ kinh mạnh mẽ hiệp nhất chúng ta với vĩnh cửu.
Vì trước hết, mọi tầng trời cùng với chúng ta đọc kinh thần vụ. Đức Mẹ, các thánh, các thiên thần, các tổ phụ trong đức tin, và toàn thể cộng đồng các thánh thường vô hình nhưng là tham dự viên chủ yếu trong phụng vụ của Giáo Hội, là chia sẻ trong sự thờ phượng vĩnh viễn của thiên đàng.
Thứ hai, như các văn bản về phụng vụ nhắc nhở chúng ta, phụng vụ các giờ kinh là phương tiện để thánh hóa những phần trong ngày, nhất là buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều, và trước khi đi ngủ. Vậy, nếu có thể, chúng ta phải tôn trọng sự toàn vẹn của các giờ kinh, tỉ như, đừng đọc tất cả mọi giờ trong cùng một lúc—tuy điều đó được thực hiện để tránh quên sót bất cứ giờ nào. Điều tôi muốn nói là phụng vụ các giờ kinh nhắc nhở chúng ta về tính cách thi phú của nhịp điệu vĩnh cửu của thời gian Thiên Chúa, là mọi nỗ lực và giây phút của một ngày cuồng nhiệt của chúng ta được hướng đến vĩnh cửu, đến Thiên Chúa của mọi thời gian và không gian, và những giờ kinh đó đưa thời gian của chúng ta—có lúc sái lệch—vào nhịp điệu vĩnh cửu của hoạch định Thiên Chúa.
Peter Levi, trong cuốn The Frontiers of Paradise (Ranh Giới Thiên Đàng), nhận xét về các đan sĩ ngân nga kinh thần vụ rằng “các đan sĩ đang sống 'như thể' có sự bất biến trong thế gian này. Với bất cứ ai đến đây lần đầu, thời gian dường như ngưng đọng. Khoảng thời gian mới này bao gồm một nhịp điệu yên tĩnh, không vội vã, tuyệt đối làm chủ. Cảm nhận thời gian có tính cách phụng vụ này là sự khác biệt lớn lao giữa đời sống đan viện và bất cứ chỗ nào khác.”
Chúa biết các linh mục triều chúng ta thật khó được như các đan sĩ, với một thời khóa biểu có thể đoán trước, nhưng có lẽ vì lý do đó chúng ta lại cần mọi nhịp điệu của một ngày mà các giờ kinh cung cấp, để giữ chúng ta hiệp nhất với hoạch định vĩnh cửu của Thiên Chúa.
Thứ ba, phụng vụ các giờ kinh nhắc nhở chúng ta về chân lý vĩnh cửu mà, thực sự, tất cả tùy thuộc Thiên Chúa, chứ không phải chúng ta. Tất cả trong bàn tay quan phòng của Người; tất cả thực sự không tùy thuộc khả năng, hiệu suất, và sự hữu dụng của chúng ta. Phải, đôi khi chúng ta coi kinh nhật tụng là “phí thời giờ,” và, đúng vậy--nếu chúng ta nhớ rằng Thomas Merton đã định nghĩa sự cầu nguyện là “phí thời giờ với Thiên Chúa.”
Khi trở về phòng vào ban đêm, có lẽ “hữu hiệu” hơn nếu chúng ta bận rộn với máy ghi nhận lời nhắn qua điện thoại, soạn bài giảng, hay đánh bóng đôi giầy—nhưng thay vào đó chúng ta đọc kinh tối, nhờ vậy hiệp nhất với vĩnh cửu, và phải nhìn nhận rằng về lâu về dài, thời gian này thì quan trọng hơn bất cứ gì chúng ta thi hành. Thật “phản văn hóa” biết chừng nào! Thi sĩ Kathleen Norris đã viết rất cảm động về đời sống đan sĩ, bà đã có nhận xét như sau, “Khi đan sĩ có thể duy trì một thời khóa biểu có trọng tâm là phụng vụ các giờ kinh, điều đó khiến họ cách biệt với toàn thể chúng ta, và, sau nhiều năm, sự quy phục thời gian phụng vụ này có thể triển nở thành một sự kiên nhẫn nhẹ nhàng rất khác với các giá trị của thế gian.”
Bạn thấy đó, sự trung thành với kinh thần vụ nhắc nhở chúng ta rằng, sau cùng, vĩnh cửu làm chủ sự tạm bợ, và một ngày được thánh hóa với sự cầu nguyện định kỳ, điều đó nhìn nhận sự mặc khải lớn lao nhất, đó là Thiên Chúa thì mạnh mẽ hơn chúng ta, đó là Con của Người, Đức Giêsu, là Thiên Chúa. Thi sĩ Kathleen Norris lại viết: “Thời gian phụng vụ căn bản là thời gian thi phú, nhắm đến một tiến trình hơn là hiệu năng, sẵn sàng chăm chú chờ đợi trong yên tĩnh hơn là luôn luôn thúc đẩy cho xong việc.”
Thứ tư, kinh thần vụ kết hợp chúng ta với vĩnh cửu bởi nhắc nhở chúng ta về giá trị của sự kiên trì khi cầu nguyện. Sự cầu nguyện của chúng ta phải không cùng; nó phải liên tục. Bạn biết là không thể nào chúng ta tích trữ thực phẩm bằng cách ăn thật nhiều, tỉ như ăn nhiều vào thứ Hai rồi không phải ăn nữa trong những ngày khác. Không—chúng ta phải ăn uống hàng ngày--tạ ơn Chúa. Thở hít không khí cũng đúng như vậy. Tôi không thể hít một hơi thật dài rồi nói, “mình không cần phải thở nữa trong vài giờ đồng hồ.” Cũng đúng với sự ngủ nghỉ, tập thể dục. Cũng đúng với sự cầu nguyện! Nó phải bền bỉ, phải liên tục, phải kiên trì. Như Abraham Joshua Herchel có viết:
Cầu nguyện không phải là một mưu kế mà thỉnh thoảng dùng đến, hay một nơi trú ẩn lâu lâu lai vãng. Đúng ra nó là một chỗ ở ổn định cho tận đáy tâm hồn… Một linh hồn không cầu nguyện thường xuyên là một linh hồn không có nhà. Mệt mỏi, thổn thức, sau khi rảo quanh thế giới với những giả trá, không mục đích và vô lý, linh hồn ấy tìm kiếm một giây phút để gom góp lại những gì tản mát… trong đó nó mong được trợ giúp mà không bị coi là hèn nhát. Mái nhà đó là sự cầu nguyện.
Và, tôi có thể nói thêm rằng một sự cầu nguyện như vậy là kinh nhật tụng. Khi Chúa Giêsu dậy chúng ta về sự cầu nguyện, Người cho biết có hai yếu tố quan trọng nhất là đức tin và sự kiên trì. Chúng ta không bao giờ thi hành với kinh thần vụ. Chúng ta có thể “bắt kịp”, nhưng giờ kế tới thì không còn xa. Và nó phải tốt đẹp, vì chúng ta phải kiên trì, không sút giảm trong sự cầu nguyện. Nó tiếp tục cho đến mãi mãi. Và phụng vụ các giờ kinh nhắc nhở chúng ta điều đó.
Kinh thần vụ là một nhiệm vụ và là một món quà. Nó là một trong những tiềm năng vĩ đại của đời sống linh mục. Không trung thành cầu nguyện là có tội, là dại dội, đáng buồn và thảm thương. Trung thành cầu nguyện là một ơn vô tận, kết hợp chúng ta với Chúa Giêsu, với Giáo Hội, với anh em linh mục, và vĩnh cửu.
Martin Buber, trong cuốn Tales of the Hasidim, viết:
Hãy tưởng tượng một người mà vì công việc săn đuổi họ phải lang thang trên các đường phố và khu thị tứ cả ngày. Hầu như họ quên rằng có người dựng nên thế giới này. Chỉ khi đến lúc cầu nguyện họ mới nhớ, “Tôi phải cầu nguyện.” Và rồi, tự đáy tâm hồn, họ thở dài hối tiếc vì đã phí phạm một ngày với những vấn đề phù phiếm và vô ích, và họ chạy đến một góc đường rồi đứng đó cầu nguyện… Tôi nói bạn biết, Thiên Chúa rất yêu quý người ấy, và lời cầu nguyện của họ xuyên thấu bầu trời.
Người đó là bạn, một linh mục… sự cầu nguyện đó là kinh thần vụ.
Tôi muốn chấm dứt với lời cầu nguyện trước khi đọc kinh thần vụ:
Lậy Chúa, con xin dâng giờ kinh này lên Chúa, cùng với sự thờ phượng và ngợi khen của các thiên thần và các thánh trên thiên đàng, cũng như của tất cả các linh mục của Giáo Hội Chúa và của mọi linh hồn tận hiến. Lậy Cha trên trời, qua Trái Tim Vô Nhiễm của Đức Maria, con dâng lên Cha chuỗi cầu nguyện này, được trở nên thánh thiện trong Thánh Tâm Chúa Giêsu và được hợp nhất với lời cầu nguyện thánh thiện nhất của Người. Xin cho mọi lời cầu nguyện này là các hành vi của lòng mến tinh tuyền, sự thờ phượng, sự cảm tạ, sự đền đáp, sự tín thác, và dâng hiến cho thánh ý Cha. Vì sự yếu đuối của con, lời cầu nguyện này sẽ là sự hiệp thông thiêng liêng, một hành vi khiêm tốn, và sự hy sinh vô cùng; và xin cho lời cầu nguyện này là một hy sinh để ca tụng và vinh danh Người, ôi Ba Ngôi Cực Thánh. Amen.