(Đoạn trích Kinh Thánh: Gioan 6:35)
Lịch Sử--Mầu Nhiệm--Uy Nghi“. Bạn đã từng nghe những lời đó, có phải không? Những lời này nổi tiếng nhờ học giả phụng vụ lừng danh là Pius Parsch, khi suy niệm về ý nghĩa Mùa Vọng, đã diễn tả ba lần giáng thế của Chúa Kitô: (1) trong lịch sử, như một hài nhi tại Bêlem; (2) trong mầu nhiệm, qua ơn sủng; và (3) trong sự uy nghi, như vị thẩm phán vào lúc tận thế.
Phải, Chúa đến với chúng ta trong “lịch sử, mầu nhiệm, và sự uy nghi,” và chính lần ở giữa, mầu nhiệm, mà tôi muốn nói với bạn. Lần giáng thế trong mầu nhiệm thì cũng có thật và có uy lực như trong lịch sử và trong sự uy nghi.
Chúa đến với chúng ta mỗi ngày trong mầu nhiệm, vô hình, âm thầm, bình thản, đơn sơ, trong hàng chục phương cách. Tôi muốn đề cập đến phương cách trong Thánh Thể. Đức Tổng Fulton Sheen viết, “Dấu hiệu của một người Công Giáo là sẵn sàng tìm kiếm Thiên Chúa trong thân xác của một hài nhi nằm trong máng cỏ, và Chúa Kitô tiếp tục hiện diện trong bánh và rượu trên bàn thờ.”
Việc nhận biết chân lý này, là Chúa Giêsu đến với chúng ta trong mầu nhiệm Thánh Thể, đó là điều thiết yếu cho mọi người trong Giáo Hội, nhất là các linh mục phải tỏ ra kính sợ sự hiện diện mầu nhiệm này, phải tin tưởng sâu xa vào tính cách thực tế của mầu nhiệm, phải không ngừng đói khát lương thực thần linh này, và phải ao ước được thưởng thức sự hiện diện của Người trong bí tích Thánh Thể, và vui sướng nói với người khác về quà tặng thánh thiêng này. Nói đơn giản, một tình yêu say đắm về sự hiện diện nhiệm mầu của Chúa Giêsu trong Thánh Thể là một động lực trong đời sống linh mục. Như Công Đồng Vatican II nói rõ, Thánh Thể là “tâm điểm và nguồn gốc của toàn thể cuộc đời linh mục” (Presbyterorum Ordinis, số 14).
Thật có lợi cho chúng ta khi nhìn lại giáo huấn của Giáo Hội về Thánh Thể. Hiển nhiên, một trong những môn học quan trọng ở đại chủng viện là về bí tích Thánh Thể, là nơi bạn suy nghĩ về học thuyết Thánh Thể một cách có phương pháp. Ở đây tôi chỉ muốn nhìn lại các căn bản, thật vậy, tuy có đôi chút dài dòng về những gì chúng ta đã được dậy khi chuẩn bị rước lễ lần đầu. Về các căn bản, còn đâu khác hơn là Giáo Lý Công Giáo.
Sách Giáo Lý mở đầu phần thật hay về bí tích Thánh Thể bằng cách trích dẫn Sacrosanctum Concilio: “Trong bữa Tiệc Ly, vào đêm hôm trước khi chịu chết, Chúa chúng ta đã thiết lập Hy Lễ Thánh Thiện là mình và máu Người. Chúa Giêsu đã thi hành điều này để duy trì hy lễ thập giá qua các thế hệ… và như vậy giao phó cho Hiền Thê yêu dấu của Người là Giáo Hội, việc tưởng nhớ đến sự chết và sự sống lại của Người: một bí tích tình yêu, một dấu chỉ hợp nhất, một mối giây bác ái, một bữa tiệc vượt qua, trong đó Chúa Kitô bị tiêu thụ, tâm trí được đầy tràn ơn sủng, và lời hứa vinh hiển trong tương lai được ban cho chúng ta” (Số 1323).
Có lẽ tôi phải ngừng ngay ở đây! Khi tiếp tục trích dẫn Văn Kiện Công Đồng về Phụng Vụ Thánh, sách Giáo Lý nói với chúng ta rằng Thánh Thể là “nguồn và đỉnh cao của đời sống Kitô Hữu… Vì, trong Thánh Thể chứa đựng trọn vẹn lợi ích tinh thần của Giáo Hội, có thể nói, là chính Chúa Kitô” (Số 1324). Nói tóm lại, chúng ta được dậy rằng “Thánh Thể là toàn bộ và tóm lược đức tin của chúng ta” (Số 1327).
Lướt qua các danh xưng của mầu nhiệm này, sách Giáo Lý tái xác nhận rằng Thánh Thể là hành vi tối cao để ca tụng và cảm tạ, trong đó Chúa Kitô nuôi dân Người trong một bữa tiệc thánh, trong một cộng đồng là biểu lộ hữu hình của Giáo Hội, như một tưởng nhớ về sự thống khổ, sự chết, và sự sống lại của Đấng Cứu Độ, và để nhắc lại sự hy sinh vĩnh viễn, vô cùng xứng đáng của Chúa Con dâng lên Chúa Cha trên thập giá.
Công việc chính yếu này của Giáo Hội là nghi thức phụng vụ tinh tuyền nhất, mà kể từ thời Chúa Kitô, tuy có những thay đổi bên ngoài, vẫn giữ nguyên căn bản với các yếu tố không thể thay đổi là cộng đồng, linh mục, Lời Chúa, bánh và rượu, và bí tích:
Bài học giáo lý thì đã đủ, nhưng không thể nào nói hết được, phải không?
Bây giờ là đến món chính… tất cả những điều này nói gì với chúng ta, là các linh mục và linh mục tương lai? Tôi muốn chú ý đến hệ luận tất yếu về đức tin Thánh Thể của chúng ta, bẩy gợi ý thực tế trong đời sống linh mục và chủng sinh.
Trước hết… tôi muốn hỏi: Bạn có thực sự tin những gì Giáo Hội tin về mầu nhiệm Thánh Thể không? Các bạn ơi, có lẽ thử thách mục vụ lớn lao nhất mà chúng ta sẽ phải đối diện là khơi dậy trong dân chúng một đức tin sống động, như trẻ thơ về sự lạ lùng của Thánh Thể, và, chúng ta không thể cho đi nếu chúng ta không có! Bạn có đức tin ấy không?
Và, trong những lời không thể quên được khi đức giám mục trao chén và dĩa thánh cho chúng ta: “Hãy nhận từ dân thánh thiện của Thiên Chúa những tặng phẩm được dâng lên Người. Hãy biết rõ những gì con đang làm, và hãy bắt chước mầu nhiệm mà con cử hành…”
Tôi đề nghị với bạn, phần quan trọng nhất trong sự phân định ơn gọi linh mục là tình yêu Thánh Thể của bạn. Bạn có hoàn toàn chấp nhận học thuyết của Giáo Hội về Thánh Thể không? Hiện giờ bạn có yêu quý Thánh Lễ, thực sự tham dự hàng ngày, mong đợi tham dự, và bị lôi cuốn bởi sự hiện diện của Chúa trong Thánh Thể không? Nếu không, có thể đây là dấu hiệu bạn không có ý định trở thành linh mục, vì, như Công Đồng Vatican II đã dậy, “Thánh Thể là tâm điểm và nguồn gốc của toàn thể cuộc đời linh mục.” Và vì vậy, hệ luận đầu tiên phát xuất từ sự tin tưởng vào mầu nhiệm Thánh Thể là, “Bạn có thực sự tin điều đó không?”
Gợi ý thứ hai cho đời sống linh mục chúng ta là việc cử hành bí tích Thánh Thể, Thánh Lễ, phải là tâm điểm của đời sống chúng ta. Như có lời ao ước, “Lậy Chúa, xin giúp con coi Thánh Lễ không chỉ một phần nhưng là tâm điểm của một ngày.”
Bạn đã từng nghe tôi nói về Đaminh Tang, đức tổng giám mục can đảm của Trung Hoa bị cầm tù trong hai mươi mốt năm vì lý do không gì khác hơn là trung thành với Chúa Kitô và Giáo Hội đích thật, duy nhất của Người. Sau năm năm biệt giam trong một phòng nhỏ hẹp, không có cửa sổ, tên cai tù bảo người có thể ra khỏi đó trong một vài giờ để làm bất cứ gì người muốn. Năm năm biệt giam, và người chỉ có một vài giờ để thi hành bất cứ gì người muốn! Điều đó là gì? Tắm nước nóng? Thay quần áo? Hay đi bộ ngoài trời? Một cơ hội gọi điện thoại hay viết thư cho gia đình? “Điều đó là gì?” tên cai tù hỏi.
Đức Giám Mục Tang trả lời, “Tôi muốn dâng Thánh Lễ”.
Một đề tài nóng bỏng ngày nay là “linh đạo của linh mục triều.” Ngay cả những người hỗ trợ cũng phải thú nhận là nó mờ đục, không rõ ràng, đề tài mới, với nhiều ý kiến đáng giá về “linh đạo của linh mục triều” là gì. Nhưng tất cả đều đồng ý một điều: nó phải được nhắm đến việc cử hành bí tích Thánh Thể cho dân chúng.
Thật là một phương cách tiếp cận thực tế đối với linh đạo của linh mục triều! Chúng ta coi Thánh Lễ hàng ngày là tâm điểm của một ngày. Điều đó có nghĩa chúng ta chuẩn bị bằng cách suy niệm trước các bài đọc, có tinh thần cầu nguyện và hồi tâm trước Thánh Lễ, cử hành Thánh Lễ cách cung kính, thành khẩn. Nếu thi hành như vậy, chúng ta đang trên đường đến với “linh đạo của linh mục triều,” và rồi nhận ra rằng chúng ta đem Chúa Kitô là Người mà chúng ta dâng hiến và lãnh nhận cho dân chúng, trong thừa tác vụ của chúng ta trong suốt một ngày.
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết: “Linh đạo của mọi linh mục triều phải liên kết với Thánh Thể. Ở đây họ có được sức mạnh để dâng hiến cuộc đời mình cùng với Chúa Giêsu, vị thượng tế và lễ vật của sự cứu độ. Qua hy lễ Thánh Thể, đời sống độc thân được củng cố. Từ thập giá, Chúa nói với mọi tư tế của Người, mời gọi họ cùng với Người trở nên các dấu chỉ mâu thuẫn.”
Khoảng mười năm trước đây, khi mẹ tôi bị giải phẫu quan trọng, và chỉ ba ngày sau đó, lại phải trải qua cuộc giải phẫu lần thứ hai. Bạn có thể tưởng tượng được rằng, anh chị em chúng tôi thật lo lắng khi chờ đợi kết quả đến thế nào. Sau cùng vị y sĩ bước ra cho biết tin vui, và giải thích cặn kẽ những điều ông đã thi hành. Không lâu sau đó, trên hệ thống phóng thanh của nhà thương có thông báo, “Thánh Lễ sẽ bắt đầu ở nhà nguyện trong mười phút nữa.”
Vị y sĩ ấy nói, “Thành thật xin lỗi, đó là hành động của tôi. Nếu tôi không cử hành Thánh Lễ, cả ngày tôi không làm được gì tốt.” Một linh mục còn có thể nói gì hơn?
John Clifford, vị linh mục dòng Tên bị cầm tù 3 năm ở Thượng Hải, có viết trong cuốn “In The Presence of My Enemies“ (trong sự hiện diện của kẻ thù) là “Trong 888 ngày tôi không cử hành Thánh Lễ, cũng không được rước Mình Thánh. Không ai có thể cảm nhận được tầm quan trọng của sự mất mát ấy bằng linh mục.”
Một lần nữa, tôi muốn hỏi các chủng sinh là các bạn có coi Thánh Lễ hằng ngày là tâm điểm của một ngày hay không. Nếu bạn sợ hãi điều đó, nếu bạn tham dự thất thường, nếu bạn thụ động và rầu rĩ--nếu đó là điều thứ yếu trong ngày và không phải là tâm điểm của một ngày—đó là một dấu hiệu rằng bạn không được mời gọi để làm linh mục.
Trong dịp mừng lễ kim khánh, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II giảng: “Trong suốt năm mươi năm linh mục, điều luôn quan trọng nhất và giây phút thiêng liêng nhất đối với tôi là việc cử hành bí tích Thánh Thể. Thánh Lễ là tâm điểm tuyệt đối của đời tôi và mọi ngày trong đời tôi.”
Điểm thứ ba: đức tin của chúng ta nơi Thánh Thể, và sự nhận biết rằng Thánh Lễ là tâm điểm của ngày, và rồi tuôn trào thành một khao khát liên tục muốn được thưởng thức sự Hiện Diện Thật Sự của Chúa trong Thánh Thể qua sự thường xuyên cầu nguyện trước Thánh Thể.
Vị cựu tổng giám mục của San Francisco là John Quinn, rất thích kể lại câu chuyện về Mẹ Têrêsa và dòng Bác Ái Truyền Giáo khi mở trung tâm ở trong thành phố. Tội nghiệp đức tổng Quinn khi đã cố gắng hết sức để đoan chắc là nhà dòng của các nữ tu thật thoải mái, tuy không sang trọng. Người kể lại khi Mẹ Têrêsa đến nơi, ngay lập tức mẹ ra lệnh dỡ bỏ tấm thảm, mọi điện thoại đều bị cắt bỏ, ngoại trừ một chiếc, các giường bị lấy đi khỏi, và vân vân. Mẹ Têrêsa giải thích cho đức tổng, “Tất cả những gì cần cho nhà dòng của chúng con là nhà tạm.”
Cách đây không lâu, tôi nhận được một lá thư của Thầy Randal Riede, người cựu quản thủ thư viện của đại chủng viện, vừa mới về hưu. Không cần nói nhiều, vào lứa tuổi của thầy, thật khó khăn khi phải điều chỉnh nếp sống cho phù hợp với đời sống mới sau hai mươi sáu năm ở thư viện. Nhưng thầy ấy viết, “Con thấy vui khi ở đây. Con có phòng riêng, có sách vở, và nhà nguyện gần bên cạnh.”
Là linh mục và linh mục tương lai, chúng ta phải hăng hái viếng Chúa là dường nào--Người là Đấng Cứu Thế, là cha sở, là tất cả và cùng đích của chúng ta, là người bạn thân—đang hiện diện trong bí tích Thánh Thể cho chúng ta. Làm thế nào chúng ta có thể đi ngang qua đó mà không chào một tiếng.
Chúng ta cũng không thể quên sự hiện diện của Chúa bên trong con người chúng ta sau khi rước lễ. Thánh Giáo Hoàng Piô X có nói, “Hãy nhớ rằng, ở bên này thiên đàng, không có cách nào gần Chúa Giêsu hơn là đón nhận Người trong bí tích Thánh Thể một cách xứng đáng.”
Vị tiến sĩ Hội Thánh, Bông Hoa Nhỏ, đã viết, “Chúa chúng ta không từ thiên đàng xuống đây hàng ngày trong chén vàng. Người đến để tìm một thiên đàng khác, thiên đàng của linh hồn chúng ta vì Người thích ngự ở trong đó.” Đó là bí mật! Và vì chúng ta muốn dành cả cuộc đời để nói với người khác về điều đó, nó không còn là bí mật!
Khi ý thức về sự Hiện Diện Thật Sự của Chúa giữa chúng ta, chúng ta muốn thưởng thức Người trong lòng chúng ta, và khi Người thật sống động trong Bí Tích Cực Thánh.
Hệ luận thứ tư: Thánh Thể thuộc về Chúa Kitô và Giáo Hội của Người, chứ không phải tôi. Hãy nhớ lời Thánh Gioan Vianney đã nói, “Mọi việc làm tốt lành trên thế giới này cũng không bằng Hy Lễ Thánh Thiện của Thánh Lễ, vì đó là công trình người đời, nhưng Thánh Lễ là công trình của Thiên Chúa. Ngay cả sự tử đạo cũng không là gì khi được so sánh, vì đó là sự hy sinh của con người cho Thiên Chúa, nhưng Thánh Lễ là sự hy sinh của Thiên Chúa cho loài người.”
Thánh Lễ là hành động của Đức Kitô và Giáo Hội, không phải của tôi! Sự bí ẩn của Thánh Lễ là chúng ta được hấp thụ vào hành vi tột cùng của sự chúc tụng, sự đền tội, sự toại nguyện, và sự khẩn cầu của Chúa Con lên Chúa Cha! Phải, chúng ta tham dự trọn vẹn và ân cần, nhưng điều đó chỉ làm cho sự hợp nhất thêm chân thành với Chúa Con, vì Thánh Lễ là công việc của Người, sự hiện diện của Người. Thánh Ambrôsiô viết, “Khi nói đến bí tích đáng tôn kính này, vị linh mục không còn dùng đến ngôn ngữ của mình. Chính Chúa Kitô là người thánh hiến.”
Một trong những người mới làm linh mục được năm năm mà tôi phỏng vấn mới đây đã nói rất hay về sự hiểu biết này. Cha kể lại, trong thời gian nghỉ hè, khi cử hành Thánh Lễ hằng ngày một mình với giáo đoàn, người thấy được quý trọng, sau đó khi trở lại trường, cùng đồng tế với hàng chục linh mục khác, người thấy thật khó khăn. Và rồi trong sự cầu nguyện, cha thấy rằng, thực sự, Chúa Giêsu luôn luôn là chủ tế duy nhất, Người chính thức thi hành, trong mỗi Thánh Lễ, và chúng ta luôn luôn đồng tế với Vị Thượng Tế Đời Đời. Thánh Lễ, bí tích Thánh Thể, thuộc về Đức Kitô và Giáo Hội, chứ không phải tôi.
Hãy nhớ điều đó vì có những gợi ý thực tế.
Trước hết, điều đó có nghĩa chúng ta không được tự do sửa chữa Thánh Lễ, thay đổi cho phù hợp với suy nghĩ của chúng ta, vì Thánh Lễ không bao giờ thuộc cá nhân ích kỷ, nhưng thuộc Chúa Kitô và thuộc Giáo Hội. Do đó, chúng ta phải để ý đến chỉ dẫn chữ đỏ, sự thích hợp, sự tôn kính, và thận trọng. Chúng ta là người quản lý, chứ không phải chủ nhân của quà tặng không thể diễn tả này.
Do đó, tôi nói với bạn:
… thì đó là lúc phải định hướng lại, vì Thánh Lễ không phải là của tôi, nó thuộc về Chúa Kitô và Giáo Hội.
Điều đó có nghĩa chúng ta thực sự quý trọng cách cử hành Thánh Lễ hiện nay, ở Hoa Kỳ, chứ không phải theo kiểu cách của những người mong muốn nó sẽ được cử hành sau công đồng Vatican III hoặc những người muốn được cử hành như trong năm 1959!
Vì vậy, tôi nói với bạn:
… thì đã đến lúc phải tự vấn lương tâm, vì Thánh Lễ thuộc về Chúa Kitô và Giáo Hội của Người, chứ không phải tôi; là một linh mục tôi quản lý chứ không phải sở hữu. Giáo Hội không cần các linh mục tương lai là người muốn quên đi và loại bỏ luật phụng vụ và chỉ dẫn chữ đỏ để theo kiểu cách của mình, hay người chỉ thích truyền thống nên gạt bỏ sự canh tân và cải tổ mà đã xảy ra trong Giáo Hội hơn ba thập niên qua, hoặc người có ác ý gạt bỏ người khác khi không theo ý của mình.
Điều này có nghĩa là, thực sự, vấn đề sở thích chỉ là thứ yếu. Tất cả chúng ta đều có sở thích về phụng vụ. Trường này có khoảng một trăm tám mươi sở thích khác nhau.
Được… chúng ta luôn luôn có sở thích khác biệt về phụng vụ. Nhưng nếu chúng ta bắt đầu đo lường giá trị của Thánh Lễ theo sở thích riêng, chúng ta đã quên rằng Thánh Lễ thuộc về Chúa Kitô và Giáo Hội, chứ không phải tôi: Là một linh mục tôi quản lý chứ không phải sở hữu chủ; và sự kiên nhẫn quý trọng sở thích, nhu cầu và kiểu cách phụng vụ khác biệt, khi chúng hợp pháp, là một nhân đức cần thiết cho một linh mục.
Hệ luận thứ năm: thách đố lớn lao cho chúng ta ngày nay là phục hồi nơi giáo dân một đức tin sâu đậm và một tình yêu thâm thuý đối với Thánh Thể.
Trong những thống kê đáng sợ mà chúng ta nghe được ngày nay, còn thống kê nào ghê rợn hơn cuộc thăm dò của Gallup cách đây vài năm cho thấy chỉ có hai mươi chín phần trăm người Công Giáo tin rằng Thánh Thể thực sự là mình và máu Chúa Giêsu? Điều đó không phải vì cố tình phản chính thống hay ngoan cố chống lại học thuyết của Giáo Hội; nó chỉ vì chúng ta là linh mục, và các giáo lý viên của Giáo Hội, không dậy bảo cách đúng đắn.
Các thánh tỉ như Thánh Phanxicô “de Sales”, Charles Borromeo, Peter Canisius, Gioan Vianney, và Don Bosco sẽ nói với chúng ta rằng mọi canh tân đích thực trong đời sống Giáo Hội đều khởi sự với Thánh Thể. Vì vậy, chúng ta, sẽ là các linh mục cho thiên niên kỷ mới, phải đặt một mục tiêu mục vụ chủ yếu để ấp ủ lòng yêu quý Thánh Thể: một sự hiểu biết về Thánh Lễ, và trọn vẹn tham dự trong Phụng Vụ, và một tin tưởng vững vàng vào sự Hiện Diện Thật Sự của Chúa trong Thánh Thể, Đấng mà chúng ta sẽ lãnh nhận trong Thánh Lễ và cũng là Người chúng ta tôn thờ trong bí tích Thánh Thể.
Chúng ta thi hành điều đó như thế nào? Bạn cũng biết rõ như tôi: bằng lời nói và gương mẫu.
Bằng lời nói, khi chúng ta giảng dậy một cách rõ ràng, mạch lạc, và một cách lôi cuốn về đức tin của Giáo Hội nơi bí tích Thánh Thể, đừng bao giờ bỏ qua cơ hội để giải thích đức tin của Giáo Hội trong bài giảng, lớp giáo lý trẻ em, hay lớp giáo lý tân tòng. Tôi biết có một cha sở thật tuyệt khi đề ra chương trình RCIA (giáo lý tân tòng), với hầu hết các bài giảng dậy là do giáo lý viên được huấn luyện phụ trách, ngoại trừ hai lớp về bí tích Thánh Thể do chính cha đảm trách. Trong ba giáo xứ mà tôi phục vụ, chính cha sở là người chuẩn bị cho các em trước khi rước lễ lần đầu. Qua lời nói, chúng ta có thể làm sống lại sinh khí của Thánh Thể trong Giáo Hội.
Và, có lẽ quan trọng hơn cả là gương mẫu đời sống của chúng ta. Giáo dân thấy chúng ta dâng lễ với niềm vui, sự tôn kính, và có chuẩn bị, hay chúng ta luộm thuộm, hoặc thiếu nghiêm chỉnh tuân theo chỉ dẫn chữ đỏ, hoặc như một cái máy thay vì một kiểu cách chủ tế nồng nhiệt và mời gọi?
Đời sống gương mẫu của chúng ta có thể gia tăng hoặc tiêu diệt lòng sùng kính Thánh Thể, vì bất cứ linh mục nào xứng đáng với ơn gọi của mình đều coi việc canh tân đức tin nơi Thánh Thể là một đích điểm rất cao về mục vụ.
Hệ luận thứ sáu: bởi bản chất công khai, xã hội, và cộng đồng, bí tích Thánh Thể mời gọi chúng ta vượt ra ngoài con người của mình trong tình yêu hy sinh cho tha nhân. Không bao giờ Thánh Lễ có thể trở nên một thời gian riêng tư, xa cách, thoải mái một cách ích kỷ. Trong khi cử hành Thánh Lễ, hoặc khi cầu nguyện trước Thánh Thể, chúng ta phải luôn nhớ đến nhu cầu của dân Chúa.
Phải, bạn rất đúng khi coi Thánh Thể xoa dịu, an ủi, khuây khỏa, phục hồi—nhưng đó là để kiên cường chúng ta trong sự độ lượng phục vụ dân Chúa. Ngay cả chữ “Thánh Lễ” (missa), xuất phát từ tiếng Latinh có nghĩa giải tán, “Ite missa est“ (”Hãy đi, bạn được sai đi”). Chúng ta không được mời gọi để chiêm niệm hàng giờ trước Thánh Thể, tuy cơ hội đó thật hấp dẫn. Hàng ngày chúng ta được mời gọi để dâng Thánh Lễ, và bén rễ trong mầu nhiệm đó, chính vì vậy chúng ta mới có thể trở nên các mục tử hăng say.
Thánh Lễ hàng ngày, giây phút thinh lặng thăm viếng Chúa trong Thánh Thể, sẽ thêm sức tâm linh cho chúng ta để phục vụ dân Chúa được hữu hiệu hơn. Bạn tự hỏi làm thế nào Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II có được sức lực để kiên trì đi theo chương trình nặng nề hàng ngày mà vẫn hăng hái trong một thân thể tiều tụy? Bạn sẽ có câu trả lời khi được tham dự Thánh Lễ với người, vì khi bạn bước vào nhà nguyện, người đã quỳ ở đó cầu nguyện trước nhà tạm hàng giờ đồng hồ trước khi cung kính cử hành Thánh Lễ. Bàn quỳ của người như chĩu nặng với các nhu cầu ở khắp nơi trên thế giới khi người mang theo các nhu cầu ấy vào Thánh Lễ, và rồi hình ảnh đồi Canvê như sống lại.
Sau khi làm linh mục được ít lâu, tôi được cha mẹ một đứa bé mười tháng gọi đến bệnh viện, vì nó ngã từ trên cầu thang xuống đất. Đứa bé có lẽ không sống nổi, và bạn có thể hình dung ra cha mẹ nó thật đau khổ chừng nào. Sau khi ở với họ một thời gian, tôi xin kiếu để về nhà thờ dâng lễ chiều. Tôi không thể nào quên được lời của người cha, “Khi dâng lễ, xin cha đặt cháu trên dĩa thánh.”
Trong Thánh Lễ, chúng ta mang theo tất cả các nhu cầu, những đau khổ, thương tích, và gian khổ của người dân. Và sự yêu quý Thánh Lễ cũng như thời gian trước sự Hiện Diện Thật Sự của Thánh Thể giúp chúng ta phục vụ dân chúng cách tốt đẹp hơn. Tôi thường trích lời của Cha Walter Burghardt, S.J., là người nói rằng những lời mà linh mục thốt ra trong Thánh Lễ--”Người làm phép tấm bánh, bẻ ra, và trao đi”—cũng là đặc tính của thừa tác vụ linh mục, khi chúng ta làm phép, bị bẻ ra, và cho đi trong sự thương yêu và phục vụ dân Chúa.
Một trong những linh mục bạn tôi đã in những lời sau trong tấm thẻ kỷ niệm ngày chịu chức linh mục, được gọi là “Lời Cầu của Chén Thánh”: “Lậy Cha, con dâng lên Cha trọn vẹn bản thể con, một chén trống rỗng. Xin chấp nhận sự trống rỗng ấy để đổ đầy với chính Cha, để các quà tặng quý báu của Cha có thể lan toả qua con và tuôn trào từ chén tâm hồn con vào tâm hồn của những ai mà con sẽ gặp trong ngày hôm nay, để cho họ thấy sự mỹ miều của niềm vui và sự sung mãn của Cha, và sự bình an thanh thản của Cha mà không có gì tiêu diệt được.”
Khi trường English College ở Rôma mừng Ngày Các Thánh Tử Đạo, tôi thường đến nhà nguyện để xúc động trước tấm tranh vẽ ở đằng sau bàn thờ kể lại các cựu chủng sinh trường này trở về Anh Quốc khi vừa mới chịu chức và chịu tử đạo: tôi hôn kính các thánh tích ở dưới bàn thờ. Vì lần đầu tiên khi đến đây, tôi được một linh mục cho biết là cứ mỗi lần tin tử đạo được loan về trường ở Rôma là các chủng sinh lại quy tụ ở đây để hát kinh Te Deum (Tạ ơn Chúa). Sau đó cha chỉ cho tôi thấy một điều mà chưa bao giờ tôi để ý: đó là nhà tạm được đặt trên một bàn thờ mà thực sự là tấm thớt của người hàng thịt, tượng trưng cho tấm thớt mà các vị tử đạo bị mổ bụng và phanh thây. Tôi xin lỗi vì hình ảnh hung bạo ấy, nhưng, khi cử hành Thánh Lễ, khi quỳ trước nhà tạm, vị linh mục chứng tỏ ý muốn của mình là sẵn sàng hy sinh phục vụ dân chúng, như đặt đời mình trên tấm thớt người hàng thịt.
Cha Giuse Nguyễn Công Đoan, dòng Tên, là người bị đi học tập cải tạo trong chín năm trời, đã kể lại cách người làm lễ khi được một linh mục bạn chia cho ít bánh rượu. “Tối hôm ấy, khi tất cả các tù nhân khác đã yên giấc, nằm trên sàn nhà tù, tôi dâng Thánh Lễ với nước mắt tuôn trào. Bàn thờ của tôi là tấm chăn, áo tù là lễ phục, nhưng tôi thấy mình như ở tâm điểm của nhân loại và toàn thể tạo vật.”
Thánh Thể không ngừng kêu gọi chúng ta vượt ra ngoài con người của mình trong tình yêu hy sinh cho tha nhân.
Và điểm sau cùng của tôi: Thánh Thể là dấu hiệu và nguyên nhân của sự hợp nhất, và khốn cho ai biến Thánh Thể thành nguồn chia rẽ.
Hai trăm năm trước đây, một phụ nữ Anh Giáo tháp tùng chồng, một thương gia, sang nước Ý, để lại bốn con nhỏ ở nhà với bà con. Họ dong buồm sang Ý, hy vọng rằng nhờ thời tiết thay đổi sẽ giúp chồng bà, vì làm ăn thua lỗ nên sinh ra bệnh hoạn, sẽ được khỏe mạnh hơn. Thật thảm thương, ông chết khi đến Livorno. Người goá phụ trẻ được một gia đình người Ý, là bạn buôn bán, giúp đỡ, và bà đã ở với họ trong ba tháng trước khi trở về Hoa Kỳ.
Người goá phụ trẻ thật cảm kích trước đức tin Công Giáo của gia đình này, nhất là sự sùng kính Thánh Thể: họ thường xuyên tham dự Thánh Lễ, sự cung kính khi rước lễ, sự kính sợ đối với Thánh Thể khi được cung nghinh trong ngày lễ. Bà thấy tâm hồn tan nát của mình được chữa lành bởi khao khát muốn biết sự hiện diện lạ lùng của Chúa, và, khi trở về nhà, bà đã xin gia nhập Giáo Hội. Sau đó bà cho biết việc đón nhận Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể là giây phút hạnh phúc nhất trong đời.
Vào ngày 14 tháng Chín, 1975, tôi có mặt ở quảng trường Thánh Phêrô, khi Đức Giáo Hoàng Phaolô VI phong thánh cho người phụ nữ này, Elizabeth Ann Seton, vị thánh đầu tiên sinh trưởng ở Hoa Kỳ. Đối với thánh nữ, bí tích Thánh Thể là một dấu hiệu và nguyên nhân của sự hợp nhất với Thiên Chúa và Giáo Hội.
Chỉ một vài năm trước đó, một biến cố khác xảy ra trên cùng một lục địa. Một môn sinh của Voltaire viết thư cho ông. Vì muốn trở nên một người vô thần, anh nguyền rủa Thiên Chúa, ghét bỏ Giáo Hội và từ chối đức tin, như Voltaire đã khuyên anh, nhưng người thanh niên này thú nhận rằng anh không thể làm như vậy được, bởi vì anh vẫn cảm thấy sự hấp dẫn kỳ lạ của Thánh Thể.
Anh hỏi Voltaire, làm thế nào tôi vượt qua được sự tin tưởng dị đoan vào sự Hiện Diện Thật của Chúa Kitô trong Thánh Thể? Voltaire trả lời, thật dễ dàng. Vẫn cứ rước lễ; thật vậy, hãy rước lễ năm sáu lần một ngày. Khi làm như vậy, hãy tự nhủ, “Tôi không tin; tôi ghét Chúa; đây là điều mê tín dị đoan.” Không chỉ như vậy, Voltaire còn khuyên, hãy phạm đủ loại tội trọng, nhưng tiếp tục rước lễ, cốt ý tiêu diệt đức tin và nguyền rủa Thiên Chúa. Bốn tháng sau, người thanh niên này viết thư cho biết điều đó có kết quả, và bây giờ anh là người vô thần thực sự. Người thanh niên ấy đã dùng Thánh Thể để chia rẽ--đó là để cắt đứt--sự hợp nhất với Thiên Chúa.
Thánh Thể là dấu hiệu và nguyên nhân của sự hợp nhất, và khốn cho ai biến Thánh Thể thành nguồn chia rẽ. Bạn biết điều đó có thể xảy ra ngày nay. Nghi thức phụng vụ, những thắc mắc về tập quán Thánh Lễ, có thể trở thành đấu trường với các giáo xứ, cộng đồng tôn giáo, và, phải, ngay cả đại chủng viện, bị xâu xé bởi những người cuồng tín ở bất cứ phía nào khi muốn đặt sở thích của mình lên trên sự hợp nhất của Giáo Hội.
Thánh Bernard nói với chúng ta rằng, cũng như con sâu tấn công một cái cây tươi tốt ở chỗ cốt yếu nhất thì Satan cũng tấn công chúng ta nơi hiển nhiên của ơn sủng và nhân đức. Ơn sủng và nhân đức hiển nhiên nhất cho các linh mục là nơi lòng yêu mến Thánh Thể, bởi thế, hãy coi chừng, vì đó là nơi Satan sẽ tấn công.
Thánh Peter Julian Eymard cảnh giác: “Satan không ngừng gây chiến với Thánh Thể. Nó biết Chúa Giêsu ở đó, hiện diện một cách sống động và thực tế. Do đó, nó muốn xóa bỏ Thánh Thể nơi chúng ta: vì, theo nó nghĩ, đây là điểm quyết định của cuộc chiến.”
Nhà hoạt động xã hội nổi tiếng là Dorothy Day nhận xét: “Thánh Lễ lấp đầy tâm hồn tôi với cảm nhận yêu thương mọi người, cả người tin tưởng mù quáng, người kỳ thị chủng tộc, các linh mục xấu xa, giáo dân ích kỷ. Tất cả chúng ta được kết hợp lại, như vợ chồng kết hợp trong hôn nhân, bởi mối quan hệ tinh thần sâu đậm, và như vậy chúng ta trở nên 'một thân thể'.”
Thánh Thể là dấu hiệu và nguyên nhân của sự hợp nhất, và khốn cho ai biến Thánh Thể thành nguồn chia rẽ.
Một trong các chủng sinh là người hướng dẫn du khách ở đền thánh Phêrô kể cho tôi nghe một chuyện lý thú. Anh dẫn một nhóm du khách người Nhật đi tham quan, họ là những người không biết chút gì về đức tin của chúng ta. Với sự dè dặt anh giải thích các kiệt tác về tranh ảnh, điêu khắc, kiến trúc, và sau cùng chấm dứt ở Nhà Nguyện Thánh Thể, anh cố gắng hết sức để ngắn gọn giải thích đó là gì.
Khi cả nhóm tan hàng, một ông già, từng chăm chú lắng nghe, vẫn còn đứng ở đằng sau và hỏi: “Xin lỗi anh. Anh vui lòng giải thích một lần nữa về Thánh Thể được không?” Anh giải thích lại, sau đó ông kêu lên, “A, nếu vậy thì, điều chứa đựng trong nhà nguyện là một công trình nghệ thuật còn vĩ đại hơn tất cả những gì trong vương cung thánh đường này.”
Đó là một kiệt tác, một công trình nghệ thuật, đã được giao phó cho chúng ta, là các linh mục. Chúng ta phải quý trọng giá trị của Thánh Thể hơn ai hết.
Ôi Bí Tích Cực Thánh, Ôi Bí Tích Thánh Thiêng!
Mọi chúc tụng và cảm tạ đều thuộc về Ngài.