(Đoạn trích Kinh Thánh: 2 Timôtê 1:6-12)
Tôi cho rằng mỗi người chúng ta đều có các linh mục để noi gương khi chúng ta lớn lên. Một trong những tấm gương của tôi là cha sở của giáo xứ nhà. Cha Schilly. Với tôi, người là một tấm gương linh mục: người yêu quý chức linh mục, tin tưởng vào căn tính linh mục, một vị lãnh đạo đáng tôn trọng trong giáo xứ, một người luôn luôn mở cửa nhà thờ từ lâu trước lễ 6g sáng để cầu nguyện và vẫn ở lại đó sau khi lễ xong để cảm tạ.
Nhưng bây giờ tôi mỉm cười khi nhớ lại một số điều của người đã thu hút tôi đến đời sống linh mục: người lái chiếc Buick kềnh càng; người biết các nhà hàng ăn ngon; người có thể ngồi chỗ thượng hạng để xem đấu baseball của đội Cardinal; người nghỉ hè đều đặn; người được giáo dân kính sợ; không ai dám đặt vấn đề quyền bính của người; người ta tìm kiếm người để được giúp đỡ và cố vấn; nếu người đến thăm nhà ai, mọi người đều biết và họ được nghĩ là người đặc biệt. Nói tóm lại, người là một người lãnh đạo, một người có ảnh hưởng, được dân chúng tôn trọng, một người có quyền và uy tín để vui hưởng những sự tốt lành của cuộc đời và rất hạnh phúc trong chức linh mục. Thật dễ để tôi muốn trở nên giống người! Đây là chức linh mục mà tôi bị thu hút!
Một buổi sáng ngày trước lễ Giáng Sinh, tôi đang ở lớp chót của trường trung học chủng viện, người yêu cầu tôi tháp tùng người đến viện dưỡng lão để cho rước lễ. Khi nghĩ đến việc được ngồi trên chiếc xe Buick kềnh càng, dân chúng vẫy tay khi chúng tôi đi qua, các cô gái phải trố mắt nhìn, điều đó làm tôi phấn khởi. Dĩ nhiên tôi đi theo! Hơn thế nữa tôi đoán thế nào cũng được ăn trưa tại nhà hàng Coach House, vì Cha Schilly rất quảng đại, và các cô chiêu đãi phải để ý khi cha sở bước vào, và ở đây tôi có thể uống bia mà không ai thắc mắc, vì tôi được sự bảo bọc của một pezzo grosso (”tai to mặt lớn”).
Chặng dừng chân thứ nhất là nhà dưỡng lão. Cả đời tôi thường đi ngang qua đó nhưng chưa bao giờ bước vào, đó là một căn nhà ba tầng cũ kỹ ở lưng chừng đồi. Cha Schilly giải thích rằng người đến đây hàng tuần để thăm và đem bí tích cho khoảng sáu bẩy người Công Giáo. Không bao giờ tôi quên được cái mùi khi mới bước vào—mùi chất phế thải của con người, bụi bặm, dơ dáy—hầu như tôi muốn lên tiếng xin ra xe ngồi đợi.
Cha mỉm cười và chào hỏi những người ngồi ở xe lăn, và chúng tôi đến phòng của người Công Giáo đầu tiên. Tôi há hốc miệng khi bước vào, vì ở đó là một bà lão vàng vọt, xương xẩu, có lẽ chỉ nặng chín mươi cân Anh, nằm trên sàn nhà cạnh giường trong một vũng nước tiểu của chính bà, chiếc áo nhầu nát như muốn tụt khỏi thân thể. Dường như đây không phải là chỗ thích hợp cho một cha sở lịch lãm này! Tôi chết lặng, không biết phải làm gì.
Và Cha Schilly thì sao? Người cúi xuống an ủi bà, làm bà mỉm cười, và ra lệnh cho tôi giúp người đưa bà lên giường. Sau đó người lấy một cái khăn ướt lau mặt cho bà, rồi đi lấy giẻ lau và chùi đống nước tiểu—hiển nhiên là người quá quen với công việc này. Người đặt bà nằm yên trên giường, trấn an bà, cầu nguyện với bà, cho bà rước lễ, trò chuyện với bà và tặng bà một lọ nước hoa nhỏ làm quà Giáng Sinh, và rồi chúng tôi từ giã bà. Tình yêu của người dành cho bà thật hiển nhiên! Và chúng tôi đến với từng bệnh nhân mà người làm họ phấn khởi với sự chăm sóc những người bị bỏ quên, đang chờ chết và khó thương này! Đây là một phần của chức linh mục mà tôi chưa bao giờ nghĩ đến!
Tôi chia sẻ kỷ niệm này với bạn vì đó là một khúc quanh trong đời tôi đối với sự quý trọng chức linh mục. Điều thực sự xảy ra là tôi đã bước từ căn tính linh mục sang nhiệt huyết linh mục.
Việc chịu chức đã đồng hình dạng chúng ta với Đức Kitô trong tận cốt lõi con người, và chúng ta là linh mục trước Thiên Chúa và Giáo Hội của Người, và chức linh mục thì vĩnh viễn và trung tín, và những gì chúng ta thi hành khi là linh mục phải xuất phát từ con người thực của chúng ta, từ căn tính linh mục của chúng ta. Bây giờ hãy suy nghĩ tiếp: căn tính linh mục của chúng ta không phải là một số điều sở hữu thoải mái, dễ chịu mà chúng ta giữ lấy và buộc người khác phải tôn trọng. Đó là một quà tặng, một căn tính, đồng ý, nhưng tự bản chất căn tính ấy thúc ép chúng ta đến một tình yêu vị tha, hy sinh và phục vụ dân Chúa!
Trong Cha Schilly tôi thấy căn tính linh mục; ngày Giáng Sinh ấy tôi cũng thấy được nhiệt huyết linh mục của người. Căn tính linh mục mà thiếu nhiệt huyết thì chỉ là thuyết giáo quyền; nhiệt huyết mà thiếu tự tin và không được duy trì, căn tính ấy sẽ không bền.
Nhiệm vụ của chúng tôi ở trường North American College là để đào tạo các linh mục hăng say: điều đó có nghĩa các linh mục sốt mến lửa yêu vì Chúa và vì dân Người, những linh mục mà điều tiên quyết là phục vụ dân chúng, dù có phải hy sinh và có lẽ ngay cả đời sống. Động lực của họ là sự cứu chuộc những người được phó thác cho họ, là đem người ta đến tiếp xúc với Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế, qua Lời Người, Giáo Hội Người, các bí tích của Người. Chúng ta phải phấn khởi với điều này, không biết mệt mỏi trong nỗ lực, nhiệt thành trong sứ vụ, những người được say đắm lôi kéo bởi công việc siêu nhiên. Đó là nhiệt huyết.
Vị giảng thuyết dòng Tên và cũng là tác giả, Cha Walter Burghardt, đã nói rất hay về những lời mà chúng ta đọc trong mỗi Thánh Lễ: “Người cầm lấy bánh, chúc lành, bẻ ra, và trao cho các môn đệ.” Sau đó người áp dụng tấm bánh này cho chúng ta là các linh mục: Chúa Giêsu cũng cầm lấy chúng ta—Người chọn chúng ta làm tư tế cho Người. Chúa chúc lành chúng ta—khi Người biến chúng ta đồng hình dạng với Người trong chức thánh. Bây giờ, hai điều này, cầm lấy và chúc lành, là những ý niệm dễ thương. Sau đó--bạn sẵn sàng chưa? Người bẻ chúng ta—khi chúng ta vụn vỡ, tan nát, thương tích, cạn kiệt—ngay khi trao chúng ta cho dân Người trong sự phục vụ hy sinh.
Bạn có sẵn sàng dành cả cuộc đời cho người khác chưa? Bạn có sẵn sàng cho những khi phục vụ mà không được biết ơn, những bất tiện không ngừng, tiếp tục trao ban, luôn luôn sẵn sàng--để bị cầm lấy, chúc lành, bẻ ra và trao đi chưa? Nếu bạn tiến đến chức linh mục như một đời sống dễ dãi, thoải mái, tiện nghi, lợi lộc, thì hãy xuất ngay! Chúng tôi không cần thêm các linh mục lười biếng, hay càm ràm, ích kỷ, thờ ơ. Tên của họ là đoàn lũ!
Khi tôi là phó tế ở đây, tôi lãnh một bài sai mùa hè ở Liverpool, Anh Quốc. Cha sở là một trong những người mầu mè nhất chưa từng thấy. Đêm đầu tiên tôi đến trình diện với người và nói, “Thưa Cha, cha muốn con làm gì?” Người trả lời, “Tôi không làm gì cả và anh phụ tá tôi!” Tôi nghĩ người nói đùa, cho đến sáng hôm sau. Thánh Lễ đầu tiên của giáo xứ thì mãi đến trưa; người ăn sáng vào lúc 10g, vừa đọc báo vừa thư thả ăn bữa sáng ngon lành, người đến nhà thờ khoảng 11:15 và đọc kinh thần vụ, người dâng lễ vào lúc trưa, và lúc 12:15 người trở về phòng áo, thở phào nhẹ nhõm và nói với tôi, “Sau cùng thì tôi có thể nghỉ ngơi!”
Tôi nghe một số chủng sinh sau khi đi hè về cho biết là bằng cách nào đó họ bị mang tiếng xấu bởi linh mục mà họ dưới quyền, không phải vì người chè chén say sưa, theo đuổi nữ giới--hay nam giới—hay sống cuộc đời sang trọng, nhưng vì người không làm gì cả. Nếu bạn muốn như vậy, chức linh mục là một trong những đời sống an nhàn, thoải mái nhất, và bạn đã từng thấy các linh mục như vậy.
Một trong những người bạn linh mục của tôi nói rằng, “Vấn đề sức khỏe chính yếu của các linh mục ngày nay thì không phải là kiệt quệ mà là liệt giường.” Một giám mục rất hoạt động nhận xét, “Nếu tôi có được các linh mục làm việc tám giờ mỗi ngày, bốn mươi tiếng mỗi tuần, tôi sẽ có một giáo phận sống động, đầy sinh lực. Vấn đề không phải là thiếu linh mục mà là thiếu nhiệt huyết”. Điều tiếng xấu về linh mục lười biếng, lờ phờ, thờ ơ chỉ có thể chữa trị bằng một liều thuốc nhiệt huyết.
Chúng ta cần, không phải là các linh mục mệt mỏi, lo sợ, bợ đỡ là những người chỉ lo đến giờ nghỉ, phòng ốc, xe cộ, quần áo, sự thảnh thơi, quyền lợi, nhưng các linh mục mà con tim họ nóng bỏng lửa yêu vì Chúa Giêsu và ơn cứu độ cho dân Người mà, như Thánh Phaolô nói, “tất cả là rác rưởi không dính dáng gì đến sự hiểu biết về Chúa Giêsu Kitô.”
Bây giờ, bạn cũng như tôi biết rõ là hầu hết các linh mục đều chăm chỉ làm việc và là những tôi tớ vị tha của Chúa Kitô và Giáo Hội. Chắc là bạn đã không ở đây nếu không có gương mẫu của một linh mục đầy nhiệt huyết. Chúng ta cũng biết rằng nếu nhiệt huyết mà thiếu hướng dẫn nó có thể tiêu hủy một linh mục khi họ không lo lắng gì đến đời sống tinh thần, cá nhân, và sức khỏe. Tất cả những gì tôi yêu cầu là chúng ta hãy nhìn đến lý tưởng của một linh mục là người quá yêu mến Chúa Giêsu và Giáo Hội đến độ họ muốn đem tình yêu ấy cho người khác thay vì chỉ ngồi trong nhà xứ và coi phim bộ; những người không sợ làm việc chăm chỉ, thay vì tiêu thời giờ trong câu lạc bộ thể thao; những người sẵn sàng phục vụ dân chúng, chứ không chỉ theo giờ công sở; những người trông đợi sự bất tiện và không cằn nhằn dù phải chậm trễ giờ chơi “golf”; những người sẵn sàng vâng lời cha sở và phục vụ giáo dân hết mình chứ không phải kể ra một danh sách những gì không muốn làm; những người gặp cha sở và nói, “Con có thể giúp gì?” thay vì “Đây là những gì con không làm.”—đó là nhiệt huyết. Hãy nhớ câu của ĐGH Gioan Phaolô II nói với các linh mục và chủng sinh: “Yêu mến Chúa Giêsu và Giáo Hội phải là đam mê của đời sống các con.”
Đam mê! Đó là nhiệt huyết! Chúng ta phấn khởi! Chúng ta hăng hái! Chúng ta náo nức ra đi! Chúng ta có dũng khí, năng lực, động lực, và sự say mê của các tông đồ vào sáng Hiện Xuống hôm ấy. Bạn có điều đó không? Bạn có thấy ngứa ngáy ra đi và giúp Chúa Giêsu lan rộng Nước Trời cho Chúa Cha? Nếu không, tôi còn biết nói gì vì chúng ta đã gạt ra ngoài các “cha” hững hờ, lờ đờ và lười biếng.
Một trong những người khơi dậy đức tin ở thuộc địa Mỹ Châu là George Whitefield nói rằng, “Lý do tại sao giáo đoàn tê liệt là vì người chết rao giảng cho họ.”
Chúng ta nói về một ơn gọi mà, như Thánh Phaolô viết, nó đưa đến “đổ máu ra như rượu tế lễ.”
Chúng ta đang đồng hình dạng với Đấng là người đã nói:
Điều đó đối với tôi không giống như một lối sống chập chờn, thiếu can đảm, tầm thường. Điều đó nghe như một đời sống được ôm ấp với nhiệt huyết.
Cho tôi nói thẳng: tôi lo rằng mọi điều tiếng xấu, mọi khó khăn, mọi trường hợp các linh mục cởi áo, mọi nghiên cứu về khủng hoảng chức linh mục, mọi câu chuyện về sự thiếu hụt và kiệt quệ, tất cả những điều này đã cướp đi nhiệt huyết của chúng ta. Chúng ta bị cám dỗ bỏ chạy, trốn tránh; chúng ta trở nên mệt mỏi, thận trọng và chỉ thích nói về các giới hạn hơn là những khả năng, chỉ muốn đề cập đến những gì không thể làm thay vì những gì có thể, chỉ muốn dành dụm tài nguyên của chúng ta thay vì liều mình vì Chúa Kitô. Đâu là sự liều lĩnh, năng lực và nhiệt huyết? Bạn biết hình ảnh gì hiện ra trong đầu không? Các bộ xương khô, hết sức sống mà ngôn sứ Êdêkien đã nói đến, đã bơm vào đó sức mạnh của Thiên Chúa và biến chúng thành một con người sống động, mạnh mẽ. Đó là những gì mà chức linh mục cần trong ngày nay!
Cho phép tôi nhận xét rõ hơn về nhiệt huyết linh mục.
Nhiệt huyết của chúng ta không nhắm đến thành công đời này--nhiệt huyết chúng ta nhắm đến sự cứu chuộc các linh hồn. “Hãy cho tôi linh hồn—và giữ lại tất cả những thứ khác,” đó là lời của Thánh Don Bosco. Chúa Giêsu nhìn thấy cốt lõi của một con người, nhìn đến linh hồn của con người. Bạn có nhớ người tật nguyền được đưa từ mái nhà xuống trước mặt Chúa Giêsu không? Người đã chữa lành điều gì trước, thân xác hay linh hồn? “Tội của con đã được tha!” Nói cách khác, Người thấy xa hơn cái thân thể méo mó, bất động và đi vào linh hồn.
Vậy chúng ta có nhìn với đôi mắt của Chúa Kitô khi triển nở một nhiệt huyết, một khao khát các linh hồn không. “Tôi trở nên một linh mục để cứu chuộc linh hồn tôi và giúp người khác gìn giữ linh hồn họ,” đó là lời một linh mục già nói với tôi, đó không phải là một động lực xấu. Chúng ta được thúc đẩy để chiếm được các linh hồn cho Chúa Giêsu, để giúp người ta đến với ơn cứu độ của Chúa Giêsu để họ có thể lên thiên đàng. Hãy nhớ khi Thánh Gioan Vianney bị lạc đường khi đến làng Ars không? Người hỏi một em bé có biết làng ấy ở đâu không. Khi nó trả lời có, Cha Vianney nói, “Con chỉ cho ta cách đến làng Ars, và ta sẽ sống cả cuộc đời ở đó để chỉ cho dân làng Ars biết cách lên thiên đàng.” Người đói khát các linh hồn!
Khi là linh mục, chúng ta làm nhiều điều, từ huấn luyện viên thể thao đến phụ giúp nấu nướng gây quỹ, từ đạo diễn văn nghệ đến chiên xào thức ăn trong cuộc du ngoạn, từ bệnh viện đến nhà quàn, từ phòng riêng đến toà giảng—nhưng tất cả được thi hành vì sự cứu độ các linh hồn.
Sự khao khát các linh hồn được thấy hiển nhiên nhất trong sự yêu quý bí tích. Đặc ân lớn lao nhất của chúng ta là ban bí tích với niềm vui và sự sùng mộ, vì chính trong các bí tích mà linh hồn tiếp xúc với Đấng Cứu Thế. Thánh Giáo Hoàng Lêô Cả nói, “Tất cả những thực thể hữu hình của Chúa Cứu Thế được đưa vào các bí tích.”
Tôi nhớ có lần một bà trong nhóm thêu thùa của giáo xứ bất tỉnh và họ gọi cho nhà xứ. Tôi đến đúng lúc xe cứu thương sắp sửa rời nhà và tôi tháp tùng bà ra bệnh viện. Khi trở về, cha xứ hỏi thăm sự việc. Tôi giải thích, có vẻ hãnh diện, là tôi đã đi với bà trên xe cứu thương, ở với bà trong phòng cấp cứu, gọi điện thoại cho gia đình bà, hộ tống bà vào phòng riêng, và ở với bà trong khi bác sĩ giải thích.
“Cha có xức dầu cho bà ấy không?” người hỏi. Tôi thật bối rối! Ban bí tích cho bệnh nhân là một phương cách hữu hiệu để giúp bà với tư cách là một linh mục, nhưng tôi đã bỏ qua! Rửa tội, giải tội, cử hành Thánh Lễ, chuẩn bị hôn nhân và chứng hôn, chuẩn bị các em thêm sức, an ủi người bệnh với bí tích xức dầu—đây là căn bản của đời sống linh mục, và chúng ta thi hành điều ấy với nhiệt huyết trong sự khao khát các linh hồn.
Tương tự như thế, nhiệt huyết linh mục thúc giục chúng ta mời gọi mọi người đến với Giáo Hội. Cha sở của tôi ở St. Louis nói, “Hai câu hỏi sung sướng nhất mà linh mục được nghe từ giáo dân là, 'Thưa Cha, con muốn xưng tội,' và 'Thưa Cha, con muốn trở nên người Công Giáo.'” Chúng ta hăng say đưa các linh hồn về với Chúa và với Giáo Hội, và nôn nóng trình bầy sự phong phú của đức tin Công Giáo với sự tin tưởng vững chắc. Chúng ta không sợ mời gọi người ta trở nên người Công Giáo, và chúng ta luôn luôn có thời giờ để giảng dậy đức tin.
Linh mục chúng ta không bao giờ có thể cho rằng ai đó là con ruột của mình, nhưng chúng ta tươi cười khi nói về ai đó, “Họ là một người mà tôi đưa trở lại đạo.” Những người theo phái Duy Văn Tự đã cướp đi nhiệt huyết này của chúng ta và đã đến lúc chúng ta phải lấy lại sự hăng say ấy để chiếm được người trở lại cho Giáo Hội.
Hăng say vì các linh hồn. “Hãy cho tôi linh hồn—và giữ lại tất cả những thứ khác!” Như Cha Sở họ Ars nói, “Nếu một linh mục từ trần vì thử thách và khó khăn để vinh danh Chúa và cứu chuộc các linh hồn, điều đó thật tốt lành.”
Một nhận xét thứ hai về nhiệt huyết linh mục: đấu trường lớn nhất để chiến đấu dành linh hồn là giáo xứ. Nhiều giám mục nói với tôi điều này: tôi cần các linh mục coi xứ tốt lành. Đó là một cuộc đời vĩ đại trong thế gian với nhiều thách đố đủ mọi loại. Có lao nhọc, chán nản không? Chắc là vậy! Nhưng linh mục hăng say là người hạnh phúc nhất trong giáo xứ.
Trong giáo xứ, chúng ta là người hành nghề tổng quát. Cha xứ, đức giám mục, giáo dân có quyền trông đợi ở chúng ta làm đủ mọi sự. Một cha sở nói với tôi về cha phó là người nói với người ngay khi mới đến, “Con không giỏi dậy học hay khéo với người già. Cha đừng trông đợi con làm điều đó!” Người dân không muốn đủ mọi thứ nơi chúng ta chỉ vì chúng ta giỏi, nhưng vì chúng ta là linh mục. Phải, chúng ta có giới hạn; phải, chúng ta biết khi nào phải đưa họ qua người khác; nhưng là linh mục giáo xứ, nhiệt huyết chúng ta là cho mọi người trong mọi trường hợp và chúng ta không từ chối một ai.
Cha linh hướng đầu tiên của tôi sau khi làm linh mục có nói, “Hãy nhận biết hai ba điều mà cha không thích nhất và không giỏi, và biết chắc là cha phải buộc mình thi hành điều đó. Những gì thích và giỏi, cha sẽ thi hành cách tự nhiên; với những gì không thích phải tự mình cam kết thi hành.”
Một nhận xét khác về nhiệt huyết linh mục ở giáo xứ: hãy học cách tự khởi sự. Bạn biết đó là gì phải không? Bạn không phải chờ đợi nhưng tự ý phát động; những gì cha sở giao cho bạn thi hành thì không phải là ngoại lệ cho thừa tác vụ linh mục nhưng chỉ là điểm khởi đầu. Bạn là người tự khích lệ và tự khởi sự.
Bạn biết là nếu bạn chỉ thi hành tối thiểu những gì được cha xứ yêu cầu hay người dân mong đợi, bạn đang trên con đường phẳng phiu. Cử hành Thánh Lễ, giảng ngắn gọn, mỉm cười với giáo dân, thay phiên rửa tội, chứng hôn và tang lễ--tốt lắm. Nhiều cha sở vui mừng nếu bạn thi hành nhiều hơn là chỉ lấy cho người ít nước đá hay bật dùm máy truyền hình. Bởi vậy, chúng ta đừng ngồi đó mà than, “Chẳng có gì làm.” Bạn không nói đùa chứ?
Một người tự khởi sự, nhiệt huyết, sáng tạo thì không hết việc làm trong giáo xứ. Một vài năm trước đây, tôi nói chuyện với một cựu chủng sinh về công việc hè ở giáo xứ, anh cho biết giáo xứ ấy phát triển quá nhanh. Cha xứ cho biết hàng tuần có vài gia đình mới di chuyển đến đây. Và anh đã hỏi người thư ký tên và địa chỉ của các giáo dân mới để đi thăm. Thật tuyệt vời!
Tôi cũng nhớ một chủng sinh khác, trong lần giúp xứ thứ hai, cha sở không giao cho anh nhiều việc, nhưng người ao ước anh ở đây trọn năm để giúp cho chương trình giáo lý mà người thú nhận là không có kết quả. Anh bắt đầu đến gặp các giáo lý viên để trò chuyện, khích lệ và hỏi xem anh có thể giúp được gì. Kết quả là anh đã mở một buổi hội thảo về Giáo Lý Công Giáo cho họ.
Nhiệt huyết linh mục thúc giục chúng ta trở nên người tự khởi sự, chứ không thụ động, lãnh đạm chờ người khác bảo chúng ta làm cái này cái nọ, và người tự khởi sự không bao giờ thấy hết việc. Những ngày chờ đợi người ta gõ cửa nhà xứ không còn nữa—chúng ta phải săn đuổi họ, và điều đó cần nhiệt huyết. Một cha xứ nói với tôi, “Nếu phụ tá của tôi, thay vì bù đầu với máy điện toán, anh chỉ cần dành một phần tư thời giờ ở đường phố theo đuổi những người không có giáo xứ thì nhà thờ sẽ đầy người trong các lễ Chúa Nhật.”
Một nhận xét khác về sự đòi hỏi linh mục giáo xứ nhiệt huyết: không có gì thay thế được sự hiện diện của linh mục. Nhiệt huyết thúc giục chúng ta hiện diện với người dân! Người ta hy vọng giáo xứ có nhiều thừa tác viên Thánh Thể, nhưng điều đó không bao giờ ngăn cản một linh mục giúp phân phát Thánh Thể trong Thánh Lễ Chúa Nhật và thường xuyên đem Mình Thánh cho bệnh nhân; người ta hy vọng có nhóm tương trợ để đọc kinh cầu nguyện cho tang gia nhưng điều đó không bao giờ thay thế được việc linh mục đến chia buồn tại nhà quàn; bạn được huấn luyện dậy giáo lý trong trường, trong chương trình giáo lý trẻ em và người lớn, nhưng linh mục vẫn có một sự hiện diện tích cực.
Một linh mục hiểu biết nói với tôi, “Thừa tác vụ giáo dân giờ đây làm cho sự lười biếng linh mục trở thành một nhân đức, khi chúng ta có thể ngồi chơi và để giáo dân thi hành công việc của chúng ta và bào chữa đó là 'cộng tác' và 'khích lệ thừa tác vụ giáo dân.'” Một linh mục nhiệt huyết, đầy năng lực thì luôn hiện diện với dân chúng; trong các cuộc họp, ở sân chơi, trong gia đình, ở bệnh viện, trong phòng bệnh, trên đường phố--không bao giờ chúng ta bỏ lỡ cơ hội để rao giảng Tin Mừng bằng sự hiện diện của linh mục chúng ta.
Chúng ta cần các linh mục nhiệt huyết nhưng không quá khích. Chữ nhiệt huyết có nghĩa một linh mục với tâm hồn bừng cháy vì yêu mến Chúa Giêsu và dân Người và hăng say độ lượng đem lửa ấy đến với người khác; chữ quá khích có nghĩa một linh mục bị ám ảnh, chỉ theo đuổi một mục tiêu, là người nghĩ rằng câu trả lời cho mọi sự là bởi chú ý quá đáng đến một mục tiêu. Mục đích của chúng ta là Chúa Kitô và Giáo Hội--mọi mục tiêu khác chỉ là thứ yếu. Hãy thận trọng đừng quá mê mải với một mục tiêu, dù nó tốt đẹp đến thế nào. Các mục tiêu như phong trào phò sự sống, Medjugorje, chầu Thánh Thể, Lòng Thương Xót Chúa, giáo lý tân tòng, công lý và hòa bình, môi sinh--tất cả đều đáng lưu tâm và hăng say chăm sóc, nhưng đừng trở nên quá khích với bất cứ mục tiêu nào ngoại trừ Chúa Giêsu và Giáo Hội.
Bạn sẽ thấy có những linh mục hầu như “mỗi năm một mục tiêu”—Canh Tân Đoàn Sủng, chuẩn bị hôn nhân, Học Kinh Thánh; mỗi năm đều có một chương trình mới, phong trào mới, kế hoạch mới mà đó là tất cả và cùng đích. Chúng ta cần các linh mục nhiệt huyết nhưng không quá khích, vì sự quá khích thường tiêu hủy chính mục tiêu mà họ đề ra để xúc tiến. “Không có thảm họa nào lớn lao và không thể cứu chữa được cho bằng những thảm họa theo sau sự hăng say quá đáng,” lời của Cha Robert Benson, một linh mục trở lại đạo.
Tôi đã cố nói rõ về nhiệt huyết linh mục, một số phương cách để chúng ta chứng tỏ nhiệt huyết ấy; bây giờ tôi sẽ nói về cách nuôi dưỡng và bảo vệ nó. Bạn nhớ rằng tôi mở đầu chương này bằng đoạn trích Thư 2 Timôtê 1:6-12, là huấn thị của Thánh Phaolô cho Timôtê rằng hãy “để các ơn sủng mà Chúa đã ban cho con bùng lên thành ngọn lửa.” Nhiệt huyết thường được diễn tả là ngọn lửa, tỉ như các lưỡi lửa xuất hiện trên các tông đồ trong ngày Hiện Xuống và biến họ từ những người yếu ớt nhút nhát thành chứng nhân đầy nhiệt huyết. Hình ảnh lửa thích hợp với nhiệt huyết thế nào thì cũng vậy, chức linh mục phải bị tiêu hao vì lửa yêu mến Chúa Giêsu, Giáo Hội, linh hồn của dân Chúa!
Tuy nhiên, lửa có thể tàn, có thể suy sụp thành đống tro lạnh; lửa có thể tắt. Nhiệt huyết cũng vậy. Làm thế nào chúng ta có thể thổi bùng nó lên thành ngọn lửa?
Chúng ta không thể, nhưng Đấng đã ban cho điều đó ngay tự đầu thì có thể. Đó là lý do không làm bạn ngạc nhiên khi tôi coi sự cầu nguyện là phương cách hữu hiệu nhất để duy trì và nuôi dưỡng nhiệt huyết. Hãy kể cho rõ hơn: sự trau dồi một đời sống nội tâm vững mạnh, sự nhận biết hàng ngày rằng đời sống của Thiên Chúa ngự trị trong linh hồn tôi, và việc nuôi dưỡng đời sống tinh thần đó phải là điều thiết yếu. Hàng ngày nuôi dưỡng lửa đó với sự chiêm niệm, kinh thần vụ, cử hành Thánh Lễ, thời gian thinh lặng trước Thánh Thể, thường xuyên xưng tội—nuôi dưỡng lửa ấy với các phương cách đã được minh chứng sẽ giữ cho lửa ấy tồn tại. Khi chúng ta do dự, khi chúng ta thấy nhiệt huyết héo úa và thừa tác vụ trở nên uể oải và trì trệ, hãy thú nhận điều ấy với Chúa, và đơn sơ, khiêm tốn xin Người gia tăng nhiệt huyết để cuộc đời linh mục thêm mầu sắc.
Một linh mục khôn ngoan sẽ sắp xếp thời giờ để thổi bùng ngọn lửa ấy lên. Cuộc tĩnh tâm hàng năm thì quá đỗi quan trọng, quá thiết yếu, nên Giáo Luật đòi hỏi điều đó nơi mỗi linh mục; các cơ hội tỉ như Lễ Truyền Dầu trong Tuần Thánh, khi các linh mục cùng tụ họp với đức giám mục của mình để lập lại lời thề khi chịu chức, thì quá đặc biệt; tham dự lễ truyền chức linh mục hay phó tế thường làm sống lại lý tưởng và nhiệt huyết chúng ta--tất cả là những phương cách thực tiễn để cầu xin nhiệt huyết.
Có thể nào tôi chia sẻ với bạn một mẫu cầu nguyện đặc biệt mà tôi thấy rất hữu ích để nuôi dưỡng nhiệt huyết không? Đó là cầu nguyện trước Thánh Tâm Chúa Giêsu. Để chiêm niệm về trái tim Chúa chúng ta, bừng cháy vì yêu loài người, bị vây bọc với mão gai, quá đỗi hy sinh để cứu độ loài người, từng nhịp đập máu châu báu của Người lại tuôn trào vì chúng ta--sự cầu nguyện đó trước Thánh Tâm không thể nào không làm nhiệt huyết linh mục bừng cháy lên.
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã kết thúc Thư Gửi Linh Mục vào Thứ Năm Tuần Thánh 1986 như sau: “Như Cha Sở họ Ars đã thốt lên: 'Chức linh mục là lòng yêu mến Thánh Tâm Giêsu.' … Chúng ta hãy cùng với Thánh Gioan Vianney tìm kiếm động lực của nhiệt huyết mục vụ trong trái tim Chúa Giêsu, trong tình yêu của Người dành cho các linh hồn. Nếu chúng ta không lãnh nhận từ cùng một nguồn, thừa tác vụ của chúng ta sẽ có nguy cơ không sinh kết quả.”
Tôi thấy sự hiểu biết về cuộc đời các thánh cũng rất hữu ích khi tôi bàng hoàng trước nhiệt huyết khác thường của các thánh như Philip Neri, Y Nhã, Đa Minh, Phanxicô, Catarina Siena, Têrêsa Avila, Gioan Bosco, Gioan Newmann, v.v.
Trong khi nói về sự tu dưỡng đời sống nội tâm là điều không thể thiếu cho nhiệt huyết linh mục, hãy cho phép tôi nhắc đến sự quan trọng của thời gian ở chủng viện về vấn đề này. Nhận biết rằng đời sống của một linh mục là một cuộc đời phục vụ liên tục, vị tha, hy sinh, nên Giáo Hội khôn ngoan buộc phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và lâu dài. Đó được gọi là chủng viện. Tôi tin rằng mọi chủng sinh đều ngứa ngáy làm linh mục, nôn nóng phục vụ, ước ao “ra khỏi đây”. Thật đúng như vậy! Tuy nhiên, nhiệt huyết của bạn khi làm linh mục thì tùy thuộc vào các thói quen về cầu nguyện, học hỏi, và khả năng mục vụ mà bạn đã phát triển khi ở đây. Trong một phương cách nào đó, bạn đang đầu tư vốn liếng tinh thần mà từ đó bạn sẽ rút ra tiền lời trong suốt cuộc đời linh mục.
Ngày xưa, tháng Hai là dành để kính “Cuộc Đời Ẩn Dật” của Chúa Giêsu. Bạn có biết điều đó không? Để thi hành sứ vụ trong ba năm--đời sống công khai—Con Thiên Chúa, Linh Mục Đầu Tiên, đã mất 30 năm để âm thầm chuẩn bị. Thật là một tấm gương mãnh liệt! Những ngày của chúng ta khi làm linh mục sẽ đầy những sinh hoạt bất tận mà chúng ta phải khắc phục với sự ưa thích và nhiệt huyết, một cuộc đời rất tích cực—nhưng cũng phải có một “cuộc đời ẩn giấu”, để giữ lửa ấy cháy lên. Thời gian ở chủng viện cho phép bạn có một loại “đời ẩn giấu” nào đó và khích lệ bạn phát triển các thói quen của con tim mà nó sẽ quyến rũ bạn đến những lúc “ẩn dật với Chúa” trong suốt cuộc đời linh mục năng động. Lời đầu tiên Chúa nói với các tông đồ là “Hãy đến!” Lời sau cùng, “Hãy ra đi!” Sự ra đi sẽ chẳng ích gì nếu trước tiên không đến với Người.
Một phương cách thứ hai để giữ gìn nhiệt huyết linh mục: để ý những dấu hiệu, những ám chỉ nguy hiểm rằng lửa ấy đang leo lét và nhiệt huyết đang úa tàn. Đâu là những “cảnh giác thực tiễn”? Hãy để tôi nhắc đến một vài điều phổ thông:
Đây chỉ là một vài dấu hiệu nguy hiểm cho thấy ngọn lửa đang leo lét. Các cha linh hướng, cha giải tội, và bạn hữu tốt lành có thể giúp khám phá ra và đối phó với những điều đó.
Một phương cách thứ ba để thổi bùng lửa nhiệt huyết linh mục: thường xuyên tẩy rửa cuộc đời chúng ta khỏi bất cứ gì làm giảm bớt sự hữu hiệu truyền giáo. Bạn thấy đó, ngọn lửa có thể sáng tạo, nhưng ngọn lửa cũng có thể thiêu hủy; ngọn lửa nhiệt huyết linh mục thường xuyên thiêu hủy bất cứ gì trong cuộc đời chúng ta mà nó cản trở chúng ta chưa trở thành một linh mục theo con tim và trí óc của Chúa Kitô!
Một khiêm tốn nhận biết chính mình sẽ cho thấy những khuyết điểm cần phải giải quyết—có thể là nóng tính; có thể thiếu sự mau mắn; có thể một thái độ ngạo mạn; có thể là tính nhút nhát và thái độ xa lánh làm người ta không đến với mình; có thể là vấn đề bên ngoài, tỉ như y phục xốc xếch hay bề ngoài cẩu thả, hay thiếu sạch sẽ; có thể là tính khôi hài không đúng lúc hay thói quen nói luyên thuyên. Tất cả chúng ta đều có những nét vẻ cản trở sự hữu hiệu truyền giáo và đe dọa nhiệt huyết của chúng ta.
Bởi đó chúng ta phải biết ơn khi có cha sở, anh em linh mục, cộng tác viên mục vụ, bạn tốt, đức giám mục, viên chức giáo phận, hay một trong những giáo dân vạch ra điều gì đó của chúng ta mà nó cản trở sự hữu hiệu của linh mục.
“Ôi Chúa Giêsu, xin giúp con trở nên một linh mục, giống như trái tim của Chúa, tràn đầy nhiệt huyết vì dân của Người.”
Bạn có phấn khởi về điều đó không? Bạn có hăng hái đi vào một cuộc đời vị tha, độ lượng, sẵn sàng phục vụ dân Chúa không? Bạn có sẵn sàng đồng hình dạng với một người bị đóng đinh trên thập giá khi Người dâng hiến từng giọt máu như của lễ đền bù dâng lên Chúa Cha vì sự cứu độ loài người không?
Tôi nhớ cha linh hướng của trường, Cha David Donovan, có nói: “Đừng trở nên một linh mục nếu bạn không phấn khởi về điều đó.” Phải, nếu chúng ta dần trôi vào chức linh mục, chúng ta sẽ bị cuốn theo chiều gió. Chúng ta cần các linh mục bừng cháy nhiệt huyết. Như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết cho các linh mục vào Thứ Năm Tuần Thánh 1979:
Linh mục nào mà giáo dân cần là những linh mục có ý thức về ý nghĩa của chức linh mục:
Linh Mục
người có đức tin sâu đậm,
người can đảm tuyên xưng đức tin,
người hăng say cầu nguyện,
người giảng dậy với lòng tin sâu xa,
người phục vụ với nhiệt huyết,
người thể hiện tám mối phúc thật trong đời sống thực tế của mình,
người biết cách yêu thương bất vụ lợi,
người gần gũi với mọi người, và đặc biệt là những ai có nhu cầu khẩn thiết nhất.
Như Thánh Vinh Sơn Phaolô chấm dứt cuốn Quy Tắc Chung của người: “Khi chúng ta hoàn tất những gì được yêu cầu, theo lời khuyên của Chúa Kitô, chúng ta phải tự nhủ rằng chúng ta là các đầy tớ vô dụng, chúng ta chỉ thi hành việc bổn phận, và thật vậy, chúng ta không thể làm được gì nếu không có Người.”