(Đoạn trích Kinh Thánh: Phil 4:4-7)
Khi là một linh mục được bài sai làm việc ở Hoa Thịnh Đốn, tôi thường được vinh dự giúp đỡ Nhà Bình An, một nhà tế bần ở góc đông bắc của thủ đô, để chăm sóc người bị AIDS do dòng Bác Ái Truyền Giáo của Mẹ Têrêsa thiết lập. Vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh, 1989, tôi cử hành nghi thức tưởng niệm sự Thống Khổ của Chúa Giêsu cho các nữ tu, tình nguyện viên, và bệnh nhân. Sau khi tất cả đã hôn kính thánh giá, hai chị dẫn tôi lên tầng trên để các bệnh nhân nằm liệt giường ở trên đó cũng có thể hôn chân Chúa chịu nạn.
Khi đi từ giường này sang giường nọ, tôi để ý thấy ở góc phòng có một ông gầy gò, có vẻ khích động, luôn nài nỉ tôi đến với ông. Khi tôi chớm bước đến giường của ông, một chị cản tôi lại, chị cho biết ông này có những hành động bất thường, ông ghét mọi người, và nhiều lần muốn cắn các nữ tu. Dĩ nhiên, bạn hiểu khi bị cắn bởi người bị bệnh AIDS thì sẽ có hậu quả gì. Tuy nhiên, ông này tiếp tục ra hiệu cho tôi đến với ông. Tôi phải làm gì? Một linh mục sẽ phải làm gì? Một cách từ từ, thận trọng, tôi bước đến gần và đưa thập giá cho ông và ông đã cầm lấy rồi hôn—không phải hôn chân, tôi nhớ rất rõ—nhưng hôn mặt của Chúa. Sau đó ông nằm vật xuống giường, kiệt quệ.
Ngày hôm sau, thứ Bẩy Tuần Thánh, các chị gọi tôi cho biết là ông ấy muốn gặp tôi. Tôi lại đến, cùng với các chị làm “hộ vệ” cho tôi. Khi tôi đến gần, ông nói thật khẽ, “Tôi muốn được rửa tội!”
Tôi nhích người đến gần hơn chút nữa, và với vẻ mãn nguyện, tôi yêu cầu ông giải thích lý do tại sao ông lại muốn gia nhập Giáo Hội. “Tôi không biết gì về Kitô Giáo hay Công Giáo,” ông nói với tất cả tàn lực. “Đúng vậy, cả đời tôi từng ghét bỏ tôn giáo. Tất cả những gì tôi biết trong ba tháng nay khi tôi nằm chết dần mòn ở đây là các chị ấy lúc nào cũng vui! Ngay cả khi tôi nguyền rủa họ, họ nhìn tôi với đôi mắt đầy thương cảm. Ngay cả khi họ lau chùi đống ói mửa của tôi, tắm rửa vết thương cho tôi, và thay tã cho tôi, họ luôn mỉm cười; khi họ đút cho tôi ăn, đôi mắt họ sáng lên. Tất cả những gì tôi biết là họ có niềm vui còn tôi thì không. Trong sự tuyệt vọng tôi hỏi họ tại sao họ vui như vậy, mọi chị đều trả lời là 'Giêsu'. Tôi muốn có Giêsu này. Hãy rửa tội cho tôi và cho tôi Giêsu! Hãy cho tôi niềm vui!”
Khi làm linh mục, chưa bao giờ tôi rửa tội, xức dầu, và cho rước lễ mà thấy sung sướng như khi thi hành cho ông. Ông từ trần lúc 3:15 sáng Chúa Nhật Phục Sinh.
Một triết gia Pháp là Léon Bloy đã viết, “Niềm vui là dấu chỉ không thể sai lầm về sự hiện diện của Thiên Chúa.” Đức tin, cậy, mến, sự khiêm tốn, hăng say, sám hối, trung tín, khiết tịnh, và niềm vui—đây là những đức tính quan trọng trong đời sống linh mục. Mới nhìn qua, niềm vui tưởng như được xếp quá cao trong các nhân đức của linh mục, nhưng tôi khuyến khích bạn hãy nhìn lại một lần nữa. Một linh mục mà không có niềm vui là một mâu thuẫn, nhưng các bạn ơi, như các bạn biết, trong Phúc Âm có nói “chúng có cả bầy.”
Khi tôi làm phó xứ cho Little Flower ở St. Louis, trong cuộc họp với ủy ban hỗ trợ ơn gọi tôi hỏi họ rằng các linh mục và nữ tu có thể làm gì để khích lệ người trẻ đi tu. Một cụ già lên tiếng, “Cha có thể bắt đầu bằng sự vui vẻ! Hãy cho giáo dân thấy cha vui khi làm việc và vui với đời sống! Hãy vui lên!” Thật là một lời khuyên tốt.
Andrew Greeley từng tự hỏi có phải nguyên do chính đưa đến sự sút giảm ơn gọi chỉ vì các linh mục và tu sĩ nam nữ đã trở nên hay càu nhàu, quá lo lắng đến tương lai, tràn ngập công việc, luôn than phiền về mọi thứ, bực dọc về đời sống, hay than thân trách phận, và quá nghiêm nghị. Có ai muốn gia nhập một tổ chức như vậy?
Tôi nhớ rõ khi là một chủng sinh mới của trường North American vào tháng Mười 1972, tổng hồng y của Rôma là Đức Angelo Dell'Acqua cử hành Thánh Lễ khai giảng niên khóa mới tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô. Khi người nhìn đến hàng ngàn linh mục, nữ tu, và chủng sinh, người kết thúc bài giảng với lời nói, “Bây giờ tôi yêu cầu mỗi một người.” Chúng tôi nghĩ đến những hy sinh lớn lao hoặc sự cổ vũ về việc nên thánh và học hành. Nhưng, người nói, “Khi anh chị em bước đi trên đường phố ở Rôma, hãy mỉm cười”--một yêu cầu, như bạn nhận thấy, chưa được thi hành.
Thánh Madeleine Sophie Barat nói, “Nếu thế giới thấy sự hạnh phúc của chúng ta, nhà thờ, dòng tu sẽ tràn ngập người chỉ vì họ ghen tị, và thời đại các Tu Phụ Sa Mạc sẽ sống lại khi người sống cô độc đông hơn người ở thành phố.”
Phải. Niềm vui là điều thu hút người ta đến với Giáo Hội. Người Công Giáo không phải là người khắt khe đạo đức. Chesterton đã định nghĩa người khắt khe đạo đức là “người sống trong sự phập phồng lo sợ rằng sẽ có ai đó được vui sướng ở đâu đó!” Tôi nhớ có lần chuẩn bị hôn nhân cho đôi trẻ: cô ta người Công Giáo, anh ấy là Tin Lành. Lúc đầu anh ta tuyệt đối không thích thú gì với Giáo Hội, nhưng sau vài tháng, anh ta đến gặp tôi và nói rằng anh muốn biết thêm về Giáo Hội. “Tại sao?” tôi hỏi, nghĩ rằng có lẽ giáo huấn nào hay nghi thức nào đã ảnh hưởng đến anh.
“Sau khi đám hỏi, con biết gia đình cha mẹ của Duyên nhiều hơn, và, dường như lúc nào họ cũng vui thích với đời sống, họ thật hạnh phúc.” Các gia đình Công Giáo tốt lành phải như vậy.
Có lần tôi đi du lịch nước Đức với cha sở sau khi người về hưu. Chúng tôi khởi sự từ miền bắc nước Đức và, vào ngày thứ ba, chúng tôi xuống miền nam, Bavaria. Bấy giờ, cả hai chúng tôi không mặc áo linh mục, và người hướng dẫn không biết chúng tôi là ai. Khi đến Bavaria, cô hướng dẫn nói, “Bây giờ quý vị sẽ nhận thấy sự thay đổi lớn lao. Trên miền bắc, dân chúng làm việc vất vả, có nhiều nhà máy, dân chúng trông ủ rũ, và đời sống có vẻ buồn tẻ. Dưới này, hãy nhìn các luống hoa, các căn nhà đầy mầu sắc, dân chúng tròn trịa, cười đùa, các trẻ em khắp nơi, thức ăn ngon lành, họ nhẩy múa, ca hát, và nhiều loại bia.” Cô kết luận, “Miền bắc là Tin Lành, miền nam là Công Giáo.”
Có nhớ câu thơ nổi tiếng của Chesterton không?
Bất cứ đâu có người Công Giáo ở đó có mặt trời mọc,
Có nhiều tiếng cười cùng với rượu ngon.
Thiên Chúa luôn ban cho dư đầy.
Chúc tụng Thiên Chúa đến muôn đời!
Bây giờ, hãy nhớ rằng khi tôi nói đến niềm vui, tôi muốn nói sự bình an nội tâm mà Thánh Phaolô cho rằng nó đã làm phát sinh hạnh phúc bên ngoài. Tôi không muốn nói đến loại vui cười khúc khích, giả dối, kỳ cục. Những người này làm bạn khó chịu và sâu bên trong họ thường không có bình an. Niềm vui khiến chúng ta thảnh thơi chứ không phải sự cẩu thả. Một cha xứ kể cho tôi nghe về cha phó, một người lúc nào cũng cười nhưng vô trách nhiệm. Một hôm sau khi cha xứ đã phải làm hai lễ buổi sáng, và sau đó là tang lễ mà cha phó đã nhận trách nhiệm, nhưng người không xuất hiện. Sau cùng khi đến nhà thờ, cha phó giải thích là vì quá vui thích với cảnh đồng quê nên người đã ngủ đêm ở đó để vui với cảnh thiên nhiên. Cha xứ bảo người nên về quê thì hơn vì cha không cần đến người nữa. Niềm vui đích thật thì thực tế, có trách nhiệm, khôn ngoan, sâu đậm, và hợp lý, chứ không phải loại vô nghĩa, rỗng tuếch, giống như con nít.
Thật ý nghĩa khi Giáo Hội hân hoan thì các chủ chăn, các cha xứ, các linh mục phải là những người đầy niềm vui, vì nếu không, điều chúng ta cho là “tin mừng” sẽ trở thành giả dối. Nếu linh mục được cho là phải vui vẻ thì chúng ta nên tìm hiểu làm thế nào để có được điều ấy.
Bởi thế, cho phép tôi hỏi, niềm vui này từ đâu đến? Nguồn gốc của niềm vui là gì? Dĩ nhiên, niềm vui xuất phát từ Thiên Chúa, Người đã vun trồng nó trong tâm hồn người có đức tin.
Do đó bạn biết rằng Thánh Phaolô đã coi niềm vui như một trong những hoa quả của Chúa Thánh Thần, một ơn sủng, một ơn đoàn sủng mà Thiên Chúa đã ban cho. Tôi có thể kể ra một chuỗi các phương cách mà Thiên Chúa là nguồn vui, nhưng chúng ta hãy chú ý đến bốn điều thôi.
Thứ nhất, hãy tin rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Như Thánh Y Nhã nhận định trong các rèn luyện tâm linh, bước đầu tiên để lớn lên trong sự thánh thiện là nhận biết tình yêu của Chúa dành cho tôi, dù tôi hoàn toàn bất xứng, hoàn toàn không đáng. Cô giáo lớp hai của tôi dậy chúng tôi cầu nguyện mỗi ngày: “Thánh Tâm Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa! Thánh Tâm Chúa Giêsu, con tin là Chúa yêu con!”
Khi viết chương này, tôi đang trong ngày thứ Ba của tuần thứ ba Phục Sinh, và trong kinh thần vụ hôm ấy Thánh Augustine nói về niềm vui Phục Sinh và nguồn gốc của nó: chúng ta không thể yêu trừ phi ai đó yêu thương chúng ta trước. Hãy lắng nghe Thánh Gioan Tông Đồ: “Chúng ta yêu Chúa là vì Người đã yêu chúng ta trước.” Nguồn gốc tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa chỉ có thể tìm thấy trong sự kiện đó là Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước. “Tình yêu của Thiên Chúa tràn ngập tâm hồn chúng ta.”
“Thánh Tâm Chúa Giêsu, con tin là Chúa yêu con!” Sự tin tưởng sâu đậm rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta không đưa đến điều gì khác hơn là niềm vui. Linh mục thì luôn luôn ý thức về tình yêu Thiên Chúa ban cho mình, và hăng hái thuyết phục người khác về sự kiện là Thiên Chúa cũng yêu thương họ. Từng giây phút trong đời sống đều thực sự tin vào tình yêu Thiên Chúa ban cho tràn ngập, chấp nhận tình yêu ấy, bày tỏ sự biết ơn, và đáp trả Thiên Chúa bằng tình yêu, dĩ nhiên, đó là bí quyết của niềm vui đích thật.
Nguồn vui thứ hai xuất phát từ sự tin tưởng vào tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa ban cho chúng ta, có thể nói đó là sự tin tưởng rằng Người thực sự ngự trong chúng ta qua ơn thánh hóa.
Sau khi làm linh mục được tám tháng, tôi gặp một dự tòng chưa từng thấy trong đời. Khi giáo xứ tổ chức tuần đại phúc, vào chiều tối thứ ba, một người trạc tuổi tôi đến gặp. Ông tự giới thiệu là giáo sư toán của đại học Hoa Thịnh Đốn gần đó, và ông muốn biết về đạo Công Giáo. Ròng rã trong sáu tháng, tôi phải vật lộn với ông về kiến thức, đi qua những giáo huấn, chiến đấu gian khổ hàng giờ trong những buổi tối. Sau cùng, khi hoàn tất mọi giảng dậy, trong lớp sau cùng, ông nói với tôi: “Cha biết không, có một điều trong giáo huấn Công Giáo mà tôi không thể nào chấp nhận được.”
“Đó là điều gì?” tôi hỏi, nghĩ rằng đó sẽ là một trong những quy luật, như sự Hiện Diện Thật, bí tích hòa giải, vai trò của Đức Mẹ, hay giáo huấn về thẩm quyền của đức giáo hoàng.
Tôi thật ngạc nhiên khi ông nói, “Ngay từ lúc đầu, cha dậy tôi về điều được gọi là 'ơn thánh hóa'. Tôi tin đó là sự hiểu lầm, vì tôi thấy cha giải thích ơn thánh hóa là chính đời sống Thiên Chúa thực sự ngự trong linh hồn người có đức tin, và có thể nói chúng ta được chia sẻ trong sự sống của Thiên Chúa. Rõ ràng là sự hiểu lầm, bởi vì điều đó quá tốt đẹp đến độ tôi không dám nghĩ đó là sự thật.”
“Ông hiểu rất đúng chứ không lầm đâu,” tôi trả lời. Ông là người thực sự quý trọng ơn thánh hóa.
Nếu chúng ta không tin rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta cách say đắm nhưng còn thực sự ngự trong linh hồn chúng ta thì bạn cho tôi biết làm thế nào để có được niềm vui. Thiên Chúa không bao giờ dập tắt đời sống ấy; nhưng chúng ta có thể làm mất đời sống ấy khi xúc phạm đến Người cách nặng nề, và rồi ơn thánh hóa có thể được phục hồi qua việc cầu xin trong bí tích hoà giải. Vì vậy một việc xưng tội tốt đẹp sẽ đem đến niềm vui sâu đậm.
Đời sống siêu nhiên đó, được truyền đạt qua bí tích rửa tội, cũng giống như đời sống tự nhiên, phải được nuôi dưỡng và chăm sóc, và điều đó được thi hành qua sự cầu nguyện, luyện tập nhân đức, và các bí tích. Một trong những nguồn vui lớn lao là rước Mình Thánh Chúa hàng ngày một cách xứng đáng. Ngay thế kỷ thứ tư, Thánh Ephrem đã nhận thấy điều này khi người viết: “Trong bí tích Thánh Thể chúng con ôm ấp và đón nhận Người vào tâm hồn chúng con; kể từ khi lãnh nhận ơn rửa tội chúng con có được kho tàng của Người giấu kín trong chúng con; ơn ấy ngày càng phong phú hơn tại bàn tiệc bí tích của Người. Xin dậy chúng con biết tìm kiếm niềm vui trong ơn sủng của Người.”
Đời sống Thiên Chúa trong tâm hồn chúng ta được thổi bùng lên thành ngọn lửa yêu mến qua sự cộng tác của chúng ta trong bí tích Thánh Thể vào mỗi buổi sáng, quả thật đó là một chúc lành cho chúng ta mà, nhờ ơn Chúa, nó sẽ là nguồn vui cho suốt cả ngày.
Như vậy, nguồn vui thứ hai là sự nhận thức với lòng khiêm tốn, biết ơn, bền bỉ, bàng hoàng về sự ngự trị của Ba Ngôi Thiên Chúa, ơn thánh hóa, sâu trong linh hồn chúng ta. Bạn cho tôi biết làm thế nào mà chúng ta có thể trở nên hèn hạ, thù hận, chán nản, nếu chúng ta thực sự tin rằng Thiên Chúa đang sống trong cốt lõi con người chúng ta? Như Viện Phụ Marmion đã viết, “Niềm vui là tiếng vọng của đời sống Thiên Chúa trong lòng chúng ta.”
Nguồn vui thứ ba là sự tín thác, hy vọng nơi Thiên Chúa Quan Phòng. Nếu lòng tin của chúng ta vững vàng như Chúa Giêsu tin tưởng vào sự toàn năng của Thiên Chúa, Người đã chiến thắng tội lỗi, Satan, và sự chết, và như Thánh Phaolô dậy, “với những ai có đức tin, tất cả mọi sự đều hòa hợp,” thì tại sao chúng ta lại buồn sầu, khổ não, và nản lòng làm mất đi niềm vui? Ngọn lửa ấy có thể mong manh, các cơn gió như muốn dập tắt, nhưng, nói cho cùng, tất cả đều trong bàn tay của Thiên Chúa, và tất cả sẽ chuyển vận theo chương trình của Người. Một sự tín thác đơn sơ, như con trẻ vào sự Quan Phòng của Thiên Chúa sẽ đem đến một niềm vui, một sự bình thản mà không có sự lo buồn nào có thể làm tan biến được.
Đó là lý do chúng ta được hứng khởi bởi niềm vui rõ ràng nơi những người mà lẽ ra, theo quan điểm người đời, họ phải tuyệt vọng. Hãy đợi cho đến khi bạn bị đánh động bởi niềm vui nội tâm mà bạn khám phá ra nơi người nghèo và người bệnh tật. Tôi nghĩ rằng vì họ không còn trông nhờ vào đâu, nên họ hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa Quan Phòng. Bạn sẽ đem Mình Thánh cho những người bệnh mà giữa cơn đau đớn, họ vẫn bình thản và vui. Bạn sẽ đi thăm những người nghèo mà họ không biết có còn bữa ăn sắp tới hay không, nhưng họ vẫn vui. Và rồi bạn sẽ tiếp xúc với những người giầu sang, thế lực, quyền bính, lành mạnh nhưng nham hiểm, nhỏ mọn, hung dữ và không hạnh phúc.
Trở lại với giáo xứ ở St. Louis, có một nhóm y sĩ mà cứ đến mùa hè họ cùng đi chơi Haiti hai tuần. Tôi nhớ có một bác sĩ trong giáo xứ cũng thuộc nhóm ấy. Ông đã đi và khi trở về, ông thật rạng rỡ. Khi tôi hỏi điều gì đã gây ấn tượng mạnh nhất, ông trả lời, “Niềm vui của dân chúng! Chúng tôi đến những nơi trong điều kiện tệ hại nhất chưa từng thấy: nhà tranh vách đất, gia đình chen chúc nhau, trẻ con bệnh tật, tuy vậy họ hạnh phúc! Họ chào đón chúng tôi và chia sẻ với chúng tôi những gì ít ỏi mà họ có. Trong khi ở đây, tại nhà,” ông kết luận, “chúng tôi có quá nhiều và dường như lại quá buồn.” Niềm vui ấy phải có nguồn gốc trong sự tín thác vào Thiên Chúa Quan Phòng, vì họ không còn ai khác để trông cậy.
Nguồn vui sau cùng là sự cầu nguyện. Từ vựng của sự tín thác vào Thiên Chúa Quan Phòng, dĩ nhiên, là sự cầu nguyện. Hãy nhớ lại câu Kinh Thánh mở đầu: “Hãy giãi bầy mọi nhu cầu của anh chị em lên Thiên Chúa trong mọi hình thức cầu khẩn, van xin và tạ ơn.”
Cầu nguyện là một nguồn vui trong hai phương cách chính yếu. Thứ nhất, như đã đề cập ở trên, niềm vui là một đức tính, một ơn đoàn sủng, một quà tặng của Thiên Chúa, vì vậy, nếu chúng ta không có niềm vui, hay nếu chúng ta ao ước có thêm, hãy nài xin qua sự cầu nguyện.
Thứ hai, tin tưởng rằng chúng ta có thể chạy đến với Thiên Chúa để được thương xót, giúp đỡ, và dẫn dắt là một niềm vui lớn lao, có phải không? Đó là chúng ta có thể trao cho Chúa những lo âu, bồn chồn để Người lấy đi các lý do trầm trọng làm mất đi niềm vui. Chúng ta làm gì được với hàng ngàn lý do chính đáng và tự nhiên khiến chúng ta buồn phiền, ủ rũ và không hạnh phúc? Chúng ta giao phó cho Chúa trong sự cầu nguyện, để Chúa lo lắng, và rồi, chúng ta có thể vui. Có lẽ đây là điều mà Anh Charles de Foucauld đã nghĩ đến khi viết: “Lậy Thiên Chúa, Người thật thiện hảo dường bao khi cho phép chúng con gọi Người là 'Cha của chúng con'. Điều này phải gợi lên trong chúng con sự biết ơn, niềm vui, tình yêu, và nhất là, sự tín thác biết chừng nào. Và vì Người là Cha và là Chúa của chúng con, thật tuyệt diệu là chừng nào khi chúng con luôn luôn trông cậy nơi Người.”
Như tôi đã nói, tôi có thể khai triển các nguồn vui, nhưng tốt hơn tôi nên đề cập đến những điều có thể phá hoại niềm vui của chúng ta. Như bạn biết, có nhiều sự đe dọa cho niềm vui phát tiết từ các linh mục của Chúa Kitô, và tôi sẽ cố kể ra một vài điều.
Một nguy hiểm thực sự cho niềm vui là than thân trách phận. Các linh mục ngày nay có thể chìm ngập trong than trách, nhất là với các khủng hoảng chung quanh chúng ta. Vào năm 1996, với sự tài trợ của Lily Foundation, tổ chức The National Catholic Education cho công bố một nghiên cứu thú vị được gọi là “Grace Under Pressure, What Gives Life to American Priests“ (Ơn Sủng Dưới Áp Lực, Điều Gì Đem Lại Sức Sống cho Linh Mục Hoa Kỳ). Nghiên cứu ấy cho thấy, quả thật, các linh mục có thể cảm thấy bị vây hãm bởi các đòi hỏi từ ở trên, bởi các giám mục và guồng máy quan liêu địa phận; từ bên dưới với sự trông đợi quá đáng và nhiều chỉ trích của giáo dân; từ xã hội nói chung; và ngay cả trong hàng ngũ, khi số linh mục ngày càng hao mòn. Là linh mục, người ta có thể cảm thấy thương hại chính mình, trở nên chồng chất gánh nặng, tự hỏi tại sao lại đi tu để làm gì, tự coi mình như tử đạo, bị coi thường, phải làm việc đến chết, không được biết ơn. Đó là than thân trách phận!
Dĩ nhiên, điều đó thật khó đưa đến niềm vui. Đó là khi chúng ta gắt gỏng, bơ phờ và chồng chất gánh nặng. Thật tội nghiệp cho tôi! Dĩ nhiên, vấn đề là cái tôi đã trở thành đích điểm. Tôi trở thành tâm điểm cho mọi suy tư và nguồn lực thay vì Chúa Giêsu và dân Người. Hãy đặt Chúa Giêsu trên hết, sau đó là người khác, rồi mới đến mình, và tại đó là niềm vui. Than thân trách phận, dĩ nhiên, đảo ngược điều đó và đưa cái tôi lên trên hết.
Cám dỗ thứ hai đối với niềm vui thì rất phổ thông nơi các linh mục đó là lo lắng. Chúa biết có rất nhiều lo lắng trong chức linh mục, bởi vì có nhiều linh hồn đang hư mất. Ngay cả các vấn đề bình thường như tài chánh và cá nhân cũng đủ làm một linh mục thánh thiện phải âu lo. Các lo lắng có thể ám ảnh chúng ta và khiến chúng ta hướng về mình, làm mất đi niềm vui trong đời sống chúng ta.
Tôi nhớ có một bà nói với tôi là bà coi sự lo lắng như một tội. Vì chưa bao giờ nghe thấy điều đó, tôi yêu cầu bà giải thích. Bà nói, “Con nghĩ khi lo lắng quá đáng con phạm tội đối với đức tin. Chúa Giêsu nói với chúng ta là đừng lo lắng, đừng quá bồn chồn, vì Cha trên trời biết chúng ta cần gì và sẽ lo cho chúng ta. Khi con lo, con không còn tin vào lời hứa của Người.” Thật là một phụ nữ khôn ngoan! Lo lắng là một tội đối với đức tin, và có thể tiêu diệt niềm vui. Bởi thế bạn có thấy các linh mục hành động như thể họ đang gánh vác cả nhân loại trên vai họ không. Họ không thể nghỉ ngơi, họ không thể thoải mái, họ không thể đi tĩnh tâm, vì quá nhiều điều cần phải thi hành, và dĩ nhiên, tất cả đều trông nhờ vào tôi!
Tôi nhớ có lần Đức Hồng Y Bernardin kể lại câu chuyện lần đầu tiên sau khi nhận chức người bước vào văn phòng tổng giám mục của Chicago. Có một đống hồ sơ ở trên bàn chưa bao giờ đụng tới, kể từ khi vị tiền nhiệm, Đức Hồng Y Cody, qua đời. Hồ sơ có ghi “Mật: các vấn đề phải giải quyết ngay.” Và rồi, như ĐHY Bernardin nhận xét, “Các hồ sơ khẩn cấp đó đã sáu tháng chưa được mở ra và giáo phận Chicago vẫn sống một cách tốt đẹp.” Tôi có một cha sở ít khi đi nghỉ hè. Nếu người đi xa một tuần lễ, người thường trở về rất sớm và cuống cuồng hỏi xem mọi sự có tốt đẹp khi người đi vắng không, và hầu như người giận dữ khi thấy mọi sự tốt đẹp hơn bình thường. Phải, nghĩa trang đầy những người tin rằng thế giới này sẽ không thể tiếp tục nếu không có họ. Đặc biệt là các linh mục có thể bực dọc và lo lắng nghĩ rằng mọi sự đều tuỳ thuộc vào mình, hầu hết là vì họ muốn như thế và cần được nắm quyền kiểm soát. Nhưng kiểu lo lắng đó thường hao tổn đến niềm vui!
Tôi biết có những điều chúng ta phải nghĩ đến, như tài chánh, ơn gọi, vấn đề ở nhà—chúng ta có thể tìm thấy hàng chục lý do để lo. Và như Chúa Giêsu đã nói, lo lắng không kéo dài đời sống chúng ta thêm một phân. Và khi chúng ta quá lo lắng, người khác sẽ trở nên một phiền toái, bực mình và thật khó cho chúng ta tỏa ra niềm vui.
Một đe dọa thứ ba đối với niềm vui rất phổ thông nơi các linh mục là sự lầm lạc cho rằng hạnh phúc tùy thuộc những gì bên ngoài chúng ta.
Vì vậy, chúng ta mất vui khi thấy không được bài sai theo ý muốn; chúng ta trở nên ủ rũ nếu cha sở từ chối một chương trình đặc biệt hay một yêu cầu riêng biệt; chúng ta buồn nản khi các bài giảng của chúng ta không khơi dậy giáo dân và không được khen thưởng…
Niềm vui thì không lệ thuộc vào tiếng khen, sự thăng chức, việc đề bạt, được công nhận, có danh tiếng, uy thế, hay quyền lực. Niềm vui không thể nào đến từ bên ngoài—nó chỉ có thể xuất phát từ Thiên Chúa, là người vun trồng nó tận đáy tâm hồn. Nếu niềm vui của chúng ta tùy thuộc vào sự thành công, việc công nhận, hay nghề nghiệp, nó được trồng trên cát và sẽ không bao giờ tồn tại.
Thực sự, là linh mục, niềm vui của chúng ta phải không dính dáng gì đến nơi được bài sai, việc thi hành, hay bất cứ phần thưởng gì hay sự nhận biết gì bên ngoài mà chúng ta có. Nó chỉ tùy thuộc vào bản chất đích thực của chúng ta, chứ không phải những gì chúng ta làm hay sở hữu. Chúng ta là người yêu dấu của Chúa Cha, được đồng hình dạng với Con của Người, được nuôi dưỡng với ơn sủng Người, được dấu ấn với lời hứa của Người--mọi thứ khác đều không quan trọng. Nếu chúng ta mong đợi bất cứ gì hay bất cứ ai bên ngoài Thiên Chúa để có niềm vui, chúng ta đã tự đưa mình đến chỗ thất bại. Người buồn nhất trong chức linh mục là người khao khát địa vị, muốn được tôn vinh và thăng chức nhưng không bao giờ được như vậy, hoặc những người có được các điều ấy và rồi nhận ra rằng họ vẫn thiếu niềm vui. Ô, phải, những điều đó có thể đem đến hoan lạc, nhưng hoan lạc không phải là niềm vui! Như C.S. Lewis có nói: “Trong quyền thế thì không bao giờ có niềm vui, nhưng chỉ có hoan lạc. Tôi không tin rằng ai đã từng nếm thử niềm vui lại muốn đánh đổi nó với mọi hoan lạc trên trần gian này, nếu họ có thể làm như vậy.”
Một nguy hiểm thứ tư đối với niềm vui--thật không may lại phổ thông nơi các linh mục—là sự phàn nàn. Các linh mục thực sự có thể trở nên con nít khi kêu ca phàn nàn. Sau một cuộc họp với các linh mục, có lần tôi nghe Đức Tổng Giám Mục John May nói: “Một số người than phiền về thực đơn của bữa Tiệc Ly.” Bạn sẽ mau chóng thấy rằng có hai loại linh mục, những người chăm chỉ làm việc, cố gắng hết sức, không sợ thất bại, và có những người ngồi đó và phàn nàn, chỉ vẽ nên làm thế này thế nọ. Nói cách khác, sẽ có những người cật lực trong đấu trường và những người ngồi bên lề chỉ trích. Tôi cầu mong bạn thuộc những người ở nhóm thứ nhất.
Nếu bạn thuộc nhóm thứ nhất, hãy chuẩn bị nghe những chê bai và phàn nàn nhỏ nhen của nhóm thứ hai. Như bạn có thể nghe biết, sự ghen tị giáo sĩ có khi trở nên bệnh dịch giữa các linh mục, với những linh mục bấp bênh, ít hăng say, ít niềm vui thì bị đe dọa bởi những người tự tin, chăm chỉ và vui vẻ hơn. Các linh mục, trong toàn thể dân Chúa, phải cho thấy niềm vui. Hãy suy nghĩ về điều đó: tự trong cốt lõi con người, chúng ta được đồng hình dạng một cách mật thiết với Thượng Tế Đời Đời. Mắt Người long lanh khi gọi đích danh chúng ta để mời gọi chúng ta hành động nhân danh Người vì thương yêu Hiền Thê của Người, là Giáo Hội. Người không chỉ tràn ngập linh hồn chúng ta với ơn thánh hóa như mọi người khác khi rửa tội, Người còn tăng cường với ơn sủng của bí tích chức thánh, khắc sâu trên căn tính chúng ta một dấu ấn không thể tẩy xóa được khi làm cho chúng ta trở nên một linh mục của Người. Ngoài căn tính chúng ta, các tư tế được chọn của Người, hãy nhìn vào những gì chúng ta thi hành: đó là công việc cao quý nhất! Hàng ngày chúng ta làm phép lạ biến đổi bánh và rượu trở thành mình và máu Chúa, tha thứ các tội lỗi nhân danh Người, và giới thiệu Người cho nhân loại. Thừa tác vụ của chúng ta truyền dẫn vào nhiều người một sự kính sợ và tôn trọng mà phải thú nhận là chúng ta không xứng đáng, tuy nhiên họ chia sẻ với chúng ta những vấn đề thầm kín nhất và muốn được gần chúng ta khi có khó khăn. Không lạ gì khi Lacordaire phải kêu lên, “Lậy Chúa, thật là một cuộc đời!” Không lạ gì khi Thánh Maximilian Kolbe đã có thể trả lời viên sĩ quan Đức Quốc Xã với sự bình thản lạ lùng, “Tôi là một linh mục Công Giáo.” Không lạ gì dân Chúa lại mong đợi chúng ta là người của niềm vui.
Các linh mục, đặc biệt là linh mục triều, phải là “người của dân”. Chúng ta được phấn chấn bởi giáo dân, chúng ta thấy hình ảnh của Thiên Chúa ở trong họ, chúng ta vui khi bầu bạn với họ, và họ bị thu hút đến chúng ta vì niềm vui, sự bình thản của chúng ta. Do đó, như tôi đã nói ở trên, một linh mục hay gắt gỏng là một mâu thuẫn. Tuy nhiên, đã nhiều lần chúng ta nghe dân chúng nói về các linh mục, “Ôi, tôi sợ làm phiền ông ấy lắm!” “Ôi, lúc nào ông ấy cũng bận.” “Ông ấy chỉ dành thời giờ cho người giầu.” “Ông ấy đi ngang qua mặt tôi mà không chào một tiếng.” “Ông ấy bạc như vôi.”
Một linh mục hay gắt gỏng, hèn hạ, không thiện cảm là một tiếng xấu, cũng như một linh mục nghiện rượu hoặc một người sàm sỡ với phụ nữ. Thật vậy, có khi còn tệ hơn, vì tối thiểu người say rượu hay người sàm sỡ còn nở được nụ cười! Bất kể các thống kê có nói gì đi nữa, bạn sẽ không gặp được nhiều giáo dân bỏ Giáo Hội vì phụ nữ không được làm linh mục; nhưng chắc chắn bạn sẽ gặp nhiều người lang thang vì các linh mục không có niềm vui.
Sự tận tụy với chức linh mục đã khiến chúng ta thành một thần tượng niềm vui. Tôi biết nó sẽ trở nên khuôn sáo, nhưng hãy xem những lời thề hứa của chúng ta thật “ngược dòng văn hóa” như thế nào:
Tuy vậy chúng ta thật vui! Bởi vì niềm vui không đến từ khoái lạc, bằng cấp, mua bán, sản phẩm hay sự ích kỷ, nhưng từ tình yêu tinh tuyền, tinh thần trách nhiệm, đời sống giản dị, sự cầu nguyện, và độ lượng phục vụ.
Mọi người trong đại chủng viện hãy tự hỏi mình: Chúa có gọi tôi làm linh mục hay không? Hoặc, nếu bạn đã là một linh mục: Chúa gọi tôi trở nên một linh mục tốt lành như thế nào? Niềm vui phải là một phần của sự phân định đó: Tôi có phải là một người ý thức rõ về tình yêu Thiên Chúa dành cho tôi, thành thật biết ơn vì Chúa sống trong tôi, tin tưởng vào sự trợ giúp của Người, và vì vậy luôn bình an với Chúa, với chính tôi, và với người khác, đến độ niềm vui của tôi được người ngoài nhận thấy? Nếu không như vậy, tốt hơn tôi đừng làm linh mục.
“Niềm vui là dấu chỉ không thể sai lầm về sự hiện diện của Thiên Chúa”. Tôi kết thúc bằng bài “Nguyên Do của Niềm Vui”
Mẹ nhân từ của Đấng cứu chuộc chúng ta,
Ngôi Sao giữa biển khơi và Cửa các tầng trời,
Mẹ giúp đỡ những ai sa ngã—
Sa ngã nhưng vẫn cố đứng lên.
Cưu mang Đấng Cứu Thế, nhưng vẫn còn Trinh Khiết,
Ôi bởi niềm vui thánh thiện khi sứ thần truyền tin,
Xin thương đến chúng con là kẻ tội lỗi đang cúi đầu.