(Đoạn trích Kinh Thánh - Giacôbê 1:2-4)
Kiên nhẫn là một nhân đức đảm bảo chúng ta về sự tuyệt hảo,” Thánh Francis de Sales đã viết như thế trong cuốn Dẫn Nhập Đời Sống Đạo Đức.
Thánh Têrêsa có ghi:
Đừng để bất cứ gì khuấy động bạn.
Đừng để bất cứ gì làm bạn sợ hãi.
Mọi sự sẽ qua đi.
Chỉ Thiên Chúa là không thay đổi.
Ai có Thiên Chúa sẽ không thiếu gì cả.
Một mình Chúa đã đủ.
Phải, “kiên nhẫn có được mọi sự.” Bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể suy niệm về sự kiên nhẫn, nó quá cần thiết cho tinh thần môn đệ đích thật. Trong bài thơ ca tụng đức ái, mà Thánh Cyprian cho là đặc điểm nền tảng Kitô Giáo, người kết luận bằng nhận định sau, “Tuy nhiên, lấy sự kiên nhẫn đi… nó sẽ không còn! Lấy sự kiên nhẫn đi, đức ái sẽ không còn gốc rễ và sức mạnh.”
Nó là một nhân đức cốt yếu cho bất cứ đời sống Kitô Hữu nào được coi là đích thật, có phải không? Vì lý do đó, nó cần thiết cho sự thành công và hạnh phúc của bất cứ ai, ngay cả người không có đức tin. Mọi người đều khao khát sự kiên nhẫn. Bạn chỉ cần nghe xưng tội một vài người thì bạn phải kết luận rằng có lẽ đó là nhân đức mà hầu hết người ta thiếu, vì tất cả những người đến xưng tội đều thở dài và nói, “Có lẽ con cần thêm sự kiên nhẫn!” Mọi người đều vất vả với nó. Với tính thật thà thường lệ, Thánh Têrêsa Hài Đồng viết, “Sự kềm giữ tính thiếu kiên nhẫn của tôi thật khó khăn đến độ tôi phải ướt đẫm mồ hôi.” Ai ai cũng ca tụng một người kiên nhẫn, bình thản.
Đó là một nhân đức quá quan trọng cho các linh mục. Ngay tự đầu chúng ta luôn được mời gọi để đồng hình dạng một cách mật thiết với Đức Kitô qua bí tích chức thánh mà chúng ta hành động in persona Christi (thay mặt Đức Kitô). Giáo Hội có truyền thống đề cập đến các linh mục như alter Christus (một Kitô khác). Do đó, người dân cho rằng họ có thể thấy được nơi linh mục các đức tính thật lôi cuốn như của Linh Mục Thượng Phẩm Đời Đời. Và cao trong các đặc điểm ấy là sự kiên nhẫn giúp tiến đến siêu phàm. Hơn cả việc giảng dở, hơn cả việc thỉnh thoảng say sưa, hơn cả sự sa ngã tình dục, có lẽ dân Chúa bàng hoàng hơn nhiều khi thấy các linh mục là những thùng thuốc nổ, hay thay đổi, giận dữ, tùy tiện--thiếu kiên nhẫn.
Ngày nay hơn bao giờ hết, các linh mục tốt lành có những cám dỗ đối với sự kiên nhẫn. Những đòi hỏi tràn ngập, những hiểu biết khác biệt của giáo dân về thừa tác vụ linh mục; những mong đợi quá nhiều, thiếu nguồn tài nguyên, và các linh mục trung tín thường bị cám dỗ phải phẫn nộ, mắng nhiếc, bỏ cuộc, hờ hững, hay để lại sau lưng. Hơn bao giờ hết, đức kiên nhẫn thật quan trọng cho ơn gọi của chúng ta.
Do đó đây là một ơn huệ tôi cầu xin cho bạn, tôi yêu cầu bạn suy nghĩ, cầu nguyện và lớn lên trong nhân đức ấy. Yves Congar có một cuốn sách với nhan đề The Need for Patience (Cần Kiên Nhẫn), và ngay tự đầu người diễn tả sự kiên nhẫn cho chúng ta:
Kiên nhẫn là một phẩm chất của trí óc--hay, đúng hơn, của linh hồn--mà nó bắt nguồn từ các tin tưởng sống động sâu xa: thứ nhất, Thiên Chúa phân phối các chương trình và Người chu toàn kế hoạch ơn sủng của Người qua chúng ta; và thứ hai, vì những điều vĩ đại, chắc chắn có sự chậm trễ cần để chín mùi… Sự kiên nhẫn sâu đậm này thì như người gieo giống biết chắc hạt giống sẽ lớn lên… Những ai không biết cách chịu đau khổ sẽ không biết cách hy vọng. Ai quá bận rộn, và muốn hưởng thụ ngay lập tức điều mình khát khao thì không biết cách đạt được mục đích. Người gieo giống kiên nhẫn là người phó thác hạt giống của mình cho đất và ánh mặt trời--họ là người hy vọng…
Bây giờ, làm sao có được đức kiên nhẫn nòng cốt này? Tôi đề nghị chúng ta nhìn đến ba phương cách: kiên nhẫn với Thiên Chúa, kiên nhẫn với chính mình, và kiên nhẫn với người khác.
Trước hết, kiên nhẫn với Thiên Chúa. Bạn có ngạc nhiên khi tôi cho rằng chúng ta phải cố gắng kiên nhẫn với Thiên Chúa không? Thành thật mà nói, trong sự kiêu hãnh, đôi lúc chúng ta nghĩ rằng mình biết hơn Thiên Chúa có phải không? Khi quan sát tình trạng hỗn độn trong tạo vật của Chúa, đôi khi chúng ta nhận xét rằng mình có thể làm hay hơn thế, có phải không? Có phải chúng ta bị cám dỗ để thiếu kiên nhẫn với Người và thỉnh thoảng phải hét lên, “Không cách chi mà chạy việc được”?
Tôi nhớ có một linh mục bắt đầu bài giảng trong tang lễ của một bé sơ sinh như thế này, “Mọi người chúng ta đều bị cám dỗ để nói rằng Thiên Chúa đã vô cùng sai lầm.” Có phải chúng ta đặc biệt thiếu kiên nhẫn với Chúa khi Người chậm đáp lời cầu xin của chúng ta hay không? Có lần tôi đem Mình Thánh cho một bà cụ chín mươi tuổi, ngay sau thời gian bức tường Bá Linh sụp đổ, và tôi xin bà cầu nguyện cho có thêm người đi tu. Cụ trả lời, “Trời đất qủy thần ơi, thôi quên đi. Khi bẩy tuổi tôi đã cầu nguyện cho nước Nga trở lại đạo và cha coi phải mất bao nhiêu lâu thì Chúa mới làm điều đó! Tôi chắc là phải mất chín mươi năm nữa thì lời cầu xin khác mới được nhậm lời!” Tôi thấy hối hận đã ngỏ lời với cụ! Nhưng có phải cụ đã thành thật bày tỏ sự thiếu kiên nhẫn rất con người với Thiên Chúa, là Đấng có lúc chúng ta bị cám dỗ phải nói lên như vậy hay không?
Hãy thú thật rằng chúng ta trở nên thiếu kiên nhẫn với Chúa trong lời cầu nguyện. Sự cằn cỗi, khô khan, và buồn tẻ mà chúng ta cảm nghiệm trong đời sống cầu nguyện đã đưa chúng ta đến sự chán nản cám dỗ chúng ta bỏ cuộc. Trong chủng viện chúng tôi, không bao giờ vị giám đốc linh hướng lại nhắc đến bất cứ gì mà chủng sinh chia sẻ với người, nhưng tôi biết một đề tài lớn mà ai ai cũng đổ vào linh hồn người: sự thiếu kiên nhẫn khi cầu nguyện! Tôi biết như vậy vì đó là điều tôi từng làm và vẫn còn làm khi nói chuyện với vị giám đốc linh hướng! Chúng ta trở nên mệt mỏi với kỷ luật, sự nhịp nhàng, và nỗ lực mà sự cầu nguyện có kết quả đòi hỏi, và chúng ta hoàn toàn mệt nhừ với những giờ cầu nguyện không cùng mà chẳng có gì xảy ra! Chúng ta trở nên thiếu kiên nhẫn! Tại sao Chúa lại làm cho điều mà Người rất ưa thích--sự cầu nguyện--trở nên quá khó khăn?
Trong cuốn sách nổi tiếng, Cuộc Đời Thánh Antôn, Thánh Atanasiô kể lại một biến cố trong cuộc đời của Tu Phụ sa mạc vĩ đại này: “Antôn van nài một thị kiến mà đã xảy ra, người nói, 'Người ở đâu? Sao người không hiện ra ngay từ đầu, để người có thể ngăn cản sự đau buồn của con?' Và một tiếng nói đến với người: 'Antôn con, Ta ở đây, nhưng Ta muốn thấy con chiến đấu. Và bây giờ, vì con đã kiên trì và không bị khuất phục, Ta sẽ giúp con luôn mãi.'”
Xin lỗi nhé, nhưng đó là cách Thiên Chúa hoạt động trong lời cầu nguyện. Cha Faber viết, “Chúng ta phải chờ đợi Thiên Chúa, thật lâu, thật hiền lành, trong cơn gió và mưa, trong sấm chớp, trong lạnh lẽo và đen tối. Chờ đợi, và Người sẽ đến. Người không bao giờ đến với những ai không chờ đợi.”
Ba điều căn bản mà chính Thầy đã dậy để lời cầu nguyện được kết quả là sự kiên nhẫn, kiên trì, và bền bỉ; do đó hãy đề phòng sự cám dỗ mạnh mẽ khi trở nên chán nản và thiếu kiên nhẫn khi lời cầu xin của chúng ta không có kết quả và khô khan.
Có lẽ đó là lý do tại sao càng lớn tuổi tôi càng thấy biết ơn và lệ thuộc vào hai bộ kinh vĩ đại, kinh thần vụ và chuỗi mai khôi. Hàng ngày, người linh mục kiên nhẫn quay về với kinh nguyện. Có những ngày, đó là phần cầu nguyện duy nhất, cộng với Thánh Lễ, mà người có thời giờ; có ngày việc đọc kinh không cảm thấy hăng hái; nhiều khi người bị cám dỗ quên đi. Tuy nhiên, người kiên nhẫn duy trì, không chỉ vì người đã hứa sẽ cầu nguyện hằng ngày với Giáo Hội và cho Giáo Hội trong phụng vụ các giờ kinh khi làm phó tế, nhưng bởi vì người kiên nhẫn tín thác rằng kinh nguyện thì có hiệu quả, bởi vì qua đó người không chỉ cầu nguyện một mình, nhưng với Đức Kitô và Giáo Hội của Người.
Và làm thế nào để càng ngày tôi càng tùy thuộc vào chuỗi mai khôi, kiên nhẫn lần hạt, phải, có lúc chia trí vì những lưu tâm và bận rộn tràn ngập tôi, nhưng kiên nhẫn cùng với Đức Maria suy niệm các mầu nhiệm về đời sống, cái chết, và sự phục sinh của Chúa Giêsu, điểm mấu chốt của mọi lịch sử.
Trong một bài báo của tờ America nhiều năm trước đây có phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Dominic Tang bị cầm tù vì đức tin từ 1958 đến 1980 dưới chế độ cộng sản Trung Quốc:
Đức Tổng Tang mỉm cười khi nghe tôi hỏi người đã dùng thời giờ thế nào trong hai mươi hai năm tù. “Ai ai cũng muốn biết điều đó. Tôi cầu nguyện. Bạn phải cầu nguyện. Bạn lần chuỗi mai khôi, đếm kinh bằng các ngón tay. Bạn cố lấp đầy đầu óc mình với những ý tưởng đạo đức. Nếu không, bạn bị lụn bại! Thật vậy, sau quá nhiều năm, trí nhớ của bạn trở nên yếu kém và không thể nhớ được gì cả. Nhưng, ai ai cũng biết kinh mai khôi. Bạn có thể đọc kinh ấy một cách dễ dàng. Và khi lần chuỗi mai khôi là khi nhớ lại toàn thể cuộc đời của Chúa và Mẹ Maria…”
Một câu kinh kiên nhẫn, đó là chuỗi mai khôi.
Và rồi có những lần thiếu kiên nhẫn vì quá lâu mà Thiên Chúa không trả lời sự cầu xin của chúng ta. Dĩ nhiên, đối với Người, “một ngày thì giống như ngàn năm,” trong khi chúng ta lại khó có thể đợi lâu hơn bữa ăn sắp tới. Cha Piô nói, “Chúa đã hứa sẽ đáp trả mọi lời cầu xin, nhưng Người không nói khi nào và cách nào.”
Chúng ta bị cám dỗ thiếu kiên nhẫn đối với Chúa về lời cầu nguyện--và chúng ta cũng có thể bực mình với Người về sự dữ.
Là linh mục, chúng ta là đại diện cho Chúa Kitô, Đấng là tình yêu và lòng trắc ẩn nhập thể. Chúng ta rao giảng về sự quan phòng của Thiên Chúa, một Thiên Chúa yêu thương và chăm sóc dân Người, không bao giờ bỏ rơi họ, gìn giữ họ trong lòng bàn tay--và rồi khi chúng ta phải đối diện với đau khổ, nhất là của người vô tội, lúc ấy chúng ta bị cám dỗ mất kiên nhẫn với Người.
Trường North America ở Rôma thì ngay bên cạnh bệnh viện nhi đồng nổi tiếng Bambino Gesù. Bao nhiêu lần tôi ngồi trong Nhà Nguyện Thánh Thể để ca ngợi tình yêu và sự thiện hảo của Thiên Chúa thì sự tĩnh mịch đó đã bị phá vỡ bởi tiếng khóc của các em vì chúng sợ hãi và đau đớn ngay trong bệnh viện bên cạnh, và lúc ấy tôi bị cám dỗ để nói với Chúa rằng, “Tình thương và sự thiện hảo của Chúa đang ở đâu?”
Khi mới chịu chức linh mục được ba tháng thì tôi nhận được điện thoại vào nửa đêm từ sở cảnh sát. Một bà là giáo dân trong xứ xin tôi đến nhà xác để giúp bà nhận ra thi hài người chồng. Tôi vừa mới rửa tội cho đứa con đầu lòng của họ một vài tuần trước đó. Người chồng, bị mất việc, rơi vào tình trạng trầm cảm, dùng ma túy, lái xe đến một con đường cụt, bịt ống khói xe bằng chiếc áo thung, để máy nổ và ngồi trong chiếc xe đóng kín, tự kết liễu đời mình. Người vợ, thật dễ hiểu, bà không chịu đựng nổi việc nhận diện ông chồng. Tôi đến--và sau đó cố gắng an ủi bà. Khi trở về, tôi không thể ngủ nổi. Hình ảnh của đôi vợ chồng trẻ, một gia đình tan nát, đứa nhỏ mồ côi cha, người vợ trẻ goá chồng--làm thế nào để tôi hài hòa điều đó với một Thiên Chúa nhân ái?
Phải quen đi với sự xáo động đó, vì nó có thể ám ảnh bạn khi là linh mục và khiến bạn thiếu kiên nhẫn với một Thiên Chúa là Đấng yêu cầu sự tín thác ngay giữa những tối tăm như thế. Và phải quen đi với tình trạng vô hiệu quả đó vì nó có thể xảy đến khi một giáo dân giận dữ hỏi chúng ta, “Sao Chúa lại để điều này xảy ra?” mà chúng ta chỉ biết trả lời, “Tôi cũng không biết.”
Và khi chúng ta đối diện với sự dữ và đồi bại của thế gian, sự ngoan cố của những người từ chối không chấp nhận chương trình cứu độ của Thiên Chúa, họ bất tuân lề luật của Người, họ hờ hững và thờ ơ với đức tin, lẽ nào chúng ta không thiếu kiên nhẫn, và thấy mình giống như các tông đồ xưa đã xin Chúa đổ lửa xuống thiêu đốt họ, hoặc như đám đông xin một dấu lạ để thuyết phục được dân chúng? Tuy vậy, chúng ta có một Thiên Chúa là Đấng muốn phương cách dịu dàng, êm ái, âm thầm, là Đấng không bao giờ áp đặt, là Đấng mời gọi và sau đó chờ đợi, là Đấng so sánh sự phát triển triều đại của Người với một hạt cải nhỏ bé. Chúng ta có một Thiên Chúa là người kiên nhẫn đời đời.
Bây giờ, khi suy nghĩ đến sự kiên nhẫn với Thiên Chúa, có thể nào để tôi nói về sự kiên nhẫn với Giáo Hội, vì chúng ta tin rằng Thiên Chúa sống động và tích cực trong Giáo Hội không? Tôi dám chắc rằng là linh mục chúng ta cần kiên nhẫn với Giáo Hội. Một số linh mục thiếu kiên nhẫn với Giáo Hội vì họ cảm thấy Giáo Hội quá chậm chạp, quá khó nhọc trong việc canh tân, quá do dự không theo kịp với các thử thách hiện đại, quá thận trọng không dám liều lĩnh và để lại sau lưng học thuyết, sự rèn luyện, và đạo đức lỗi thời. Các linh mục khác thiếu kiên nhẫn với Giáo Hội vì, theo quan điểm của họ, quá mau chóng chấp nhận các ý tưởng mới, vì bỏ đi di sản và truyền thống, và vì phụ bạc kho tàng đức tin.
Tuy vậy, linh mục khôn ngoan thì kiên nhẫn tín thác vào Giáo Hội, nhận thức rõ về thiên tính và nhân tính của Giáo Hội, và, như một người chồng chung thủy, yêu thương vợ mình dù bất cứ gì xảy ra. Dĩ nhiên, bạn có thể nhớ đến những lời của Hồng Y Newman:
Hãy tín thác vào Giáo Hội của Chúa một cách âm thầm dù khi sự phán xét tự nhiên của bạn khác với con đường của Giáo Hội và khiến bạn đặt vấn đề về sự khôn ngoan và đúng đắn của Giáo Hội. Hãy nhận ra công việc của Giáo Hội thật khó khăn biết chừng nào: chắc chắn bị chỉ trích và bị chống đối với bất cứ gì thi hành; hãy biết rằng Giáo Hội rất cần đến sự trung thành và tận tụy của bạn; cũng hãy nhớ rằng kinh nghiệm có được trong một ngàn tám trăm năm thì thật lâu là dường nào; và Giáo Hội lấy quyền gì để buộc bạn phải tuân theo các nguyên tắc đã từng bị thử thách quá lâu và thắng lợi. Hãy cảm tạ Giáo Hội vì đã gìn giữ đức tin được toàn vẹn trong quá nhiều thế hệ và hãy thi hành phần của bạn để giúp Giáo Hội trao truyền lại đức tin ấy cho các thế hệ mai sau.
Hãy cho phép tôi quảng cáo: việc học hỏi về lịch sử Giáo Hội sẽ giúp bạn kiên nhẫn với Giáo Hội. Như John Tracy Ellis thường nói, “Nói cách đơn giản, lịch sử của Giáo Hội muốn nói với bạn rằng Giáo Hội đã trải qua tất cả những điều đó. Bạn nhìn thấy Thân Thể Mầu Nhiệm của Chúa Kitô, khuyết tật và đủ mọi thứ, và bạn phải đi đến kết luận rằng chỉ một tổ chức được bề trên dẫn dắt thì mới qua khỏi mọi điều này.” Bạn biết Arnold Toynbee viết gì trong cuốn Study of History không? “Tôi tin rằng Giáo Hội Công Giáo là của Chúa, và chứng cớ của điều này là: không có tổ chức con người nào, được quản lý với sự khờ dại xỏ lá, lại có thể kéo dài được hai tuần!”
Tôi thích thú khi nghĩ rằng Rôma dạy các chủng sinh phải kiên nhẫn với Giáo Hội. Phải, chúng tôi thấy thành phố ấy trong sự tốt đẹp nhất, nhưng chắc chắc chúng tôi cũng thấy nó lúc tệ hại nhất. Chắc chắn Rôma dậy sự kiên nhẫn: hãy nhớ rằng đó là thành phố duy nhất trên thế giới là nơi subito (lập tức), presto (tức khắc), và immediatamente (ngay lập tức) tất cả đều được hiểu là domani (ngày mai). Đây, một giám mục ở Hoa Kỳ nói với tôi về một chủng sinh trong giáo phận mà người rất muốn gửi sang Rôma vì anh ta có một quan niệm hẹp hòi, cứng rắn, rất đắc thắng về Giáo Hội.
Tôi nhận xét, “Sao lạ vậy? Không phải là Rôma lại củng cố những điều đó hay sao?”
Vị giám mục khôn ngoan nhận xét, “Theo kinh nghiệm của tôi, Rôma dậy bạn phải lỏng lẻo một chút, phải biết cười với Giáo Hội và về Giáo Hội, phải biết cảm kích lịch sử lâu dài của Giáo Hội, phải học cách yêu mến Giáo Hội trong tất cả những điều phàm tục và ồn ào của đời sống Rôma.” Phải, Rôma dậy chúng ta sự kiên nhẫn, và Giáo Hội có thể phần nào hỗn độn.
Mary Lee Settle, một tiểu thuyết gia chiếm giải National Book năm 1978, nói rằng, khi bà trở thành người Công Giáo, Walker Percy viết cho bà một lá thư chúc mừng và nhận xét, “Đó là một cơ quan rất lộn xộn mà bà dính vào, nhưng đó là một điều tồn tại cho đến tận thế.”
Các linh mục chúng ta cần nghe những gì Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói với giới trẻ trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới đầu tiên:
Các bạn trẻ thân mến, tôi muốn xin các bạn một ơn huệ: hãy kiên nhẫn với Giáo Hội! Giáo Hội lúc nào cũng là một cộng đồng của những người yếu đuối và bất toàn. Nhưng Thiên Chúa đã đặt công trình cứu độ của Người vào bàn tay nhân loại. Quả thật đây là một liều lĩnh lớn lao nhưng không có Giáo Hội nào khác ngoài Giáo Hội mà Chúa Kitô đã thiết lập. Người muốn nhân loại chúng ta là các cộng tác viên của Người trong thế gian và trong Giáo Hội với mọi khuyết điểm và thiếu sót của chúng ta.
Đã đủ về sự kiên nhẫn với Thiên Chúa, đặc biệt kiên nhẫn trong sự cầu nguyện, khi đối diện với sự dữ, và trong sự yêu mến Hiền Thê của Người, là Giáo Hội.
Bây giờ, sự kiên nhẫn với chính mình. Hãy lại lắng nghe lời Thánh Francis de Sales: “Hãy kiên nhẫn với mọi người, nhưng nhất là với chính mình. Tôi muốn nói, đừng bị bối rối với những bất toàn của bạn, và luôn luôn can đảm chỗi dậy sau khi vấp ngã.” Thật là một ý kiến! Bạn thấy không, linh mục chúng tôi, linh mục tương lai là bạn, đang cố gắng trở nên tuyệt hảo. Các cuộc khảo cứu cho thấy người ta vào chủng viện để trở nên một trong những người lý tưởng nhất. Và, đúng như vậy. Chúng ta muốn trở nên thánh. Chúng ta có các anh hùng như Chúa Giêsu, Thánh Phaolô, Thánh Gioan Vianney, Thánh Phanxicô Assisi, Thánh Don Bosco, Thánh Maximilian Kolbe. Tất cả những vị đó đã nói, chúng ta bị cám dỗ vô cùng để mất kiên nhẫn khi bất mãn với chính mình, như hầu hết chúng ta đều như vậy!
Tuy nhiên sự khôn ngoan cảnh cáo chúng ta rằng sự thiếu kiên nhẫn với chính mình dẫn đến sự chán nản có thể tiêu diệt chúng ta. Chúng ta thất bại không đạt được mục tiêu và thu mình vào trong phòng, hoặc trở nên gắt gỏng, hoặc nằm lì trên giường, hoặc bắt đầu uống rượu, hoặc tìm sự khuây khỏa trong cánh tay của một phụ nữ thông cảm. Đâu là câu trả lời? Tầm thường hóa mục đích của chúng ta sao? Không! Câu trả lời là hãy kiên nhẫn với chính mình cũng như Chúa đã kiên nhẫn với chúng ta, để thấy rõ ơn sủng của Người thì mạnh hơn sự yếu đuối của chúng ta, và để thú nhận rằng hầu hết đời sống linh mục chúng ta thì vấp ngã liên tục với sự giúp đỡ của Người. Do đó, tai họa lớn lao thì không nằm trong sự vấp ngã nhưng trong sự chỗi dậy. Fulton Sheen nói Đức Giêsu đã ngã ba lần trên đường đến Gôngôta, vì số ba tượng trưng cho vô cùng, và vì vậy không có giới hạn cho những lần chúng ta vấp ngã dưới sức nặng thập giá của chính chúng ta.
Bây giờ, hãy thành thật. Chúng ta đặc biệt thiếu kiên nhẫn với chính mình trong sự chiến đấu đừng chiều theo tội lỗi, nhất là tội xác thịt. Satan thì đặc biệt hiệu nghiệm trong việc thuyết phục chúng ta rằng sự cố gắng giữ mình trong sạch là một cuộc chiến thua thiệt chỉ người điên mới tham dự, và sự sa ngã đó phải khiến chúng ta tin rằng đừng cố gắng nữa. Do đó, chúng ta mất kiên nhẫn trong cuộc chiến đấu với tội lỗi, dù là sự khiết tịnh, nóng nẩy, lười biếng, uống rượu, lời nói hiểm độc--bất cứ gì. Đừng nghe lời Satan!
Như Evelyn Underhill viết, “Kiên nhẫn với chúng ta có nghĩa kiên nhẫn với một tạo vật đang phát triển mà Thiên Chúa cầm giữ trong tay và Người sẽ làm cho nó tuyệt hảo theo giờ giấc và phương cách của Người.” Và chu kỳ đó thật khắc nghiệt là chừng nào! Chúng ta tuyệt vọng cố gắng để giữ sạch tội, để lớn lên trong nhân đức, và những sa ngã xảy đến--chỉ trích gay gắt, hành vi dâm ô, nổi giận đùng đùng, phán xét không công bằng--và chúng ta mất kiên nhẫn với chính mình, chúng ta chán nản, chúng ta xa rời khỏi sự cầu nguyện và lòng thương xót Chúa, và tội lỗi trở nên dễ dàng hơn. Hãy hỏi người nghiện rượu đang cai chừa về buổi sáng hôm sau! Họ quá kiệt quệ đến độ câu trả lời duy nhất là uống tiếp! Có thể nào chúng ta kiên nhẫn, dịu dàng, đầy hy vọng, đáng tôn trọng, nhân từ với chính mình như Chúa đối xử với chúng ta không?
Để duy trì sự kiên nhẫn với chính mình có hai sự giúp đỡ. Vị linh hướng, là người chúng ta tín thác và là người biết rõ chúng ta để có thể giúp chúng ta kiên nhẫn với chính mình, và bí tích hòa giải, nếu thường xuyên, có thể hữu hiệu giúp chúng ta phục hồi tình bạn trọn vẹn với Chúa và rút ngắn lại chu kỳ sa ngã để không đi xa hơn nữa.
Vị thần nghiệm Julian Norwich có viết, “Tôi bị cô đơn trong buồn chán, mệt mỏi với đời sống và khó chịu chính mình, bởi vậy thật khó khăn tôi mới giữ được sự kiên nhẫn--nhưng ngay sau đó Chúa lại ban cho tôi sự an ủi và nghỉ ngơi trong vui thích và tin chắc.”
Kiên nhẫn với Thiên Chúa, kiên nhẫn với chính mình--và sau cùng, kiên nhẫn với người khác. Thông thường, dĩ nhiên, chúng ta giải quyết vấn đề theo cách khác, và coi đức kiên nhẫn chỉ có ý nghĩa là đối với người khác. Tôi tin là bạn thấy điều tôi muốn nói. Dám chắc với bạn là chúng ta sẽ không kiên nhẫn với người khác nếu trước tiên chúng ta không kiên nhẫn với Chúa và với chính mình.
Tôi được các giám mục, giám đốc ơn gọi, và cha xứ cho biết là các linh mục trẻ có vấn đề kiên nhẫn với giáo dân. Tin hay không, tôi còn được cho biết là một số chủng sinh về nhà và mau chóng nổi tiếng là thiếu kiên nhẫn với đức giám mục, với cơ cấu giáo phận, với cha xứ, với các thừa tác viên giáo xứ, với giáo chức nhà trường và lớp giáo lý, với thư ký. Dĩ nhiên, luôn luôn là lỗi của người khác. Do đó họ muốn một bài sai mới… bởi thế họ muốn trở về để học thêm… bởi thế họ muốn nghỉ một thời gian… bởi thế không ai muốn có họ… bởi thế họ từ bỏ…
Bạn thắc mắc tại sao sự thiếu kiên nhẫn với người khác lại nẩy sinh?
Thì, một số người có “mặc cảm mêsia”. Giáo Hội, nhất là ở trong giáo xứ này, thì sẽ sa hỏa ngục cả nút và tôi đến đây là để cứu vớt họ. Hãy nhớ lại trước đây tôi có trích lời của Hồng Y Laghi, người lo cho các linh mục là những người tự coi mình là đấng mêsia của Giáo Hội bởi vì, như người viết, “Giáo Hội đã có một đấng rồi!”
Sau đó, dĩ nhiên, một số người thuộc loại “cái gì cũng biết,” họ thiếu kiên nhẫn với giáo dân vì không mù quáng chấp nhận những câu trả lời có sẵn cho đủ mọi thứ.
Sau đó, một cách tự nhiên, một số người thiếu kiên nhẫn thì đặc biệt buồn phiền vì họ du học ở Rôma và vì vậy thực sự biết nhiều, mặc áo vét, có khuy tay, bằng cấp, biết tiếng Ý và La Tinh, mặc áo chùng với cúc bằng bạc, dây nhợ, và khăn thắt lưng, và một số khác có cả áo choàng, tất cả để chứng tỏ một kiểu cách đặc biệt tri thức giáo (gnostic) để có thể bào chữa cho sự thiếu kiên nhẫn một cách ngạo mạn với các tạo vật đáng thương ở giáo xứ.
Hãy tha cho chúng tôi! Bất cứ giám mục hay cha xứ nào cũng rất muốn có một người kiên nhẫn đối với bài sai của mình, muốn học hỏi, hăng say phục vụ, sẵn sàng vâng phục, và có được sự tin tưởng của giáo dân trước khi họ bắt đầu thay đổi bất cứ gì.
Nó không phải là “tự do mời gọi hành động” nhưng Đức Thánh Cha nói rằng phương cách giải quyết của Giáo Hội ngày nay phải là kiên nhẫn thuyết phục, dành được sự tin tưởng của giáo dân, hơn là ép buộc và độc đoán.
Một vài năm trước đây, tổng giáo phận Nữu Ước mất đi một linh mục vĩ đại, một thành viên của ban giám đốc chủng viện, một cựu sinh viên của Trường North America, ở tuổi bốn mươi hai. Cha Brian Barrett. Sau cái chết đột ngột của người, một câu chuyện lý thú được phơi bầy về một bà ký giả. Dường như bà đang tường thuật về chuyến tông du của đức giáo hoàng đến Nữu Ước một năm rưỡi trước đây và được giới thiệu đến Cha Barrett để biết thêm về lý lịch. Lúc bấy giờ bà tự giới thiệu là một phụ nữ cấp tiến, một “cựu Công Giáo” thường ghê tởm Giáo Hội và tin rằng Giáo Hội là hiện thân của bất cứ gì mà bà cho là lạc hậu, hà khắc, bệnh hoạn, và không hạnh phúc. Bà đổ mọi thứ lên đầu Cha Barrett.
Cha phản ứng thế nào? Bạn biết là người bị cám dỗ mất kiên nhẫn với bà. Thay vào đó, người lắng nghe, bình tĩnh trả lời các câu hỏi của bà, rành mạch giải thích giáo huấn của Giáo Hội, kiên nhẫn chịu đựng với điều mà sau này bà thú nhận là những xỉ nhục và chế nhạo, nhưng cha luôn giữ hẹn với bà, và không bao giờ mất sự trầm tĩnh. Kết quả là gì? Bà khóc trong tang lễ của người; bà trở lại với Giáo Hội; giờ đây bà trân quý đức tin và yêu mến tôn giáo. Có lẽ Cha Barrett đã bị cám dỗ cho nổ trái lựu đạn; thay vào đó, người thả lưới, và kiên nhẫn kéo bà trở về… và nó có hiệu lực. Một linh hồn được chữa lành và được cứu vớt.
Giờ đây, không hồ nghi gì, bạn sẽ gặp giáo dân, cha xứ, anh em linh mục, và các cộng tác viên mục vụ là những người có thể đốp chát người ta giống như Mẹ Têrêsa mất sự điềm tĩnh! Chắc chắn có lúc bạn sẽ phải rất kiên quyết, chấn chỉnh những lạm dụng, lên tiếng bảo vệ sự thật, tự trọng, và bình an trong tâm hồn. Tất cả những gì tôi muốn nói là nếu chúng ta hành xử thật bình tĩnh, hợp lý và kiên nhẫn, điều đó luôn luôn đáng ca ngợi, được ưa thích hơn, và hữu hiệu hơn.
Có những lúc linh mục giáo xứ được mời gọi phải kiên nhẫn một cách anh hùng. Ngồi hàng giờ trong tòa giải tội mà không ai đến; dành nhiều ngày soạn bài giảng mà không ai lắng nghe; chương trình trong ngày đã đầy mà đến phút chót cha xứ lại bảo phải chủ sự tang lễ lúc 10g; người cô đơn đến với bạn xin an ủi trong khi bạn chuẩn bị suy niệm; chú giúp lễ làm rơi chén thánh mới tinh của bạn; cố gắng đến nói chuyện với hội đoàn các ông về chương trình truyền giáo trong khi họ chỉ lưu tâm đến cuộc tranh tài cờ tướng; mong muốn nói chuyện với phụ huynh các em rước lễ lần đầu trong khi họ chỉ muốn tranh luận về việc em gái có nên đội khăn voan hay không; một số xua đuổi bạn, ngay cả một số anh em linh mục, vì quá đạo đức, quá truyền thống, quá Rôma, không cho bạn ngay cả một cơ hội; một số người, ngay cả anh em linh mục, cấm cản bạn không được thi hành bất cứ gì mới hay có tính cách sáng tạo trong giáo xứ. Chúng ta có thể huênh hoang, đe dọa, tán tỉnh, và đòi hỏi được thuyên chuyển; hoặc chúng ta có thể kiên nhẫn, chu toàn nhiệm vụ, chiếm được sự tin tưởng của họ, và tạo sự khác biệt.
Điều gì giúp chúng ta duy trì được sự kiên nhẫn với người khác?
Sự khiêm tốn! Sự kiêu ngạo, như bạn thấy, đưa đến thiếu kiên nhẫn vì nó cám dỗ chúng ta nghĩ rằng chúng ta biết nhiều hơn và đều có câu trả lời. Sự khiêm tốn giúp chúng ta thú nhận rằng những người này, giáo xứ này, sự bài sai này--đã ở đây trước chúng ta từ lâu và sẽ tiếp tục ở đây sau khi chúng ta ra đi, và chúng ta chẳng là gì cả mà chỉ là một công cụ. Bạn có nhớ lời cầu nguyện trước khi đi ngủ của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII chứ: “Con đã thi hành hết sức con… Đó là Giáo Hội của Chúa! Con đi ngủ đây.”
Óc khôi hài giúp chúng ta kiên nhẫn với người khác. Trong tổng luận của Thánh Tôma, thật thú vị khi biết rằng đức kiên nhẫn đứng dưới sự hy vọng, cũng như đức tính vui vẻ. Nếu chúng ta tin tưởng rằng mọi sự trong tay Chúa, thì, nó sẽ xảy ra vào thời điểm tốt nhất của Chúa, bởi thế tốt hơn chúng ta nên kiên nhẫn làm việc và biết cách cười đùa. Dầu sao đi nữa, có thể chương trình của chúng ta không phải là một chương trình đúng. Hãy lắng nghe bài thơ của Cha Solanus Casey, một linh mục Capuchin ở Detroit là người, nếu Chúa muốn, sẽ được phong chân phước:
Chúng ta xào nấu chương trình nhưng trở nên tệ hại
vì quá nhiều hương vị của riêng mình.
Nếu ý tưởng này xuất xứ từ thiên đường
nó sẽ phát triển như men bột.
Chúa muốn dùng sức mạnh của chúng ta
nếu kế hoạch của Người không bị hỏng vì kế hoạch của chúng ta.
Một điều giúp đỡ khác? Hãy giải thích những hoàn cảnh hời hợt, bất tiện, chưa tuyệt hảo là cơ hội ơn sủng và dịp thuận tiện để gia tăng nhân đức. Thánh Rôsa Lima nói, “Không có gánh nặng hoạn nạn thì không thể đạt được mức cao lớn của ơn sủng. Ơn sủng càng tăng khi càng chiến đấu.”
Một cảm nhận lành mạnh về tội nguyên tổ. Chúng ta không tin rằng có một sai lầm chết người trong sự tạo dựng, thực sự sai lầm, như Thánh Phaolô viết, “Mọi tạo vật rên xiết trong đau khổ” hay sao? Đôi khi chúng ta mất kiên nhẫn vì mong đợi sự tuyệt hảo. Tôi nhớ hai năm sau khi chịu chức linh mục tôi được chọn làm việc trong phòng nhân viên của giáo phận. Chương trình nghị sự buổi họp đầu tiên là trường hợp của một linh mục trẻ xin được thuyên chuyển sau hai năm làm việc với một cha xứ rất khó khăn. Tôi lên tiếng: “Điều mà linh mục này cần là được bài sai đến một linh mục nhiệt tình, nhân hậu, khôn ngoan và thánh thiện.” Sáu cặp mắt đổ dồn về và sáu cái miệng há hốc ra. Sau cùng Đức Tổng GM May phá vỡ sự im lặng và nhận xét, “Và ở cái chỗ chết tiệt nào chúng ta sẽ tìm thấy loại linh mục ấy?” Tại sao chúng ta ngạc nhiên khi thấy mình rơi vào hoàn cảnh không hoàn hảo, kém lý tưởng, không hoàn mỹ? Chúng ta sẽ không được bài sai với một vị thánh--và họ cũng vậy!
Một trợ giúp khác cho sự kiên nhẫn với người khác? Sự khôn khéo trong giao tiếp. Bạn thấy không, để giữ được kiên nhẫn, chúng ta phải có thể cho người khác biết khi chúng ta đau lòng, hay chán nản, hay bực mình về điều gì đó. Vì, nếu không, nó sẽ chỉ mưng mủ và bùng nổ. Sự khéo léo trong việc giao tiếp một cách bình thản, hợp lý, vô tư, là một tài năng chúng ta cần phát triển.
Và dĩ nhiên, một sự tín thác như con trẻ vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Thánh Phaolô viết cho tín hữu Rôma, “Chúng ta biết rằng khi biến đổi mọi sự trở nên tốt, Thiên Chúa cộng tác với tất cả những ai yêu mến Người, với những ai Người đã kêu gọi tùy theo mục đích của Người.” Hoạch định của Người rồi sẽ được bộc lộ; Người sẽ chiến thắng; Người là Thiên Chúa! Làm thế nào mà chúng ta có thể thiếu kiên nhẫn với những người và với những hoàn cảnh của chúng ta?
Anh Charles de Foucauld hỏi, “Trở nên một tông đồ, đúng vậy, nhưng như thế nào? Đối với một số người, chúng ta không cần phải nói một điều gì về Thiên Chúa, nhưng hãy kiên nhẫn như Chúa, hãy tốt lành như Chúa.” Gương mẫu cũng như sự hứng khởi vĩ đại nhất về sự kiên nhẫn là thập giá của Đức Kitô. Tôi thường đem Mình Thánh cho một người tên là Charlie Marsh. Anh bị bại liệt khi tuổi còn trẻ. Người ta cho biết, trước đây anh là một người đẹp trai, hăng hái, tích cực, mạnh khỏe thì bị ngã qụy vì tai biến mạch máu não. Tôi thường sửng sốt trước sự bình thản, kiên nhẫn chịu đau khổ và nụ cười của anh. Anh chỉ có thể ra dấu bằng những chớp mắt. Một Thứ Sáu kia, khi tôi đứng gần anh, tôi nhận thấy anh lúng túng, chớp mắt lia lịa, nụ cười và sự bình tĩnh thường lệ không còn. Tôi gọi Têrêsa, vợ anh, và chị nói, “Ô Cha ơi, Cha làm ơn đứng xích sang một bên. Charlie lúc nào cũng muốn nhìn thấy tượng chịu nạn treo trên tường mà cha đang cản lối.”
Điều đó giải thích cho nụ cười, sự bình an, kiên nhẫn khuất phục. Sự đau khổ khôn tả của anh được kết hợp với những đau khổ của Chúa Giêsu trên thập giá; anh có được sức mạnh nội tâm và sự kiên nhẫn là từ gương mẫu của sự kiên nhẫn chịu đựng của Chúa. Không phải là tất cả chúng ta được mời gọi để đồng hình dạng với vị Linh Mục đã hiến mình trên thập giá hay sao, nhất là những người có ơn gọi?
Nhiều bạn--nhất là những ai trong tổ chức Alcoholics Anonymous--biết rõ lời cầu nguyện mở đầu nổi tiếng của Reinhold Niebuhr. Hãy lắng nghe lời ấy như một lời cầu nguyện thích hợp cho sự kiên nhẫn:
Lậy Chúa, xin ban cho con
sự thanh thản để chấp nhận những gì con không thể thay đổi,
sự can đảm để thay đổi những gì có thể,
và sự khôn ngoan để biết được những khác biệt.
Xin giúp con sống từng ngày một;
vui hưởng từng giây phút;
chấp nhận sự khó nhọc như đường đến bình an.
Xin giúp con, như Đức Giêsu,
chấp nhận thế giới tội lỗi này với hiện trạng
chứ không như con mơ ước.
Xin giúp con tin tưởng rằng
Người sẽ thay đổi mọi sự nên đúng đắn
nếu con quy phục thánh ý Người.
Để con có thể hạnh phúc ở đời này cách hợp lý,
và hạnh phúc tột cùng với Người mãi mãi ở đời sau.
Amen.