(Đoạn trích Phúc Âm: Mc 10:17-31)
Khi lấy luận án tiến sĩ về lịch sử Giáo Hội tại trường Catholic University of America ở Washington, D.C., tôi thường lái xe về St. Louis vào dịp Giáng Sinh và dịp hè để thăm nhà. Nửa đường của hành trình dài mười bốn tiếng đồng hồ ấy là thành phố Zanesville, Ohio. Ngoại trừ cây cầu hình chữ Y và viện bảo tàng Zane Grey, thành phố ấy chẳng có gì đáng để dừng chân, nhưng tôi rất thích ở lại đêm với các cha dòng Đa Minh tại một giáo xứ ngay bên xa lộ 70.
Tôi thường vui thích khi đến gặp một linh mục dòng Đa Minh, người có vẻ khó tính nhưng khôn ngoan, để trò chuyện hơn nửa tiếng đồng hồ sau bữa ăn tối. Tôi luôn ngạc nhiên trước vẻ đạm bạc của căn phòng người: một phòng được dùng làm nơi ngủ nghỉ và phòng học, một phòng nhỏ với tất cả quần áo, sách vở, bàn giấy, tượng thánh giá, một vài tấm ảnh tôn giáo, một cái ghế đọc sách và một cái đèn. Chỉ có vậy.
Có lần tôi nhận xét, “Phòng của cha đơn sơ quá. Thế cha cất những thứ khác ở đâu?”
“Chỉ có vậy thôi,” người trả lời.
“Nhưng đơn sơ quá,” tôi nói lại.
“Nếu tôi bước vào phòng của cha thì tất cả những gì cha có cũng chỉ là cặp xách tay thôi mà!”
“Thì đúng vậy, nhưng tôi chỉ ở tạm thôi.”
Không bao giờ tôi quên được câu trả lời của người, “Không phải là tất cả chúng ta cũng như thế sao?”
“Tôi chỉ ở tạm.” “Không phải tất cả chúng ta cũng như thế?” Nhiều khi tôi tự hỏi không biết bốn năm học hành của tôi có giá trị gì so với nhận xét khôn ngoan của vị linh mục già kia.
Và vì vậy tôi muốn đề cập đến đề tài đời sống giản dị, thanh bạch. Tôi không ngại để thú nhận với bạn rằng đời sống giản dị là một đề tài khó khăn mà tôi phải suy nghĩ kỹ. Một số người nhận xét rất đúng rằng đời sống giản dị của một linh mục triều thì khác với lời thề khó nghèo của một linh mục dòng, vì, sự thật là các linh mục triều có thể làm chủ nhiều thứ, và phải lưu tâm đến vấn đề vật chất như tiền nợ, tiền thuế, xe cộ, quần áo, bảo hiểm, và tiền hưu dưỡng. Những người vui tính thường nói, “Linh mục dòng thề khó nghèo; linh mục triều sống điều đó!” Cha Michael Curran nói với tôi rằng vì quá nhiều giáo xứ ở Brooklyn mua các lễ phục đắt tiền và nổi tiếng của các cha dòng Xitô ở Spencer nên được nói rằng “giáo sĩ triều tiêu hết tiền để giúp các đan sĩ sống khó nghèo.”
Dầu sao, bạn hiểu điều tôi muốn nói: đời sống giản dị nói thì dễ hơn thi hành, dễ để vi phạm hơn là tuân phục, nó lờ mờ, dễ đưa đến những giải thích khác nhau, nhưng—tất cả chúng ta đều đồng ý—nó quan trọng cho bất cứ ai thực sự muốn là môn đệ Chúa Kitô, nhất là cho những ai tự nhận mình là linh mục hành động in persona Christi (nhân danh Chúa Kitô).
Có lẽ thật hữu ích để nhận xét kỹ tại sao sự giản dị lại quá quan trọng. Câu trả lời dễ dàng là vì Chúa Giêsu đã nói như vậy. Qua gương mẫu của Người—Con Thiên Chúa, tự ý trút bỏ mọi vinh dự, thanh danh, giầu sang, và an toàn, sinh trong một máng cỏ, đi tị nạn, được lớn lên trong những hoàn cảnh hoàn toàn bình thường, không có nhà hay nghề nghiệp, chỉ có chiếc áo làm sở hữu, không có chỗ gối đầu, được mai táng trong ngôi mộ của người khác—qua gương mẫu của Người, và qua lời giảng dậy, bạn có nghĩ ra điều gì khác hơn là Người muốn cảnh giác chúng ta về sự giầu sang, Người muốn ca tụng không gì khác hơn là đời sống giản dị và hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa? Chúa Giêsu đã thánh hóa đời sống giản dị.
Do đó, tôi cho rằng lý do thực sự để chúng ta khao khát một đời sống giản dị là vì Thầy chúng ta đã dậy bằng lời nói và đời sống. Nhưng chúng ta vẫn có thể hỏi: “Tại sao?” Tại sao Chúa Giêsu lại coi sự giản dị của đời sống quá quan trọng? Tôi đề nghị năm lý do có thể.
Một trong các lý do là vì sự sở hữu quá nhiều có thể khiến chúng ta xa cách Thiên Chúa. Đó là điều thực tế. Một đời sống dễ dãi, thoải mái, sang trọng, và nhiều của cải vật chất làm chúng ta sao nhãng Thiên Chúa và cám dỗ chúng ta nghĩ rằng hạnh phúc có thể phát sinh từ những gì chúng ta có chứ không phải là vì bản chất chúng ta, là con cái Thiên Chúa, được dựng nên theo hình ảnh của Người, được cứu chuộc bằng máu châu báu của Con Thiên Chúa, được tiền định để yêu mến và sống mãi với Người.
“Satan ngày nay thì khôn ngoan hơn ngày xưa, / và cám dỗ bằng sự giầu sang…” Đức Giáo Hoàng Alexander đã viết như thế để xác nhận rằng sự giầu sang có thể khiến chúng ta xa Chúa. “Đừng lo lắng về những gì bạn có, nhưng về con người của bạn,” Thánh Grêgôriô Cả cổ võ như thế khi người đoán trước về sự bội giáo ngày nay là cho rằng giá trị hệ tại những gì chúng ta có, chúng ta làm chủ, chúng ta kiếm được chứ không phải con người thật của chúng ta.
Dĩ nhiên, đây là tinh thần nghèo khó mà Chúa đã đưa lên hàng đầu trong tám mối phúc: sự khiêm tốn, đơn sơ thú nhận chúng ta không có gì đáng kể, hoàn toàn lệ thuộc vào Cha trên trời. Như vậy, trong một phương cách tinh thần, người giầu có thể trở nên nghèo nếu họ vượt qua trở ngại vật chất của cải, không lệ thuộc vào chúng, độ lượng chia sẻ chúng, và đừng để chúng làm cho mù quáng trước sự giầu sang của Thiên Chúa, trong khi người nghèo của cải cũng có thể trở nên hao mòn bởi sự khao khát giầu sang khiến họ còn tệ hơn người giầu.
Như Thánh Augustin đã viết, “Sự nghèo khó của một người được xét đoán bằng ý định của tâm hồn, chứ không bằng túi tiền.” Nhưng đó là điều hiếm có, phải không, vì chúng ta biết rằng sự xa hoa, sở hữu, tiện nghi, và an toàn thường thổi phồng chúng ta lên và làm tinh thần chúng ta chết ngạt đến độ đáng phải chịu sự nguyền rủa của Chúa đối với sự giầu sang, trong khi những ai tự ý tránh xa việc tích lũy và đời sống xa hoa để nuôi dưỡng tinh thần nghèo khó thì họ dễ đến với Thiên Chúa hơn. Và như vậy, đó là lý do ngắn gọn tại sao lại sống giản dị: vì người sống giản dị được tự do đến với Thiên Chúa, sự chiếm hữu cao quý nhất. Theo những lời nghiêm khắc của Thánh Antôn Sa Mạc: “Ai càng sống giản dị bao nhiêu họ càng bình an bấy nhiêu, vì họ không bận tâm với nhiều điều khác… Nhưng, khi chúng ta bám víu lấy vật chất, chúng ta sẽ bận rộn với những phiền toái xuất phát từ đó và đưa chúng ra xa rời Thiên Chúa. Do đó, sự khao khát vật chất lấp đầy chúng ta với những xáo trộn và khiến chúng ta lạc đường vào chốn tối tăm.”
Như Cha Robert Dillon có lần nói với tôi, đời sống đơn giản tự nó không phải là cùng đích nhưng là một phương tiện để đạt được cùng đích, có thể nói là sự kết hợp gần gũi hơn với Thiên Chúa.
Lý do thứ hai bào chữa cho đời sống giản dị là nó ấp ủ tình liên đới với người nghèo. Bạn có thấy rằng chúng ta thật may mắn là dường nào ngay cả khi tự ý sống đơn giản không? Hầu hết cả thế giới bị bó buộc phải như vậy! Khi chúng ta tự ý yêu quý đời sống giản dị, thoát khỏi sự giầu sang, dễ dãi, xa hoa và tài sản, chúng ta gần với người nghèo hơn, họ là những người được Chúa chọn. Do đó, đời sống giản dị lại khích lệ sự công bằng và thúc giục chúng ta yêu thương chăm sóc những người đau khổ vì nghèo. Thánh Augustin lại nói: “Hãy tìm hiểu xem Thiên Chúa đã ban cho bạn bao nhiêu, và hãy giữ lại những gì bạn cần; phần còn lại mà bạn không cần là của người khác. Những thừa thãi của người giầu là những gì cần thiết cho người nghèo. Ai giữ lại những gì thừa thãi là đang chiếm hữu tài sản của người khác.”
Hoặc, hãy nghe Tolstoy: “Tôi đang tham dự vào một tội ác khi tôi có thực phẩm thừa thãi và người khác thì không có gì.”
Vì vậy, một đời sống giản dị dẫn đến việc chia sẻ của cải và tài nguyên, để mọi người có thể đầy đủ--đó là sự công bằng, đó là điều tốt, đó là đường lối mà Thiên Chúa muốn.
Lý do thứ ba để sống giản dị vì nó là một nhắc nhở mạnh mẽ rằng “chỉ trong Thiên Chúa linh hồn tôi mới yên nghỉ,” không có gì trong cuộc đời này, không có ai, không lợi lộc nào, và không có sự chiếm hữu nào sẽ kéo dài mãi mãi hoặc thoả mãn chúng ta vĩnh viễn. Chỉ Thiên Chúa mới có thể làm được như vậy, nếu chúng ta tìm kiếm hạnh phúc đích thật và lâu dài từ bất cứ gì hay bất cứ ai trong cuộc đời này, chúng ta tự đem đến cho mình những khó khăn, phiền muộn, và thất vọng.
Lý do thứ tư của đời sống giản dị là nó khích lệ chúng ta tín thác vào Đấng Quan Phòng thay vì vào chính chúng ta hay những gì chúng ta có. Càng có nhiều, càng an toàn, càng thoải mái và dễ chịu trong đời sống, chúng ta càng ít trông cậy vào Chúa để ban cho chúng ta những gì thật sự cần thiết.
Và, lý do sau cùng để sống giản dị, rất thích hợp cho linh mục, là vì đó là một gương mẫu tốt lành. Phải, đời sống giản dị của linh mục có một giá trị mô phạm và giáo lý, vì người dậy bảo giáo dân về tinh thần nghèo khó và khích lệ họ sống công bằng.
Cũng thế, đó là một gương xấu xa khủng khiếp khi linh mục sống cuộc đời giầu có, xa hoa và thoải mái. Khi Đức Tổng Giám Mục Gaetano Bedini phúc trình lên Đức Giáo Hoàng Piô IX về tình trạng Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ trong năm 1853, trong khi người ca ngợi hàng giáo sĩ ở nước cộng hòa mới này, người nhận thấy có ba thói xấu: nghiện rượu, sự đồi bại tình dục, và tham lam, hoặc ích kỷ khao khát tiền bạc. Một phúc trình như vậy, tôi dám chắc vẫn còn đúng với ngày nay, và có thể áp dụng cho linh mục của các quốc gia ngoài Hoa Kỳ. Có ai trong chúng ta có thể quên được một cảnh trong phim Angela's Ashes mà các món ăn ngon lành của gia đình McCourt là thức ăn dư thừa của linh mục mà bà bếp lấy phân phát cho đám dân nghèo đang chờ chực ở cửa sau nhà xứ?
Bởi thế, các linh mục và linh mục tương lai được thúc giục sống một cuộc đời giản dị không chỉ vì Thầy chúng ta đòi hỏi, không chỉ vì nó giúp chúng ta đến với Chúa dễ dàng hơn, không chỉ vì nó cổ vũ một xã hội công bằng, không chỉ vì nó nhắc nhở chúng ta rằng chỉ có Thiên Chúa mới thoả mãn chúng ta, không chỉ vì nó giúp chúng ta tín thác vào Đấng Quan Phòng, nhưng vì nó đem lại một gương mẫu tốt lành, và vì nếu không sống như vậy, đó là điều vô cùng xấu xa.
Sau khi nhìn đến các lý do để sống giản dị, bây giờ tôi đưa ra các nhận xét về thực hành.
Thực tập sống giản dị, tự nó không chỉ tốt lành nhưng còn là nền tảng cho các nhân đức khác được mong đợi nơi linh mục. Tôi vừa mới đọc một bài của Đức Hồng Y John O'Connor gửi cho Cha Benedict Groeschel dòng Phanxicô, trong đó người khẳng định: “Nghèo khó là nhân đức nền tảng vì mọi điều phát sinh từ đó; nghèo khó ý muốn, mà chúng ta gọi là vâng phục; nghèo khó ao ước của thể xác, mà chúng ta gọi là khiết tịnh; và sau đó hiển nhiên là sự nghèo túng, thoát khỏi mọi ràng buộc của vật chất. Sự nghèo khó là tự do đích thật.”
Thật đúng là dường nào, đời sống giản dị hỗ trợ các nhân đức khác được mong đợi nơi linh mục: sự vâng phục, khi chúng ta không bám víu lấy ước ao được bài sai chỗ này chỗ nọ, được “thăng quan tiến chức”, và chương trình riêng của chúng ta, nhưng quên đi tham vọng cá nhân và trao tương lai của chúng ta vào tay các giám mục. Tôi thật thán phục chừng nào khi thấy những người ở đại chủng viện Rôma bỗng dưng phải thay đổi chương trình ở giữa khóa, những người được hứa là cho tiếp tục năm thứ năm nhưng rồi bị lấy lại, hoặc những người được bảo rằng sẽ được về nhà sau năm thứ tư và bắt đầu chờ đợi điều đó thì lại được bảo phải ở lại để lấy chứng chỉ; những người được bảo là phải chú ý đến một lãnh vực mà họ không lựa chọn, hay được trao cho một năm mục vụ mà họ thực sự không muốn. Tôi thán phục họ là dường nào khi họ nhún vai, thú nhận là chán nản, nhưng rồi lại vui vẻ chấp nhận. Sự vâng phục đó phát sinh từ một đời sống giản dị, khi chúng ta cố gắng đừng bám víu lấy chương trình riêng, kế hoạch riêng hay tham vọng cá nhân, có phải không?
Và sự không quyến luyến đó là đặc điểm của sự khiết tịnh lành mạnh, có hiệu quả khi chúng ta không bao giờ bị thu hút bởi người khác. Chúng ta thuần tuý và trọn vẹn thuộc về Chúa Giêsu và Giáo Hội của Người, và không ai khác có quyền đòi hỏi tình yêu của chúng ta, như vợ chồng có quyền đối với nhau trong hôn nhân.
Cũng vậy, sự bác ái về mục vụ thì tùy thuộc sự giản dị của đời sống. Nếu đời sống chúng ta đầy những xáo trộn vì của cải, nhậu nhẹt, say sưa, mua sắm, du lịch xa hoa, và thích nghi với xã hội quá đáng thì chúng ta sẽ không còn thời giờ, năng lực, và động lực để độ lượng phục vụ người dân. Chúng ta thấy mình no nê, lăng quăng không mục đích rõ rệt từ liên hoan này đến vui chơi khác, tiệm này đến cửa hàng khác, quá chếnh choáng để chăm sóc các linh hồn được giao phó cho chúng ta với sự bền bỉ, lợi ích và sự chú ý mà họ đáng được. Có lẽ đó là lý do mà trong tông huấn Pastores Dabo Vobis, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đề cập đến sự nghèo khó mục vụ là điều thật cần thiết cho một linh mục.
Do đó, phải, một đời sống giản dị đem cho chúng ta sự tự do mà các đức tính cần thiết khác của một linh mục có thể xây dựng trên đó.
Nhận xét thứ hai về đời sống giản dị là chúng ta có thể vi phạm đời sống ấy không chỉ bằng việc sở hữu của cải hay tiền bạc. Chúng ta có thể thất bại trong cuộc sống ấy bằng nhiều cách.
Một trong những cách ấy là tinh thần bất an và xao nhãng mà nó luôn khiến chúng ta tìm kiếm các vui thú mới, trò tiêu khiển mới, bạn bè mới. Chúng ta xa lánh sự thinh lặng, trầm lắng và kín đáo. Chúng ta không thể ở một mình. Câu nói lừng danh của Blaise Pascal rất đúng: “Nguyên do duy nhất khiến người ta không hạnh phúc là vì họ không biết giữ im lặng trong phòng riêng.” Tôi nhớ lại lần đầu tiên đi tĩnh tâm tám ngày theo phương pháp Y Nhã khi còn là một linh mục trẻ. Không có cuốn sách nào ngoại trừ phúc âm và sách kinh, không điện thoại hay thư từ, tuyệt đối im lặng ngoại trừ việc gặp gỡ hàng ngày với vị linh hướng. Tôi như điên! Vào đêm thứ tư tôi thấy mình lơ đãng đọc thành phần chất lượng trên nhãn hiệu của loong nước cà chua!
Một đời sống giản dị có nghĩa một đời sống không huyên náo, không rắc rối. Điều đó không có nghĩa một cuộc đời thiếu chiều sâu hay sự nghiêm trọng, nhưng nó phải xuất phát từ nội tâm, từ thừa tác vụ, chứ không phải từ sự ồn ào, giải trí, chiếm hữu, hay tiểu thuyết. Người linh mục sống đời giản dị mong muốn một buổi tối êm đềm trong phòng một mình, và dành cho mình thời giờ để suy tư, hoạch định, cầu nguyện hay đọc sách, điều đó sảng khoái hơn là một bữa ăn tối sang trọng và ghế hạng nhất trong một hí viện. Người thích ở một mình. Như ngạn ngữ có nói, người vui thích “những sự giản dị của đời sống,” và khao khát sự thinh lặng, cô độc và niềm vui đơn sơ.
Thái độ thứ hai có thể vi phạm sự giản dị của đời sống là quá đáng gắn bó với người nào, chỗ nào, hay vật gì ngoài Chúa Kitô và Giáo Hội. Một linh mục khôn ngoan mà tôi biết có nói về sự độc thân, và câu nói đó cũng có thể áp dụng cho sự khó nghèo mục vụ: “Tôi biết một số linh mục yêu quý chai rượu hoặc những gậy đánh gôn (golf). Nếu họ vi phạm sự độc thân, chắc chắn họ tìm đến phụ nữ.”
Thật thô bạo, nhưng người có lý do: không có người nào, chỗ nào, vật gì, thú tiêu khiển nào, thể thao gì, bạn hữu, họ hàng, của cải, mục đích hay tham vọng gì làm chủ được một linh mục--chỉ có Chúa Kitô và Giáo Hội. Bất cứ gì khác đều vi phạm sự giản dị của đời sống. Một người bạn tôi, là cha xứ của một họ đạo lớn, bất đắc dĩ phải nhờ đến một linh mục lớn tuổi để giúp người. Điều duy nhất cần giúp đỡ ngoài Thánh Lễ hàng ngày là cử hành Thánh Lễ tại nhà hưu dưỡng mỗi sáng thứ Tư vào lúc 10g, đó là thời gian được đặt định từ lâu vì thuận tiện cho ban quản đốc, các cụ và những người tình nguyện.
“Không được,” vị linh mục lớn tuổi trả lời. “Đã hai mươi năm nay, sáng thứ Tư là tôi đi chơi gôn, và tôi không muốn thay đổi điều đó.” Thật là những ưu tiên khó sửa đổi!
Thứ ba, hãy đi vào thực tế. Hãy nhìn vào những phương cách cụ thể để biết chúng ta, là linh mục hay linh mục tương lai, có sống cuộc đời giản dị khó nghèo mục vụ hay không. Sau đây là một số lãnh vực nhiều thách đố và có thể nguy hiểm.
Y phục: tôi mời bạn nhìn vào tủ quần áo, rương quần áo, bên dưới gầm giường--bất cứ đâu bạn để quần áo—và nhớ lại những gì bạn cất giữ trong nhà và tự hỏi bạn có ăn mặc giản dị không. Dĩ nhiên, đó là một trong hai lý do mà chúng ta có y phục giáo sĩ; lý do thứ hai là nhân dáng bên ngoài, có thể nói rằng chúng ta không cần quá nhiều y phục vì chúng ta đã có đồng phục. Bây giờ, điều đó cũng có thể bị vi phạm, phải không? Một đàng bạn có những giáo sĩ mặc quần áo quá nhầu nát, bạc phếch, dơ bẩn đến độ họ trông như những người lười biếng. Đằng khác bạn có những giáo sĩ với y phục sang trọng lụa là, cúc bọc nhung, khuy áo bằng vàng và khoảng nửa tá bộ vét được thợ may đo. Cả hai thái cực đều sai lầm.
Chúng ta cần y phục sạch sẽ, thoải mái và khỏe mạnh. Chúng ta phải cầm đến đồ vật thiêng liêng, chúng ta hiện diện trong những biến cố trọng đại nhất của đời sống giáo dân, do đó chúng ta phải sạch sẽ và chỉnh tề vì họ. Sách Talmud có dậy “nghèo không có nghĩa dơ bẩn.” Đừng lầm lẫn cho rằng sự giản dị trong y phục giống như luộm thuộm và lôi thôi lếch thếch. Tuy nhiên chúng ta tránh y phục lòe loẹt, phô trương, trong y phục giáo sĩ cũng như y phục thường.
Giáo dân tặng cho linh mục nhiều y phục, và chúng ta nhận với lòng biết ơn và, nếu thích hợp, hãy sử dụng các y phục đó. Tuy nhiên, không bao lâu bạn sẽ nhận được quá nhiều đến độ phải cho bớt đi. Sự nguy hiểm ở đây không phải là y phục mà chúng ta được cho, nhưng ở những gì chúng ta muốn mua. Giản dị, sạch sẽ, chỉnh tề--đây là những phụ trợ quan trọng.
Cũng phải thận trọng về các lễ phục quá đắt tiền. Mỗi giáo xứ đều có những phẩm phục trang trọng đẹp đẽ, thường là một bộ cho ngày Chúa Nhật và ngày lễ, một bộ khác cho ngày thường. Tôi nghĩ mỗi linh mục đều được quyền có một phẩm phục đặc biệt cho Thánh Lễ mở tay mà sau đó người sẽ dùng cho các dịp đặc biệt trong toàn thể đời linh mục. Tôi không ngại để nói với bạn, điều làm tôi khó chịu khi những tân linh mục mua sắm các phẩm phục quá đắt tiền, đủ loại mầu sắc cho niên lịch phụng vụ, và rồi khi được bài sai đến giáo xứ nào đó, họ bỏ qua các phẩm phục ở đây, và như vậy nó có vẻ kiêu kỳ và kiểu cách. Nói cách tổng quát, giáo xứ mua lễ phục chứ không phải linh mục.
Xe cộ là một điểm khó khăn khác cho các linh mục. Một đàng, bạn cần chiếc xe bền bỉ, thoải mái, vì một linh mục phải dùng đến xe cộ rất nhiều. Đàng khác, một chiếc xe sang trọng của linh mục có thể trở nên điều tiếng xấu. Khi Đức Ông Yarrish và tôi làm việc ở Phủ Sứ Thần Tòa Thánh ở Hoa Thịnh Đốn, tôi ngạc nhiên khi thấy Bộ Ngoại Giao đề ra nguyên tắc rằng các sứ thần tòa thánh thì không được đi những chiếc xe được coi là “xa hoa” ở những quốc gia mà họ làm việc, đối với chúng tôi đó là các xe Cadillac, Lincoln, hay Mercedes. Nếu đó là điều tiếng xấu cho một sứ thần tòa thánh thì chắc chắn rằng điều đó cũng áp dụng cho một linh mục khi mua sắm một chiếc xe như vậy. Dĩ nhiên, ngày nay một số linh mục lái những chiếc xe díp hay “pick-up truck” cũng đắt tiền tương tự. Phải, xe cộ cũng có thể cám dỗ chúng ta không sống đời thanh bạch.
Nghỉ hè và du lịch cũng là lãnh vực khó khăn. Mọi linh mục đáng được nghỉ hè, và du lịch là một trong những điều chính đáng chúng ta có. Nhưng tôi nghĩ bạn sẽ đồng ý với tôi là nhiều linh mục gây nên tiếng xấu không chỉ bởi đi nghỉ hè quá nhiều, nhưng bởi sự xa xỉ và kỳ lạ của nơi nghỉ hè.
Đi ăn tiệm: một người bạn nói với tôi rằng các linh mục biết rõ nhà hàng nào ăn ngon. Tôi không nghĩ đó là tiếng tốt. Một bữa ăn ngon tại nhà hàng thanh lịch với bạn hữu là điều tuyệt đối chấp nhận được. Nó là nguồn sức khỏe và vui thú lành mạnh, chính đáng. Vấn đề xảy ra là khi chúng ta ăn uống ở đó thường xuyên, và khi chúng ta bắt đầu thích những nơi sang trọng. Một cách tổng quát, bạn không nên đi ăn tiệm nhiều lần trong tuần.
Máy móc: một cám dỗ hiện đại của đời sống giản dị mà tôi gọi là “máy móc”: máy truyền hình, máy quay phim video, dàn âm thanh “stereo”, máy vcr, bộ máy điện toán hiện đại luôn luôn được cập nhật hóa. Dường như linh mục và linh mục tương lai thường bị say mê với điều mà các bà thường gọi là “đồ chơi của các ông,” luôn mua sắm những dụng cụ và đồ vật hiện đại. Dĩ nhiên, điều có thể xảy ra là phương tiện kỹ thuật (máy điện toán, điện thoại di động, v.v.) được cho là giúp chúng ta tiết kiệm thời giờ để có thể phục vụ Chúa hữu hiệu hơn thì lại trở nên một sự xao nhãng với đời sống giản dị mà chúng ta khao khát.
Dĩ nhiên có ngoại lệ, nhưng chưa bao giờ tôi gặp được một linh mục làm chủ một bất động sản--một phòng ốc cao tầng (condo), một khu chung cư, một chỗ ở ngoại ô, một căn nhà, hay một chiếc thuyền—mà không thú nhận rằng nếu không thận trọng, điều đó sẽ bắt đầu cản trở thừa tác vụ linh mục của người. Bất động sản cần đến thời giờ, tiền bạc, thuế má, sửa chữa và sự lưu ý, tất cả những điều đó có thể phương hại đến đời sống thanh bạch. Đúng vậy, tôi biết một số linh mục mà họ có những nơi ở bình thường, giá vừa phải, dễ bảo trì, có thể chia sẻ với người khác. Tuy nhiên, những vị này là người đầu tiên thú nhận rằng bạn phải thận trọng về bất động sản. Sự cảnh cáo đó cũng áp dụng cho tư cách hội viên của các câu lạc bộ. Khi ngày càng có nhiều người làm linh mục sau khi có sự nghiệp ở ngoài đời, việc sở hữu bất động sản trở thành một vấn đề cần được lưu tâm.
Điều thứ bẩy và có lẽ là mối đe dọa nguy hiểm nhất cho sự khó nghèo mục vụ là tiền bạc. Chúng ta đã biết Thầy cảnh cáo chúng ta thế nào về sự nguy hiểm của tiền bạc. Nó làm tiêu tan nhiều linh mục tốt lành hơn cả việc nghiện rượu và tình dục. Chúng ta có thể trở nên các người độc thân ích kỷ đói khát tiền bạc mà việc theo đuổi một “đời sống thoải mái” sẽ làm cho sự khó nghèo phúc âm trở nên giả dối. Do đó, việc nghiên cứu cách sử dụng tiền bạc thích hợp là điều cần thiết cho một người muốn làm linh mục. Cho phép tôi đưa ra một vài gợi ý để bạn tự hỏi xem có phải mình đang phục vụ tiền bạc hay phục vụ Thiên Chúa.
Bạn có mắc nợ không? Tôi muốn nói về nợ các cửa tiệm, tiền điện thoại, tiền thẻ tín dụng--một cách mau chóng để nô lệ cho tiền bạc là mắc nợ. Một số tiền nợ như tiền học, tiền xe thì không thể tránh được. Phải biết chắc là bạn trả nợ đúng kỳ hạn, có trách nhiệm, một cách kiên định.
Bạn có sống trong khả năng của mình không? Một vài năm trước đây có một chủng sinh đến xin tôi giúp đỡ tài chánh để đi chơi mùa Giáng Sinh. Anh cho biết không có tiền để đi xe. Tôi vui lòng giúp đỡ, và ngân quỹ cho việc đó chỉ có giới hạn. Tôi hỏi anh, “Anh cần bao nhiêu?”
“Ô, khoảng một ngàn hai.”
Tôi choáng váng và hỏi lại, “Anh đi đâu?”
“Thổ Nhĩ Kỳ,” anh trả lời. Đó là sống ngoài khả năng của bạn. Tôi vui lòng cho anh ba trăm đô la để đi những chỗ ít hấp dẫn hơn, tỉ như Florence hay Siena. Nhưng, nếu bạn không có tiền, đừng đến những chỗ lạ thường. Nếu bạn không trả nổi tiền điện thoại, hãy chấm dứt dùng điện thoại. Chúng ta sống trong khả năng của mình. Nếu chúng ta thường xuyên vật lộn với tài chánh, điều đó chứng tỏ sự thiếu trưởng thành về tài chánh mà nó sẽ phiền toái đến đời sống khó nghèo mục vụ.
Bạn có thấy mình làm những việc chỉ dính dáng đến tiền, hoặc lấy lòng những người mà bạn hy vọng họ sẽ là ân nhân? Giáo dân rất độ lượng với linh mục, và nếu không thận trọng, chúng ta sẽ thấy mình ve vãn những người mà chúng ta tin rằng có lợi về tài chánh cho chúng ta và rồi lơ là với người nghèo.
Một đe dọa sau cùng cho sự giản dị phúc âm là sự thái quá. Đời sống giản dị là để gia tăng hiệu quả khi thi hành mục vụ, gia tăng niềm vui, lòng hăng hái chứ không phải giảm bớt. Truyền thống Công Giáo là để đậm đà thêm những thời gian vui vẻ, lễ lạc, hăng say với đời sống, thực phẩm, ăn uống, nghệ thuật, giải trí, âm nhạc, khôn ngoan sử dụng các tài nguyên tự nhiên tốt lành của Thiên Chúa. Và rồi sự khó nghèo phúc âm không bao giờ biến chúng ta thành những người hay gắt gỏng, ủ rũ, khắt khe không muốn ai khác có được niềm vui. Do đó hãy cảnh giác về sự thái quá trong lãnh vực đời sống giản dị:
Trong một buổi nói chuyện, Đức Hồng Y O'Connor cảnh giác đối với việc thiếu sót theo đuổi tinh thần nghèo khó đích thật. Người nói, “Bất cứ sự nghèo khó nào cũng có thể trở nên giả dối. Ngay cả sự khó nghèo cũng có thể trở nên một nguyên do để hãnh diện, kiêu ngạo, tự phụ. 'Tôi nghèo hơn bạn, và vì vậy tôi thánh thiện hơn bạn.'” Vâng, đúng vậy. Tự bản chất, đời sống giản dị đích thật thì không lôi kéo sự chú ý đến mình, không khoe khoang.
Đời sống đó cũng không hại đến sức khỏe. Bạn có thể nghĩ đó là một thực hành đức khó nghèo khi không mua chiếc áo mới hay đôi giầy mới, nhưng khi để đôi chân sũng nước mưa và lồng ngực lạnh buốt phải nằm liệt giường thì đó không phải là khó nghèo. Khi bạn cố gắng ăn uống, ngủ nghỉ điều độ thì đó là điều đáng khen nhưng nó sẽ phản tác dụng nếu bạn yếu dần và lâm bệnh.
Và những nỗ lực đáng phục của bạn khi đừng đi ăn ngoài thường xuyên, đừng quá lo lắng đến các phim ảnh, chương trình truyền hình hay nghỉ hè quá nhiều, sẽ không đem lại kết quả mong muốn nếu bạn trở nên ủ rũ, bắt bẻ, chán chường xa lánh.
Tự bản chất, sự giản dị của đời sống tránh những thái quá, và đưa đến một đời sống lành mạnh hơn, hữu hiệu hơn và vui thích hơn.
Tôi kết thúc những nhận xét về nhiều khía cạnh của đời sống giản dị bằng việc nhắc đến những gì chúng ta có thể thi hành để nuôi dưỡng đời sống ấy, thay vì chỉ để ý đến những gì cần tránh né, những gì chúng ta không nên làm. Phải, có những trợ giúp tích cực để phát triển đời sống giản dị.
Trước hết là sự độ lượng đơn sơ, chân thật khi chúng ta cho đi tiền bạc, quần áo và những gì không cần. Một linh mục tốt lành mà tôi quen, cứ mỗi tối giao thừa là người ngồi viết chi phiếu tặng cho các tổ chức bác ái cho đến khi chỉ còn lại một trăm đô la. Nhưng người không phải là vô trách nhiệm về tiền bạc, vì người biết chắc là nợ đã trả xong, vẫn còn tiền tiết kiệm để đi nghỉ hè, để trả tiền xe, và để phòng khi khẩn cấp. Đó là sự quản lý khôn ngoan. Nhưng, hàng năm người cho đi những gì dư thừa. Đó là cách người nuôi dưỡng đời sống giản dị. Một người nói với tôi là nếu họ đi ăn tối ở tiệm nhiều hơn một lần mỗi tuần, họ sẽ trích một số tiền tương đương để tặng lại cho cơ quan từ thiện. Đó là cách để gia tăng đời sống giản dị.
Một sự giúp đỡ thứ hai để duy trì sự nghèo khó mục vụ là thỉnh thoảng phải tự hỏi mình xem có trông chờ vào của cải gì đó hay thói quen an nhàn nào đó. Vật chất thì tốt một khi chúng ta đừng lệ thuộc vào chúng. Do đó, hãy tự hỏi xem giá trị của bạn, sự bình an nội tâm của bạn có vụn vỡ khi mất mát điều gì đó.
Người ta nói rằng khi thị trường chứng khoán suy sụp vào năm 1929, những người vô thần đã nhẩy trên lầu xuống đất tự tử, và người có đức tin lại đi làm tiếp. Một phúc lành mà linh mục chúng ta có được là việc di chuyển thường xuyên, và vì vậy, chúng ta thường vất đi những gì không cần thiết. Có lần tôi than phiền về việc thu xếp và dọn nhà khi một linh mục bạn nhận xét, “Đốt bớt thì hơn.” Một linh mục tôi quen chỉ mang theo những gì vừa trong một chiếc xe--tất cả còn lại người cho đi hết. Tất cả của cải trần gian của các tu sĩ dòng Bác Ái Truyền Giáo thì có thể chất vừa trong một cái túi vải. Chúng ta không phải là các tu sĩ ấy, nhưng chúng ta được kêu gọi sống đời giản dị, và vì vậy thỉnh thoảng chúng ta phải kiểm điểm lại xem đời sống chúng ta có quá bừa bộn, tâm trí chúng ta có quá trì trệ, hay linh hồn chúng ta có quá đầy ứ sự giầu sang, thoải mái và của cải hay không.
Hãy biết chắc là bạn vẫn gần gũi với người nghèo. Phải, thật dễ cho tôi khi đến thăm một ân nhân giầu có, nhưng thật khó để gặp một người nghèo đang đi xin việc. Nhiều linh mục thích tham dự bữa tiệc sang trọng của tổ chức Knights of Malta nhưng lại khinh chê món cá chiên của hội Knight of Columbus. Một linh mục tốt lành thì dành nhiều thời giờ cho người nghèo hơn là người giầu, và sẵn sàng giúp đỡ họ, vì đời sống giản dị được gia tăng bởi lòng yêu quý những người không thể đền ơn lại cho linh mục chúng ta. Tương tự, việc thường xuyên tiếp xúc với người nghèo sẽ giúp chúng ta biết cảm kích về những gì mình đang có, và kích thích lương tâm ù lì của chúng ta để sống giản dị phù hợp với Phúc Âm.
Và, một sự giúp đỡ sau cùng, là hãy giữ tình bạn với những giáo dân tốt lành, là những người giúp bạn sống thực tế. Gia đình tôi là như vậy. Khi đến thăm gia đình của các anh chị, tôi mới thấy mình thật may mắn chừng nào. Họ không đi ăn tiệm thường xuyên như tôi, hoặc đi du lịch như tôi, hay có thể mua sắm như tôi--tất cả sống rất giản dị. Họ sống với ngân khoản ít ỏi vì các chi phí, nợ tiền học, tiền sửa chữa, và tiền bác sĩ phải trả. Không ngạc nhiên khi thấy anh tôi phải làm hai công việc để người vợ và sáu đứa con có được một đời sống tươm tất. Và mỗi Chúa Nhật họ trích ra một ít tiền, không phải tiền dư thừa mà từ ngân quỹ eo hẹp, để giúp đỡ Giáo Hội mà họ yêu quý để các linh mục có thể sống thoải mái và than phiền về một cuộc đời khó khăn. Khi là linh mục, bạn phải biết chắc là có hai hay ba gia đình lành mạnh coi như người thân để giúp bạn sống thực tế. Họ sẽ giúp chúng ta chừng mực và giản dị.
Cứ mỗi Đêm Giáng Sinh tôi lại thấy một ông người Ý tham dự Thánh Lễ trong đại chủng viện North American. Chiếc áo vét của ông hiển nhiên là đã mua tự mấy chục năm trước và chưa bao giờ được giặt hấp; chiếc cà vạt của ông còn dính vết thức ăn của tối giáng sinh năm trước; ông không biết thưa thế nào cho đúng trong Thánh Lễ, ông cất tiếng hát thì lạc tông; ông không quen biết người nào ở đây… tuy nhiên, năm nào ông cũng đến, vui vẻ, tự nhiên và ăn tối với chúng tôi. Thành thật mà nói, tôi cảm thấy hơi khó chịu với ông.
Sau nhiều năm, tôi mới hỏi ông là ai và ông cho biết là ông sống ở ven đồi, trên con dốc từ Sant' Onofrio đổ xuống, và hàng năm ông đến đây tham dự Đêm Giáng Sinh trong mười một năm qua kể từ khi vợ con ông qua đời. Ông mỉm cười cho biết, ở đây mới là Giáng Sinh vì ông cảm thấy được đón tiếp và tự nhiên, người ở đây thân thiện và tử tế. Thật đơn giản vô cùng. Xin Chúa đừng để đời sống chúng ta trở nên quá bận rộn, quá phức tạp, quá cầu kỳ, hay quá xao nhãng đến độ không biết cảm kích với những người như thế. Hãy tha lỗi cho tôi, nhưng tiếp đón một người như thế thì mới xứng là đại chủng viện. Đó là sự đơn giản của đời sống.
Có lẽ bạn đã thuộc lòng những câu sau đây, nhưng hãy để tôi đọc lại một lần nữa để giúp bạn chú ý đến gương mẫu, động lực của chúng ta cho đời sống giản dị là Chúa Giêsu.
Người sinh trong một ngôi làng vô danh, là con của một người bình thường.
Người lớn lên trong một tiệm thợ mộc của tỉnh lẻ cho đến khi ba mươi tuổi.
Sau đó, người lang thang đi rao giảng trong ba năm.
Người chưa bao giờ viết một cuốn sách.
Người chưa bao giờ giữ một chức vụ.
Người chưa bao giờ có gia đình hay làm chủ một căn nhà.
Người không lên đại học.
Người không thi hành điều gì mà những ai quen biết với bậc danh giá thường làm.
Người không được ủy nhiệm mà chỉ có chính mình.
Khi mới ba mươi ba tuổi thì làn sóng công luận đã chống đối người.
Bạn hữu của người bỏ chạy.
Người bị giao nộp cho kẻ thù và bị chế nhạo trong phiên toà xét xử.
Người bị đóng đinh giữa hai tên trộm cướp.
Trong khi Người hấp hối thì bọn lý hình bắt thăm y phục của Người,
là sở hữu duy nhất Người có khi còn sống.
Khi từ trần, Người được đặt trong ngôi mộ vay mượn nhờ sự thương xót của một người bạn.
Mười chín thế kỷ đã qua đi, và ngày nay Người là nhân vật chính của giống người
và dẫn dắt sự tiến bộ của nhân loại.
Mọi đạo quân hùng hậu nhất, mọi chiến thuyền đông đảo nhất, mọi quốc hội quyền lực nhất, mọi vị vua oai phong nhất, tất cả gộp chung lại cũng không thể ảnh hưởng đến cuộc đời của một người trên mặt đất này như Người Cô Độc ấy.