(Đoạn trích Kinh Thánh: Rm 10:14-19)
Trong chương nói về linh mục giáo xứ, khi đưa ra điểm chính yếu của linh mục giáo xứ là nhiệm vụ ban phát bí tích, tôi có đề cập đến các hình chạm trổ chung quanh bàn thờ chính của Nguyện Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm ở trường North American College, diễn tả một linh mục đang cử hành từng bí tích. Tuy nhiên, có một điều gì khác nổi bật: trong khi Giáo Hội chỉ có bảy bí tích nhưng đây lại có tám cảnh tượng khác nhau! Bức hình thứ tám là gì? Ở góc dưới bên trái là cảnh một linh mục đang rao giảng! Như thể nghệ nhân muốn nói với các linh mục tương lai rằng có bí tích thứ tám, đó là rao giảng!
Nghệ nhân chạm trổ các hình đó có lẽ là một tiên tri, bởi vì, trong ba mươi lăm năm qua, nhiệm vụ rao giảng Lời Chúa của linh mục đã được nhấn mạnh. Về thần học, Công Đồng Vatican II đã tái khám phá và lại nhấn mạnh đến một chức vụ cổ điển của linh mục là người rao giảng. Hãy lắng nghe giáo huấn rõ ràng trong Presbyterorum Ordinis: “Trên hết tất cả, Dân Chúa tìm thấy sự hợp nhất qua Lời của Thiên Chúa hằng sống, thật thích hợp được tìm thấy từ môi miệng các linh mục. Vì không ai được cứu chuộc nếu trước đó không tin, các linh mục, là cộng sự viên của các giám mục, có nhiệm vụ chính yếu là công bố Phúc Âm cho mọi người” (Số 4).
Như bạn nhận thấy, sự nhấn mạnh này được quảng diễn bởi các văn kiện tiếp theo sau của huấn quyền, và bởi biết bao nghiên cứu học thuật, tất cả đều nhắm đến căn bản thần học của địa vị hàng đầu của việc rao giảng của một linh mục.
Nhưng sự nhấn mạnh đến rao giảng không chỉ là lý thuyết. Về phương diện mục vụ, chúng ta biết Giáo Hội mong đợi các linh mục là những người có tài rao giảng. Dân chúng muốn—không, họ đòi hỏi—chúng ta là những người giảng hay. Hãy cắt ngang sự dài dòng: khi bạn nghe những người Công Giáo chín chắn nói về những sai lầm trong Giáo Hội, nó không phải là vấn đề nóng bỏng như việc phong chức cho phụ nữ, linh mục kết hôn, tình dục vô luân lý, hay ly dị mà họ nhắc đến. Với họ, khuyết điểm lớn trong Giáo Hội ngày nay là các bài giảng của chúng ta thì có mùi! Dù thích hay không thích, Andrew Greeley thì đúng: cuộc nghiên cứu của ông cho thấy hầu hết dân chúng đổ lỗi cho linh mục không phải là thiếu thận trọng về tình dục, lười biếng, hay say sưa, nhưng vì bài giảng của chúng ta quá tệ!
Chúng ta phải tỉnh dậy! Bất cứ ai yêu mến Giáo Hội, khao khát các linh hồn, cảm thấy được Chúa Kitô mời gọi đến chức thánh, và khao khát trở nên một linh mục tốt lành thì phải ước ao trở nên một người rao giảng có kết quả, bởi vì dân chúng nói rằng đó là điều họ cần nhất. Thật nguy hiểm nếu chúng ta bỏ qua điều này. Dân chúng đang rời bỏ Giáo Hội và “Đức tin của cha ông chúng ta”—mà “tù ngục, lửa thiêu hay gươm đao” không thể buộc họ thi hành—vì họ không thể chịu nổi sự rao giảng của chúng ta! Tôi không chỉ cho đó là đúng… nhưng là một dữ kiện!
Một nguyên tắc Kitô Giáo cổ xưa cho chúng ta biết “ơn sủng được xây đắp trên tự nhiên.” Do đó, tôi muốn đưa ra một số nhận xét về các khía cạnh tự nhiên, nhân bản của rao giảng. Như đã nói ở trên, dân chúng thường phê bình bài giảng của chúng ta. Nhưng, rất thông thường, việc bới móc ấy không phải về học thuyết, luân lý, kinh thánh, hay vấn đề tâm linh—không, họ không đi sâu đến vậy! Họ tìm thấy lỗi lầm ở những bất toàn có tính cách tự nhiên, con người:
Tôi không đúng sao? Ở đây chúng ta đang nói về những khuyết điểm thông thường, tự nhiên và con người! Ở đây không có gì là học thuyết, bình luận, hay chiều sâu tâm linh. Chúng ta học thuyết trình ở trung học hay đại học, nhưng, đây lại là môn mà các linh mục thường thi rớt!
Và, thật cay đắng, tất cả chúng ta từng là nạn nhân của điều này! Vì mười lăm, hai mươi, hay ba mươi năm trước đây, tất cả chúng ta cũng đã muốn đứng dậy và hét to lên:
Tất cả chúng ta từng là nạn nhân của sự “hành hạ bài giảng”! Và rồi khi chúng ta phải đứng trên đó, chúng ta lập lại những lỗi lầm đã khiến chúng ta điên tiết! Không ai trong chúng ta không xỉ vả thói quen giảng dở, và khi đứng trên toà giảng, chúng ta lại thi hành đúng như vậy!
Đừng bao giờ, không bao giờ bắt dân chúng trải qua những gì mà chúng ta phải trải qua! Hãy viết ra một danh sách—tôi không đùa—hãy viết ra những thói quen ở toà giảng làm bạn điên tiết. Một lần nữa, tôi nói về các khuyết điểm tự nhiên, nhân bản: lẩm bẩm trong miệng, nô lệ cho chữ nghĩa, giọng nói quá nhỏ, nói nhanh như bán đấu giá, các bài giảng dài lê thê, tất cả những gì làm cho bài giảng của chúng ta không thể chịu nổi—và, vì Chúa, xin đừng thi hành những điều đó! Bởi vì, thật kỳ lạ, bạn sẽ thi hành.
Đó là lý do tôi rất biết ơn Chị Benedicta đã giúp cho chủng sinh ở trường North American College biết cách nói trước công chúng. Chị không quan tâm đến điều họ trích dẫn của ai; chị để ý xem chúng tôi có thể nghe được bạn nói hay không, có rõ ràng, khúc chiết, sống động, lôi cuốn, và dễ hiểu không.
Bởi vì bài giảng của bạn có thể là một kiệt tác, có nền tảng giáo lý, luân lý hấp dẫn, và dồi dào tinh thần—nhưng có lẽ bạn chỉ dùng để lót chuồng chim khi không ai có thể nghe bạn nói, hay hiểu được, hoặc bạn không có chút sinh khí nào đến độ người nghe bắt đầu mơ màng tận đâu đâu sau ba mươi giây bạn vo ve.
Vào tháng Mười Một 1998, tôi tổ chức một hội nghị chuyên đề với hàng chục chuyên gia về rao giảng để giúp tôi hình thành chương trình mới, “Carl J. Peter Chair of Homilectics“, tại trường này ở Rôma. Những ý tưởng sâu sắc bắt đầu xuất hiện.
Người rao giảng hữu hiệu cần phải có các khả năng căn bản về truyền thông, nhân bản, tự nhiên trước đã. Cha Peter Daly, một linh mục của tổng giáo phận Hoa Thịnh Đốn, nhận xét,, “Nếu một người không thể nói trước công chúng một cách hữu hiệu và rõ ràng, chắc chắn họ không nên là một linh mục giáo xứ, và có lẽ không nên làm linh mục.” Nói cách khác, khả năng tự nhiên để nói—chưa phải là một nhà hùng biện, chỉ là một người nói trước công chúng—thì cần thiết để làm linh mục. Nếu một người thiếu sự khiết tịnh, chúng ta biết là không thể đề nghị họ chịu chức, có phải không? Ờ thì… nếu một người không thể nói trước công chúng, họ có nên chịu chức hay không?
Như đã nói, chúng ta không huấn luyện các nhà hùng biện, chúng ta huấn luyện nhà giảng thuyết, và có sự khác biệt lớn lao. Bản chất thì quan trọng, nhưng ơn sủng còn quan trọng hơn. “Nhà giảng thuyết giống như cái kèn mà tự nó không tạo ra âm thanh nếu không có ai thổi,” Thánh Giuse Cupertinô đã viết như vậy. “Bởi thế, trước khi giảng, hãy cầu xin Chúa: 'Người là thần khí và con chỉ là cái kèn, và nếu không có hơi thở của Người, con không tạo được âm thanh.'”
Thánh Bônaventura, trong cuốn Cuộc Đời Thánh Phanxicô, nhận xét, “Khi thánh nhân đứng giữa đám đông để trình bầy lời lẽ khai sáng của người, người thường hoàn toàn ngây dại… Người thú nhận điều này với sự khiêm tốn, lúc đó người tự hướng mình đến Chúa Thánh Thần để xin ơn. Rồi đột nhiên người bắt đầu thao thao bất tuyệt.”
Tại nghị hội chuyên đề mà tôi đã nói ở trên, một nữ tu Đa Minh, Chị Joan Delaplane thuộc Viện Aquinas ở St. Louis nhận xét rằng sự rao giảng đối với linh mục thì không phải là một nhiệm vụ mà là một căn tính. Lời chúng ta phát xuất từ con người của chúng ta. Tôi nhớ đến nhận xét của Samuel Wilberforce: “giáo sĩ chuẩn bị bài giảng cho chính mình; người khác chuẩn bị cho chính họ.” Tiến Sĩ William Graham, của Đại Học Công Giáo Hoa Kỳ, nói với nghị hội rằng tài khéo léo chưa đủ; người giảng thuyết giỏi không chỉ là người nói hay, vì giảng thuyết xuất phát từ linh hồn và tâm hồn, chứ không từ trí não hay giọng nói hùng hồn.
Và rồi tất cả các chuyên gia đồng ý cũng như dân chúng có thể cảm nhận rằng không thể nào trở thành một người giảng thuyết giỏi nếu không là một người siêng năng cầu nguyện. Trong cuộc họp về giảng thuyết ở D.C., có rất nhiều ý kiến khác nhau về bài giảng và cách chuẩn bị chủng sinh để giảng hay. Nhưng một điều mà tất cả đều đồng ý, đó là, để bài giảng có kết quả thì cần có một đời sống nội tâm sinh động. Đức Ông Peter Vaghi, một cha sở thuộc tổng giáo phận Hoa Thịnh Đốn khẳng định rằng trong chủng viện, thuật diễn giảng phải là một phần trong việc đào tạo tâm linh, vì đời sống cầu nguyện của linh mục là nền tảng của sự giảng thuyết.
Dĩ nhiên, điều này có nghĩa một người diễn giảng giỏi phải có sự tương giao mật thiết, cá biệt với Chúa Giêsu Kitô. Một tham dự viên khác trong nghị hội chuyên đề, Chị Barbara nhấn mạnh rằng, đối với người giảng thuyết, “Chúa Giêsu không chỉ là ai đó được biết đến nhiều, mà là một người thực sự được biết rõ.”
Có lẽ bạn đã được nghe câu chuyện nổi tiếng về bữa ăn mà trong đó có sự tham dự của Đức GM Fulton Sheen và tài tử Richard Burton. Chủ tiệc, vào cuối bữa ăn, đã khiến mọi người chú ý đến hai vị này khi nhận xét rằng cả hai đều là diễn giả lỗi lạc trong công chúng. Sau đó ông đề nghị cả hai đọc Thánh Vịnh 23, “Chúa là Mục Tử của Tôi”. Richard Burton đã đọc với sự chính xác, nhịp điệu, và đầy kịch tính mà người ta trông đợi ở một diễn viên thượng thặng, và khách tham dự vỗ tay nồng nhiệt; sau đó Đức Fulton Sheen đọc thánh vịnh này với lòng sùng mộ, sự hiểu biết chân thành sâu đậm, và tất cả quan khách đều im lặng tôn kính.
Chủ tiệc nhận xét, “Diễn viên biết thánh vịnh, người giảng thuyết biết Mục Tử.”
Cha Peter Daly cũng nhận xét trong cuộc họp này rằng, “Tôi yêu mến Chúa Giêsu, và tôi yêu mến giáo dân. Mục tiêu của tôi trong bài giảng là giới thiệu hai thành phần này với nhau.” Còn gì cảm động hơn? Bởi thế, trong bài giảng chúng ta phải nói về Chúa Giêsu. Mục Sư Billy Graham nói, “Danh Chúa Giêsu được rao giảng ở bất cứ đâu, dù có sơ sài thế nào, buộc phải có kết quả.” Và chúng ta rao giảng về Chúa Giêsu là Người mà chúng ta hiểu biết, yêu mến và phục vụ.
Do đó, chúng ta không ngạc nhiên khi biết rằng Đức Gioan Phaolô II thường viết bài giảng ở chiếc bàn nhỏ đặt trong nhà nguyện; chúng ta cũng không kinh ngạc khi Đức Fulton Sheen nói rằng người mất một giờ đồng hồ quỳ cầu nguyện trước Thánh Thể cho từng phút đứng trên tòa giảng; và hầu hết các vị giảng thuyết hay đều nói rằng bài giảng của họ thường được chuẩn bị ở trong đầu khi suy niệm trước khi được viết xuống giấy. Vấn đề không phải là chúng ta nói gì, nhưng chúng ta nói về ai—và “ai” đó phải là Chúa Giêsu, người mà chúng ta biết rõ, yêu mến, phục vụ, và chúng ta thường trò chuyện với Người trong khi cầu nguyện.
Cha Thomas Kane, một linh mục dòng Thánh Phaolô, nhận xét rằng chúng tôi phải để các đại học huấn luyện bạn thành thần học gia, trong khi chúng tôi huấn luyện bạn thành người rao giảng vì nó bao quát hơn (kể cả) sự huấn luyện về thần học. Tôi rất thích điều này. Và tôi cũng gật đầu đồng ý với nhận xét của Cha John Burke rằng những gì chúng ta giảng, cách giảng, và tại sao chúng ta giảng, phải là một đề tài thường được chúng ta trao đổi với vị linh hướng, bởi vì, tôi xin nhắc lại, một bài giảng hay xuất phát từ linh hồn, tâm hồn và từ sự tương giao của chúng ta với Chúa Giêsu Kitô.
Nhớ lại lời của Đức Gioan Phaolô II nói với linh mục và chủng sinh rằng “tình yêu dành cho Chúa Giêsu và Giáo Hội phải là sự đam mê của đời sống các con” và, đồng ý rằng bài giảng của chúng ta phải xuất phát từ đời sống nội tâm vì yêu mến Chúa Giêsu, như vậy bài giảng của chúng ta sẽ nồng nhiệt. Sự đam mê ở đâu? Cha Walter Burghardt, một tham dự viên trong cuộc họp, có nói câu nổi tiếng: “Trong bụng thì lửa ở đâu?” Một số trong chúng ta đọc Phúc Âm và rao giảng với tất cả sự nhiệt thành của một xướng ngôn viên cho biết giá bán heo trong tin tức nông trại lúc 5g sáng! Sự đam mê ở đâu? Tôi không nói về nghệ thuật sân khấu rẻ tiền hoặc sùi bọp mép đả kích—tôi nói về một diễn giảng mà tình yêu Thiên Chúa và lòng nhiệt thành với ơn cứu độ được thấy rõ và xuất phát từ tòa giảng.
Bây giờ, bạn không thể “có lửa trong bụng” nếu bạn không tự tin. Cha Al McBride nhận xét trong cuộc họp rằng trở ngại lớn mà người nhận thấy trong các chủng sinh là thiếu tự tin. Về điều này có một khía cạnh nhân bản, các phương pháp chúng ta dùng để phát triển một cảm giác thoải mái và tự tin ở tòa giảng. Nhưng thành thật mà nói sự tự tin cần thiết để nồng nhiệt rao giảng không chỉ đến từ việc hít một hơi thật dài để trấn an bao tử, nhưng từ việc hít lấy Thần Khí, và thú nhận rằng, một khi bài giảng xuất phát từ sự cầu nguyện và sự tương giao với Chúa Giêsu, chúng ta không thể thất bại! Chúng ta có sự đảm bảo thần thánh, Chúa bảo đảm là sẽ giúp chúng ta. Hãy rao giảng như thể bạn thực sự tin điều đó! Hãy tin tưởng! Hãy nhiệt thành! Hãy “có lửa trong bụng”! Hãy chuẩn bị lâu dài, chăm chỉ, và chuyên cần, và rồi giao phó cho Chúa, tiến đến tòa giảng với sự tin tưởng vào quyền năng của Chúa, trong ơn sủng của chức thánh, và trong sự tin tưởng rằng bạn đang hành động trong chính Người.
Rao giảng về Chúa Giêsu cũng có ý nghĩa rao giảng về thập giá. Không có cách gì bỏ qua điều đó. Thánh Phaolô nói với chúng ta: “Phải, người Do Thái đòi hỏi dấu lạ, người Hy Lạp tìm kiếm sự khôn ngoan, nhưng chúng tôi rao giảng Đức Kitô chịu đóng đinh--một trở ngại làm vấp ngã người Do Thái, một sự vô lý đối với người ngoại giáo, nhưng với những ai được mời gọi… Đức Kitô là sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa… Tôi kiên quyết rằng trong khi còn ở với anh chị em, tôi không nói về điều gì khác hơn là Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh.”
Ngày nay, rất thích hợp để tránh rao giảng về thập giá, bởi vì các chủ đề như thuật chữa trị, cảm-thấy-tốt, tự-lực, New Age, tự-thực-hiện là các xu hướng hiện đại. Sau khi hoàn tất cuộc nghiên cứu cho tổ chức Lilly Foundation về các khuynh hướng hiện đại trong tôn giáo, Craig Dystra kết luận, “Chúng ta không tìm bất cứ gì tỉ như triệt để chăm sóc người khác và tuân phục Thiên Chúa mà nó từng là dấu chỉ đích thật của các cộng đồng tôn giáo. Thay vào đó, chúng ta khao khát được nhìn nhận bởi một cộng đồng mà nó không thấy sự cần thiết của kỷ luật hoặc sự đau khổ được chia sẻ. Dường như chúng ta không tìm kiếm sự cứu độ nhưng muốn được sự tán thành của vũ trụ.”
Tôi e rằng Giáo Sư Dystra có lý! Với nền văn hóa tìm kiếm sự dễ dãi, tiện lợi, nhìn nhận, và thoải mái, chúng ta cần các linh mục là người, như Thánh Phaolô, không sợ đưa ra thập giá, chân lý rạng ngời trong sự toàn vẹn của nó.
Nếu bạn cần thêm chứng cớ, không cần tìm đâu xa hơn tờ New York Times, mới đây có đăng bài “The New American Concensus“ (ý kiến mới của người Hoa Kỳ), mà nó nhại theo Lời Mở Đầu của Hiến Pháp Hoa Kỳ:
Chúng tôi, những người tương đối không lo lắng và sung túc, coi các chân lý này là hiển nhiên: Rằng Đại Chính Phủ, Thiếu Hụt Nhiều và Tràn Ngập Thuốc Lá thì xấu, nhưng các phòng tắm to lớn thì không; rằng sự can dự của người Hoa Kỳ ở nước ngoài phải bị giới hạn trong các hiệp ước thương mãi, quỹ chung và việc thăm viếng những trung tâm nghỉ hè ở bãi biển; rằng thị trường có thể tự hoạt động một khi có lợi cho chúng ta; rằng đời sống tình dục cá nhân thì không dính dáng đến ai, dù để giải trí cao độ; và chỉ những quyền lợi thực sự được lưu tâm là những quyền lợi chiều theo Cái Tôi.
Đây là nền văn hóa cần được đối diện với thập giá. Rao giảng về phò-sự-sống trong một giáo xứ ở thành phố ngày nay là rao giảng về thập giá! Rao giảng về khiết tịnh trong môi trường đại học là rao giảng về thập giá! Rao giảng về sự nguy hiểm của giầu sang và đòi hỏi công bằng xã hội trong một giáo đoàn giàu có là rao giảng về thập giá! Rao giảng trong một trại lính về sự ưu tiên phải đối thoại, kiên nhẫn, và khéo léo ngoại giao hơn là hành động quân sự là rao giảng về thập giá! Nhưng chúng ta phải rao giảng về Đức Kitô chịu đóng đinh!
Mà dĩ nhiên nó có nghĩa rằng, như Cha Al McBride nhận xét, mỗi bài giảng, thay vì khua chân múa tay lên án hay răn dậy người theo thuyết Pelagius (không tin tội nguyên tổ và chủ trương tự do ý muốn), nhưng mời gọi họ đến sự đối thoại liên tục! Và đây là sự tế nhị của rao giảng, bởi vì một bài giảng không thể là một tiểu luận dài dòng về những gì chúng ta phải thi hành cho Chúa để chiếm được đặc ân của Người, nhưng đúng hơn là một tuyên xưng về những gì Thiên Chúa đã làm cho chúng ta trong Đức Kitô để khơi dậy lòng mến và sự vâng phục của chúng ta!
Như Norman Pittenger nhận xét, “Một bài giảng là một tuyên xưng về tình yêu độ lượng của Thiên Chúa qua Đức Kitô, hoặc nó đơn giản không là một bài giảng Kitô Giáo!” Không bao giờ chúng ta có quyền giảng dậy để giáo dân phải tránh xa! Một thính giả chán nản thì không phải là điều vui mừng nhưng là một thiệt hại. John Newton đưa ra nhận xét này: “Điểm chính của tôi trong rao giảng là để phá vỡ con tim cứng cỏi và để hàn gắn những con tim tan nát.”
Bởi thế, lời mời gọi đến sự đối thoại thì không bao giờ được làm cho thính giả cảm thấy họ xấu xa, nhưng để giúp họ nhìn thấy ơn sủng tràn đầy của Thiên Chúa, mà sau đó thúc giục họ đáp ứng với lời mời gọi của Thiên Chúa để thay đổi đời sống! Cha Jared Wicks mới đây nói với tôi rằng những lời người thường được nghe trong bài giảng là “Chúng ta phải”! Hãy tránh những lời giả hình ấy.
Phải, mỗi bài giảng mời gọi chúng ta nhìn thật kỹ và lâu vào chính con người chúng ta để thấy những gì cần thay đổi, nhưng cái nhìn kỹ càng ấy không phải bởi người rao giảng xỉ vả giáo đoàn, nhưng bởi đề cập đến tình yêu và sự ban phát độ lượng của Thiên Chúa về ơn cứu độ mà sau đó thính giả được hứng khởi để thay đổi đời sống.
Hãy thực tế. Có năm lời khuyên cho một bài giảng hay: đó là ngắn gọn, đơn giản, chân thành, súc tích và có giá trị thực tiễn.
Một bài giảng hay thì ngắn gọn. Điều than phiền chính của giáo dân đối với chúng ta là quá dài dòng. Tôi sẽ bị một số người phản đối, nhưng bất cứ gì lâu hơn ba phút trong bài giảng ngày thường hay mười phút trong bài giảng Chúa Nhật thì đều phản tác dụng. Đức Fulton Sheen nói, “Ba phần của một bài giảng hay: mở đầu hấp dẫn, kết luận cảm động, và giữ cho hai phần ấy càng gần với nhau càng tốt.” Hoặc như ngạn ngữ có nói, “Hãy chuẩn bị, hãy rõ ràng, và hãy yên tâm!”
Sự ngụy biện lớn lao nhất, dĩ nhiên, là cho rằng bài dài thì hay. Ngược lại mới đúng. Đức Fulton Sheen nhận xét, “Nếu bạn muốn tôi giảng trong một giờ, hãy cho biết trước một tuần; nếu bạn muốn tôi giảng trong năm phút, tôi cần một tháng để chuẩn bị.” Càng chuẩn bị kỹ, bài giảng càng ngắn; càng thực chất, càng cô đọng.
Không bài giảng nào có “tính cách hành hạ” hiển nhiên cho bằng phải nghe một bài giảng quá dài. Bạn biết mà! Một bài giảng hay thì ngắn gọn!
Một bài giảng hay thì đơn giản. Khi tôi là thầy sáu ở đây, một linh mục trong ban giám đốc nói: “Hãy học cách giảng cho học sinh lớp bốn. Nói thế nào cho các em hiểu được. Hãy thành thạo kiểu giảng ấy—và nếu bạn thông minh, bạn sẽ giảng như vậy cho tất cả mọi người!” Bây giờ, hãy thận trọng! Đừng bao giờ chúng ta có thái độ kẻ cả hay hạ mình quá đáng, bởi vì dân chúng ngày nay mong đợi phẩm chất, và có nhiều lãnh vực họ được giáo dục kỹ lưỡng hơn chúng ta. Tuy nhiên, Thánh Anphong Liguori viết, “Tôi phải rao giảng thế nào để nông dân dốt chữ cũng có thể hiểu được.” Một bài giảng hay thì đơn giản.
Một bài giảng hay thì chân thành. Điều này rất gần với sự tin chắc. Dân chúng rất mau nhận thấy là chúng ta có tin vào những gì chúng ta nói hay không. Dĩ nhiên, với một linh mục giáo xứ, điều này có nghĩa bài giảng của chúng ta không đáng tin cậy chút nào nếu họ không thấy chúng ta cố uốn nắn đời sống theo điều chúng ta giảng. Như ngạn ngữ có nói, “Thích giảng là một chuyện; yêu thương những người nghe giảng là một chuyện khác.”
Tấm hình bìa của tờ báo Time về Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ôm choàng lấy thủ phạm đã bắn người khi hắn ở trong tù thì hữu hiệu hơn cả ngàn bài giảng về sự tha thứ. Thánh Charles Borromeo đã viết cho hàng giáo sĩ ở Milan, “Nếu công việc của anh em là rao giảng thì hãy siêng năng chuẩn bị và nghiên cứu kỹ. Nhưng hãy biết chắc rằng trước hết anh em hãy rao giảng điều mình sống. Nếu không, dân chúng sẽ thấy anh em rao giảng một đàng và sống một nẻo, và lời lẽ của anh em chỉ đem đến sự cười nhạo và những lắc đầu chế giễu.”
Dĩ nhiên, sự chân thành đòi hỏi chúng ta phải sống thật với chính mình ở tòa giảng. Mánh lới lôi cuốn, hay áp dụng công thức mẫu bài giảng, hay giả vờ đóng kịch, hay lệ thuộc vào bài soạn sẵn, tất cả đều có tác dụng ngược. Margaret Melady lấy luận án tiến sĩ khi phân tích kiểu cách truyền thông của Đức Gioan Phaolô II. Bà thấy rằng trong mọi cuộc nói chuyện--buổi tiếp kiến, biến cố công cộng, diễn văn trước các nguyên thủ quốc gia trên thế giới--tất cả người đều lệ thuộc vào sự giúp đỡ của các chuyên gia, ngoại trừ một kiểu nói chuyện. Kiểu truyền thông do chính tay người viết là bài giảng. Điều đó không làm chúng ta ngạc nhiên, vì làm thế nào mà bài giảng không chân thành cho được?
Trong cuộc nghị hội chuyên đề, Cha Jim Wallace cho biết người thu hình các chủng sinh giảng, sau đó khi chấm dứt tập giảng, họ đứng ở toà giảng để thảo luận về bài giảng, trong khi máy tiếp tục thu hình. Khi người chiếu lại, các chủng sinh thấy ngay cách họ giảng, họ cứng ngắc, quá nghiêm nghị, không thoải mái, nhưng một khi chấm dứt, họ sống thật với chính mình, thư giản, không quá nghi thức, và hữu hiệu hơn… Nói cách khác, họ không sống thật với chính họ khi giảng.
Một bài giảng hay thì súc tích. Cha Virgilio Elizondo đề nghị rằng, khi chuẩn bị bài giảng, chúng ta tạo thành “âm thanh dễ chú ý”, diễn tả điều muốn nói trong một hay hai câu súc tích, dễ nhớ, vì, dù muốn hay không, thính giả thường đón nhận sự hiểu biết theo kiểu cách đó. Cha Al McBride thúc giục chúng ta hãy viết xuống các điểm bài giảng trong một câu ngắn gọn, hay viết xuống một cách ngắn gọn hai hay ba điểm mà chúng ta muốn đề cập. Robert Schuler đề nghị diễn giả nói trước cho thính giả biết điều sẽ nói, sau đó khai triển các điều đã nói.
Nếu bạn muốn giữ cho bài giảng súc tích, bạn không thể làm mọi sự. Các chuyên gia nói rằng chúng ta phải có câu chuyện; sau đó phải dẫn giải; sau đó phải đề cập đến mọi bài đọc, và cho thấy chúng liên kết thế nào, và rồi đưa tất cả vào Thánh Thể… Nếu chúng ta thi hành mọi sự mà các chuyên gia đề nghị thì chúng ta không bao giờ cô đọng! Lời khen hay nhất bạn nhận được từ giáo dân khi rao giảng là “Tôi ao ước được nghe nói thêm!” Lời tệ nhất mà một linh mục bạn tôi được nghe sau Thánh Lễ là, “Bài giảng của Cha có kết luận thật vĩ đại… rất tiếc, nó xảy ra mười phút trước khi Cha thực sự kết thúc!”
Như Đức Hồng Y Newman nhận xét, “Hãy để ý đến các ý tưởng, và viết xuống thành câu cho đến khi bạn bày tỏ ý tưởng ấy một cách chính xác, sinh động, và trong một vài chữ.”
Sau cùng, một bài giảng hay thì có giá trị thực tiễn. Giáo dân cần nội dung chắc chắn, học thuyết vững, bài học từ kinh thánh, và kiến thức luân lý. Cha Gene Hemrick nói trong nghị hội chuyên đề về nhu cầu cần phải biết rõ giáo đoàn, để nhận ra những gì họ cần nghe, điều mà Cha Val Peter gọi là “phân tích thính giả”. Xu hướng ngày nay là nhắm đến sự “hời hợt,” mánh lới lôi cuốn, biệt ngữ, bịp bợm, những câu chuyện lố bịch mất nhiều thời giờ hơn là ý chính, và quá nhiều chữ “tôi” thay vì nói về Chúa. Căn bản và tinh tuý phúc âm; nội dung Tin Mừng chính gốc, chủ yếu; giáo lý vững chắc, trung tín; dạy bảo kinh thánh hợp lý—đây là điều giáo dân cần. Bạn sẽ biết bạn có cho họ những điều này hay không khi họ nói với bạn, “Thưa Cha, từ bài giảng của Cha con luôn có điều phải suy nghĩ trong tuần.” Đó là vàng ròng, là một điều đáng thưởng thức… một bài giảng hay thì có giá trị thực tiễn.
Năm điều của một bài giảng hay: ngắn gọn, đơn giản, chân thành, súc tích và có giá trị thực tiễn.
Đó là vấn đề thực sự công bằng, hỡi anh em: Giáo Hội mong đợi các linh mục trở nên các nhà rao giảng chu đáo, bền bỉ. Người dân đòi hỏi điều đó; nếu chúng ta không cung cứng, họ sẽ đi nơi khác, ngay cả, đến các giáo phái khác.
Hãy phát triển một “cảm nhận rao giảng”, điều mà Cha Robert Wozniak gọi là “suy tư thần học.” Trong sự cầu nguyện, học hỏi, tình bạn, cảm nghiệm hàng ngày, khi du lịch, đọc sách, trong nghệ thuật, văn chương, phim ảnh, lịch sử… trong đủ mọi thứ, hãy lượm lặt các thí dụ, tỉ như, các hình ảnh có thể dùng trong tòa giảng. Chúng ta quá yêu mến Chúa Giêsu, quá tận tụy với chân lý của Người đến độ luôn luôn tìm cách để rao giảng về Người và chân lý của Người với sự nhiệt thành và vững chắc.
Một linh mục thì luôn luôn tự hỏi, “Tôi có thể chia sẻ điều này với giáo dân như thế nào trong một phương cách hấp dẫn, thích thú?” Một “cảm nhận rao giảng” có thể là yếu tố hợp nhất trong sự đào tạo linh mục.
Như quá nhiều điều khác trong đời sống linh mục, đó là một công việc không cùng: chúng ta luôn luôn được huấn luyện để trở nên người rao giảng tốt hơn. Các diễn giảng nổi tiếng như Walter Burghardt, John Burke, và Peter Cameron, vẫn bối rối khi lên toà giảng, khi nhận biết công việc thiêng liêng, kinh hoàng của mình, vì những lời trong nghi thức chịu chức vẫn còn vang trong tai:
Con ơi, hãy vận dụng sức lực cho nhiệm vụ rao giảng nhân danh Chúa Kitô… Hãy chia sẻ với tất cả mọi người Lời Chúa con đã lãnh nhận. Hãy suy tư về luật lệ Thiên Chúa, hãy tin những gì con đọc, hãy giảng dậy những gì con tin, và hãy thực hành điều con giảng dậy.
Hãy để học thuyết con giảng dậy trở thành của ăn đích thực cho dân Chúa. Hãy để gương mẫu đời sống của con thu hút người ta đến với Chúa Kitô, có như thế những lời và hành động của con mới có thể xây dựng … Giáo Hội của Chúa.