(Đoạn trích Kinh Thánh - Philip 2:5-11)
Một trong những nghị hội về tĩnh tâm mà tôi có thể nhớ được là do học giả Kinh Thánh dòng Passionist nay đã qua đời là Cha Barnabas Ahern diễn giảng. Người mở đầu bằng cách nêu ra những câu hỏi, “Đức tính nào mà Chúa ưa thích nhất?”
Đức tin? -- chắc chắn là quá cao vời--
Đức cậy? -- cũng gần ở trên đỉnh--
Đức ái? -- đã bao lần Thầy chúng ta đã nói về tình yêu--
Đức công bình? -- trường hợp có thể xảy ra--
Nhưng tất cả những đức tính này đều mờ nhạt, được coi là thứ yếu so với đức tính mà Cha Ahern cho rằng được Chúa ưa thích nhất--đức khiêm tốn.
Khiêm tốn là nhân đức cột trụ của đời sống nội tâm, được Chúa Giêsu ưa thích, được các thánh và các vị thần học khổ hạnh cho rằng sine qua non (không thể thiếu) trong mọi tiến trình trên đường trọn lành. Trong câu nói đơn sơ của Bông Hoa Nhỏ, “Bước đầu của mọi sự thánh thiện là khiêm tốn thú nhận rằng không có Chúa chúng ta không thể làm được gì, nhưng với Người, trong Người, và nhờ Người, mọi sự đều có thể!”
Dĩ nhiên, Phúc Âm ca ngợi sự khiêm tốn như chúng ta thấy trong biết bao trang khi Chúa ưu đãi người hèn mọn:
“Lạy Người, xin cho tôi được thấy!” người ăn xin mù lòa kêu van--
”Ước chi tôi được chạm đến vạt áo của Người!” người phụ nữ bệnh hoạn thì thầm--
”Thưa Người, tôi không xứng đáng, “ viên sĩ quan thú nhận--
”Chỉ cần các mẩu vụn trên bàn ăn, “ người phụ nữ Canaan nài xin--
”Lạy Người, xin nhớ đến tôi khi người vào nước trời, “ người trộm lành bày tỏ--
Tất cả những lời van xin khiêm tốn này đã làm mủi lòng Thánh Tâm, là trái tim mà chính Người đã diễn tả là dịu dàng và khiêm tốn.
Tại sao sự khiêm tốn lại có giá trị đối với Chúa Giêsu?
Có lẽ vì sứ mệnh của Người khi cứu chuộc chúng ta chính là để cứu chúng ta khỏi thái độ ngược với sự khiêm tốn--là sự kiêu ngạo--là tội lỗi đầu tiên mà nguyên tổ đã nghĩ rằng họ có thể sống không cần Chúa. Như Thánh Augustine nhận xét, “Chính vì sự kiêu ngạo đã đưa đến sự Sa Ngã--Nếu bạn hỏi tôi đường nào đến với Thiên Chúa, tôi sẽ bảo bạn đường thứ nhất là khiêm tốn, đường thứ hai là khiêm tốn, đường thứ ba là khiêm tốn--”
Có lẽ vì sự Nhập Thể của Người là hành động khiêm tốn tuyệt vời chưa từng có, khi Con Thiên Chúa, Ngôi Lời Vĩnh Cửu, Ngôi Hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa, đã mặc lấy xác phàm và trở thành một con người. Thánh Bernard viết, “Khiêm tốn là mẹ của sự cứu độ. “
Có lẽ đức khiêm tốn được Chúa Kitô ưa chuộng chính vì định nghĩa của nó. Thánh Tôma Aquina trong Tổng Luận Thần Học nói rằng, khiêm tốn có nghĩa hãy nhìn chúng ta như Thiên Chúa thấy chúng ta: hãy biết rằng mọi sự tốt lành chúng ta có là do Người ban cho như các món quà thuần tuý, và chúng ta tùy thuộc nơi Người mọi sự. Không phải là “tinh thần nghèo khó” được đứng đầu trong tám mối phúc hay sao? Và, vì Chúa Giêsu thực sự nhìn với con mắt của Thiên Chúa, nên Người đặc biệt yêu quý những ai hành động giống như vậy. Thánh Vinhsơn Phaolô đã diễn tả điều này thật tuyệt: “Lý do tại sao Thiên Chúa quá yêu chuộng sự khiêm tốn là vì Người yêu chuộng sự thật. Khiêm tốn thì không gì khác hơn là sự thật, trong khi kiêu ngạo không gì khác hơn là dối trá--Ngay khi Thiên Chúa nhìn thấy chúng ta thực sự chẳng có gì cả, Người đưa tay giúp đỡ chúng ta.”
Một trong những phát triển tinh thần ngày nay được mọi người đón nhận là chương trình mười hai bước của tổ chức Alcoholics Anonymous. Không ai có thể chừa được bệnh nghiện rượu cho đến khi họ thú nhận với sự thành thật và khiêm tốn là họ tuyệt đối cần đến sự giúp đỡ của Ơn Trên. Áp dụng điều này vào tất cả những tội lỗi, tăm tối, nghiện ngập, chiến đấu, đồi bại, xấu xa, và những yếu đuối, những khởi đầu để sống, để thăng tiến-- nhưng để thi hành điều đó cần có sự khiêm tốn.
Trong sự hiểu biết của Kitô Giáo, phải có sự khiêm tốn trước Thiên Chúa và sau đó là khiêm tốn trước người khác--nghĩ đến tha nhân trước, để chiến đấu với tính ích kỷ, để tránh được vinh danh, được hoan hô, được chú ý, để vui mừng khi thấy người khác được hơn mình. Sự khiêm tốn trước Thiên Chúa và tha nhân là một trong những đức tính khó khăn nhất để trau dồi nhưng tối cần thiết cho các linh mục.
Xin phép để tôi kể ra những gì tôi cảm thấy đặc biệt nguy hiểm, và sau đó là những trợ giúp thực tiễn, để trau dồi đức khiêm tốn.
Trước hết, một vài cạm bẫy trên con đường khiêm tốn.
Thuyết Pelagius lan tràn trong đạo Công Giáo--đó là, nghĩ rằng chúng ta có thể thành đạt, hay xứng đáng để được cứu độ, nghĩ rằng sự cứu độ là tùy thuộc chúng ta. Dĩ nhiên, chúng ta biết rằng sự thánh thiện, thiên đàng, không thể giành được nhưng chỉ được ban cho những ai khiêm tốn thú nhận rằng họ tuyệt đối cần đến Chúa và không thể nào chiếm được sự yêu quý của Chúa bằng chính công trạng của mình.
Dĩ nhiên thuyết Pelagius phát xuất từ sự kiêu ngạo, trái với sự khiêm tốn, đề cao khả năng con người. Đó là sự nguy hiểm trong đời sống chủng sinh và linh mục vì chúng ta được kêu gọi để thi hành nhiều thứ--Thánh Lễ hàng ngày, đọc kinh hàng ngày, chiêm niệm, xưng tội, đọc sách thiêng liêng, sám hối, luyện tập nhân đức, thi hành việc đạo đức--và đúng là các bổn phận này cần thiết cho lương thực tâm linh của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta thi hành các điều ấy không để giành được hay đem lại sự thánh thiện--đó là thuyết Pelagius--nhưng để phơi bầy con người chúng ta một cách khiêm tốn cho sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa.
Một hình thức tinh vi của thuyết Pelagius ngày nay được thấy trong Giáo Hội: tin tưởng rằng sự hăng hái, sự chính thống, sự cứu độ của Giáo Hội tùy thuộc nơi tôi. Trong một cuộc họp của các cha sở mà tôi tham dự ở Anh hồi 1995, rất nhiều linh mục bạn của tôi đều nhớ lại cuộc gặp gỡ hữu ích hàng năm với vị trưởng Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo, Đức Hồng Y Pio Laghi. Một trong các cha nhận xét rằng người lo ngại khi thấy một số chủng sinh và các linh mục trẻ cảm thấy rằng chính họ được Chúa ủy thác việc gìn giữ Giáo Hội khỏi tà thuyết đang lan tràn và duy tân thuyết (modernism).
Đức Hồng Y Laghi trả lời, “Đúng vậy, tôi luôn luôn lo sợ rằng các người trẻ cảm thấy họ là người cứu vớt Giáo Hội. Nhưng thực ra trong Giáo Hội cũng đã có những người như vậy!”
Điều đó không chỉ giới hạn nơi linh mục trẻ. Tôi có một cha sở già ở St. Louis là người thực sự tin rằng giáo xứ, giáo phận, nếu không muốn nói là toàn thể Giáo Hội, sẽ đổ nát nếu người không tiếp tục công việc như bây giờ. Vì lý do đó, người không bao giờ đi nghỉ hè, và nếu có, người trở về rất sớm, rồi điên cuồng hỏi cha phó, “Mọi sự êm đẹp chứ? Có gì xảy ra không?”--và người cảm thấy khó chịu khi giáo xứ, giáo phận, và Giáo Hội hoàn vũ vẫn tiếp tục tồn tại trong thời gian người đi vắng. Một năm kia, khi cha sở đi vắng, cha phó để bảng bán nhà ngay đằng trước nhà thờ, nhà xứ, và trường học, và khi trở về, cha sở như muốn điên!
Hãy nhớ điều này khi bạn đến một giáo xứ. Có những điều làm bạn không vui, những kiểu cách hay phương cách thi hành mà có lẽ không giống như bạn muốn--hãy khiêm tốn chấp nhận. Tôi không nói về các vấn đề đức tin hay luân lý, nhưng kiểu cách, thói quen, thủ tục. Hãy khiêm tốn, từ từ, kiên nhẫn, nhẹ nhàng đưa bạn vào đời sống giáo xứ. Hãy thú nhận là bạn có thể học hỏi thêm. Hãy tự nhắc nhở mình rằng giáo xứ này đã có từ lâu trước khi bạn đến, và nó vẫn tiếp tục sau khi bạn đi, và như thế, dù Đấng Cứu Thế sẽ làm việc một cách độc đáo qua bạn là một linh mục, bạn không phải là Đấng Cứu Thế.
Một linh mục mà tôi rất tôn trọng cho biết một trong những vấn đề có liên can đến các linh mục trẻ của giáo phận người là điều mà người gọi là “kiểu cách giữ đồ thờ” của họ. Người nói một số linh mục này đến giáo xứ và chỉ trong một vài Chúa Nhật họ đã làm cho các thừa tác viên, ca trưởng, ban phụng vụ, và giáo lý viên phải khóc vì họ tuyên bố một cách trắng trợn rằng tất cả mọi thứ trong giáo xứ đều sai lầm, và họ phải dạy bảo mọi người làm thế nào cho đúng. Thật là não trạng Pelagius, ngạo mạn! Một giám mục cho tôi biết về một linh mục cựu chủng sinh của trường này, “Anh ta rất chịu khó học, bản thân thánh thiện, hăng say, giảng giỏi. Tôi thán phục sự trung thành của anh ta đối với huấn quyền và Đức Thánh Cha. Tôi cần anh và tài năng của anh để giúp tôi trông coi giáo phận này theo đường hướng mà tôi thấy cần phải theo. Nhưng hãy nhìn kiểu cách của anh! Và đây là lần thứ ba anh được bài sai chứ đâu phải lần đầu! Anh xa cách với mọi người! Anh đến và làm mọi người chán ngán vì kiểu cách kiêu căng, ưa phán đoán, như cứu chúa! Anh đã gây thiệt hại cho sự trung thực và chính thống hơn là làm lợi!”
Phải khiêm tốn! Giáo Hội đã có một Chúa Cứu Thế và tôi không phải là Người!
Một cạm bẫy thứ hai trên con đường khiêm tốn là chủ nghĩa thực dụng. Đặc biệt là đối với người Hoa Kỳ chúng ta về vấn đề thực tiễn, muốn hoàn tất công việc; chúng ta là những người thiên về nhiệm vụ và nghĩ rằng mọi sự đều có thể hoàn tất qua hành động, nỗ lực và mồ hôi. Chiều hướng thực dụng quá đáng có thể làm chết nghẹt đức khiêm tốn. Phải, Thiên Chúa muốn chúng ta làm việc, nỗ lực, nhưng, “Nếu Chúa không dựng nên căn nhà, người thợ nề đâu có đổ mồ hôi. “
Chúng ta không được xác định bởi những gì chúng ta làm, số tiền chúng ta kiếm được hay làm ra được, hay những gì chúng ta thành đạt, nhưng bởi chính con người chúng ta, và chúng ta thường gần Chúa khi chúng ta yếu đuối, trống rỗng, và thấp kém nhất. Để thú nhận điều đó, cần có đức khiêm tốn--và có thể làm cho người thực dụng điên tiết.
Tôi yêu cầu các chủng sinh áp dụng điều đó vào ơn gọi của họ ngay bây giờ: bốn hay năm năm chờ đợi và chuẩn bị, bồn chồn, thiếu kiên nhẫn, hăng hái tiến bước, để sản xuất, để thành đạt. Chúa và Giáo Hội lại nói: Hãy từ từ! Hãy chuẩn bị! Hãy sẵn sàng! Những năm chuẩn bị là điều hiển nhiên nếu bạn muốn trở nên một tông đồ hữu hiệu. Phải, chúng ta thích máy “microwave”--cho thực phẩm vào, nhấn nút; chỉ vài phút là có ăn. Chúa, Giáo Hội lại thích cái nồi đất; nấu từ từ, thêm mắm muối, thật chín, và sau đó mới lấy ra ăn. Và thực phẩm từ cái nồi đất luôn luôn ngon hơn thức ăn từ máy “microwave” (vi sóng).
Còn thí dụ nào tốt hơn là gương của chính Thầy chúng ta? Ba mươi năm âm thầm chuẩn bị cho ba năm hoạt động. Không người thực dụng nào lại hoạch định như thế cả! Tháng Hai là tháng dành riêng để kính nhớ “Cuộc Đời Ẩn Giấu của Chúa Giêsu”-- ba mươi năm âm thầm, cầu nguyện, đón chờ, lắng nghe, phát triển, vâng phục Đức Mẹ và Thánh Giuse--thật khiêm tốn là dường nào! Với chủng sinh nào bị chán nản với đời sống chậm chạp của chủng viện tôi đề nghị chiêm niệm về “Cuộc Đời Ẩn Giấu của Chúa Giêsu”.
Sự khiêm tốn kiên nhẫn--trái với chủ thuyết thực dụng năng nổ--thì được thấy hiển nhiên trong cuộc đời của các linh mục vui vẻ và bình an bất cứ đâu người đến. Vì sự quyến dũ của chủ thuyết thực dụng có thể làm cho một người bồn chồn trong chủng viện thì cũng làm họ bất an trong đời sống linh mục. Do đó, nhiều linh mục sắp sẵn sự nghiệp của mình; chưa chấm dứt ở giáo xứ này đã muốn nhảy sang giáo xứ khác. Họ hoạch định và in sẵn lý lịch và rồi những bài sai ngớ ngẩn cản mũi kỳ đà. Phải như đức giám mục nghe lời tôi và đưa tôi đến--có thực tiễn không? Đúng! Có khiêm tốn không? Không!
Hãy nhớ đến đức tính khiêm tốn trong lời hứa vâng phục mà chúng ta long trọng tuyên bố trong lễ phong chức phó tế và linh mục. Quỳ gối--một vị thế của sự yếu đuối--với đôi tay bạn trong tay đức giám mục, hứa vâng lời trong suốt cuộc đời: tham vọng của bạn, chương trình của bạn, ưu tiên của bạn được coi là thứ yếu so với Giáo Hội.
Bạn sẽ nghe các linh mục khôn ngoan nói rằng: “Đừng bao giờ xin công việc gì, cũng đừng bao giờ xin ra khỏi công việc đó--” Lời khuyên không đến nỗi tệ-- nhưng thật khó cho những ai không nắm vững sự khiêm tốn.
Cái bẫy thứ ba trên con đường khiêm tốn: áp lực bất thường trên các quyền lợi cá nhân. Người Hoa Kỳ chúng ta thật sung sướng khi là công dân của một quốc gia mà nó phát xuất từ sự chú trọng đến các quyền lợi của con người--và thật đúng như vậy: chúng ta thuộc về một Giáo Hội vô địch về nhân quyền, được chăn dắt bởi một chủ chăn nổi tiếng thế giới là người bảo vệ nhân quyền--tạ ơn Chúa! Tôi không muốn nói về điều này, nhưng về sự phức tạp đưa đẩy chúng ta đến sự tin tưởng rằng chúng ta phải có được những gì xảy đến với chúng ta, chúng ta đáng được hưởng những lối đối xử và ưu tiên đặc biệt. Do đó, chúng ta chán nản khi không được giao cho các công việc mà chúng ta nghĩ là đáng được, hay không được nhận biết mà chúng ta cảm thấy phải như thế. Đức giám mục không quý trọng tôi, cha xứ không nhận biết những công việc tôi đã làm, dân chúng không biết rằng họ thật may mắn khi có tôi!
Chúng tôi có một linh mục tốt lành ở St. Louis, người nổi tiếng hăng hái và khiêm tốn. Người làm cha xứ một họ đạo nghèo, chật vật. Có một chỗ béo bở trong giáo phận mở ra và hầu hết các linh mục đều chờ Đức Hồng Y Carberry gọi điện thoại để đưa họ về chỗ béo bở ấy.
Vị linh mục khiêm tốn này nhận được điện thoại. Đức hồng y nói: “Tôi muốn cha làm cha sở của giáo xứ Thánh Clement. “
“Cám ơn đức hồng y, nhưng con sung sướng khi ở được ở đây, và còn có nhiều người giỏi hơn con. “
“Nhưng tôi muốn cha, “ đức hồng y trả lời. “Trước mặt tôi là hai mươi ba lá thư từ những người muốn về đó; cha nghĩ là không xứng đáng--bây giờ cha là cha sở ở đó. “
Những linh mục buồn thảm là những người cảm thấy họ không được nhìn đến. Họ khao khát được thăng tiến trong Giáo Hội và những vinh dự của hàng giáo sĩ. “Cơn sốt đỏ” là tên thường được gọi, và đó là vi trùng nguy hiểm trong đời sống giáo sĩ.
Những chú trọng quá đáng đến “quyền lợi của tôi, đặc quyền của tôi” thường dẫn đến sự nguy hiểm tâm linh và bệnh hoạn về cảm xúc, đó là cảm thấy tội nghiệp cho chính mình. Tính vị kỷ gặm nhấm vết thương lòng, nhớ lại những lần mà chúng ta cho là bị coi thường, bị lợi dụng, không được biết ơn--hãy coi chừng! Đó là khi chúng ta sắp sửa gieo mình xuống vực thẳm--của tình dục; nghiện ngập; giao tiếp một cách bất lợi với những người cùng chúng ta cay đắng soi mói và điều đó ảnh hưởng đến các giáo sĩ nghĩ rằng quyền lợi của họ đã bị vi phạm.
Đức khiêm tốn dạy chúng ta phải lánh xa những điều ấy, khi chúng ta thú nhận rằng thực sự chúng ta không đáng được gì cả, và như thế, rốt cục là, các vinh dự, sự chú trọng, và thanh danh thì nguy hiểm và tốt hơn chúng ta nên tránh. Theo lời của Thánh Phaolô, “Nếu tôi kiêu hãnh, tôi kiêu hãnh trong thập giá của Chúa Giêsu Kitô. “
Sự chú trọng quá đáng đến quyền lợi cá nhân là một nhấn mạnh quá đáng đến cái tôi, là sự trái ngược với đường hướng phải có. Mẹ Têrêsa, với tính tình đơn giản của người, nói rằng thứ tự thích hợp của quyền ưu tiên là J-O-Y:
J - Jesus (Chúa Giêsu)
O - Others (Tha nhân)
Y - You (chính bạn)
Trở ngại thứ bốn trên đường khiêm tốn là tính anh hùng rơm. Là đàn ông thì không cần sự giúp đỡ! Là đàn ông thì không thể thú nhận sự yếu đuối của mình! Là đàn ông thì có thể thi hành bất cứ gì ở trong đầu! Là đàn ông thì không khóc! Là đàn ông thì không có giới hạn!
Chỉ có người khiêm tốn mới có tất cả những điều vừa kể! Sự khiêm tốn giúp chúng ta ý thức về sự yếu đuối, sự mỏng dòn, những lỗi lầm của chúng ta, giúp nhận thức rằng chúng ta cần mọi sự giúp đỡ--từ Thiên Chúa, từ tha nhân. Như thế, chúng ta không sợ khi phải quỳ xuống và cầu nguyện, khi tâm sự với người bạn, khi mở lòng cho vị linh hướng, khi tìm sự hỗ trợ của người khác, ngay cả khi tìm kiếm sự giúp đỡ của các nhà chuyên môn trong lãnh vực y khoa hay cố vấn.
Tôi vừa nghe một trường hợp đáng buồn của một linh mục nổi tiếng, người mất giáo xứ, mất địa vị trong giáo phận, và bây giờ mất cả chức linh mục chỉ vì người từ chối không thú nhận rằng người cần sự giúp đỡ của các người chuyên môn để đối phó với vấn đề tình dục và nghiện rượu, và người khước từ thái độ hòa nhã nhưng cương quyết của đức giám mục khi nói rằng người cần được sự giúp đỡ hoặc bị ngưng chức. Đây có thể là một anh hùng rơm--nhưng không phải là một người khiêm tốn.
Và đây là cạm bẫy sau cùng mà tôi muốn nhắc đến: một não trạng duy lý tự đắc khiến chúng ta nghĩ là mình phải hiểu biết mọi sự, cho rằng Thiên Chúa cần sự giải thích của chúng ta, và cho rằng bộ não của chúng ta có thể hiểu biết tất cả, do đó đời sống không còn gì phải lo sợ hay còn có những bí ẩn.
Hãy so sánh điều này với lời cầu xin khiêm tốn trong Thánh Vịnh 131:
Lòng con chẳng dám tự cao,
mắt con chẳng dám tự hào, Chúa ơi!
Đường cao vọng, chẳng đời nào bước,
việc diệu kỳ vượt sức, chẳng cầu;
hồn con, con vẫn trước sau
giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình.
Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ,
trong con, hồn lặng lẽ an vui.
Bởi đó, Thánh Tôma Aquinô, nhà thần học vĩ đại, khi nhìn lại toàn bộ công trình của cuộc đời người và nói: “Tất cả chỉ là rơm rác so với mầu nhiệm chập chùng và sự vĩ đại cũng như lòng thương xót của Thiên Chúa. “
Có lẽ đã nói đủ về những nguy hiểm--còn những giúp đỡ cho sự khiêm tốn thì sao?
Điều đầu tiên, không ngạc nhiên gì, đó là cầu nguyện. Như Đức Giám Mục Sheen đã nói: “Chỉ người khiêm tốn mới cầu nguyện, vì sự cầu nguyện có nghĩa chúng ta cần người nào đó và điều gì đó.” Có câu tục ngữ về hai bài học quan trọng trong đời là, thứ nhất, có một Thiên Chúa; thứ hai, tôi không phải là Người!
Tôi thấy hữu ích khi vừa cầu nguyện và vừa suy tưởng về đôi mắt của Đức Kitô đang nhìn đến tôi, xuyên thấu con người của tôi: như khi Người “nhìn kỹ” đến chàng thanh niên giầu có, khi Người nhìn đến một phụ nữ ở giếng nước, khi Người nhìn đến Phêrô sau ba lần chối từ--con mắt của Đức Kitô xuyên thấu chúng ta. Không một tư tưởng, lời nói hay hành động nào có thể giấu được: Người biết chúng ta rõ hơn chúng ta biết chính mình. Chúng ta trở nên rỗng tuếch, nghèo nàn, lộ liễu, yếu ớt, tan nát trước cái nhìn đó--tuy vậy đó là đôi mắt đầy thương yêu, đón nhận. Sự suy tưởng đó giúp chúng ta khiêm tốn.
Trong lần đầu tiên đi coi xứ, một trong những lần cho kẻ liệt rước lễ là một phụ nữ rất thế giá ở St. Louis mà cha xứ cho biết bà đang bị ung thư. Khi tôi gọi để hẹn, bà rất cẩn thận cho biết tôi không thể đến trước 11g30 sáng thứ Sáu. Khi đến, tôi thấy bà trông rất mạnh khỏe. Mỗi sáng thứ Sáu đều giống nhau.
Một ngày kia, khi lái xe đến gần nhà bà, tôi quyết định bất ngờ ghé thăm. Người y tá ra mở cửa, và khi tôi bước vào, tôi thấy bà thở hổn hển vội vã đẩy chiếc xe lăn lánh mặt không cho tôi nhìn thấy--Bà không còn phấn son, không còn một chút tóc, vàng vọt bệnh hoạn, hiển nhiên là sắp chết--Tôi mới hiểu mỗi sáng Thứ Sáu bà phải mất hàng giờ để chuẩn bị, và giờ đây tôi ngạc nhiên khi trông thấy con người thật của bà--yếu đuối, xấu xa, trọc lóc, vàng vọt, già nua và sắp chết. Bà khóc lóc, “Ôi cha ơi, con không bao giờ muốn bất cứ ai thấy con như thế này. Con xấu hổ quá!”
Những gì tôi có thể làm là ôm lấy bà và trấn an bà là tôi vẫn đối xử với bà như trước, tôi yêu quý và chăm sóc linh hồn bà. Sau đó chúng tôi nói chuyện về cái chết, về sự đau khổ, và về Thiên Chúa.
Đó là thái độ khiêm tốn phải có của chúng ta khi cầu nguyện--Chúa nhìn thấy chúng ta mà không có gì giả mạo được, đầy khuyết điểm và đủ mọi thứ, yếu ớt, bệnh hoạn, bơ vơ và sợ hãi. Không có gì làm Người kinh ngạc. Đôi mắt Người xuyên thấu chúng ta.
Thánh Julian Norwich có viết: “Đối với Đức Kitô, Người thật mãn nguyện khi có một linh hồn đơn sơ đến với Người, linh hồn ấy trơ trụi, mộc mạc, và không khoe khoang. “
Đối với tôi, một trong những giây phút cảm động trong nghi thức đặt tay truyền chức là các ứng viên nằm phủ phục trên sàn. Đó là một tư thế thực sự khiêm tốn! Trước mặt Thiên Chúa, trước mặt Giáo Hội, họ bất lực, trống rỗng, vì chỉ như vậy ơn của Chúa mới có thể bén rễ. Thỉnh thoảng hãy dùng tư thế ấy để cầu nguyện cũng là một điều tốt.
Có lần tôi nghe Đức Tổng Giám Mục Emory Kabongo, cựu thư ký riêng của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho biết, có lần khoảng 3g sáng một có cú điện thoại của Thứ Trưởng Tòa Thánh gọi đến văn phòng để cho đức giáo hoàng biết về một tình hình khẩn trương trên thế giới.
Đức Tổng Kabongo điện thoại vào phòng ngủ của đức giáo hoàng--không ai trả lời. Lo lắng, người đích thân đến phòng ngủ, gõ cửa và đi vào--không thấy đức giáo hoàng. Người liếc mắt qua nhà nguyện--cũng không có ai. Người vào bếp, phòng ăn, thư viện riêng--cũng không có ai. Người lên khu vườn trên sân thượng--cũng không ai ở đó. Lần này, người thận trọng trở về tất cả những chỗ đã ghé qua, và trong nhà nguyện, người thấy Đức Gioan Phaolô II đang phủ phục trên sàn để cầu nguyện.
Một sự giúp đỡ thứ hai cho sự khiêm tốn đó là thường xuyên, thành khẩn xưng tội. Cựu giám mục của Springfield, Illinois, Đức Cha Giuse McNicholas, có lần nói trong buổi tĩnh tâm: “Nếu các bạn trung thành với việc xưng tội thành thật, khiêm tốn, tối thiểu mỗi tháng một lần, các bạn sẽ là linh mục tốt.” Lúc ấy, tôi nghĩ điều ấy quá đơn giản, nhưng giờ đây, càng ngày tôi càng thấy đó là sự thật. Việc xưng tội thường xuyên, tỉ mỉ, có giá trị thì tự nó là sự khiêm tốn khi chúng ta thành thật kể ra tội lỗi của mình; và chính khi đó là nguồn mạch của ơn sủng và nhân đức!
Sẵn sàng nghe chỉ trích. Người ta nói rằng Tổng Thống Lyndon Johnson luôn luôn chỉ định một thành viên trong bộ tham mưu để gặp ông ta hàng tuần chỉ để phê bình những sai trái của tổng thống. Tổng Thống Johnson còn cảnh cáo là nếu nhẹ lời phê bình, họ sẽ bị sa thải. Thật đáng hoan nghênh! Sẵn sàng nghe chỉ trích là một bước nhảy vọt đến sự khiêm tốn. Chúng ta đón nhận sự chỉ trích từ các cha giải tội, các vị linh hướng, giáo dân, các cộng tác viên, anh em linh mục, các bề trên.
Dấu hiệu của một người bạn tốt là người dám tin tưởng vào sức mạnh của tình bạn để có thể nói cho chúng ta nghe những gì chúng ta cần nghe, dù nhiều khi chúng ta không muốn.
Lời khuyên mà tôi muốn gửi đến các linh mục trẻ--đúng hơn, cho bất cứ linh mục nào--là thỉnh thoảng ngồi xuống với cha xứ để xin nghe lời phê bình. “Cha thấy con làm việc thế nào?” “Con làm có đúng không?” “Cha có nhận xét gì về bài giảng, thừa tác vụ, và kiểu cách của con không?” “Cha có nhận thấy lỗi lầm nào của con không?”
Không ai trong chúng ta muốn nghe phê bình hay điều xấu về chính mình, vì chúng ta tự đắc. Nhưng sẵn sàng nghe chỉ trích là một sự trợ giúp lớn lao cho đức khiêm tốn.
“Ai là người không có khuyết điểm?” Thánh Bernard đã hỏi như thế. “Người nào nghĩ mình không thiếu sót gì, đó là người thiếu sót mọi sự. “
Cảm giác bình an khi nghĩ mình là một linh mục trong suốt cuộc đời ở giáo xứ có thể không phải là điều quá đáng. Chủng viện là để chuẩn bị cho các ứng viên trở thành các linh mục hăng say, trung thành, đắc lực: thật đúng là một số sẽ dạy học, một số làm việc ở tòa giám mục, ngay cả một số khác làm việc với Tòa Thánh; cũng có người trở thành tuyên uý quân đội hay làm việc trong chủng viện--nhưng nếu bạn không đủ khiêm tốn để quyết tâm trở thành một linh mục giáo xứ suốt đời, bạn phải nghĩ lại ơn gọi làm linh mục của mình.
Hãy thành thật: Các linh mục được huấn luyện theo truyền thống La Mã đôi khi bị chỉ trích là tâm hồn họ để ở bên ngoài việc mục vụ giáo xứ, và một số giám mục cũng như cha giám đốc--cám ơn Chúa là không nhiều--nói với tôi rằng họ do dự gửi các linh mục sang đây chỉ vì họ cảm thấy sau này các linh mục ấy không vui khi phải làm việc trong một giáo xứ bình thường, sau năm năm quen với mùi hương đền Thánh Phêrô và quen đi mua sắm ở Gammerelli. Làm thế nào mà bạn có thể cầm chân họ ở nông trại sau khi họ được thấy Thánh Phêrô?” Thật không công bằng, tôi tin như thế, nhưng điều phê bình này đáng cho chúng ta suy nghĩ khi phải gạt bỏ khỏi tâm hồn bất cứ tham vọng nào mà nó cản trở chúng ta không muốn trở thành một mục tử chăn dắt các linh hồn.
Sẵn sàng thú nhận là rất có thể chúng ta không được mời gọi để trở thành linh mục--đó cũng là một hành động khiêm tốn cho một chủng sinh. Không bao giờ chúng ta bị trượt chân vào chức linh mục, làm linh mục chỉ vì đó là bước kế tiếp không thể tránh khỏi. Chén lễ của thầy ấy đã được đặt mua rồi. Sự khiêm tốn đích thực thúc giục chúng ta phải thú nhận là rất có thể chúng ta không được mời gọi đến chức linh mục. Chúng ta không thể chấp nhận lời mời gọi ấy một cách tự do, phải lẽ và trưởng thành ngoại trừ chúng ta có đủ khiêm tốn để thú nhận rằng rất có thể chúng ta không có ơn gọi ấy.
Bây giờ, điều này nghe có vẻ quá hiển nhiên--nhưng, tất cả những gì bạn cần là lắng nghe câu chuyện thú vị của những người vừa từ bỏ chức linh mục khi họ nói: “Tôi lỡ bước vào, tôi không bao giờ thực sự tự do nhận chức linh mục. Khi tôi đến Rôma thì nhiều điều bỗng dưng xảy đến, và kế đó là tôi thấy mình được mặc áo. “ Làm thế nào điều này có thể xảy ra được, tôi cũng không biết, nhưng nó thường xảy ra, và đừng để nó xảy ra cho bạn. Hãy khiêm tốn thú nhận là rất có thể bạn không được mời gọi làm linh mục.
Hãy biết mình! Có người khen Thánh Gioan Vianney là một cha giải tội nổi tiếng, người trả lời: “Nếu tôi là một cha giải tội nổi tiếng, đó chỉ vì tôi là một người tội lỗi đầy mình!” Chúng ta biết rõ về chính mình; chúng ta rất ý thức về yếu điểm của mình để đừng bao giờ đưa mình đến các dịp dễ sa ngã phạm tội.
Một linh mục tôi quen biết, quý mến và tôn trọng, là người ảnh hưởng rất nhiều đến ơn gọi của tôi, mời tôi đi nghỉ hè với người ở Las Vegas. Người thích chơi “golf”, coi văn nghệ (show), ngay cả đánh bài chút đỉnh. Khoảng hai tuần trước khi đi, tôi phải bỏ chương trình vì cha phụ tá phải vào nhà thương gấp. Khi tôi gọi người cho biết điều ấy, người rất thất vọng, và tôi nói: “Nhưng cha vẫn có thể đi một mình chứ sao đâu.” Tôi không bao giờ quên được câu trả lời của người: “Tôi không bao giờ tin vào chính mình khi ở Las Vegas.” Đây là một con người gương mẫu của đức khiêm tốn, người biết rõ chính mình nên không đưa mình vào các dịp dễ sa ngã phạm tội. Đó là sự khiêm tốn.
Bạn từng nghe về Matt Talbot, một giáo dân Ái Nhĩ Lan, nghiện rượu khi mười hai tuổi, và nhờ sự cầu nguyện, sám hối và biết mình nên đã trở nên điều độ và thánh thiện. Khi người từ sở về nhà hàng đêm, người đi sang bên kia đường chứ không đi ngang các quán rượu, vì người biết rõ chính mình và khiêm tốn thú nhận là chỉ cần ngửi thấy mùi rượu không thôi cũng có thể làm người sa ngã. Đó là loại biết mình mà nhờ đó có thể triển nở đức khiêm tốn.
Đức Hồng Y Newman nói: “Làm thế nào để chúng ta cảm thấy cần sự trợ giúp của Chúa, hoặc trông nhờ vào Người, hoặc mắc nợ với Người nếu chúng ta không biết chính mình?”
Khiêm tốn, một nhân đức được Chúa ưa thích, một viên đá nền móng của sự thăng tiến trong đời sống Thiên Chúa, một đức tính chủ yếu cho sự trung thành và hiệu lực của linh mục: có những cản trở sự khiêm tốn, có những trợ giúp cho sự khiêm tốn; nhưng không thể có sự thay thế cho đức khiêm tốn.
Chúng ta hãy đọc Kinh Khiêm Tốn của Đức Hồng Y Raphael Merry del Val:
Lạy Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng,
Xin lắng nghe con.
Xin giải thoát con
Khỏi ao ước được yêu thương,
Khỏi ao ước được tán dương,
Khỏi ao ước được vinh dự,
Khỏi ao ước được chúc tụng,
Khỏi ao ước được quý trọng hơn người khác,
Khỏi ao ước được hỏi ý kiến,
Khỏi ao ước được công nhận,
Khỏi ao ước được nổi tiếng,
Khỏi sợ hãi bị lăng nhục,
Khỏi sợ hãi bị khinh miệt,
Khỏi sợ hãi bị đau khổ vì khiển trách,
Khỏi sợ hãi bị vu oan,
Khỏi sợ hãi bị quên lãng,
Khỏi sợ hãi bị sai lầm,
Khỏi sợ hãi bị nhạo cười,
Khỏi sợ hãi bị hồ nghi.
Xin ban cho con ơn sủng để ao ước rằng
Người khác được yêu thương hơn con,
Người khác được quý trọng hơn con,
Người khác lớn lên, con lại nhỏ đi theo quan điểm của thế gian.
Người khác được chọn và con bị loại bỏ,
Người khác được ca tụng và con bị lãng quên.
Người khác được ưa chuộng đủ mọi điều hơn con.
Người khác được thánh thiện hơn con,
miễn là con được thánh thiện đúng với bổn phận của con.
Lạy Đức Bà Khiêm Tốn
Cầu cho chúng con.