(Đoạn trích Kinh Thánh: Gioan 20:19-23)
Kể từ khi học lớp hai, lần đầu tiên tôi được nghe Dì Bosco kể câu chuyện của Chân Phước Damien người Cùi, tôi luôn luôn sùng kính vị chân phước này. Trong mùa Chay vừa qua, tôi đã đọc lại tiểu sử của người trong cuốn Holy Man của Gavan Daws, và vẫn cảm thấy cảm kích.
Hãy thử đoán xem đâu là thập giá nặng nề Cha Damien phải gánh chịu.
Thập giá nặng nề nhất mà Cha Damien phải gánh vác, theo lời khai của chính người, là không thể xưng tội thường xuyên vì không có linh mục nào khác muốn đến đảo Molokai. Có thể nào bạn tưởng tượng nổi? Với tất cả sự đau khổ người đang chịu, đau khổ nhất là vì thiếu bí tích cáo giải. Bạn từng nghe biết những việc Cha Damien làm, có phải không? Cha đứng đợi ở bến tầu với các người cùi khác khi con tầu chở hàng tiếp tế cũng như đưa người cùi đến đảo, và cha phải lớn tiếng hỏi thuyền trưởng là có linh mục tuyên uý nào trên tầu không. Thỉnh thoảng cũng có; nhưng thường thì linh mục không được phép rời tầu. Bởi vậy, Cha Damien phải lớn tiếng kể tội mình ra bằng tiếng Latinh, hoặc nếu vị linh mục ấy không biết tiếng Latinh, cha phải xưng tội bằng tiếng bản xứ Hòa Lan, và sau đó nhận được sự xá giải từ trên boong tầu. Theo lời của cha, “Sự xá giải đó có ý nghĩa đối với tôi hơn cả trà, thuốc lá, quần áo, thực phẩm, hay ngay cả các lá thư được đem lên bờ.”
Sau khi Chúa Giêsu phục sinh, đó có phải sự tình cờ khi Chúa Giêsu ban cho chúng ta bí tích cáo giải như món quà đầu tiên? Theo Thánh Sử, đó là chiều Chúa Nhật Phục Sinh đầu tiên khi Chúa Giêsu ban truyền cho Giáo Hội ơn tha thứ tội lỗi, chia sẻ với các linh mục đầu tiên của Người quyền được tha tội nhân danh Người. Quà tặng đầu tiên của Chúa sau khi phục sinh! Người không nói, “Thầy hứa ban cho các con sự sống đời đời!”—tuy Người chắc chắn đã đạt được sự sống ấy. Chúa Giêsu cũng không công bố, “Thầy đã chiến thắng Satan cho các con!”—tuy Người đã hoàn thành điều đó. Không, điều Người muốn ban cho Giáo Hội là lòng thương xót vì tội lỗi, và chia sẻ quyền tha tội cho các linh mục của Người. “Thầy ban bình an cho các con! Các con tha tội cho ai, tội của họ được tha, và các con cầm buộc tội của ai, tội người ấy bị cầm buộc.” Theo Công Đồng Triđentinô, đó là giây phút Chúa thiết lập bí tích cáo giải.
Thánh Phanxicô “de Sales” nhận xét rằng các người mẹ đều chứng tỏ tình yêu của mình đối với con cái trong ba phương cách: nuôi ăn, tắm rửa, và sửa đổi, và vì vậy Chúa Phục Sinh đã ban truyền cho Mẹ Giáo Hội mệnh lệnh thanh tẩy trong bí tích rửa tội, nuôi dưỡng trong bí tích Thánh Thể, và sửa đổi trong bí tích cáo giải.
Tôi biết sẽ có một số người coi tôi là ngây thơ vì nhận xét này, nhưng tôi thấy trong Giáo Hội ngày nay có một phong trào của người dân kêu gọi chúng ta hãy chân thành yêu quý lòng thương xót của Chúa. Giữa những khủng hoảng, đồi bại, bạo động, hận thù, bất công, và sự dữ trong “nền văn hóa hận thù,” hay “văn hóa sự chết,” người dân Chúa lại nhận biết quyền lực mạnh mẽ của lòng thương xót Chúa. Điều này không thể làm chúng ta ngạc nhiên, vì hầu như tất cả mọi người đều biết rằng sự mất ý thức về tội là khởi đầu sự sa sút đức tin, và đó là khó khăn chính của thời đại chúng ta. H. Richard Niebuhr chỉ trích nhiều về thần học hiện đại qua nhận xét, “Một Thiên Chúa không có sự trừng phạt sẽ đưa con người không có tội vào thiên đàng mà không chịu sự phán xét, qua những cứu giúp của một Chúa Kitô không có thập giá.”
Trong bữa điểm tâm cầu nguyện với tổng thống ở Toà Bạch Ốc, Đức Giám Mục Sheen đã có nhận xét rằng người Công Giáo thường bị chế diễu vì tin chỉ có một người, là Đức Maria, được sạch tội; bây giờ, người nhận xét, Giáo Hội bị chỉ trích vì tin rằng chỉ có một người, và không phải mọi người, thì không có tội! Vị thánh Bông Hoa Nhỏ viết rằng sự khiêm tốn nhận biết tội lỗi của mình, và chấp nhận sự thương xót của Chúa là khởi đầu gia tăng sự thánh thiện. Thánh Y Nhã cho rằng con đường đến sự tuyệt hảo được khởi đầu với sự nhận biết tình yêu Thiên Chúa, sự thú nhận rằng chúng ta không xứng đáng với tình yêu ấy, vì tội lỗi, và sau đó chấp nhận tình yêu thương xót của Người như một món quà mà chúng ta không xứng.
Tôi vừa mới đọc xong tiểu sử của Mục Sư Billy Graham, ông nói mọi đức tin bắt đầu bằng sự nhận biết rằng chúng ta cần đến ơn cứu độ, chúng ta cần được cứu rỗi bởi vì chúng ta có tội, và sau đó chấp nhận lòng thương xót của Thiên Chúa qua Chúa Kitô. Đó là điều ông rao giảng trong những chiến dịch nổi tiếng của ông. Tôi từng ngạc nhiên bởi sự phổ biến lạ lùng của việc sùng kính Lòng Thương Xót của Chúa, biết bao người tìm thấy sự an ủi và thách đố trong những mặc khải bí ẩn được Chúa ban cho Thánh Faustina mà tất cả đều hướng về sự khao khát bừng cháy của Chúa khi muốn tuôn đổ trên chúng ta lòng thương xót của Người.
Sự phát triển nhanh chóng về việc quan tâm và đói khát lòng thương xót, là một nhận thức mà chúng ta cần, đang tạo thành sự canh tân đích thật trong Giáo Hội, và tôi tiên đoán—đây là điều mà tôi sẽ bị coi là ngây thơ--nó sẽ từ từ dẫn đến việc tái khám phá ra sự mỹ miều cũng như sức mạnh của bí tích cáo giải. Chúng ta thật cần là dường nào!
Năm năm mươi sắp tới khi lịch sử đạo Công Giáo thời hậu công đồng được viết lại, tôi tin rằng, các học giả sẽ coi việc biến dạng của bí tích cáo giải là một tai họa của Công Đồng Vatican II. Nhiều người trong chúng ta còn nhớ rõ những hàng dài người ta chờ đợi để xưng tội vào chiều thứ Bẩy, đó không phải là điều bất thường, có thể nói họ xếp hàng đứng dài ra tận đường phố, nhất là trong mùa Vọng và mùa Chay. Thường xuyên xưng tội là điều phổ thông, xưng tội hằng năm là điều tối thiểu. Bí tích đó hầu như được gắn liền với người Công Giáo hơn cả việc rước lễ.
Nhưng không còn nữa! Ngay cả những người Công Giáo chân thành cũng phải thú nhận là họ bỏ xưng tội trong nhiều năm; một số giáo xứ đã bỏ chương trình giải tội hàng tuần. Chính Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhận xét rằng “Người lên rước lễ càng đông trong khi hàng người xưng tội càng ngắn.”
Tôi nhớ có lần nghe một em trai xưng tội mà hiển nhiên em rất bồn chồn, và, khi chấm dứt, tôi nói, “Con xưng tội giỏi lắm! Lần sau có lẽ sẽ dễ dàng hơn.”
Nghe vậy em trả lời, “Cha muốn nói con phải đi xưng tội nữa hả?” Tôi e rằng nhiều người không bao giờ đi xưng tội nữa. Các sử gia đạo đức của tương lai có thể kết luận rằng, có lẽ đây là cách Thiên Chúa thanh tẩy bí tích cáo giải khỏi thói quen máy móc, tỉ mỉ và u sầu mà chúng từng là đặc tính của thời gian tiền công đồng. Nhưng tôi cầu xin và tin tưởng rằng sự hủy hoại và sa sút chán nản ấy sẽ chấm dứt.
Trong những năm tôi làm giám đốc của trường North American College, tôi thấy sung sướng khi được nghe nhiều tin vui, từ việc gia tăng số chủng sinh, đến số ngân quỹ không bị thiếu hụt. Nhưng tin vui nhất là cách đây vài năm khi các cha linh hướng nói với tôi, “Cha biết không, có nhiều chủng sinh đi xưng tội vào tối thứ Hai đến mãi 9g tối mới xong. Chúng ta phải cử thêm người giải tội vào ngày thứ Hai.” Đó là tin vui nhất tôi được nghe!
Điều tôi muốn nói là chúng ta đang xoay chiều, khắp nơi trong Giáo Hội chúng ta thấy có một sự đồng tình hưởng ứng trông cậy vào bí tích đầy sức mạnh này, và đó là điều tôi muốn nói với các chủng sinh, là các tác nhân của Lòng Thương Xót của Chúa, những người ban bí tích hòa giải của Giáo Hội trong thiên niên kỷ thứ ba. Bởi đó, thật ý nghĩa để nói với các bạn về bí tích cáo giải từ hai khía cạnh: bạn là cha giải tội, và bạn là người xưng tội.
Trước hết, mỗi linh mục hay linh mục tương lai là cha giải tội. Các bạn chủng sinh có bao giờ nghĩ rằng mình là cha giải tội chưa? Bạn phải… bạn phải mơ ước điều đó, ưa thích việc đó, chuẩn bị cho điều đó. Đó là một trong những niềm vui lớn lao của chức linh mục.
Tôi nhận được lá thư từ một cựu chủng sinh trường, Cha Jim Hauver, thường được gọi là “Jim chạy bộ” của Duluth, Minnesota. Hãy lắng nghe lời nhận xét của người sau một năm làm linh mục:
Cảm nghiệm thực sự về tác vụ linh mục thì vừa thách đố, vừa khiêm tốn, và vừa phấn khởi bàng hoàng. Việc cử hành Thánh Lễ, tâm điểm của đời sống linh mục, giờ đây là đích điểm tuyệt đối của đời sống tâm linh của con. Và làm thế nào con có thể diễn tả được cảm nghiệm vui sướng và khiêm tốn của công việc mục vụ: xức dầu và đem Thánh Thể cho người hấp hối, nhưng thành tâm tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa; nghe lời thú tội của những người trở về sau nhiều năm xa cách Giáo Hội; ban ơn xá giải cho một linh hồn ù lì khao khát được tha thứ vì một tội cũ rích. Đúng là có những khó khăn, nhưng con sẽ không đánh đổi đời sống linh mục với bất cứ sự giầu sang và huy hoàng nào của thế gian.
Tôi sẽ đề cập đến linh mục là người giải tội trong ba phương cách: người giải tội như Chúa Kitô, nhân đức thương người, và sự cần thiết phải giữ bí mật.
Tôi chỉ có thể nói về chính mình, tuy tôi đã từng nghe biết bao linh mục anh em cũng nói về điều ấy, nhưng không bao giờ tôi cảm thấy mình là linh mục cho bằng khi nghe xưng tội. Như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói, chúng ta tin rằng cốt yếu của chức linh mục là “đồng hình dạng” mật thiết với Chúa Kitô như đầu và mục tử của Giáo Hội cho đến độ chúng ta thực sự hành động in persona Christi. Không bao giờ tôi cảm thấy in persona Christi cho bằng trong toà giải tội. Dân chúng biết rằng họ không xưng tội với một linh mục nhưng với Chúa. Chúng ta thế chỗ của Người. Chúng ta là tai, là lời nói, là sự tha thứ của Người! Chúa Kitô là người ban bí tích, và chúng ta hành động nhân danh Người, và điều đó thật khiêm tốn và kính sợ là dường nào!
Một linh mục kể cho tôi nghe cách đây khoảng bốn mươi năm, khi còn là một chủng sinh đã cùng với một người bạn đến gặp Cha Piô Năm Dấu và họ đợi hàng giờ đồng hồ để được xưng tội với cha, nhưng không vào được. Sau Thánh Lễ vào sáng hôm sau, họ đến gặp Cha Piô và tỏ vẻ thất vọng khi không được xưng tội với người. Cha nhún vai và nói, “Trở về Rôma mà xưng tội. Đâu cũng giống nhau!” Cha Piô Năm Dấu không khó khăn—cha rất thực tế! Chúa Kitô là người giải tội; linh mục chúng ta chỉ là khí cụ của Người.
Bây giờ điều đó đem cho chúng ta sự tin tưởng rất cần thiết. Tôi thường nghe các chủng sinh nói rằng chỉ cần nghĩ đến việc nghe xưng tội không thôi họ cũng đã cảm thấy bồn chồn lo lắng, và điều đó chắc chắn có thể hiểu được. Nhưng họ không nên như vậy. Chúa Kitô thi hành công việc; Người là cha giải tội. Bí tích có hiệu quả bất kể con người chúng ta! Ơn sủng của lòng thương xót Chúa tuôn trào qua chúng ta. Bí tích đang hoạt động.
Do đó mỗi linh mục đều có những lúc không thể nào giải thích được những gì họ nói trong tòa giải tội, hoặc về những người đến với họ khi xưng tội và kể lại những lời khuyên bảo hữu ích ấy mà tuyệt đối họ không nhớ gì cả. Đừng ngạc nhiên. Chúng ta hành động in persona Christi.
Do đó sứ điệp chính yếu mà chúng ta loan truyền trong bí tích mỹ miều này thì không phải là một gợi ý, một khuyên bảo, nhưng là một con người: chúng ta công bố Chúa Kitô! Là cha giải tội, chúng ta không phải là thần học gia, tuy Chúa biết một kiến thức vững vàng về thần học, nhất là thần học luân lý, là điều luôn luôn được mời gọi. Là cha giải tội, chúng ta không phải là tâm lý gia, tuy kiến thức trong lãnh vực đó là điều quý giá. Là cha giải tội, chúng ta không phải là cán sự xã hội, hay bạn hữu, hay chuyên gia cố vấn, tuy các vai trò này rất có ích lợi. Là cha giải tội, chúng ta là Đức Kitô, và vì thế điều chính yếu chúng ta nói là: “Thiên Chúa rất yêu mến con; giờ đây Chúa Giêsu hoàn toàn tha thứ mọi tội lỗi của con; sự thống hối tội lỗi của con làm Thánh Tâm Chúa mủi lòng; cả thiên đàng vui mừng vì con đã trở lại; Chúa Giêsu vui mừng vì con đã chấp nhận lời mời của Người mà thống hối, không bõ công thập giá của Người; Chúa Giêsu yêu chúng ta hơn hết khi chúng ta ăn năn thống hối.”
Ở đó không nhiều sự uyên thâm thần học, không nặng về tâm lý, xã hội, hay lời khuyên thực tế--nhưng hãy nhìn các dòng nước mắt, hãy nghe tiếng thở dài và nức nở. Chính Chúa Kitô hoạt động trong bí tích này, chúng ta không làm gì cả, và công việc chính của cha giải tội là đảm bảo hối nhân rằng họ được Chúa Kitô yêu mến và thương xót.
Thỉnh thoảng bạn thấy mình run rẩy khi chiêm niệm về sự vĩ đại của bí tích này. Tôi dám như thế sao! Tôi dám nói rằng, “Cha tha tội cho con” sao! Tôi đang cho mình là Đức Kitô. Thực sự là run rẩy, vì đó chính là điều bạn tự nhận, hành động in persona Christi. Hãy đứng sang một bên để Chúa hoạt động trong bí tích lạ lùng này.
Bây giờ, điều đó đã được nói đến. Chúa Giêsu hành động qua chúng ta, bởi thế cũng cần đến khả năng, phần của chúng ta. Do đó, đặc tính của chúng ta khi là cha giải tội có thể giúp hối nhân dễ dàng hơn hoặc khó khăn hơn để gặp Chúa Kitô trong bí tích này. Cầu mong sao chúng ta đừng ngăn cản Chúa Kitô. Người ở đó trong bí tích cáo giải. Nếu người ta không tìm thấy Chúa trong đó, hoặc là vì lỗi của hối nhân hoặc vì lỗi của cha giải tội. Cầu mong sao đó không phải là lỗi của chúng ta!
Đặc tính cần thiết nhất của cha giải tội là lòng thương người, mà dĩ nhiên, nó có nghĩa “cảm thông với” hối nhân. Một cha giải tội mà cộc cằn, vội vã, gắt gỏng, nôn nóng, lơ đãng, chán ngán, xa cách, hay lạnh nhạt thì không thể thu hút người ta đến với Chúa Kitô nhân hậu.
Chúng ta cốt ý dùng chữ “nghe xưng tội”. “Vấn đề” của bí tích này là xưng thú tội lỗi của hối nhân. Khi lắng nghe, chúng ta giúp đỡ họ rất nhiều. Từng bắp thịt của chúng ta săn lại khi lắng nghe. Đó là tích cực lắng nghe. Chúng ta giúp hối nhân thấy rằng chúng ta sẵn sàng dành mọi thời giờ để lắng nghe họ xưng thú tội lỗi, và sự lo lắng, đau khổ, chiến đấu của họ cũng là của chúng ta. Đó là lòng thương người.
Nếu chúng ta ngáp, ngủ gà gật, nếu chúng ta đọc báo hay thường xuyên coi đồng hồ, nếu chúng ta dường như chán chường hay xa vắng, đó không phải là lòng thương người. Chỉ cần lắng nghe một cách chăm chú và đầy thương mến thì đã đạt được nửa đoạn đường. Cách chúng ta lắng nghe có ý nghĩa với họ nhiều hơn là lời nói.
Lần đầu tiên khi nghe xưng tội bằng tiếng Ý đã dậy cho tôi biết điều đó. Có lẽ tôi chỉ hiểu được một nửa những gì hối nhân nói, nhưng tôi chăm chú lắng nghe vì tôi thực sự cố gắng để hiểu. Khi đến phiên tôi trả lời, chỉ có Chúa biết tôi nói gì, có lẽ giống như con nít tập nói, sau đó là lời xá giải. Nhưng hối nhân khóc lóc và hôn tay tôi! Tôi đoán có lẽ tôi đã chứng tỏ được lòng thương người hoặc có lẽ tôi đã tha thứ cho một tên sát nhân với ba kinh Kính Mừng!
Cần lập lại, chúng ta thương người khi giải tội vì chúng ta hành động nhân danh Chúa Kitô. Hãy nhớ rằng, Chúa không bao giờ mất bình tĩnh với người tội lỗi, mà chỉ với những ai cho rằng họ không có tội! Đừng bao giờ nóng giận với hối nhân. Nếu không bạn sẽ hối hận điều đó cả đời. Điều đó không có nghĩa bạn thiếu cương quyết, không khiển trách, thách đố, sửa sai, và ngay cả la rầy. Nhưng tất cả những điều ấy có thể thi hành với lòng trắc ẩn. Thật vậy, dân chúng muốn chúng ta coi tội lỗi của họ là điều nghiêm trọng, vì nếu không như vậy, họ đã không đi xưng tội.
Do đó, thương người có thể có nghĩa là vạch ra sự ghê tởm và hủy hoại của tội lỗi. Như Chúa Giêsu nói, “Ta cũng không kết án con. Hãy ra đi, và đừng phạm tội nữa!” Nhưng Người không bao giờ tìm cách cho rằng họ không có tội. Chúa biết sự thú nhận tội lỗi là bước đầu tiên trên đường cứu độ. Mục sư Billy Graham nói rằng công việc của người rao giảng là thuyết phục người ta, lay động người ta để họ thấy tội lỗi của mình và chờ đợi bản án của vị Thẩm Phán Đời Đời.
Và sau đó công việc của chúng ta là tuyên án: Con đã được tha thứ! Đôi khi, linh mục chúng ta, vì cố thương người, đã làm tội của hối nhân nhẹ đi, hoặc giải thích cách khác. Hãy để dân chúng thấy tội của họ. Tôi vừa mới đọc xong cuốn sách của Mary Cantwell, bà kể lại một biến cố trong đời bà vào thập niên 1960. Người chồng bỏ bà với hai con nhỏ, và trong sự khó khăn, bà có ý tà dâm với một người đàn ông khác đã có gia đình. Tuy bà không bao giờ phạm tội dâm dục với ông này, vì bà có một lương tâm bén nhậy, được lớn lên trong một gia đình Công Giáo, và bà đã xưng thú những ý tưởng dâm dục này với một linh mục, là người cho rằng bà bị rối loạn thần kinh và người xin lỗi bà thay cho Giáo Hội vì đã khiến bà ra như vậy. Sau đó bà đến với một linh mục khác, là người cho rằng bà không có tội gì. Như bà nói rõ trong cuốn “Manhattan, When I Was Young“, trong lúc cô đơn, gay go của cuộc đời, bà rất cần được tha tội, nhưng bị từ chối và xa lìa Giáo Hội. Công việc của chúng ta không phải là giải thích tội lỗi cách khác nhưng là để tha thứ tội lỗi.
Một phần của lòng thương người là gánh lấy tội lỗi nhân loại. Như bạn biết, đó là tâm điểm chức linh mục theo quan niệm phúc âm. “Chiên Thiên Chúa, Người gánh tội trần gian.” Chúa Giêsu nói, “Hãy trao tội của con cho ta, dù nhiều, dù khủng khiếp, dù xấu xa, dù độc ác thế nào đi nữa. Hãy trao cho ta. Để ta lo lắng thay cho con!” Vì thế dân chúng muốn nhìn thấy các linh mục nhân hậu gánh lấy tội lỗi của họ. Vì thế không có gì mệt mỏi hơn là một cha giải tội nhân từ. Chúng ta gánh lấy tội lỗi của dân chúng. Họ muốn trút gánh nặng lên chúng ta!
Trong một bài viết của cha linh hướng George Aschenbrenner, dòng Tên, người nhận xét: “Ơn gọi của linh mục là dầm mình trong việc giải tội đủ mọi loại. Dân chúng xưng thú và phơi bầy tâm hồn của họ cho người trong những phương cách cá biệt mật thiết… Nhiều khi người cảm thấy ngột ngạt, hầu như chìm ngập trong những chi tiết xấu xa và bẩn thỉu của sự dữ và đau khổ mà nó dẫy đầy trong đời sống cá nhân và gia đình của dân chúng. Cảm giác mệt mỏi và chán chường khiến linh mục phải tự hỏi, 'Tại sao họ lại đem những thứ này đến với tôi?'”
Người viết tiểu sử của Cha Piô Năm Dấu nhận xét rằng dấu thánh của cha thường chẩy máu trong toà giải tội. Tôi cho rằng điều đó thật ý nghĩa. Linh mục nào xứng đáng với chức thánh sẽ đổ máu với hối nhân. Tâm hồn người hòa hợp với họ trong sự yêu mến và thương cảm. Người đem theo các tội ấy với người lên bàn thờ, trong lời cầu nguyện, trong chính hành động ăn năn sám hối của mình.
Một cha giải tội thì thương người vì cha ý thức rõ về tội lỗi của chính mình. Có một ông khi bước ra khỏi toà giải tội đã nói với Thánh Gioan Vianney rằng, “Cha phải là thánh vì cha là một người giải tội có lòng thương người.” Thánh nhân trả lời, “Nếu tôi là một cha giải tội tốt lành, đó chỉ vì tôi là một người có tội.”
Cứ hai tuần một lần tôi nghe các nữ tu Ấn Độ ở Rôma xưng tội, và tôi muốn lấy giây stôla của mình mà khoác lên họ--vì tôi thấy tội lỗi nặng nề của chính mình khi nghe những lời khiêm tốn của họ. Và vì vậy linh mục phải thương người, khi thấy tội lỗi của mình cũng nhiều và nặng nề như của những người đang xưng tội.
Cha giải tội đại diện cho Chúa Kitô, rất thương người, và thứ ba, thà chết còn hơn vi phạm ấn tín tòa giải tội.
Tôi hy vọng không phải nói nhiều về điều này. Ấn tín tòa giải tội có sự thiêng liêng kỳ bí và bất khả xâm phạm. Một cha giải tội tốt lành thì không nói về điều mình nghe được, dù tổng quát. Người sẽ không xác nhận ai đó đã xưng tội với người. Sự phân định tỉ mỉ và khôn ngoan cần để bảo vệ ấn tín này.
Câu chuyện của các linh mục can đảm bảo vệ ấn tín này thì rất nhiều. Tôi chợt nhớ đến câu chuyện của Cha Pierre, mà ông làm vườn của giáo xứ đã đến với cha và xưng thú rằng ông đã giết một phụ nữ trong tỉnh, và đã để chiếc áo dòng của cha có dính máu gần phạm trường. Chắc chắn là cả nước Pháp đã chấn động khi Cha Pierre bị bắt giữ, bị kết án tù khổ sai mà cha chỉ trả lời trước tòa là, “Tôi vô tội trong vụ án này.” Rồi cha phải sống một cuộc đời khủng khiếp, về tinh thần cũng như thể xác, khi cha bị khinh miệt bởi các tù nhân vì họ coi cha còn tệ hơn họ, một linh mục giết người. Tuy nhiên, lòng bác ái của cha bắt đầu chiến thắng họ, và một ngày kia cha được gọi đến để giúp cho một tù nhân khét tiếng sắp chết.
Khi cha nhìn vào mắt người hấp hối, cha thì thầm, “Tôi là bạn của anh. Tôi có thể giúp được gì?”
Ông này ngước nhìn Cha Pierre và nói, “Con là người làm vườn đã giết bà ấy.” Sau đó ông gọi các tù nhân khác đến và nói, “Cha Pierre thì vô tội. Trên hai mươi năm qua, người đã đau khổ vì tôi và người không bao giờ tiết lộ sự thật. Giờ đây xin vui lòng nói với các viên chức về sự xưng thú công khai này.” Nói xong, ông âm thầm xưng tội với Cha Pierre, ông được tha thứ tội lỗi, và chết trong bình an.
Khi Cha Pierre được trả tự do, người vẫn muốn làm tuyên uý cho các tù nhân. Có nhiều câu chuyện như vậy, và chúng ta cần được nghe để đừng vi phạm ấn tín thiêng liêng này.
Đã nói nhiều về các linh mục như cha giải tội… Còn chúng ta là hối nhân thì sao? Bạn biết có ngạn ngữ nói rằng cách tốt nhất để trở nên một cha giải tội tốt là trở nên hối nhân tốt. Nếu chúng ta không yêu quý và thường xuyên lãnh nhận bí tích này, có lẽ chúng ta sẽ không giống như Chúa Kitô, cha giải tội nhân hậu.
Đối với người coi trọng tinh thần môn đệ Kitô Giáo, việc thường xuyên lãnh nhận bí tích hòa giải thực sự là một món quà. Một sự yêu quý bí tích này—cùng với sự trông cậy vào ơn sủng và lòng thương xót, và việc cử hành tối thiểu mỗi tháng một lần, nếu không thể nhiều hơn, nhưng tối thiểu mỗi tháng một lần—là điều thiết yếu. Nếu bây giờ điều đó không nằm trong chương trình tâm linh của bạn, hãy xúc tiến thi hành; nếu các chủng sinh không thể coi việc xưng tội thường xuyên là một phần trong đời sống tâm linh, hãy đặt lại vấn đề ơn gọi làm linh mục. Sự thăng tiến nhân đức, đó là khiêm tốn lệ thuộc Chúa, và không ngừng canh tân nội tâm, là kết quả của sự hoán cải tâm hồn không ngừng, tất cả đều thiết yếu cho đời sống linh mục, là những khó khăn ngay cả với người xưng tội thường xuyên, nhưng nếu không xưng tội thường xuyên thì không thể nào đạt được!
Khi linh mục Giuseppe Sarto, mà sau này là Thánh Giáo Hoàng Piô X, được bổ nhiệm làm giám mục của Mantua, người thấy hàng giáo sĩ lười biếng, hay nổi loạn, và gây nhiều tiếng xấu vì đời sống vô luân. Toà Thánh nói rằng nhiệm vụ chính của người là canh tân đời sống tinh thần của các linh mục. Bấy giờ, các đức giám mục lân cận đã phải đánh vật với cùng loại vấn đề bằng cách treo chén các linh mục, công khai khiển trách, và thuyên chuyển họ ra khỏi các giáo xứ mà họ đã cai quản trong nhiều năm. Do đó, khi Đức Giám Mục Sarto lần đầu tiên gặp hàng giáo sĩ, họ rất phản đối và thiếu thân thiện, vì nghĩ rằng người sẽ nhất định trừng phạt.
Thay vào đó, vị thánh tương lai khôn ngoan này lại nói, “Anh em thân mến, tôi muốn thương lượng trước khi anh em ra khỏi phòng này. Tôi muốn từng người trong anh em hứa trước mặt tôi là anh em sẽ thi hành ba điều: cử hành Thánh Lễ hàng ngày, đọc kinh nhật tụng hàng ngày, và thật lòng xưng tội mỗi tháng một lần.” Các linh mục thở phào nhẹ nhõm, tưởng rằng họ sẽ thoát nạn và tất cả đồng ý hứa. Mười năm sau, khi Đức Giám Mục Sarto trở thành thượng phụ của Venice, giáo phận Mantua đã hồi sinh, được dẫn dắt bởi hàng giáo sĩ hăng hái muốn trở nên thánh thiện.
Ngày nay chúng ta thoải mái nói về các danh từ phúc âm tỉ như “hoán cải, thay đổi tâm thức, giao hòa, canh tân.” Với chúng ta, đó không phải là khuôn sáo nhưng là những hành động thực sự xảy ra vào đúng thời điểm trong bí tích cáo giải. Mục Sư Billy Graham nói rằng tất cả sự thành công của ông về chiến dịch to lớn ấy tập trung ở một khoảng khắc, mà ông gọi là “quyết định vì Chúa Kitô,” khi, vào cuối bài giảng, ông yêu cầu mọi người đến trước các mục sư, cúi đầu, từ bỏ tội lỗi, và công khai đón nhận ơn cứu độ của Chúa Giêsu. Đó là bí tích hòa giải của chúng ta, chỉ có khác là chúng ta không có ca đoàn cất tiếng hát vang trời khi xảy ra nghi thức ấy.
Khi tôi là chủng sinh, trong một buổi hồi tâm, cựu giám mục của Springfield, Illinois, là Đức Cha Joseph McNichols, nói với chúng tôi, “Nếu các con thật lòng xưng tội tối thiểu mỗi tháng một lần, các con sẽ là linh mục trung tín.” Lúc bấy giờ tôi nghĩ điều ấy thật đơn giản, nhưng bây giờ tôi mới thấy thật đúng là chừng nào. Thử nghĩ xem: tối thiểu mỗi tháng một lần, bạn thận trọng duyệt xét đời mình, dùng Phúc Âm, các điều răn, và các nhân đức thích hợp của linh mục để hướng dẫn, sau đó thành thật thú nhận tội lỗi và khiêm tốn xưng tội với một người anh em linh mục, sau cùng được khích lệ, dẫn dắt, và quan trọng nhất, được sự thương xót của Chúa Kitô và được truyền thụ sự sống của Người--Đức Giám Mục McNichols nói đúng! Nếu chúng ta thành tâm xưng tội, thật khó để đi sai đường, để sa ngã vào những thói quen nguy hiểm.
Tất cả các bạn đều cảm nghiệm được sức mạnh của bí tích; hầu hết các bạn đều coi đó như một cơ hội đặc biệt để lãnh nhận ơn Chúa. Hàng năm tôi được đọc tự thuật của các chủng sinh mới, tôi bàng hoàng vì thấy bí tích cáo giải đã giúp họ rất nhiều trên đường tiến đến chức linh mục. Rất nhiều người kể lại giây phút khủng hoảng, nghi ngờ, và tìm kiếm khi họ gặp được lòng thương xót của Chúa Kitô qua tác vụ của vị linh mục trong tòa giải tội.
Sau đây là một vài nhận xét về vai trò của bí tích cáo giải trong đời sống tâm linh của bạn bây giờ.
Có lẽ lý do tại sao việc xưng tội lại quá quan trọng cho một đời sống nội tâm sinh động là vì nó nuôi dưỡng đức khiêm tốn, là nhân đức then chốt cho những ai muốn tìm kiếm sự tuyệt hảo trong tinh thần môn đệ. Đó là một công việc khó khăn, nhiều bối rối, và, đúng vậy, công việc khiêm tốn khi nhớ lại tội lỗi chúng ta, nhìn nhận là đúng, và xưng thú các tội ấy với một người khác. Quả thật đó là một rèn luyện đức khiêm tốn, và ngay tại đó có giá trị.
Hiện thời có nhiều kiểu cách linh đạo giả mạo được hình thành dựa trên sự hiểu biết sai lầm về nguyên tắc “Thiên Chúa yêu thương tôi bất kể con người của tôi.” Thì, đúng như vậy… nhưng, Người yêu tôi nhiều đến nỗi Người không muốn tôi tiếp tục con đường cũ… Người luôn kêu gọi tôi phải phát huy sự thiện, sự sáng và chân lý, mà Người thấy trong tôi để chiến thắng sự dữ, bóng tối, và giả dối mà chúng cũng có ở đó. Và bí tích cáo giải là một trong những phương cách mạnh mẽ để Người hoàn thành điều đó. Nhưng cần có sự khiêm tốn để thú nhận là chúng ta thực sự ghét bỏ sự dữ, tối tăm và ghét bỏ ngay tự trong lòng… nhưng chúng ta không thể trở nên trọn lành trừ phi ta khiêm tốn.
Khi tập thể dục, bạn biết bắp thịt nào, xương nào, và phần nào trong cơ thể thì yếu ớt, mềm nhão, hay bị tổn thương để bạn có những động tác đặc biệt nhằm kiên cường phần đó. Vậy, “bắp thịt khiêm tốn” của chúng ta thì yếu ớt, và bí tích cáo giải có thể tăng cường nó.
Một linh mục tôi quen biết so sánh bí tích cáo giải với môn chơi “golf”. Cha giải thích rằng, trong các môn thể thao khác, bạn có thể đổ lỗi cho ai đó về những thất bại của bạn, nhưng trong môn “golf” chẳng có ai khác ngoài bạn để đổ lỗi. Bí tích cáo giải cũng vậy, đó là lãnh vực tôi không thể đổ lỗi cho ai khác: vì những giây phút then chốt đó là Thiên Chúa và tôi, linh hồn tôi, sự tương giao của tôi, tội lỗi của tôi.
Có lần tôi đi xưng tội và thao thao bất tuyệt về người phụ tá cho đến khi cha giải tội chặn lại và nói, “Đây là việc xưng tội của bạn, chứ không phải của người đó.” Khiêm tốn—”Thực sự… tôi không 'ok', có lúc, tôi là một tên đần độn.”
Trong tòa giải tội cần phải tuyệt đối thành thật. Nói dối, viện lý, làm nhẹ bớt, lảng tránh trong tòa giải tội thì cũng khờ dại và nguy hiểm như nói dối bác sĩ: bạn chỉ làm thiệt hại chính mình. Thánh Margaret ở Cortona có viết, “Đừng giấu gì cha giải tội. Một bệnh nhân chỉ được lành lặn khi tiết lộ các thương tích.” Thánh Augustine nhận xét, “Lậy Chúa, những sâu thẳm của một lương tâm con người được phơi bầy trước mắt Người. Có thể nào mọi sự vẫn được ẩn giấu trong con, dù con không muốn xưng thú với Người? Trong trường hợp đó, con chỉ có thể trốn tránh Người, chứ làm sao Người không thấy con.”
Đó là lý do tại sao Giáo Hội nhấn mạnh đến một sự xung thú toàn bộ: chi tiết, thẳng thừng, rốt ráo. Không có những tổng quát như, “Kể từ lần xưng tội sau cùng, con đã không thương yêu người khác.” Không được! Phải là: Như thế nào? Khi nào? Ở đâu? Như Chesterton có nói, “Tội là một điều mà chúng ta không trừu tượng hóa.” “Kể từ lần xưng tội sau cùng, con đã không sống khiết tịnh.” Chưa đủ! Như thế nào? Ở đâu? Khi nào? Với ai? Có thường xuyên không? Giáo Hội đâu có chán các con số và chi tiết? Không! Chính vì vậy mà Giáo Hội khôn ngoan biết rằng sự thành thật đòi hỏi các chi tiết, và cốt yếu của bí tích này là sự thành thật! Như vậy giá trị của một người thường xuyên xưng tội, hay coi việc xưng tội là một phần của sự phát triển tâm linh—họ dễ thành thật hơn.
Một giúp đỡ thiết thực để việc xưng tội ăn sâu trong đời sống là xét mình hàng ngày. Điều này thường là một phần trong sinh hoạt đời sống chủng viện: hàng ngày, cả chủng viện tụ họp trong nhà nguyện để xét mình xem đã phạm những tội gì. Như thế, sự xưng tội hàng tuần hay hai tuần một lần hay hàng tháng sẽ tự nhiên phát xuất từ một đời sống hồi tâm là khi chúng ta liên tục tìm kiếm xem chúng ta đã xúc phạm đến Chúa ở chỗ nào. Đọc kinh nhật tụng vào buổi tối là thời giờ tự nhiên để thi hành điều này, và như bạn biết, nó thực sự được đưa vào trong nghi thức.
Tôi nhớ có lần được tham dự ngày kỷ niệm thành hôn sáu mươi lăm năm của một đôi vợ chồng trong giáo xứ. Trong bữa tiệc tôi hỏi họ bí quyết. Người chồng trả lời, “Khi chúng con kết hôn, Cha Toolen có khuyên là mỗi đêm trước khi đi ngủ, chúng con phải quỳ bên cạnh nhau, cùng đọc kinh Lậy Cha, sau đó xin lỗi nhau nếu có làm gì mất lòng nhau trong ngày hôm đó. Dù mệt mỏi thế nào, dù giận nhau thế nào, dù bực mình thế nào, chúng con đừng bao giờ đi ngủ mà không nói lời xin lỗi, nếu biết mình đã làm lỗi. Và chúng con đã thi hành đúng như vậy!” Đó là xét mình hàng ngày.
Tôi tin rằng Chúa đã mời gọi chúng ta, những linh mục của ngàn năm mới, không chỉ trở nên cha giải tội tốt lành nhưng còn tích cực dấn thân vì bí tích này. Điểm đáng mừng là Chúa Giêsu đã ban cho Giáo Hội một món quà vào chính đêm Người phục sinh, món quà mà qua đó Người muốn chia sẻ với tất cả chúng ta sự chiến thắng tội lỗi của Người, và món quà đó được gọi là bí tích cáo giải. Chúng ta phải dậy bảo, rao giảng, và cổ vũ món quà tuyệt vời này.
Một tâm lý gia nổi tiếng người Do Thái sống trong khu vực của giáo xứ chúng tôi ở St. Louis, ông thường đi bộ qua giáo xứ. Một hôm cha sở và tôi đi bộ sau bữa ăn tối và gặp ông. Ông hỏi về bài báo ông mới đọc về sự sút giảm rõ ràng trong bí tích cáo giải, và cả hai chúng tôi phải rất tiếc đồng ý, chia sẻ với ông một số nhận xét tại sao người ta lại không lãnh nhận bí tích này thường xuyên. Khi đến cuối bãi đậu xe, chuẩn bị rẽ vào con đường về nhà, ông mỉm cười nói, “Sự sút giảm xưng tội thì tốt cho công việc của tôi. Nếu bí tích đó được mọi người ưa chuộng thì tôi sẽ thất nghiệp. Người ta trả tiền cho tôi chỉ để thi hành công việc mà hai vị thi hành trong tòa giải tội, và tôi thì không thể tha thứ tội lỗi cho họ, tất cả những gì tôi có thể làm là giúp họ sống với những kết quả!”
Tôi không bao giờ quên điều đó! Thật là một phần thưởng lớn lao chúng ta có trong bí tích hòa giải, tuy nhiên thật không may chúng ta lại ít cổ vũ điều đó. Thật chán nản là dường nào khi chúng ta có một phương cách chữa trị tội lỗi, những xung đột sâu xa trong tâm hồn con người, là Lòng Thương Xót của Chúa, tuy nhiên, người ta lại bỏ quên điều ấy.
Linh mục chúng ta thường giống như vị bác sĩ già mà có lần tôi biết, ông mở phòng mạch ở Haiti trong thập niên 1950. Ông nói sự chán nản lớn lao nhất mà chính ông cũng như các bác sĩ khác cảm nghiệm là họ sẵn sàng cung cấp thuốc men và sự chữa trị nhưng dân chúng không muốn nhận. “Chúng tôi có thuốc trị thương hàn, kiết lỵ, chủng ngừa đậu mùa, viêm tủy xám và bệnh sởi; chúng tôi phải nhìn thấy trẻ em chết vì các bệnh đó nhưng chúng tôi không thể thuyết phục được họ đến chữa trị. Họ sợ hãi, họ cho rằng không cần đến thuốc, hoặc họ cảm thấy có thể tự giải quyết được. Chúng tôi thật chán nản vì chúng tôi có thuốc và họ lại không đến!”
Cũng giống như chúng ta ngày nay: chúng ta có linh dược từ Y Sĩ Thần Thánh để hàn gắn thương tích tội lỗi, nhưng ít người muốn đến. Do đó, chúng ta phải giải thích, khuyến khích, mời mọc và nói ngọt. Chúng ta không phải là sơn đông mãi võ! Chúng ta có sản phẩm hiệu nghiệm! Hãy chống với khuynh hướng làm cho việc xưng tội trở nên khó khăn vì những thông báo tỉ như “hãy lấy hẹn để xưng tội.” Cứ tiếp tục đi rồi sẽ biết! Chúng ta sẽ phải hủy bỏ điều đó vì người ta không đến; và rồi dân chúng sẽ nói rằng họ không đến vì chúng ta hủy bỏ giờ hẹn!
Chúng ta phải sáng tạo! Thí dụ, tôi biết có một cha sở giải tội vào lúc 2:45 chiều thứ Sáu hàng tuần, bởi vì đó là khi phụ huynh đến đón con em tan học về. Khi dân chúng đến bệnh viện để giải phẫu, chúng ta hỏi họ xem có cần đi xưng tội không. Nếu họ sợ hãi hoặc e thẹn, chúng ta phải dìu dắt họ vào bí tích.
Khi họ ngồi trong phòng riêng và kể cho chúng ta nghe về đời sống tinh thần bơ phờ của họ, đức tin của họ dường như đã chết, chúng ta hỏi xem đã bao lâu họ xưng tội lần cuối cùng. Chúng ta không chán nản khi phải ngồi hàng giờ trong tòa giải tội mà không ai đến. Cha sở đầu tiên của tôi gọi đó là “câu cá,” ngồi cả giờ đồng hồ mà cá không rỉa mồi, nhưng rồi một con cá bự xuất hiện. Chúng ta có sản phẩm hiệu nghiệm và cần phải cổ vũ điều đó như một người bán hàng chuyên nghiệp!
Bí tích này không chỉ lấy đi điều gì đó, những còn đem cho chúng ta một điều có thể nói là sự gia tăng trong đời sống Thiên Chúa. Như Chúa Giêsu đã dậy chúng ta trong Phúc Âm, “Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở với các con!” Bí tích cáo giải chỉ đứng sau bí tích Thánh Thể trong việc truyền thụ ơn sủng cho linh hồn. Sau đó điều Chúa hứa là thuộc về chúng ta, “Bình an mà Thầy để lại cho các con, chính bình an của Thầy ban cho các con, sự bình an mà thế gian không thể cho được, đây là quà tặng của Thầy cho các con!” Cám ơn Chúa là bạn đã được mời gọi để phân phát bí tích bình an này. Đừng phân phát nếu chính bạn không phải là một khách hàng sốt sắng.