(Đoạn trích Kinh Thánh: Gioan 1:35-39)
Tôi muốn bắt đầu bài này với sự tường thuật trong Phúc Âm Gioan về lời mời của Thầy Giêsu (”Hãy đến mà xem”) cũng như sự nhận lời của các môn đệ (”Vì vậy họ đã đến và đã thấy nơi Người sinh sống, và ở lại với Người”) bởi vì, dĩ nhiên, Đức Giêsu Kitô là lý do duy nhất mà chúng ta tồn tại. Người là Đấng mời gọi và là Đấng ban sức mạnh để chúng ta đáp lại lời mời ấy: Người là cùng đích mà chúng ta cố đạt cho được; Người là phương cách để đạt được cùng đích đó; không có Người, chúng ta chẳng làm gì được; với Người, không có gì là không thể được. Mọi sự chúng ta bắt tay vào là cho, với, qua, và chỉ vì Đức Giêsu Kitô.
Như Thánh Phaolô viết cho tín hữu Côlótsê:
Người là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình,
là trưởng tử của tất cả tạo vật.
Vì trong Người mọi sự hữu hình và vô hình ở trên trời và dưới đất được tạo dựng,
dù là bệ thần hay quản thần hay quyền thần hay dũng thần;
tất cả được tạo dựng nhờ Người và cho Người.
Người có trước mọi sự,
và trong Người mọi sự gắn bó với nhau.
Người là đầu của thân thể, là giáo hội.
Người là khởi đầu, là trưởng tử từ những kẻ chết,
để Người trổi vượt hơn hết tất cả.
Vì tất cả mọi viên mãn đều có trong Người,
và qua Người để hoà giải mọi sự cho Người,
nhờ máu Người nơi thập giá đem lại bình an
cho muôn loài dù ở dưới đất hay trên trời.
Col 1:15-20 (phỏng dịch theo New American Bible)
Đây là chìa khóa cho sự thăng tiến tâm linh của chúng ta: một tương giao trung tín, cá biệt, trìu mến với Đức Giêsu. Như Karl Rahner viết, sự thánh thiện là “dự phần trong sự hợp nhất mật thiết giữa Chúa Cha và Chúa Con, được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần. “ Đức Giêsu Kitô là phương cách để thực hiện điều này qua chân lý mà Người đã giảng dậy và sự sống mà Người đã truyền đạt. Hãy lắng nghe lời thơ của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI:
Giêsu là Đức Kitô, là Con Thiên Chúa Hằng Sống. Vì nhờ Người chúng ta biết được một Thiên Chúa mà chúng ta không thể thấy. Người là con cả của mọi tạo vật, trong Người mọi sự tìm thấy bản thể của mình. Là Thầy và Đấng Cứu Độ của chúng ta, Người được sinh ra cho chúng ta, đã chết cho chúng ta, và đã sống lại cho chúng ta.
Mọi sự quy tụ trong Đức Kitô. Một con người đau khổ và hy vọng, Người biết chúng ta và yêu thương chúng ta. Như một người bạn, Người ở với chúng ta trong suốt cuộc đời; đến lúc tận thế Người sẽ đến như vị thẩm phán của chúng ta; nhưng chúng ta cũng biết Người sẽ là sự hoàn thành trọn vẹn của cuộc đời chúng ta và là niềm hạnh phúc vĩ đại của chúng ta cho đến muôn đời.
Tôi không thể ngừng nói về Đức Kitô. Người là đường, là sự thật, và là sự sống. Người là bánh của chúng ta, là nước hằng sống của chúng ta, Người dịu bớt cơn đói và thoả mãn cơn khát của chúng ta. Người là mục tử, là lãnh đạo, là lý tưởng, là đấng an ủi, và là anh của chúng ta.
Đức Giêsu Kitô là khởi đầu và là cùng đích, là an-pha và ômêga, là Chúa của vũ trụ, là chìa khóa vĩ đại ẩn giấu cho lịch sử nhân loại và là phần mà chúng ta đóng góp. Người là trung gian giữa trời và đất, là Chúa thật và là Người thật.
Để biết đến Chúa Giêsu, để nghe Chúa Giêsu, để yêu mến Chúa Giêsu, để tín thác vào Chúa Giêsu, để vâng lời Chúa Giêsu, để chia sẻ cuộc đời của Người trong tận cốt lõi của bản thể chúng ta, và rồi phục vụ Người trong dân của Người--đây là mục đích của chúng ta. Tuy nhiên, hãy thận trọng như ĐHY William Baum đã giảng tại Chủng Viện Bắc Mỹ, “Sự nguy hiểm của mọi chủng sinh là tưởng rằng biết Chúa Giêsu mà không thực sự biết Người, nói về Đức Giêsu nhưng không thực sự nói với Người, nghe các chuyên gia nói về Đức Giêsu nhưng lại không để Người nói về chính Người. Một sự tương giao sâu đậm, cá biệt, mật thiết với Đức Giêsu Kitô là nền tảng của sự thánh thiện!”
Chúa Giêsu đã hô hào, “Trước hết hãy tìm kiếm vương quốc Thiên Chúa!” Địa vị hàng đầu của tâm linh! Chúng ta là quản lý phân phối các quà tặng siêu nhiên về ơn huệ, đức tin, lòng thương xót, lời cầu xin, các bí tích, và ơn gọi mà Chúa đã ban cho chúng ta! Dĩ nhiên, quản lý phân phối có nghĩa chăm sóc các món quà được giao phó cho chúng ta một cách có trách nhiệm.
Công việc khó khăn về tâm linh của chúng tôi ở Chủng Viện Bắc Mỹ là Kitô học và cả giáo hội học, chúng ta--những người nhận thấy có ơn gọi--phải gia tăng tình yêu và hiểu biết về Giáo Hội, về những gì Giáo Hội yêu cầu, những gì Giáo Hội cần để đưa dẫn Giáo Hội vào thiên niên kỷ thứ ba. Khi chúng ta cân nhắc về các nhu cầu của Giáo Hội, một chữ bao trùm tất là là sự thánh thiện. Giáo Hội cần các linh mục thánh thiện. Như tông huấn Pastores Dabo Vobis đã viết rõ: “Linh mục phải là người của Thiên Chúa, người thuộc về Thiên Chúa và làm cho người ta nghĩ đến Thiên Chúa… Kitô hữu hy vọng tìm thấy nơi linh mục--người sẽ giúp họ quay về với Thiên Chúa--và vì vậy linh mục phải có sự mật thiết sâu đậm với Chúa. Những người đang chuẩn bị chức linh mục phải nhận biết rằng toàn thể cuộc đời linh mục của họ sẽ có giá trị, một khi họ có thể hiến mình cho Đức Kitô, và qua Đức Kitô, dâng lên Chúa Cha.”
Chúng ta mong mỏi một đời sống trao ban Đức Kitô cho người khác. Chúng ta không thể trao ban nếu chúng ta không có Người! Và đó là sự thánh thiện. Tài liệu Evangelii Nuntiandi có nói: “Trước khi rao giảng, chúng ta phải được phúc âm hóa. “
Làm thế nào để thăng tiến trong sự thánh thiện? Làm thế nào? Dĩ nhiên, đó là chương trình linh đạo của chúng ta, phải không, người phân phối của thần khí, “sự điều dưỡng linh hồn giúp Thiên Chúa ngự đến,” như Charles de Foucauld đã nói. Tôi trình bầy cho các bạn một sự điều dưỡng tâm linh, những kỳ vọng hiển nhiên của Giáo Hội cho bất cứ ai đang chuẩn bị nhận chức thánh, một người phân phối của thần khí, không phải của tôi nhưng từ bao thế kỷ của học hỏi và thực hành.
Cầu nguyện kiên trì, bền bỉ, liên tục hằng ngày là điều số một. Ở đây tôi không nói đến phụng vụ--về Thánh Lễ hay Kinh Nhật Tụng--nhưng về sự cầu nguyện thinh lặng, cá biệt, riêng tư, một giai đoạn thinh lặng hằng ngày kết hợp với Chúa, ý thức về sự hiện diện của Người, chấp nhận tình yêu của Người, và đáp trả tình yêu ấy với sự chúc tụng, cầu xin, và cảm tạ. Bạn muốn gọi đó là gì cũng được: chiêm niệm, tập trung, suy gẫm--tôi chưa thấy ai diễn tả điều đó hay cho bằng ĐHY Mercier, người đã viết:
Hằng ngày hãy dành một số thời gian--hãy đóng lại những gì thuộc về giác quan và đừng nghe tiếng ồn ào của thế gian, để đi vào chính mình. Ở đó, trong sự thiêng liêng của linh hồn được rửa tội, là đền thờ của Chúa Thánh Thần, hãy nói:
“Ôi Chúa Thánh Thần, người yêu dấu của linh hồn con. Con thờ lậy Người. Xin hãy soi sáng con, hướng dẫn con, thêm sức cho con, an ủi con… Xin giúp con biết được thánh ý Người. “
Nếu bạn thi hành điều này, cuộc đời bạn sẽ trôi qua thanh thản, ngay giữa những thử thách. Sự quy phục Chúa Thánh Thần là bí quyết của sự thánh thiện.
Cầu nguyện hằng ngày là nền tảng của sự thánh thiện… Để nuôi dưỡng, phát triển, tăng cường sự cầu nguyện--đây là mục tiêu của cả cuộc đời. Một số người thi hành điều đó trong buổi sáng, một số trong buổi tối; một số đến trước Thánh Thể, những người khác muốn ở trong phòng; một số nhờ vào Kinh Thánh, hay việc đạo đức; một số dùng đến công thức Kinh Thần Vụ--tuy nhiên, bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, bất cứ gì--quãng thời gian cầu nguyện riêng tư trong ngày là điều phải có!
Tôi theo ĐGH Gioan Phaolô II trong Pastores Dabo Vobis: “Để tuyệt đối thành thật và rõ ràng, tôi muốn nói một lần nữa: thật thích hợp để các chủng sinh tham dự Thánh Lễ hằng ngày, trong một phương cách mà họ sẽ coi việc cử hành hàng ngày này như một quy luật cho đời sống linh mục. Họ phải--coi việc cử hành Thánh Lễ như giây phút thiết yếu trong ngày mà họ tích cực góp phần trong đó, và không bao giờ được thỏa mãn với thói quen chỉ đến đó tham dự” (số 48).
Từ bữa tiệc Thánh Thể hàng ngày này sẽ phát sinh sự kính sợ về Sự Hiện Diện Thật của Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể, và chúng ta sẽ muốn dành thời giờ cho Người qua sự cầu nguyện và viếng Thánh Thể.
Đây là lời cầu nguyện cổ xưa của Giáo Hội có liên hệ nhiều đến những người trong các dòng tu, mà họ coi đó là “công việc” của họ, “nhiệm vụ” của họ, khi đọc kinh hằng ngày. Vào lúc người ta quỳ gối trước đức giám mục để được nhận chức phó tế, họ phải vui vẻ gắn bó với lời hứa cầu nguyện hằng ngày cho Giáo Hội trong tất cả các giờ kinh phụng vụ, kinh thần vụ của chúng ta. Một linh mục nổi tiếng trong sự giúp đỡ các linh mục gặp khó khăn, nói với tôi, “Điều đầu tiên xảy ra khi một linh mục gặp khó khăn là kinh thần vụ. “
Trong một số phương cách nào đó, đây là mấu chốt của tất cả những gì còn lại, vì đây là nơi sự hòa hợp và đời sống nội tâm bắt đầu xảy ra. Sự nguy hiểm của đời sống chủng viện và linh mục là chủ nghĩa hình thức, là nơi chúng ta để mọi sự trôi qua cách tiêu cực, không để các giá trị của việc huấn luyện ăn sâu vào tâm hồn và trở nên một phần của chúng ta. Vị linh hướng có thể giúp thăng tiến đời sống nội tâm, sự hòa hợp.
Thường xuyên nương tựa đến lòng thương xót của Chúa thật dồi dào trong bí tích hòa giải phải là điều tiên quyết trong đời sống chúng ta. Trong khi việc thường xuyên đến với bí tích này là một đề tài tốt để thảo luận với vị linh hướng, dường như Giáo Hội có truyền thống xưng tội tối thiểu mỗi tháng một lần. Cũng chính vị linh mục nổi tiếng về việc giúp đỡ các linh mục gặp khó khăn đã nói với tôi: “Điều thứ hai xảy ra khi một linh mục gặp khó khăn là việc thường xuyên xưng tội. “ Đi xưng tội thường xuyên là dấu xác nhận của một tâm linh tốt lành. Và để việc xưng tội thường xuyên có kết quả chúng ta phải duyệt xét lương tâm hàng ngày, chúc tụng Thiên Chúa vì sự thăng tiến của chúng ta, xin Người tha thứ những lỗi lầm chúng ta vấp phạm.
Nỗ lực không ngừng để gia tăng nhân đức và tránh xa tội lỗi phải là khuôn khổ của đời sống hằng ngày. Vâng phục với điệp khúc liên tục của Phúc Âm, chúng ta luôn luôn trong tiến trình hoán cải, sám hối, từ bỏ tội lỗi, từ bỏ cái tôi và Satan để lớn lên trong đời sống mới với Đức Kitô. Đây là “mầu nhiệm vượt qua. “ Thi hành điều này có nghĩa gia tăng nhân đức và chiến đấu với tội lỗi. Thích hợp nhất là hãy phát triển một nhân đức đặc biệt.
Tôi mới nhận được lá thư từ một linh mục phê bình về thời gian huấn luyện trong chủng viện. Người nói trong suốt thời gian chuẩn bị người thường được hỏi, “Có vui không?” “Có trưởng thành không?” “Có cởi mở không?” “Học hành thế nào?” Nhưng chưa bao giờ, “Có tin Thiên Chúa không?” Người ta có thể cho nhiều điều là đương nhiên, trong đó có đức tin nơi Thiên Chúa, nhưng quan điểm của người là một điều tốt--sự tuyệt đối cần thiết của đức tin. Ở đây chúng ta lớn lên trong một đức tin vững chắc nơi Thiên Chúa, Con của Người, sự Mặc Khải, và chúng ta không chấp nhận sự hồ nghi, tính yếm thế, thuyết tương đối lan tràn, và đời sống không mục đích phát sinh từ việc thiếu đức tin. Hãy nhớ rằng Giáo Hội đòi hỏi những người sẽ được phong chức phó tế và linh mục phải thề trung thành. Đó là phương cách mà Giáo Hội đảm bảo rằng các phó tế và linh mục là những người có đức tin mạnh mẽ nơi Thiên Chúa và tất cả những gì đã được Thiên Chúa mặc khải trong Kinh Thánh, Truyền Thống, và giáo huấn của Giáo Hội. Đôi khi việc duyệt xét lương tâm để biết chúng ta có thể thành thật thề hứa điều đó hay không cũng là một ý tưởng tốt.
Một sự trông nhờ chắc chắn, vui vẻ nơi những lời hứa đáng tin cậy của Chúa, và loại bỏ những tuyệt vọng, u sầu, và chán nản chúng ta thường đối diện.
Một tình yêu bừng cháy vì Chúa và dân của Người, hiển nhiên trong sự kiên nhẫn, phục vụ, chia sẻ, tử tế, độ lượng và niềm vui, và là cuộc chiến đấu với khía cạnh tối tăm của chúng ta xuất hiện dưới hình thức hận thù, ích kỷ, lười biếng, oán hờn nhỏ nhen, và hèn hạ.
Tìm kiếm một cuộc sống giản dị, chính trực, biết ơn, không bị đắm chìm trong sự tích lũy và bủn xỉn là đặc tính của xã hội Tây Phương. Đời sống xa hoa và phô trương giầu sang nơi các linh mục có lẽ là nguồn tiếng xấu hơn là sự yếu đuối xác thịt hay nghiện rượu.
Cố gắng hằng ngày để ấp ủ sự độc thân khiết tịnh, một cách tự nguyện, trưởng thành, vui vẻ, vì Nước Trời, và tự ý từ bỏ mọi hoạt động liên can đến tình dục trong tư tưởng, lời nói, và hành động, một mình hay với người khác, cùng phái hay khác phái, thành thật đương đầu với bất cứ xu hướng, động lực, hay ý nghĩa kỳ quặc nào đe dọa sự lành mạnh, sự tráng kiện, sự thanh khiết thực tế được phản ánh bởi Chúa Giêsu và được Giáo Hội trông đợi nơi các linh mục.
Một sự ngoan ngoãn như trẻ thơ trong sự tương giao với Chúa và lời mời gọi của Người, một thái độ ân cần với Giáo Hội và các nhu cầu, một khước từ những đòi hỏi thiển cận muốn tự do không bị kềm chế rất phổ thông ngày nay.
Nuôi dưỡng sự thành thật, chính xác, giữ lời hứa, tránh sự lừa dối, xấu hổ, đạo đức giả khiến chúng ta không thể thăng tiến tâm linh đích thực. Một vài năm trước đây trong nhà Casa Santa Maria ở Rôma, ĐHY Bernardin đã giảng trong Thánh Lễ khai mạc. Người đề cập đến những ngày tăm tối khi người bị kết án sai lầm về việc sờ mó một thiếu niên. Người nói, “Vào lúc đó, khi tất cả có vẻ ảm đạm, tất cả vinh dự trần tục mà tôi có được--địa vị, uy tín, danh vọng, Chicago--không giúp được gì cả. Thật vậy, tất cả tổn thương đến sự nghiệp của tôi. Chỉ còn hai điều tôi trông nhờ vào: ơn Chúa, và sự liêm chính cá nhân. Hai điều có giá trị. “
Một sự gia tăng nhân đức liên tục và một cố gắng chống trả tội lỗi sẽ dẫn đến sự hoán cải liên tục trong đời sống.
Một sự lệ thuộc dài hạn nơi “cộng đồng các thánh”, ý thức rằng chúng ta là phần tử của một gia đình siêu nhiên không bị hạn chế ở đây và bây giờ, và chúng ta có các thánh làm gương mẫu và giúp đỡ, vượt trổi hơn cả là Đức Mẹ. Như vậy, sự sùng kính Mẹ cách lành mạnh sẽ là phần thiết yếu của việc điều dưỡng tâm linh.
Như bạn thấy, đời sống tâm linh không phải là một khoảng không gian ngăn nắp, tách biệt với sự hiện hữu của chúng ta! Không, như Đức Thánh Cha nói, “sự đào luyện tâm linh là cốt lõi, nó kết hợp và đem lại sức sống cho toàn thể con người chúng ta. “ Như vậy, mỗi yếu tố của đời sống là một phần của phạm vi tâm linh, và gia tăng trong sự thánh thiện sẽ dẫn đến sự chìm ngập trọn vẹn trong toàn thể cuộc đời ở đây:
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói, “Đời sống chủng viện phải được cảm nghiệm không chỉ là một điều gì bề ngoài và nông cạn, hay chỉ là một nơi để học tập, nhưng trong một phương cách nội tâm và sâu đậm. Nó phải được cảm nhận như một cộng đoàn--mà giúp hồi tưởng lại cảm nghiệm của nhóm mười hai khi kết hợp với Chúa Giêsu. “
Có một lần tôi tham dự cuộc hội thảo ở giáo xứ về đề tài “đời sống hôn nhân và gia đình.” Người lãnh đạo đề ra quy tắc và nói, “Chúng ta chỉ nói về hôn nhân và đời sống gia đình thôi, không nói về công việc chúng ta. “ Một ông, là người làm việc vất vả ở xưởng Chrysler nói, “Tại sao không? Đó là một phần của hôn nhân và gia đình tôi! Ông nghĩ là tôi đi làm không vì vợ con hay sao?”
Một cái nhìn sáng suốt! Ông ấy nhận thức rằng những gì ông làm chỉ có ý nghĩa khi được thúc đẩy bởi tình yêu ông dành cho vợ con. Do đó, mọi sự chúng ta làm dưới cương vị lãnh đạo tinh thần cũng phải xuất phát từ đời sống bên trong, từ tình yêu chúng ta dành cho Đức Kitô và chia sẻ với Hôn Thê của Người. Thánh Phanxicô “de Sales “ nói rất hay về nguyên tắc này khi người nhấn mạnh rằng sự thánh thiện phải xảy ra trong công việc chúng ta làm và nơi chúng ta sống.
Mục tiêu của chúng ta thì không gì khác hơn là sắp xếp lại đời sống qua bí tích chức thánh, mà nó sẽ thay đổi hình dạng chúng ta theo Chúa Kitô trong một phương cách quyết liệt, không thể chối bỏ. Động lực của chủng viện là để chúng ta có thể trở nên các linh mục tốt lành, thánh thiện, vui vẻ, lành mạnh, có kiến thức, hăng say, vị tha, tận tụy. Ứng viên, thầy đọc sách, thầy giúp lễ, thầy sáu là những bước quan trọng trong hành trình tiến đến chức linh mục. Tôi chủ trương rằng lời cam kết với chức linh mục là một đời sống kéo dài, chứ không chỉ như một việc phụ, một thừa tác vụ, hay một công việc có thể để sang một bên khi chán nản, bị cám dỗ, hay điều gì đó, người nào đó hấp dẫn hơn xuất hiện! Chức linh mục là một lời mời gọi, không phải là một nghề nghiệp; là một đời sống, không phải là một công việc; là một nhiệm vụ, không chỉ là thừa tác vụ; là một căn tính, không chỉ là một nghề chuyên môn.
Khi Chúa muốn, vào ngày chịu chức đức giám mục sẽ hỏi bạn trước Giáo Hội là bạn có sẵn sàng để cầu nguyện, giảng dậy, phục vụ, thánh hóa, và sống trung tín như một linh mục đời đời không, vì sự tương giao nội tâm với Vị Thượng Tế Đời Đời, bạn có thể trả lời một cách tự tin, thành thật và trưởng thành, “Với sự giúp đỡ của Chúa, con sẵn sàng!” Sự phát triển tâm linh của chúng ta thì nhắm đến mục tiêu đó của chức linh mục. Và điều này có nghĩa phải liên tục phân định tránh đừng để việc chịu chức xảy ra chỉ vì không có gì tốt hơn đến với mình, hãy thành thật kiểm điểm các động lực thúc đẩy chúng ta và xem ơn gọi có vững chắc hay không.
Hãy để tôi nhắc đến hai điều thận trọng:
Thứ nhất, thăng tiến trong sự thánh thiện không phải là sự thành đạt của chúng ta nhưng là một món quà từ Chúa. Chúa làm điều đó, không phải chúng ta! Một trong những lầm lạc lớn nhất hoành hành các chủng viện và nhà xứ là lạc thuyết Pelagius--tin rằng chúng ta có thể giành được, đáng được, hay chiếm được ơn cứu độ! Một thái độ như vậy hoặc sẽ dẫn đến sự chán nản, hoặc tự cho mình là đúng hay đạo đức hình thức. Mười bước trau dồi tâm linh mà tôi mới đi qua không phải là những hành động nhỏ bé thoải mái chúng ta thi hành để tạo ra sự thánh thiện--đó chỉ là những phương cách đã được thử và thấy tốt để chúng ta khiêm tốn mở lòng cho Chúa để Người thi hành công việc của Người trong, cho, vì chúng ta, và thường là không cần đến chúng ta!
Thánh thiện là một bí ẩn. Nó luôn lẩn tránh chúng ta. Ngay giây phút nghĩ rằng chúng ta đã có được sự thánh thiện thì tốt hơn chúng ta nên khởi sự từ đầu; ngay giây phút chúng ta muốn nghêng ngang bước đi thì tốt hơn nên bò bằng đầu gối; và ngay giây phút nghĩ rằng mình không có tội thì chúng ta vừa mới phạm tội lớn nhất!
Thứ hai, theo lời của Sơ Bridge McKenna, “Con đường hướng vào sự phát triển tâm linh bên trong luôn luôn đưa đến đường vòng ra bên ngoài để yêu thương tha nhân.” Trong thuật ngữ cổ điển hơn, hành trình tâm linh ad intra tạo nên một đời sống yêu thương ad extra, với tha nhân. Cương vị quản lý của Thần Khí thì không bao giờ là một đặc quyền thoải mái mà chúng ta bám víu lấy; đúng hơn, nó thúc giục chúng ta yêu thương dân Chúa tốt đẹp hơn. Như Thánh Phaolô nói, “Trong Đức Giêsu Kitô, tất cả có giá trị là đức tin, mà nó tự biểu lộ trong đức ái” (Galat 5:6). Chính Đức Giêsu mời gọi chúng ta đến sự ngây ngất tâm linh trên núi Tabo thì cũng mời chúng ta đổ hết sức lực trên đồi Canvê.
Thánh Y Nhã tóm lược điều đó trong Suscipe (tự hiến):
Ôi lậy Chúa,
hãy nhận lấy tất cả sự tự do của con,
ký ức của con,
sự hiểu biết của con
và toàn thể ý muốn của con.
Người đã ban cho con tất cả những gì là con người của con
và tất cả những gì mà con sở hữu.
Con dâng lại tất cả cho Người
để Người có thể sử dụng theo ý Người.
Xin chỉ ban cho con tình yêu của Người
và ơn sủng của Người;
với những điều đó con sẽ đủ giầu sang,
và không còn gì để khao khát.