(Đoạn trích Kinh Thánh: 1 Cor 6:15-20)
Có lẽ bạn đã quen thuộc với câu chuyện có thật về Giáo Hội Nhật Bản. Vào cuối thế kỷ 16, tất cả các nhà truyền giáo ngoại quốc đều bị trục xuất khỏi Nhật, nơi hạt giống đức tin vừa mới gieo và bắt đầu đâm chồi. Những cuộc bách hại dữ dội sau đó đã đưa đến sự tử đạo dã man của Thánh Phaolô Miki và các bạn. Ánh sáng đức tin dường như tắt lịm.
Hai trăm sáu mươi năm sau, các nhà truyền giáo trở lại. Trong một chỗ hẻo lánh của vùng đông bắc quốc gia, các nhà truyền giáo Dòng Tên đã sửng sốt kinh ngạc khi khám phá ra một ngôi làng nhỏ bé mà hàng trăm dân cư đã tụ tập mỗi Chúa Nhật để đọc kinh Tin Kính, Lậy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh, Đức Tin, Đức Cậy, Đức Mến, và Ăn Năn Tội, cũng như mười điều răn và tám mối phúc.
Bàng hoàng, các linh mục hỏi dân làng nhờ đâu họ có thói quen này, và được cho biết, đâu đó trong quá khứ xa xăm, những người được họ gọi là “cha” đã dậy các kinh này, và, vì đoán trước được sự bách hại, các “cha” đã dậy cho họ thuộc lòng và dặn họ hãy quy tụ vào ngày Chúa Nhật để cùng nhau đọc kinh.
Các “cha” cũng trấn an họ rằng, một ngày nào đó, các “cha” khác sẽ trở lại để dậy bảo họ thêm về Chúa Giêsu và đời sống của Người. Thật ngất ngây, các nhà truyền giáo buộc miệng, “Chúng tôi là các cha ấy,” nhưng họ im lặng nghi ngờ và lạnh lùng. Ông tiên chỉ làng tiến ra, “Chúng tôi cũng được trao truyền lại rằng, khi những người trở lại tự xưng là 'cha', chúng tôi phải hỏi họ bốn câu hỏi để biết chắc họ xuất phát từ Giáo Hội đích thật.”
Hơi chút bối rối, các linh mục mới đến trả lời, “Ông cứ tự nhiên đặt câu hỏi.” Ông tiên chỉ tiến lên:
“Khi bước vào nhà thờ, các ông làm gì?” Các linh mục dòng Tên trả lời bằng cử chỉ bái quỳ, điều đó khiến đám đông há miệng kinh ngạc.
“Thứ hai, Chúa của các ông có Mẹ không?” “Có”, các linh mục trả lời, “và tên là Maria.” Đám đông càng xôn xao hơn.
“Vị lãnh đạo Giáo Hội trần thế của các ông sống ở đâu?” ông tiên chỉ tiếp tục hỏi. “Ở Rôma,” các nhà truyền giáo trả lời và đám đông như muốn reo lên vui mừng.
“Sau cùng,” ông tiên chỉ băn khoăn hỏi, “các 'cha' của ông có vợ không?” Và, khi các linh mục mỉm cười trả lời, “Không,” dân làng tuốn đến kiệu các nhà truyền giáo lên vai đi đến ngôi nhà thờ nhỏ mà ở đó đã không có linh mục trong hơn hai thế kỷ rưỡi.
Câu chuyện có thật. Bây giờ, ở điểm này, tôi có thể trình bầy về Sự Hiện Diện Thật của Chúa Kitô trong Thánh Thể, hay về Đức Mẹ, Đức Thánh Cha, hay sự độc thân của linh mục, vì những điều này hiển nhiên là bốn dấu chỉ đích thực mà các nhà truyền giáo xa xưa đã dặn dân làng tìm kiếm khi các nhà truyền giáo mới đến. Đó là điều sau cùng tôi sẽ đề cập đến.
Bây giờ, trong một phương cách nào đó, các nhà truyền giáo can đảm không còn hoàn toàn đúng nữa, phải không, vì tất cả chúng ta đều biết sự độc thân không còn là điều thiết yếu cho chức linh mục. Đó là một kỷ luật của Giáo Hội được các linh mục trân quý ngay tự ban đầu, rất phổ thông trong thế kỷ thứ tư, và được bó buộc ở Tây Phương trong chín trăm năm gần đây.
Trong khi không phải là điều thiết yếu cho chức linh mục, cần có một vài nhận xét ngay tự đầu: trước hết, không có dấu hiệu nào cho thấy điều đó sẽ thay đổi, và—tôi không nghi ngờ gì, nhưng chúng ta đừng vội cho là đúng--nếu bạn mong đợi điều đó thay đổi trong đời sống linh mục thì bạn thực sự sai lầm. Không ai được chịu chức phó tế nếu tin rằng sự đòi hỏi thiêng liêng này sẽ được giảm bớt trong tương lai.
Thứ hai, dù thiết yếu hay không, sự độc thân trở nên một dấu chỉ được tôn trọng, được trân quý có dính dáng đến chức linh mục đến nỗi nó là một phần của đặc sủng, huyền bí, và hữu hiệu trong việc tông đồ của chúng ta. Đức Fulton Sheen trong cuốn Those Mysterious Priests (các linh mục bí ẩn đó), vẫn còn đáng đọc sau gần bốn thập niên, công nhận là sự độc thân đem lại cho linh mục sự đáng tin cậy, một bí ẩn, một tinh hoa làm cho linh mục hầu như trở thành một thần tượng mời người ta đi vào thế giới bên kia và nhìn vào vĩnh cửu.
Bạn có thấy điều tôi muốn nói không? Các nhà truyền giáo kia có thể thiếu chính xác thần học khi đặt sự độc thân linh mục ngang hàng với ba dấu chỉ độc đáo của Giáo Hội, nhưng họ đúng mục tiêu khi nhận biết rằng sự độc thân là một báu vật được tán dương và trân quý như một chúc lành dồi dào cho Giáo Hội nhằm đảm bảo căn tính, đức ái, và nhiệt huyết của các linh mục.
Bây giờ, tôi không nói nhiều về khía cạnh thần học của sự độc thân linh mục. Điều này không có nghĩa là nó không quan trọng trong sự đào tạo linh mục. Nó chỉ giả sử rằng việc cân nhắc về đức tính này là một phần của việc học hỏi thần học, nghiên cứu riêng, sự hiểu biết khi tĩnh tâm, và thường xuyên đối thoại với cha linh hướng và cố vấn của bạn. Chúng ta phải hiểu đầy đủ lý do của sự độc thân linh mục. Như một ngạn ngữ có nói, “Người ta có thể thi hành bất cứ gì một khi họ biết được lý do.” Chúa biết, nếu bạn không hiểu lý do của sự độc thân, việc trung thành sống điều ấy sẽ khó khăn.
“Lý do” tốt nhất tôi tìm thấy trong tông thư của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI về sự độc thân linh mục, Sacerdotalis Caelibatus, mà vào năm 1967, giữa cơn bão hồ nghi và những la hét đòi thay đổi, người dậy bảo một cách thân thiện, trầm tĩnh, và chắc chắn về giá trị cao vời của ơn đoàn sủng cổ xưa này.
Người hùng hồn nói về lý do Kitô học của sự độc thân, trong gương trinh khiết của chính Chúa Kitô, và trong lời mời theo Chúa Giêsu với sự mật thiết quá sâu đậm đến độ không thể chia sẻ cho người nào khác; người diễn tả giá trị có tính cách giáo hội của sự độc thân, khi linh mục quá kết hợp với Chúa Giêsu trong sự yêu mến Giáo Hội đến độ người thực sự kết hôn với Giáo Hội trong một mối giây mạnh mẽ đến độ độc đáo; Đức Phaolô VI diễn tả lý do căn bản liên hệ đến ngày cánh chung của sự độc thân, khi nó mạnh mẽ nhắc nhở người ta về một quan hệ, một tình yêu, một ràng buộc vượt lên trên đời sống này; và người thảo luận giá trị mục vụ của sự độc thân, khi nó cho phép các linh mục phục vụ Thiên Chúa và người dân với một tình yêu không bị sao nhãng và không bị nhạt phai.
Đó là tóm lược của lý do. Tất cả những gì tôi có thể làm là cổ vũ bạn hãy hiểu lý do càng rõ càng tốt, bởi vì chúng ta cần biết lý do khi thi hành bất cứ gì, và lý do của Giáo Hội về sự độc thân thì vững chắc, phong phú và có sức thuyết phục.
Có lẽ nếu có thể gom lại mọi lý do trong một chữ mà tôi nghĩ nó mạnh mẽ giải thích về lý do để chấp nhận sự độc thân của chúng ta, chữ đó là khiết tịnh. Là linh mục, chúng ta hoàn toàn, độc quyền, triệt để, sâu đậm, trọn vẹn—thanh khiết--thuộc về Chúa. Người không chia sẻ chúng ta với ai, và như vậy có thể chia sẻ chúng ta với mọi người. Từng sức lực nhỏ bé của chúng ta, từng ham muốn trong cảm xúc chúng ta, từng xu hướng tình dục, chúng ta tự do trao cho Chúa Giêsu và Giáo Hội. Chúng ta thuần tuý thuộc về Người, từ tế bào trên óc não đến tế bào tinh trùng--tất cả thuộc về Người. Chúng ta thuần tuý thuộc về Người, totus tuus. Vì vậy, sự khiết tịnh phải có nghĩa rằng tất cả tư tưởng, lời nói, và hành động xuất phát từ một con tim hoàn toàn tận hiến trong tình yêu Chúa Kitô.
Có lẽ một chữ khác của khiết tịnh đó là chính trực. Thật vậy, Giáo Lý Công Giáo nói về khiết tịnh trong nghĩa chính trực. Thách đố sống khiết tịnh trong nền văn hóa chúng ta thường là một thử thách có tính cách anh hùng. Nhưng đó là sự thử thách của chúng ta, và chúng ta không được nhượng bộ. Thân thể và linh hồn chúng ta đã được trả bằng máu châu báu của Chúa Kitô, với giá trị ngàn đời. Vào giây phút này chúng ta được mời gọi đến điều mà Giáo Lý gọi là “một ơn gọi sống khiết tịnh.” Và sách Giáo Lý nói về sự khiết tịnh trong nghĩa chính trực: trước hết, một sự hòa hợp tốt đẹp ở bên trong con người (sự hợp nhất của thân xác và tinh thần con người), và, thứ hai, sự hòa hợp tốt đẹp của chính tôi, một người có tình dục/tinh thần, vào cộng đồng.
Bây giờ, tôi muốn chú trọng vào ý niệm của sự thanh khiết, chính trực, khiết tịnh, bạn muốn gọi thế nào cũng được, khi tôi nghĩ đến sự độc thân. Dĩ nhiên, bạn biết rằng theo truyền thống, sự độc thân được nhìn đến trong phương cách tích cực cũng như tiêu cực, cả hai đều quan trọng. Khi lựa chọn sống độc thân, linh mục tự do khước từ một điều gì đó, và hăng hái đón nhận một điều gì đó. Chúng ta hãy nhìn đến cả hai.
Từ quan điểm tiêu cực, khi chọn sống độc thân, chúng ta tự do chối từ sự mỹ miều của vợ con, một trong những điều quý báu nhất của cuộc đời. Vì Chúa cho biết rằng sự khoái lạc tình dục quá linh thiêng đến độ nó chỉ được vui hưởng giữa người nam và người nữ trong hôn nhân, sự lựa chọn độc thân của chúng ta có nghĩa, khi tự do khước từ một người vợ, chúng ta tự do từ bỏ mọi sinh hoạt và khoái lạc tình dục, đồng tính hay lưỡng tính, một mình hay với người khác, trong tư tưởng, lời nói, và việc làm. Đó là sự thẳng thừng, dứt khoát, thực tế của sự độc thân.
Bây giờ, sự thanh khiết, chính trực, và khiết tịnh là các nhân đức bảo vệ sự độc thân của chúng ta.
Giáo Hội rất đúng khi nhấn mạnh rằng sự độc thân là một điều kiện tiên quyết khi từ phó tế (chuyển tiếp) lên linh mục. Tuy nhiên, chúng ta là người khờ dại nếu chỉ chấp nhận sự độc thân bởi vì nó bị đòi hỏi. Nói cách khác, bạn phải tin rằng bạn được mời gọi sống độc thân một cách cá biệt. Chúng ta không chỉ nói rằng, “Tôi phải sống độc thân nếu tôi muốn chịu chức.” Tôi được nghe Đức TGM Harry Flynn nhận xét rằng sự độc thân không phải được “sơn phết” lên, là một điều gì ngẫu nhiên đi theo chức linh mục, như máy rađiô có thể đi với chiếc xe mới. Như người nói trong Thượng Hội Đồng Giám Mục 1990, “Độc thân không chỉ là một điều kiện cần thiết cho việc phong chức linh mục; không, độc thân và chức linh mục là hai ơn gọi tuy liên hệ nhưng khác biệt. Những ai cảm thấy Chúa mời gọi họ đến chức linh mục cũng phải khám phá ra ơn gọi sống độc thân.”
Vậy bạn phải suy nghĩ lâu và liên lỉ cầu nguyện, và tìm sự cố vấn từ những người bạn tin tưởng, nhất là cha linh hướng và cố vấn ơn gọi, để phân định lời mời gọi sống độc thân. Đừng bỏ qua điều đó và nói rằng, “Không ích gì để suy nghĩ nhiều về điều đó, vì nếu tôi muốn trở thành llinh mục, tôi phải chấp nhận sự độc thân như một phần của toàn bộ.” Không--sự lựa chọn cuộc đời độc thân của bạn phải tự do, thành khẩn, và cá biệt.
Điều này có hệ luận: nếu khi là chủng sinh bạn không thể sống một cuộc đời khiết tịnh đúng đắn ngay bây giờ, đó là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy bạn không thể yêu quý đời độc thân, điều đó có nghĩa bạn không được mời gọi đến chức linh mục. Ngay bây giờ chúng ta được mời gọi sống khiết tịnh; nếu, trong giai đoạn phân định ơn gọi này, từ tỏ tường đến chắc chắn, chúng ta thường xuyên cảm nghiệm, rõ ràng sa ngã trong sự khiết tịnh, chúng ta phải giải thích đó là một dấu hiệu hiển nhiên rằng chúng ta không được làm linh mục. Tôi có thể nói rõ hơn không? Tôi hy vọng bạn không cảm thấy xúc phạm với sự bộc trực này:
Nếu một trong những điều trên áp dụng cho bạn, bạn phải tìm kiếm thời giờ, nơi chốn, và sự cố vấn cần thiết để kiểm soát bất cứ gì thuộc về bạn trước khi tiếp tục con đường tiến đến chức linh mục. Nếu bạn đã chịu chức, bạn phải tìm kiếm sự giúp đỡ cần thiết để tự tái thề hứa sống thanh khiết mà bạn đã hứa với Giáo Hội.
Bây giờ, tôi không nói về những lần thỉnh thoảng sa ngã, những cám dỗ thường xuyên, hay những cố gắng sống khiết tịnh mà mọi người lành mạnh đều phải đương đầu, tôi nói về những sa ngã trầm trọng, liên tục, kéo dài hay những dục vọng không thể kiểm soát được.
Trong lãnh vực khiết tịnh này tôi thúc giục bạn đừng bao giờ quyết định mà không được khuyên bảo đầy đủ. Trong sự chiến đấu với sự khiết tịnh chúng ta luôn nghĩ rằng chỉ có chúng ta mới phải chiến đấu. Đừng tuyệt vọng! Bạn không phải là người đầu tiên đối phó với điều này. Nhưng tôi bảo bạn: bạn có bổn phận phải đương đầu với nó. Cách tốt nhất để đương đầu với nó là đưa nó vào một phương cách công khai, thích hợp, với vị giám đốc linh hướng, một chuyên gia, vị cố vấn ơn gọi, hay bất cứ người bạn nào khôn ngoan, đáng tin cậy.
Sự hoà hợp lành mạnh được giúp đỡ nhiều bởi sự thông tin đầy đủ và được đảm bảo rằng bạn không bị cô lập khi đương đầu với vấn đề tình dục. Trong lãnh vực khiết tịnh, đừng bao giờ tin vào sự an ủi chính mình. Chúng ta có khuynh hướng hoặc quá khắt khe, hoặc quá lỏng lẻo, và cần sự hướng dẫn cũng như thẩm định của người đáng tin cậy. Satan thật siêu việt khi sử dụng tình dục để hủy hoại chúng ta, hoặc bởi dụ dỗ chúng ta quên đi các vấn đề nghiêm trọng bằng cách phủ nhận chúng và lý luận theo kiểu chúng ta là không có vấn đề, hoặc bởi chồng chất lên chúng ta tội lỗi và sự rối loạn đó khiến chúng ta tuyệt vọng. Đây là những vấn đề rất cá nhân, phải, nhưng chúng là các vấn đề tối quan trọng đối với Giáo Hội. Nếu bạn có bất cứ khó khăn nào với sự khiết tịnh, vì công bằng với chính bạn và với Giáo Hội, hãy ổn định chúng trước khi chịu chức, và đừng ổn định chúng một mình.
Sự khiết tịnh phải được hài hòa. Tôi muốn nói gì với điều đó? Với các chủng sinh, công việc chính bây giờ là chuẩn bị chức linh mục, là hài hòa, đó là ráp lại với nhau, với sự giúp đỡ lớn lao của Chúa Thánh Thần, để hình thành một con người, tự do và trung tín. Chúng ta kết hợp con người chúng ta, những gì chúng ta biết, sự khôn ngoan của Giáo Hội và con người của Chúa Giêsu vào một đời sống lành mạnh. Thật hiển nhiên là bạn phải cố gắng hài hòa tình dục của bạn, đó là, những thèm khát, tư tưởng, cám dỗ, hành động, thôi thúc, cũng như tội lỗi và kinh nghiệm quá khứ vào sự hiểu biết về chính bạn như một người sẵn sàng ôm ấp một cuộc đời độc thân khiết tịnh với sự tự do, chín chắn, và thành khẩn.
Có ai trong chúng ta không mủi lòng trước các thảm kịch của các linh mục là những người không sống khiết tịnh và hủy hoại cuộc đời và sứ vụ của họ, làm đau khổ người vô tội, và sỉ nhục Giáo Hội? Chúng ta thấy những người đáng thương này trên truyền hình và, trong khi máy thu hình hoạt động, dường như cuộc đời họ tan nát ngay trước mắt chúng ta. Nhưng sự tan nát đó đã có từ lâu. Họ giữ kín những ẩn giấu cuộc đời, là nơi ánh sáng đức tin và sự tin tưởng không bao giờ rọi đến. Vấn đề là, bạn không thể sống cuộc đời bạn lâu trong những ẩn giấu tách biệt. Khi bạn đi vào phần đời sống mà nó thiếu thành thật hay vô luân lý, bạn đem thân xác, linh hồn, thanh danh, và chức linh mục theo với bạn. Vào lúc ấy, bạn đang liều lĩnh đánh bài với mọi thứ, và bạn có thể mất mọi thứ.
Tôi nhớ lại sự hiểu biết sâu sắc của hai chuyên gia khi trình bầy về sự khiết tịnh cho các chủng sinh vào cuối tuần. Họ nhận xét rằng một đặc tính hiển nhiên của các linh mục được gửi đi chữa trị sau khi bị mang tiếng lạm dụng tình dục: không ai thú nhận điều đó, không ai đối phó với nó một cách thành thật, hay tìm sự giúp đỡ; không ai hài hòa đời sống tình dục của mình! Nó vẫn đóng kín, giấu diếm, phủ nhận, trong phòng tối tăm, tách biệt khỏi ánh sáng của đức tin, chân lý, và ơn sủng.
Do đó, không thể có đời sống nước đôi; không có “Chúa Nhật độc thân”; không có “thời gian ngừng sống tốt”; không có lối sống lén lút khác biệt với Chúa Kitô và lời mời gọi luôn luôn hoán cải của Người. Hãy biết rõ chính mình, và để ai đó đáng tin cậy, là người yêu mến Chúa Giêsu và Giáo Hội một cách nồng nhiệt như bạn, cũng biết bạn. Như Thánh Philip Neri nói, “Khiêm tốn là sự bảo vệ tốt nhất cho sự khiết tịnh.”
Nhưng, tôi đã đề cập khá nhiều đến khía cạnh tiêu cực của sự độc thân--những gì chúng ta phải khước từ--và vì lợi ích cho chính mình, chúng ta phải quay về với khía cạnh tích cực: những gì chúng ta yêu quý, những gì chúng ta chọn, những gì chúng ta thu thập.
Chúng ta thường thấy sự độc thân trong các ý nghĩa tiêu cực của sự từ bỏ mình, trong khi Thánh Phaolô coi đó như một đức tính mà những người không kết hôn “có thể dâng hiến chính mình cho công việc của Chúa” và chỉ lo lắng đến việc làm hài lòng Chúa (1 Côrintô 7:32). Nếu độc thân là một phương cách để dâng hiến chính mình “cho công việc của Chúa,” thì nó phải là một phương cách yêu thương, một tình yêu không có đối thủ và đem lại một tính khí vui tươi cho tâm hồn để phục vụ. Định nghĩa sự độc thân chỉ là chối bỏ tình dục thì cũng thiếu thực tế như một chàng rể coi hôn nhân là chối bỏ mọi phụ nữ khác.
Hôn nhân và sự độc thân không thể nào sống được nếu không có sự thề hứa yêu thương thật sâu đậm đến độ khiến người ta phải từ bỏ mọi thứ khác. Như Dietrich Bonhoeffer nói, “Bản chất của khiết tịnh thì không phải là đè nén thèm khát, nhưng là trọn vẹn hướng cuộc đời về một mục tiêu. Nếu không có mục tiêu ấy, sự khiết tịnh sẽ trở nên nực cười.”
Đức Ông Daniel Thomas, một trong các giám đốc linh hướng của trường, chia sẻ với tôi một câu nói đầy ý nghĩa của một mục sư Tin Lành là người đã viết cho các linh mục để khích lệ họ sống độc thân. Mục sư hỏi, “Sống độc thân có điên không?” Ông trả lời, “Có, cũng điên khùng như một người lính nhảy nằm lên trái lựu đạn để cứu bạn đồng đội.” Cả hai được thi hành chỉ vì tình yêu hy sinh.
Do đó cần phải xác định rằng tình trạng độc thân và người độc thân là hai điều khác nhau. Cả hai đều giống ở sự khước từ--không lấy vợ; nhưng chúng khác nhau ở động lực; người độc thân không lấy vợ để được tự do, tiện nghi, và thoải mái; tình trạng độc thân để độ lượng và yêu mến Chúa Kitô và Giáo Hội.
Một người bạn thân của tôi, một phụ nữ đạo đức, trong năm đầu khi là nữ tu, chị nhớ lại khi dậy học lớp một nhiều năm trước đây, chị cảm thấy nghi ngờ trầm trọng về lời thề sống độc thân. Một ngày kia, có em học sinh bảy tuổi, chị biết là em xuất thân từ một gia đình đổ vỡ và người cha thường đánh đập, em hỏi chị, “Thưa dì, dì có kết hôn không?”
“Không,” bạn tôi trả lời.
“Dì có con không?” em hỏi.
“Không,” chị trả lời.
“Ô vậy thì tốt,” em mỉm cười, an tâm, “vì bây giờ dì thuộc về mọi người chúng con.”
Phải, đúng vậy, và tình trạng độc thân sẽ cho phép chúng ta thi hành điều ấy. Bạn thấy đó, chúng ta rơi vào cuộc tình từ đầu đến chân với Chúa Giêsu và Hôn Thê của Người, là Giáo Hội. Tình yêu của chúng ta thì tinh tuyền, trọn vẹn, đích thật. Chúng ta sẽ chết cho tình yêu của chúng ta, nhưng, hơn thế nữa, chúng ta sẽ sống cho tình yêu ấy, sống với sự chính trực và khiết tịnh.
Mục đích của đời sống độc thân là để được tự do cho một tình yêu vô tận mà nó sẽ triển nở trong niềm vui và sự độ lượng. Trong những lời cảm động của Pastores Dabo Vobis, “Giáo Hội, là Hiền Thê của Đức Giêsu Kitô, ao ước được yêu thương bởi linh mục theo phương cách trọn vẹn và độc đáo như Đức Giêsu Kitô, là đầu và là phu quân, yêu mến Giáo Hội. Do đó, sự độc thân của linh mục là quà tặng chính con người mình cho Giáo Hội trong và với Đức Kitô, và biểu lộ sự phục vụ của linh mục cho Giáo Hội trong và với Chúa Kitô” (Số 29).
Có thể nào để tôi nhắc đến một số duy trì thực tiễn nhằm nuôi dưỡng và bảo vệ “viên ngọc vô giá,” sự độc thân khiết tịnh của chúng ta không? Có lẽ tốt nhất nên dùng cùng các loại tiêu cực và tích cực.
Điều tiêu cực--những gì phải tránh:
Những giúp đỡ tích cực--để được trân quý:
Tôi kết thúc với sự thú nhận rằng tôi chỉ mới bàn sơ qua. Và tôi kết thúc với một nhận xét sau cùng: người ta có thể sống một cuộc đời hạnh phúc, lành mạnh, có kết quả, trung thành với lời thề độc thân khiết tịnh. Thế gian sẽ nói với bạn là không thể--họ sẽ từ chối giá trị của đời sống độc thân, họ dám chắc rằng đó là điều bệnh hoạn, phản tự nhiên, và không thể được. Họ sẽ khiêu khích bạn và nói, “Thôi mà, bạn giấu giếm làm gì.” Và, chúng ta hãy đối diện với điều đó, quá nhiều linh mục hành động theo một phương cách mà nó chỉ cung cấp thêm cho họ thuốc nổ.
Nhưng, với ơn Chúa, điều đó có thể, và, không những thế, nó còn lành mạnh và vui vẻ rành rành. Nó có khó không? Chắc chắn có những lúc như vậy, nhưng sự khiết tịnh và hy sinh trong hôn nhân cũng thế. Có những lúc khắc nghiệt không? Chắc là như vậy, và, không chỉ thiếu sót tình yêu nhục dục, nhưng còn thiếu cả sự bầu bạn trìu mến, hiểu biết, hỗ trợ của một phụ nữ mà thế giới của họ bao vây bạn và là người đem cho bạn các kết quả sống động, biết thở của tình yêu, đó là con cái.
Nhưng đối diện với các thách đố ấy một cách thực tế đưa chúng ta vào vòng tay của một tình yêu vô tận, thoả mãn nhất trong tất cả, và giải thoát chúng ta khỏi mọi ràng buộc để cả đời hy sinh phục vụ người Hiền Thê đầy vui thú, là Giáo Hội. Và chính những người chế nhạo rằng đời sống độc thân thì bất khả và nguy hiểm, sâu trong tâm khảm họ lại bàng hoàng khi thấy những người có một tình yêu thật thỏa mãn và phấn khởi hơn cả những người có gia đình; và rồi những cay đắng đó trở nên một thúc giục họ tìm kiếm khi chúng ta, tuy vấp ngã nhưng thành khẩn yêu thương Chúa Giêsu và Giáo Hội, cho thấy rằng cuộc đời này không chỉ có những gì nhìn thấy được.
Do đó chúng ta yêu quý sự độc thân khiết tịnh một cách thành thật, thực tế, lành mạnh, vui vẻ, tự do. Sự sợ hãi, đè nén, hay thiếu thành thật không có chỗ đứng trong sự thơ mộng này. Như Thánh Francis de Sales đã viết:
Đừng Sợ…
Đừng nhìn đến những thay đổi và cơ hội trong cuộc đời này với sự sợ hãi; đúng hơn hãy nhìn chúng với hy vọng tràn trề rằng, khi chúng xuất hiện, Chúa sẽ giúp bạn thoát khỏi chúng. Người đã gìn giữ bạn cho đến bây giờ, vậy hãy nắm chặt bàn tay yêu dấu của Người, và Người sẽ dẫn đưa bạn một cách an toàn qua mọi sự; và, khi bạn không thể đứng vững, Người sẽ bồng ẵm bạn trên tay. Đừng nhìn đến những gì có thể xảy đến ngày mai; chính Cha hằng hữu đã chăm sóc bạn hôm nay sẽ lo cho bạn ngày mai và mọi ngày. Hoặc Người sẽ che chở bạn khỏi mọi đau khổ, hoặc Người sẽ ban cho sức mạnh để bạn chịu đựng. Vậy hãy bình thản, và gạt bỏ mọi lo lắng trong ý nghĩ và sự tưởng tượng.
Chúng ta hãy cầu nguyện… như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II kết thúc Lá Thư Thứ Năm Tuần Thánh gửi các Linh Mục:
Lậy Thiên Chúa, chúng con cảm tạ Người vì món quà Chức Linh Mục.
“Te Deum laudamus. Te Dominum confitemur. …“
Chúng con chúc tụng và cảm tạ Chúa, ôi lậy Chúa: mọi trái đất đều thờ lậy Ngài. Chúng con, các thừa tác viên của Ngài, cùng với tiếng nói của các ngôn sứ và toàn thể tông đồ, tuyên xưng Ngài là Cha và Chúa của sự sống, của mọi hình thức sự sống xuất phát từ một mình Ngài.
Chúng con nhận biết Ngài, ôi Ba Ngôi Cực Thánh, là nơi phát sinh và khởi đầu ơn gọi của chúng con: Ngài, là Chúa Cha, từ muôn thuở đã nghĩ đến chúng con, ao ước chúng con và yêu thương chúng con; Ngài, là Chúa Con, đã chọn chúng con và mời gọi chúng con đến chia sẻ chức tư tế vĩnh viễn và độc đáo của Ngài; Ngài, là Chúa Thánh Thần, đã đổ tràn ơn sủng của Ngài trên chúng con và thánh hóa chúng con với dầu thánh thiện của Ngài. Ngài, là Chúa của thời gian và lịch sử, đã đặt chúng con vào ngưỡng cửa của Ngàn Năm Thứ Ba, để trở thành chứng nhân cho ơn cứu độ mà Ngài đã hoàn thành cho tất cả nhân loại. Chúng con, là Giáo Hội đang tuyên xưng sự vinh hiển của Ngài, van xin Ngài: đừng bao giờ để thiếu các linh mục thánh thiện để phục vụ Tin Mừng; hãy để mọi Thánh Đường và mọi nơi trên thế giới long trọng vang lên lời ca “Veni, Creator Spiritus“—Xin hãy đến, ôi Thần Khí Sáng Tạo! Xin hãy đến để xây dựng một thế hệ người trẻ sẵn sàng làm việc trong vườn nho của Chúa, để lan truyền Nước Chúa cho đến tận cùng trái đất. Và Ngài, Đức Maria, Mẹ Đức Kitô, là người đã chấp nhận chúng con với Tông Đồ Gioan như con cái của Người khi ở chân thập giá, xin hãy tiếp tục trông nom ơn gọi của chúng con. Chúng con xin dâng lên Ngài những năm tác vụ mà Đấng Quan Phòng sẽ để chúng con sống. Xin hãy gần với chúng con để dẫn dắt chúng con trên các nẻo đường thế giới, để gặp gỡ những người nam và nữ mà Con của Ngài đã cứu độ với máu châu báu. Xin giúp chúng con chu toàn thánh ý của Đức Giêsu, được sinh ra bởi Ngài để cứu chuộc nhân loại. Ôi Chúa Kitô, Ngài là niềm hy vọng của chúng con! “In te, Domine, speravi, non confundar in aeternum.”