Trên toàn quốc Hoa Kỳ, Linh Mục Bùi Phong và tôi Phó Tế là 2 người Việt Nam duy nhất, đã tốt nghiệp Khóa Huấn Luyện Các Tân Tuyên Úy Trại tù Liên Bang Hoa Kỳ (New Federal Prison Chaplains) vào ngày 14-09-1998, tại Trung Tâm Huấn Luyện Hành Chánh Liên Bang Hoa Kỳ (US Administration Training Center), tại tỉnh Aurora của tiểu bang Colorado. Nhưng hiện nay cả hai chúng tôi đã về hưu và trước đây Linh Mục Bùi Phong chính thức làm Tuyên Úy cho một trại tù liên bang, còn riêng tôi được Tổng Giám Mục Công Giáo Oklahoma City, chỉ định tôi làm Tuyên Úy Trại Tù tình nguyện, không lãnh lương, vào những ngày nghỉ cuối tuần, liên tục trên 21 năm qua, để phục vụ các anh chị em tù nhân, không phân biệt chủng tộc, giới tính, tôn giáo và màu da. Ngoài nhiệm vụ chính là rao giảng Tin Mừng và trao Mình Thánh Chúa cho anh chị em tù nhân ra, tôi còn tư vấn cho họ về các vấn đề thủ tục pháp lý (Legal Procedures), chẳng hạn như giải thích cho họ biết rõ những quyền lợi pháp lý căn bản (Basically Legal benefits) đối với một tù nhân hình sự (Criminal Prisoner), mà tù nhân có quyền đòi hỏi chính quyền chỉ định một luật sư công (Public Defender) miễn phí, đứng ra bênh vực tội trạng cho họ trước phiên tòa xử án, nếu tù nhân không có tiền thuê mướn luật sư tư, để bênh vực cho tội trạng của họ trước tòa án.
Nói tóm lại, bất cứ những điều gì họ thắc mắc có liên quan đến vấn đề quyền lợi của họ, trong lúc họ bị tạm giam hay bị ở tù, mà họ không hay biết hoặc không hiểu rõ tường tận những quyền lợi của họ, họ có thể yêu cầu tôi giải thích cho họ hiểu rõ những quyền lợi đó; có một điều tôi không được quyền tư vấn về pháp luật hình sự (Criminal Law) cho họ nghe, như là một luật sư có bằng hành nghề tranh tụng (Bar License) trước tòa. Sở dĩ tôi có quyền tư vấn cho họ những vấn đề quyền lợi hay những thủ tục pháp lý (Legal Procedures), vì tôi đang phục vụ trong ngành tư pháp Hoa Kỳ, nên tôi rất am tường những quyền lợi qua các thủ tục hành chánh pháp lý dành cho các tù nhân, trong khi họ bị tạm giam hay đang ở trong tù; do đó tôi tình nguyện chỉ dẫn và giải thích cho họ hiểu rõ những quyền lợi này, để họ có thể yêu cầu chính quyền cho họ được thụ hưởng những quyền lợi dành cho một can phạm (inmate) đang bị tạm giam để chờ ngày ra tòa xét xử hoặc xin được thụ hưởng những quyền lợi cho một tù nhân (Prisoner) đã lãnh án ở tù (Imprisonment) và đang ở trong nhà tù.
Trong suốt hơn 21 năm liên tục, tôi được phục vụ anh chị em tù nhân, có 5 vụ án đặc biệt nhất, mà trong đời tôi không bao giờ có thể quên được, vì tôi đến thăm nom họ trực tiếp trong các trại tạm giam (Jails) hay trong các trại tù (Prisons), vào những ngày nghỉ cuối tuần, nên tôi có dịp tư vấn cho họ về vấn đề thủ tục pháp lý. Đó là 4 vụ án tử hình (Death Sentence): Gồm có 2 người Mỹ và 2 người Việt Nam. Ngoài ra tôi có dịp tư vấn cho 2 vụ án chung thân (Life Sentence) cộng thêm với điều kiện khắc nghiệt, là mãn đời sống chết trong tù đều là người Việt Nam, gồm 1 người nam và 1 người nữ VN duy nhất tại tiểu bang Oklahoma.
Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ xin thuật lại một cách tổng quát, hoàn toàn khách quan về câu truyện của một nữ tù nhân Việt Nam duy nhất, lãnh án tù chung thân với điều kiện khắc nghiệt mà tôi mới vừa kể trên đây, với mục đích truyền thông tin tức về vụ án này đến công luận, để người Việt chúng ta tự mình nên cảnh giác và đề phòng một tai nạn có liên quan đến pháp lý có thể xẩy ra cho bản thân mình, sẽ bị pháp luật Hoa Kỳ buộc vào tội giết con nít (Baby Killer), dù chỉ là hành động vô tình hay bất cẩn gây ra tai nạn chết người, để cho em bé bị té xuống đất, bị vỡ đầu dập óc, chết vì thương tích quá nặng, nhưng đứng trước pháp luật vẫn bị coi là tình ngay mà lý gian, nên người trông giữ em nhỏ, nếu em nhỏ này chết, có thể bị lãnh án chung thân (Life Sentence) hoặc có thể bị lãnh án tử hình (Death Sentence) ở những tiểu bang nào có luật tử hình.
Vậy, đối với những ai đang trông giữ trẻ em (Baby Sit) tại nhà, cần nên lưu ý đến tai nạn này có thể xẩy ra, mà hầu như dưới thời VNCH trước 1975 tại quê nhà, không hề thấy có sự việc này xẩy ra, mà nếu có xẩy ra thì được coi là vô tình gây ra tai nạn và chỉ phải bồi thường cho nạn nhân theo luật dân sự (Civil Law) mà thôi, chứ không bị Công Tố Viên truy tố ra tòa về tội giết người. Do đó người Việt chúng ta đang sinh sống tại Hoa Kỳ nói riêng, những ai đang trông nom săn sóc trẻ em tại tư gia, cần nên lưu ý đến khía cạnh pháp lý trong câu truyện được kể lại dưới đây, chứ hoàn toàn chúng tôi không hề có ý xét đoán hay bênh vực bất cứ một nhân vật nào trong câu truyện này.
Vị nữ tù nhân chung thân người Việt duy nhất này, lãnh án tù chung thân suốt đời cho đến ngày chết trong tù, vì bị buộc tội cố sát, bằng hành động ném em bé xuống sàn nhà, làm cho em bé bị dập óc trong đầu, ít giờ sau em bé tắt thở chết trong nhà thương và theo đúng những gì bản cáo trạng đã ghi, được Công Tố Viên (Prosecutor) đọc lên trước phiên tòa xét xử. Tiếp theo ngay sau đó, bị cáo khai trước tòa là đương sự tình nguyện trông giữ em bé không lấy tiền công, vì em bé là cháu gái ruột của chồng chị và chị nói là không hề ném em bé xuống sàn nhà. Cuối cùng toà tuyên án phạt bị cáo bằng bản án chung thân ở trong tù đời đời về tội cố sát (First Murder) một em bé.
Trong hơn 2 năm liên tiếp đương sự nằm trong trại tạm giam (Jail), để chờ đợi phán quyết cuối cùng của tòa tuyên án, hàng tuần tôi vào thăm nom an ủi đương sự. Mẹ của đương sự là người Việt, Bố của đương sự là người Parkistan, nên đương sự tự động theo đạo Hồi Giáo của Bố từ khi mới sanh ra. Tất cả những ai quen biết đương sự, đều cho rằng bản án chung thân dành cho đương sự thì quá khắc nghiệt, nghĩa là đương sự sẽ phải ở trong tù cho đến chết, không bao giờ được hưởng qui chế ân xá hay tiểu xá, để có thể trở về nhà trong tương lai, vì tất cả những ai quen biết đương sự, đều không ai tin rằng với bản chất hiền lành dễ mến của đương sự đối với mọi người, lại có thể nào nhẫn tâm ném một em bé vô tội xuống sàn nhà, gây tử thương cho em bé, họ nghĩ em bé này chết vì có thể đương sự bị trượt tay, làm rớt em bé xuống sàn nhà, gây ra trọng thương trong đầu của em bé, làm cho em bé bị dập óc chết trong vài tiếng đồng hồ sau, chứ không đời nào lại cố tình ném em bé xuống sàn nhà.
Đã thế, vừa mới bị lãnh bản án chung thân cay nghiệt này, thì vài tháng sau đó, người chồng của đương sự nạp đơn xin ly dị đương sự và cưới vợ khác, trong lúc đứa con trai duy nhất 7 tuổi của đương sự với người chồng này, tòa phán quyết người chồng này không được quyền nuôi đứa con và tòa ra lệnh đem đứa con trai của hai vợ chồng đương sự cho cha mẹ nuôi (Foster Parents) nuôi dưỡng, điều này lại làm cho đương sự càng thêm đau khổ.
Mặc dầu tôi biết rõ đương sự theo đạo Hồi Giáo, nhưng mỗi lần tôi vào thăm nom đương sự trong trại tạm giam, tôi đều rao giảng Lời Chúa cho đương sự nghe và chỉ sau vài năm ở trong tù, đương sự đã tình nguyện xin được rửa tội để trở thành con cái Chúa và đương sự cho biết nhờ thế, đương sự được sống an bình trong tay Chúa trong nhà tù.