Sau hơn 36 năm liên tục được phục vụ tha nhân trong trách nhiệm tinh thần của một Phó Tế Vĩnh Viễn (Permenant Deacon), tôi đã được chứng kiến tận mắt và được nghe tận tai những nỗi tâm tư uẩn khúc của những cặp vợ chồng trẻ có, trung niên có và cao niên có, đã tâm sự cho tôi nghe về đời sống lứa đôi của họ. Vì sống trong một xã hội văn minh Hoa Kỳ, có biết bao nhiêu những sự cám dỗ vật chất hàng ngày vây quanh họ, làm cho một số tình nghĩa vợ chồng đổi thay, sống ích kỷ đối với nhau, chỉ muốn cá nhân mình được hưởng thụ mọi thứ mình đang có, không muốn chia sẻ cho nhau những gì mình có, có những cặp vợ chồng cư xử với nhau thiếu hẳn tình người. Chính vì thế, người ta có thể ví tình nghĩa vợ chồng như áng mây trôi, nếu trôi vào bến nước trong, thì vợ chồng luôn luôn sống bên nhau với những niềm vui tươi hạnh phúc bất tận bên nhau; nhưng nếu trôi vào bến nước đục, thì người vợ hay người chồng sẽ phải gánh chịu biết bao nhiêu sự đau khổ. Tuy nhiên, trong trường hợp như vậy, cả hai vợ chồng nếu có lòng tin vững mạnh vào sự an bài của Thượng Đế, mà người ta thường gọi là định mệnh, để nhẫn nhục chịu đựng và sẵn lòng tha thứ cho nhau những điều lầm lỗi của nhau, thì vợ chồng vẫn có thể sống hòa thuận yêu nhau suốt đời. Sau đây tôi xin trình bầy về 2 trường hợp tình nghĩa vợ chồng, thuộc giới cao niên, đang sống tại viện dưỡng lão và một trường hợp thuộc giới trung niên, đang sống tại tư gia, mà cả 3 trường hợp này có nội dung hoàn toàn khác biệt nhau. Trong việc hành xử công tác Tông Đồ Mục Vụ của một Phó Tế Công Giáo, tôi được Cha Chánh Xứ sai đi thăm viếng, an ủi tinh thần cho 3 vị này trong nhiều tháng qua.
Trường hợp thứ nhất: Ông Cư bị mắc căn bệnh lãng trí, đi đứng không vững, phải đi bằng walker và người con gái lớn phải gửi ông vào trong viện dưỡng lão đã hơn 6 tháng nay, hàng tuần tôi vào thăm ông để an ủi và cầu nguyện cho ông và lần đầu tiên tôi vào thăm ông, thì tình cờ tôi gặp bà vợ ông cũng vào thăm nuôi ông. Ông cho tôi biết hàng ngày, cứ mỗi ngày bà mang thức ăn bà nấu ở nhà vào cho ông ăn cơm trưa và trước khi bà ra về lúc 3 giờ chiều để đi làm, bà đều tắm rửa sạch sẽ và thay quần áo cho ông, mặc dầu bà biết rõ trong viện dưỡng lão, đã có nhân viên làm việc tại đây săn sóc mọi điều cho ông, nhưng bất luận lần nào tôi vào thăm ông, tôi cũng được chứng kiến tận mắt cảnh tượng săn sóc chồng hết sức chu đáo của bà, như người Mẹ đang săn sóc một đứa con còn nhỏ dại, làm tôi hết sức cảm động và tự hỏi lòng mình, sao lại có những bà vợ đầy tình nhân ái, hết lòng hy sinh cho chồng, cả những lúc chồng đau ốm như thế này, trong khi bà vợ vẫn phải đi làm việc từ chiều cho đến tối khuya mới về tới nhà. Tôi còn được biêt bà có dư thừa tiền bạc để thuê mướn thêm người đến săn sóc ông, thay cho bà trong viện dưỡng lão nếu bà muốn, nhưng bà cho tôi biết là bà muốn được tự tay săn sóc ông, cho trọn vẹn tình nghĩa vợ chồng và bà nhấn mạnh rằng cho dù vợ chồng chỉ ở với nhau có một ngày cũng nên nghĩa. Đây đúng là một tấm gương sáng chói, cho những cặp vợ chồng đang sống trong một xã hội Hoa Kỳ, được coi là văn minh vào bậc nhất trên thế giới, nhưng có quá nhiều cạm bẫy vật chất cám dỗ người ta hàng ngày, bất kể già, trẻ, lớn bé đều có thể bị cám dỗ, nếu không ý thức được tình nghĩa thiêng liêng trong đời sống vợ chồng, tuy hai thân xác nhưng là một tâm hồn .
Trường hợp thứ hai: Ông Duy bị bán thân bất toại, nhưng trí óc vẫn còn sáng suốt bình thường, phải nằm liệt giường, ăn uống phải có người bón, đi tiểu tiện phải có người bế lên cho ngồi xe lăn, đưa vào nhà vệ sinh v.v... Nên người nhà phải gửi ông vào viện dưỡng lão và thỉnh thoảng tôi có thì giờ, tôi cũng vào thăm ông.
Lần đầu tiên tôi vào thăm ông, tôi gặp bà vợ ông săn sóc ông chu đáo, y như trường hợp thứ nhất và bà cũng yêu cầu tôi, bất luận ngày nào mà tôi có thể vào thăm chồng bà, thì xin cho bà biết trước, để bà có dịp được gặp tôi, nhờ tôi tư vấn cho bà về những vấn đề khó khăn của bà đối với con cái. Mới đầu tôi tin tưởng vào lời yêu cầu này của bà có lý do chính đáng, nên mỗi lần tôi vào thăm ông, tôi đều có báo trước cho bà biết tôi đến thăm ông và bà luôn luôn có mặt và sau khi bà cho ông ăn uống xong đâu đấy, bà liền tâm sự những câu chuyện khó khăn về con cái của bà cho tôi nghe.
Vì bẵng đi một tháng, tôi mắc công việc phải đi xa ngoài tiều bang, không đến thăm ông được và khi tôi quay trở về, tôi vội vàng đến thăm ông, quên không báo cho vợ ông biết trước như mọi lần, nên không có mặt bà, ông buồn rầu tâm sự cho tôi nghe là "cả tháng nay, vợ ông cũng chỉ đến thăm ông có 2 lần, mỗi lần bà chỉ thăm ông khoảng 20 hay 30 phút là bỏ ra về, vì Thầy phục vụ ở cùng giáo xứ với bà nhà tôi, nên bà ấy rất kính nể Thầy và cứ mỗi lần Thầy đến thăm tôi, thì bà ấy lo săn sóc tôi chu đáo để cho Thầy nhìn thấy tận mắt, nhưng khi nào Thầy không vào thăm tôi, thì bà ấy cũng không vào thăm tôi, hoặc có vào thì chỉ độ 2 hay 3 lần mỗi tháng là cùng. Khi tôi mới vào viện dưỡng lão thì ngày nào bà cũng vào săn sóc tôi như có mặt Thầy vậy, nhưng kể từ khi tôi ký tờ di chúc, bằng lòng để lại tất cả tài sản, gồm nhà cửa đã trả hết tiền nợ ngân hàng và tiền bạc của tôi để dành trong ngân hàng trên 3 trăm ngàn cho một mình bà có quyền thụ hưởng sau khi tôi qua đời, thì bà tỏ thái độ thờ ơ, không còn tiếp tục hàng ngày đến viện dưỡng lão săn sóc chu đáo cho tôi như trước kia nữa. Tới bây giờ tôi mới thấu hiểu câu nói của tiền nhân là: Thức khuya mới biết đêm dài, sống lâu mới biết lòng người đổi thay. Nhưng may thay, kể từ ngày có Thầy đến thăm tôi, vì sợ tôi kể cho Thầy nghe hết tất cả sự thật này, nên nhà tôi mới yêu cầu Thầy, là mỗi lần Thầy đến thăm tôi, thì Thầy báo cho bà ấy biết trước, để bà ấy có mặt với Thầy và bà ấy muốn tỏ cho Thầy thấy rằng bà ấy vẫn hết lòng thương yêu chồng, qua những hành động săn sóc tận tình của bà dành cho tôi, trước mặt Thầy như Thầy đã thấy. Vậy từ nay trở đi, nếu Thầy còn tiếp tục đến thăm tôi, thì xin Thầy nhớ báo cho bà ấy biết trước, để tôi được hưởng cái phước lộc của Thầy, mà Chúa đã gửi Thầy đến thăm tôi trong những lần vừa qua. Tôi cũng xin chân thành xác nhận với Thầy, mặc dầu nhà tôi đối xử tệ bạc với tôi trong lúc tôi đau ốm, phải vào nằm trong viện dưỡng lão, mà tôi vừa kể cho Thầy nghe, nhưng tôi không oán trách nhà tôi, vì mỗi người Công Giáo chúng tôi, hầu hết ai ai cũng phải vác Thánh Giá, nếu muốn bước theo chân Ngài, có người thì vác Thánh Giá nặng, có người vác Thánh Giá nhẹ, mà bên Phật Giáo coi đây là sự việc quả báo hay còn gọi là nghiệp chướng, vì tội lỗi của mình gây ra hay là tội lỗi gây ra bởi Cha Ông chúng ta, để lại cho con cháu đến đời này phải hứng chịu, thay cho Cha Ông của chúng ta".
Trường hợp thứ ba: Ông Huy mới 60 tuổi, là một thi sĩ sáng tác nhiều bài thơ, miêu tả tình yêu trai gái như cá với nước, tình yêu của Cha Mẹ dành cho con cái như mây trời bao la và tình nghĩa vợ chồng cao ngất như núi thái sơn. Chúng tôi vẫn thường gặp mặt nhau, để hàn huyên tâm sự với nhau. Ông Huy thường ngâm cho tôi nghe những bài thơ tình cảm xã hội, mang tính chất triết lý về cuộc sống đạo đức, thủy chung của con người Việt Nam nói riêng do ông sáng tác; còn tôi thường kể cho ông nghe những câu chuyện tình cảm, có dính líu tới Pháp Luật Hoa Kỳ Thực Dụng, do tôi sưu tầm từ một số các vụ án, xét xử tội phạm tại Tòa Án Liên Bang Hoa Kỳ, cũng là nơi tôi tòng sự trên 3 thập niên qua hoặc những câu chuyện tình cảm oan trái do những tù nhân nam nữ, thuộc nhiều sắc tộc khác nhau, tâm sự cho tôi nghe, trong số những anh chị em tù nhân này, có tới 90% là người Hoa Kỳ, bị giam giữ tại các trại tù liên bang và tiểu bang, mà tôi được gửi đến để phục vụ họ, trong nhiệm vụ là một Tuyên Úy trại tù tình nguyện, vào những ngày nghỉ cuối tuần.
Mới đây ông Huy bị bệnh nặng, phải vào nằm nhà thương mất 2 tuần lễ, ông mới được bác sĩ cho trở về nhà nằm nghỉ dưỡng bệnh và sau hơn một tuần ông trở về nhà, tôi ghé thăm ông bất thình lình, là chỗ bạn bè thân thiết, nên tôi không cần phải gọi điện thoại báo cho ông biết trước, tôi theo chân ông vào trong bếp, ông tiếp tục bỏ mì gói vào bát nước sôi để chuẩn bị cho bữa ăn trưa của ông.
Nhìn thấy da mặt ông xanh xao, thân hình gầy còm như con cá mắm, đi dứng chậm chạp, chứng tỏ sức khỏe của ông vẫn con yếu ớt lắm, mà ông vẫn phải tự nấu nướng cho ông ăn, rồi ông buồn rầu cất tiếng tâm sự với tôi: Thưa Thầy, mặc dầu tôi được bác sĩ cho về nhà dưỡng bệnh đã hơn 2 tuần nay, nhưng vẫn chưa lấy lại sức, chỉ có một mình tôi ở nhà, tôi phải tự săn sóc lấy mọi chuyện cho tôi, kể từ khi tôi ở nhà thương về tới nay, tôi vẫn tự tay nấu ăn lấy, dọn dẹp nhà bếp, cầu tiêu, nhà tắm cho sạch sẽ trong những lúc nhà tôi không có ở nhà. Vì tôi không biết nấu nướng, nên thường ngày tôi chỉ biết nấu mì gói, ăn thay cho bữa cơm trưa, trong khi nhà tôi thì mải mê đi làm một số các dịch vụ thương mại, đến tối mịt mới quay trở về nhà, tất cả các con cháu tôi thì ở xa ngoài tiểu bang, cho dù nếu các cháu có ở gần chúng tôi đi chăng nữa, nhà tôi cũng ngăn cản tôi, không muốn cho tôi nhờ vả chúng nó bất cứ điều gì tôi cần sự giúp đỡ của các con tôi, nhà tôi nói là đừng làm phiền chúng nó, vì chúng nó đã lập gia đình cả rồi, chúng nó còn phải lo cho gia đình của chúng nó và để tránh khỏi phải cãi vã với nhà tôi về sự ngăn cản này, nên tôi cũng chẳng bao giờ mở miệng nhờ cậy các con tôi giúp tôi bất cứ điều gì tôi cần, nhưng nhiều lúc, trong lòng tôi cảm thấy rất buồn tủi, làm cho tôi có cảm tưởng như chúng nó là con riêng của nhà tôi, chứ không phải con của hai chúng tôi nữa. Mấy chục năm sống bên nhau, tôi biết rõ nhà tôi không thuộc loại người đàn bà rượu chè, cờ bạc, lẳng lơ trai gái. Nhưng khổ một nỗi, lúc nào nhà tôi cũng chỉ nghĩ cách làm sao kiếm ra được thật nhiều tiền và rồi cất giữ tất cả số tiền kiếm được là nhà tôi hài lòng vui vẻ, vì mỗi lần kiếm được bao nhiêu tiền lại cất giữ đi bấy nhiêu hoặc lại đem số tiền vừa kiếm được đi đầu tư vào dịch vụ thương mại khác, nên lúc nào nhà tôi cũng than thở với tôi là không có tiền. Mặc dầu nhà tôi hiểu rất rõ, là khi chết đi thì đâu có mang tiền đi theo mình được, nhưng nhà tôi vẫn không chịu thay đổi cá tính bẩm sinh say mê tiền bạc hơn tất cả mọi thứ trên đời này và nếu có ai sống trong hoàn cảnh như thế, nói theo môn tâm lý học, thì tiền mới chính là người yêu duy nhất của người vợ hay của người chồng. Riêng với cá tính bẩm sinh của tôi, tất cả những ai đã từng quen biết tôi, trong đó có cả Thầy cũng đã thấy rõ con người của tôi như thế nào, trong nhiều năm qua, tôi sống rất giản dị và tôi chưa hề biết nói câu từ chối lời yêu cầu giúp đỡ nào của ai hết, nếu lời yêu cầu đó nằm trong khả năng mà Chúa đã ban cho tôi. Tiền bạc chỉ có ý nghĩa đối với tôi khi tôi là chủ nhân của đồng tiền, chứ không phải là kẻ nô lệ cho đồng tiền, để đến nỗi quý trọng đồng tiền hơn tình người. Trong hoàn cảnh của tôi, về mặt tinh thần, nhiều lúc tôi cảm thấy cô đơn, nhưng về mặt lý trí, tôi cảm thấy niềm an ủi cho thân phận mình, vì Chúa ban cho tôi có được người vợ đoan trang, nết na, chung thủy, nhưng chỉ phải mỗi cái tật say mê đi ra ngoài làm thương mại, để mong ước kiếm được nhiều tiền thêm, nên không có đủ thì giờ chăm lo thu dọn nhà cửa cho ngăn nắp sạch sẽ và tôi vẫn nhớ câu người ta thường nói: Được cái nọ mất cái kia hoặc muốn theo chân Chúa thì phải vác Thánh Giá nặng hay nhẹ theo Ngài, quả đúng như thế nên tôi lấy đó làm niềm an ủi, chấp nhận sống trong hoàn cảnh tự mình săn sóc cho thân mình, kể cả trong những lúc đau ốm, đáng lý cần phải có người phụ giúp tôi, nhưng nhìn chung quanh mình, cũng chỉ có một thân một mình, tôi với tôi. Kể từ ngày tha hương, bỏ quê cha đất tổ để đi tìm tư do cho đến nay, chúng ta quen nhau đã mấy chục năm qua, đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cho tôi có dịp được tâm sự nỗi lòng thầm kín của tôi với Thầy và xin Thầy hiểu cho tôi, là hoàn toàn tôi không có ý gì chê trách nhà tôi đâu, mà chỉ để cho vơi đi niềm sầu muộn ấp ủ trong lòng bấy lâu nay".
Nói tóm lại, trường hợp thứ nhất tiêu biểu cho người vợ hết lòng hy sinh và yêu thương chồng mình thật tình, hoàn toàn bất vụ lợi. Trường hợp thứ hai tiêu biểu cho hành động của người vợ săn sóc chồng mình, với chủ đích tư lợi cá nhân, chứ không phải hoàn toàn vì tình yêu chân thật đối với người chồng. Trường hợp thứ ba tiêu biểu cho tình thương yêu của người vợ đối với người chồng không thuộc hàng ưu tiên, vì chỉ có tiền bạc mới là điều tối quan trọng trên hết mọi sự và có thể nói tiền bạc chính là người yêu lý tưởng của người vợ.
Tất cả 3 trường hợp vừa kể trên đây, trường hợp thứ nhất không xa lạ gì đối với tập quán của người phụ nữ Việt Nam, ngay từ khi còn ở quê nhà, dù người vợ ở bất cứ tuổi nào đi chăng nữa, già hay trẻ đều đối xử lòng nhân ái với chồng con như thế, nhất là những lúc chồng con đau ốm, người vợ phải vất vả, nhiều khi bị kiệt sức vì lo lắng săn sóc cho chồng cho con ngày đêm và đó cũng là một nét son độc đáo của người phụ nữ Việt Nam nói riêng và của người phụ nữ Á Châu nói chung . Trường hợp thứ hai thường thấy xẩy ra tại Hoa Kỳ, vì người vợ hoặc người chồng bị tiêm nhiễm với đời sống xa hoa vật chất, theo chủ nghĩa tôn thờ cá nhân (Material Individualism), nên đôi lúc trở thành ích kỷ, chỉ muốn cho thân mình được sung sướng, không cần nghĩ tới người khác đang đau khổ, cho dù người đó là chồng hay là vợ của mình. Trường hợp thứ ba thì rất ít thấy xẩy ra, vì nếu có người vợ nào nằm trong trường hơp tương tự như thế này, có thể coi đây là một căn bệnh tâm thần, chỉ biết say mê tìm cách kiếm tiền, không dành nhiều thì giờ cho gia đình, miễn sao kiếm được nhiều tiền để dành là cảm thấy hạnh phúc; khác biệt hẳn đối với những gia đình không có đủ lợi tức hàng tháng để sống, nên sáng tối cả vợ lẫn chồng đều không có mặt ở nhà, vì phải đi làm việc lao động vất vả hay phải đi buôn bán ngược xuôi, mới kiếm đủ tiền nuôi sống gia đình. Vậy trong 3 trường hợp trên đây, chỉ có trường hợp thứ hai là đáng buồn nhất cho những ai đang ở trong trường hợp này, nhất là đối với những người cao niên, bị bệnh nặng, phải vào nằm co ro trong viện dưỡng lão một mình, mà không có người thân trong gia đình đến thăm nom thường xuyên, thì trong lòng cảm thấy thật đau khổ vô cùng.