Từ ngày lập quốc cho tới nay, mỗi năm Hoa Kỳ tiếp nhận hàng chục ngàn người khắp nơi trên thế giới, thuộc đủ các chủng tộc từ đen, trắng, đỏ cho đến vàng v.v… Những chủng tộc này cũng có rất nhiều sắc dân khác nhau, họ có cùng một mục đích, đến lập nghiệp rồi trở thành công dân Mỹ. Chính những người di dân này đã tạo thành nhiều cộng đồng rất đông, và cũng có nhiều cộng đồng chỉ lưa thưa dăm ba trăm người.
Để tạo nền tảng vững chắc cho sự sống chung “hòa bình, bình đẳng và thịnh vượng”, luật pháp Hoa Kỳ được thiết lập một cách quang minh chính trực, thi hành luật pháp nghiêm chỉnh, người dân được đối xử bình đẳng như nhau trước pháp luật, được bảo vệ quyền lợi đồng đều, đồng thời mọi người cũng có bổn phận phải thượng tôn pháp luật, triệt để tuân theo luật hiện hành.
Do đó, luật pháp Hoa Kỳ có rất nhiều “chương”, “mục”, “điều”, “khoản”…, tưng bừng hoa lá như rừng tràm Đồng Tháp bên Việt Nam. Luật pháp Hoa Kỳ phù hợp, đáp ứng với cuộc sống xã hội đa dạng, bảo vệ quyền lợi người dân. Chúng tôi xin được đơn cử một vài câu chuyện vi phạm luật như sau:
Ở Hoa Kỳ, dân gian truyền khẩu có câu: “Nhất con (con nít) – Nhì vợ (phụ nữ) – Ba chó (súc vật) - Bốn mới tới đàn ông.” Con nít ở xứ sở này là số một, bố mẹ người Việt Nam mà dạy con theo kiểu “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, thi coi chừng dễ bị luật pháp kết án một cách hết sức oan uổng.
Vấn đề bảo vệ súc vật ở Mỹ cũng rất được coi trọng. Riêng Tiểu Bang Oklahoma có Đạo Luật số 21 điều 1685, ghi rõ người đánh chết, gây thương tích cho súc vật như chó mèo hoặc không nuôi chúng ăn ở đầy đủ, sẽ bị truy tố về tội hình sự án tù không quá 5 năm, bị tạm giam không quá 1 năm hoặc chỉ bị phạt tiền không quá 500 Mỹ kim. Nếu chỉ vì thói quen như ở quê nhà, đánh gà, đánh chó mà bị kết án như ở trên thì thật hết sức oan uổng.
Một trường hợp xảy ra cách đây không lâu, một người Việt có hồ nuôi cá ngay giữa sân, hàng ngày ông ta say mê ngắm cá tung tăng bơi lượn, một thú vui thanh nhã. Một hôm, ông có việc vắng nhà, chú chó nhỏ nhà hàng xóm chui qua hàng rào, lẻn sang chơi thấy cá bơi lững lờ khoái quá, nhảy vào hồ vồ cá, chó bị chết đuối, ông ta về thấy có chó chết, bèn vớt ra cho vào thùng rác khi nhân viên hốt rác thấy xác chó rơi ra, liền báo cho cảnh sát. Với những bằng chứng từ xác con chó, dù cảnh sát đã nghe ông giải thích, ông này vẫn bị bắt và phải đóng tiền thế chân để được tại ngoại (bond) là 500 Mỹ kim trong thời gian chờ ngày ra tòa. Bà hàng xóm cũng là chủ của con chó bị chết đuối buộc tội ông ta đã giết chó của bà, đòi tiền bồi thường 500 Mỹ kim. Như vậy nếu không mướn luật sư để giải thích trước tòa, ông chủ của cái hồ cá sẽ mất tổng cộng số tiền 1 ngàn Mỹ kim, còn nếu thấy oan ức, đi mướn luật sư, số tiền bị mất chưa chắc đã dưới 1 ngàn. Đường nào ông cũng “từ chết đến bị thương”, tức quá về nhà ông dẹp luôn hồ không nuôi cá nữa.
Thịt chó là một món ăn thông thường tại một số nước châu Á, nó vừa có tính cách bình dân, rẻ tiền lại vừa được xếp vào hàng đặc sản. Người Hàn Quốc cũng rất thích món thịt chó. Ở thủ đô Seoul có cả một “Phố Thịt Chó”, thậm chí các phi hành gia Trung Quốc còn ăn thịt chó trong lúc đang lái phi thuyền ngoài không gian.
Riêng ở Việt Nam, cho đến ngày hôm nay thịt chó vẫn được một bộ phận dân cư đặc biệt ưa chuộng. Thịt chó bày bán ở những thành phố lớn, như ở Ngã Ba Ông Tạ, thịt chó đã trở thành món ăn để dẫn dụ các du khách ở các nơi khác. Trong dân gian món này được gọi là “thịt cầy”, “cây còn” (nói lái của “con cầy”), thậm chí dùng cả chữ Hán cho hai chữ “cây còn” là “mộc tồn” (mộc là cây, tồn là còn), hay thi vị hóa thịt chó như một loại “nai vườn”. Dân nghiền ăn thịt chó thường truyền tụng một cách rất tự đắc qua hai câu thơ:
“Sống trên đời ăn miếng dồi chó
Chết xuống âm phủ, biết có hay không?”
Và trong ca dao Việt Nam có gián tiếp nhắc đến món thịt chó trong bài: “Con gà cục tác lá chanh, Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi, Con chó khóc đúng khóc ngồi, Bà ơi đi chợ mua tôi đồng riềng”
Thói quen ăn thịt chó và hương vị đặc biệt của thịt chó đối với một số người Việt Nam đang định cư ở hải ngoại là một chuyện khó bỏ, khó quên. Khi còn ở Việt Nam, chuyện “sống ở trên đời, phải xơi miếng dồi chó”, khề khà bên chai rượu đế thì chả có ai bắt bẻ gì. Nhưng từ ngày sống tự do thoải mái trên đất Hoa Kỳ, chuyện ăn thịt chó là chuyện “bất khả thi”, được coi là phạm pháp. Một anh cầu thủ “football” vì chỉ đi “đá chó” (cho chó cắn lộn để tranh cao thấp như đá gà) mà phải “thân bại danh liệt” thì chuyện ăn thịt chó đối với luật pháp Hoa Kỳ còn ghê gớm hơn rất nhiều. Vì khi muốn ăn thịt con chó thì phải giết chó, mà đã giết chó thì lẽ đương nhiên sẽ phạm luật.
Một số người Việt Nam ở Hoa Kỳ có lẽ vì quá nhớ món “thịt cầy” nên họ đã bạo gan ra chợ trời mua giống chó Á đông về nuôi cho lớn rồi giết lậu, làm thịt lậu và dĩ nhiên là ăn lậu luôn. Chúng tôi có một người bạn thân thiết quen từ hồi còn sống ở Sài Gòn, sang đến bên này may mắn anh em cùng sống chung một Tiểu Bang. Xa nhà nhớ bạn, có một lần chúng tôi ghé nhà bạn chơi, bạn đãi ăn bữa tối. Thức ăn cũng thường thôi, nào thịt nướng, thịt xào lăn, thịt nấu “giả cầy” củ đậu nấu đậu, đậu phụ chấm mắm tôm. Tha hương ngộ cố tri, chén tạc chén thù của tình bằng hữu đã khiến miếng thịt nướng làm mồi nó ngon đến ngần nào. Chúng tôi vừa ăn vừa tấm tắc khen ngon phục tài nấu nướng của phu nhân người bạn.
Xong bữa, chúng tôi được gia chủ mời đi xem nhà, chợt đến nơi để tủ đông lạnh (freezer), đúng lúc phu nhân mở tủ lấy thịt, chúng tôi nhìn thấy một tủ đầy nhóc những thịt. Nhìn kỹ đúng là thịt chó vì cái đùi chó, đầu chó còn nhe răng rất rõ. Lạy Chúa tôi, chúng tôi lưng toát mồ hôi, ngực như muốn nghẹt thở. Có nằm mơ cũng không ngờ, thì ra thức ăn mà bạn tôi đãi chúng tôi toàn là thịt chó. Đến lúc đó chúng tôi mới sực nhớ ra bạn tôi vốn là dân nghiền thịt chó, nhưng bạn ơi, khổ nỗi ở đất Hoa Kỳ này, tội giết chó nặng lắm, nếu bị phát giác, bị kết án dám đi tù mút mùa chứ chẳng chơi. Riêng chúng tôi dù không trực tiếp tham gia giết chó, chỉ ăn thôi cũng bị tội đồng loã.
Sau đó chúng tôi cũng tò mò hỏi bạn: “Làm sao có thịt chó? - giết chó làm thịt mà hàng xóm không hay, nếu họ biết đi tố cáo thì sao?” Ông bạn vừa cười vừa đáp:
“Khó gì chuyện đó, tớ có người anh em mở trại nuôi gà ở xa thành phố, nuôi đàn chó Mexico, thịt săn giống chó ta, ban đêm cho chó vào bao nylon thắt kín cho chết ngạt, mổ thịt bán lậu cho các tay tổ nhậu nhẹt, lâu lâu tớ đến trại mua một lô đem về cất tủ lạnh ăn dần. Ăn để nhớ món “cầy tơ” Ngã Ba Ông Tạ.
Kính thưa quý vị độc giả của Người Việt, nghe bạn chúng tôi hỏi và kể chuyện, chúng tôi phải đứng lặng một lát mới trả lời cho bạn được. Trước hết là ăn thịt những con vật mà luật pháp Hoa Kỳ xếp vào loại “companion animal” thì đều bị truy tố, nếu bị kết án, có thể bị tù, nộp phạt hay cả hai. Ăn thịt những con vật được xem là “companion animal” đều cho là phạm pháp vì đụng chạm đến vấn đề mất vệ sinh (sanitạry issues). Chuyện ăn thịt chó mèo còn bị đụng đến luật “animal testing right” được đại đa số dân chúng Hoa Kỳ ủng hộ. Nói tóm lại cho dể hiểu, ăn thịt chó là vi phạm luật ở Hoa Kỳ.
Nghe bạn kể chúng tôi chỉ khuyên người bạn không nên đi tìm lại những hương vị ở quê hương một cách mạo hiểm như thế. Ăn cơm Việt nhưng phải tuân thủ theo luật Hoa Kỳ.
Thế rồi câu chuyện ăn thịt chó lại trở về khi chúng tôi có một người bạn mới “di dân” từ California sang đây lập nghiệp. Mới gặp nhau sau một thời gian xa cách, chưa hàn huyên hết những chuyện tha hương thì ông bạn của chúng tôi buột miệng hỏi: “Này, bên Cali của tớ thì tuyệt đối cấm ăn thịt chó, thịt mèo… còn bên này thì sao cậu, ăn được chớ? Nhớ món “cầy tơ” vãi cả mồm”. Rồi người bạn của chúng tôi kể cho nghe câu chuyện người bạn láng giềng người Việt có nuôi con chó, chẳng may con chó bị xe cán chết, người chủ vì “tiếc của trời” nên đem con chó ra làm một bữa thịt nướng (barbequed). Trời xui thế nào mà hàng xóm chúng biết được đi tố… thế là vừa đi tù vừa nộp phạt vì tội … ăn thịt chó dù có nhân chứng chịu ra tòa xác nhận là con chó đã bị xe cán chết.