Khi chúng ta nghe thấy từ ngữ Tông Đồ Mục Vụ, nhiều người tưởng lầm rằng chỉ có Công Giáo mới dùng từ ngữ này. Nhưng thực ra tại Hoa Kỳ tất cả những giáo phái khác thờ phượng Thiên Chúa cũng đều dùng từ ngữ này để chỉ rằng họ cũng là con cái Chúa và có cùng một cha chung. Ngoài tước vị mục sư hay linh mục mà chúng ta thường nghe, người ta còn gọi các vị điều hành mỗi giáo phái là các vị lãnh đạo tinh thần.
Trong khoảng thời gian gần đây có 3 trường hợp xảy ra là giáo dân của 3 xứ đạo đã đệ đơn ra tòa kiện 3 vị lãnh đạo tinh thần của họ về tội HÀNH XỬ CÔNG TÁC TÔNG ĐỒ MỤC VỤ VI PHẠM CÁC NGUYÊN TẮC PHÁP LÝ (Pastoral Care Malpratice). Rất mừng là từ xưa tới nay, người Công Giáo chúng ta chưa bao giờ nghe hay thấy một vị linh mục nào lại bị giáo dân trong xứ đạo của ngài kiện ngài chỉ vì ngài hành xử các công tác tông đồ mục vụ không vừa lòng giáo dân như 3 vụ án sắp được kể lại sau đây. Cả 3 vụ này không phải là của xứ đạo Công Giáo mà một số người sau khi coi đài vô tuyến truyền hình bình luận về 3 vụ kiện ấy đã vô tình tưởng lầm vụ kiện thứ nhất là của bên Công Giáo.
A. Vụ Án Thứ Nhất: Một thủ quỹ viên của một xứ đạo vào xưng tội với một vị lãnh đạo tinh thần (LĐTT) đang cai quản xứ đạo (một trong những giáo phái có nhiều nghi thức phụng vụ gần giống như bên Công Giáo). Người đó cho vị LĐTT này biết rằng họ đã biển thủ một số tiền của xứ đạo mà cho đến giờ phút này tất cả Ban Quản Trị xứ đạo vẫn chưa hề hay biết. Sau đó vị LĐTT liền thông báo cho Ban Quản Trị của ngài biết rõ chuyện này để Ban Quản Trị quyết định tìm một giải pháp lấy lại số tiền đã bị biển thủ. Người thủ quỹ biết vị LĐTT đã tố giác với Ban Quản Trị về hành động của mình thì vô cùng tức giận và trách móc vị LĐTT là tại sao dám đem chuyện kín trong tòa giải tội ra để nói cho Ban Quản Trị biết đồng thời người thủ quỹ đã đệ đơn kiện vị LĐTT ra tòa là không giữ trọn bổn phận thiêng liêng của một thiên chức LĐTT là phải tuyệt đối giữ kín tất cả những lời xưng tội của giáo dân, không được quyền tiết lộ cho bất cứ một ai để làm nhục mặt người xưng tội.
Tòa xét xử và phán quyết vị LĐTT hoàn toàn vô tội về sự tiết lộ của vị LĐTT cũng là bổn phận của mỗi công dân khi biết đích xác những ai vi phạm luật pháp như ăn cắp ăn trộm. Biển thủ công quỹ cũng như của tư đều có bổn phận thông báo cho cơ quan chính quyền hay cơ quan tư vấn biết để kịp thời ngăn chặn và trừng trị theo như các thủ tục pháp lý đã quy định. Còn về mặt luật lệ tín ngưỡng của mỗi giáo phái khác nhau, vị LĐTT này có vị phạm hay không thì ngoài thẩm quyền xét xử của tòa án.
B. Vụ Án Thứ Hai: Có một tín đồ vào gặp vị LĐTT của một xứ đạo nhỏ để xin ngài ban cho những lời cố vấn vì tín đồ này đang mang trong lòng những điều phiền muộn và có ý định tự tử chết cho xong nợ trần. Tín đồ này hỏi ý kiến LĐTT là có nên tìm một bác sĩ tâm lý để chữa trị hay không, thì vị LĐTT trả lời đương sự là điều đó không cần phải tìm một bác sĩ chữa trị. Ít lâu sau tín đồ này tự tử chết. Thân nhân của người quá cố biết được câu chuyện vị LĐTT khuyên nạn nhân không cần phải tìm bác sĩ tâm lý chữa trị và chính vị LĐTT cũng xác nhận là lời khuyên của ngài đúng như vậy. Do đó thân nhân của người quá cố đã đệ đơn kiện vị LĐTT này ra tòa đòi bồi thường thiệt hại vật chất lẫn tinh thần vì cho rằng con cháu họ nghe lời khuyên của vị LĐTT không đi gặp bác sĩ tâm lý để chữa trị nên đã tự tử chết.
Tòa xét xử nội vụ và phán quyết vị LĐTT này hoàn toàn vô tội vì lời khuyên của vị LĐTT không phải là lời khuyên chữa trị của một người có khả năng chuyên môn trong nghề như một bác sĩ đang chữa trị cho một bệnh nhân mà chữa trị không đúng cách, làm cho bệnh nhân chết oan trên giường bệnh.
C. Vụ Án Thứ Ba: Có một cặp nam nữ trên tuổi vị thành niên ăn ở với nhau bất hợp pháp như vợ chồng mà không làm giấy giá thú và cả hai đều là tín đồ thường xuyên của một xứ đạo. Vị LĐTT cai quản xứ đạo này sau khi biết được câu chuyện sống chung bất chính của đôi nam nữ hội viên của xứ đạo mình liền rao giảng trong nhà thờ để cho toàn thể giáo dân của xứ đạo biết rõ danh tánh của cặp nam nữ này là ai và ra lệnh trục xuất họ ra khỏi xứ đạo. Đôi nam nữ hội viên này hiện đang kiện vị LĐTT đó ra tòa đòi bồi thường danh dự và thiệt hại vì cho rằng vị LĐTT đó đã bới móc chuyện đời tư tình cảm của họ ra để làm cho họ bị mất mặt trước công chúng. Cho đến giờ phút này nội vụ vẫn còn trong vòng xét xử và tòa chưa có một sự phán quyết nào đối với vị LĐTT là có tội hay không có tội.
Nhận Xét: Trong 3 vụ án xẩy ra được trình bày ở trên, chúng ta nhận thấy cả 2 vụ án thứ nhất và thứ hai về phương diện pháp lý không còn gì để cho chúng ta thắc mắc vì tòa đã chung quyết bản án rồi. Nhưng riêng vụ án thứ ba đứng về khía cạnh tình cảm và tín ngưỡng thì nhiều người khách quan cho rằng hành động của vị LĐTT rất đáng trách vị họ cho rằng vị LĐTT đã vi phạm lời thề hứa thiêng liêng với Thiên Chúa là không bao giờ được phép tiết lộ ra bên ngoài cho người khác nghe lời xưng tội của giáo dân. Vì người xưng tội (hối nhân) đã tin tưởng tuyệt đối vào vai trò thiêng liêng của vị LĐTT có quyền năng thay mặt Chúa trong tòa giải tội để tha thứ hết tội lỗi của người phạm tội cho nên họ mới vững tin bước vào tòa giải tội để ăn năn thống hối tất cả những tội họ đã phạm mất lòng Chúa và chân thành hứa với Chúa sẽ không bao giờ còn dám tái phạm. Người xưng tội còn đặt hết niềm tin tưởng vào vị LĐTT là một khi ngài đã thay mặt Chúa để nghe những lời xưng thú rồi tha tội cho họ, thì đồng thời vị LĐTT đó cũng phải quên hết đi ngay hoặc giữ kín như không biết gì về những tội lỗi người ta xưng. Trong trường hợp người xưng tội mắc tội lỗi phép công bằng như tội biển thủ tiền bạc của xứ đạo vừa kể trên làm của cải riêng cho mình thì dù đã xưng tội đó ra để được tha thứ hành động biển thủ, người phạm tội vẫn phải tìm cách đền bù và trao trả lại số tiền đó cho xứ đạo trong tương lai theo luật công bằng. Nhưng điều nên nhớ rằng có giữ đúng lời hứa trao trả lại số tiền đó cho xứ đạo hay không, trả như thế nào và khi nào trả không thuộc nhiệm vụ kiểm soát và trách nhiệm trực tiếp của vị LĐTT đã giải tội cho người phạm tội này. Đặt trường hợp vì một lý do bất khả kháng nào đó làm người biển thủ chưa có thể trả lại ngay số tiền đó cho xứ đạo, sau khi xưng tội, người phạm tội sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm tội lỗi phép công bằng trước mặt Chúa nơi tòa phán xét sau này chứ không phải vị LĐTT đã giải tội cho họ lại phải chịu tội thay trước mặt Chúa cho người phạm tội.
Tiện đây chúng tôi xin nhắc nhở và xác quyết với những người Công Giáo rằng từ xưa đến nay chưa hề thấy một trường nào tương tự như vụ án thứ nhất xẩy ra, vì Chúa Thánh Thần gìn giữ các thầy cả giải tội không để vị nào tiết lộ điều gì. Các ngài nghe được từ tòa giải tội, ngoại trừ trường hợp vì ích lợi chung cho người khác mà người xưng tội đã muốn cho cha giải tội tiết lộ điều bí mật quen gọi là ấn tòa giải tội. Chứng cớ là có một vị vua kia (rất tiếc là không nhớ rõ vị vua nào) hồ nghi hoàng hậu ngoại tình nên đã đến chất vấn vị linh mục vừa mới giải tội cho hoàng hậu. Vị linh mục này trả lời với vua là không còn nhớ những điều gì mà hoàng hậu đã xưng và vị linh mục này cam chịu tội tử hình theo lệnh của vua vì đã không tiết lộ điều mà hoàng hậu đã xưng tội với ngài. Đó là một trong những gương sáng tử đạo vì giữ ấn tòa giải tội. Hơn nữa nếu có vị linh mục nào dám cả gan nói tội ai ra ngoài cho người khác biết thì vị linh mục ấy đã phạm đến ấn tòa giải tội và không một vị giám mục hay linh mục nào được tha tội này mà chỉ dành cho một mình Đức Giáo Hoàng được tha tội, tha vạ về tội này mà thôi. Nhưng đó mới chỉ là lý đoán.
Vụ án thứ hai cũng nhiều người cho rằng hành động của thân nhân người quá cố như vậy quả thật rất đáng trách. Người ta tiên đoán lý do mà vị LĐTT đó khuyên người quá cố không cần phải đi tìm bác sĩ tâm lý để chữa trị vì sau khi nghe hết những lời giải bày những điều phiền muộn của người quá cố, vị LĐTT tự nhận thấy không có một triệu chứng gì đáng phải tốn tiền để đi bác sĩ tâm lý chữa trị nên đã khuyên theo nhận xét của ngài. Giả sử cho rằng vị LĐTT đó đã khuyên người quá cố nên đi tìm bác sĩ tâm lý để chữa trị thì thử hỏi tất cả ai trong chúng ta dám quả quyết rằng người quá cố sẽ không tự tử chết.
Vụ án thứ ba tuy rằng kết quả phán quyết của tòa chưa ngã ngũ ra sao cả nhưng đa số ý kiến của nhiều người đều cho rằng hành động tuyên bố công khai của vị LĐTT trước mặt giáo dân trong nhà thờ như vậy quả là một hành động thiếu tế nhị và thiếu khôn ngoan. Nhất là trong cương vị của một vị LĐTT không bao giờ có thể tự cho phép làm như vậy. Vì vô tình hay cố ý tới lời tuyên bố đó đã làm tổn thương rất nhiều đến tình cảm và danh dự cá nhân của đôi nam nữ trước mặt toàn thể giáo dân trong xứ đạo. Cho dù lời tuyên bố của vị LĐTT đó có là sự thật hiển nhiên với bằng chứng đi chăng nữa nhưng sự thật đó không nên tuyên bố công khai trước công chúng vì sự thật đó chẳng làm nguy hại đến an ninh tánh mạng và quyền lợi cá nhân của một ai đang hiện diện trong nhà thờ. Nếu sự thật ấy có thể trái với những điều lệ đã ghi trong nội quy của xứ đạo thì vị LĐTT quản nhiệm chỉ cần triệu tâp một phiên họp khoáng đại Ban Quản Trị xứ đạo để biểu quyết và thi hành lệnh trục xuất của vị LĐTT đã đề ra.
Hành động thiếu sáng suốt và khôn ngoan của vị LĐTT này theo những người am tường về pháp luật tiên đoán rằng vị LĐTT đó có thể được tòa tha bổng mà không phải bồi thường một thiệt hại vật chất nào cho đôi nguyên cáo vì theo hiến pháp Hoa Kỳ quy định quyền tự do ăn nói và phát biểu trước công chúng những điều sự thật. Cho dù sự thật đôi khi làm mất lòng cả người nghe lẫn người trong cuộc. Tuy nhiên giả thử lời tuyên bố sự thật đó xẩy ra mà người tuyên bố lại là một vị luật sư và đôi nam nữ đó là thân chủ của vị luật sư thì chắc chắn trăm phần trăm đôi nguyên cáo đó sẽ thắng kiện vì vị luật sư đó đã vi phạm đến luật lệ nghề nghiệp chuyên môn của mình (legally professional responsibility). Hoặc giả thử lời tuyên bố công khai đó của LĐTT trong nhà thờ có nội dung bóp méo sự thật với chủ ý sẽ bị tòa khép vào tội nhục mạ phỉ báng (slander) đích danh người ta, làm mất nhân phẩm cá nhân của đôi nam nữ trước mặt công chúng có nhân chứng. Người bị bắt quả tang phạm tội này sẽ bị truy tố cả về tiểu hình (misdemeanor) lẫn dân sự (civil) và có thể bị phạt tiền hoặc tù, hoặc cả hai tùy theo tội nặng hay nhẹ và số tiền nạp phạt nhiều hay ít cũng như thời gian bị cầm tù lâu hay mau còn tùy thuộc vào luật lệ địa phương của mỗi tiểu bang ấn định.
Trong vụ án thứ ba này nhiều người tự hỏi với tư cách là một vị LĐTT đã được thụ phong (ordained) bởi những nghi lễ chính thức của mỗi giáo phái và có đăng kí tên (registered) tại tòa án, vậy theo luật pháp không biết có những điều lệ chuyên biệt nào được áp dụng mà các vị LĐTT phải tuân theo hay không? Điều đó phải chờ đợi tòa phán quyết bản án thì mới rõ được.
Để tạm kết thúc bài này, một lần nữa chúng tôi muốn xác nhận rằng nếu đúng theo như nội dung của vụ án thứ nhất và thứ ba này thì từ quá khứ đến tương lai chúng ta đều biết rõ và luôn luôn tin tưởng rằng không có một linh mục Công Giáo nào lại hành động như vậy bao giờ và cũng chính vì thế chúng tôi muốn cùng tất cả các tín hữu Kitô Công Giáo hãy cũng nhau ghi nhận ra đây một điểm son rất đáng quý là kể từ xưa tới nay chúng ta chưa bao giờ nghe hay thấy một tín hữu Công Giáo nào lại đi kiện một vị Linh Mục ra tòa đòi bồi thường thiệt hại này nọ về những công tác tông đồ mục vụ của các ngài, mặc dù trong quá khứ cũng có những hoàn cảnh hay một vài trường hợp nhất thời vô tình xô đẩy mối giao tế liên hệ qua các công tác tông đồ mục vụ (pastoral communication relationship) giữa linh mục và con chiên có đôi lúc không được mật thiết cho lắm hoặc có khi trở nên gay gắt bất đồng ý kiến nhưng rồi mọi chuyện lại êm xuôi trôi qua tốt đẹp theo thời gian. Điểm son đó cũng chính là biểu tượng cụ thể đo lường đức tin và tình yêu chân thật của chúng ta đối với Thiên Chúa là Đấng sáng tạo toàn năng và toàn thiện vô cùng.