Đề tài “Những Đặc Tính Cá Biệt của Tù Nhân Việt-Nam và của Tù Nhân Á Châu, So Sánh với Tù Nhân Hoa Kỳ” (The Personalities of Vietnamese and Asian prisoners, Comparing the Personalities of American Prisoners) được thuyết trình trong lần Đại Hội Tù Nhân Quốc Tế (The International Prison Ministry Conference), tổ chức tại Châu Mỹ La Tinh Costa Rica, từ ngày 26 tới 28 tháng 4, 2017.
Sau hơn 21 liên tục phục vụ tù nhân trong các trại tù tiểu bang và liên bang tại tiểu bang Oklahoma, không phân biệt chủng tộc, màu da, tôn giáo và giới tính, tôi đã có những nhận xét cụ thể, chính xác về những đặc tính cá biệt của tù nhân Việt Nam và của tù nhân Á Châu nói chung, như Cao Miên, Lào v.v..., so sánh với tù nhân Hoa Kỳ, thì có những điểm khác biệt đối nghịch lại nhau như sau:
Những tù nhân Việt Nam, Cao Miên, Lào, khi họ chưa bị bắt giam vào tù, họ có thể là những kẻ hung dữ hoặc giết người không gớm tay, là những hội viên nằm trong các băng đảng, chuyên môn đi hãm hiếp, cướp của giết người,đi đánh cướp các ngân hàng hoặc là những thành viên trong các tổ chức quy mô, chuyên buôn bán xì ke ma túy v.v... nhưng khi họ bị bắt giam vô tù, thì hầu hết thai độ hung dữ của họ trước đây không còn nữa, mà họ tỏ ra hiền lành, dễ bảo hơn bao giờ hết, không đánh nhau với anh em tù khác, chính vì thế các nhân viên làm việc trong các trại tù, rất thích coi sóc các tù nhân Việt Nam và các tù nhân Á Châu. Sở dĩ có hiện tượng này, là vì các anh em tù nhân này đều muốn được các nhân viên coi tù ghi nhận là mình có hạnh kiểm tốt, để hy vọng mau chóng được thả ra khỏi nhà tù để về nhà xum họp vớ gia đình.
Trái ngược lại, các tù nhân Hoa Kỳ, khi còn ở ngoài chưa bị bắt giam, họ hung dữ một, nhưng đến khi họ bị bắt giam vô tù, họ trở thành hung dữ gấp đôi gấp ba lần hơn trước, đánh lộn nhau thường xuyên, chửi bới nhân viên thi hành kỷ luật trong nhà tù, vì khi họ còn ở ngoài xã hội, họ đã quen với lối sống tự do, muốn làm gì thì làm, không ai dám ngăn cản hành động sai trái của họ, giờ đây họ giống như con chim bị nhốt trong cái lồng chật hep, họ trở nên tức giận với nhân viên phụ trách giữ an ninh trong tù và với cả những anh em tù nhân khác trong tù, không cần biết lỗi tại mình mới bị giam vào tù và họ cũng không cần muốn có hạnh kiểm tốt, để mong được thả ra về nhà sớm như tù nhân Việt-Nam và Á Châu hằng mong đợi. Nên những nhân viên làm việc trong tù thích được coi sóc tù nhân Việt-Nam và Á Châu hơn là coi sóc tù nhân Hoa Kỳ.
Nói về thân nhân của tù nhân, trong đó có cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái, thì tập tục văn hóa của Á Châu và của Mỹ Châu, cách đối xử với tù nhân cũng khác biệt nhau. Nhưng sự khác biệt giữa Châu Á và Châu Mỹ đều có cái hay và cái dở của mỗi bên, không có bên nào cách đối xử với tù nhân được coi là hoàn hoàn hảo cả, vì cái hay của bên này lại là cái dở của bên kia và cái dở của bên kia lại là cái hay của bên này, được liệt kê và được phân tích như sau:
Trường hợp thứ nhất: Qua biết bao nhiêu năm tháng dài trong nhiêm vụ là một Tuyên Úy Trại Tù tinh nguyện, trực tiếp phục vụ anh chị em tù nhân, tôi hoàn toàn khách quan nhận xét thấy rõ cha mẹ người Việt, người Cao Miên hay người Lào có con bị ở tù, chính là lúc họ tỏ lòng thương yêu con cái họ hết lòng hết sức nhất, qua những sự hy sinh vô bờ bến, qua những đêm dài khóc thương cạn ca nước mắt, cho số phận hẩm hiu con mình bị giam trong ngục tù, cho dù họ biết con họ đã vi phạm tội hình sự nặng nhất và nếu họ có tiền bạc, họ dám hy sinh, bỏ hết tiền bạc của cải của họ ra, để thuê mướn luật sư thật giỏi để bào chữa tội trạng cho con họ trước tòa được nhẹ tội, hơn thế nữa, nếu họ không có đủ tiền thuê mướn luật sư tài giỏi, họ sẽ phải đi vay mượn tiền của bạn bè hay họ hàng thân thuộc trong gia đình để trả tiền thuê mướn luật sư bào chữa tội trạng cho con họ được lãnh án tù treo, để chóng trở về xum họp với gia đình.
Tôi còn nhớ, có một bà mẹ Việt Nam, có người con trai 27 tuổi theo băng đảng, di chuyển từ Houston đến Oklahoma City, vô nhà người ta cướp của, bị cảnh sát địa phương bắt tại trận và bị giam tạm tại Oklahoma County Jail là nơi tôi phục vụ, bà mẹ này hàng tuần đáp xe buýt đến thăm nuôi con tại đây, ấy vậy, bà còn nhờ tôi xin phép với ông Sheriff cho phép bà được thăm con mỗi tuần 2 lần. Nhiều trường hợp tương tự như trường hợp mấy bà mẹ Việt Nam vừa kể trên, có những bà mẹ người Á châu hay người Mễ cũng nhờ tôi xin cho được phép thăm nuôi chồng hay con đang bị ở tù ít nhất mỗi tuần 2 lần.
Những điều tôi vừa kể trên đây là đúng sự thật 100%, không thêm bớt, mà tôi được chứng kiến tận mắt nghe tận tai suốt hơn 21 năm qua, vì đã nhiều lần họ nhờ tôi đóng vai trò trung gian thay họ, để liên lạc và chuyển đạt lời yêu cầu của họ với các vị trưởng trại tù (Wardens), với các luật sư v.v.. Nhờ đó, tôi mới hiểu rõ những bậc cha mẹ người Việt Nam nói riêng và người Á Châu nói chung, khi họ có con cái hay anh em ruột thịt bị ở tù vì bất cứ lý do gì, thì họ thương yêu và hy sinh từ tinh thần đến vật chất cho người thân của họ đang bị giam giữ trong ngục tù như thế nào? Đấy cũng là một tâp tục tình cảm thương người như thể thương thân, vẫn được tiếp tục lưu truyền từ đời trước sang đời sau của người Á Châu nói chung.
Nhưng có nhiều người bên Hoa Kỳ cho rằng, cách xử thế tình cảm như vậy, sẽ làm cho đứa con không những không nhận thức ra lỗi lầm của mình để ăn năn tu sửa, mà còn tạo cho tù nhân sống lười biếng, ỷ lại lười biếng, chỉ biết nhờ vả vào sự giúp đỡ của cha mẹ hay người thân và khi nó ra khỏi tù, nó có thể tiếp tục các hành động phi pháp, vì nó tin tưởng vào lòng thương xót và sự hy sinh giúp đỡ của cha me hay của thân nhân như trước đây, sẽ không bỏ rơi nó và sẽ lại giúp đỡ nó ra khỏi ngục tù nếu nó vẫn còn tái phạm những lỗi lầm. Để bảo vệ lập trường lạc quan (Optimistic standpoint) theo tập tục của người Á Châu, hầu hết người Á Châu cho rằng xử thế tình cảm với con cái hay người thân của họ đang bị ở tù là một hành động cụ thể, thực tế và hữu ích, làm cảm hóa con cái sẽ thương yêu cha mẹ nhiều hơn trước kia, làm cho anh chị em trong một nhà biết yêu thương nhau hơn, giúp đỡ nhau hơn và lẽ dĩ nhiên những điều tốt đẹp trên cõi đời này sẽ không bao giờ đem lại kết quả tuyệt đối như ta mong muốn, mà chỉ có tính cách tương đối mà thôi.
Trường hợp thứ hai: Đồng hành cùng một thời gian của tôi như trong trường hợp thứ nhất, tôi cũng nhận thấy rõ cha mẹ, anh em ruột thịt, vợ chồng, con cái người Hoa Kỳ, đa số họ đối xử với thân nhân ruột thịt của họ đang bị giam giữ trong tù rất khác biệt hẳn đối với cách đối xử của những người Á Châu trong cùng một hoàn cảnh giống nhau, đành rằng tôi đã chứng kiến tận mắt,có một thiểu số người Hoa Kỳ đối xử với thân nhân đang ở tù, giống y hệt như người Á Châu, mà có vài trường hợp, hành động của họ còn tích cực hơn gấp nhiều lần hành động của người Á Châu.
Vì thế có một số người Việt Nam, đã có nhiều cơ hội giao tiếp trực tiếp với nhiều người Hoa Kỳ, thuộc đủ mọi thành phần trong xã hội, đã nhận xét kỹ càng và phát biểu cảm tưởng với tôi như thế này: Thầy có biết không, người Việt nào có lòng bác ái nhất hay tốt nhất cũng không thể nào so sánh bằng người Mỹ nào có lòng bác ái nhất hay tốt nhất; nhưng trái lại người Việt nào gian ác nhất cũng không thể nào so sánh bằng người Mỹ nào gian ác nhất.
Điều này chính tôi đã chứng kiến tận mắt, khi tôi còn đang đặc trách Chương Trình Định Cư Người Tỵ Nạn Cộng Sản Đông Nam Á cho Cơ Quan Thiện Nguyện USCC tại thành phố Oklahoma City, từ tháng 5 năm 1975 cho đến tháng 5 năm 1980. Điển hình cho sự so sánh khác biệt cách đối xử với thân nhân ở tù giữa người Mỹ với người Á Châu, trong đó có Việt Nam, Cao Miên,và Lào, thì tôi trực tiếp được tiếp xúc với một số thân nhân là cha mẹ của tù nhân và một số người là vợ hay chồng của tù nhân, họ cho tôi biết quan điểm mạnh mẽ của họ như sau: Sở dĩ thỉnh thoảng họ mới vào thăm thân nhân như con cái, vợ hay chồng, anh, chị em ruột đang bị giam giữ trong trại tù, là vì những người này cố tình hay vô tình đã làm những điều lỗi lầm, vi phạm pháp luật công cộng, gây nguy hiểm cho xã hội, cần phải bị bỏ tù để lãnh những hình phạt nặng hay nhẹ do chính mình gây ra và cần phải cho họ cảm thấy cô đơn trong nhà tù, mới tự mình suy xét lại những hành động sai quấy mà chính mình đã làm. Nếu chúng tôi cứ để tính cảm bị chi phối, thường xuyên vào thăm nuôi tù nhân để hỗ trợ về tinh thần lẫn vật chất, là những người thân của chúng tôi đang bị tù, như những người Á Châu đối xử với thân nhân của họ trong tù, thì vô tình chúng tôi đã gián tiếp khuyến khích thân nhân trong tù sống ỷ lại vào người thân trong gia đình, mai kia ra khỏi tù, chứng nào vẫn tật ấy, ngựa quen đường cũ, không chịu chừa bỏ tật xấu và nếu có làm bậy nữa, thì tin tưởng sẽ được gia đình giúp đỡ lo cho mọi chuyện như trước kia.
Quan niệm suy luận của người Mỹ như thế không có gì sai theo lý trí, nhưng không có điều gì được coi là tuyệt đối trên đời này và đứng về phương diện tình cảm hay đứng về phương diện lý trí để giải quyết một vấn đề khó nghĩ, thì chưa chắc phương diện nào đã giúp mang lại kết quả tốt đẹp để giải quyết một vấn đề khó nghĩ, mà nó phải hoàn toàn tùy thuộc vào từng trường hợp, từng nguyên nhân. Tóm lại, bất cứ một tập tục, một văn hóa nào của mỗi quốc gia đều có cái hay và cái dở của nói, miễn sao nên áp dụng câu châm ngôn: Nhập Gia Tùy Tục là điều thượng sách nhất.