Hiện nay tại Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, vấn đề trẻ em bị bắt cóc xẩy ra rất thường xuyên vì rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ muốn đề cập đến những trẻ em mà theo tin tức báo chí hàng ngày cho biết, thì có nhiều vụ trẻ con bị người Cha bắt cóc đem đi trong khi đứa trẻ được sự nuôi dưỡng bởi người Mẹ. Vì trong các vụ án ly dị hay ly thân , có tới 90% án lệnh của Tòa phán quyết cho người Mẹ được phép nuôi dưỡng con cái khi còn nhỏ tuổi, mà người Cha phải cấp dưỡng tài chánh (Child Support) hàng tháng cho người mẹ nuôi con cho đến khi chúng khôn lớn,trong khi đó người Cha chỉ được quyền đến thăm con hay được quyền rước con về nhà ở chơi với mình hai ngày cuối tuần mà thôi. Chính vì thế, mà có những trường hợp người Cha bắt cóc con chỉ vì quá thương nhớ con, hoặc vì thấy con mình bị Cha ghẻ hành hạ tinh thần lẫn thể xác, hoặc có những trường hợp khác, người Cha bắt cóc con vì muốn trả thù người vợ cũ của mình khi cơn ghen tức trong lòng bùng lên như ngọn lửa, vì bất chợt nhìn thấy người vợ cũ của mình đang có những cử chỉ âu yếm tình nhân trước mặt mình khi đến đón con về chơi cuối tuần.
Một điều đáng buồn mà mọi người đều nhận thấy rằng, khi vợ chồng đã đi đến giai đoạn ly dị, thì cả hai bên cư xử với nhau như kẻ thù địch, không còn nhớ tới tình yêu say đắm, chặt không đứt dứt không ra của hai người trong những ngày tháng đầu tiên mới yêu nhau, nhưng giờ đây chỉ còn lại những nỗi ghen tức, hận thù, không muốn nhìn thấy mặt nhau, anh đi đường anh và em đi đường em, tình nghĩa đôi ta có thế thôi. Thật vậy, hiện nay vấn đề ly dị có thể được coi như là một căn bệnh ung thư của cuộc sống lứa đôi, mỗi ngày mỗi gia tăng một cách trầm trọng, nó đã tạo ra những cảnh tượng con ông, con bà và con chúng ta, thật là phức tạp và khó giải quyết mỗi khi có sự xung đột xẩy ra giữa vợ chồng, giữa con cái cùng sống chung trong một gia đình. Theo một số thống kê cho biết, có những tiểu bang tỉ lệ ly dị đã gia tăng trên 50%, có nghĩa là cứ 100 cặp vợ chồng thì có hơn 50 cặp bỏ nhau. Đây là một điều đáng buồn và đáng lo ngại, gây ra biết bao nhiêu điều thiệt thòi cho những con cái đang ở tuổi thơ ngây, rất cần sự săn sóc về mặt tinh thần lẫn vật chất của Cha Mẹ cùng chung sống với nhau trong một mái nhà. Phần nhiều những vụ án ly dị hoặc còn trong tình trạng ly thân, Tòa đều phán quyết cho người Mẹ được phép nuôi dưỡng con cái, còn người Cha chỉ được đến đón rước con về ở với mình vào những ngày cuối tuần cho đến chiều Chúa Nhật, thì phải đem trả con về cho người Mẹ.
Có nhiều trường hợp đã xẩy ra, khi người Cha đến đón con để đem về ở nhà với mình cuối tuần như thường lệ, bất chợt có lần người Cha nhìn qua cửa kính phòng khách, thấy vợ cũ của mình đang trò chuyện vui vẻ thân mật với tình nhân ở bên trong, làm anh nổi máu ghen mà trong thâm tâm anh lúc đó, không ý thức được là mình không còn quyền hạn gì để mà ghen tuông, nhưng để trả thù nàng, anh đã không đem trả đứa con lại cho Mẹ nó, anh đem giấu nó ở một nơi kín đáo, khó một ai có thể tìm ra nó ngoài anh ra. Trái lại, cũng có một số trường hợp khác xẩy ra, người Cha đến đón con mình về ở với minh cuối tuần và được đứa con kể lại cho Cha nó nghe: Cứ mỗi lần nó và con riêng của cha ghẻ nó cãi lộn nhau, là Cha ghẻ nó đánh đập nó thậm tệ để bênh vực con riêng của ông ta. Vì quá thương xót con mình bị Cha ghẻ đánh đập, nên anh ta đã không chịu đem trao trả con lại cho Mẹ nó theo như bản án ly dị đã quy định. Tất cả những trường hợp vừa mới kể trên, dù cho viện dẫn bất cứ một lý do nào hợp lý đi chăng nữa, tất cả những người Cha có hành động này đều bị truy tố trước pháp luật hiện hành về tội hình sự, là tội bắt cóc con nít (Kidnapping) nếu có đơn khởi tố tại Tòa.
Theo Bộ Luật Canh Cải Hình Sự mang số 21 điều 1119 của Tiểu Bang Oklahoma nói riêng, đã quy định những hình phạt tù và tiền đối với những người vi phạm bắt cóc con nít như sau:
Bất cứ một ai có hành động ép buộc hay dụ dỗ trẻ nhỏ dưới 15 tuổi bỏ nhà ra đi theo mình, mà không có sự ưng thuận của người Cha hay người Mẹ của đứa trẻ hoặc không có sự ưng thuận của người giám hộ như Cha Mẹ nuôi chẳng hạn, thì người đó sẽ bị buộc vào tội chủ mưu bắt cóc con nít theo luật hình sự và có thể bị ở tù trong trại cải huấn của tiểu bang, không lâu quá 5 năm, hoặc bị ở tù trong trại tạm giam của quận hạt, không lâu quá 1 năm, hoặc bị phạt vạ tối đa 1,000 Mỹ kim, hoặc vừa bị đóng tiền phạt vạ lẫn bị ở tù. Lẽ dĩ nhiên mỗi tiểu bang, luật lệ sẽ có phần khác biệt nhau đôi chút về Thủ Tục Pháp Lý (Legal Procedure), Thời Gian Bị Cầm Tù (Time of Imprisonment) và tiền phạt vạ (Fine) nhưng những Nguyên Tắc Căn Bản Pháp Lý (Basic Legal Principles) đều tương tự giống nhau.
Để áp dụng vào điều luật trên đây, chúng tôi xin thuật lại cùng quý đọc giả về một câu chuyện tình cảm khá thương tâm, mà trước đây, chúng tôi đã có dịp viết lại câu chuyện này với tựa đề là : “Tình Yêu Bất Diệt” , và lúc đó câu chuyện mới xẩy ra nên chưa có đoạn kết. Nhưng từ lúc đó đến nay, thời gian trôi qua đã gần được 10 năm và hôm nay câu chuyện đã tới hồi kết thúc, nên chúng tôi xin tiếp tục được kể lại đoạn kết của câu chuyện tình cảm khá thương tâm này cùng quý đọc giả. Trước khi đi sâu vào chi tiết của đoạn cuối câu chuyện này, chúng tôi thiết nghĩ nên tóm lược lại những chi tiết chính của câu chuyện, để những quý đọc giả nào chưa đọc câu chuyện “Tình Yêu Bất Diệt” hoặc đã đọc rồi nhưng vì quá lâu ngày không còn nhớ rõ, sẽ hiểu được trọn vẹn câu chuyện tình cảm thương tâm này.
Cách đây hơn 32 năm, anh Trương gặp chị Hương tại một trại tị nạn ở Nam Dương, hai người thương yêu nhau và thề hứa với nhau, là nếu trong tương lai vì một lý do gì, hai người không được định cư cùng chung một quốc gia, thì tình yêu của hai người sẽ không bao giờ chia ly. May mắn thay, cả đều được định cư ở Hoa Kỳ, chị Hương được bảo trợ trước anh Trương để đến định cư tại tiểu bang California và 4 tháng sau anh Trương được bảo trợ đến định cư tại tiểu bang Massachusetts. Đúng là Chúa luôn luôn chúc phúc cho những kẻ chân thành yêu thương nhau hết lòng nên chỉ vài tháng sau, một Linh Mục Chánh Xứ Nhà Thờ Mỹ tại đây, đã giúp đỡ anh Trương mua vé máy bay cho chị Hương đến đoàn tụ với anh Trương tại tiểu bang là nơi anh Trương đang cư ngụ. Sau đó ít tháng, người bảo trợ anh Trương cùng hợp tác với người bảo trợ chị Hương đứng ra tổ chức Thánh Lễ Thành Hôn tại Nhà Thờ và bữa tiệc linh đình cho hai người tại một nhà hàng khá sang trọng.
Đám cưới xong, qua sự tận tình giới thiệu của người bảo trợ, anh Trương được thâu dụng vào làm việc cho một hãng thầu xây cất lớn nhất tại tiểu bang này. Nhờ vào sự cần cù siêng năng làm việc, tính tình vui vẻ hòa nhã, cộng với trí thông minh bén nhạy của anh, chỉ hơn một năm sau, anh được thăng chức lên làm cai thầu làm việc mỗi ngày 12 tiếng 6 ngày một tuần, lợi tức hàng tháng của anh gấp đôi lợi tức của một kỹ sư mới ra trường, Do đó, vợ anh không cần phải đi làm, chỉ ở nhà săn sóc con cái và cứ cách một năm rưỡi vợ anh lại tặng cho anh thêm một tí nhau. Anh tưởng chừng cuộc sông tràn đầy hạnh phúc của vợ chồng anh với bốn người con sẽ mãi mãi vui tươi như thế này. Nhưng ở đời có ai học được chữ ngờ bao giờ, chị Hương được sống trên nhung lụa, tiền bạc và vật chất lại dư thừa. Nhưng có nhiều đêm khuya thanh vắng, ngoài trời mưa rơi gió lạnh thổi ào ào, con cái thì đã ngủ say,chỉ còn một mình chị cô đơn ngồi trong căn phòng nhìn qua cửa sổ mong đợi chồng đi làm về khuya, có lẽ hoàn cảnh cô đơn lâu ngày này đã đưa đẩy vợ anh phải lòng một chàng trai độc thân ở cùng khu phố với chị và lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Biết được chuyện này, anh đã cố gắng làm đủ mọi cách để thuyết phục chị ở lại với anh và với các con, nhưng chị vẫn nhất quyết ly dị anh để đi theo tiếng gọi của tình yêu mới với chàng thanh niên này. Bản án ly dị cho quyền anh được nuôi hai đứa con lớn, chị được quyền nuôi hai đứa con nhỏ và anh phải trợ cấp tiền nuôi dưỡng hai đứa nhỏ (Child Support) cộng thêm tiền trợ cấp (Alimony) cho chị trong hai năm.
Một hôm anh nhận được điện thoại của đứa con út báo cho anh biết là nó bị người Cha ghẻ hành hạ nó, vì thương xót con, Anh mua vé máy bay, tức tốc tìm đến nhà người vợ cũ để hỏi rõ sự thật như thế nào và ngày hôm sau anh đến trường học đón hai đứa nhỏ để đưa chúng lên máy bay đem về ở với anh. Máy bay vừa hạ cánh xuống phi trường, vừa bước ra khỏi máy bay với hai đứa con, đã có hai nhân viên FBI tiến tới, còng hai tay anh lại dẫn đi và hai nhân viên FBI khác đến dẫn hai đứa nhỏ đi nơi khác. Vừa đến trại tạm giam, người ta cho anh biết anh bị cáo buộc 3 trọng tội: Tội bắt cóc con nít, tội xâm nhập gia cư bất hợp pháp (anh vào nhà vợ cũ của anh trái phép) và tội hành hung đối phương với vũ khí nguy hiểm (đánh nhau với người cha ghẻ). Vị luật sư của Công Tố Viện (District Attorney) cho anh biết, nếu anh bằng lòng chấp nhận 2 trong 3 tội danh này, Tòa sẽ phạt nhẹ anh 15 năm tù ở, thay vì phải lãnh án tới 30 năm tù, anh không cần phải lo lắng cho 4 người con của anh, chúng sẽ được Bộ Xã Hội (DHS) đưa đến nơi ăn chốn ở an toàn với Cha Mẹ nuôi (Foster parents) do Bộ Xã Hội chỉ định. Vì thương các con và muốn cho các con anh được ở với Mẹ ruột của chúng, hơn thế nữa vì trong lòng anh vẫn còn yêu thương người vợ cũ, đã cho anh nhiều kỷ niệm yêu dấu đẹp nhất trên đời, cho dù nàng đã phụ bạc anh để đi lấy chồng khác, nên anh đưa ra điều kiện là nếu anh bằng lòng chấp nhận lời đề nghị này của Công Tố Viện, thì phải để cho hai đứa con lớn trở về ở với mẹ của chúng nó, vì anh nghĩ rằng nếu có mặt hai đứa con lớn ở chung với hai đứa nhỏ, người Cha ghẻ sẽ không còn dám đanh đập hai đứa nhỏ nữa. Công Tố Viện chấp nhận điều kiện của anh đưa ra.
Trước khi bước vào đoạn kết của câu chuyện này, chúng tôi muốn nêu lên khía cạnh pháp lý về hành động thiếu sự khôn ngoan sáng suốt của anh Trương, để chúng ta cũng tìm hiểu thêm về vấn đề này. Sau khi anh Trương được biết hai đứa con anh bị hành hạ bởi người Cha ghẻ, nếu anh muốn lấy lại hai đứa con nhỏ này về ở với anh, thì có hai phương thức để giải quyết:
- Cách thứ nhất là anh điện thoại báo cáo cho Bộ Xã Hội (Bepartment of Human Services) biết rõ về trường hợp con anh bị Cha ghẻ hành hạ, cơ quan này sẽ phái nhân viên đến điều tra sự việc xem hư thực thế nào và nếu họ thấy thực sự nguy hiểm cho đứa nhỏ, thì họ sẽ có biện pháp ngay tức khắc để bảo vệ an ninh tính mạng cho hai đứa nhỏ, họ sẽ đem hai đứa nhỏ ra khỏi nhà để tạm thời giữ hai đứa nhỏ hoặc sẽ giao cho anh nuôi hai đứa nhỏ trong khi chờ Tòa phán quyết;
- hoặc chính anh Trương tự nộp đơn (Pro se) tại Tòa để xin Quan Tòa cứu xét sửa đổi tình trạng quyền nuôi dưỡng con cái (File a Motion to Modify Child Custody at Court) và vì anh là người Cha tốt, chắc chắn Tòa sẽ phán quyết cho anh được quyền cho anh được quyền nuôi con thêm hai đứa con còn nhỏ tuổi này.
Rất tiếc anh Trương đã vội vã, không tham khảo ý kiến với một ai, nên đã không biết áp dụng một trong hai phương thức đơn giản, không tốn tiền và hữu hiệu nhất này, để đến nổi phải lãnh án 15 năm tù ở và mất luôn quyền nuôi dưỡng hai đứa con lớn. Nếu ai có đang hay sẽ ở trong trường hợp tương tự như thế này, thì xin ghi nhớ hai phương thức vừa kể.
Tất cả các Bộ Cải Huấn (Department of Corrections). Từ cấp liên bang đến cấp tiểu bang, đều có những chương trình giáo dục miễn phí về học vấn cũng như về huấn nghệ cho các tù nhân nào muốn ghi tên theo học các chương trình này; nhờ đó trong gần 10 năm ở trong tù, anh Trương biết lợi dụng chương trình này, đã dành hết thì giờ mỗi ngày vào việc học vấn và học nghề. Đầu tiên anh học mất hai năm để lấy văn bằng tương đương tú tài, và tiếp tục học lấy được văn bằng 2 năm chuyên viên thiết kế điện lực tại tư gia cũng như tại các cơ sở thương mại, xong rồi anh lại tiếp tục học lấy được văn bằng 2 năm chuyên viên sửa chữa máy lạnh và máy sưởi, cuối cùng anh học thêm 2 năm nữa lấy văn bằng sửa chữa hệ thống thoát nước. Tùy theo tội trạng và luật lệ của mỗi tiểu bang, nếu tù nhân nào có hạnh kiểm tốt, chỉ cần ở tù 50% cho đến 75% thời gian của tổng số năm lãnh án tù thì sẽ được mãn hạn tù. Đó là trường hợp của anh Trương, thay vì anh phải ở trong tù đủ 15 năm, thì chưa đầy 10 năm anh được mãn hạn tù. Trước ngày được trả tự do về nhà anh Trương đã cầm sẵn trong tay 4 văn bằng vừa kể và có 2 nhà thầy xây cất đã liên lạc thư từ với anh, tỏ ý muốn anh ký hợp đồng làm việc cho họ với tiền lương rất cao, vì họ biết anh đã có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành xây cất trước khi anh bị ở tù.
Cách đây khoảng 6 tháng, chúng tôi nhận được thư anh xác nhận ngày anh sẽ được trả tự do về nhà để nhờ chúng tôi đến đón anh. Trong những giây phút thiêng liêng và đầy ý nghĩa đối với chúng tôi, là 1 tiếng đồng hồ ngay sau khi anh Trương được trả tự do, chúng tôi đưa anh đến nhà riêng của ông NVC, người đã nhiều năm hợp tác mật thiết với chúng tôi trong nhiệm vụ thăm viếng, ủy lạo tù nhân vào những ngày cuối tuần. Ông NVC trước kia xuất thân từ Học Viện Quốc Gia Hành Chánh và là cựu giới chức cao cấp trong chính phủ VNCH, ông ta đã vui mừng và long trọng trao chiếc nhẫn có gắn hột cẩm thạch màu xanh biếc cho anh Trương, chiếc nhẫn là chiếc nhẫn do vợ anh mua tặng cho anh Trương để kỷ niệm ngày cưới của hai người, là vì trước ngày anh được chuyển giao từ trại tạm giam (Jail) đến trại tù (Prison), để tỏ lòng biết ơn ông NVC đã hy sinh thì giờ quý báu cuối tuần của ông, ròng rã kéo dài gần 1 năm, để đến tham viếng và an ủi nỗi đau buồn của anh, anh liền tháo chiếc này ở ngón tay ra và xin tặng chiếc nhẫn cẩm thạch này cho ông làm kỷ vật. Lúc ban đầu ông khăng khăng từ chối, không chịu nhận, nhưng ông chợt nghĩ ra, là thôi mình cứ nhận cho đương sự được vui lòng trước đã, và ông sẽ cất giữ nó cẩn thận để chờ ngày đương sự mãn hạn tù, thì ông sẽ trao tặng lại cho đương sự cũng không muộn. Chúng tôi nhìn thấy đôi mắt anh Trương đỏ hoe vì xúc động khi nghe câu chuyện ông NVC nói: Đây là kỷ vật của anh đã tặng tôi cách đây gần 10 năm, tôi cất giữ nó cẩn thận và tôi đã tự tay lau chùi nó trước khi anh đến đây, để tôi trao tặng lại anh tiếp tục giữ làm kỷ vật, ghi nhớ ngày anh được trả tự do.
Khoảng hơn 3 tháng sau, anh Trương đến gặp chúng tôi với nét mặt buồn rầu thảm thiết của anh và tâm sự cho chúng tôi nghe: Cháu đã có công ăn việc làm rất tốt ngoài sự mong ước của cháu, cháu có nhà ở đầy đủ mọi tiện nghi, xe hơi và tiền bạc không thiếu, nhưng trong tâm hồn vẫn cháu vẫn cảm thấy mình như là một kẻ vô gia cư (Homeless). Vì mới đây, cháu được giới chính quyền cho biết ngay sau khi người cha ghẻ của 4 đứa con của cháu chết vì bệnh ghiền sì ke ma túy, Bộ Xã Hội liền đem 4 đứa con của cháu cho một gia đình Mỹ làm Cha Mẹ nuôi chúng, vì Mẹ chúng cũng bị bệnh ghiền sì ke ma túy và đã bị bắt giam 2 lần rồi được thả về nhà, nhưng cách đây 8 tháng, cô ta đã chết cũng vì cơn bệnh giống như người chồng của cô ta. Đứa con trai lớn nhất của cháu, có lẽ buồn vì hoàn cảnh nên đã tình nguyện đăng lính bộ binh để đi đánh trận tại Iraq và cháu đã viết thư nhiều lần cho nó, nhưng cho đến giờ này, cháu vẫn không nhận được sự hồi âm nào của nó. Riêng 3 đứa con còn ở dưới tuổi vị thành niên, theo như án lệnh của Tòa án quyết, cháu không được quyền tìm biết các con đang ở đâu, để liên lạc thư từ hay đến thăm nom các con cho đến khi nào chúng đủ 18 tuổi.
Nhiều đêm thanh vắng, trong một căn nhà vắng lạnh, chỉ có một mình cháu, làm cháu nhớ thương các con đến rơi cạn nước mắt, cháu tự hỏi lòng mình rằng: Không biết các con bây giờ ra sao? Các con có còn nhớ đến người Cha luôn luôn thương yêu các con bằng tất cả sự hy sinh vô bờ bến cho các con không? Các con có biết Cha của các con bây giờ đã ra khỏi tù rồi và đang đau khổ nhớ thương các con vì không được gặp mặt các con đã hơn 10 năm nay không? Hết nhớ thương các con xong, lại đến nhớ thương người vợ cũ của cháu, đã nằm yên nghỉ vĩnh viễn dưới lòng đất, mặc dầu vợ cháu đã phản bội lại tình yêu chân thành của cháu dành cho nàng, để đi lấy chồng khác, nhưng cháu bình tâm suy nghĩ kỹ lại trong nhiều tháng năm, cháu thấy cháu cũng có lỗi một phần nào với vợ cháu để gây ra sự đổ vỡ này; vì cháu cứ nghĩ hễ có nhiều tiền thì sẽ có nhiều hạnh phúc, như người ta nói có tiền mua tiên cũng được, nên cháu đã dành hết thì giờ của cháu mỗi ngày để mang tiền về cho vợ, không còn đủ thì giờ săn sóc tinh thần cho vợ con, trong khi vợ cháu lại là người giàu tình cảm, lúc nào cũng tỏ ra mơ mộng như người đang bay lơ lửng trên mây, thành thử tiền bạc đối với nàng không thành vấn đề, chỉ có sự gần gũi âu yếm, săn sóc tình cảm mới là nhu cầu quan trọng đối với nàng. Khi cháu hiểu được những điều này, thì đã quá muộn, không thể ngăn cản được tình cảm của nàng đã dành cho người trai trẻ láng giềng này từ lâu rồi.
Tuần lễ trước đây, cháu đã đáp máy bay đến tiểu bang khác để thăm mộ nàng, cháu đã mua một vòng hoa hồng tươi đỏ thắm, để đặt ở giữa trên ngôi mộ nàng và cháu đã đốt sáng hai cây nến to, để cắm hai bên trên đầu ngôi mộ nàng, và cháu đã quỳ gối dưới chân mộ nàng gần một giờ đồng hồ, trước tiên là để cầu xin Thiện Chúa hãy nhủ lòng thương xót và tha thứ cho những lỗi lầm mà nàng đã xúc phạm người khác, làm buồn lòng Chúa khi còn ở trần gian, xin Chúa sớm đưa linh hồn nàng về Nước Trời với Ngài, sau nữa là linh hồn nàng có linh thiêng, thì xin nàng hãy hiện về nơi đây, để lắng nghe những lời tạ lỗi của cháu tâm sự với nàng, xin nàng hiểu thấu lòng người với một chồng và một người Cha là cháu, chỉ biết có đêm nhớ ngày mong, hằng trăm lần nhớ thương con và hàng ngàn lần nhớ thương vợ kể từ khi còn ở trong tù cho đến ngày hôm nay được ra khỏi tù, và yêu cầu nàng hãy xin Chúa ban ơn xuống cho cháu một phép lạ đặc biệt, để cháu sớm được gặp mặt lại 4 người con yêu quí nhất đời của cháu, là biểu tượng cho tình yêu vô giá của nàng để lại cho cháu ở trần gian này và cũng là một kỷ niệm muôn đời, không bao giờ quên được mối tình đầu của nàng với cháu gặp nhau, rồi yêu nhau tha thiết qua những ngày tháng ở trong trại tị nạn tại quần đảo Nam Dương. Đọc xong câu chuyện đau buồn này của anh Trương, làm cho chúng tôi phải suy nghĩ câu mà người ta thường nói: Tình yêu mù quàng có thể mang lại nhiều sự đau khổ, còn tình thương hành xử không đúng cách có thể mang nhiều hiểm họa vào thân.