Cho đến nay tôi không được biết rõ tổng số những tội nhân người Việt đang bị giam giữ trong các trại tù tại Hoa Kỳ là bao nhiêu, nhưng mới đây theo một nguồn tin của một giới chức hàng cao cấp thuộc Sở Di Trú Hoa Kỳ cho biết có khoảng trên 500 tội phạm gốc Á châu gồm Việt Nam, Lào và Cambodge (trong đó người Việt chiếm đa số trên 70%) đang bị tạm giam giữ bởi Sở Di Trú Hoa Kỳ chờ ngày trục xuất về VN, nếu chính quyền VN bằng lòng tiếp nhận những cựu tù nhân này. Sở dĩ được gọi là “cựu tù nhân” vì những người này đã có hạnh kiểm tốt trong thời gian thọ án tại các trại tù và bây giờ gần đến ngày mãn án đáng lẽ họ phải được trả tự do để trở lại cuộc sống bình thường cho đến ngày bản án của họ được coi như hoàn toàn chấm dứt. Nhưng rất tiếc cách đây vài năm, một đạo luật di trú mới được ban hành để áp dụng đối với những trú nhân chưa có quốc tịch Hoa Kỳ, nếu là tội phạm đại hình hay tiểu hình vừa ngày mãn hạn ra tù liền bị tiếp tục giam giữ bởi Sở Di Trú Hoa Kỳ để chờ ngày tống xuất về quê hương cũ của mình.
Vì thế, nói riêng tất cả tội phạm người Việt, nếu chưa có quốc tịch Hoa Kỳ đều bị chung số phận với các tội phạm của các quốc gia khác như đạo luật di trú đã qui định. Rất may là cho đến giờ phút này chính quyền VN vẫn chưa chịu tiếp nhận những tội phạm này trở về nước, nên cách đây hơn một tháng một số đông các tội nhân bị tạm giam trên toàn quốc lần lượt được nhân viên Sở Di Trú Hoa Kỳ đến tận nơi phỏng vấn để giám định lại hồ sơ tội phạm của mỗi đương sự và sẽ đệ trình lên Ủy Ban Tư Pháp thuộc Sở Di Trú Hoa Kỳ để nơi đây cứu xét lại từng trường hợp nào đáng được tạm tha trở về nhà sống với gia đình trong lúc chờ ngày bị trục xuất trở về quê hương cũ. Những cựu tù nhân bị tạm giam trước tiên phải có những điều kiện tối thiểu như sau thì mới được cứu xét:
Ngoài ba điều kiện tiên quyết vừa kể trên đương sự hoặc người thân trong gia đình của đương sự phải có sẵn một số tiền tối thiểu để đóng tiền thế chân cho đương sự hầu tại ngoại bảo đảm với Sở Di Trú Hoa Kỳ rằng khi được thông báo ngày bị trục xuất thì đương sự phải trình diện ngay với Sở Di Trú Hoa Kỳ để lập thủ tục lên đường trở về quê cũ và trước khi lên đường đương sự sẽ được bồi hoàn đầy đủ lại số tiền đóng thế chân trước kia. Được biết số tiền đóng thế chân cho mỗi đầu người cao nhất là 25 ngàn mỹ kim và thấp nhất là 5 ngàn mỹ kim. Tuy nhiên có một số ít trường hợp ngoại lệ được thả ra mà không phải đóng tiền thế chân nhưng ngược lại cũng có rất nhiều trường hợp hội đủ ba điều kiện tối thiểu vừa kể trên nhưng lại không có đủ tiền đóng thế chân nên các đương sự vẫn bị tạm giam tại các trại tù hoặc tại các trung tâm tạm giam. Nói đến đây chắc có nhiều đọc giả thắc mắc muốn biết xem những đương sự này phạm những tội gì nhiều nhất, bao nhiêu tuổi, đã bị ở tù bao nhiêu lâu rồi và những can phạm này trước kia ở VN thuộc thành phần nào trong xã hội v…v… thì tiếp theo đây tôi xin trình bày để qúi độc giả rõ:
Nói đến tội phạm nào nhiều nhất trước tiên phải kể đến tội hút xì ke có tang vật, buôn bán ma túy, trộm cướp, hiếp dâm, đánh lộn nhau có vũ khí gây tử thương hoặc thương tích, hành hung nhân viên công lực, giữ vũ khí bất hợp pháp trong người, ghen tuông gây tử thương hoặc thương tích, hành hạ vợ con có thương tích và còn những tội khác không đáng kể. Những can phạm có số tuổi từ 18 đến 45 và tuổi 18 cho đến 30 chiếm đến 80%. Có can phạm ở tù ít nhất đã 3 năm và nhiều nhất là 15 năm. Các can phạm trẻ tuổi thuộc hàng con cháu của đủ mọi giai cấp trong xã hội trước kia ở VN, nghĩa là những cha mẹ của các can phạm này thuộc giai cấp khá giả có và bình dân cũng có.
Trong nhiều năm với nhiệm vụ làm Tuyên Úy tại trại tù Okalahoma County Jail, tôi đã có nhiều dịp đến thăm các tù nhân tại các trại tù của tiểu bang OK cũng như một số trại tù liên bang ở ngoài tiểu bang OK và tôi đã nghiên cứu khá kỹ lưỡng về những động lực thúc đẩy và tình trạng phạm tội của các bạn trẻ tuổi này thì được biết 30% mồ côi cha mẹ hoặc chỉ còn cha hay còn mẹ, 60% thuộc gia đình đổ vỡ, cha mẹ ly thân hoặc ly dị nhau hoặc cha mẹ vẫn sống chung với nhau nhưng luôn luôn bất hòa nhau, cãi vã nhau trước mặt con cái và cả hai người không có nếp sống gương mẫu cho các con. Số 10% còn lại thuộc gia đình rất đàng hoàng nhưng cha mẹ mắc bận đi làm việc suốt ngày không có thì giờ trông nom dạy dỗ con cái khi các em còn ở bậc tiểu học. Sau đây tôi xin tường thuật lại 3 câu chuyện điển hình cho 3 loại can phạm. Một trường hợp thuộc giới mồ côi cha mẹ, một trường hợp thuộc giới gia đình đổ vỡ, và một trường hợp thuộc giới gia đình đàng hoàng.
Đọc hết 3 câu chuyện trên đây, chắc quý vị độc giả sẽ đồng ý với tôi rằng cả ba can phạm kể trên đều là nạn nhân của các tệ đoan ngoài xã hội hoặc là nạn nhân của sự thiếu dạy dỗ, thiếu sự săn sóc gần gũi của bậc cha mẹ trong gia đình khi các can phạm còn trẻ tuổi nên có những em dưới tuổi thanh thiếu niên đã phạm pháp đủ mọi thứ tội đại hình cũng như tiểu hình mà khuôn khổ của tờ báo không cho phép tôi kể hết các trường hợp phạm pháp ra đây để qúy đọc giả hiểu rõ được. Hơn nữa bài viết này chỉ nhằm mục đích muốn trình bày với đọc giả một khía cạnh tâm lý có tính cách giáo dục các can phạm như tôi sẽ trình bày cùng quý đọc giả ở phần sau đây để hy vọng chúng ta có thể góp phần nào về tinh thần trong việc giúp đỡ và chuẩn bị cho các can phạm người Việt của chúng ta có một đời sống thật sự hoàn lương tốt đẹp sau khi đã mãn hạn tù để trở về nhà với gia đình của họ và để họ sẽ có một cuộc sống ôn hòa không dọa nạt ai, không gây nguy hiểm cho mọi người trong cộng đồng người Việt Nam chúng ta đang sinh sống tại đất khách quê người và cho xã hội Hoa kỳ nói chung.
Qua những năm kinh nghiệm gần gũi trực tiếp với những tù nhân Việt cũng như Mỹ, đặc biệt với những tù nhân người Việt, tôi nhận thấy họ rất cô đơn về tinh thần đang cần được sự thăm viếng an ủi của bất cứ người nào có lòng muốn đến thăm họ dù chỉ là những lời khuyên nhủ ân cần không cần phải đem qùa bánh đến cho họ cũng đủ để làm cho tâm hồn họ bớt đi nỗi cô đơn tẻ lạnh như đang bị người đời hắt hủi chê bai, để cho lòng họ cảm thấy ấm áp lại và những lời an ủi khuyên nhủ của những người đến thăm viếng họ chắn chắn dần dần sẽ làm cho họ phải suy tư, xét lại để hối cãi lòng mình về những hành động sai quấy mà họ đã vô tình hay cố ý làm đau khổ cho những gia đình có thân nhân là những nạn nhân của họ và đồng thời chính họ cũng gây đau khổ cho những người thân yêu ruột thịt ngay trong gia đình của họ. Sự thăm viếng thường xuyên để ủy lạo các anh chị em tù nhân là một điều hết sức cần thiết thực và đầy hữu ích cho họ, để họ có cơ hội chuẩn bị làm lại cuộc đời mới sau khi họ mãn tù.
Để minh chứng cho những lời trình bày của tôi ở trên đây là đúng sự thực, tôi xin thưa để quý đọc giả rõ là những can phạm nào dù Việt hay Mỹ mà tôi đã viếng thăm nhiều lần và tốn nhiều thì giờ để an ủi và khuyên nhủ họ thì sau khi ra tù tôi được biết những cựu tù nhân đó đa số họ sống một cuộc sống hoàn lương khá tốt đẹp, không còn bị mang nặng mặc cảm cho mình là người tội lỗi vô dụng như khi mới vào tù. Còn những can phạm nào mà tôi không có thì giờ đến thăm họ nhiều lần, có khi cả tháng tôi mới gặp lại họ một lần thì tôi được biết sau khi họ ra tù, đa số những can phạm này lại ngựa quen đường cũ vì một phần lớn tôi cho rằng họ thiếu sự an ủi, giáo dục để hồi tâm trở về đường ngay lẽ phải mà họ nghĩ rằng họ đã bị người đời khinh bỉ, chê bai là những kẻ vô dụng và bị bỏ rơi rồi thì bây giờ họ có tiếp tục làm những điều sai quấy nữa thì chẳng có gì họ phải thắc mắc hay đáng tiếc cả ….
Năm ngoái khi tôi đi dự khóa huấn luyện các Tuyên úy trại tù liên bang trên toàn quốc được tổ chức tại Denver thuộc tiểu bang Colorado, tôi được các Tuyên úy ở một vài tiểu bang cho biết là một số trại tù của họ có giam giữ những người Việt, Lào và Cambodge và họ nhận thấy rằng ngoài những người thân ruột thịt của can phạm đến thăm viếng và các vị Tuyên úy thường xuyên đến thăm viếng các can phạm thì họ không thấy có một đoàn thể hay một nhóm nào đến thăm viếng những can phạm này cả. Tôi cũng cho họ biết ở trại tù nơi tôi đang phục vụ thì tình trạng cũng như vậy. Thành ra chúng ta có thể tạm nói rằng những tù nhân người Việt trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ hầu như đang bị quên lãng trong các cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ. Theo tôi lý do mà các cộng đồng người Việt quên lãng những người Việt này cũng dễ hiểu mà thôi vì theo tâm lý hầu hết mọi người không có thân nhân bị tù đều có thể nghĩ rằng những kẻ tội phạm ở tù đều là những cặn bã nguy hiểm cho xã hội nên chẳng ai muốn đến thăm viếng những người này làm gì cho mất thì giờ mà lại vừa lo lắng cho chính bản thân có thể bị nguy hiểm đến tính mạnh nếu chẳng may đang lúc thăm viếng những tù nhân này lại nổi loạn đòi yêu sách thì không biết tính làm sao đây. Điều này chính bản thân tôi trước khi tình nguyện nhận lãnh nhiệm vụ của một Tuyên úy trại tù thì tôi cũng có những cảm nghĩ ghét bỏ và những thành kiến xấu về những tù nhân y như vậy.
Để kết thúc bài viết này, tôi xin được phép trích Phúc Âm theo Thánh Mattheo đoạn 25 có ghi chép lại lời Chúa phán bảo thưởng công cho các người lành rằng: “Khi xưa ta đói, các người đã cho ra ăn. Ta khát các người đã cho uống. Ta là khách lạ các người đã tiếp rước. Ta mình trần các người đã cho mặc. Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm. Ta bị tù đày các ngươi đã đến với ta”. Khi ấy người lành đáp lại rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con thấy Chúa đói mà cho ăn, có bao giờ chúng con thấy Chúa là lữ khách mà tiếp rước, mình trần mà cho mặc, có bao giờ chúng con thấy Chúa yếu đau hay bị tù đày mà chúng con đến viếng Chúa đâu? Chúa đáp lại: “Qủa thật Ta bảo các ngươi: những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta, đấy là các ngươi đã làm cho chính Ta .”