Vấn đề ĐỔI TÊN
Có một số người khi nhập tịch Hoa Kỳ đã đổi tên Việt ra tên Mỹ, vẫn giữ Họ của mình trên chứng chỉ nhập tịch. Nhưng cũng có một số ít người đổi tất cả tên Việt Nam của mình, hoàn toàn sang tên Mỹ.
Vấn đề đổi Tên như vậy tùy thuộc vào nhiều yếu tố tâm lý thầm kín của mỗi cá nhân, tùy thuộc vào những lý do thực tế về công ăn việc làm, cảm nhận thấy cần phải đổi tên Việt thành tên Mỹ.
Sau đây chúng tôi chỉ trình bầy những lý do thực tế nào đã thúc đẩy một số người khi vô quốc tịch đã tự ý xin đổi tên Việt sang tên Mỹ.
Như quý vị đã biết, có nhiều tên tiếng Việt làm người Mỹ không thể phát âm đúng âm điệu, chẳng hạn một người mang họ Ngô, khi người Mỹ phát âm chữ Ngô sẽ thành chữ No của Mỹ, hoặc người mang tên Cư, người Mỹ sẽ phát âm thành chữ “Cu” của tiếng Việt. Tuy nhiên cũng có những tên Việt mà người Mỹ phát âm đúng, nhưng họ lại hiểu sai nghĩa của tên đó. Chẳng hạn như ông An khi họ gọi tên trong danh sách hay gửi thư, họ sẽ gọi là cô An (Ms. An) vì chữ An phát âm giống chữ Ann của Mỹ.
Một số sinh viên Việt mới ra trường, khi nhập tịch đã đổi thành tên Mỹ, một phần vì tên Việt khó cho người Mỹ phát âm, một phần là để khi xin việc làm dễ được cứu xét vì có tên Mỹ dễ đọc, tạo sự chú ý cho người thanh lọc hơn. Thông thường mọi sự xin đổi tên đều được chấp nhận dễ dàng khi vô phỏng vấn nhập tịch tại sở Di Trú Ngoại kiều Hoa Kỳ. Nên nhớ, chỉ những người xin vô quốc tịch mới có quyền đổi tên dễ dàng, bằng không, bất cứ ai kể cả người Mỹ bản xứ, muốn đổi tên mới, đều phải qua thủ tục pháp lý tại các Tòa án địa phương nơi cư ngụ. Việc đổi tên này khá tốn kém, 10 vụ xin đổi tên thì hết 9 vụ phải qua luật sư để hoàn tất hồ sơ khá phức tạp tại Tòa án.
Vậy những ai có ý định đổi tên khi vô quốc tịch, cần suy nghĩ kỹ lưỡng, xem có nên đổi tên Mỹ hay không, kẻo sau này lại hối tiếc, tốn tiền thuê luật sư để thu hồi trở lại tên cũ của mình. Sở Di trú Ngoại Kiều không còn thẩm quyền để chấp nhận đổi tên như lúc đầu nữa. Sở dĩ chúng tôi nêu vấn đề này ra là vì trong nhiều năm đặc trách việc tuyên thệ nhập tịch tại Tòa án Liên bang Hoa Kỳ cho tới nay, nhận thấy cứ 10 vụ đổi tên Mỹ , thì có 6 vụ xin hồi phục lại tên cũ Việt Nam với lý do sau đây:
1/- Có một vị đổi tên Mỹ là “Bob Bùi”. Khi vô sở làm được những người Mỹ đồng nghiệp gọi là Mr. Bob Bùi. Nhưng khi người Mỹ phát âm tên Bob Bùi trước mặt một số người Việt cùng làm chung sở, họ cười ầm lên vì tiếng phát âm chữ Bob Bùi, đối với những người Việt ở thôn quê miền Bắc VN,có mang một ý nghĩa tục tĩu. Trường hợp tương tự, một vị đổi tên Mỹ là Bob Vũ, nhưng khi người Mỹ phát âm chữ Bob Vũ, đã làm cho người Việt làm cùng sở phải phì cười, vì nó cũng mang ý nghĩa tục tĩu như Mr. Bob Bùi. Do đó, mỗi lần gọi tên 2 vị này, họ cảm thấy khó chịu. Chúng tôi lại liên tưởng đến câu chuyện tục đề “Bà nội mắng oan cháu” ở quê nhà trước đây, khi nghe thằng cháu tập đọc câu tiếng Anh ”Did I sing?” ở nhà để luyện đọc cách chia động từ “to sing” thì qúa khứ, thể nghi vấn, khi người cháu đọc lớn câu này lên hai ba lần để xem mình phát âm có đúng giọng không. Nhưng chẳng may Bà nội của cậu bé đi từ vườn vào nhà chợt nghe thằng cháu đọc câu này thì cho rằng nó đang nói câu tục tĩu, liền đến gần quát mắng: “Đồ mất dậy, tại sao mày dám nói “đít ai xinh” hả thằng khốn nạn này. Tao sẽ mách bố mày chiều nay cho mày chết đòn”.
Vì vậy, một số tên tiếng Việt, khi người Mỹ phát âm của chữ nửa Mỹ nửa Việt làm người nghe phải tức cười vì nó mang ý nghĩa tiếu lâm như trường hợp Bob Bùi, Bob Vũ vừa kể trên.
2/- Sau khi đã đổi tên Mỹ lại phải đến Sở An sinh Xã Hội (Social Security Office) cơ quan cấp bằng lái xe,và căn cước, ngân hàng, hãng bảo hiểm, trường học, v.v… để xin đổi tên trong các giấy tờ tùy thân cho đúng với tên hiện tại sau khi đổi tên. Vì chứng chỉ quốc tịch cấm không được trích in lại nên người đổi tên phải thân chinh mang chứng chỉ này đến cơ quan liên hệ xuất trình cho họ xem họ mới chịu sửa đổi tên mới trong hồ sơ giấy tờ liên quan đến cá nhân mình đã cấp phát trước kia. Đồng thời phải đi lại nhiều nơi, có cơ quan ở xa tốn nhiều thì giờ, công sức… Nhiều người cho chúng tôi biết lắm lúc họ như phát điên lên tự trách mình sao lại ngu thế, đổi tên mà làm gì cho khổ sở thế này. Đấy là chưa kể những người đem theo được các giấy tờ quan trọng như bằng cấp ở VN, nay đổi tên lấy ai điều chỉnh tên mới trong văn bằng này được.
Vậy từ kinh nghiệm thực tế này, chúng tôi nhận xét vấn đề đổi tên Mỹ khi vào quốc tịch chỉ cần thiết cho giới trẻ đang còn học hành hay mới ra trường cần có tên Mỹ để tiện dụng về sau trong cuộc sống thuận lợi trên lãnh vực xin việc làm và giao tế thân thiện với đồng nghiệp cũng như với các cơ quan.
Vấn đề điều chỉnh tuổi cho đúng với ngày tháng năm sinh của mình trong giấy khai sinh ở Sở Di Trú Ngoại Kiều cũng dễ dàng được chấp nhận như vấn đề đổi tên trình bầy ở trên. Như chúng ta đã biết, có nhiều trường hợp tuổi ghi sai trong thẻ Thường Trú (Thẻ xanh). Có nhiều nguyên nhân ghi sai tuổi, do người tỵ nạn cũng có, mà do lỗi của cơ quan đại diện chính quyền trong các trại tỵ nạn cũng có. Sau đây là một vài nguyên nhân điển hình cho vấn đề sai tuổi:
1/- Lúc mới đặt chân đến các trại tỵ nạn, vì không am tường về luật lệ an sinh xã hội và quyền lợi dành cho những người già cả nên có một số người lớn tuổi vội khai rút xuống hàng chục tuổi để sau này khi ra khỏi trại sẽ dễ kiếm việc làm nuôi thân hơn là để nhiều tuổi, sợ không ai mướn mình làm.
2/- Những người không biết nói và hiểu tiếng Mỹ nên phải nhờ thông dịch khiến đôi khi thông dịch viên nghe không rõ đã dịch sai năm sanh. Hệ qủa là có người còn trẻ, già đi mấy tuổi, hay ngược lại người nhiều tuổi đã thành trẻ đi mấy tuổi. Có trường hợp sau khi ra khỏi trại, nhìn vào giấy I-94 tuổi con già hơn bố ba bốn tuổi.
3/- Vì tâm thần đang hoảng hốt, rối loạn do lo lắng không biết người thân của mình giờ ở đâu, hay còn bàng hoàng không ngờ mình may mắn trốn thoát được cộng sản… nên khi được giới chức chính quyền hỏi đến ngày tháng năm sinh cứ khai đại cho xong, chẳng cần nhớ đã khai những gì.
4/- Có trường hợp khai đúng ngày tháng năm sinh, nhưng giới chức phụ trách ghi vào hồ sơ sai, cho nên tuổi trong giấy I-94 cũng sai luôn. Vì người đánh máy chỉ căn cứ vào những con số ghi trong hồ sơ để đánh vào I-94. Ngoài ra còn một số ít trường hợp cố tình khai sai vì những lý do thầm kín cá nhân không tiện kể ra đây. Tất cả những trường hợp sai tuổi kể trên, nếu muốn điều chỉnh phải xuất trình cho Sở Di Trú Ngoại Kiều giấy khai sinh hợp pháp bản chính hay giấy trích lục khai sinh bản chính từ Việt Nam gửi qua, để được điều chỉnh tên trong giấy I-94,Thẻ Thường Trú (thẻ xanh), hay Chứng chỉ Quốc tịch.
Sau khi đã được Sở Di Trú Ngoại Kiều điều chỉnh tuổi rồi thì phải đến Sở An Sinh Xã Hội để điều chỉnh hồ sơ thẻ An Sinh Xã Hội. Nơi đây sẽ căn cứ vào sự chấp thuận cho điều chỉnh tuổi của Sở Di Trú Ngoại Kiều mà chấp thuận cho điều chỉnh, dù tuổi điều chỉnh có tăng hay giảm đi cả chục tuổi, và có thể vừa đúng tuổi về hưu để được hưởng tiền già SI (Social Income) dành cho những người đã và đang làm việc tại Hoa Kỳ hoặc được hưởng tiền phụ cấp già SSI (Supplemental Social Income) cho những người chưa từng làm việc tại Hoa Kỳ nhưng đã có đủ 65 tuổi.
Trên thực tế, thông thường thì Sở Di Trú Ngoại Kiều cứ chiếu theo Luật Di Trú để chấp thuận cho những người tỵ nạn thường trú, hay những người có quốc tịch, được quyền nạp đơn xin điều chỉnh tuổi, miễn là đương đơn xuất trình được giấy khai sinh hay giấy thế vì khai sinh hợp pháp (bản chính). Nhờ vậy mà trong nhiều năm gần đây, sau khi có quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Việt Nam, việc giao lưu dễ dàng, nhiều người khi vô quốc tịch đã xin điều chỉnh tuổi thật của mình vì có giấy khai sinh từ Việt Nam gửi qua. Nhưng khi tới Sở An Sinh Xã Hội lắm khi gặp khó khăn khi xin điều chỉnh tuổi dù có xuất trình giấy tờ Chứng chỉ Quốc tịch đã được Sở Di trú cho sửa lại tuổi, Sở An Sinh Xã Hội thường viện ra đủ thứ lý do: nào là giấy khai sinh không hợp pháp, tại sao giấy khai sinh lại bằng tiếng Việt chứ không bằng tiếng Pháp, khi năm sanh vào thời gian Pháp còn đô hộ VN, tại sao không điều chỉnh ngay khi mới tới Hoa Kỳ mà đến giờ này mới xin điều chỉnh v.v...
Thật ra Sở An Sinh Xã Hội trong thâm tâm vẫn cho rằng số người này cố tình đổi tuổi để sớm được hưởng tiền già SI hay tiền SSI . Vì có một số viên chức cơ quan này đã nghi ngờ rằng những người này đã dùng tiền già về VN để mua chuộc giới chức cộng sản để được cấp giấy khai sinh ghi tuổi nhiều hơn, đồng thời cũng cho rằng sở Di Trú dễ dàng cho điều chỉnh tuổi là vì cơ quan này chỉ căn cứ vào giấy khai sinh, thật hay giả không cần biết, miễn giấy khai sinh có đóng triện dán tem do chính quyền cộng sản VN cấp là đủ. Sự chấp nhận này không đem lại điều gì bất lợi cho Sở Di Trú mà còn thâu được lệ phí. Trái lại đối với Sở An Sinh Xã Hội một khi chấp thuận cho đổi tăng tuổi như vậy sẽ trở thành gánh nặng ngân sách An Sinh Xã Hội phải chi trả nhiều hơn cho số người già hưởng tiền già SSI. Do đó Sở ASXH thường tìm đủ cách làm sao ngăn chặn bớt số người hưởng tiền già càng nhiều càng tốt để đề phòng ngân quỹ ASXH không bị thiếu hụt trong tương lai.
Tuy nhiên, nếu việc điều chỉnh tuổi là cho đúng sự thật, với giấy khai sinh hợp pháp 100% , dù khi gặp khó khăn, bị ngăn trở, bị từ chối ở Sở ASXH, người xin điều chỉnh tuổi không nên nản chí mà cần trình bầy lý lẽ để đánh tan sự nghi ngờ của của các viên chức xã hội. Sau đây là một số câu trả lời điển hình hợp lý đối với những câu hỏi nghi ngờ của Sở ASXH.
1/- Tại sao biết sai tuổi trong giấy I-94 đã không xin điều chỉnh ngay khi biết có sự sai tuổi trong giấy tờ của Sở Di Trú?
Có thể trả lời là, ngay khi nhận thấy sự sai lầm này, chúng tôi có đến Sở Di Trú Ngoại Kiều xin điều chỉnh lại năm sanh cho đúng, nhưng bị khước từ vì lúc đó chúng tôi không có giấy khai sanh xuất trình làm bằng chứng. Chúng tôi có giải thích lý do là vì cố thoát thân lánh nạn cộng sản đi tìm Tự do vào những giờ phút nguy hiểm vội vã nên không kịp đem theo được những giấy tờ cần thiết như cơ quan đòi hỏi. Lúc đó chúng tôi được Sở Di Trú cho biết bất cứ bao lâu mà chúng tôi lấy được giấy khai sinh từ VN gửi qua, thi họ sẽ điều chỉnh cho ngay, vì thời gian cho điều chỉnh là vô thời hạn.
2/- Vì sao có sự sai tuổi này?
Vì khi chúng tôi tới trại tạm cư không biết tiếng Mỹ, nên mọi sự khai lý lịch, ngày tháng năm sinh với viên chức chính quyền, chúng tôi đều nói tiếng Việt do đó chúng tôi không biết có sự sai lầm nầy là do lỗi người dịch hay nhân viên ghi chép.
3/- Tại sao khi đến Sở ASXH lần đầu tiên đã không xin điều chỉnh tuổi thật ngay mà đợi đến bây giờ?
Có thể trả lời rằng, khi chúng tôi đến Sở ASXH lần đầu tiên xin làm thẻ ASXH, chúng tôi cũng có yêu cầu nhân viên phụ trách cho phép chúng tôi được điều chỉnh cho đúng ngày tháng năn sinh của mình, song viên chức đó đã không chịu và giải thích rằng họ chỉ căn cứ vào Mẫu I-94 hoặc giấy tờ gì chứng minh của Sở Di Trú Ngoại Kiều cấp phát. Vậy chúng tôi phải chờ cho Sở Di Trú điều chỉnh giấy tờ trước đã, xong rồi cơ quan ASXH mới căn cứ vào đó để điều chỉnh theo đúng tuổi thật.
4/- Tại sao đến hôm nay mới đến xin điều chỉnh tuổi thật?
Câu trả lời có thể là vì nhiều năm trước đây chưa có sự giao thông trực tiếp giữa Hoa Kỳ và VN nên việc nhờ thân nhân ở VN gửi cho giấy khai sanh còn lưu giữ hay nhờ xin cấp phát giấy trích lục khai sinh với chính quyền cộng sản không thể thực hiện được. Sau này khi có bang giao bình thường giữa hai nước, chúng tôi mới xin được giấy tờ khai sinh nộp cho Sở Di Trú Ngoại Kiều và đã được nơi đây điều chỉnh tuổi thật như trong giầy tờ chúng tôi đã nạp cho cơ quan.
Chúng ta nên nhớ rằng hưởng tiền Già là quyền lợi của mọi người khi đến tuổi 65. Vậy nếu tuổi thật của mình đã cao, mà trong giấy tờ quá trẻ, nếu có đủ giấy tờ chứng minh thì nên điều chỉnh tuổi càng sớm càng tốt. Giả sử chúng ta bị cơ quan xã hội khước từ vì lý do nào đó vẫn có 60 ngày kể từ khi nhận được thư khước từ để khiếu nại. Lúc đó chúng ta nên nhờ một luật sư tiến hành thủ tục khiếu nại thì kết qủa sẽ tốt đẹp và mau chóng hơn.