Tiền lỡ trao mà cháo chưa kịp múc, thì đã bị cảnh sát đột nhập vào phòng ngủ tại một khách sạn 3 sao, cả 2 người đều bị dẫn độ về bót cảnh, để lập vi bằng về tội mua dâm bán dâm và khi tới bót cảnh sát, thì 2 người được tách riêng rẽ, mỗi người vào một phòng riêng để chờ được hỏi cung. Người đàn ông sau khi được hỏi cung xong, thẩm vấn viên đã cho đương sự biết, là vì đương sự mới vi phạm lần đầu tiên, nhất lại là Việt kiều hồi hương thăm quê nhà lần đầu tiên, nên nhà nước cộng sản thông cảm, đặc ân khoan hồng, không truy tố đương sự ra toà xét xử, mà chỉ cảnh cáo đương sự, bằng cách cho phép đương sụ chỉ phải đóng tiền phạt (ông không chịu tiết lộ số tiền bị phạt là bao nhiêu) về tội mua dâm với cô gái trên tuổi vị thành niên, nhưng nếu cô gái này dưới tuổi vị thành niên, thì đương sự sẽ phải bị truy tố ra toà xét xử về tội hình sự và sẽ phải lãnh án tù ở trong nhiều năm. Vừa nghe tới đây, đương sự hoảng hồn và thấy mình vẫn còn quá may mắn, tạ ơn Thượng Đế. Thế là sau khi đóng tiền phạt đầy đủ, ông được trả tự do ra về, còn cô gái kia bị buộc vào tội mãi dâm, theo như lời cảnh sát cho biết lúc 2 người bị đưa lên xe trở về bót, thì ông không được biết sự thể ra sao với cô gái đó, vì cô ta không được hỏi cung chung cùng một phòng với ông. Tuy nhiên, căn cứ vào những diễn biến trong câu chuyện được ông kể lại, thì bất luận ai được nghe câu chuyện này, đều tin rằng đây đúng là một vụ gài bẫy có tính toán trước, để ông này phải bỏ của (Mỹ kim) chạy lấy người và may mắn được thoát nạn. Sau đây là diễn tiến sự việc xẩy ra, do đương sự kể lại cho chúng tôi nghe như sau:
Sau 20 năm xa quê hương, đây là lần đầu tiên ông mới có dịp quay trở về thăm quê nhà, để gặp lại một số bà con họ hàng và bạn bè thân thiết vẫn còn sinh sống tại đây. Vì không muốn phiền hà đến bà con họ hàng, nền ông mới thuê một phòng ngủ tại một khách sạn 3 sao, ban ngày đi chơi thăm bà con họ hàng, bạn bè thân thiết, đến tối khuya mới quay trở về khách sạn nghỉ ngơi. Vào một đêm khuya, bớt chợt ông nghe thấy tiếng gõ cửa phòng và ông chưa kịp cất tiếng hỏi xem ai đó, thì ông nghe thấy giọng nói trẻ trung của một cô gái từ ngoài cửa vọng vào, tự giới thiệu cô là quản lý ca đêm của khách sạn, muốn gặp ông để thưa với ông một chuyện cần, ông liền mở cửa phòng và mời cô ta vào. Cô này trông rất xinh xắn, ăn nói nhỏ nhẹ lễ độ, tuổi chừng dưới 20, cô ngỏ ý cho ông biết là cô ao ước muốn được phục vụ ông đêm nay, bằng tất cả tâm hồn và thể xác của cô. Đứng trưóc mặt một bông hoa tươi thắm bằng xương bằng thịt, lại được nghe những lời nói ngọt ngào, bầy tỏ nỗi lòng sẵn sàng dâng hiến thân xác, với cử chỉ dịu dàng duyên dáng của một thiếu nữ xuân thì và ông cứ tưởng rằng mình đang nằm mơ thấy một nàng tiên nữ giáng trần, làm cho lòng ông ngây ngất say mê. Thế rồi cô thỏ thẻ yêu cầu ông hãy trao tặng cho cô tiền lì xì, trước khi hai chúng mình cùng nhau hợp ca bản Ô Mê Ly. Không cần một chút suy nghĩ đắn đo, ông liền đồng ý lời yêu cầu này của cô và ngay tức khắc ông móc ví ra, đếm tiền lì xì, và trao cho cô. Thế rồi cả hai người đang trong tư thế ông Adong bà Evà, để sắp sửa cùng nhau hoà ca khúc Ô Mê Ly, như đã giao ước với nhau, thì bất thình lình có tiếng chìa khoá mở cửa phòng, xuất hiện 2 người mặc quân phục cảnh sát bước vào phòng, trong khi ông và cô nàng còn đang trong tình trạng thoát y. Thật xui xẻo cho riêng ông là tiền đã trao cho nàng, nhưng cháo chưa kịp múc, thì đã bị cảnh sát đột nhập vào phòng bắt quả tang, hết đường chối cãi trước pháp luật, đúng là tình ngay (chưa được sơ múi gì hết) nhưng lý gian (cả hai bị bắt quả tang không có mảnh vải che thân tại chỗ), như vừa mới được kể lại trên đây. Vậy, chiếu theo pháp luật Hoa Kỳ qui định: Nếu hành động mua dâm và bán dâm kể trên, mà xẩy ra tại tiểu bang Oklahoma, thì cả hai đương sự sẽ phải lãnh nhận từ 1 cho đến 2 trong những hình phạt sau đây:
Ngay sau khi ông từ Việt Nam trở về lại Hoa Kỳ, ông nạp mẫu đơn N-400 với Sở Di Trú (CIS) để xin nhập tịch Hoa Kỳ. Trong mẫu đơn này, có ghi nhiều câu hỏi là trong suốt 5 năm vừa qua, có bi bắt giam, có mua dâm bán dâm, hoặc vi phạm bất cứ một tội trạng gì, dù là vi phạm luật giao thông, cũng phải khai ra. Để thực thi câu nói: Thật thà là cha quỷ quái, nên trong mẫu đơn xin nhập tịch Hoa Kỳ, ông đã ghi rõ ngày, tháng, năm và nơi ông bị bắt ở Việt Nam và ông có kèm theo lời giải thích chi tiết rõ ràng, là ông chỉ phải đóng tiền phạt vạ, rồi được thả ra về ngay, chứ không bị câu lưu trong tù một ngày nào. Tuy nhiên trong cuộc sát hạch miệng với vị giám khảo di trú, ông không có đầy đủ giấy tờ chứng minh chi tiết về sự việc này xẩy ra sao và quyết định của giới chính quyền Việt Nam đối với tội phạm này như thế nào, mà ông chỉ có độc nhất tờ biên lai đóng tiền phạt, nên vị giám khảo không cho ông được phép tuyên thệ nhập tịch, mặc dầu ông đã đậu cuộc sát hạch và vị giám khảo cho ông biết: Ông có quyền nạp đơn kháng cáo N-336 ra trước Toà Án Di Trú (US Immigration Court), để xin tái xét trường hợp xẩy ra của ông và xin Quan Toà cho phép ông được tuyên thệ nhập tịch, vì ông đã thi đậu phần khảo sát Anh Ngữ và trả lời đúng những câu hỏi về lịch sử Hoa Kỳ.
Trong trường hợp này, nếu ông có nạp đơn kháng cáo, theo kinh nghiệm cho chúng tôi biết, thì chắc chắn tiền mất tật mang. Vì án phí nạp đơn kháng cáo là $650 Mỹ kim và Quan Toà Di Trú cũng sẽ xét xử để bác đơn kháng cáo của ông ,vì ông không có đầy đủ giấy tờ chứng minh nội vụ đã được nhà cầm quyền Việt Nam tha bổng. Vậy nếu muốn giải quyết vấn đề này, ông chỉ có 2 cách chọn lựa: Một là ông phải có đầy đủ các giấy tờ chứng minh nội vụ đã được giới chính quyền VN tha bổng, để nạp cho sở di trú, như vị giám khảo đã yêu cầu, thì ông có thể được tuyên thệ nhập tịch sớm hay muộn mà thôi. Hai là ông phải chờ đợi thêm 5 năm nữa, để nạp đơn xin nhập tịch lại từ đầu. Vì tất cả những câu hỏi ở trong đơn nhập tịch, chỉ đòi hỏi đương đơn phải khai ra những gì xẩy ra trong vòng 5 năm, tính tới ngày nạp đơn. Còn những gì đã xẩy ra trước 5 năm, thì không cần phải khai.Cũng may cho ông là ông quyết định không nạp đơn kháng cáo vì ông đã tham khảo ý kiến với chúng tôi. Nhờ vậy mà ông đã tiết kiệm được $650 Mỹ kim cho án phí nạp đơn kháng cáo, mà số tiền án phí này đắt hơn gấp 22 lần tiền ông mua cháo chưa kip múc ở Việt Nam, đấy là chưa kể số tiền phạt mà ông phải đóng cho bót cảnh sát tại Việt Nam.
Nói đến vấn đề nạp đơn kháng cáo, làm chúng tôi lại nhớ đến một câu chuyện, cũng tiền mất tật mang, cách đây khoảng hơn 12 năm như sau:
Ông Ba nạp đơn xin nhập tịch cùng một lúc cho 7 người thân trong gia đình của ông và thay vì chỉ có quyền nạp đơn sớm nhất là 90 ngày, trước khi thời gian cư ngụ tại Hoa Kỳ vừa đủ 5 năm, thì ông lại vô tình nạp đơn sớm hơn có 10 ngày, tức là 100 ngày, nên tất cả hồ sơ bị trả về, nhưng tiền đóng lệ phí hồ sơ cho 7 người, trên 2 ngàn Mỹ kim, thì không thấy được trả về. Do đó, khi ông nhận được tất cả hồ sơ xin nhập tịch bị trả về, có kèm theo lá thư của Sở Di Trú giải thích lý do, là tất cả đương đơn trong gia đình chưa hội đủ thời hạn được quyền nạp đơn và trong thư cho biết là ông có thể nạp đơn kháng cáo (được kèm theo đây) với Toà Án Di Trú (Immigration Court), để xin cứu xét vấn đề đơn xin nhập tịch của gia đình ông bị trả về. Thế là ông vội vã nạp đơn và kèm theo tiền lệ phí kháng cáo, mà ông chẳng thèm tham khảo ý kiến với một ai hết về vấn đề kháng cáo này.
Tới ngày ra hầu Toà, vị Chánh Án hỏi ông, là ông có đọc những lời chỉ dẫn trước khi ông điền đơn không? Ông trả lời là thưa có. Vị Chánh Án liền nhắc lại những lời chỉ dẫn trong mẫu đơn nhập tịch cho ông nghe,là gia đình của ông chưa có người nào hội đủ điều kiện thời gian nạp đơn, vì ông đã nạp đơn sớm hơn 90 ngày theo luật lệ qui định và lời chỉ dẫn đã ghi rõ là tiền lệ phí đã đóng rồi, sẽ không được bồi hoàn cho đương đơn vì bất cứ một lý do nào (nhưng hiện nay nếu đơn bị trả về, thì tiền lệ phí cũng được trả về kèm theo đơn), nên vị Chánh Án phán quyết: Vậy đây là hoàn toàn lỗi tại ông, chứ không phải lỗi tại Sở Di Trú. Rốt cuộc cộng thêm tiền án phí kháng cáo nữa, là tổng cộng ông mất vẻn vẹn 3 ngàn đồng. Ông tâm sự cho chúng tôi biết, nếu số tiền trên 2 ngàn đồng lệ phí đã đóng trước kia được trả lại cùng với đơn xin nhập tịch, thì ông đâu có đệ đơn kháng cáo làm gì, vừa mất nhiều thì giờ đi hầu Toà, vừa phải xin tạm nghỉ một ngày làm việc của sở, không được trả lương, lại vừa mất thêm một số tiền đóng án phí kháng cáo nữa, thật không có cái dại nào bằng cái dại này.
Tóm lại, những sự việc xẩy ra trong 2 câu chuyện trên đây, nếu ai trong chúng ta ngày nào còn là thường trú nhân (Permanent Resident), thì ngày đó số phận của chúng ta hoàn toàn tuỳ thuộc vào Sở Di Trú. Nhất là phía nam giới thường trú nhân, khi trở về thăm quê hương, nếu ai chẳng may lỡ bị nàng tiên nữ giáng trần, dụ dỗ vào cơn mê hồn trận, dù chỉ phải đóng tiền phạt vạ cho bót cảnh sát, tương tự như trường hợp của nhân vật trong câu chuyện đầu tiên trên đây, hoặc bị tạm giam chờ ngày ra toà xét xử vì những lý do nào khác, đến khi quay trở về Hoa Kỳ, nhớ đem theo trong người những giấy tờ cần thiết có liên hệ đến nội vụ xẩy ra tại quê nhà, để khi cần phải chứng minh bằng giấy tờ theo sự yêu cầu của Sở Di Trú, thì chúng ta đã có sẵn để nạp cho họ.
Những thường trú nhân cần nên lưu ý một điều chót nữa, là bất cứ một lý do gì mà chúng ta cần phải nạp đơn kháng cáo với sở di trú, chúng ta nên tham khảo ý kiến trước, với những bạn bè hiểu biết về luật lệ di trú, hay với luật sư di trú tư (Private Immigration Lawyer) hoặc với những luật sư di trú bán công, có ghi trong danh sách do Sở Di Trú cung cấp. Vì nếu chúng ta chịu khó tham khảo ý kiến trước khi nạp đơn kháng cáo, như trường hợp thứ nhất của ông Việt kiều về thăm quê hương, bị nàng tiên nữ giáng trần, dụ dỗ đưa ông vào cơn mê hồn trận và nhờ ông đã tham khảo ý kiến với chúng tôi, nên ông đã tiết kiệm được một số tiền khá lớn 650 Mỹ kim, trong lúc tiền bạc rất khó kiếm, vì nền kinh tế Hoa Kỳ đang gặp khó khăn. Trái lại, trường hợp thứ hai của ông Ba, vì không chịu tham khảo ý kiến trước khi nạp đơn kháng cáo, nên ông Ba đã bị mất thêm số tiền án phí nạp đơn, mà không đạt được một kết quả khả quan nào
như ông mong đợi.