Cuộc di tản không tiền khoáng hậu vào những ngày cuối tháng 4-1975 của mấy trăm ngàn người Việt Nam sang Mỹ đã tạo nên nhiều hoàn cảnh ngang trái, éo le, vui buồn lẫn lộn. Vui vì đã tìm được tự do trên xứ người, buồn vì phải xa lìa quê hương yêu dấu, phải xa lìa những người thân yêu nhất đời của mình như: vợ xa chồng, cha mẹ xa con cái hoặc anh chị em ruột thịt xa nhau… tưởng như muôn đời sẽ không được gặp lại nhau nữa. Chính những sự cách mặt xa lòng đó đã gây ra biết bao nhiêu thảm cảnh oái oăm mà trong đó vấn đề pháp lý cần phải được giải quyết sao cho thỏa đáng càng sớm càng tốt.
Thật vậy, như chúng ta thường biết khi một sự việc xảy ra về mặt tình cảm, nhiều khi không có cách gì có thể giải quyết được sự éo le ngang trái của những người trong cuộc. Nhưng nếu chúng ta nói về mặt pháp lý trong câu chuyện tình cảm thì hầu như mọi việc khó khăn trong câu chuyện đều có thể giải quyết được miễn là những nhân vật trong cuộc phải chấp nhận chịu một ít hay nhiều thiệt thòi về phần mình. Có như thế mọi rắc rối trong vấn đề tình cảm mới được giải quyết ổn thỏa cho người chủ động cũng như cho người bị động ở trong cuộc. Sau đây chúng tôi xin kể lại cùng quý độc giả, một trường hợp điển hình trong số 12 trường hợp mà nội dung của sự việc xảy ra cũng tương tự như nhau do chúng tôi thu thập được. Quý vị độc giả sẽ nhận thấy một vấn đề pháp lý trong câu chuyện tình cảm éo le điển hình này cần phải được giải quyết sớm, giúp cho người chủ động trong cuộc dù vô tình hay hữu ý sẽ không bị lương tâm cắn rứt và còn cứu vớt được nhiều người vô tội đang trông đợi từng giờ từng ngày ở quê nhà để được những người thân yêu ở phần đất tự do bên này bảo trợ họ qua sum họp gia đình.
Ông A, một cựu công chức của chính phủ Viêt Nam Cộng Hòa, đã được một trực thăng Mỹ đưa lên hạm đội 7 đang đậu ngoài khơi hải phận quốc tế vào những giờ phút chót trước khi mất nước. Ông ra đi bỏ lại Việt Nam một vợ 4 con. Khi sang tới Mỹ, nhờ trước kia du học ở đây nên ông được một cơ quan tư thu dụng vào làm việc. Sau gần 3 năm ông A làm việc miệt mài chăm chỉ cho quên thời gian tẻ lạnh. Ông sống một cuộc sống gần như tu hành, sang xách ô tô đi tối xách về. Suốt trong thời gian này ông không hề quen biết một người đàn bà nào. Những lúc đêm khuya tuyết rơi lạnh lẽo về mùa đông, ông lại đem hình ảnh người vợ xinh tươi và 4 con yêu dấu của ông ra ngắm nghía để hồi tưởng lại những kỷ niệm êm đẹp xa xưa làm sưởi ấm một phần nào cõi lòng cô quạnh của ông trong căn phòng đơn độc nơi xứ lạ quê người. Ông cho biết nhiều lúc nhìn hình ảnh vợ con trong tấm hình chụp làm ông phải động lòng thương xót mắt nhòa lệ. Nhưng rồi việc gì phải đến cũng sẽ đến, khi buồn thì cũng phải có khi vui và chỉ có thời gian mới có thể chứng minh được lòng mình.
Một hôm trời nắng ấm, ông A tình cờ gặp lại một nữ nhân viên duyên dáng trước kia làm việc cùng một sở với ông tại Việt Nam. Cô kể cho ông nghe là cô sang Mỹ mới được gần một năm. Chồng cô vì là cựu quân nhân trong QLVNCH nên bị đưa ra Bắc cải tạo, không biết ngày nào chồng cô mới được thả về nên cô cùng 2 con của cô đã tìm đủ mọi cách vượt biên để sang được tới đây. Rồi thoạt tiên trong tình đồng nghiệp cũ, hai người thường đi lại thăm hỏi nhau coi như bạn và chỉ trao đổi nhau qua những câu chuyện bâng quơ cho vui. Thỉnh thoảng ông A lại đưa rước 2 con của cô đi shopping riêng với ông. Sau cùng như lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, nhất là lòng ông A đang nguội lạnh từ 3 năm nay, lại gặp luồng điện ái hâm nóng, chắc chắn lòng băng tuyết của ông phải tan theo mây khói. Do đó hai người đã phải lòng nhau như cá cắn câu biết đâu mà gỡ, chim vào lồng biết thuở nào ra và không đầy một năm sau cô nàng đã cho ra đời một cậu bé kháu khỉnh giống hệt ông A như 2 giọt nước. Rồi đi xa hơn nữa ông và cô nàng đã đưa nhau ra tòa án địa phương làm giá thú thành vợ chồng chính thức.
Cuộc sống êm đềm của đội uyên ương chắp nối này đang đi đến độ nồng thắm tuyệt đỉnh là cô sắp sửa tặng thêm cho ông A một tí nhau nữa thì ông A lại nhận được giấy điện tín của vợ ông bên nhà báo cho ông biết là thằng con trai lớn của ông 15 tuổi bị đi lao động công trường đã chết vì sốt rét. Tin này như một tia sét đánh làm lương tâm ông hồi tỉnh lại, tự thú nhận với lòng mình là từ bấy lâu nay ông đã phạm nhiều lỗi lầm quá to lớn đối với vợ con ông ở quê nhà. Vì quá mải mê vui thú bên người vợ chắp nối nay ông đã quên hết nghĩa cũ tình xưa mặc dầu nhiều lần vợ và con ông viết thư cho ông khẩn nài xin ông hãy làm giấy bảo trợ gấp cho vợ con sang sum họp với ông bên này, nhưng ông vẫn đánh ván bài tảng lờ như vậy vì hai lý do: thứ nhất khi ông mới tới Mỹ, ông đã trót khai với cơ quan di trú ngoại kiều ở trong trại tạm cư là ông còn độc thân. Lúc đó ông nghĩ rằng khai như vậy sẽ tránh cho vợ con còn kẹt lại không bị cộng sản làm khó dễ vì cộng sản sẽ không biết được vợ ông có chồng là công chức trung kiên của chính phủ VNCH hiện đang sống ở Mỹ. Thứ hai ông đã lo làm giấy giá thú với người vợ chắp nối ở bên này. Do đó ông cho rằng nếu bây giờ ông làm giấy bảo trợ cho vợ và 4 con của ông sang đây nữa thì quả thật ông không dám làm, vì làm như vậy ông tin rằng ông sẽ gặp rắc rối về mặt pháp lý và có thể bị truy tố ra tòa về 2 tội: tội thứ nhất là tội song hôn và tội thứ hai là tội khai man tình trạng độc thân trong khi đã có vợ và 4 con với cơ quan di trú ngoại kiều là nơi có quyền tài phán.
Trên thực tế ông A từ lúc khởi đầu cho đến cuối đã quá chủ quan để suy đoán như vậy, vì giải quyết một vấn đề tình cảm thì rất khó nhiều khi phải bó tay đầu hàng. Nhưng ngược lại đem giải quyết một sự việc bằng pháp lý thì sự việc đó dù khó khăn đến đâu cũng có thể giải quyết được miễn là chúng ta được hướng dẫn về pháp lý. Nên nhớ rằng chúng ta sang tới đây trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt, không có một sự chuẩn bị tư tưởng cũng như vật chất nên mọi sự sai lầm của chúng ta trên giấy tờ qua lời khai với cơ quan di trú nếu có đều có thể xin điều chỉnh lại cho đúng thực trạng tùy theo trường hợp bằng những lời giải thích hết sức thành thật và hợp lý của chúng ta.
Trong trường hợp trên đây, ông A đã đến nhờ chúng tôi cho ông biết ý kiến và giải pháp nào có thể giúp ông bảo trợ vợ và 3 con của ông sang đây mà ông vẫn không bị rắc rối về mặt pháp lý như ông đã cho chúng ta biết lý do mà ông e sợ nêu trên. Sau khi biết đích thực ông A thật tâm muốn bảo trợ cho vợ con ông sang đây sum họp với ông dù rằng ông đang ở thế mắc kẹt gần có 2 con với người vợ chắp nối bên này. Nhưng dù sao tình xưa nghĩa cũ, vui buồn có nhau, ông không thể quên được, người vợ nết na mà ông đã chung sống hơn 12 năm. Nhất là gần bảy năm trời xa cách, biết bao nhiêu sự đổi thay chua xót ở quê nhà mà vợ ông vẫn một lòng chung thủy nuôi dưỡng 4 đứa con dùm cho ông để hy vọng một ngày đoàn tụ. Hơn nữa đứa con trai đầu lòng của ông là biểu tượng của biết bao kỷ niệm của mối tình đầu giữa ông và vợ ông thì nay đã chết! Sự ra đi vĩnh viễn của nó như một tia sét đánh thẳng vào tim làm lương tâm ông hối hận lẫn ăn năn. Càng nghĩ nhiều về vợ con ông đang sống đói khổ ở quê nhà bao nhiêu thì lương tâm ông lại càng bị dày vò cắn rứt bấy nhiêu vì trong tiềm thức ông vẫn là kẻ chủ mưu phản bội người vợ chung thủy và ông là người cha vô lương tâm vô trách nhiệm với con cái. Nay ông muốn làm tất cả những gì mà ông có thể làm để đem được vợ con sang đây hầu đền bù lại một phần nào những lỗi lầm mà ông đã phạm.
Như chúng ta thường vẫn suy luận và đa số đều cùng đồng một quan điểm cho rằng một khi con người đã làm những điều lầm lỗi mà thú thực rằng chính mình đã làm những điều lầm lỗi đó và tự hứa với lương tâm là sẽ không bao giờ tái phạm những lỗi lầm đó kể như được tha thứ và người đó được kể như đáng thương hơn là đáng trách. Gặp ông A chúng tôi xác nhận với ông A rằng chúng tôi có thể giúp ông A về mặt pháp lý chứ còn về mặt tình cảm thì chính ông phải tự giải quyết lấy. Ông A đã bằng lòng áp dụng theo những lời chỉ dẫn như sau:
Đúng như sự dự đoán của chúng tôi, ông A đã thuyết phục được người vợ chắp nối bằng lòng ly dị theo tất cả những điều kiện của ông đưa ra. Ông A cũng không gặp một trở ngại nào với sở Di Trú ngoại kiều trong việc nạp đơn. Điều đáng mừng là cách đây ít lâu, tôi được biết tin vợ ông A cùng với 3 con đã từ Việt Nam sang Mỹ đoàn tụ với ông qua chương trình ODP. Còn về câu chuyện tình cảm giữa ông A và người vợ chắp nối của ông hiện nay ra sao, thì hoàn toàn chúng tôi không rõ. Trước khi kết thúc câu chuyện ở đây, người viết bài cầu mong sao cho những trường hợp tương tự như trường hợp ông A trên đây tại Hoa Kỳ sớm được giải quyết ổn thỏa để cho những người vợ hiền, những người cha biết thương yêu con cái và những đứa con vô tội mau sớm được sum họp bên nhau nơi phần đất tự do này.