Tại Hoa Kỳ có hai hệ thống chính yếu: Xử án và tổ chức các Tòa án Liên Bang và Tiểu Bang Hoa Kỳ. Hệ thống xử án và tổ chức các Tòa án Tiểu Bang vô cùng phức tạp và đa diện. Vì nó bao gồm nhiều Tòa án địa phương cấp Tỉnh, Quận và Thành phố. Ngoài ra hệ thống xử án và tổ chức Tóa án của Tiểu Bang này đôi khi hoàn toàn khác biệt với Tiểu Bang kia. Trong khi đó hệ thống xử án và tổ chức các Tòa án Liên Bang theo phương thức đồng nhất trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ.
Sau đây chúng tôi lần lượt trình bầy Hệ Thống Xử Án và Tổ Chức Các Tòa Án Liên Bang Hoa Kỳ mà nhiều người trong chúng ta một khi đã nhập quốc tịch thì ít nhất một lần đều phải đến Tòa Án Liên Bang để tuyên thệ trở thành công dân Hoa Kỳ.
Như nhiều người đã biết, Tòa án là một trong những cơ cấu công quyền do chính phủ Liên Bang và chính phủ Tiểu Bang lập ra để giúp dân chúng giải quyết các vụ tranh chấp qua các thủ tục pháp lý.
Những vụ tranh chấp được giải quyết ở Tòa là do sự bất đồng ý kiến giữa người này với người kia về một sự kiện đã xẩy ra. Chẳng hạn như ông A lái xe vượt đèn đỏ đâm đầu vào xe ông B, nhưng ông A vẫn cho là mình phải vì đang chạy xe qua đèn xanh. Hoặc trường hợp khác như vụ đánh cướp trong khi ông C lại có người em song sinh giống nhau như hai giọt nước khiến có sự lầm lẫn thủ phạm. Vậy Tòa sẽ phải điều tra xem sự thực của hai trường hợp vừa kể để phán quyết bản án cho những người thực sự phạm tội. Nếu ông A có lỗi gây ra tai nạn cho ông B thì ông A phải bồi thường một số tiền thiệt hại cho ông B do Tòa quy định. Còn nếu ông C chính là thủ phạm cướp tiền ngân hàng thì ông C phải lãnh án tù ở do Tòa phán quyết.
Như vậy Tòa Án là một trong những cơ quan công quyền đóng một vai trò hết sức quan trọng trong xã hội. Tòa sẽ phán quyết người nào có tội, người nào vô tội, căn cứ trên những bằng chứng xác thực cấu thành tội phạm theo luật. Tòa sẽ phán dậy những hình phạt nặng nhẹ để được thi hành triệt để đối với phạm nhân.Đồng thời Tòa án cũng là nơi giúp dân chúng giải quyết những vụ tranh chấp riêng tư giữa người này với người khác trong tinh thần hòa giải công bằng và hợp lý.
Đôi khi chúng ta cũng thấy có những phán quyết của Tòa gây nhiều tiếng vang và làm ảnh hưởng đến tâm lý quần chúng một cách mạnh mẽ và sâu rộng hơn là đến những cá nhân nguyên cáo hay bị cáo trong vụ án.
Thật vậy, vào năm 1965 tại Tiểu Bang Iowa có 3 học sinh bị tạm đuổi không cho đến trường học. Lý do là vì cả 3 học sinh này khi đi học đã đeo băng đen ở cánh tay để tỏ thái độ chống đối chiến tranh Việt Nam. Ba học sinh này đã kiện nhà trường ra Tòa vì làm như vậy với họ là trái luật. Tòa án Tối Cao của Tiểu Bang Iowa sau khi cứu xét kỹ càng đã phán quyết việc nhà trường đuổi học ba học sinh này là vi phạm quyền tự do bầy tỏ quan điểm cá nhân hay của đoàn thể do Hiến Pháp Hoa Kỳ đã quy định. Và phải thu hồi lệnh đuổi và thu nhận 3 học sinh này trở lại đi học như thường. Bản phán quyết này của Tòa Án đã gây một ảnh hưởng tâm lý sâu rộng trong quần chúng trên toàn nước Mỹ lúc bấy giờ liên quan đến quyền tự do bầy tỏ quan điểm cá nhân hay hội đoàn trong tinh thần ôn hòa và trật tự. Trong một vụ án khác về trường học xẩy ra tại Tiểu Bang Kansas giữa phụ huynh học sinh kiện Sở Giáo Dục của thành phố Topeka. Tòa đã phán quyết việc Sở Giáo Dục của thành phố này bắt buộc trẻ em da đen phải học riêng trường là vi phạm Hiến Pháp Hoa Kỳ.
Trong phần mở đầu bài này chúng tôi đã trình bầy là có 2 Hệ Thống Xử Án và Tổ Chức Các Tòa Án Của Tiểu Bang và Liên Bang Hoa Kỳ. Cả hai loại này đề bắt nguồn từ đặc tính pháp trị của Hiến Pháp Hoa Kỳ mà người ta gọi là chính sách cai trị Liên Bang. Chính sách này dành một số nhiệm vụ cho chính phủ Liên Bang Hoa Kỳ. Trong khi phần lớn các nhiệm vụ khác cũng không kém phần quan trọng lại dành cho chính phủ các Tiểu Bang. Những nhiệm vụ này mang tính cách bảo vệ Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ bao gồm 50 Tiểu Bang. Chẳng hạn việc giữ gìn an sinh sạch sẽ các sông ngòi, bảo vệ quốc phòng và giám sát tất cả những công việc thuộc về tài sản quốc gia. Còn chính phủ của các Tiểu Bang thì thi hành các nhiệm vụ riêng của từng Tiểu Bang, như điều hành trường học, giữ gìn an ninh trật tự của Tiểu Bang, xây cất và bảo trì cầu cống, đường xà của Tiểu Bang.
Riêng Tòa Án Liên Bang Hoa Kỳ có trách nhiệm phải giải quyết những vụ tranh chấp có liên quan đến Hiến Pháp và Luật Lệ do Quốc Hội Hoa Kỳ đã chung quyết ban hành. Tòa án Tiểu Bang trong khi xét xử các vụ kiện phải áp dụng đúng theo Hiến Pháp và Luật Lệ của Tiểu Bang mình, nhưng không được trái với tinh thần pháp lý của Hiến Pháp và Luật Lệ mà Quốc hội Hoa Kỳ đã ban bố.
Trong việc tổ chức các Tòa Án Liên Bang thì Tòa Án Liên Bang Khu là nhiều hơn cả. Quốc Hội Hoa Kỳ đã phân chia lãnh thổ Hoa Kỳ ra làm 94 Khu, mỗi Khu có một Tòa Án Liên Bang Khu (United States District Court). Các Tòa Án Khu đặt trực thuộc dưới quyền 12 Tòa Án Miền (Regional Circuit). Nếu một vụ kiện bị xử thua ở Tòa Án Liên Bang Khu, thì bên thua có thể kháng cáo bản án lên Tòa Án Liên Bang Miền xin tái xét xử để xem bản án cấp Khu có xử đúng luật hay không.
Tòa án cao nhất Hoa Kỳ là Tòa Án Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ (The Supremcourt of the United States) tọa lạc tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn. Tòa án này nổi tiếng nhất nước Mỹ và là quyền lực tư pháp cao nhất nước Mỹ. Một vụ kiện bị xử thua ở Tòa Án Liên Bang Khu, thì được quyền chống án lên Tòa Án Liên Bang Miền để xin tái thẩm; nếu Tòa Án Liên Bang Miền vẫn xử y án của tòa dưới, vẫn có thể thượng tố lên Tối Cao Pháp Viện Liên Bang Hoa Kỳ xin xét xử lại bản án của Tòa Án Liên Bang Miền. Tuy nhiên không giống như Tòa Án Miền, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ rất ít khi xét xử lại những bản án do Tòa Án Liên Bang Miền đã phán quyết.
Nhiều người trong chúng ta ít để ý đến sự khác biệt giữa vụ kiện về hình sự (Criminal case) với vụ kiện về dân sự (Civil case).
Vụ kiện về hình sự là một người hay nhiều người bị chính quyền truy tố ra Tòa về những hành động phạm pháp có thể gây nguy hại cho cả một tập thể quần chúng trong xã hội chứ không riêng chỉ làm nguy hại cho một cá nhân nào đó mà thôi. Một khi Tòa án hay Bồi Thẩm Đoàn đã kết tội bị cáo là thủ phạm thì đương sự sẽ lãnh án phạt tiền hay phạt tù hoặc án treo. Trước khi một tội phạm về hình sự bị đưa ra Tòa xét xử, phạm nhân phải được xác nhận trước Bồi Thẩm Đoàn là đương sự thực sự phạm tội, hoặc được xác nhận bởi những nguồn tin đáng tin cậy do các nhân chứng cung cấp, xác nhận chính đương sự là thủ phạm. Sau đó chính quyền có trách nhiệm nhân danh xã hội truy tố hành động phạm pháp của đương sự ra trước Tòa án để được xét xử công khai trước quần chúng chứ không không phải trách nhiệm của nạn nhân trong vụ án đòi truy tố phạm nhân ra Tòa. Đôi khi có những vụ án về hình sự chỉ có phạm nhân mà không có nạn nhân. Chẳng hạn chính phủ Liên Bang có thể truy tố ra Tòa những người nào mà chính phủ nghi ngờ là làm gián điệp cho địch gây nguy hại cho cả nước Hoa Kỳ; cũng như chính phủ của các Tiểu Bang có thể bắt giữ và truy tố ra Tòa những người bị nghi ngờ là say rượu hay uống rượu trong lúc lái xe để gây tai nạn chết người vô tội đang đứng trên lề đường, vốn là một tai họa lớn cho xã hội.
Những vụ kiện về dân sự có thể của cá nhân hay hội đoàn, hãng xưởng kiện nhau ra Tòa vì một bên (party) đã bội ước vi phạm lời cam kết, hoặc một bên không thi hành nghiêm chỉnh trách nhiệm pháp lý của mình. Nói một cách rõ hơn là chúng ta sống trong một xã hội, mọi người đều có bổn phận, trách nhiệm pháp lý về tinh thần cũng như vật chất như: không được làm tổn thương đến danh dự người khác và cũng không được làm thiệt hại đến thân thể người khác, dù trực tiếp hay gián tiếp do sự bất cẩn của mình. Chẳng hạn một người hàng xóm ở cạnh nhà bạn đã bất cẩn vất vỏ chuối trên lề đường trước cửa nhà họ và bạn đi qua vô tình dẵm chân lên vỏ chuối bị trượt té xuống đường làm bạn gẫy xương hông phải vào nhà thương điều trị. Bạn có thể kiện người hàng xóm đó ra Tòa dân sự để đòi bồi thường sự thiệt hại về vật chất do sự bất cẩn của đương sự gây ra. Nếu bạn thắng kiện, người hàng xóm đó sẽ không phải đi tù hay bị Tòa phạt vạ, nhưng Tòa sẽ phán quyết bị can phải trả một số tiền để bạn trang trải tiền bác sĩ và nhà thương .v.v...
Một vụ kiện dân sự khác về bội ước giao kèo như: Một tiệm bán đồ gỗ cho một hãng thầu xây cất nhà cửa với giá đặc biệt, có giao hẹn ngày giao hàng. Nhưng rồi tiệm bán gỗ đã thất hẹn, tới ngày giao hàng hãng xây cất vẫn không nhận được gỗ, buộc lòng hãng phải đi mua gỗ ở nơi khác với giá mắc hơn để kịp xây cất nhà cho khách hàng. Sau đó, hãng thầu kiện tiệm gỗ ra Tòa về tội bội ước để đòi bồi thường số tiền thiệt hại phải mua gỗ nơi khác mắc hơn.
Tới đây chúng ta cũng nên tìm hiểu xem những vụ tranh tụng nào được đưa ra xét xử tại các Tòa án Tiểu Bang trên khắp đất nước Hoa Kỳ, vốn là hệ thống Tòa án giữ một vai trò hết sức quan trọng trong việc điều hành và thực thi công lý cho mọi công dân.
Trên thực tế, hầu hết các vụ tranh tụng đều được xét xử tại các Tòa án Tiểu Bang và các Tòa án này tiếp xúc hàng ngày với dân chúng nhiều nhất. Nếu ai trong chúng ta phải đi hầu Tòa với tư cách nguyên cáo (plaintiff), bị cáo (defendant), nhân chứng (witness) hay với tư cách bồi thẩm (jury) v.v… thì 90% những người này phải đến tiếp xúc với Tòa án Tiểu Bang và chỉ có 10% là đến Tòa án Liên Bang, thường là trong các vụ cướp bóc, hành hung người gây thương tích và những vụ vi phạm luật giao thông.
Nhờ vào quyền tài phán vô giới hạn theo như Hiến Pháp Hoa Kỳ đã qui định cho các Tiểu Bang, và Hiến Pháp của mỗi Tiểu Bang cũng dành quyền tài phán cho các Tiểu Bang mình, nên các Tòa án Tiểu Bang thường chọn quyền xét xử hầu hết các vụ kiện cáo xẩy ra trong Tiểu Bang mình.
Trong nhiều năm gần đây, con số kỷ lục các vụ kiện cáo hàng năm do các Tòa án Tiểu Bang xét xử được ước lượng khoảng 29 triệu vụ. Đó là chưa kể đến những vụ án về giao thông công cộng và những vụ phạt vi cảnh vì đậu xe bừa bãi. Ngược lại cũng trong cùng thời gian đó, hàng năm chỉ có khoảng hơn một triệu vụ án được xét xử tại Tòa án Liên Bang mà thôi. Trong khi phải kể đến một nửa tổng số những vụ án đó đều thuộc về phá sản (bankruptcy) và chỉ có một phần mười của tổng số trên một triệu vụ là những vụ án tiểu hình (minor criminal cases). Do đó con số các vị quan tòa ngồi xử án của hai hệ thống xử án Tiểu Bang và Liên Bang cũng rất là cách biệt nhau khá xa. Khoảng gần 30 ngàn quan tòa (judges) thuộc Tòa án Tiểu Bang trong khi chỉ có gần một ngàn năm trăm quan tòa Liên Bang (federal judges) bao gồm luôn cả những quan tòa phụ thẩm (US magistrates).
Như đã trình bầy trong phần mở đầu của bài này là các quan tòa Liên Bang không có quyền tài phán rộng rãi (broad jurisdiction) như các tòa án Tiểu Bang. Do đó Hiến Pháp Hoa Kỳ đã qui định giới hạn những loại tranh tụng nào Tòa án Liên Bang mới có thẩm quyền. Chẳng hạn Tòa án Liên Bang chỉ có thẩm quyền xét xử những vụ tranh tụng mà một bên (party) là chính phủ Hoa kỳ, những vụ kiện liên quan đến các hành động vi phạm Hiến pháp Hoa Kỳ hoặc những vụ vi phạm đến luật lệ Liên Bang (federal laws); những vụ kiện liên quan đến các nhà ngoại giao đại diện cho các quốc gia khác; Một số vụ án đặc biệt về phá sản hay những vụ tranh tụng về tai nạn xẩy ra trên biển. Ngoài ra, Tòa án Liên Bang còn xét xử những vụ tranh tụng dựa vào những nguyên tắc pháp lý căn bản của Tiểu Bang mà cả hai bên (both parties) bị cáo cũng như nguyên cáo đều không cùng cư trú trong một Tiểu Bang, nói cách rõ ràng hơn là mỗi bên cư ngụ ở một Tiểu Bang khác nhau. Có một số vụ tranh tụng đôi bên có thể chọn lựa xin Tòa Liên Bang hoặc Tiểu Bang xét xử, nhưng những trường hợp như vậy thường rất hiếm.
Hầu hết các vụ tranh tụng do Tòa án Liên Bang xét xử đều là những vụ về dân sự (civil cases) nhiều hơn là những vụ hình sự (criminal cases). Như chúng ta biết Quốc Hội Hoa Kỳ đã biểu quyết và thông qua đạo luật ấn định quyền hạn cho các vị chủ nhân của các cơ quan công cũng như tư là không được quyền từ chối thuê mướn nhân viên hay nhân công chỉ vì lý do khác biệt chủng tộc (race), khác phái tính (sex) hoặc vì có những đặc tính khác biệt liên hệ đến việc thừa hành công việc (job performance).
Chúng ta hãy đem một trường hợp tranh tụng về dân sự như: Có một công nhân nạp đơn tại Tòa án Liên Bang đòi truy tố một hãng xưởng vì đã không thi hành nghiêm chỉnh đạo luật vừa kể trên, là đã từ chối không chịu thu dụng đương sự vào làm việc cho hãng chỉ vì đương sự là đàn bà. Hãng này cho đương sự biết là chỉ thuê mướn đàn ông thôi, viện cớ là những công việc của hãng đều là những công việc nặng không thích hợp cho đàn bà. Một vụ tranh tụng khác về dân sự tại Tòa án Liên Bang như đương đơn khiếu nại là bị cơ quan công quyền từ chối không cho hưởng quyền lợi trợ cấp an sinh xã hội đúng theo luật lệ đã ban hành mà đương đơn cho rằng mình đủ điều kiện để được hưởng tiền trợ cấp đó. Lại một vụ tranh tụng khác như đương đơn khiếu nại tại Tòa là có một hãng bán những sản phẩm tương tự như sản phẩm của họ tại một địa phương.
Một số đơn khiếu nại (complaint) tại Tòa án Liên Bang do các luật sư đệ nạp thay mặt cho dân chúng để yêu cầu Tòa xét lại những quyết định và việc làm của một số cơ quan hành chánh Liên Bang (federal administrative agencies) xem đúng hay sai, cũng được kể như là những vụ tranh tụng về dân sự. Thí dụ như những cơ quan bảo vệ những khu vực lân cận khỏi bị ô nhiễm (the environmental protection agency), đã cho phép một xưởng chế tạo giấy được quyền đổ những nước dư thừa từ trong máy làm giấy ra con sông nằm trong khu vực có dân cư, đã bị dân chúng trong khu vực đó chống đối quyết liệt và làm đơn khiếu nại tại Tòa xin xét xử quyết định cho phép của cơ quan chính quyền có hợp pháp hay không. Những vụ khiếu nại xin Tòa xét lại những quyết định cấp giấy phép của một số cơ quan chính quyền đều được xét xử tại các Tòa Án Liên Bang Vùng (US Circuit Courts Of Appeals) chứ không phải xử ở Tòa Án Liên Bang Khu (US District Courts).
Chúng ta cần biết lý do tại sao các vụ tranh tụng về dân sự được xét xử tại Tòa Án Liên Bang lại nhiều hơn các vụ tranh tụng về hình sự được xét xử tại các Tòa án Tiểu Bang. Là vì Hiến Pháp Hoa Kỳ đã qui định dành quyền cho Tòa án Tiểu Bang xét xử hầu hết những hành động phạm pháp về hình luật. Ví dụ hành động cướp bóc là tội hình. Vậy luật nào đã qui định hành động cướp bóc là tội hình? Xin thưa rằng hầu hết các luật Tiểu Bang (states laws) đều qui định rõ hành động cướp bóc là phạm trọng tội theo hình luật, trong khi chỉ có rất ít luật Liên Bang qui định hành động cướp bóc các ngân hàng có ký quỹ tiền bảo hiểm với chính quyền Liên Bang là phạm trọng tội (felony). Còn một số trọng tội khác được qui định trong luật Liên Bang như chuyển dịch cần sa từ nước ngoài vào nội địa Hoa Kỳ và việc sử dụng hệ thống bưu điện Hoa Kỳ để xâm nhập và tiêu thụ số hàng bất hợp pháp này.
Các Tòa án Liên Bang cũng xét xử những vụ án khai phá sản, khánh tận (Bankruptcy) và những vụ án này sẽ do những quan tòa chuyên biệt về phá sản xét xử (Bancrytcy Judges). Các vị quan tòa này sẽ phán quyết và đặt kế họach phân phối tài sản còn lại cho các chủ nợ. Nhiều vụ án phá sản con nợ đã không trả lại cho chủ nợ một đồng xu nào cả vì con nợ không còn gì để lại cho Quan Tòa phân phối cho chủ nợ, nên Tòa phán truyền cho con nợ không phải hoàn trả cho chủ nợ bất cứ món nợ nào và kể từ nay con nợ được quyền khởi sự lập lại sự nghiệp mới (fresh start) mà không còn sợ ai đến đòi nợ nữa.
Như ta thấy, mặc dầu tổng số các vụ kiện tụng được xét xử tại Tòa án Liên Bang thì quá ít ỏi so với tổng số khổng lồ các vụ kiện cáo được xét xử ở các Tòa án Tiểu Bang, nhưng các vụ án Liên Bang có tầm mức gây ảnh hưởng tâm lý quần chúng mãnh liệt hơn trên khắp lãnh thổ Hoa Kỳ và đôi khi gây tiếng vang khắp thế giới. Bởi vì Tòa án Liên Bang đã áp dụng luật lệ Liên Bang đúng theo Hiến Pháp Hoa Kỳ đã qui định và đồng thời bảo vệ triệt để các quyền lợi của Chính phủ Liên Bang Hoa Kỳ.
Khởi đầu một vụ tranh tụng về dân sự tại tòa là do một người hay nhiều người, hoặc luật sư đại diện cho thân chủ đến nạp đơn khiếu nại tại văn phòng tố tụng tại Tòa án (office of Court clerk). Đơn khiếu nại tố giác hành động sai lầm của đối phương. Người đứng đơn khiếu tố được gọi là đương đơn hay nguyên đơn (plaintiff), và người bị tố giác là bị đơn (defendant). Đó là những danh từ chuyên môn đã được các Quan Tòa và Luật Sư gọi tên trong các cuộc tranh luận trước tòa.
Sau khi đương đơn nộp đơn khiếu nại tại tòa thì bị đơn có một thời gian để nạp đơn trả lời cho nguyên đơn về đơn kiếu nại đó. Sau đó, những giấy tờ được đệ nạp cho văn phòng tố tụng của cả đôi bên để đôi bên trả lời nhau gọi là những dân chứng biện minh (pleadings). Ngược lại, khởi đầu cho một vụ án về hình sự thì hết sức phức tạp và tốn kém tiền bạc. Vì ngay từ phút đầu, vị luật sư đại diện cho ngành hành pháp của chính phủ Liên Bang gọi là Biện Lý (US Attorney) hoặc phụ tá Biện Lý (Assistant Attorney) phải trình bầy tất cả các dữ kiện cho bồi thẩm đoàn của Liên Bang (Federal Grand Jury) biết rõ các chi tiết chứng cớ chứng minh là bị cáo có phạm tội; và ngay khi vị Biện Lý hay Phụ tá Biện Lý trình bầy như vậy trước Bồi Thẩm Đoàn, thì bị cáo có thể đã bị bắt tống giam hoặc có thể chưa bị truy nã, tống giam. Đôi khi vị Biện Lý phải cố gắng thuyết phục Bồi Thẩm Đoàn cùng đồng ý là bị cáo đã phạm tội và lời buộc tội này phải được công bố chính thức. Nếu Bồi thẩm đoàn đồng ý với Biện Lý thì sẽ ra một quyết nghị chính thức buộc tội bị cáo gọi là biên bản buộc tội hay cáo trạng (indictments).
Như trên đã trình bầy, một khi Bồi Thẩm Đoàn cùng đồng ý với Biện Lý là bị can đã phạm tội, thì Bổi Thẩm Đoàn ký vào bản cáo trạng buộc tội. Nhưng chúng ta nên phân biệt có hai loại Bồi Thẩm Đoàn: Một là Đại Bồi Thẩm Đoàn (Grand Jury) hai là Tiểu Bồi Thẩm Đoàn (Petit Jury). Đại Bồi Thẩm Đoàn thảo luận để đi đến một quyết định là bị can phạm tội hay không phạm tội. Nếu bị can có tội thì Bồi Thẩm Đoàn phải ký vào bản cáo trạng buộc tội để tiến hành thủ tục truy tố bị can ra trước Tòa xét xử. Tiểu Bồi Thẩm Đoàn thì trực tiếp tham dự trong các phiên Tòa xử án, để nghe những chứng cớ và lời buộc tội được trình bầy trong phiên xử. Do đó Tiểu Bồi Thẩm Đoàn còn được gọi là Bồi Thẩm Đoàn Xử Án (Trial Jury). Bồi Thẩm Đoàn Xử Án gồm từ 6 đến 12 người, còn Đại Bồi Thẩm Đoàn có từ 16 đến 23 người.
Sau khi Đại Bồi Thẩm Đoàn đã chính thức công bố bản cáo trạng buộc tội bị can, thì án lệnh truy nã bắt giam bị can được thi hành ngay, nếu bị can còn tại đào. Sau đó, văn phòng Biện Lý tiến hành thủ tục sắp xếp (Arrangement) cho bị can trình diện trước Quan Tòa để nghe những lời buộc tội của luật sư đại diện Công Tố Viện và bị can được quyền trả lời có nhận hay không nhận tội. Nếu bị can nhận tội thì ngày giờ sẽ được ấn định để dẫn bị can trở lại phiên tòa nghe Quan Tòa tuyên án. Trong trường hợp bị can không nhận tội như trong bản cáo trạng đã buộc tội bị can, thì bị can sẽ được xét xử trong phiên tòa kế tiếp do Quan Tòa ấn định ngày giờ xử.
Bản cáo trạng của Đại Bồi Thẩm Đoàn hầu hết đều là tội phạm đại hình (felonies), còn những tội phạm tiểu hình (misdemeanors) đều do Biện Lý đại diện Công Tố Viện truy tố bị can ra trước Tòa mà không cần bản cáo trạng của Đại Bồi Thẩm Đoàn. Những tội phạm tiểu hình như làm mất an ninh trật tự công cộng thì thuộc Tòa án Tiểu Bang xét xử. Lái xe quá tốc độ gây tai nạn trên xa lộ Liên Bang hoặc trong các công viên của Liên Bang thì thuộc Tòa án Liên Bang xét xử.
Mặc dầu ai cũng có quyền kiện nhau ra Tòa để xin công lý xét xử những vụ tranh chấp nhau về dân sự; cũng như Công Tố Viện đại diện chính quyền truy tố các can phạm về hình sự, nhưng chúng ta nên nhớ rằng mỗi lần kiện cáo nhau ra Tòa là cả một vấn đề gây tốn kém tiền bạc cũng như thời giờ. Hơn nữa, khi phải hầu Tòa cả đương cáo cũng như bị cáo đều lo sợ hồi hộp theo dõi phiên xử không biết mình sẽ thắng hay thua kiện đây. Do đó, nếu tính theo tỷ lệ dân số thì đã có rất ít người muốn kiện cáo nhau.
Có nhiều hồ sơ kiện cáo nhau ở Tòa, nếu Quan Tòa thấy các dữ kiện ghi trong hồ sơ quá rõ ràng và đầy đủ các yếu tố chính xác để xét xử, thì Quan Tòa không cần phải ấn định một phiên xử mà chỉ căn cứ vào các dữ kiện đó mà ban hành một án lệnh (Summary Judgement) cho một bên (party) được quyền thi hành án lệnh này, hoặc ban lệnh hủy bỏ đơn cáo giác (Complaint) những hành động bất hợp pháp của bị cáo. Vì thế cứ 10 vụ kiện cáo về dân sự (civil) thì chỉ có một vụ được đưa ra trước Tòa xét xử, 9 vụ còn lại thường do đôi bên đồng ý thương lượng đi đến thỏa thuận êm đẹp với nhau để chấm dứt vụ kiện, hoặc do chính Tòa hủy bỏ (Dismiss) các đơn kiện đã được đệ nạp tại Tòa; Cùng một tỷ lệ tương tự như vậy đối với các vụ án về hình sự. Các bị can thường có khuynh hướng nhận tội hơn là chối tội. Vì nếu chối tội, các bị can rất sợ phải đứng trước vành móng ngựa để trả lời những câu hỏi hóc búa của Quan Tòa và của Luật Sư đại diện Công Tố Viện. Khi chúng ta đang chứng kiến một phiên tòa xét xử một tội nhân, những gì chúng ta nghe và thấy chỉ là một phần nhỏ của vụ án, phần khác hết sức quan trọng mà chúng ta không thấy rõ đó là sự diễn tiến vấn đề pháp lý then chốt của vụ án.
Mục đích chính yếu của các phiên tòa xét xử các vụ truy tố thủ phạm về hình sự là để tìm ra sự thật của nội vụ xem có đúng như bản cáo trạng buộc tội của Đại Bồi Thẩm Đoàn hay không. Riêng các phiên tòa xét xử các vụ kiện dân sự, là để giải quyết những tranh chấp về quyền lợi của mỗi bên, những lời giao ước của đôi bên có được thi hành nghiêm chỉnh theo đúng trách nhiệm pháp lý đã quy định hay không.
Nếu đôi bên không chịu thỏa thuận giải quyết nội vụ qua các luật sư đại diện, và nếu kẻ phạm pháp đại hình không chịu nhận tội thì bắt buộc Tòa Án phải ấn định một phiên xử kế tiếp để xét xử tội phạm. Trong trường hợp như vậy, bị can có quyền đòi hỏi phiên tòa xử phải có Bồi Thẩm Đoàn để thảo luận và tìm hiểu xem những lời buộc tội bị can của Công Tố Viện có đúng sự thật hay không. Chúng ta nên nhớ rằng sau khi Bồi Thẩm Đoàn quyết định bị can có tội (Guilty) hay không có tội (Inguilty) còn ban bố bản án nặng hay nhẹ là do quyền quyết định của Quan Tòa. Nếu bị can quyết định chọn phiên tòa xử không cần Bồi Thẩm Đoàn thì quyền tuyên án nặng hay nhẹ hoặc tha bổng là quyền của Quan Tòa (Bench Trial). Nhưng cho dù bị can chọn lựa loại phiên tòa nào xử đi chăng nữa, xử bởi Bồi Thẩm Đoàn (Jury Trial) hay xử án bởi Quan Tòa (Bench Trial), thì tất cả hệ thống pháp lý (legal Standards) được đem áp dụng trong việc xét xử đều do Quan Tòa quyết định. Vì nếu chọn xử án bởi Bồi Thẩm Đoàn thì trước khi Bồi Thẩm Đoàn đi vào phòng họp riêng để thảo luận vấn đề (Deliberation) xem bị cáo có tội hay không, tất cả Bồi Thẩm Viên đều được Quan Tòa hướng dẫn tường tận về luật lệ sẽ được áp dụng cho nội vụ, để giúp Bồi Thẩm Đoàn có một khái niệm tổng quát về vấn đề pháp lý của nội vụ.
Chẳng hạn như Quan Tòa sẽ giải thích cho Bồi Thẩm Đoàn biết rõ ràng dùng súng mà không có đạn ở bên trong để đi đánh cướp cửa tiệm thì cũng giống như dùng súng có lên đạn sẵn để đi cướp một cửa tiệm. Nói rõ hơn là cả hai trường hợp đi đánh cướp một cửa tiệm trong hai trường hợp này đều như nhau trong vần đề pháp lý. Nhưng Bồi Thẩm Đoàn phải thảo luận để tìm hiểu xem có đích thực bị can là kẻ đến tiệm đó ăn cướp và chính bị can có dùng khẩu súng đó hay không.
Theo truyền thống ngành tư pháp Hoa Kỳ, người ta tin rằng Tòa án Hoa Kỳ đã và đang dùng một phương pháp hiệu nghiệm nhất để tìm ra sự thực của nội vụ được gọi là phương pháp đối chất (Adversary Process). Trong phương pháp này mỗi bên tranh luận nhau bằng cách trình bầy các dữ kiện và những lý lẽ xác đáng nhất của mình để làm sao cho Quan Tòa hay Bồi Thẩm Đoàn nhìn thấy và hiểu rõ đâu là sự thực của nội vụ. Mỗi bên khi trình bầy đều nhấn mạnh đến những khía cạnh pháp lý để đưa ra những ưu điểm xác thực nhất của sự việc hầu hổ trợ cho lý lẽ xác đáng của mình và moi ra những khuyết điểm vô lý của đối phương vừa mới trình bầy.
Quan Tòa hoặc Bồi Thẩm Đoàn sẽ căn cứ vào những chứng cớ hiển nhiên để giải quyết nội vụ qua hai loại dữ kiện: Một là chứng cớ vật thể như tranh ảnh, giấy tờ, bút tích và những vật dụng. Hai là lời khai của các nhân chứng đã được các luật sư hỏi cung. Tuy nhiên, Quốc Hội Hoa Kỳ đã thiết lập một hệ thống khác biệt trong các vụ án hình sự cũng như dân sự để quyết định đâu là sự thật của nội vụ. Các vụ án hình sự tại các Tòa Án Liên Bang cũng như tại các Tòa Án Tiểu Bang, bị can chỉ có thể bị kết án có tội nếu Bồi Thẩm Đoàn hay Quan Tòa tin rằng những lời buộc tội bị can đã được dẫn chứng bằng những chứng cớ hiển nhiên và những lý lẽ xác đáng không còn gì phải nghi ngờ nữa. Nên nhớ rằng Đại Bồi Thẩm Đoàn khi công bố chính thức bản cáo trạng buộc tội can phạm (Indictment) thì đó mới chỉ là giai đoạn khởi đầu để truy tố can phạm ra Tòa xét xử, chứ chưa hẳn là can phạm đã hoàn toàn 100% phạm tội. Vì có thể khi ra Tòa can phạm có thể được Tòa tha bổng vì thiếu bằng cớ xác thực. Bản chung quyết buộc tội của Bồi Thẩm Đoàn (Jury Verdict) phải hội đủ túc số 12 lá phiếu đồng nhất thuận của 12 Bồi Thẩm Viên thì mới có giá trị. Nhưng nếu chỉ có một lá phiếu chống lại ý kiến thuận của 11 Bồi Thẩm Viên thì Quan Tòa sẽ tuyên bố bản chung quyết buộc tội của Bồi Thẩm Đoàn là phán quyết vô hiệu lực (Mistrial) và Quan Tòa sẽ chỉ thị chuyển vụ án cho một Bồi Thẩm Đoàn mới khác tiếp tục thảo luận để đạt tới một quyết định đồng nhất.
Chính vì quy luật đòi hỏi phải hội đủ túc số phiếu đồng nhất và tuyệt đối mà có một số vụ án hình sự thật là quá tốn kém ngoài sự ước đóan của mọi người. Vì phải trả tiền phí tổn hàng ngày cho các Bồi Thẩm Viên về chỗ ăn chốn ở, tiền di chuyển, v.v. trong khi vụ án thường kéo dài trong nhiều ngày. Đó là chưa kể tiền di chuyển ăn uống cho các bị can và tiền trả thêm giờ phụ trội cho các nhân viên áp giải bị can tới Tòa.
Đến đây chúng ta cũng có thể mường tượng được rằng một vụ án hình sự khi được xét xử xong, tiền tốn phí có thể lên tới hàng trăm ngàn Mỹ Kim.
Đối với những vụ kiện về dân sự (Civil Cases), nếu muốn hỗ trợ và bênh vực cho những lý lẽ của nguyên cáo (Plaintiff) đưa ra để buộc tội bị cáo (Defendent), Bồi Thẩm Đoàn cần phải áp dụng phương pháp suy luận trước những chứng cớ hiển nhiên (Preponderance of the evidence), để thấy rõ bị cáo đã không thi hành đúng bổn phận pháp lý, trong các giao kèo khế ước, v.v… đã ghi hoặc trong các luật lệ đã quy định, làm thiệt hại đến vật chất cũng như tinh thần của nguyên cáo.
Thật sự mà nói, đôi khi sự suy luận và quyết định của Bồi Thẩm Đoàn không được chính xác cho lắm. Mặc dầu trước khi Bồi Thẩm Đoàn vào phòng họp riêng đều đã được hướng dẫn cặn kẽ về những nguyên tắc pháp lý sẽ được áp dụng cho vụ án của quan tòa. Tuy nhiên, nhờ vào sự giải thích này cũng đã giúp ích khá nhiều cho Bồi Thẩm Đoàn trong cuộc thảo luận riêng để đi đến một chung quyết cho vụ án một cách mau chóng hơn.
Hệ thống điều hành Tòa án Hoa Kỳ nói chung từ cấp Tiểu Bang đến Liên Bang bắt nguồn từ những cải cách và bành trướng ngàng tư pháp của Anh Quốc vào Thế Kỷ Thứ 17. Trong lúc đó Hoa Kỳ vẫn còn là thuộc địa của Anh. Trong thời gian này, Anh Quốc đã phải bãi bỏ một hệ thống tổ chức Tòa Án mà người dân Anh chán ghét nhất. Vì mọi quyết định của Quan Tòa đều tùy thuộc vào Công Tố Viện đại diện cho ý muốn của Vua thời bấy giờ. Loại Tòa Án này chỉ cốt để xét xử những người đối lập với Vua, để buộc tội họ là những kẻ phản quốc. Và nếu có xử những tội phạm khác thì luôn luôn người bị truy tố ra tòa đều lãnh án là có tội. Nhờ vào sự cải cách ngành tư pháp xử án này mà nhiều người bị truy tố ra tòa đã được công lý bảo vệ tối đa nếu họ vô tội và nhận một bản án công bằng nếu họ có tội.
Ngành tư pháp xử án đã nhận thức nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật và phải hoàn toàn độc lập quyền xét xử các vụ án, tránh mọi áp lực hay ảnh hưởng của Công Tố Viện mà vào lúc đó chỉ đại diện cho ý muốn của nhà Vua mà thôi. Do đó, hệ thống xử án của ngành tư pháp Hoa Kỳ hiện nay đã thừa hưởng một gia tài quý báu về xử án của nước Anh để đem về đây tu chính rồi áp dụng.
Các công dân Hoa Kỳ luôn luôn được khuyến khích trực tiếp cũng như gián tiếp trên báo chí hoặc trên các màn ảnh vô tuyến truyền hình, để đến các Tòa Án quan sát những vụ xử án, để biết diễn tiến về các thủ tục pháp lý trước khi phải quyết định có phiên xử. Chúng ta nên hiểu trước rằng, nếu chúng ta đang ngồi trong một phòng xử để quan sát vụ án, thì mọi diễn biến trong phòng xử thật là quan trọng cho cả hai bên (both parties): Bên nguyên cáo cũng như bị cáo, không biết chắc rằng mình sẽ thắng hay thua, sẽ bị ở tù hay được tự do, bên nào sẽ lãnh hay bên nào phải trả số tiền bồi thường lớn. Tất cả đều phải chờ đợi cho đến lúc Quan Tòa phán quyết bản án mới biết kết quả của vụ án. Do đó suốt thời gian trong phiên xử, nhiều người cảm thấy hồi hộp, lo sợ, người khác thì cảm thấy thần kinh bị kích thích muốn phát biểu ý kiến cho người ngồi bên cạnh nghe có thể gây sự ồn ào mất trật tự trong phòng xử. Do đó trong suốt thời gian trong phòng xử, mọi người được yêu cầu tuyệt đối giữ im lặng, và mọi người phải đứng dậy khi Quan Tòa bước vào cũng như khi rời phòng xử án. Trong khi phiên xử đang diễn tiến, nếu ai cần phải rời phòng xử án, thì cần lặng lẽ bước ra, tránh gây tiếng động mạnh. Theo luật lệ của Tòa Án Liên Bang Hoa Kỳ thì không một ai có quyền chụp hình hoặc thâu băng các lời tranh luận trong phiên tòa.
Quan Tòa có 4 nhiệm vụ chính trong phiên xử: Một là chủ tọa phiên xử và duy trì trật tự trong cuộc tranh luận của đôi bên trước mặt Quan Tòa; Hai là ghi nhận và quyết định những bằng cớ nào của đôi bên là bất hợp pháp không được áp dụng cho vụ án; Ba là giải thích và hướng dẫn cho Bồi Thẩm Đoàn biết rõ những nguyên tắc pháp lý sẽ được áp dụng cho vụ án ntrước khi Bồi Thẩm Đoàn vào phòng họp riêng để thảo luận (deliberate) những dữ kiện (facts) xem đâu là sự thật theo như lời hướng dẫn của Quan Tòa để đồng nhất ý kiến chung quyết cho vụ án; Bốn là nếu phiên xử không cần có Bồi Thẩm Đoàn (Bech Trial) thì chính QuanTòa tự nghiên cứu những dữ kiện để tìm ra sự thực và phán quyết bản án.
Một điều nên biết là tất cả các cơ quan Liên Bang đều do Tổng Thống bổ nhiệm sau khi được sự bỏ phiếu chấp thuận của Thượng Viện Hoa Kỳ. Trong khi các Quan Tòa Tiểu Bang thì từ tỉnh thành đến nông thôn đều do dân bầu ra từng nhiệm kỳ. Trước khi được lệnh bổ nhiệm làm Quan Tòa Liên Bang, hầu hết các vị Quan Tòa đều là những Luật sư hành nghề pháp lý tư; chỉ có một số ít từng làm Quan Tòa cho Tiểu Bang, hoặc đã từng làm Biện Lý Hoa Kỳ (US District Attorney). Ngoài ra còn có vài vị là Khoa Trưởng hay Giáo sư của các trường Luật khoa nổi tiếng ở Hoa Kỳ. Các Quan Tòa sau khi được bổ nhiệm thì không có quyền hành nghề luật sư nữa. Những vị Quan Tòa thường phải hết sức thận trọng từ cử chỉ đến lời ăn tiếng nói mỗi khi tiếp xúc với dân chúng và không làm điều gì để họ nghi ngờ là mình thiên vị bên này hay bên kia trong tất cả mọi vụ xử án. Chính vì lý do tế nhị này mà Quan Tòa không được quyền đi diễn thuyết để cổ động dân chúng bỏ phiếu cho ứng cử viên này hay đừng bỏ phiếu cho ứng cử viên kia trong các cuộc tranh cử; hoặc đứng ra tổ chức các cuộc lạc quyên bác ái cho các đoàn thể, các đảng phái hay cho cá nhân.
Như chúng ta thường thấy, hầu hết các vị Tổng Thống Hoa Kỳ thường bổ nhiệm những vị Quan Tòa thuộc đảng của mình. Thí dụ như có một Tòa Án Liên Bang, cần thêm Quan Tòa vì hồ sơ kiện tụng ngày một gia tăng, hay trống một chỗ do một Quan Tòa về hưu, hay mệnh chung nên không đủ Quan Tòa để xử án, nên Tổng Thống thường bổ nhiệm một Quan Tòa thuộc đảng mình vào chỗ trống đó. Nếu Tổng Thống là đảng Cộng Hòa thì sẽ bổ nhiệm một Quan Tòa mới là đảng viên Cộng Hòa. Nếu Tổng Thống là đảng Dân Chủ thì sẽ bổ nhiệm một Quan Tòa thuộc đảng của mình. Những vụ bổ nhiệm như vậy, không chỉ căn cứ vào yếu tố chính trị, mà còn căn cứ vào khả năng chuyên môn của người được đề cử vào chức vụ này. Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ cùng Hội Luật Sư Đoàn Hoa Kỳ toàn quốc có nhiệm vụ phải cứu xét, điều tra về khả năng chuyên môn và tư cách của đương sự trước khi Tổng Thống đệ nạp cho Quốc Hội để xin cứu xét chấp thuận.
Thông thường các Quan Tòa Liên Bang về hưu vào khoảng từ 65 đến 70 tuổi. Tuy gọi là về hưu nhưng vẫn ăn lương đầy đủ như một Quan Tòa tại chức cho đến mãn đời. Vì những Quan Tòa về hưu vẫn có quyền ngồi xử án nếu họ muốn. Đa số các vị này sau khi về hưu vẫn còn xử án, nhưng thường chỉ xử vài ba vụ trong một năm, nên người ta gọi những Quan Tòa Liên Bang là Quan Tòa muôn đời (for life). Bù vào đặc ân là Quan Tòa muôn năm, theo Hiến Pháp Hoa Kỳ, Khoản 3 quy định rằng khi còn tại chức, các Quan Tòa Liên Bang phải có hạnh kiểm tốt. Những vị nào có hành động không tốt như phạm tội phản quốc, hối mại quyền thế, phạm trọng tội hay khinh tội đều có thể bị cách chức sau các cuộc điều tra kỹ càng và những cuộc tranh luận gay go kéo dài cả tháng của Quốc Hội là cách chức Quan Tòa. Những cuộc cách chức như vậy chỉ xẩy ra một vài lần trong lịch sử ngành tư pháp Hoa Kỳ mà thôi.
Điều khoản 3 trong Hiến Pháp Hoa Kỳ cũng ấn định là không được giảm lương tháng của các Quan Tòa Liên Bang dù đã về hưu, phải trả đầy đủ lương như cũ cho đến khi Quan Tòa về chầu trời. Bởi lẽ đó, Quan Tòa Liên Bang dù có đưa ra một phán quyết trái với ý Tổng Thống hay không làm hài lòng Quốc hội, thì vị Quan Tòa này vẫn không sợ bị sa thải hay bị bớt lương vì bản án đó. Vì tính độc lập tuyệt đối này mà chúng ta thấy đã có những đạo luật được Quốc Hội Liên Bang hay Quốc Hội Tiểu Bang thông qua, rồi Tổng Thống hay Thống Đốc ban hành vẫn có thể bị Quan Tòa Liên Bang hay Tiểu Bang phán quyết là vi hiến và không được thi hành. Điển hình như trường hợp Tòa Án Tối Cao Hoa Kỳ đã phán quyết vụ Brown v.s. Board of Education trong việc đòi tách riêng học sinh theo chủng tộc tại các trường công lập là hoàn toàn vi hiến, trái với Hiến Pháp Hoa Kỳ. Phán quyết này đã không làm hài lòng một sắc dân có tỷ lệ đông đảo nhất trong xã hội Hoa Kỳ; và ngay khi đó đã có một số nghị sĩ, dân biểu Hoa Kỳ tỏ ý muốn thay thế các vị Quan Tòa nào trong Tối Cao Pháo Viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu thông qua án lệnh đó. Thế nhưng Quốc Hội đã không làm gì được vì Hiến Pháp Hoa Kỳ đã có những điều khoản bảo vệ quyền độc lập tư pháp cho các Thẩm Phán trước bất cứ áp lực nào từ đâu tới, bất kể từ cơ quan lập pháp hay Hành pháp. Cho đến nay, dân chúng Hoa Kỳ đều nhìn nhận bản phán quyết đó của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ là hợp tình hợp lý, bảo vệ chân giá trị con người.
Tựu chung Hiến pháp Hoa Kỳ đã bảo vệ quyền độc lập của các Quan Tòa Liên Bang trong việc xử án và phán quyết các bản án ngoài áp lực hay ảnh hưởng của chính quyền lập pháp cũng như hành pháp, cho dù những phán quyết ấy trái ý chính quyền hay các đảng phái chính trị đi chăng nữa. Điều này đã nói lên tinh thần hoàn toàn độc lập về chính trị cũng như xã hội giữa các cơ quan công quyền. Đây cũng chính là đặc tính truyền thống cá biệt của nền dân chủ Hoa Kỳ mà hầu như chưa một quốc gia nào trên thế giới có được một đặc tính dân chủ cá biệt như vậy.
Theo nội dung và tinh thần của Bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ, đã cho chúng ta hiểu tại sao Hoa Kỳ dành quyền độc lập tách rời mẫu quốc Anh, là vì vua George Đệ III đã cố tình làm cho các Quan Tòa phải lệ thuộc vào ý muốn của nhà Vua, nếu những vị này muốn được tại chức lâu dài cộng với lương bổng hậu.
Nhiệm vụ chính của các vị Thẩm Phán thuộc các Tòa án Phá sản Hoa Kỳ (US Bankruptcy Courts) và của các vị Phụ Thẩm (Magistrates) thuộc các Tòa Án Liên Bang Hoa Kỳ (US District Courts), là phụ giúp xử án cho các vị Quan Tòa Liên Bang (US District Judges).
Tại Tòa Án Phá sản, các vị Thẩm Phán xét xử các vụ kiện khai phá sản, còn tại Tòa Án Liên Bang, các vị Phụ Thẩm có trách nhiệm hoàn tất hồ sơ của các vụ kiện để sẵn sàng cho các vị Quan Tòa Liên Bang xử. Hoặc các vị Phụ Thẩm cũng có quyền xét xử các vụ Tiểu hình (Misdemeanor trials). Trong những vụ kiện về dân sự (civil cases), vị Phụ Thẩm cũng có quyền xử án vì cả hai bên (both parties) đều đồng ý đưa nhau ra trước mặt vị Phụ Thẩm để được xét xử, thay vì phải chờ đợi phiên tòa do vị Quan Tòa Liên Bang xét xử.
Nên nhớ rằng các vị Thẩm Phán và các vị Phụ Thẩm vừa kể trên không có những quyền lợi vật chất tuyệt đối như những vị Quan Tòa Liên Bang do Tổng Thống bổ nhiệm theo điều khoản III trong Hiến Pháp Hoa Kỳ, bảo đảm chức vụ Quan Tòa Liên Bang cho đến trọn đời.
Nếu chúng ta có đi dự những phiên tòa thì sẽ thấy có một số ghế ngồi riêng biệt trong một khu riêng biệt bên cạnh chỗ nhân chứng ngồi để dành riêng cho các vị Bồi Thẩm Đoàn ngồi (jury box). Người ta gọi những vị này là Bồi Thẩm này là Bồi Thẩm Đoàn xử án (Trial Jury). Chúng ta cũng không thể nhìn thấy các vị Đại Bồi Thẩm Đoàn vì họ luôn luôn họp kín trong một phòng họp bí mật để tránh tất cả những áp lực, ảnh hưởng đến sự chung quyết của Đại Bồi Thẩm Đoàn. Sáng kiến thành lập Bồi Thẩm Đoàn xử án bắt nguồn từ trước. Bồi thẩm Đoàn cũng là một trong những biến cố hết sức quan trọng đưa đến cuộc chiến tranh cách mạng nhằm tách Hoa Kỳ ra khỏi chính sách thuộc địa của Đế Quốc Anh. Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ đã tố giác Vua Anh quốc George Đệ III đã cướp đoạt nhiều quyền hành của Bồi Thẩm Đoàn trong những vụ án xét xử bởi Bồi Thẩm Đoàn. Vì lẽ đó bản Hiến Pháp Hoa Kỳ ngày nay đã ghi rõ sự bảo đảm quyền lựa chọn của người dân muốn được xử án bằng Bồi Thẩm Đoàn trong các vụ kiện về dân sự cũng như hình sự.
Đối với những vụ án về hình sự tại Tòa Án Liên Bang Hoa Kỳ, nếu được xử bằng Bồi Thẩm Đoàn thì luôn luôn đòi hỏi phải có đủ 12 Bồi Thẩm Viên trực tiếp tham dự phiên xử. Nhưng đối với các vụ kiện về dân sự thì đôi khi chỉ có 6 đến 12 Bồi Thẩm Viên. Đôi khi có 1 hay 2 Bồi Thẩm Viên dự khuyết phòng hờ khi có 1 hay 2 Bồi Thẩm Viên chính thức trong Bồi Thẩm Đoàn bị ngăn trở vì lý do bất khả kháng hay đau yếu, sẽ có người thay thế.
Trong một phiên xử chúng ta thường thấy các vị luật sư của hai bên ngồi chung quanh một cái bàn lớn được đặt giữa phòng xử, quay mặt về phía Quan Tòa ngồi xử. Khi trình bầy sự kiện, luật sư quay mặt lên phía Quan Tòa, đôi khi thì quay sang phía Bồi Thẩm Đoàn. Nhiệm vụ của luật sư trong phiên xử là thay mặt thân chủ để trình bầy tất cả sự thật đã xẩy ra trong vụ kiện, làm sáng tỏ khía cạnh pháp lý của nội vụ, để cố giành phần thắng lợi cho thân chủ của mình. Nhưng muốn đạt được mục đích như vậy, luật sư của bên đương cáo cũng như bên bị cáo khi bênh vực cho thân chủ của mình phải áp dụng những thủ tục pháp lý đúng theo luật pháp đã qui định và phải được Tòa Án thay mặt công lý chấp thuận.Trong những vụ kiện về hình sự, vị luật sư làm việc cho cơ quan chính phủ thuộc ngành hành pháp (Executive branch) có bổn phận và trách nhiệm nhân danh an ninh trật tự xã hội truy tố những phạm nhân về hình luật ra tòa để xét xử tội trạng mà đương sự đã phạm. Riêng những vụ hình sự bị truy tố ra Tòa Án Liên Bang Hoa Kỳ, vị luật sư đại diện công tố quyền thay mặt cho xã hội được gọi là Công Tố quyền hay Biện Lý Cuộc. (US Attorney). Vị này do Tổng Thống Hoa Kỳ chọn và bổ nhiệm với sự chấp thuận của Thượng Viện Hoa Kỳ. Dưới quyền vị này có nhiều luật sư phụ tá gọi là Phó Biện Lý (Assistant US Attorney) Những vị này cũng đại diện cho chính phủ Hoa Kỳ trong những vụ kiện cáo về dân sự mà chính phủ Hoa Kỳ là một bên (party) có liên can đến nội vụ.
Trong Hiến Pháp Hoa Kỳ qua sự dẫn giải của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ có nói, Nếu những bị cáo về tội hình không đủ tiền để thuê luật sư đứng ra bào chữa cho tội trạng của mình, thì vị Quan Tòa có bổn phận chỉ định một luật sư đứng ra bênh vực cho các bị cáo và tiền chi phí trả cho luật sư sẽ do công quỹ đài thọ. Một điều nên nhớ là dù cho vị luật sư do tòa chỉ định, nhưng vị luật sư này hoàn toàn độc lập, không phục vụ cho Quan Tòa mà bảo vệ quyền lợi cho bị cáo. Chỉ có một số ít vụ án về hình sự cũng như sự là bị cáo từ chối sự giúp đỡ để tự mình bào chữa cho mình (Pro se). Chữ Pro se theo tiếng Latin có nghĩa “Cho chính mình”. Trong những trường hợp như vậy, các đương sự liên can trong vụ án về dân sự nhiều khi không cần có mặt trong phiên xử với luật sư đại diện cho họ tại tòa. Cũng theo tu chính án số 6 của Hiến Pháp Hoa Kỳ cho phép bị cáo trong vụ án hình có quyền tự mình đứng trước mặt các nhân chứng buộc tội bị cáo tại tòa để tự bào chữa tội trạng cho mình.
Nhân chứng là người ra tòa để trả lời và trình bầy những sự thật mà họ đã nghe và thấy tận mắt những sự việc đã xẩy ra cho nội vụ. Luật sư bên nguyên cáo hay bị cáo đều có quyền xin Tòa cho phép chất vấn nhân chứng để làm sáng tỏ vấn đề mà nhân chứng đã nói ra. Do đó nhân chứng có thể là người của bên đương cáo hay bên bị cáo hoặc của chính quyền đưa ra.
Người giám hộ phòng xử (Courtroom Deputy or Courtroom Clerk) thường ngồi phía dưới ngay trước mặt Quan Tòa trong phòng xử, để điều hành những nhân chứng được gọi lên trước mặt Quan Tòa, giơ tay tuyên thệ hứa nói hết sự thật. Người giám hộ phòng xử còn ghi nhận trên giấy tờ những tang vật do đôi bên đưa ra và giữ trật tự trong phòng xử im lặng. Đôi khi người giám hộ phải đi ra ngoài phòng xử để thi hành những điều cần thiết do Quan Tòa ra lệnh trong lúc phiên xử vẫn tiếp diễn. Những giám hộ phòng xử được tuyển dụng bởi Văn Phòng Tố Tụng của Tòa Án (The Court Clerk Office). Trưởng Phòng Tố Tụng (US. Court Clerk) do các Quan Tòa bổ nhiệm và vị Trường PhòngTố Tụng làm việc trực tiếp dưới quyền chỉ huy của vị Chánh Án (Chief Judge). Trưởng phòng Tố Tụng có trách nhiệm chỉ huy và điều hành tất cả các nhân viên và tất cả hồ sơ kiện tụng do các luật sư đệ nạp tại Văn Phòng Tố Tụng. Ghi chép viên tòa án (Court Reporter) là nhân viên ngồi ngay dưới trước mặt Quan Tòa, bên cạnh giám hộ phòng xử, để ghi chép bằng máy tốc ký tất cả những sự việc qua sự trình bầy của đôi bên trong vụ án. Bất cứ những lời gì nói bên trong phiên xử đều phải được ghi chép lại bởi ghi chép viên ở tòa. Làm như vậy, để khi cần đọc lại những điều gì đã được nói ra trong phiên tòa, hoặc để kháng cáo bản án lên tòa trên, luật sư của hai bên bị cáo cũng như đương cáo đều có thể yêu cầu ghi chép viên cung cấp tất cả những tài liệu được ghi chép bằng tốc ký của phiên xử đó.
Trước khi một vụ kiện được đưa ra tòa xét xử, thì hầu hết các vụ kiện về dân sự đã đệ nạp tại Văn phòng Tố tụng, Quan Tòa đều có triệu tập những buổi họp có mặt của luật sư đôi bên để thảo luận vấn đề nào sẽ được đem ra bàn cãi và phải được quyết định của Bồi Thẩm Đoàn; và những vấn đề nào không được đem ra bàn cãi trong phiên xử. Cả hai bên đều phải cho Quan Tòa biết ai sẽ là nhân chứng trong vụ kiện và những bằng chứng nào sẽ được đem ra bàn cãi trong phiên xử. Tuy rằng một số vấn đề then chốt đã được đôi bên thỏa thuận với nhau trong các phiên họp, nhưng không có nghĩa là vụ kiện sẽ được xử như thế.
Sở dĩ Quan Tòa phải triệu tập những cuộc họp như vậy (pretrial conferences) giữa Quan Tòa và các Luật sư của đôi bên, trước khi vụ kiện được xử chính thức, là cốt đế tránh đỡ mất nhiều thời giờ vô ích về một số vấn đề chẳng có liên quan gì đến vụ kiện nên không được phép đem ra bàn cãi trong phiên xử. Nhờ phương pháp thảo luận này mà luật sư sẽ có nhiều cơ hội để cố gắng tìm hiểu thêm nhiều chi tiết hữu ích cho vụ kiện, tìm hiểu đối phương (opponent) bằng cách yêu cầu cho nhau xem những văn kiện có liên quan trực tiếp đến vụ án và được trực diện đối thoại về những gì đã xẩy ra mà đôi bên chưa hề biết.
Một khi luật sư của đôi bên đã nắm giữ được những dữ kiện quan trọng để chuẩn bị kỹ càng cho lời biện hộ trước phiên tòa xử, thì khi đặt những câu hỏi với đối phương và được đối phương trả lời những câu hỏi đó, sẽ không làm cho vị luật sư đặt câu hỏi ngạc nhiên về những câu trả lời. Một trong những điều căn bản mà đa số luật sư khi ra tòa cãi cho thân chủ đều lấy nó làm kim chỉ nam cho mình, là đừng nên đặt những câu hỏi nào mà mình không biết trước được câu trả lời cho câu hỏi đó là gì. Luật sư cũng như các nhân chứng của đôi bên đều chuẩn bị trước cho phiên xử bằng cách tập dượt những câu hỏi và những câu tự trả lời sẽ đưa ra trong phiên xử.
Qua những cuộc họp vừa kể trên đã giúp cho rất nhiều vụ kiện được giải quyết ổn thỏa cho đôi bên mà không cần phải đưa nhau ra một phiên tòa xử công khai, đỡ cho đôi bên khỏi tốn kém tiền phí tổn phải trả thêm cho luật sư cũng như cho tòa án mà kết quả chưa biết sẽ ra sao.
Một luật sư giỏi tận tâm trong nghề nghiệp khi nhận bào chữa cho một can phạm về hình sự phải mất nhiều thì giờ điều tra để tìm hiểu thêm sự thật của nội vụ trước khi có phiên xử. Chẳng hạn như phải phỏng vấn các nhân chứng, phải đến quan sát tận chỗ xẩy ra vụ việc và phải nghiên cứu kỹ càng những chứng cớ có giá trị cụ thể để gỡ tội cho thân chủ của mình trước tòa.
Một phần quan trọng nhất của cuộc điều tra là luật sư phải tìm hiểu xem chứng cớ nào mà Công Tố Viện sẽ buộc tội thân chủ mình trước tòa và chứng cớ để buộc tội đó có hợp lý hay không. Theo điều 4 của tu chính án trong Hiến Pháp Hoa Kỳ có ghi rõ sự cấm ngặt không được lục soát và bắt giữ bất cứ một tang vật nào nếu sự bắt giữ ấy không thực hiện đúng theo thủ tục pháp lý đã ấn định. Để bảo vệ triệt để điều qui định này của tu chính án cho người dân, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã phán quyết rằng bất cứ bắt giữ một tang vật nào, nếu không qua thủ tục pháp lý đều không có giá trị, và do đó không thể đem tang vật đó ra tòa để buộc tội can phạm.
Ví dụ như khi cảnh sát đến lục soát và thu giữ tang vật tại nhà can phạm mà không có trát của tòa cho phép lục soát, thì luật sư bảo chữa cho can phạm có thể đệ nạp đơn thỉnh nguyện tại tòa xin cứu xét để phán quyết tang vật này là bất hợp pháp, không được đem ra áp dụng trong phiên xử. Tòa sẽ triệu tập một phiên họp để cứu xét đơn thỉnh nguyện này. Nếu tòa chuẩn chấp đơn khiếu nại này của luật sư, tòa sẽ ra phán quyết tang vật này không được dùng để buộc tội can phạm trước phiên xử. Trong trường hợp này, công tố viện có thể phải bãi bỏ đơn truy tố can phạm ra tòa. Tuy nhiên, nếu Công Tố Viện vẫn có những bằng pháp lý mạnh mẽ khác về tội phạm của can phạm và được tòa xác nhận những chứng cớ đó là hợp pháp, hợp lý, thì luật sư nên khuyên thân chủ mình nhận tội thì tốt hơn là chối tội để chờ đến phiên xử.
A. BỒI THẨM ĐOÀN
Vấn đề chọn lựa Bồi Thẩm Đoàn cũng rất là quan trọng trong ngành xử án. Một đơn kiện đã được đệ nạp trước toà để xin xử bằng Bồi Thẩm Đoàn thì tòa phải xúc tiến thủ tục tuyển chọn Bồi Thẩm Viên cho vụ án. Các công dân được chọn để làm nghĩa vụ Bồi Thẩm Viên tại Tòa Án Liên Bang Hoa Kỳ đều qua một thủ tục hành chánh chiếu theo đạo luật đã được Quốc Hội thông qua và được Tổng Thống ban hành. Đạo luật này cho quyền các bị cáo được chọn lựa hay không việc xử án bằng Bồi Thẩm Đoàn và cũng quy định nghĩa vụ của Bồi Thẩm Đoàn.
Việc trước tiên, công dân nào nhận được thư tuyển chọn làm Bồi Thẩm Viên, thì phải đến trình diện đúng ngày ghi trong thư. Tòa án dùng danh sách những người ghi tên đi bầu phiếu ở các thành phố, tỉnh, quận hay danh sách những người có bằng lái xe để rút thăm trúng tên nào thì người đó sẽ nhận được thư mời đến Tòa án làm nghĩa vụ Bồi Thẩm Viên.
Trước khi một vụ kiện được đem ra xét xử công khai tại Tòa, Quan Tòa và Luật sư thỏa thuận chọn một Bồi Thẩm Đoàn sao cho thích hợp với vụ án, bằng cách đặt những câu hỏi với Bồi Thẩm Viên để xem trình độ, kiến thức của mỗi Bồi Thẩm Viên có đủ sáng suốt quyết định vụ án một cách công bằng hợp lý không. Quan Tòa có thể từ chối bất cứ Bồi Thẩm Viên nào mà Quan Tòa nhận xét thấy Bồi Thẩm Viên ấy có thành kiến cá nhân đối với can phạm. Chẳng hạn như Bồi Thẩm Viên đã có quan hệ quen biết với can phạm hay có sự quen biết với bên đương cáo, để khi bỏ phiếu kết tội, hễ có cảm tình với bên nào thì bỏ phiếu ủng hộ bên ấy, mất tính chất khách quan và thiếu công bằng trong lời buộc tội can phạm. Luật sư cũng có thể từ chối một số Bồi Thẩm Viên đã được chỉ định trong vụ án mà không cần phải nêu rõ lý do chánh đáng cho sự từ chối của mình.
Để mở đầu cho phiên xử, luật sư của hai bên bắt đầu trình bầy các dữ kiện chính yếu của vụ kiện cho Bồi Thẩm Đoàn nghe. Luật sư của mỗi bên đều cố gắng đưa ra những lý lẽ sắc bén để bênh vực cho thân chủ của mình. Đồng thời mang hết tài hùng biện ra để thuyết phục Bồi Thẩm Đoàn hãy bỏ phiếu ủng hộ cho thân chủ của mình. Sau phần trình bầy của luật sư hai bên là phần trưng bằng cớ của vụ kiện. Trước tiên luật sư đại diện Công Tố quyền hoặc luật sư của bên đương cáo chất vấn những nhân chứng của chính mình đem ra để cho Quan Tòa và Bồi Thẩm Đoàn nghe và tìm hiểu đâu là sự thật của vụ kiện. Đây là cuộc chất vấn trực tiếp (direct examination). Sau phần chất vấn của luật sư bên đương cáo thì đến lượt luật sư bên bị cáo chất vấn lại những nhân chứng này mà người ta gọi nó là cuộc đối chất (cross-examination). Khi cuộc đối chất đã chấm dứt, luật sư của bên đương cáo có quyền chất vấn nhân chứng của mình thêm một lần nữa nếu muốn. Sau khi các nhân chứng của bên đương cáo đã được chất vấn xong qua các giai đọan vừa kể trên thì đến lượt nhân chứng của bên bị cáo cũng được chất vấn qua các giai đọan tương tự.
B. BẰNG CHỨNG
Trong lúc cá nhân chứng đang được chất vấn bởi luật sư của hai bên, thì luật sư thường trưng các bằng chứng cho Tòa xem qua những văn kiện tài liệu (documents), như là hồ sơ ngân hàng, những tang vật hay súng ống để làm bằng chứng cụ thể cho lời biện hộ của mình. Tuy nhiên Tòa án cũng ấn định một số nguyên tắc pháp lý áp dụng cho những bằng chứng cụ thể nào đã được Tòa chấp thuận và những bằng chứng nào không được Tòa chập thuận.
Thí dụ như Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã phán quyết rằng lời thú tội của bị cáo ở ngoài tòa sẽ không được coi là bằng chứng để buộc tội bị cáo trước tòa, nếu sự thú tội ấy của bị cáo là do bị dọa nạt, áp bức của cảnh sát bắt buộc bị cáo phải thú tội. Các Tòa án Liên Bang đều áp dụng điều lệ này cho tất cả mọi trường hợp của vụ kiện. Cũng chính nhờ vào điều lệ này mà cảnh sát không dám dùng áp lực để dọa nạt bắp ép kẻ tình nghi phải nhận tội. Một điều khác nữa là Tòa cấm không cho phép được dùng lời nói của đệ tam nhân để coi đó là bằng chứng cụ thể buộc tội bị cáo. Ví dụ trong phiên xử, một nhân chứng kể lại rằng đương sự đã được một người khác cho biết là họ đã nhìn thấy chính bị cáo vào đánh cứơp ngân hàng. Lời khai đó không có giá trị gì trước Tòa.
Đối với luật sư cũng cố tình tránh né không tuân theo những điều lệ vừa kể trên, vẫn tiếp tục nêu lên những chứng cớ mà luật sư tin rằng sẽ gây ảnh hưởng tâm lý đến Bồi Thẩm Đoàn, để gián tiếp thuyết phục Bồi Thẩm Đoàn hãy bỏ phiếu ủng hộ thân chủ của mình. Đọc được dụng ý của luật sư bên đương cáo đưa ra những chứng cớ ngoài luật lệ của Tòa. Luật sư bên bị cáo bèn phản đối xin tòa ngăn cấm không cho phép luật sư bên đương cáo được tiếp tục trình bầy những chứng cứ đó nữa. Quan Tòa có thể chấp thuận lời phản đối này của luật sư bên bị cáo bằng cách ra lệnh cho luật sư bên nguyên cáo phải ngưng không được hỏi nhân chứng về nhũng bằng chứng đó nữa; Hoặc Quan Tòa cũng có thể bác lời thỉnh cầu của luật sư bên bị cáo mà vẫn cho luật sư bên nguyên cáo tiếp tục trình bầy và chất vấn nhân chứng. Mỗi lần có sự phản đối của luật sư, Quan Tòa phải tự ý thẩm định xem lời khai của nhân chứng có được tòa chấp nhận hay không.
Trong một phiên tòa xử thỉnh thoảng chúng ta nhìn thấy Quan Tòa và Luật sư của hai bên cùng thảo luận với nhau tại chỗ Quan Tòa đang ngồi xử, với sự có mặt của ghi chép viên phòng xử (Court reporter). Những gì được thảo luận giữa Quan Tòa và Luật sư đều được ghi chép viên ghi lại đầy đủ để lưu giữ trong hồ sơ lưu trữ tại tòa. Ngoài ra luật sư cũng có thể bàn thảo với nhau tại văn phòng của Quan Tòa để biết trước xem những chứng cớ nào khi đưa ra trước phiên xử sẽ được tòa chấp nhận. Sở dĩ luật sư của đôi bên phải thảo luận riêng như vậy, là vì tòa không muốn cho Bồi Thẩm Đoàn biết được những điều mà luật sư hai bên đã thảo luận và đồng ý với nhau. Vì nếu Bồi Thẩm Đoàn biết được những điều đó thì có thể tạo cho Bồi Thẩm Viên có thành kiến cá nhân sẽ thiên vị bên này ghét bỏ bên kia, gây trở ngại cho việc bỏ phiếu chung quyết vụ án; hoặc làm cho bản chung quyết thiếu sự công bằng.
Sau khi đã hoàn tất phần chất vấn, các nhân chứng của luật sư hai bên trước mặt Quan Tòa và Bồi Thẩm Đoàn trong phiên xử, luật sư của hai bên bặt đầu lần lược đúc kết phần trình bầy của mình bằng cách tóm lược những điểm then chốt của vụ kiện theo quan điểm của mỗi bên. Tiếp theo Quan Tòa giải thích cho Bồi Thẩm Đoàn biết rõ luật lệ nào sẽ được áp dụng vào vụ án và vạch rõ cho Bồi Thẩm Đoàn hiểu những điều nghi vấn nào mà Bồi Thẩm Đoàn cần chú ý đến để chung quyết cho vụ án. Sau đó Bồi Thẩm Đoàn về phòng họp riêng để mổ xẻ vấn đề đi đến chung quyết là buộc tội hay không buộc tội bị cáo. Đối với vụ án về hình sự, bản chung quyết buộc tội (verdict) phải có đủ túc số phiếu thuận đồng nhất tuyệt đối. Đối với những vụ án về dân sự cũng đòi hỏi túc số phiếu như vậy, ngoại trừ trường hợp đặc biệt trước khi xử án, cả hai bên đều đồng ý bản chung quyết buộc tội của Bồi Thẩm Đoàn, không cần phải có đủ túc số phiếu thuận đồng nhất tuyệt đối như vậy.
C. BỒI THẨM VIÊN
Thi hành nghĩa vụ của Bồi Thẩm Viên (Juror) tức là người dân được trực tiếp tham gia vào công tác điều hành guồng máy chính quyền và góp phần quan trọng vào ngành tư pháp Hoa Kỳ, là gián tiếp giúp cho ngành này chu toàn nhiệm vụ một cách tốt đẹp.
Để khuyến khích mọi người dân tích cực tham dự và chu toàn nghĩa vụ của Bồi Thẩm Viên, Tòa Án Liên Bang Hoa Kỳ đã phải mất nhiều thì giờ lẫn tài chánh để nghiên cứu cách tổ chức và phục vụ các Bồi Thẩm Viên sao cho hữu hiệu. Một trong những cách thù đáp là Bồi Thẩm Viên sau khi chu toàn nghĩa vụ sẽ được đền bù xứng đáng bằng hiện kim.
Trong những vụ án hình sự tại Tòa Án Liên Bang Hoa Kỳ, Nếu Quan Tòa hoặc Bồi Thẩm Đoàn đồng quyết định là bị cáo có tội, Quan Tòa sẽ ấn định ngày giờ tái nhóm phiên xử để công khai tuyên bố bản án nặng hay nhẹ tùy theo tội trạng của bị cáo. Theo luật lệ áp dụng cho Tòa Án Liên Bang, Bồi Thẩm Đoàn không có quyền quyết định hình phạt nặng hay nhẹ, mà chỉ quyết định bị cáo có tội hay không có tội. Sau đó Quan Tòa là người duy nhất để phán quyết bản án đối với bị cáo. Trước khi tuyên án, Quan Tòa sẽ căn cứ vào những bản án đã xử trước đây có cùng tội phạm như bị cáo đã phạm, để phán quyết bản án nặng hay nhẹ.
Trong những vụ án về dân sự, nếu Bồi Thẩm Đoàn hay Quan Tòa đồng ý cho đương đơn thắng kiện thì Quan Tòa tuyên án cho bị đơn phải bồi thường mọi sự thiệt hại cho đương đơn, hoặc ra án lệnh phục hồi quyền hành cho đương đơn. Nhưng nếu bị đơn thắng kiện thì Tòa không cần phải ra án lệnh gì để cho đương đơn thi hành.
D. KHÁNG ÁN & TÒA PHÁ ÁN
Trong những vụ án về hình sự, sau khi bị cáo bị Tòa tuyên bố là có tội, và tuyên một bản án cho bị cáo, thì bị cáo có thể kháng án lên Tòa Phá Án Hoa Kỳ để xin được xét xử lại. Kể cả những vụ án về dân sự cũng vậy. Bên nào thua kiện cũng có thể kháng cáo lên Tòa Phá Án Hoa Kỳ. Khi chống án lên Tòa Phá Án, phải nêu rõ những lý do sai lầm nào mà tòa dưới đã xử. Chẳng hạn, Tòa dưới đã chấp nhận những bằng cớ do đương cáo hặc đương đơn đưa ra không đúng theo thủ tục pháp lý đã qui định; Hoặc Tòa dưới đã giải thích điều luật đã áp dụng cho vụ án là sai, không đúng với tinh thần pháp lý của điều luật. Ngược lại trong vụ án về hình sự,nếu bị cáo được Tòa tuyên bố vô tội, như trường hợp Công Tố Viện
truy tố một can phạm về tội tòng phạm giết người, nhưng sau khi Bồi Thẩm Đoàn bỏ phiếu chung quyết là bị can vô tội và được Tòa tuyên án tha bổng, thì Công Tố Viện không được quyền kháng lên tòa trên để xin xét xử tội phạm của bị can một lần nữa. Điều luật tu chính án này là phản ánh ý muốn của dân chúng, tin rằng thà để cho một tội nhân có dịp được tự do mà tu sửa lỗi lầm của mình, còn hơn là để cho Công Tố Viện cứ tiếp tục đòi truy tố can phạm, làm cho can phạm tâm hồn bất an, trong khi can phạm đã được Tòa tuyến án tha bổng.
Tuy nhiên trong vụ kiện về dân sự, bên nào thua kiện, dù là bên đại diện chính quyền, đều có thể kháng cáo bản án của Tòa dưới xử thua kiện lên Tòa trên để xin xét xử lại. Một khi bị cáo về tội hình sự đã nhận tội trước Tòa và Tòa đã tuyên án phạt, thì vấn đề kháng cáo không được đặt ra. Những vụ kiện cáo về dân sự cũng vậy, nếu hai bên đã thỏa thuận được với nhau về những đòi hỏi của nguyên đơn (Settled civil case out of Court), thì không cần có phiên tòa xử nữa.
E. TỐ TỤNG TẠI TÒA PHÁ ÁN HOA KỲ
Tới đây chúng ta cũng nên thử tìm hiểu xem một vụ án được kháng án lên Tòa Phá Án Hoa Kỳ sẽ được xét xử như thế nào qua một số trường hợp sau đây.
Trường hợp một Đạo Luật đã được Quốc Hội Hoa Kỳ Hoa Kỳ biểu quyết và ban hành, đã ghi rõ là cấm ngặt mọi cuộc biểu tình trong vòng 500 thước cách các Tòa Đại sứ ngoại quốc. Một hôm có một nhóm 6 người tụ tập tại góc đường gần một Tòa Đại Sứ để yêu cầu những khách qua đường ký tên vào bản thỉnh nguyện phản đối những vi phạm nhân quyền của nước có Tòa Đại sứ đó. Lập tức cảnh sát đã đến bắt 6 người tụ tập này và truy tố ra tòa về tội tiểu hình (a federal misdemeanor) như Đạo luật đã qui định. Tại phiên tòa họ đã khai rằng họ đã rất cẩn thận để chỉ đứng cách xa Tòa Đại Sứ này hơn 500 thước. Nhưng Công Tố Viên đã đưa ra những cảnh sát viên đến bắt họ hôm đó làm nhân chứng, xác nhận rằng chỗ đứng của 6 người này nằm trong vòng 500 thước cách Tòa Đại Sứ. Vì phiên xử bởi Bồi Thẩm Đoàn, nên trước khi vào phòng riêng thảo luận nội vụ, luật sư của các bị cáo đã yêu cầu Tòa giải thích cho Bồi Thẩm Đoàn hiểu rõ là hành động xin chữ ký vào thỉnh nguyện thư của các bị cáo không thể coi là hành động biểu tình nên không thể truy tố họ là đã vi phạm điều khoản của Đạo luật dẫn thượng. Luật sư của các bị cáo còn lập luận rằng: ngay cả hành động thu thập chữ ký vào thỉnh nguyện thư, nếu bị lên án như là hành động biểu tình thì Tu chính án số 1 Hiến Pháp Hoa Kỳ cũng ngăn cấm Quốc Hội không được coi hành động ký tên vào bản thỉnh nguyện là bất hợp pháp. Vì vậy luật sư của các bị cáo đã thỉnh cầu Tòa bác lệnh truy tố các bị cáo của Công Tố Viện. Cả hai điểm luật sư nêu trên đều đã bị Tòa bác khước và giải thích cho Bồi Thẩm Đoàn hiểu rằng hành động thu thập chữ ký của các bị cáo như thế coi như là hành động biểu tình nên Tòa vẫn phải xử. Tòa khẳng định rằng Đạo luật ngăn cấm các cuộc biểu tình trong phạm vi như vậy là nhằm bảo đảm an ninh trật tự công cộng và tránh những sự tổn hại vật chất cũng như tinh thần của nhân viên và bất động sản tọa lạc Tòa Đại Sứ. Và Đạo luật này của Quốc Hội không hề vi phạm Tu Chính Án số 1 Hiến Pháp Hoa Kỳ. Để giữ vững lập luận này, và trước khi khẳng định như vậy, Tòa đã tham chiếu những vụ án đã do các Tòa Án Liên Bang xét xử trước đó có nôi vụ tương tự vụ án này.
Căn cứ vào sự hướng dẫn và giải thích như vậy của Tòa, Bồi Thẩm Đoàn vào phòng họp riêng để thảo luận nội vụ, để đi đến chung quyết là những bị cáo đã biểu tình trong vòng 500 thước cách Tòa Đại sứ, với chứng cớ rõ ràng là có tội nên tuyên án phạt đối với các bị cáo. Bản án được các bị cáo kháng án lên Tòa Phá Án Hoa Kỳ. Có lẽ do Tòa Phá án (Court of Appeal) đã có đồng quan điểm với Bồi Thẩm Đoàn về phạm vi thâu thập chữ ký của 6 bị cáo thực sự đã xẩy ra trong vòng 500 thước cách Tòa Đại Sứ, nhưng phán quyết rằng Tòa án cấp dưới đã giải thích ý nghĩa Đạo luật ấy sai lầm, vì ý định của các nhà làm luật không có ý muốn ngăn cấm hành động xin chữ ký cho bản thỉnh nguyện thư. Với phán quyết như vậy rồi, Tòa Phá Án không cần xem xét khía cạnh Đạo Luật có vi hiến hay không vi hiến, mà Tòa chỉ xem xét nội vụ xẩy ra có được coi là một cuộc biểu tình thực sự hay không.
Trong trường hợp nếu Tòa cho rằng Tòa duới đã giải thích nội dung của Đạo Luật này một cách sai lầm, Tòa có thể hủy bỏ bản án của Tòa dưới và tuyên một bản án mới cho các bị cáo. Trường hợp này rất ít xẩy ra, phần nhiều bản án của Tòa dưới thường được Tòa trên xử lại vẫn y án. Bằng không, sau khi cứu xét bản án, Tòa ra lệnh gửi bản án đó trở lại Tòa dưới để tái xét xử. Chẳng hạn vụ án Miranda nổi tiếng khắp nước Mỹ, xẩy ra ở Tiểu Bang Arizona. Nội vụ là bị cáo bị truy tố ra Tòa về tội chủ mưu giết người và bị cáo đã thú tội với cảnh sát. Lời thú tội này là bằng chứng cụ thể để buộc tội bị cáo trước Tòa.
Nhưng Tối Cao Pháp Viện đã phán quyết rằng lời thú tội của bị cáo như vậy là sai nguyên tắc pháp lý, nên không thể dùng lời thú tội ấy của bị cáo như là bằng chứng buộc tội bị cáo trước Tòa. Lý do là bị cáo đã không được ai cho biết là mình có quyền giữ im lặng, có quyền đòi hỏi phải có luật sư bênh vực bị cáo trong lúc được nhân viên hữu trách thẩm vấn. Tuy nhiên Công Tố Viện đã có một bằng chứng khác đưa ra để buộc tội bị cáo trong một phiên xử lại tại Tòa dưới do Tòa Phá Án yêu cầu. Trong phiên xử này bị cáo bị lãnh án tù vì thực sự có phạm tội.
Khi Tòa Phá Án xử một vụ kháng cáo thì luôn luôn trên bàn Chủ Tọa Đoàn (Panel) phải có ít nhất là 3 vị Thẩm Phán ngồi xét xử. Để phán quyết một vụ án kháng cáo, Thẩm Phán Chủ Tọa Đoàn phải nghiên cứu tất cả hồ sơ của vụ án, với tất cả những tài liệu có liên can đến nội vụ đã được đệ nạp tại Tòa dưới, cộng với những biên bản (transcripts) ghi chép những diễn tiến của các phiên xử của Tòa dưới để đưa ra một phán quyết mới. Đồng thời Tòa có thể triệu tập một cuộc tranh luận công khai (oral argument) giữa luật sư đôi bên tại phòng xử. Trong cuộc tranh luận này, Tòa ấn định một thời gian giới hạn để luật sư mỗi bên trình bầy những lý lẽ của mình trước các Thẩm Phán Chủ Tọa Đoàn. Thông thường các vị Thẩm Phán này sẽ chất vấn các luật sư mỗi bên về luật lệ nào có liên can đến vụ án mà luật sư hai bên đã đem ra áp dụng.
Sau khi Thẩm Phán Chủ Tọa Đoàn đã nghiên cứu các bài biện minh cho vụ án của luật sư đôi bên đệ nạp và đã nghe luật sư mỗi bên tranh luận về những bằng cớ, lý lẽ của nội vụ, Thẩm Phán Đoàn sẽ thảo luận vụ án riêng với nhau, tham khảo án lệ về các vụ án tương tự đã được các Tòa cấp dứơi xử, rồi cùng nhau đi đến phán quyết chung cho vụ án. Khi chung quyết vụ án, phải có ít nhất 2 trong 3 vị đồng ý với nhau và một trong hai vị này sẽ viết bản tường trình về những ý kiến pháp lý là vì sao hai người lại đồng ý phán quyết bản án như vậy. Ngay cả vị Thẩm Phán không đồng ý với 2 vị Thẩm Phán kia cũng có thể viết bản tường trình những lý do vì sao không đồng ý với hai vị kia. Đã có rất nhiều bản tường trình như vậy được in lại thành sách để cho các luật sư và Thẩm Phán tham khảo và tra cứu, giúp cho vấn đề tranh luận của luật sư đôi bên và giúp cho các vị Thẩm Phán chung quyết một vụ án. Chính những bản tường trình ý kiến pháp lý này đều đã trở thành những án lệ (case law). Nhờ những án lệ này mà luật sư có thể tiên đoán được một vụ kiện của mình sẽ được xét xử ra sao và kết quả thế nào.
Nếu chúng ta có dịp đến quan sát một phiên xử bản án kháng cáo của Tòa Phá Án, chúng ta sẽ thấy trong phiên xử chỉ có mặt luật sư hai bên mà không có Bồi Thẩm Đoàn, không có nhân chứng, không có ghi chép viên Tòa án và cũng không có sự hiện diện của đương cáo và bị cáo. Hình ảnh này cho chúng ta thấy sự khác biệt hoàn toàn trong vấn đề xử án giữa Tòa Phá Án và những Tòa án cấp dưới.
F. TỐ TỤNG TẠI TỐI CAO PHÁP VIỆN HOA KỲ
Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ là tòa án cao nhất của nước Mỹ. Tất cả những bản án, phán quyết của Tòa này về những bản án kháng cáo do các Tòa án cấp dưới của Tiểu Bang cũng như Liên Bang đệ nạp đều phải triệt để thi hành.
Không giống như Tòa Phá Án Hoa Kỳ, Tòa án Tối Cao không cần phải xử tất cả các vụ kháng cáo do các Tòa Án cấp dưới đệ nạp lên mà có toàn quyền quyết định lựa chọn vụ án nào nên xử và vụ án nào không cần xử. Nếu có sự lầm lẫn trong những bản án do Tòa Án cấp dưới đã phán quyết thì Tòa Phá Án có nhiệm vụ phải cứu xét để sửa sai chứ không phải là nhiệm vụ của Tòa Án Tối Cao. Nhiệm vụ trước tiên của Tòa Án này là ban hành các chỉ thị để làm sáng tỏ ý nghĩa chính xác của các Đạo Luật mỗi khi các Tòa dưới có sự bất đồng trong việc áp dụng và giải thích Luật Hiến Pháp Hoa Kỳ và các Đạo Luật Liên Bang.
Hàng năm có vào khoảng trên 6000 vụ kháng cáo lên Tòa Án Tối Cao để xin tái xét xử những bản án do các Tòa dưới đã phán quyết trong tổng số gần 4 triệu vụ đã xét xử bởi các Tòa án cấp dưới. Nhưng Tối Cao Pháp Viện chỉ xét xử lại khoảng 200 vụ vì nội dung các vụ án này mang nhiều tính chất quan trọng, ảnh hưởng nhiều đến quần chúng về mặt tâm lý nên cần xét xử lại.
Quyền lực pháp lý của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ giữ một vai trò hết sức quan trọng trong guồng máy chính quyền. Tòa xét xử và phán quyết lại những bản án nào có sự sai lầm của Tòa dưới, tuyên bố những Đạo Luật trái với tinh thần của bản Hiến Pháp Hoa Kỳ do Quốc Hội biểu quyết, và những hành động của chính quyền là sai lầm vi luật, vi hiến cần phải sửa đổi. Những phán quyết của Tòa Án Tối Cao phải được các Tòa Án cấp dưới tuyệt đối thi hành vì nó mang tính chất quyền pháp lý tối thượng của ngành tư pháp Hoa Kỳ. Mỗi phán quyết của Tòa Án Tối Cao được coi như phản ánh ý nguyện của đa số quần chúng muốn cho nền an ninh trật tự của xã hội Hoa Kỳ phải được tôn trọng và duy trì ở mức tối đa.