Nhà truyền giáo nổi tiếng Billy Graham có lần đến thăm một thành phố nhỏ để rao giảng trong nhà thờ địa phương. Trước khi đến, ông cần gửi một lá thư về nhà, nên ông đi tìm trạm bưu điện. Ông dừng xe bên lề đường và hỏi một cậu bé đang đi bộ với con chó là bưu điện ở đâu và cậu bé lễ phép trả lời.
Sau đó ông Graham mời cậu đến nhà thờ để nghe ông giảng. Ông nói, “Cháu có thể nghe bác nói với mọi người về cách lên thiên đường.” Cậu bé đơn sơ trả lời, “Cháu không nghĩ sẽ đến đó đâu. Ngay cả đường đến bưu điện ông còn không biết!”195
“Làm thế nào để lên thiên đường?” là một câu hỏi quan trọng nhất của con người. Nhưng chúng ta muốn nói gì về chữ “thiên đường”?
Trong một số trường hợp, Kinh Thánh dùng chữ “thiên đường” để ám chỉ bầu trời, hay nơi chốn của mặt trời, tinh tú, và mặt trăng. Điều này được thấy trong những đoạn như Thánh Vịnh 19:1, “Các thiên đường tường thuật vinh quang của Thiên Chúa.” Những lần khác, “thiên đường” ám chỉ nơi Thiên Chúa ngự, như trong kinh Lậy Cha, ở đây chúng ta nói với “Cha chúng con ở trên trời [thiên đường]” (Mt 6:9). Sau cùng, “thiên đường” được dùng để ám chỉ nơi ngự đời đời cho những ai yêu mến Thiên Chúa. T. Phaolô nói, “Chúng ta có quyền công dân ở thiên đường. Và chúng ta nóng lòng chờ đợi một Đấng Cứu Thế, Chúa Giêsu Kitô, đến từ đó” (Phil 3:20).
Nhiều người hình dung ra thiên đường này là một chỗ trong đám mây, ở đây các thánh và các thiên thần chơi đàn thụ cầm cho đến muôn đời. Nhưng trong khi Kinh Thánh dùng hình ảnh dưới đất như tiệc cưới để diễn tả thiên đường, sách Giáo Lý nói, “Mầu nhiệm hiệp thông thánh thiêng với Thiên Chúa và với tất cả những ai trong Chúa Kitô thì vượt trên sự hiểu biết và sự diễn tả” (GLCG 1027). T. Phaolô, trích lời hứa được ban cho ngôn sứ Isaia, nói rằng, “Mắt chưa từng thấy, tai chưa từng nghe, tâm hồn loài người chưa từng thấu hiểu, là điều Thiên Chúa chuẩn bị cho những ai yêu mến Người” (1 Cor. 2:9).
Sự thiếu hiểu biết chính xác về thiên đường của chúng ta không có nghĩa chúng ta dốt nát về thiên đường nói chung. Theo Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, “ ‘Thiên đường’ hay ‘hạnh phúc’ mà trong đó chính chúng ta sẽ thấy không phải là một trừu tượng, cũng không phải là một chỗ trong đám mây, nhưng là một sự tương giao sống động, cá biệt với Ba Ngôi Thiên Chúa.”196
Ở thiên đường, chúng ta sẽ không là các thiên thần; chúng ta sẽ được tái kết hợp với thân xác mình và sẽ cảm được niềm vui tinh thần và thể xác trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Sách Giáo Lý dậy, “Thiên đường là cùng đích tối hậu và sự hoàn tất những khao khát sâu xa nhất của con người, trong tình trạng tuyệt đỉnh của hạnh phúc viên mãn” (GLCG 1024).
“TÔI SẼ HIỂU BIẾT TRỌN VẸN”
T. Phaolô so sánh sự hiểu biết của chúng ta về Thiên Chúa ở đời này với sự hiểu biết về chính chúng ta như thấy bóng mình trong một tấm gương mờ đục bằng đồng. Vào thời điểm này của lịch sử, tấm gương thủy tinh chỉ mới được phát minh và không phổ thông như kim loại đánh bóng. Thánh nhân nói, “Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có một phần, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi (1 Cor. 13:12). Vì tội lỗi và bản tính loài người yếu đuối, chúng ta chỉ có thể nhận biết Thiên Chúa một cách gián tiếp; sự tương giao của chúng ta với Người thiếu sự thân mật và huyền diệu mà những điều đó sẽ có ở thiên đường.
Thiên đường sẽ không phải là một nghi lễ trong Giáo Hội được kéo dài mãi mãi; điều đó sẽ không thể chịu nổi như hỏa ngục. Thật vậy, bất cứ hoạt động nào ở mặt đất, dù là nghi thức Giáo Hội, buổi hòa nhạc, hay một ngày vui chơi trong công viên, nó sẽ giống như hỏa ngục nếu nó được kéo dài trong một thời gian vô hạn. Thiên đường sẽ không bao gồm những niềm vui vô tận ở dưới đất, vì những điều hữu hạn không thể thỏa mãn sự khao khát hạnh phúc tuyệt đối và không cùng của chúng ta.
Nhưng Thiên Chúa, Đấng tốt lành vô cùng, là thực thể duy nhất có thể cung cấp cho chúng ta tình yêu tuyệt đối và sự hiểu biết mà tâm hồn chúng ta khao khát. Ở thiên đường, tín hữu sẽ thờ phượng Thiên Chúa cho đến đời đời và không bao giờ đạt được tận cùng hay bị nhàm chán với sự thờ phượng.
T. Phaolô nói tuy những người không phải Do Thái thì không được ban cho sự mặc khải, lề luật, nhưng Thiên Chúa sẽ phán xét họ dựa trên một luật khác. T. Phaolô nói, “Điều luật đòi hỏi thì được viết trong tâm hồn họ, trong khi lương tâm của họ cũng làm chứng và những ý nghĩ xung đột tố cáo họ hoặc có lẽ bào chữa họ vào ngày đó, khi, theo phúc âm của tôi, Thiên Chúa phán xét những bí ẩn của con người bởi Đức Kitô Giêsu” (Rom 2:15-16).
Điều này có mâu thuẫn với lời của Đức Giêsu nói rằng Người là “đường, và sự thật, và sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua tôi” (Ga 14:6) hay không? Không, bởi vì sự nhìn nhận rằng Đức Kitô là phương cách khách quan duy nhất để cứu tôi không có nghĩa người ta không thể được cứu nếu không biết chân lý về Đức Kitô. Thí dụ, người ta có thể nói thuốc giải độc là cách duy nhất để cứu khi bị rắn cắn, nhưng một đứa bé nhận thuốc giải độc thì không cần biết sự thật này để được cứu khi bị rắn cắn.
Tương tự, một người có thể tìm cách theo đuổi “con đường” hay “chân lý” và cố gắng hành động với tình yêu tuyệt hảo, họ không nhận ra rằng họ đang vô tình tìm kiếm Đức Kitô, đấng là đường, sự thật, và sự sống.” Điều này cũng áp dụng cho các Kitô Hữu ngoài Công Giáo, họ không hiểu sự cần thiết phải lãnh nhận các bí tích như Thánh Thể để được cứu độ. Sách Giáo Lý nói những ai “tin vào Chúa Kitô và đã lãnh nhận bí tích thánh tẩy thích hợp thì được đưa vào một sự hiệp thông chắc chắn với Giáo Hội Công Giáo, tuy không toàn hảo” (GLCG 838).
Nhưng nếu người ta có thể được cứu mà không cần biết đến Chúa Giêsu hay Giáo Hội của Người, thì tại sao phải lo lắng nói với họ về Đức Tin? Không phải là chúng ta liều mất các linh hồn bằng cách đem cho họ một cơ hội để khước từ phúc âm sao?
Hãy nghĩ đến một tương tự. Hãy tưởng tượng bạn đang tìm cách giúp người ta băng qua một con sông mà nó đã đóng băng một phần. Con sông bị sương mù bao phủ và khi người ta bước qua mặt nước đông đá đó họ biến dạng trong đám sương mù. Họ có qua được bên kia không? Rất có thể họ đã an toàn qua được, nhưng cũng có thể, nếu không phải là có lẽ, nhiều người trong bọn họ không qua được bên kia. Tuy nhiên, giả sử bạn biết có một cây cầu bắc ngang con sông ấy. Ngay cả khi họ có thể từ chối lời đề nghị của bạn, liệu bạn sẽ không nói với họ về cách an toàn hơn và chắc chắn hơn để qua bên kia sông hay không?
Rao giảng phúc âm không làm nguy hại các linh hồn vì không phải bất cứ ai biết đến Chúa Giêsu đều tự động được lên thiên đường. Những người ấy, cũng như ai khác, họ bị cám dỗ bởi tội, và nếu không có ơn Chúa họ càng khó khăn hơn để cưỡng lại sự dối trá của quỷ. Vì thế, Giáo Hội lưu tâm đến những người này và “cổ vũ việc truyền giáo với sự chăm sóc và lưu tâm.”197 Đó là lý do Chúa Giêsu ra lệnh cho các môn đệ “hãy ra đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ, hãy rửa tội họ trong danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28:19).
Sự diễn tả thiên đường tôi thích là từ một bài giảng của một phó tế cách đây hơn một thập niên. Khi là một đứa bé, phó tế sống ở Maine, và vào mùa đông kia ông bị đau cuống họng rất nặng nên phải nằm bệnh viện. Mẹ ông thường ở nhà để chăm sóc anh chị em của ông và cha ông phải đi làm xa. Ông thích đọc thư của cha ông gửi về, nhưng thường ông mất nhiều thời giờ ngồi nghe phát thanh hoặc lơ đãng nhìn qua khung cửa sổ.
Một ngày kia ông thức giấc và mọi thứ thật yên lặng. Ngay cả dường như không có ai ở trong hành lang dài hun hút. Ngoài trời thì lạnh, nhưng các tia sáng mặt trời chiếu qua cửa sổ làm ấm sàn nhà. Ông ra khỏi giường, lết đến bên cửa sổ, và trông thấy một chiếc xe đang chở theo một cái cây mà lá bị rụng nhiều.
Khi các lá úa vàng từ từ rơi xuống đất, cậu bé trông thấy một người bước ra khỏi xe. Người này khoác áo sậm mầu và nón che cả mặt. Nhưng khi người này ngước nhìn lên, cậu bé nhận ra đó là cha của mình, ông về nhà sớm hơn thường lệ. Tim của cậu bé rộn rã niềm vui, nó chạy vội xuống hành lang và cầu thang của bệnh viện. Nó nhảy vào cánh tay của cha nó và kêu lên, “Bố, bố đã về!”
Sau đó phó tế này nói về thiên đường và những gì người ta nghĩ về thiên đường. Ông hy vọng rằng, vào cuối đời ông cũng sẽ về nhà và sẽ nói lời tạm biệt với vợ con, và các cháu.
Ông mường tượng rằng sau khi thở hơi cuối cùng, giây phút kế tiếp là ông mở mắt to ra và nhìn lên trần nhà cũng giống như trần bệnh viện khi xưa ông còn nhỏ. Những gì ông nghe được là tiếng cọt kẹt của chiếc giường khi ông đặt chân xuống sàn nhà ấm áp bởi tia nắng mặt trời chiếu qua cửa sổ.
Lấy đôi tay ấn vào cửa kính lạnh, ông sẽ thấy các lá vàng rơi và cha ông -- nhưng lần này sẽ là Cha trên trời của ông. Sau đó ông sẽ chạy đến. Thân thể của ông sẽ tung tăng như khi mười tuổi và trong vòng tay ôm ông cảm được sự ấm áp của tình yêu mạnh mẽ của Thiên Chúa. Cố dằn sự xúc động, ông nắm chặt, không bao giờ muốn buông ra, và kêu lên, “Cha ơi, con đã về nhà!”
Đây là lý do chúng tôi là người Công Giáo. Không phải để tuân theo các quy tắc độc đoán hay các nghi thức, nhưng để về nhà. Sâu trong tâm hồn, mọi người đều biết rằng tội đã làm tổn thương sự tương giao của chúng ta với Thiên Chúa và với nhau. Chúng tôi là Công Giáo vì chúng tôi muốn từ bỏ những hứa hẹn giả dối của tội lỗi và tin tưởng vào lời hứa của Thiên Chúa cho gia đình của Người, mà gia đình ấy được kết hợp với Người qua Giáo Hội mà Con của Người đã ban cho chúng ta.
Nếu bạn từng xa cách Giáo Hội, bất kể bao lâu, hoặc ngay cả nếu bạn không phải là người Công Giáo, tôi muốn mời bạn hãy cảm nghiệm tình yêu của Thiên Chúa và khám phá ra chương trình của Người dành cho bạn trong Giáo Hội Công Giáo. Tôi muốn mời bạn về nhà.
TẠI SAO CHÚNG TÔI TIN: THIÊN ĐƯỜNG
|