“Những gì các người làm là lạm dụng trẻ em! Ông phải xấu hổ về chính mình!” một cô hét lớn vào mặt tôi khi tôi tham dự việc truyền giáo tại một trường đại học.
Tôi thực sự hoang mang nên tôi hỏi lại, “Tôi phải xấu hổ về điều gì?” Cô phản pháo, “Về hoả ngục! Nói với trẻ em là chúng có thể xuống hỏa ngục là chấn thương chúng!”
Tôi thú nhận là điều này làm tôi lo sợ! Hầu như thật khó để tưởng tượng việc sống trong một nơi đau khổ không chỉ giây lát, nhưng mãi mãi, sống trong tuyệt vọng và đau khổ không cùng. Tuy thế, chúng ta không thể khước từ hỏa ngục chỉ vì chúng ta không thích. Cũng như không phải là lạm dụng trẻ em khi cảnh giác chúng về “sự nguy hiểm của người lạ mặt” hoặc điều gì sẽ xảy ra nếu chúng đi vào đường xe đang chạy, ngay cả khi sự thật này thì đáng sợ, không phải là lạm dụng trẻ em khi cảnh giác chúng (hay ngay cả người lớn) về sự nguy hiểm của hỏa ngục -- miễn là hỏa ngục thì có thật.
AI TIN CÓ THIÊN ĐƯỜNG VÀ HỎA NGỤC?
Năm mươi phần trăm người Hoa Kỳ tin có hỏa ngục và 72 phần trăm tin có thiên đường. Ngay cả trong số người không có tôn giáo, 36 tin có hỏa ngục và 50 phần trăm tin có thiên đường.187
Trong Tân Ước, chữ “hỏa ngục” thường ám chỉ một nơi sau cùng, vĩnh viễn cho người bị luận phạt.188 Theo Giáo Lý Công Giáo, “Chết trong tình trạng tội trọng mà không sám hối và không chấp nhận lòng thương xót của Chúa có nghĩa vẫn muốn tách biệt với Người mãi mãi bởi sự tự do lựa chọn. Tình trạng dứt khoát tự tách biệt với Thiên Chúa và những người được chúc phúc thì được gọi là ‘hỏa ngục’” (GLCG 1033).
Kinh Thánh dùng một vài hình ảnh để diễn tả sự khủng khiếp của hỏa ngục. Đức Kitô nói đó là một nơi đầy lửa (Mt 5:22), dòi bọ không chết (Mc 9:48), nghiến răng (Mt 13:42), và một nơi tăm tối (Mt 22:13). T. Mátthêu còn so sánh hỏa ngục với “Gehenna” (Mt 23:33), là một nơi trẻ em bị giết và ném vào lò lửa để cúng các thần ngoại giáo.189 Vì Đức Kitô đã bước ra khỏi ngôi mộ của mình, Người là một nguồn đáng tin về sự sống đời sau, và vì thế chúng ta phải tin những gì Người dậy về hỏa ngục.
Trong khi Đức Kitô dùng các hình ảnh trần gian để truyền đạt các chân lý thiêng liêng, chúng ta phải nhớ rằng không có hình ảnh nào, kể cả lửa không tắt, là những diễn tả cần thiết theo nghĩa đen về hỏa ngục. Nhưng ngay cả hỏa ngục không phải là một chỗ đầy lửa theo nghĩa đen, nó vẫn là điều tệ hại nhất mà chúng ta có thể tưởng tượng ra. Những ai nghĩ rằng hỏa ngục thì vui vì có tất cả “những tội lỗi sung sướng” thì hãy nghĩ lại.
Những tội làm cho cuộc đời này khốn khổ, như ích kỷ, tham lam, oán hờn, và muốn hại người khác vì chúng ta bị tổn thương, đó là một số những sự dữ làm cho hỏa ngục “thật khủng khiếp”. Trong hỏa ngục, người tội lỗi sẽ vĩnh viễn nhận được một trong những điều họ lưu tâm nhất khi còn sống -- là chính họ. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói,
Hình ảnh hỏa ngục trong Kinh Thánh đưa ra cho chúng ta thì phải được giải thích cách đúng đắn. Chúng cho thấy sự hoàn toàn thất vọng và sự trống rỗng của cuộc đời không có Thiên Chúa. Thay vì là một nơi chốn, hỏa ngục biểu lộ tình trạng của những người tự do và dứt khóat tự tách biệt với Thiên Chúa, là nguồn của mọi sự sống và niềm vui.190
Khía cạnh khủng khiếp nhất của hỏa ngục là tính cách cố định của nó. Theo Giáo Lý, “Hình phạt chính yếu của hỏa ngục là sự tách biệt đời đời với Thiên Chúa, chỉ trong Người mà loài người có được sự sống và hạnh phúc mà vì đó họ được dựng nên và vì đó mà họ khao khát” (GLCG 0135). Đức Giêsu dậy hỏa ngục thì không tạm thời nhưng kéo dài mãi mãi. Người nói rằng những ai bị luận phạt “sẽ đi vào hình phạt đời đời, nhưng những người công chính sẽ đi vào sự sống đời đời” (Mt 25:46).191
Một số người lý luận rằng nếu Thiên Chúa công bằng thì hỏa ngục chỉ tạm thời và người ta có thể “tự tìm cách” ra khỏi đó. Nhưng không ai có thể tự tìm cách ra khỏi hỏa ngục cũng như tự tìm cách được lên thiên đường. Ơn cứu độ là một quà tặng của Thiên Chúa mà chúng ta “hợp tác” trong đời này (Phil 2:12) bởi kiên trì trong đức tin mà nó hoạt động qua đức mến (Gal 5:6) cho đến khi chấm dứt cuộc đời (Mt 10:11). Chỉ có thời gian mà chúng ta có thể chấp nhận món quà này, hay sự ban tặng ơn sủng từ Thiên Chúa, là trong khi chúng ta còn sống. Sau khi chết, sự lựa chọn của chúng ta ở đời này sẽ vĩnh viễn niêm yết những gì là định mệnh của chúng ta ở đời sau (Dt 9:27).
Hơn nữa, nếu hỏa ngục tạm thời, nó sẽ bất công không thể tưởng được. Vì thiên đường bao gồm vinh quang và hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa, thì bất kể một người có ở hỏa ngục bao lâu, nó sẽ dường như chỉ có một vài giây so với hạnh phúc vĩnh viễn chờ đợi họ trên thiên đường. Nó sẽ giống như nói với một đứa trẻ vừa cố ý làm gẫy tay em nó rằng nó sẽ phải bị “tạm ngưng” trong ba mươi giây trước khi nó có thể chơi đùa trong công viên suốt cả ngày.
Hỏa ngục cũng có thể đời đời vì người bị luận phạt tiếp tục phạm tội và khước từ Thiên Chúa sau khi chết. Trong tình cảnh này, hình phạt của họ thì đời đời vì họ đã làm ra như thế và không thể làm khác được. Nếu bạn từng ở với một người chỉ biết đến chính mình, bạn sẽ thấy họ bị dằn vặt khi có một người nào đó được những người khác thán phục hơn họ. Người bị luận phạt trong hỏa ngục có thể yêu mình và tội lỗi của họ quá đáng đến độ tình yêu vị tha của Thiên Chúa làm họ không thể chịu nổi. Ngay cả họ muốn ở lại trong hỏa ngục vì nghĩ rằng điều đó tốt hơn nơi thiên đường.
CÒN ĐẦU THAI THÌ SAO?
Sau khi chết linh hồn vào thiên đường, hỏa ngục, hay luyện tội; nó không trở về trái đất để ở trong một thân xác khác hay được đầu thai. Chúng ta có thể biết điều này từ lời chứng trong Kinh Thánh, Truyền Thống Thánh, và ngay cả lý lẽ con người.
Trước hết, người ta không sống như thể họ có linh hồn mà nó đã sống trước khi sinh ra thân xác của họ. Văn sĩ giáo hội ở thế kỷ thứ ba là Tertullian nói thế này, “Nếu linh hồn từ giã ở những tuổi khác nhau khi còn sống, làm thế nào nó lại trở về ở cùng một tuổi? Vì mọi người được hấp thụ một linh hồn ấu thơ vào lúc sinh. Nhưng làm thế nào một người chết già và trở lại cuộc đời như một bé sơ sinh?”192
Thứ hai, nếu giả thuyết đầu thai đúng và các linh hồn không bao giờ được tạo ra hay bị tiêu diệt nhưng chỉ “tái sinh” vào các thân xác khác, thì tại sao dân số lại gia tăng theo thời gian? Điều này chỉ có thể giải thích bởi việc tạo dựng các linh hồn mới thay vì sự đầu thai của cùng một nhóm linh hồn vào các thân xác khác nhau.
Sau cùng, nếu trí nhớ về đời trước của chúng ta bị mất khi đầu thai, vậy, theo lời T. Irênê, “Làm thế nào những người chủ trương đầu thai biết họ đã được đầu thai?”193 Thật hữu lý để tin, như thư gửi tín hữu Do Thái 9:27 nói rằng, “con người đã được định phải chết một lần, và sau đó là sự phán xét.”
Nhiều người hỏi, “Làm thế nào một Thiên Chúa nhân ái lại đưa người ta xuống hỏa ngục?” Nhưng câu hỏi này, tuy thành thật và quan trọng, cho thấy một quan điểm sai lầm về sự tương giao giữa những lựa chọn ở trái đất và những định mệnh đời đời. Sách Giáo Lý nói, “Thiên Chúa không tiền định cho ai xuống hỏa ngục; mà vì họ tự ý lìa bỏ Thiên Chúa [bằng một tội trọng], và dai dẳng trong tội cho đến chết” (GLCG 1037).
Hỏa ngục không phải là điều Thiên Chúa dựng nên vì mục đích trừng phạt người ta cách độc đoán. Thật vậy, con người tạo ra sự cần thiết của hỏa ngục vì những lựa chọn tội lỗi mà chúng tách biệt họ với Thiên Chúa. Kinh Thánh nói rằng Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4:8) và Thiên Chúa muốn mọi người được cứu độ (1 Tim 2:4), nhưng tình yêu thì tự do. Thiên Chúa không muốn cứu những người mà họ không muốn được cứu khỏi tội của họ. Theo sách Giáo Lý, “Chúng ta không thể được kết hợp với Thiên Chúa trừ phi chúng ta tự do chọn lựa sự yêu mến Người. Nhưng chúng ta không thể yêu mến Thiên Chúa nếu chúng ta phạm tội trầm trọng chống với Người, chống với tha nhân hay chống với chính mình” (GLCG 1033).
Một chống đối khác với hỏa ngục là cho rằng thật không công bằng khi đưa ra một hình phạt vĩnh viễn cho một tội có giới hạn. Nhưng thời gian phạm một tội ác không ngụ ý hình phạt phải như thế nào. Nói cho cùng, một vi phạm về đậu xe sai chỗ có thể xảy ra trong nhiều giờ trong khi vụ giết người có thể xảy ra trong vài giây. Chính bản chất của tội ác và ý định của can phạm thì quan trọng để quyết định hình phạt phải như thế nào.
THỰC TẠI CỦA NGƯỜI BỊ LUẬN PHẠT
“Có những người từng hoàn toàn dứt bỏ lòng khao khát chân lý và không muốn sự nhân ái, những người mà với họ mọi thứ đều trở nên giả dối, những người mà họ sống cho thù hận và ngăn chặn mọi tình thương trong chính họ. Đây là một ý tưởng khủng khiếp, nhưng tiểu sử của loại người này có thể thấy trong một số nhân vật trong lịch sử. Trong những người ấy, mọi sự đều không thể chữa trị và việc tiêu diệt sự tốt lành thì không thể thay đổi: đây là điều chúng ta muốn nói về chữ hỏa ngục.”194 -- Đức Giáo Hoàng Bênêđích XVI
Nhưng tội ác ở đời này có thực sự trầm trọng đến độ đáng bị hình phạt vĩnh viễn ở đời sau không? Nhiều người sẵn sàng chấp nhận rằng trong khi những người thật xấu xa như các nhà độc tài diệt chủng hay các tên giết người tàn bạo thì đáng phải xuống hỏa ngục, nhưng người “tốt lành” phạm tội “hàng ngày” thì không đáng. Nhưng điều gì làm cho ai đó trở nên tốt lành?
Có phải họ trích 20 phần trăm lợi tức cho việc bác ái? Có phải họ không bao giờ đàm tiếu về người khác hay luôn giữ lời hứa? Trong thư gửi tín hữu Galát, T. Phaolô nói các tội hàng ngày như đố kị, giận dữ, ích kỷ, dâm loạn, và say sưa có thể ngăn cản một người vào thiên đường (Gal 5:19-20).
Thật dễ để chúng ta đưa ra các tiêu chuẩn của chính mình về một người tốt, như thế chúng ta luôn luôn “trong sạch”, nhưng thật khó để đạt được tiêu chuẩn của Chúa Giêsu. Người nói, “Vì thế, anh chị em phải trở nên trọn lành, như Cha trên trời của anh chị em thì trọn lành” (Mt 5:48). Bất kể chúng ta có khó nhọc cố gắng thế nào, không ai trong chúng ta “tốt đủ” để tự mình vào được thiên đường. Đó là lý do chúng ta cần ơn sủng miễn phí của Thiên Chúa để chúng ta có thể được biến đổi không phải thành “người tốt”, nhưng thành “dân Chúa”, họ là những người được chia sẻ sự sống của Thiên Chúa và được chuẩn bị ở đời này để có thể nhận được tình yêu vô cùng của Người ở đời sau.
Trong Phúc Âm, Đức Giêsu kể một dụ ngôn về người con bỏ nhà ra đi và phung phí tiền của người cha cho nó. Nó trở nên nghèo đến độ gần chết đói, nhưng nó không nghĩ người cha sẽ để nó trở về nhà. Nó hy vọng rằng, có lẽ cha nó sẽ nhận nó vào làm việc như một người tôi tớ để tối thiểu nó có gì để ăn.
Sau đó người con quyết định trở về nhà, và Đức Giêsu nói, “Trong khi nó còn ở đàng xa, cha nó đã trông thấy nó và động lòng thương, và ông chạy đến ôm lấy nó và hôn nó” (Lc 15:20). Sau đó người cha tổ chức liên hoan cho đứa con, vì như ông nói, “con tôi đã chết, và nay sống lại; nó đã mất, và nay được tìm thấy” (Lc 15:24).
Câu chuyện này được gọi là dụ ngôn người con hoang đàng. Nhiều người, kể cả ngoài Kitô Giáo, từng nghe dụ ngôn này, nhưng có một chi tiết mà họ quên: người cha trông thấy con từ đàng xa. Điều này có thể là vì người cha trông ngóng con hàng ngày, đợi con trở về. Hãy tưởng tượng niềm vui của ông khi nhận ra khuôn mặt từ đàng xa là con ông -- nó còn sống và lại được an toàn trong đôi tay của ông!
Như người cha của đứa con hoang đàng, Thiên Chúa không buộc chúng ta phải yêu mến hay vâng lời Người. Đây là lý do hỏa ngục là một thực tại có thể cho những ai chọn sự ích kỷ và tội lỗi thay vì tình yêu và sự thánh thiện. Nhưng cũng như người cha trong dụ ngôn, Thiên Chúa luôn đợi chúng ta trở về với Người. Đó là lý do trong thư thứ hai Phêrô 3:9 nói rằng Thiên Chúa thì kiên nhẫn với chúng ta, “không muốn bất cứ ai phải hư mất, nhưng mọi người phải tìm đến sự ăn năn sám hối.”
TẠI SAO CHÚNG TÔI TIN: HỎA NGỤC
|