Một vài năm trước đây khi tôi nghiên cứu vấn đề hôn nhân và tình cờ gặp mẩu phim của chương trình truyền hình Sesame Street. Đó là một đối thoại giữa một bé trai tên là Jessie và nhân vật Grover. Phim bắt đầu với câu hỏi của Grover, “Mày có biết hôn nhân là gì không, Jessie?” và nó tiếp tục như thế này:
Jessie: Một hôn nhân là khi hai người kết hôn?
Grover: Phải. Tốt lắm. Đó là hôn nhân. Họ làm gì khi kết hôn?
Jessie: Hôn nhau.
Grover: Họ hôn nhau, đúng; họ còn làm gì khác khi kết hôn?
Jessie: Họ ôm nhau.
Grover: Tốt lắm. Tốt lắm. Còn gì khác nữa?
Jessie: Hết rồi.
Grover: Chỉ có vậy sao?
Jessie: Phải.
Grover: Họ còn là bạn nữa chứ?
Jessie: Phải.
Grover: Ô, vậy có nhiều thứ trong hôn nhân, có phải không? Hôn nhau, ôm nhau, bạn của nhau, giúp nhau, đủ mọi thứ. Phải. Vậy, tao nghĩ đó là tất cả những gì về hôn nhân.
Nhưng đó không phải là tất cả những gì về hôn nhân. Tại sao Grover không đề cập đến lời thề là “thành thật với nhau,” trong “lúc thịnh vượng cũng như lúc gian nan, lúc bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe,” cho đến khi “sự chết chia lìa chúng ta”? Tại sao không nhắc gì đến việc sinh con và trở nên một gia đình? Điều Sesame Street diễn tả thì không phải là hôn nhân; đó là sự sống chung.
Ngược lại, Giáo Hội Công Giáo định nghĩa hôn nhân là “giao ước kết hôn mà qua đó một người nam và một người nữ thiết lập giữa họ một sự hợp tác cả đời, và bản chất hôn nhân được đặt định cho sự tốt lành của vợ chồng và sự sinh sản cũng như giáo dục con cái.”174
Tôi biết đó không phải là định nghĩa lãng mạn, nhưng tại tâm điểm, định nghĩa này có nghĩa hôn nhân thì không chỉ là một khế ước hợp pháp. Thật vậy, một hôn nhân Công Giáo là một giao ước, hay lời thề trung thành thiêng liêng giữa hai người. Trong hôn nhân, người nam và người nữ không chỉ tán thành theo luật; họ còn trao cả chính mình cho nhau vừa vì sự tốt lành của nhau và cả con cái nếu có.
Đó là lý do, trước sự chống đối lớn lao của thế giới, và ngay cả của các giáo phái Kitô khác, Giáo Hội Công Giáo giữ vững hoạch định của Thiên Chúa cho hôn nhân để trở nên vĩnh viễn và mở lối cho sự sống.
Năm 1969, Ronald Reagan, lúc ấy là thống đốc của California, đã thông qua luật đầu tiên trong nước cho phép ly dị mà không cần lỗi phạm. Thay vì phải minh chứng người kia đã phạm lỗi tỉ như ngoại tình hay đánh đập, một hôn nhân có thể chấm dứt chỉ vì vợ chồng này có “những khác biệt không thể hòa giải.” Nhưng hậu quả của việc tái định nghĩa hôn nhân này là gì?
Sau khi đạt đến cao điểm trong thập niên 1980, tỉ lệ ly dị trở lại mức độ như trước khi có sự ly dị không lỗi. Nhưng điều đó chỉ vì có thêm nhiều người không muốn kết hôn -- thêm 11 phần trăm.175 Nhưng không hẳn số người gia tăng không kết hôn với nhau.
Trong 1963, chỉ có 7 phần trăm trẻ em sinh ở ngoài hôn nhân. Ngày nay, số trẻ này là 40 phần trăm, và trong một vài cộng đồng kinh tế xã hội con số đó cao đến 71 phần trăm.176 Trung bình, trong bốn trẻ thì có một trẻ sống xa cách cha ruột của nó.177 Cuộc nghiên cứu thấy rằng những trẻ em nào từ gia đình ly dị hay không kết hôn thì thường sống trong cảnh nghèo và thường dễ bị hành hạ hơn các trẻ từ những gia đình bền vững.
QUÀ TẶNG TỐT NHẤT CHO CON
“Child Trends”, một nhóm nghiên cứu phi đảng phái từng nghiên cứu gia đình trong bốn thập niên qua, nói rằng trẻ em trong gia đình mà cha mẹ có kết hôn thì “tổng quát, sức khỏe tốt hơn, được chăm sóc sức khỏe, và ít có những vấn đề về cảm xúc hay hành vi như các trẻ trong các loại gia đình khác.”178 Ngược lại, một đứa trẻ mà cha mẹ sống chung với nhau và không kết hôn thì có thể bị hành hạ bốn lần nhiều hơn. Một đứa trẻ mà mẹ nó sống chung với một ban trai thì có thể bị hành hạ mười một lần nhiều hơn.”179 Quà tặng tốt nhất mà bạn có thể cho đứa con thì không phải là đồ chơi mới nhất; đó là cha mẹ kết hôn với nhau và sẵn sàng giải quyết vấn đề theo một phương cách lành mạnh.
Ngoài chứng cớ khoa học cho thấy sự tốt đẹp của hôn nhân kéo dài cả đời, Kinh Thánh tiết lộ rằng hoạch định của Thiên Chúa cho hôn nhân thì vĩnh viễn. Đức Giêsu nói khi một người nam và một người nữ kết hôn, “họ không còn là hai nhưng là một. Do đó, điều Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10:8-9). Người còn làm sáng tỏ điểm này hơn nữa khi nói, “Ai ly dị vợ mình và lấy một người khác thì phạm tội ngoại tình đối với vợ; và nếu vợ ly dị chồng mình và lấy người khác, họ phạm tội ngoại tình” (Mc 10:11-12).180
Giáo Hội Công Giáo cho phép ly thân và ngay cả ly dị về dân sự nếu có những trường hợp như hành hạ người phối ngẫu.181 Tuy nhiên, nếu cả hai đều là Kitô Hữu thì, theo Đức Giêsu dậy, hôn nhân vẫn có hiệu lực, vì thế Giáo Hội cấm họ không được tái hôn. Ngay cả khi hôn nhân tan vỡ vì sự bất trung hay sự hành hạ, những lỗi phạm không thể xóa bỏ những gì Thiên Chúa đã kết hợp. Nhưng ơn sủng có thể khắc phục tội lỗi.
Ơn sủng đem lại sức mạnh cho vợ chồng ly dị để họ chịu đựng những lỗi lầm, và đem đến cho họ sự khiêm tốn để tìm kiếm sự giúp đỡ về tinh thần và chuyên môn. Hôn nhân thì không dễ, nhưng như T. Phaolô nói, “Tôi có thể làm mọi sự trong [Chúa Kitô] đấng thêm sức cho tôi” (Phil 4:13).
Ở điểm này một số người nói, “Tôi biết nhiều người ly dị và họ được tái hôn trong Giáo Hội nhờ xin được sự vô hiệu hóa hôn nhân!” Nhưng vô hiệu hóa không phải là một bản văn ly dị của Công Giáo.
Không giống như ly dị tìm cách tiêu hủy một hôn nhân có giá trị, bản tuyên bố vô hiệu hóa xác định rằng ngay từ đầu hôn nhân ấy đã không có giá trị. Dường như đôi nam nữ kết hôn trong ngày cưới, nhưng không có một yếu tố thiết yếu của hôn nhân. Yếu tố này có thể gồm:
TẠI SAO TÔI PHẢI KẾT HÔN TRONG GIÁO HỘI?
Cũng như một hôn nhân dân sự không có giá trị nếu không xảy ra trước sự hiện diện của một đại diện nhà nước (tỉ như một ông tòa hay nhân viên thừa hành có phép) và phù hợp với luật của nhà nước, một hôn nhân Công Giáo vô giá trị nếu không xảy ra trước sự hiện diện của Giáo Hội và phù hợp với luật của Giáo Hội.
Thông thường, đám cưới phải xảy ra trong một nhà thờ Công Giáo (trừ phi đức giám mục cho phép), vì hôn nhân là một trong những trách nhiệm linh thiêng nhất của một đời người nên nó phải xảy ra trong một nơi thiêng liêng. Giáo Hội cũng muốn biết chắc là đôi nam nữ thực sự hiểu rõ lời thề vĩnh viễn, một vợ một chồng, và mở lối cho sự sống mới mà họ đồng ý, đó là lý do Giáo Hội thường không cho phép đám cưới xảy ra trong các giáo đường của các giáo phái khác hay nơi thế tục mà ở đây quan điểm về hôn nhân khác với Giáo Hội.
Một người Công Giáo kết hôn ngoài Giáo Hội sẽ là một hôn nhân vô hiệu lực (và vì thế sẽ mắc lỗi khi có tương quan tình dục). Tuy nhiên, hoàn cảnh này có thể giải quyết bằng cách xin phê chuẩn, hay nhìn nhận chính thức từ Giáo Hội.
Giáo Hội không đòi hỏi vợ chồng phải có đủ số con để làm đội bóng rổ của gia đình. Giáo Hội cũng không nói với họ, như Trung Cộng nói với dân chúng, rằng có số con cái tối đa họ được phép sinh. Sách Giáo Lý chỉ nói rằng cha mẹ phải cho thấy “sự quảng đại phù hợp với trách nhiệm làm cha mẹ” (GLCG 2368), và họ không được dùng các phương tiện vô luân, tỉ như phá thai hay ngừa thai, để hoạch định gia đình.
Trong thực tế, nhiều hình thức ngừa thai phổ thông -- tỉ như IUD và ngay cả một số thuốc kiểm soát kích thích tố -- có thể giết thai nhi bởi ngăn chặn nó không được bám vào lòng mẹ như một phôi thai. Nhưng ngay cả khi việc ngừa thai không có khả năng gây ra sự phá thai (tỉ như bao dương vật), nó vẫn sai trái, vì đó là một hình thức khác về sự bất trung tình dục.
Chúng ta đã thấy tình dục có một ý nghĩa nội tại trong hôn nhân. Khi một đôi nam nữ giao cấu, về thể xác họ diễn tả một lời thề, xem như vĩnh viễn, mà lời thề ấy chưa có, vì thế họ nói lời gian dối với thân xác mình. Một trong những lời thề Giáo Hội yêu cầu đôi tân hôn nói lên trong ngày cưới là “yêu thương chấp nhận con cái Chúa ban.” Đôi vợ chồng không phải tìm cách thụ thai mỗi lần họ có sự mật thiết; họ chỉ cần giữ lời hứa đừng trực tiếp làm mất khả năng sinh sản qua việc sử dụng thuốc ngừa thai mỗi khi thân mật.
KINH THÁNH NÓI GÌ?
Tuy bao dương vật được biết là đã có từ thời cổ Ai Cập, người Do Thái tin rằng sự thụ thai là một quà tặng của Thiên Chúa nên họ không cổ vũ việc ngừa thai. Thật vậy, Kinh Thánh chỉ có một ghi nhận về hành vi ngừa thai, khi Onan “rút dương vật” ra trước khi xuất tinh. Sáng Thế 38:10 nói, “Điều nó làm thì không hài lòng trước mắt Thiên Chúa, và Người đã giết nó”.182
Nhưng tại sao đôi vợ chồng không giữ lời thề “mở lối cho sự sống” bởi thỉnh thoảng dùng thuốc ngừa thai?
Tại vì cùng một lý do như đôi vợ chồng “thỉnh thoảng” ngoại tình thì họ đã không giữ được lời thề “chung thủy&rdquo. Như chúng ta đã thấy, để tình dục là sự kết hợp một xương thịt, nó phải là một quà tặng toàn thể chính mình, và nó phải hướng về điều gì đó vượt lên trên những cảm giác riêng tư của vợ và chồng. Nó phải được hướng về việc tạo ra con người mới.
Nếu điều nêu trên đúng, làm thế nào đôi vợ chồng có thể tuân theo giảng dậy của Giáo Hội rằng họ có trách nhiệm hoạch định gia đình mình? Câu trả lời: kế hoạch hóa gia đình cách tự nhiên (NFP).
Tôi luôn bàng hoàng khi thấy nhiều người lưu tâm đến việc mua thực phẩm hữu cơ (organic) tại các chợ nhưng lại không chống đối gì với việc dùng các thuốc ngừa thai, mà Tổ Chức Ung Thư Hoa Kỳ xếp hạng đó là chất gây ung thư nhóm một.183 Đó là lý do tôi yêu thích NFP vì nó hoàn toàn tự nhiên, không bị chất nhựa, không có kích thích tố cho vợ tôi và tôi (cùng với hàng triệu vợ chồng khác) sinh con cách quãng.
Trong khi người đàn ông thường có khả năng sinh sản cho đến khi nằm trong mộ, khả năng sinh sản của người nữ giảm sút đáng kể khi lớn tuổi và chỉ hiện diện trong một số ngày mỗi tháng. NFP dùng kỹ thuật theo dõi khả năng sinh sản để đôi vợ chồng muốn có con, họ có thể chọn thân mật vào những ngày người nữ được biết là có thể thụ thai. Ngược lại, nếu họ cảm thấy chưa sẵn sàng để có con, họ chỉ chọn thân mật vào những ngày không thể thụ thai.
NFP đòi hỏi hai vợ chồng phải cùng hợp tác để theo dõi khả năng sinh sản và quyết định khi nào thân mật. Và thành thật mà nói, việc chờ đợi những ngày không thể thụ thai có thể thật khó khăn. Tuy nhiên, trong thời gian kết hôn chưa được lâu của tôi, tôi thấy rằng khi NFP buộc đôi vợ chồng phải kiên nhẫn và giao tiếp với nhau, điều đó đã giúp giải quyết những xung khắc và cải thiện hạnh phúc hôn nhân. Có lẽ đây là lý do tại sao những vợ chồng nào dùng NFP thì tỉ lệ ly dị chỉ từ 1 đến 3 phần trăm.184
Nhưng phải chăng NFP là một kiểu ngừa thai của Công Giáo? Trong cả hai trường hợp, vợ chồng thực hành để họ không có con. Tuy dường như giống nhau, nhưng không phải. Sau đây là cách loại suy để giải thích sự khác biệt, và tại sao NFP thì phù hợp luân lý trong khi ngừa thai thì không.
Hãy tưởng tượng bạn đang chọn ngày cưới và nó rơi đúng vào thời điểm mà các bà con bên vợ của bạn có trận đấu banh rất lớn. Nếu bạn thực sự muốn họ tham dự đám cưới, bạn phải chọn một tuần trước trận đấu. Nhưng giả sử tài chánh của bạn eo hẹp và bạn không muốn có thêm khách được mời. Bạn có thể chọn ngày cưới đúng vào trận đấu và cứ gửi thiệp mời như dấu chỉ rằng bạn vẫn quý trọng sự tương giao với họ. Nếu họ xuất hiện, có lẽ hơi chút căng thẳng, nhưng bạn sẽ cảm kích vì họ đã đến.
Bây giờ, hãy tưởng tượng bạn không muốn đợi một tuần và bạn tuyệt đối không muốn bà con đó đến dự đám cưới. Để biết chắc là họ không đến, bạn gửi cho họ giấy báo nói rằng, “Vui lòng đừng đến đám cưới của chúng tôi. Chúng tôi không muốn quý vị đến đây! ”
Điều này liên hệ thế nào với NFP?
Chọn ngày tốt nhất cho các bà con thì cũng giống như có sự thân mật vào ngày có thể thụ thai; bạn tạo ra những điều kiện tối ưu để có con. Trì hoãn đám cưới một tuần thì giống như chờ đợi để thân mật vào ngày không thụ thai. Có lẽ không thể có con, nhưng nếu có thì cũng tốt!
Tuy nhiên, gửi giấy báo đừng đến thì giống như ngừa thai. Cũng giống như bạn nói với bà con ấy, “Chúng tôi muốn ngày này, và đừng xuất hiện để làm hỏng ngày ấy!”, việc dùng thuốc ngừa thai gửi một giấy báo cho đứa con tương lai của bạn (cũng như cho Thiên Chúa, là đấng trách nhiệm mọi ơn sủng thụ thai), “Chúng tôi muốn khoái lạc tình dục vào thời điểm đặc biệt này, bởi đó đừng xuất hiện và đừng làm hỏng ngày ấy!” Nhưng con cái không làm hỏng sự khoái lạc tình dục, chúng là sự hoàn thành của tình dục, do đó chúng ta đừng bao giờ dự phần vào sinh hoạt có giấy báo cho đứa con là nó không được đón nhận, dù đó là điều Thiên Chúa muốn chọn để chúc lành chúng ta.
CÁC THÁNH KẾT HÔN?
Năm 2015, ĐGH Phanxicô tuyên thánh đôi vợ chồng đầu tiên, ông Louis và bà Zelie Martin. Người nói họ “thi hành việc phục vụ Kitô Giáo trong gia đình, hàng ngày thiết lập một môi trường đức tin và đức mến mà nó ấp ủ ơn gọi của các cô con gái, trong đó có T. Têrêsa ở Lisieux.”185
Không phải là bất thường khi hôn nhân bị căng thẳng sau cái chết của một đứa con, và ông bà Martin chịu đựng cái chết của bốn đứa con sơ sinh. Thay vì tuyệt vọng, họ sống như một gương mẫu thánh thiện cho năm người con còn lại. Một ngày của họ được chia thành thời gian cầu nguyện, làm việc, và thư giãn, phần lớn thời gian ấy là ở thôn quê, nơi T. Têrêsa thừa hưởng lòng yêu mến thiên nhiên và bông hoa của cha mình.
Sau khi người vợ từ trần, ông Louis phải chiến đấu với sự cô đơn vào lúc cả năm cô con gái đi tu và khấn trọn. Ông vẫn nói, “Đó là một vinh dự lớn lao, vĩ đại cho tôi khi Thiên Chúa muốn cả năm cô con gái của tôi. Nếu tôi có được điều gì tốt hơn, tôi sẵn sàng dâng cho Chúa.”186
TẠI SAO CHÚNG TÔI XÁC TÍN: HÔN NHÂN
|