Tôi vẫn nhớ đêm tôi được rửa tội. Khi được gọi tên, tôi bước ra đằng trước cửa nhà thờ và nhúng chân vào hồ nước rửa tội lạnh lẽo. Khi nước cuộn quanh mắt cá chân, tôi chắp tay và nhắm mắt lại.
Tôi không nhớ mình nghĩ gì ngoại trừ tiếng vị linh mục nói, “Ta rửa ngươi nhân danh Cha…” Khi người đổ nước lên đầu tôi, mắt tôi mở ra để thấy tấm màn bằng nước lấp lánh tách biệt tôi với cả nhà thờ. Người tiếp tục, “…và con, và Thánh Thần.”
Tôi gạt nước ở mắt và thấy hàng trăm người vỗ tay vang dội, kể cả cha mẹ tôi không phải là Công Giáo. Khi bước ra khỏi hồ, tôi nghĩ đến sự hoán cải của T. Phaolô, người là vị anh hùng của tôi khi tôi chuẩn bị được đón nhận vào Giáo Hội.
Theo Kinh Thánh, sau khi người được gặp Đức Giêsu phục sinh, T. Phaolô bị mù cho đến khi sứ giả của Thiên Chúa là ông Ananias đến thăm người. Ông nói với Phaolô, “Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã chọn anh để anh biết ý muốn của Người… anh sẽ làm chứng cho Đấng ấy trước mặt mọi người về những gì anh đã thấy và đã nghe. Vậy bây giờ anh còn chần chừ gì nữa? Anh hãy đứng lên, hãy nhận phép rửa và thanh tẩy mình cho sạch tội lỗi, miệng kêu cầu danh Người” (Cv 22:14-16).
Chúa Giêsu không nói bí tích rửa tội chỉ để cho người khác biết chúng ta là Kitô Hữu. Thật vậy, Chúa Giêsu tuyên bố rằng, “Nếu người ta không được sinh ra bởi nước và Thánh Thần, họ sẽ không được vào vương quốc của Thiên Chúa” (Ga 3:5). T. Phêrô nói với đám đông ở Giêrusalem, “Hãy sám hối, và mọi người hãy được rửa tội…để tội lỗi của anh chị em được tha thứ” (Cv 2:38), và trong thư của người gửi toàn thể Giáo Hội, T. Phêrô nói rằng “bí tích rửa tội…giờ đây cứu anh chị em” (1 Ph 3:21).
Trước khi Đức Kitô khởi đầu sứ vụ, một ngôn sứ tên là Gioan Tẩy Giả đã kêu gọi người ta hãy từ bỏ tội lỗi và trung thành thờ phượng một Thiên Chúa đích thực. Sự thanh tẩy của Gioan không lấy đi tội lỗi, nhưng đúng hơn nó cho thấy người ấy hối lỗi về tội của mình.113 Tuy nhiên, Gioan có nói, trong khi ông thanh tẩy bằng nước, có người đến sau ông nhưng cao trọng hơn ông (hay Đức Giêsu) sẽ thanh tẩy với Thánh Thần và với lửa (Mt 3:11). Bí tích rửa tội của Chúa Giêsu không chỉ là một dấu hiệu từ bỏ tội lỗi của một người; nó thực sự lấy đi tội lỗi của người ấy.
RỬA TỘI VỚI LỬA?
Trong Kinh Thánh, lửa thường tiêu biểu cho sự thanh tẩy, tỉ như cách Thiên Chúa làm cho chúng ta trở nên thánh thiện thường được so với cách thợ rèn dùng lửa để đốt đi các vẩn bụi trên miếng sắt. Cũng như lửa của thợ rèn để lại miếng sắt tinh ròng, lửa của tình yêu Thiên Chúa để lại một tín hữu tinh tuyền, họ sạch mọi tì vết của tội (Châm Ngôn 17:3, Sirác 2:4-6). Kinh Thánh nói Thiên Chúa là một ngọn lửa thiêu đốt (Dt 12:29), có nghĩa Thiên Chúa có thể thanh tẩy và “đốt cháy” tội lỗi chúng ta để chúng ta được sạch tội đứng trước Thiên Chúa vào ngày phán xét (1 Cor 3:15).
Thiên Chúa biết rằng chúng ta nhận thức thế giới bằng sự suy nghĩ và bằng cảm giác. Để giúp chúng ta thực sự hiểu rằng Người tẩy sạch chúng ta khỏi tội lỗi, Thiên Chúa chọn một phương tiện mà mọi văn hóa trên trái đất này liên tưởng đến sự sống và sức khỏe -- đó là nước. Đó là lý do Chúa Giêsu ra lệnh cho các môn đệ hãy rửa tội mọi dân tộc nhân danh Cha, Con và Thánh Thần (Mt 28:19).
Tôi được rửa tội khi là thanh niên, điều đó có nghĩa mọi tội tôi phạm trước đó đều được tha. Nhưng nếu bí tích rửa tội tẩy rửa tội lỗi, và trẻ sơ sinh không phạm tội nào, sao người Công Giáo bận tâm rửa tội trẻ em? Lý do là cùng với tội cá nhân, hay những hành vi sái quấy vi phạm luật của Thiên Chúa, còn có một loại tội tất cả chúng ta đều có -- là nguyên tội.
TỘI LÀ GÌ?
* Nguyên tội: hậu quả cửa sự thiếu trung thành với Chúa từ thuở ban đầu, nó làm cho chúng ta có xu hướng phạm tội và chết (GLCG 403-404).
* Tội cá nhân: chọn làm điều xấu mà nó vi phạm đến luật đời đời của Thiên Chúa, hay không làm điều tốt (GLCG 1849-1850).
Không như tội cá nhân, nguyên tội thì không phải là sự xấu mà chúng ta làm nhưng là sự thiếu vắng ơn Chúa trong linh hồn chúng ta. Bí tích rửa tội “lấy đi” nguyên tội bằng cách đổ đầy linh hồn chúng ta với tình yêu và sự sống của Thiên Chúa, hay ơn sủng. Như thế, khi tôi được rửa tội, Thiên Chúa không chỉ tha thứ mọi tội tôi đã phạm, nhưng Người còn đổ đầy linh hồn tôi với sự sống của Người và lấy đi tì vết của nguyên tội. Trong giây phút ấy, Người ban cho tôi, như T. Phaolô nói, “tinh thần làm con. Khi chúng ta kêu lên, ‘Abba! Cha ơi!’ chính Thần Khí chứng thực với thần trí của chúng ta rằng chúng ta là con của Thiên Chúa” (Rm 8:15-16).
Lý do của sự thiếu vắng ơn sủng này được gọi là nguyên tội vì nó là hậu quả của tội đầu tiên mà con người vi phạm. Khi tổ tông chúng ta, Adong và Evà, không vâng lời Thiên Chúa, họ mất đi quà tặng của Thiên Chúa là được bảo vệ khỏi phải chết và đau khổ. Sau khi mất ơn này, họ không thể truyền lại ơn ấy cho con cháu, và cho chúng ta. Sự bất tuân phục của Adong và Evà đã làm hư hỏng bản tính con người và làm cho con người phải đau khổ và chết. Bí tích rửa tội không ngăn cản được cái chết về thể xác chúng ta, vì nó không thay đổi các bản chất vật lý của chúng ta. Tuy nhiên, nó thay đổi bản chất tinh thần của chúng ta, do đó qua bí tích rửa tội chúng ta được cứu khỏi cái chết tinh thần bởi được kết hợp với Chúa Giêsu Kitô.
Một số người nói thật không công bằng khi Thiên Chúa phạt chúng ta vì những gì Adong và Evà đã làm, nhưng nguyên tội không phải là một hình phạt. Thật vậy, đó là một hậu quả của những gì Adong và Evà đã làm mà chúng ta phải gánh chịu.114
Để hiểu điều này, hãy tưởng tượng một người được trao cho một di sản để làm cho ông giầu có, nhưng vì tham lam ông lấy cắp từ tài sản ấy nhiều hơn ông được. Vợ và con của ông không biết ông đã làm điều này, họ từng nghĩ rằng họ không phải lo lắng đến tiền bạc nữa -- cho đến khi cảnh sát đến, bắt giữ ông này, và tòa đã lấy lại tất cả số tiền ông được thừa hưởng.
Tòa không phạt gia đình ông ta vì họ không làm gì sái quấy. Tuy nhiên, gia đình ông phải đau khổ vì nếu ông không ăn cắp tiền thì họ đã được giầu có. Cũng vậy, chúng ta cũng sẽ được vui hưởng các ơn siêu nhiên nếu Adong và Evà không sa ngã làm mất ơn sủng và chống lại Thiên Chúa. T. Phaolô nói vì sự sa ngã của một người, “tội đã đến thế gian qua một người và sự chết đến qua tội lỗi, và vì thế sự chết lan tràn đến mọi người vì mọi người đã phạm tội” (Rm 5:12).
Tuy sự bất tuân của một người đã làm loài người bị nguyền rủa, sự vâng phục của một người đã cứu loài người (Rm 5:19). T. Phaolô nói rằng sự hy sinh của Đức Kitô không chỉ đền bù tội của Adong nhưng còn tội của cả nhân loại (1 Ga 2:2). Thánh nhân còn nói rằng chúng ta được thoát khỏi tội bởi chết đi và sống lại với Đức Kitô, nhưng làm thế nào chúng ta “chết đi và sống lại” với Đức Kitô? T. Phaolô giải thích:
Anh chị em không biết rằng tất cả chúng ta được rửa tội trong Đức Kitô Giêsu là được rửa tội trong cái chết của Người hay sao? Bởi thế, qua sự rửa tội đi vào sự chết này chúng ta được mai táng với Người, để như Đức Giêsu chỗi dậy từ cõi chết nhờ vinh quang của Chúa Cha, chúng ta cũng có thể bước đi trong đời sống mới (Rm 6:3-4).
Kinh Thánh nói bí tích rửa tội lấy đi tội lỗi (Cv 22:16) và làm cho chúng ta trở nên chi thể của Thân Thể Đức Kitô (1 Cor 12:13). Chúng ta có nên loại trừ trẻ sơ sinh ra khỏi Thân Thể Đức Kitô hay không vì chúng không thể chọn sự rửa tội? Dĩ nhiên không! Trẻ sơ sinh cũng không bao giờ muốn chọn sự thừa hưởng nguyên tội, nhưng chúng ta có thể giúp chúng thoát khỏi tình trạng này qua sự rửa tội. Đức Giêsu có nói, “Hãy để các trẻ nhỏ đến với ta, và đừng ngăn cản chúng; vì nước trời thuộc về những người như thế” (Mt 19:14).
Thật đúng là Kinh Thánh không bao giờ rõ ràng diễn tả cảnh trẻ sơ sinh được rửa tội, nhưng Kinh Thánh có diễn tả toàn thể gia đình được rửa tội mà có thể bao gồm cả trẻ nhỏ (Cv 16:15, 16:22; 1 Cor 1:16). Tuy Kinh Thánh không bao giờ diễn tả cách chúng ta phải rửa tội thế nào, điều đó không ngăn cản chúng ta rửa tội người khác.
Chúng ta có phải đổ nước lên đầu một người không? Chúng ta có phải dìm họ ngập trong nước không? Có thể nào chúng ta rẩy nước trên họ, nhất là khi họ sống ở những nơi như sa mạc, rất ít nước? Thiên Chúa không viết xuống để nói với chúng ta, nhưng lời Chúa, được lưu truyền trong Truyền Thống Thánh, thì có. Cuốn Didache ghi nhận cách Giáo Hội rửa tội trong thế kỷ thứ nhất:
Về bí tích rửa tội, hãy rửa tội theo cách này: Khi đọc những điều này trước, hãy rửa tội nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần trong nước lưu chuyển [đó là nước chảy như trong dòng sông]. Nếu không có nước lưu chuyển, hãy rửa tội trong nước khác; và nếu bạn không thể dùng nước lạnh, hãy dùng nước ấm. Nếu bạn không có cả hai, hãy đổ nước ba lần trên đầu nhân danh Cha, Con, và Thánh Thần.115
Kinh Thánh còn dậy rằng Giao Ước Mới trong Đức Kitô thì cao trọng hơn Giao Ước Cũ mà Thiên Chúa cam kết với dân Israen (Dt 8:6). Vì Giao Ước Cũ bao gồm trẻ sơ sinh trong việc cắt bì (St 17:12), điều này có nghĩa Giao Ước Mới cũng phải bao gồm trẻ sơ sinh, nếu không nó sẽ kém hơn Giao Ước Cũ. Thật vậy, T. Phaolô gọi bí tích rửa tội là “sự cắt bì của Đức Kitô” (Col 2:11).
Một số người trong thời Giáo Hội sơ khai tin rằng điều này có nghĩa cha mẹ phải đợi tám ngày sau mới rửa tội con cái, vì đó là thời gian người ta phải đợi để cắt bì trẻ sơ sinh trong thời Cựu Ước. Nhưng các Giáo Phụ nói trẻ sơ sinh phải được rửa tội càng sớm nếu có thể, nhất là vì trẻ sơ sinh thời đó dễ bị chết sau khi sinh.
“KHÔNG AI BỊ TỪ CHỐI”
Trong thế kỷ thứ ba, T. Cyprian nói, “Không được từ chối lòng thương xót và ơn sủng của Thiên Chúa cho người được sinh ra đời…không ai bị chần chờ bí tích rửa tội và ơn sủng, vậy, với trẻ sơ sinh lại càng không nên.”116
Từ chối ơn sủng của Chúa qua bí tích rửa tội cho trẻ sơ sinh để chúng có thể chọn lựa sau này khi lớn lên thì cũng giống như từ chối y dược cho trẻ em để chúng có thể “tự chọn” sau này. Tội lỗi thì quá nghiêm trọng không nên để lại trong bất cứ người nào, nhất là trẻ em. Đó là lý do tuy tôi được rửa tội khi trưởng thành, tôi tặng cho các con của tôi ngay sau khi sinh một món quà mà tôi không có vào tuổi của chúng -- là ơn Chúa đổ xuống tâm hồn chúng qua bí tích rửa tội.
TẠI SAO CHÚNG TÔI TIN: BÍ TÍCH RỬA TỘI
|