Sau khi tan học tôi đi bộ về nhà với bạn, Adam và nói với anh ta về những gì tôi thảo luận với các học sinh trong nhóm trẻ Công Giáo.
Tôi nói, “Chúng tôi nói về Đức Giêsu và họ nghĩ Người là Thiên Chúa.”
“Anh muốn nói Thiên Chúa, đấng tạo nên mọi sự?”
“Phải.”
Adam nhìn xuống đất, đăm chiêu và sau đó nói, “Nhưng tôi nghĩ họ tin Đức Giêsu là Con của Thiên Chúa, không phải Thiên Chúa.”
“Họ tin như vậy,” tôi trả lời, “nhưng tôi không rõ sự khác biệt này lắm. Tôi sẽ tìm hiểu.”
Sau đó tôi lược qua vài cuốn sách, nhất là cuốn Giáo Lý Công Giáo. Căn bản đây là cuốn cẩm nang giải thích những gì người Công Giáo phải tin. Theo sách Giáo Lý này, Kitô Hữu tin một Thiên Chúa, Người hiện hữu trong Ba Ngôi Một Bản Thể (Tam Vị Nhất Thể - Trinitarian) gồm Cha, Con, và Thánh Thần. Sách nói, “Ba ngôi không chia sẻ một thiên tính giữa các đấng với nhau, nhưng mỗi ngôi là Thiên Chúa toàn thể và trọn vẹn” (GLCG 253).
Làm thế nào có một Thiên Chúa nhưng lại ba ngôi? Đó không phải là một mâu thuẫn sao?
Để hiểu Ba Ngôi Một Bản Thể, chúng ta phải hiểu ba chữ then chốt: hữu thể, cá thể, và bản tính.
Một hữu thể là một thực thể hiện hữu, hoặc “là vật”; một cá thể là một người có lý trí hay “là ai đó”; và một bản tính ám chỉ “đó là gì”. Thí dụ, bạn hiện hữu nên bạn là một loại hữu thể (trong trường hợp này, một sinh vật). Bạn còn là một cá thể có một bản tính con người, đó là, bạn có khả năng hành động theo những phương cách cá biệt. Như thế bạn là một hữu thể, là một cá thể và sở hữu một bản tính con người.
Vậy điều này liên quan thế nào đến Thiên Chúa? Kitô Hữu không tin Thiên Chúa là một cá thể với vô số thuộc tính. Niềm tin này, được chủ trương bởi người Do Thái và Hồi Giáo, được gọi là thuyết thần nhất thể. Trái lại, Kitô Hữu tin rằng Thiên Chúa là một hữu thể hiện diện trong ba cá thể, mỗi cá thể đều sở hữu trọn vẹn bản tính Thiên Chúa. Vậy Kitô Hữu không phải là người tin thần-nhất-thể nhưng tam-vị-nhất-thể mà Kinh Thánh đã cho thấy rằng Cha là Thiên Chúa, Con là Thiên Chúa, và Thánh Thần là Thiên Chúa, nói cách khác một Thiên Chúa phải là ba cá thể. Mátthêu 28:19 nói xa gần về thực tại này khi viết rằng Đức Giêsu ra lệnh làm phép rửa trong danh của Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần.
THÁNH THẦN CÓ PHẢI LÀ THIÊN CHÚA?
Nhiều người nghĩ rằng Thánh Thần chỉ là một loại sức lực, nhưng Kinh Thánh diễn tả về Thánh Thần cho dân chúng qua nhiều câu nói, chứng tỏ Người là một cá thể (Công Vụ 13:2). Kinh Thánh còn nói Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn chúng ta “đến mọi sự thật” (Gioan 16:13), và chỉ có Thánh Thần mới hiểu được những ý nghĩ của Thiên Chúa (1 Cor. 2:11). Còn ai ngoài Thiên Chúa có thể biết được mọi sự thật hay hiểu được ý nghĩ của Thiên Chúa?
Tông Đồ Phêrô cho chúng ta thấy Thánh Thần là Thiên Chúa khi ông hỏi Ananias, người nói dối và giữ tiền của các tông đồ, “Này Ananias, sao Satan lại chiếm ngự tâm hồn ông để phải nói dối Thánh Thần và giữ lại một phần tiền bán đất?...
Ông không nói dối người ta nhưng nói dối Thiên Chúa” (Công Vụ 5:3-4).
Thánh Thần không chỉ là một cá thể để có thể bị dối gạt, nhưng nói dối Thánh Thần cũng giống như nói dối Thiên Chúa, vì Thánh Thần là ngôi ba trong Ba Ngôi Thiên Chúa.
Chúng ta không thể hiểu Ba Ngôi Thiên Chúa nếu chúng ta nghĩ “các hữu thể” và “các cá thể” giống như nhau. Nếu chúng ta nhận biết rằng có những hữu thể mà không có cá thể (tỉ như đất đá hay cây cối) và có những hữu thể bao gồm cá thể (như con người và thiên thần), thì chúng ta sẽ thấy có một hữu thể với ba cá thể, là Thiên Chúa.
Một cách để hiểu Ba Ngôi là hãy nhìn đến các tôn giáo hiểu sai về Thiên Chúa. Thí dụ, khi tôi nói chuyện với hai người truyền đạo Mormon, chúng tôi thảo luận xem họ có tin Đức Giêsu là Thiên Chúa không. Họ nói, “Chắc chắn như vậy, Đức Giêsu là Con của Thiên Chúa.” Sau đó tôi hỏi họ có cầu nguyện với Đức Giêsu không. Bỗng dưng họ không thấy thoải mái và nói, “Không, người Mormon không làm như thế.”
Lý do người Mormon không cầu nguyện với Chúa Giêsu bởi vì họ tin Ba Ngôi là một tổng hợp của ba hữu thể thần thiêng tách biệt nhau, và Chúa Cha tạo ra Chúa Con và Chúa Thánh Thần.53 Họ còn tin rằng Đức Giêsu là “anh cả” của chúng ta, và nếu chúng ta theo đạo Mormon dậy, chúng ta sẽ trở nên các “thần”, giống như Đức Giêsu và Chúa Cha “trở nên các thần” ở một thời điểm trong quá khứ.54 Dĩ nhiên, điều này mâu thuẫn với chứng cớ mà chúng ta đã thảo luận trước đây, là Đấng Tạo Hóa của vũ trụ phải hiện hữu không giới hạn và vì thế chỉ có một Thiên Chúa vô hạn. Nó còn mâu thuẫn với chứng từ của Kinh Thánh, nói rằng chỉ có một Thiên Chúa (Thứ Luật 4:39, Isa 45:5, Gioan 17:3).55
Sau khi nghe họ nói, tôi nói với các người truyền giáo, “Tôi cảm kích khi các bạn tìm cách chia sẻ đức tin của các bạn, nhưng tôi rất thích là một Kitô Hữu. Lý do mà tôi không thể trở thành người Mormon là vì tôi sẽ cảm thấy thiếu sự tương giao tôi đã từng có với Đức Giêsu Kitô. Tôi rất thích cầu nguyện với Đức Giêsu và biết rằng Người không chỉ là ‘một thần’ nhưng là, như tông đồ Tôma nói, ‘Chúa của con, và Thiên Chúa của con’” (Gioan 20:28).
Chứng Nhân Giêhôva cũng từ chối Ba Ngôi Thiên Chúa vì họ tin chỉ có một Thiên Chúa “đích thật” hay “toàn năng”, là Chúa Cha. Họ nói Đức Giêsu cũng là “một thần” mà Chúa Cha đã dựng nên, vì Đức Giêsu nói, “Cha thì lớn hơn ta” (Gioan 14:28). Nhưng khi Đức Giêsu nói điều này, Người muốn nói Chúa Cha thì lớn hơn Người về vị thế bởi vì, vào lúc đó, Chúa Cha vinh hiển ngự trên trời trong khi Chúa Giêsu khiêm tốn hoạt động dưới đất.
Khi Chúa Con trở nên người phàm, Người được làm cho “thấp hơn các thiên thần” (Do Thái 2:9), nhưng Đức Giêsu không phải là một người được tán dương hay một loại thiên thần nào đó. (Chứng Nhân Giêhôva nghĩ Đức Giêsu và tổng lãnh thiên thần Micae là cùng một người).56 Thư gửi tín hữu Do Thái 1:4-6 nói Đức Giêsu đã
trở nên cao cả hơn các thiên thần vì danh hiệu Người thừa hưởng thì tuyệt hảo hơn các thiên thần rất nhiều. Vì có bao giờ Thiên Chúa đã phán cùng thiên thần nào: “Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con”? hoặc, “Ta sẽ là Cha đối với Người, và Người sẽ là Con Ta”? Và lại nữa, khi đưa Trưởng Tử vào thế giới loài người, Thiên Chúa nói, “Mọi thiên thần của Thiên Chúa hãy thờ lạy Người”.57
Thiên thần không thờ lạy thiên thần khác; họ chỉ thờ lậy Thiên Chúa mà thôi. Nhưng nếu con của một thú vật là con thú, con của một người là con người, thì con của Thiên Chúa phải là Thiên Chúa. Nếu chỉ có một Thiên Chúa thì Thiên Chúa phải hiện hữu nhiều hơn một cá thể để có thể được thờ lậy: Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần.
Một số người hỏi, “Làm thế nào Đức Giêsu là Thiên Chúa nếu Người cầu nguyện với Thiên Chúa? Làm thế nào Đức Giêsu là Thiên Chúa nếu Người chết trên thập giá?”
Nói rằng “Đức Giêsu là Thiên Chúa” có nghĩa Đức Giêsu là một cá thể (ngôi) Thiên Chúa, một trong ba ngôi vị của Ba Ngôi. Chúa Cha và Chúa Thánh Thần không trở nên người phàm, nhưng Chúa Con đã làm như thế. Khi làm như vậy, Đức Giêsu vẫn là một ngôi Thiên Chúa, với trọn vẹn bản tính Thiên Chúa, nhưng Người còn mặc lấy bản tính con người. Vì thế, điều gì đúng với Đức Giêsu thì cũng đúng với Thiên Chúa, dù rằng lúc đầu nghe qua rất xa lạ. Tỉ như, vì Đức Giêsu chết trên thập giá, điều cũng đúng là Thiên Chúa đã chết trên thập giá, vì Đức Giêsu là Thiên Chúa.
Dĩ nhiên, Thiên Chúa không ra khỏi sự hiện hữu, nhưng sự chết không có nghĩa như vậy. Cái chết xảy ra khi những phần của một hữu thể sống động bị tách rời thành các yếu tố căn bản, hoặc phân hủy. Linh hồn của Đức Giêsu bị tách rời khỏi thân xác của Người, nên Đức Giêsu, Thần-nhân, đã chết. Đức Giêsu không ra khỏi sự hiện hữu, nhưng linh hồn Người đã hiện hữu ngoài thân xác của Người. Tuy nhiên, qua bản tính Thiên Chúa của Đức Giêsu, Người có thể tái hợp linh hồn và xác và tự trỗi dậy từ cõi chết.58 Thiên Chúa đã chết trên thập giá, nhưng Người còn trỗi dậy từ cõi chết đến sự sống vinh hiển đời đời.
Tương tự, khi Đức Giêsu cầu nguyện với Thiên Chúa, Người không nói với chính mình -- Người cầu nguyện với Chúa Cha. Vì Thiên Chúa không chỉ có một ngôi, nên không có mẫu thuẫn khi Chúa Con trở nên người phàm cầu nguyện với Chúa Cha đang ngự trên trời. Thiên Chúa là cha của chúng ta qua việc nhận nuôi (Rôma 8:15), nhưng là cha của Đức Giêsu bởi bản tính (Gioan 1:18), vì cả Chúa Cha và Chúa Con đều là Thiên Chúa ngang hàng. Thật vậy, Kinh Thánh nói với chúng ta rằng người Do Thái muốn ném đá Đức Giêsu vì Người “gọi Thiên Chúa là Cha, tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa” (Gioan 5:18).
Một sai lầm khác xảy ra khi người ta nói Ba Ngôi Thiên Chúa thì giống như một người là cha, chồng, và con cùng một lúc. Đây không phải là tam vị nhất thể, nhưng là một khái niệm thần học sai lầm của hình-thái-luận (modalism), rằng Ba Ngôi được làm nên bởi ba khía cạnh hay hình thái của Thiên Chúa, mỗi hình thái có một vai trò khác nhau. Điều này rất phổ thông trong những Kitô Hữu được gọi là “chỉ có Giêsu” hay Oneness Pentacostal.
Họ nói chỉ có một Thiên Chúa và Thiên Chúa tự tỏ mình ra có khi là Cha, và Con và Thánh Thần ở những lúc khác. Nhưng điều này không giải thích ý nghĩa đoạn Kinh Thánh diễn tả Đức Giêsu nói với Chúa Cha (Gioan 17), khi nói rằng Người sẽ trở về với Chúa Cha (Gioan 14:12), hoặc Chúa Con sẽ sai Chúa Thánh Thần đến thế chỗ của Người (Gioan 14:16-17, Công Vụ 2:33).
Vì tư cách làm chồng và tư cách làm cha của tôi không thể nói chuyện được với nhau, điều này có nghĩa Chúa Con thì không phải là một “vai trò” của Thiên Chúa. Người là một ngôi vị Thiên Chúa, hay ngôi vị Giêsu Kitô. Thiên Chúa không phải một ngôi vị nhưng là một hữu thể có ba ngôi vị ngang nhau, vĩnh viễn như nhau.
ẢNH HƯỞNG CỦA NGOẠI GIÁO?
Một số Chứng Nhân Giêhôva nói rằng các Kitô Hữu tiên khởi không tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi. Họ nói khi Kitô Giáo trở nên tôn giáo chính thức của Đế Quốc La Mã trong thế kỷ thứ tư, những người ngoại giáo hoán cải đã đem theo ý tưởng dị giáo về Thiên Chúa. Nhưng một trăm năm trước, văn sĩ của giáo hội là Tertullian đã viết, “Sự kết hợp được phân phối trong Ba Ngôi. Xếp theo thứ tự, ba ngôi là Cha, Con, và Thánh Thần.”59
Đây là một mầu nhiệm tuyệt đối vượt trên lý lẽ con người, giáo lý Ba Ngôi Thiên Chúa thì không phải là một mẩu thần học tầm thường. Thật vậy, giáo lý này nêu lên một trong những thuộc tính lạ lùng nhất của Thiên Chúa: Người là tình yêu (1 Ga 4:8).
Thiên Chúa không phải là một hữu thể cô độc hiện hữu từ quá khứ vô tận. Vì là tình yêu, Thiên Chúa có một mối tương giao giữa các ngôi mà các ngôi luôn luôn cho đi và nhận lãnh tình yêu giữa nhau. Tình yêu của Thiên Chúa thì vô tận đến nỗi Người ao ước chia sẻ tình yêu ấy với mỗi người chúng ta, là điểm Đức Giêsu đưa ra khi Người nói, “Nếu ai yêu mến ta, kẻ ấy sẽ giữ lời của ta, và Cha ta sẽ yêu mến kẻ ấy, và chúng ta sẽ đến với người ấy và ở với người ấy” (Gioan 14:23).
TẠI SAO CHÚNG TÔI TIN: THIÊN CHÚA BA NGÔI
|