Khi ai đó bước đến bạn với bàn tay nắm chặt, thật bình thường là bạn lo lắng. Khi một sinh viên tiến đến tôi với kiểu cách này tại một đại học ở Texas, tôi lo sợ có điều không may xảy ra. Nhưng may thay, anh ta chỉ muốn tấn công tôi bằng lời lẽ.
Sau khi trình bày xong chủ đề “Tại Sao Là Người Công Giáo?”, anh ta nói với tôi, “Ông là người kiêu ngạo nhất mà tôi chưa từng gặp. Ông nghĩ ông đúng và mọi người khác thì sai.” Tôi ngạc nhiên vì sự giận dữ của anh, và khi tôi bắt đầu trả lời anh, một vài sinh viên khác đến xem chuyện gì xảy ra.
“Bạn nói đó là điều kiêu ngạo khi tôi nghĩ về một chân lý tôn giáo là đúng và bất cứ ai không đồng ý với tôi đều sai?” Tôi lập lại câu hỏi.
“Phải!”
“Được,” tôi nói tiếp, “Tôi nghĩ một vài người ở đây có lẽ bất đồng với bạn khi bạn cho rằng tôi kiêu ngạo. Bạn nghĩ là bạn đúng và những người bất đồng với bạn thì sai?”
Người sinh viên có vẻ lúng túng một vài giây trước khi hỏi, “Ông muốn nói gì?”
Bây giờ, một vài sinh viên theo dõi đã trở thành một đám đông khoảng chục người. Tôi giải thích điều tôi muốn nói.
“Bạn nói đúng. Kiêu ngạo là điều xấu, nhưng chính xác thì không xấu. Nếu chúng ta biết sự thật về điều gì đó, thì những ai không đồng ý với sự thật đó, họ sẽ sai. Điều đó không làm chúng ta tốt hơn họ, nó chỉ có nghĩa chúng ta phải chịu khó lắng nghe người khác để chúng ta có thể tránh sai lầm và tìm ra sự thật.”
“Nhưng không có sự thật tuyệt đối!” anh phản đối. “Mọi người phải quyết định những gì là sự thật cho chính mình.”
Tiểu thuyết gia người Pháp của thế kỷ 19 là Gustave Flaubert có nói, “Không có chân lý. Đó chỉ là nhận thức.” Câu này có đúng không, hay chỉ là một nhận thức của Flaubert?
Khi nói “không có sự thật tuyệt đối” là một vấn đề của một sự thật tuyệt đối. Nó hàm nghĩa rằng “Điều đúng ở mọi lúc và mọi nơi là không có phát biểu nào thì đúng ở mọi nơi và mọi lúc.” Nhưng điều đó thì mâu thuẫn với câu, “Tôi không thể nói một câu tiếng Anh.” Nó vô nghĩa khi cho rằng thật đúng là không có sự thật.
Nhưng sự thật (chân lý) là gì? Khi chúng ta nói một câu là sự thật, chúng ta muốn nói câu ấy “phù hợp với thực tại.” Nó diễn tả thực tại trong thế giới. Bất cứ sự miêu tả về thế giới đều chứa đựng một sự thật chủ quan hay một sự thật khách quan.1
Một chân lý thì chủ quan nếu nó chỉ đúng với người phát biểu. Nếu tôi nói, “Cà-rem xô-cô-la ăn rất ngon,” tôi đang nói về sự thật chủ quan. Khi người khác bất đồng về những sự thật như vậy, họ thường nói, “Điều đó đúng với ông, nhưng không đúng với tôi.” Điều này không mâu thuẫn vì các chân lý chủ quan diễn tả tâm tình của một người đối với thế giới chứ không phải là sự kiện về thế giới.
Phải Hiểu Đúng Thuật Ngữ
* Chân lý chủ quan: Những phát biểu mà nó diễn tả quan điểm chỉ đúng với người phát biểu.
* Chân lý khách quan: Các phát biểu mà nó diễn tả thực tại và đúng với mọi người.
Tuy nhiên, một chân lý thì khách quan khi nó không chỉ diễn tả tâm tình của một người, nhưng còn diễn tả một sự kiện về thực tế mà nó đúng với mọi người. Thí dụ, dù bạn thích hay không thích cà-rem, vẫn có một sự thật khách quan là cà-rem sẽ tan chảy khi bạn để nó ngoài không khí ấm. Các sự thật khách quan không thể chỉ đúng với một số người. Chúng đúng và sai với mọi người vì nó diễn tả thực tại, và thực tại là điều mà mọi người phải chấp nhận, dù thích hay không.
Điều này có liên can gì đến tôn giáo hay trở nên người Công Giáo?
Một số người nghĩ rằng chọn một tôn giáo hay một giáo hội để tham gia thì cũng giống như chọn một đôi giầy hay một loại cà-rem. Nếu nó ngon hay được ưa thích, bạn chọn theo cách nào cũng được. Người ta nghĩ các chân lý tôn giáo thì chủ quan, và vì thế nó không đúng với mọi người. Nhưng điều này cũng hàm nghĩa nếu điều gì đó bạn cảm thấy đúng, điều đó cũng tốt như bất cứ các tin tưởng nào khác.
Đó là lý do dường như bị coi là kiêu ngạo khi ai đó nói rằng tôn giáo của họ thì đúng và mọi người phải thuộc về tôn giáo đó. Điều đó giống như nói rằng ai ai cũng phải mang dép hay ăn cà-rem xô-cô-la. Trong cả hai trường hợp, chúng ta muốn nói, “Điều đó có lẽ đúng với bạn, nhưng không đúng với tôi.”
Nhưng các chân lý tôn giáo diễn tả các đặc điểm cơ bản, quan trọng của thực tại, và làm cho nó trở nên khách quan thay vì chủ quan. Những tuyên bố về tôn giáo thì giống như “sự thật về thuốc” hơn là “sự thật về cà-rem”.
Hãy tưởng tượng chúng ta chọn thuốc giống như chọn cà-rem. Có thể chúng ta nói, “Thuốc này nếm giống như trái dâu… Mình sẽ uống ba viên”. Có thể bạn bị tổn thương hay bị chết vì làm như vậy. Có thể bạn vẫn đau và nặng hơn vì bạn không uống đúng thuốc. Trong trường hợp này, điều quan trọng thì không phải sự thật chủ quan thuốc nếm như thế nào, nhưng sự thật khách quan là nó sẽ giúp gì cho sức khỏe của bạn.
Điều này cũng đúng khi đề cập đến tôn giáo. Ngay cả khi bạn không tin gì vào tôn giáo, sự tin tưởng đó phải được dựa vào sự kiện về thực tại và không chỉ dựa vào cảm tưởng về tôn giáo. Thực sự là chúng ta phải chọn một giáo hội hay đức tin không vì nó làm chúng ta cảm thấy như thế nào, nhưng vì đó là một sự thật khách quan và nó tốt cho chúng ta trong thực tế.
Tôn Giáo, Đạo Sĩ, và Con Voi
Bạn có nghe câu chuyện ba người mù và con voi chưa? Người mù thứ nhất sờ đuôi con voi và nói nó giống như sợi dây thừng. Người thứ hai sờ cái tai và nói nó giống như cái quạt. Người thứ ba sờ cái bụng và nói nó giống như bức tường.
Sau đó, ông vua khôn ngoan gọi một đạo sĩ lại và nói với ba người mù, “Con voi là một thú vật rất lớn. Mỗi người chỉ nói lên một phần của sự thật, nhưng tất cả mọi phần phải ráp lại với nhau để tìm ra toàn thể sự thật. Các giáo phái của các ông cũng vậy. Mỗi giáo phái có một phần sự thật, nhưng các ông phải tổng hợp lại với nhau để tìm ra toàn thể sự thật.”
Nhưng tổng hợp các tôn giáo mâu thuẫn và sai lầm thì không thể tạo ra một tôn giáo đích thật, giống như ráp sợi dây, cái quạt, và bức tường thì không đưa ra được sự diễn tả đúng về con voi.
Ngụ ngôn này cũng cho rằng người nào đó có tất cả các sự thật -- là vị đạo sĩ. Làm thế nào những người hoài nghi từ chối một tôn giáo đích thật có thể biết rằng họ giống như đạo sĩ này và không giống như một trong những người mù kia? Có thể nào một số tôn giáo thì chứa đựng nhiều chân lý hơn các tôn giáo khác, và Thiên Chúa đã ban cho một tôn giáo tất cả các chân lý không?
Như thế không phải là kiêu ngạo khi ai đó, như tôi, nói rằng tôi là một phần của “tôn giáo đích thật” và mọi người khác đều sai, có phải không? Nếu sinh ra ở Ấn Độ, có lẽ tôi sẽ viết cuốn sách lấy tên Tại Sao Chúng Ta Là Người Ấn Giáo thay vì Tại Sao Chúng Ta Là Người Công Giáo, có phải không? Có lẽ vậy, nhưng nếu tôi sinh ở Trung Hoa thời xưa, có thể tôi đã viết một cuốn sách lấy tên Tại Sao Chúng Tin Trái Đất Là Mặt Phẳng. Sinh vào thời điểm hay nơi chốn mà nó xa với chân lý thì không thể bác bỏ sự hiện diện của chân lý.
Khi nói đến sự tin tưởng trong một tôn giáo hay bất cứ chân lý căn bản nào khác về thực tại (tỉ như hình thể trái đất), tất cả chúng ta đều tin rằng mình đúng và những ai bất đồng ý với chúng ta đều sai. Ngay cả những người không chấp nhận tôn giáo cũng nghĩ là họ đúng khi chối bỏ tôn giáo. Họ cũng nghĩ là những ai nói với họ phải hoán cải thì sai. Đây không phải là một dấu hiệu của sự kiêu ngạo; đó là một dấu hiệu của lòng chân thành khao khát muốn biết sự thật.
Một người, hay nhiều người, có thể tử tế và dễ mến và đồng thời họ sai lầm về tôn giáo. Điều ưa thích thi hành thì không khiến ai đó trở nên kiêu ngạo, nhưng để giúp họ tìm ra chân lý. Thật vậy, phải có người đúng khi đề cập đến các chân lý tôn giáo, bởi vì không có lựa chọn nào khác trong nhiều trường hợp. Thí dụ, hoặc người có đức tin thì đúng về sự hiện hữu của Thiên Chúa hoặc người vô thần thì đúng rằng Thiên Chúa không hiện diện. Không có lựa chọn thứ ba, và cả hai không thể đều đúng vì điều đó sẽ dẫn đến sự mâu thuẫn giữa Thiên Chúa hiện diện và cùng lúc không hiện diện.
Là một người Công Giáo, tôi không cho rằng mọi tôn giáo khác thì sai lầm 100 phần trăm. Khởi sự với những thắc mắc căn bản nhất về thế giới (nó có nghĩa các câu hỏi về chân lý khách quan), tôi thử tìm hiểu xem tôn giáo nào có câu trả lời tốt nhất cho câu hỏi: Có một Thiên Chúa không? Chúng ta có thể biết gì về Thiên Chúa bằng sự lý luận? Thiên Chúa có bao giờ tự tỏ lộ cho con người không? Tôn giáo nào cho rằng đã nhận được sự mặc khải tốt nhất từ Thiên Chúa trong lịch sử? Tôn giáo đó có còn hiện diện ngày nay không?
Hơn một tôn giáo có thể trả lời đúng một số câu hỏi này. Thí dụ, nếu chỉ có một Thiên Chúa thì Kitô Giáo, Do Thái Giáo, và Hồi Giáo tất cả đều đúng. Tuy nhiên, nếu Thiên Chúa trở nên một con người thì chỉ có một trong những tôn giáo này đúng. Khi chúng ta trả lời các câu hỏi này, bạn sẽ thấy là trong khi nhiều hệ thống đức tin trả lời đúng một số câu, chỉ có một tôn giáo trả lời đúng và kiên định mọi câu hỏi. Nếu chúng ta lưu tâm đến chân lý, chúng ta phải tìm xem tôn giáo nào có những câu trả lời này, phải không?
Đề Nghị Thay Vì Áp Đặt Chân Lý
Trong một cuốn video trên mạng, ảo thuật gia vô thần Penn Jillette nói về một Kitô Hữu đã đến với ông sau phần trình diễn và tặng cho ông cuốn Kinh Thánh. Thay vì cảm thấy bị xúc phạm, Penn nói rằng Kitô Hữu này là một “người tốt”. Nếu Kitô Hữu thực sự tin rằng đức tin của mình là chân thực, ông nói, thì họ phải luôn chia sẻ điều đó với người khác. Jillette nói, “Có thể nào bạn ghét người khác đến độ không muốn hoán cải họ? Có thể nào bạn ghét người khác đến độ tin rằng sự sống đời đời thì có thể nhưng lại không chia sẻ cho người khác?” 2
TẠI SAO CHÚNG TÔI TIN: CHÂN LÝ
|