M ột vài tháng trước khi tôi được nhận vào Giáo Hội Công Giáo, gia đình tôi trải qua một sự khủng hoảng. Lúc ấy tôi đang ở cấp trung học thì mẹ tôi nói bà bị một bướu ung thư lớn ở bụng. Bà không biết còn sống được bao lâu, và cha tôi trong tình trạng không tốt lắm để chăm sóc mẹ tôi và các em.
Tôi cảm thấy sức nặng của cả thế giới đè trên vai, tôi nói với mẹ tôi, “Con cần đến nhà thờ để thi hành các công việc.” Bà đã từng bỏ nhà thờ từ lâu nhưng bà hiểu điều đó quan trọng đối với tôi, nên bà gật đầu chấp thuận. Tôi ôm hôn bà, nói rằng tôi thương bà, và đi bộ đến nhà thờ.
Khi quỳ trong thánh đường tối và trống vắng, đôi tay tôi chắp lại và mắt tôi nhìn đến các ngọn nến lấp lánh trên bàn thờ. Tôi chỉ xin Chúa giúp cho mọi sự được trôi chẩy. Sau đó tôi nhìn lên tượng Đức Mẹ. Tôi hít một hơi thật dài và đọc:
Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng bà, bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu, con lòng bà gồm phúc lạ. Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng tôi, là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử.
Tôn vinh Đức Maria là trở ngại sau cùng tôi phải đối diện khi bước vào Giáo Hội Công Giáo. Lúc đầu, tôi sợ rằng người Công Giáo đi quá trớn khi biến Đức Maria trở thành một đối thủ, tước đoạt vinh quang của Chúa Kitô. Nhưng càng đọc Kinh Thánh, tôi càng thấy Đức Maria không đưa người ta ra xa Đức Kitô, người đưa dân chúng đến với Chúa.
Danh hiệu quan trọng nhất mà Giáo Hội đặt cho Đức Maria cũng là điều giải thích tại sao Đức Maria lại quá quan trọng đối với người Công Giáo -- theotokos. Chữ Hy Lạp này có nghĩa “người cưu mang Thiên Chúa”, nhưng thường được dịch sang tiếng Việt là “Mẹ Thiên Chúa”. Đức Maria được ca tụng trên tất cả các tạo vật của Thiên Chúa bởi vì người có sự liên hệ mật thiết nhất với Thiên Chúa. Đức Maria đã sinh ra Thiên Chúa, nuôi dưỡng Thiên Chúa, dậy Người về đời sống, theo bước Người trong sứ mệnh của Người, và có mặt ở dưới chân thập giá khi Đức Giêsu, thần-nhân, từ trần.
Nếu Đức Giêsu là Thiên Chúa và Đức Maria là mẹ của Người, điều hợp lý là Đức Maria là mẹ của Thiên Chúa.
Ở điểm này, một số người có thể nói, “Đức Maria không sinh ra Thiên Chúa, người sinh ra Đức Giêsu.” Đúng, nhưng Đức Giêsu có phải là Thiên Chúa không? Gọi Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa không có nghĩa người tạo ra Ba Ngôi hay Đức Maria có trước Thiên Chúa. Là một người mẹ có nghĩa thụ thai và sinh ra một con người. Thiên Chúa có Ba Ngôi: Cha, Con, và Thánh Thần. Một trong ba ngôi này, Ngôi Con, trở nên một người nam và có một người mẹ (Gal 4:4). Điều hợp lý theo sau là người phụ nữ này, hay Đức Maria, là Mẹ của Thiên Chúa.149
Các người mẹ không sinh ra các “bản chất” hay “nhân tính,” họ sinh ra con người. Người mà Đức Maria sinh ra là ngôi thứ hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa, Thiên Chúa Con, là người mà Đức Maria và T. Giuse đặt tên là Giêsu. Ngay cả người Tin Lành hiểu rằng Đức Maria phải được ca tụng theo cách này. Timothy George nói, “Tín hữu phái Tin Mừng có thể và phải cùng với giáo hội công giáo mừng kính Đức Trinh Nữ Maria là mẹ của Thiên Chúa, người-mang-Thiên Chúa.”150 Martin Luther hùng hồn nói, “Loài người đã thu tóm mọi vinh hiển của Đức Maria trong một chữ duy nhất, khi gọi người là Mẹ của Thiên Chúa.”151
Khi người Công Giáo gọi Đức Maria là “trinh nữ được chúc phúc”, họ muốn nói rằng Đức Maria trước và sau khi sinh hạ Đức Giêsu người vẫn là “trinh nữ” trong suốt cuộc đời. Nhưng trong Mátthêu 1:25 có nói rằng Đức Maria đã không có quan hệ với chồng của bà “cho đến khi” bà sinh hạ Đức Giêsu thì chúng ta phải hiểu như thế nào?
Chữ “cho đến khi” trong câu đó thì không luôn ám chỉ một sự đảo ngược tình trạng. Cuốn hai sách Samuen 6:23 nói, “Michal, con gái của Samuen không có con từ ngày đó cho đến khi chết”, nhưng điều đó không có nghĩa Michal có con sau khi chết. Tương tự, thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô 15:25 nói Đức Kitô “phải ngự trị cho đến khi Người đặt mọi kẻ thù dưới chân Người,” dù rằng Đức Kitô vẫn ngự trị ngay cả sau khi Người đã đánh bại các kẻ thù của Người.
Mátthêu 1:25 chỉ nói rằng Đức Giêsu được sinh ra bởi một trinh nữ. Về câu này, người Cải Cách Tin Lành John Calvin viết, “Từ những chữ này của Thánh Sử không rút ra được sự suy luận đúng và có nền tảng vững chắc… như để biết điều gì xảy ra sau khi sinh hạ Đức Kitô”.152
Còn “những anh em của Chúa” thì sao? Mátthêu 13:55-56 diễn tả người dân Nagiarét nói với Đức Giêsu, “Không phải anh em của người là Giacôbê và Giuse và Simon và Giuđa sao? Không phải các em gái của người ở với chúng ta hay sao?” Nhưng hãy lưu ý đến việc Đức Maria gọi cha của Đức Giêsu là Giuse (Lc 2:48), tuy ông Giuse không phải là cha ruột của Đức Giêsu. Điều này có nghĩa anh chị em của Đức Giêsu có thể không phải là anh chị em ruột của Người, hoặc Đức Maria là mẹ của những người này.
Chữ Hy Lạp được dịch là “anh em” trong đoạn này còn được dùng trong Kinh Thánh để ám chỉ anh em họ và các cháu trai.153 Thực sự Mátthêu diễn tả Giacôbê và Giuse là con của một phụ nữ khác tên là Maria (Mt 27:56), và Máccô đề cập đến Đức Giêsu là “con trai của bà Maria,” thay vì “một con trai của bà Maria.” Thật vậy, không một anh em nào của Đức Giêsu được gọi là các con trai hay con gái của Đức Maria, và không chắc rằng Đức Maria đã sinh hạ bảy người con mà họ đã sống sót qua thời thơ ấu trong thế kỷ thứ nhất nhiều khắc nghiệt.
Vì thế, chúng ta có thể kết luận rằng những anh em này là các bà con xa của Đức Giêsu, có lẽ là anh em họ. Ông Giuse có thể là một người góa đã có các con này từ một hôn nhân trước. Điều này giải thích tại sao người làng của Đức Giêsu đề cập đến Đức Giêsu như “con của bà Maria,” chứ không theo thói quen thông thường gọi là “con của ông Giuse.” Điều này cho thấy Đức Giêsu không phải là con từ hôn nhân trước của ông Giuse. Cách nào đi nữa, “anh em của Chúa” không phải là các con trai hay con gái của Đức Trinh Nữ Maria.
Hãy nhớ rằng Đức Maria quyết định trì hoãn việc thân mật tình dục không phải vì tình dục thì xấu. Chính vì hành động của Chúa Thánh Thần “phủ bóng” trên người (Lc 1:35) và thân thể của người trở nên nơi ngự trị thân thiết của Thiên Chúa quá tốt đẹp! Trong Cựu Ước, khi một phụ nữ sinh con, bà thuộc về cha của đứa con ấy. Vì Đức Maria sinh hạ con của Thiên Chúa, người thuộc về Thiên Chúa và trao toàn thể cuộc đời mình cho Chúa.154
Ông Giuse vẫn là chồng hợp pháp của bà Maria và ông đã bảo vệ bà trong một văn hóa mà nó thường bất công đối với phụ nữ. Tuy nhiên, ông cũng hiểu rằng nhiều thói quen thông thường mà chúng ta liên kết với hôn nhân sẽ khác biệt bởi vì gia đình ông là “Gia Đình Thánh,” được Thiên Chúa ủy thác cho việc nuôi dưỡng người quan trọng nhất chưa từng có.
Chữ Thụ Thai Vô Nhiễm không ám chỉ việc Đức Giêsu thành thai lạ lùng trong lòng Đức Maria. Thật vậy, chữ này có nghĩa chính Đức Maria được thụ thai mà không bị tì ố của tội nguyên thủy.
Phương tiện thông thường để được sạch tội nguyên thủy là qua bí tích rửa tội, nhưng Thiên Chúa có tự do để ban ơn ấy cho bất cứ ai Người chọn. Từ thưở đời đời, Người biết rằng Đức Maria sẽ nhận lời trở nên làm mẹ của Con của Người, nên khi Đức Maria được thụ thai, Thiên Chúa ban cho người một ơn sủng thật dồi dào. Trong Luca 1:28, sứ thần Gabrien nói với Đức Maria, “Chào cô, đầy ơn sủng, Thiên Chúa ở cùng cô!” Chữ Hy Lạp được dịch thành “đầy ơn sủng” ám chỉ việc có được ơn sủng như một phẩm chất lâu dài, trọn vẹn của một người.155
Nhưng không phải là trong Kinh Thánh nói rằng mọi người đều phạm tội sao (Rm 3:10)? Nếu đúng, vậy sao Đức Maria lại có thể được thụ thai vô nhiễm?
Trước hết, đoạn văn đề cập đến một sự thật rằng cả người Do Thái lẫn người không phải Do Thái đều là tội nhân và đều cần đến Đức Kitô. Trong Rôma 9:11, T. Phalô nói rằng trước khi Isaac và Esau sinh ra, họ không làm điều gì tốt hay xấu. Hàng triệu trẻ sơ sinh đã chết, chúng thật xa với tuổi có trách nhiệm về luân lý, và như thế chúng chưa bao giờ phạm một tội riêng.
Nhưng không phải tất cả loài người được sinh ra với nguyên tội hay sao? Không, vì Đức Giêsu là một con người và Người được sinh ra mà không có nguyên tội. Nếu chúng ta nói rằng Đức Giêsu là một ngoại lệ vì Người là Thiên Chúa, hay Adong mới mà sự vâng phục của Người đã xóa bỏ tội của Adong đầu tiên, thì chúng ta có thể có một ngoại lệ khác: Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và là “Evà mới”, mà sự vâng phục Thiên Chúa của người đã xóa bỏ lời nguyền được gây nên bởi Evà cũ. Trong thế kỷ thứ hai, T. Irênê nói, “Nút thắt của sự bất tuân của Evà đã được nới lỏng nhờ sự vâng phục của Đức Maria. Điều mà Evà nguyên thủy đã thắt lại trong sự hoài nghi, Đức Trinh Nữ Maria đã nới lỏng qua đức tin.”156
Sau cùng, Thiên Chúa minh chứng tình yêu của Người dành cho mẹ Người bằng cách đưa linh hồn và xác của người lên thiên đường khi cuộc đời trần thế của người chấm dứt. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đưa linh hồn và xác của Ngôn Sứ Êligia lên thiên đường trước khi ông chết (2 Các Vua 2:11), Giáo Hội dậy rằng Đức Maria cũng được đưa lên trời, và Khải Huyền 12:1 diễn tả một phụ nữ ở thiên đường với y phục là mặt trời, bà sinh hạ Đấng Mêsia. Bà xuất hiện ngay sau một thị kiến về Hòm Bia Giao Ước, mà nó chứa đựng các lời Chúa viết trên đá. Thật thích hợp cho rằng người phụ nữ này là Đức Maria, vì người là Hòm Bia của Giao Ước Mới, người đã mang trong thân xác của mình lời của Chúa được hóa thành nhục thể, là Đức Kitô Giêsu.
Khi tôi quỳ trong nhà thờ và đọc đi đọc lại kinh Kính Mừng, tôi lại càng thấy người Công Giáo không biến Đức Maria thành Thiên Chúa. Lý do Đức Maria “đầy ơn phúc”, “được chúc phúc”, “thánh thiện”, và “Mẹ của Thiên Chúa” bởi vì con của người là Đức Giêsu Kitô. (Thật lạ lùng rằng, trong thời gian còn lại, Thiên Chúa Con sẽ không chỉ có một khuôn mặt và thân xác nhân loại, nhưng còn mang hình ảnh giống như một người nữ mà bà đã sống cách đây trên 2,000 năm). Điều duy nhất mà người Công Giáo “có lỗi” là nhìn nhận vai trò lạ lùng của Đức Maria trong lịch sử nhân loại. Trong Luca 1:48-49, chính Đức Maria nói, “mọi thế hệ sẽ gọi tôi là người được chúc phúc; vì Đấng toàn năng đã làm cho tôi những điều cao trọng, và danh Người là thánh.”
Nói về những người mẹ tuyệt vời, một vài tuần sau khi mẹ tôi cho biết về sự chẩn đoán của bà, bà được về nhà sau khi nằm bệnh viện. Tôi bồn chồn cho đến khi mẹ tôi cho biết: bướu ấy không độc. Nó lớn như một trái banh nhưng không phải bướu ung thư. Tôi cầu nguyện với Chúa, “Cảm ơn Chúa đã cho con có được người mẹ lâu hơn một chút,” và với Đức Maria, tôi cầu nguyện, “Xin Mẹ đưa con và toàn thể gia đình con đến gần hơn với Con của Mẹ, là Chúa Giêsu Kitô.”
TẠI SAO CHÚNG TÔI TIN: ĐỨC MARIA
|