Trong những tuần lễ sắp được lãnh nhận vào Giáo Hội Công Giáo, tôi được chuẩn bị không chỉ rửa tội, nhưng còn được thêm sức. Bí tích rửa tội dùng nước để thông ban ơn sủng mà nó tẩy xóa tội lỗi, trong khi bí tích thêm sức dùng bàn tay xoa dầu trên trán. Dầu này đóng ấn người lãnh nhận với các ơn của Chúa Thánh Thần để giúp họ sống đức tin Công Giáo. Thư gửi tín hữu Do Thái 6:2 ám chỉ đến bí tích này khi nói, sau bí tích rửa tội, chúng ta lãnh nhận “việc đặt tay.”
Trong một số nhà thờ, các ứng viên thêm sức chọn một tên mới cho nghi thức này, mà thường là tên của một vị thánh, người cầu bầu cho họ. Nhiều người chọn vị thánh mà họ có sự đồng cảm, như thế, vì tôi là người từng chế nhạo đức tin Kitô Hữu nhưng bây giờ lại hăng say bảo vệ đức tin ấy, tôi chọn T. Phaolô. Dĩ nhiên, thánh nhân từng là người lãnh đạo Do Thái lùng giết các Kitô Hữu, nhưng sau khi gặp gỡ Đức Kitô phục sinh, người trở nên một trong những vị bảo vệ Đức Tin hăng say nhất (Phil 3:3-11).
Nhiều người ngoài Công Giáo thấy khó khăn với ý niệm cầu nguyện với các thánh vì họ nghĩ cầu nguyện và thờ phượng thì giống nhau. Vì Kinh Thánh nói chúng ta phải thờ phượng một mình Thiên Chúa, vậy không phải là chúng ta chỉ cầu nguyện với một mình Thiên Chúa thôi sao? Nhưng chữ “thờ phượng” ám chỉ trao cho ai đó một vinh dự (honor) mà người ấy đáng được. Thí dụ, chúng ta gọi các thẩm phán là “your honor” (thưa ngài), như một cách tôn trọng nhưng không coi họ như thần thánh.
“Cầu nguyện” (pray) xuất phát từ tiếng Latinh precarius và liên quan đến việc thỉnh cầu điều gì đó. Trong cổ ngữ Anh người ta có thể nói với một người bạn, “I pray you will join us for dinner tomorrow night” (tôi cầu mong bạn cùng tham dự bữa ăn tối mai với chúng tôi). Họ không tôn thờ người này như Chúa, nhưng chỉ đưa ra một thỉnh cầu. Người Công Giáo cũng làm như thế khi họ cầu nguyện với các thánh; họ không vinh danh các thánh như Chúa nhưng xin các đấng ấy cầu nguyện cho họ.
ĐỊNH NGHĨA
Giáo Hội dùng ba chữ Hy Lạp để định nghĩa loại “thờ phượng” chúng ta phải có đối với những đấng bậc ở thiên đường.
* Latria: sự thờ phượng và ngợi khen được dành cho Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần.
* Hyperdulia: vinh dự này được dành cho Đức Maria, một tạo vật đầy ơn phúc nhất của Thiên Chúa.
* Dulia: vinh này được dành cho các thánh và thiên thần trên thiên đường.
Tại sao chúng ta phải xin các thánh trên thiên đường cầu cho chúng ta trong khi chúng ta có thể cầu với Chúa thay vào đó? Nói cho cùng, trong 1 Timôtê 2:5 nói, “Vì chỉ có một Thiên Chúa, và chỉ có một đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người, là Đức Kitô Giêsu.” Người Công Giáo đồng ý rằng thật tốt để trực tiếp cầu nguyện với Thiên Chúa, nhưng nếu lý luận này đi đến kết luận hợp lý thì nó sẽ cấm xin bất cứ ai trên trái đất cầu cho chúng ta.
Nói cho cùng, tại sao lại xin một người bạn ở trái đất cầu cho mình khi chúng ta có thể trực tiếp đến với Thiên Chúa? Dĩ nhiên, T. Phaolô khích lệ Kitô Hữu cầu cho mọi người (1 Tim 2:1-4), nên 1 Timôtê 2:5 phải có nghĩa rằng Đức Kitô là đấng trung gian duy nhất của chúng ta về sự cứu chuộc. Đức Giêsu Kitô là người duy nhất kết hợp con người và Thiên Chúa với nhau và lấy đi những trở ngại vì tội lỗi giữa họ. Nhưng vai trò độc đáo của Đức Kitô là đấng cứu chuộc không cản trở chúng ta can thiệp hay làm trung gian cho người khác -- hoặc ở đời này hoặc ở đời sau.
Mọi Kitô Hữu được kết hợp với nhau vì tất cả chúng ta là chi thể của một thân thể của Đức Kitô. Rôma 12:5 nói, “Chúng ta tuy nhiều, nhưng trong Đức Kitô, chúng ta là một thân thể, và mỗi người là bộ phận của nhau.” Nếu các thánh trên thiên đường là Kitô Hữu, họ phải thuộc về cùng một thân thể của Đức Kitô như mọi Kitô Hữu khác. Điều này có nghĩa Kitô Hữu trên thiên đường được kết hợp với Kitô Hữu dưới đất trong mối giây đức ái, và vì thế không có gì sai trái khi xin họ cầu cho chúng ta.142
Thật vô nghĩa khi nói rằng Kitô Hữu trên thiên đường là một loại chi thể “thiếu năng động” của thân thể Đức Kitô nên họ không thể cầu cho bất cứ phần tử nào khác. Đức Giêsu tự gọi mình là cây nho và nói chúng ta là cành (Ga 15:5). Nếu Chúa Giêsu nắm giữ “chìa khóa tử thần” (Kh 1:18) thì làm thế nào sự chết có thể hoàn toàn tách biệt các cành với nhau một khi chúng vẫn còn nối với cùng một cây nho về tinh thần?143
Đức Giêsu nói rằng Thiên Chúa “thì không phải là Thiên Chúa của người chết, nhưng của người sống,” và nhắc nhở người Do Thái rằng Chúa Cha nói, “Ta là Thiên Chúa của Abraham, và Thiên Chúa của Isaác, và Thiên Chúa của Giacóp” (Mc 12:26-27). Vào thời gian của Đức Kitô (cũng như thời gian của Môsê), Chúa Cha vẫn là Thiên Chúa của những người hùng Do Thái như ông Abraham, ông đã sống trước đó hàng thế kỷ. Khi coi các thánh như đã “chết” là quên đi sự kiện rằng, nhờ sự kết hợp với Chúa Kitô trên thiên đường, họ còn sống động hơn khi ở dưới đất.
Thật vậy, thư gửi tín hữu Do Thái 12:1 ám chỉ rằng các thánh trên thiên đường biết những gì xảy ra ở dưới đất. Cũng thư này chương 11 ca ngợi các nhân vật trong Cựu Ước như Abraham, Môsê, và Đavít, nhưng sau đó, trong câu một chương 12, tác giả nói, “Bởi thế, vì chúng ta được bao quanh bởi cả một đám mây nhân chứng to lớn, chúng ta hãy gạt sang một bên mọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình, và hãy kiên trì chạy trong cuộc đua được đặt ra ở trước mặt chúng ta.”
Học giả Kinh Thánh Tin Lành là William Barclay nói về đoạn này: “Kitô Hữu giống như người chạy đua trong thao đường đầy nghẹt người. Khi họ vội vã gấp rút, đám đông theo dõi; và đám đông chỉ nhìn đến những ai chiếm được phần thưởng”.144 Các nhân vật lớn của Cựu Ước, mà Giáo Hội luôn vinh danh họ là thánh (GLCG 61), thì giống như các phần tử của một đám đông không lồ đang cổ vũ chúng ta hãy chạy đến kỳ cùng của cuộc đua và hãy “giữ đức tin” (2 Tim 4:7) đừng để bị loại bỏ bởi tội lỗi của chúng ta (1 Cor. 9:27).
LÀM THẾ NÀO CÁC THÁNH NGHE ĐƯỢC LỜI CẦU CỦA CHÚNG TA?
Có thể khó khăn để hiểu làm thế nào các thánh trên thiên đường có thể nghe được lời cầu của chúng ta, nhưng với Thiên Chúa, không có gì là không thể (Mt 19:26). Trong biến cố Pentecost, Thiên Chúa ban cho các tông đồ khả năng nói và hiểu được các ngôn ngữ khác nhau, nên không có lý do gì Người không ban cho các thánh khả năng này (Cv 2:4-6). Hơn thế nữa, nếu Thiên Chúa sẽ ban thân xác vinh hiển cho chúng ta vào tận thế, tại sao Người không ban cho các thánh tâm trí vinh hiển để có thể hiểu nhiều hơn là tâm trí bình thường của con người?
Thư thứ nhất của T. Phêrô 5:8 cũng nói, “Thù địch của anh chị em là bầy quỷ, chúng rảo quanh như sư tử gầm thét, tìm kiếm ai đó để cắn xé.” Hãy nhớ rằng lời cảnh cáo của T. Phêrô là cho mọi Kitô Hữu ở bất cứ đâu và bất cứ thời nào. Điều này có nghĩa bầy quỷ, cũng chỉ là một tạo vật, có khả năng gài bẫy hàng tỉ Kitô Hữu cùng lúc với những cám dỗ độc đáo mà chúng mưu kế cho từng người.145 Nếu kẻ thù của Thiên Chúa có kiến thức như hàng tỉ người để có thể cám dỗ họ, tại sao các bạn của Thiên Chúa, các thánh, không có cùng kiến thức tương tự để dùng kiến thức ấy mà cầu cho chúng ta?
Nếu các thánh trên thiên đường ý thức về những gì ảnh hưởng đến tín hữu dưới đất, điều này tự nhiên dẫn đến câu hỏi là chúng ta nó nên xin các đấng ấy cầu cho chúng ta hay không. Một số người nói rằng cầu nguyện với các thánh thì không có ghi trong Kinh Thánh nên Kitô Hữu không được làm như thế. Nhưng Kinh Thánh cũng không ghi nhận ai đó đọc “lời cầu của tội nhân” (“Lậy Chúa Giêsu, con là một kẻ tội lỗi. Xin cứu con.”), nhưng điều đó không làm cho việc đọc lời ấy thì sai trái.
Kinh Thánh dậy rằng lời cầu của những người thánh thiện thì có hiệu lực hơn lời cầu của những người ít thánh thiện. Thí dụ, sau khi các bạn của ông Gióp phạm tội, Chúa ra lệnh họ hãy nhờ ông Gióp cầu cho họ. Đó là vì ông Gióp mà một người rất tốt và Thiên Chúa sẽ nghe lời cầu của ông (Gióp 42:8-9). Thư Giacôbê 5:16 nói, “Lời cầu của người chính trực rất có hiệu lực” -- và ai có thể chính trực hơn các thánh trên thiên đường, họ đã được thanh tẩy mọi tội lỗi? Thư gửi Do Thái 12:23 ám chỉ đến những người này là “các thần khí của người công chính được nên hoàn thiện,” và Khải Huyền 5:8 diễn tả là họ đang dâng lời cầu của chúng ta lên Thiên Chúa.
Sau cùng, cũng như người Tin Lành không thờ cây thập giá mà họ đứng trước để cầu nguyện, và dùng chúng như sự nhắc nhở về sự chết và sự phục sinh của Chúa Kitô; người Công Giáo cũng không thờ các tượng ảnh của các thánh khi họ cúi đầu hay quỳ gối trước các tượng ảnh này. Thay vào đó, họ dùng các tượng ảnh này như một hỗ trợ cho việc cầu nguyện, và cách thức của họ thể hiện lòng tôn trọng nhân vật được tượng trưng; đó không phải là một hành vi thờ phượng như Thiên Chúa. Cúi đầu trước ai đó không phải là Chúa thì không luôn sai trái bởi Đức Kitô hứa với Giáo Hội rằng, vào tận thế, Người sẽ bắt kẻ thù của Giáo Hội “đến phủ phục dưới chân ngươi, và biết rằng Ta yêu mến ngươi” (Kh 3:9).
Trong thế kỷ thứ ba, T. Clêmen ở Alexandria nói rằng khi một Kitô hữu cầu nguyện, “tuy họ cầu nguyện một mình, họ có cả một đoàn thiên thần cùng đứng với họ.” Thật vậy, các lời cầu được tìm thấy trong các hoang toại đạo của Kitô Hữu thời thế kỷ thứ tư diễn tả người ta xin thân nhân đã chết cầu cho họ như thế nào.146 Một câu được khắc gần mộ T. Sabina ở Rôma viết, “Này Atticus, đã nghỉ yên, không còn lo cho sự an toàn, và thành khẩn cầu cho chúng tôi khỏi những cám dỗ của tội lỗi.”147
Người Công Giáo chỉ tiếp tục truyền thống Kitô Giáo xưa khi tôn trọng và tìm kiếm sự cầu bầu của các người thánh thiện mà họ hiện được ngự trị với Thiên Chúa trên thiên đường.
XIN MỘT VI THÁNH LÀM PHÉP LẠ
Trong cuộc chiến ở Đại Hàn, Cha Emil Kapaun là tuyên úy và thường cử hành Thánh Lễ trên bàn thờ là mui xe díp. Người cũng thường chăm sóc các quân nhân hấp hối trong cuộc chiến. Khi đơn vị của người bị bắt và bị cầm tù, Cha Kapaun đã phải đào các hố vệ sinh, chia sẻ thực phẩm của mình, và thực hành nhiều nghĩa cử anh hùng để giúp đỡ các tù nhân. Năm 1951, Cha Kapaun từ trần trong trại Sombakol POW, nhưng hơn năm mươi năm sau người ta nói rằng cha không ngừng giúp đỡ những ai có nhu cầu.
Chase Kear, một người chạy đua cho trường đại học cộng đồng Kansas, bị chấn thương ở đầu khi tập nhẩy sào. Vì biết Cha Kapaun thường giúp đỡ các người trẻ trong những hoàn cảnh ngặt nghèo, bà dì của Chase xin mọi người trong nhà thờ hãy cầu xin cha can thiệp. (Cha Kapaun cũng lớn lên trong một thành phố ở Kansas). Bảy tuần sau, Chase bước ra khỏi nhà thương và kể lại câu chuyện của mình cho các thông tín viên, bất kể sự kiện là một phần lớn bộ óc của anh đã bị lấy ra khỏi.148
Chase và gia đình anh tin rằng nhờ lời cầu bầu của Cha Kapaun mà anh được bình phục, và Vatican hiện đang điều tra biến cố này như một bằng chứng để có thể tuyên dương đời sống thánh thiện của Cha Kapaun.
TẠI SAO CHÚNG TÔI TIN: CÁC THÁNH
|