Khi tôi đang suy nghĩ về việc gia nhập Giáo Hội Công Giáo, tôi ngồi với một số bạn không phải Công Giáo để xem họ có khuyên can tôi đừng quyết định như thế hay không. Họ là những đạo hữu nhưng không tự nhận là “Tin Lành”. Thay vào đó, họ tự gọi là “Evangelical” (giáo phái tin mừng) hoặc chỉ là “người theo Chúa Kitô.” Dầu sao, phản ứng của họ trước quyết định tôi trở nên người Công Giáo khiến tôi ngạc nhiên.
Một trong những cô ấy nói, “Một khi người Công Giáo tin vào Chúa Giêsu, tôi không nghĩ đó là vấn đề quan trọng.” Một người khác nói, “Tôi muốn nói, chúng ta không bao giờ biết giáo hội nào là đúng hoặc ngay cả có giáo hội hay không, vậy tại sao phải băn khoăn?”
Câu trả lời đó không làm tôi thỏa mãn nên tôi hỏi họ, “Các bạn không lưu tâm sao nếu một trong những giáo hội ngày nay có thể khởi nguồn từ Giáo Hội mà Chúa Giêsu thiết lập? Các bạn không thắc mắc giáo hội nào mà Chúa Giêsu muốn chúng ta tham dự sao?
Thắc mắc của tôi chỉ được đáp lại bằng một loạt nhún vai và một đề nghị đơn giản rằng tôi chỉ cần “tin vào Chúa Giêsu,” nhưng điều đó chưa đủ đối với tôi. Làm thế nào các bạn phái tin mừng biết rằng chúng ta chỉ cần tin vào Chúa Giêsu là được cứu độ? Tin vào Chúa Giêsu, điều đó có nghĩa gì? Chúng ta có phải rửa tội để tin vào Chúa Giêsu không? Chúng ta có phải Rước Lễ không? Nếu tôi không tin vào Chúa Giêsu, tôi có bị mất ơn cứu độ không?
Tôi muốn có câu trả lời cho những thắc mắc này nên tôi quyết định nghiên cứu xem các Kitô Hữu tiên khởi tin những gì. Đây là những tín hữu sống ngay sau thời các tông đồ. Nếu có một giáo hội mà tôi muốn tham dự, đó phải là giáo hội của họ.
Trong thời gian các tông đồ, các tín hữu được gọi là “Kitô Hữu”, nhưng Giáo Hội không được gọi là “Giáo Hội Kitô”. Nó chỉ được đề cập đến là “Giáo Hội”, như được thấy trong sự diễn tả của T. Luca về những gì T. Phaolô và T. Banabê làm trong thành Antiôkia. Người nói, “Trong cả năm họ đã gặp gỡ với Giáo Hội, và giảng dậy rất đông người; và ở Antiôkia lần đầu tiên các môn đệ được gọi là Kitô Hữu” (Cv 11:26).
Một vài thập niên sau, T. Inhaxiô ở Antiôkia đã viết một lá thư cho Kitô Hữu, những người sống cách xa 600 dặm, trong một thành phố ven biển Smyrna (trong Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay). Người viết, “Bất cứ đâu vị giám mục xuất hiện, ở đó tín hữu tập trung đông đảo; cũng vậy, ở đâu có Chúa Giêsu Kitô, ở đó có Giáo Hội Công Giáo.”76
AI KHỞI SỰ GIÁO HỘI CỦA BẠN?
• Calvary Chapel, 1965: Chuck Smith
• Mormon church, 1830: Joseph Smith
• Disciples of Christ, 1809: Thomas Campbell
• Baptist church, 1609: John Smyth
• Presbyterian church, 1560: John Knox
• Calvinist church, 1536: John Calvin
• Lutheran church, 1517: Martin Luther
• Eastern Orthodox church, 1054: Eastern Patriarchs
• Catholic Church, 33: Jesus Christ
Chữ Công Giáo xuất phát từ chữ Hy Lạp kataholos, có nghĩa “theo” (kata) “toàn thể” (holos). Giáo Hội của Chúa Kitô được thiết lập bất kể ở đâu hay khi nào thì đều được gọi là Giáo Hội Công Giáo. Giáo Hội giống nhau vì nó chứa đựng toàn thể hoạch định cứu chuộc đời đời của Thiên Chúa cho loài người.
T. Phaolô nói Giáo Hội được xây trên “nền tảng các tông đồ” (Eph 2:20) và là “trụ cột và thành lũy của chân lý” (1 Tim 3:15). Chúa Giêsu nói các cửa hỏa ngục sẽ không thắng nổi Giáo Hội, và các tông đồ, đặc biệt là Phêrô, có thẩm quyền trên đó (Mt 16:18-19, 18:17). Nếu chỉ có các tông đồ mới có quyền lên tiếng nhân danh Chúa Kitô (Lc 10:16), thẩm quyền đó sẽ mất một khi các đấng ấy từ trần. May thay, Thiên Chúa ban cho các tông đồ khả năng truyền lại thẩm quyền thiêng liêng này cho các người kế vị xứng đáng.
Sau cái chết của Giuđa (tông đồ phản bội Chúa Giêsu), T. Phêrô công bố rằng vị trí của Giuđa trong các tông đồ sẽ được chuyển sang một người kế vị xứng đáng (Cv 1:20). Ngay cả T. Phaolô cũng cảnh giác ông Timôtê, “Đừng vội vàng trong việc đặt tay” khi ông chỉ định các người lãnh đạo mới trong Giáo Hội (1 Tim 5:22). Các tông đồ thi hành tất cả những điều này để bảo đảm rằng thẩm quyền của họ có thể “cầm buộc hay tháo cởi” (Mt 18:18), đó là, để xác định sự giảng dậy và thực hành của Giáo Hội, sẽ được truyền xuống cho những người kế vị.
Năm 110 T. Inhaxiô ở Antiôkia nói với các tín hữu, “Hãy theo giám mục, cũng như Chúa Giêsu theo Chúa Cha, và linh mục như anh chị em theo các tông đồ; và tôn trọng các phó tế, như một tổ chức của Thiên Chúa. Đừng có ai thi hành bất cứ gì có liên can đến Giáo Hội mà không có giám mục.”77
VỊ GIÁO HOÀNG THỨ TƯ LÊN TIẾNG
Vào cuối thế kỷ thứ nhất, vị giáo hoàng thứ tư, Clêmentê, nhắc nhở các Kitô Hữu thành Côrintô về tính các xác thực của sự kế thừa tông đồ, khi nói,
Qua Chúa Giêsu Kitô, các tông đồ biết rằng sẽ có sự xung đột vì chức giám mục. Do đó, vì lý do này, nhờ nhận được sự tiên đoán tuyệt hảo, họ chỉ định những người mà đã được nhắc đến và sau đó thêm vào điều khoản rằng, nếu họ từ trần, những người đã được thừa nhận mới được kế vị tác vụ của họ.78
“Làm thế nào với tất cả những truyền thống và nghi thức, Giáo Hội Công Giáo ngày nay có thể khiêm tốn như Giáo Hội mà chúng ta biết trong Tân Ước?” Đó là một câu hỏi hay, nhưng nó giống như đặt vấn đề, “Làm thế nào một thanh niên có thể giống như bé trai phải thay tã từ nhiều thập niên trước?” Trong cả hai trường hợp thể chất đã lớn lên và phát triển qua thời gian làm sao không trở nên một loại hữu thể khác nhau.
Thí dụ, thanh niên này có một số điều mà trước đây không có khi là bé sơ sinh (tỉ như râu ria). Nhưng anh còn nhiều điều anh đã có khi là bé sơ sinh. Điều này là cùng một DNA mà nó hướng dẫn sự phát triển của anh, đem cho anh các nét như “cái mũi giống cha”, được thấy trong hình khi sơ sinh. Cũng thế, Giáo Hội Công Giáo, mà T. Phaolô gọi là Thân Thể Chúa Kitô (Eph. 5:23), có cùng một “DNA” như Giáo Hội thế kỷ thứ nhất: lời Chúa. Lời này được truyền lại vừa qua Sách Thánh và vừa qua Truyền Thống Thánh, mà bạn có thể thấy ảnh hưởng đó trong “hình bé sơ sinh ngày xưa” của Giáo Hội.
Một “hình” đặc biệt có từ thế kỷ thứ hai, khi T. Justin Tử Đạo viết về cách Kitô Hữu tụ họp để thờ phượng, họ cùng “dâng lời thành khẩn cầu cho chúng tôi và cho người đã rửa tội, và cho mọi người khác ở mọi nơi.” Sau đó, họ “chào nhau với nụ hôn,” vị chủ tế dọn bánh và rượu và làm những điều sau:
Người dâng lời chúc tụng và vinh danh Chúa Cha của vũ trụ, qua danh của Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và dâng lời cảm tạ thật dài vì chúng tôi được trở nên xứng đáng lãnh nhận bánh rượu từ bàn tay của người. Và khi người kết thúc lời cầu và tạ ơn, mọi người hiện diện bày tỏ sự tán thành với lời Amen.79
Sự diễn tả của T. Justin tương ứng với lời nguyện giáo dân, chúc bình an, dâng bánh và rượu, và hát “amen” mà vẫn còn thấy trong các Thánh Lễ Công Giáo ngày nay. T. Justin tiếp tục nói rằng bánh và rượu trong Thánh Lễ không chỉ là các dấu hiệu của thân thể và máu của Chúa Kitô, nhưng thực sự là “mình và máu của Chúa Giêsu, đấng đã trở nên người phàm”. Học thuyết này, sự Hiện Diện Thật của Chúa Kitô trong Thánh Thể, là một trong những điều Giáo Hội Công Giáo vẫn dậy bảo và bảo vệ (xem chương 14 để biết thêm).
Sau đây là một vài thí dụ khác về những gì các Kitô Hữu tiên khởi tin. Bạn có thấy nó giống như những gì người Công Giáo ngày nay tin qua các “hình bé sơ sinh” ngày xưa không?
Một số người cho rằng vào cuối thế kỷ thứ tư, khi Kitô Giáo trở nên quốc giáo của Đế Quốc La Mã, người ta trở lại Kitô Giáo chỉ vì lợi ích riêng. Các tín hữu mới này du nhập “những nghi thức đời sống” làm cho Giáo Hội Đức Kitô bị thối nát. Dẫu vậy, như chúng ta đã thấy, các giáo lý như chức linh mục, sự hiện diện thật của Chúa Kitô trong Thánh Thể, và bí tích xưng tội được tin là có trước thế kỷ thứ tư và có thể truy nguồn từ những giảng dậy của Chúa Giêsu và các tông đồ.
Thật đúng là Giáo Hội Công Giáo lấy những điều tốt trong các tôn giáo ngoài Kitô Giáo và sử dụng chúng để vinh danh Thiên Chúa, và mọi Kitô Hữu đều thực hành như vậy. Thí dụ, thói quen trao nhau nhẫn trong lễ cưới được bắt đầu trước hết trong nước Ai Cập xưa và không được Kinh Thánh đề cập tới. Dĩ nhiên, ý nghĩa của nghi thức này không mâu thuẫn với những gì Giáo Hội dậy về hôn nhân. Thật vậy, vòng tròn không cùng của nhẫn tiêu biểu cho sự vĩnh viễn của hôn nhân, mà đó là lý do ngay cả người Tin Lành thường có thói quen “ngoại đạo” này trong lễ cưới của họ.
Nếu các thói quen của Công Giáo như đốt hương, đốt nến, và hát những bài có pha trộn “tính cách ngoại đạo” trong Giáo Hội thì các nhà thờ Tin Lành sử dụng máy phun khói, đèn sân khấu, và nhạc phổ thông trong các nghi thức của họ cũng là ngoại đạo. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II dậy rằng việc sử dụng các yếu tố văn hóa để phục vụ phúc âm thì không sai trái một khi các yếu tố đó “không ttạo ra sự phân biệt hay nguy hại đến sự toàn vẹn của đức tin Kitô Giáo.”84
Sách Công Vụ diễn tả một người hầu của nữ hoàng Êthiôpia sửng sốt khi ông đọc các lời ngôn sứ trong Cựu Ước.85 May thay, ông Philípphê chạy đến và hỏi, “Ông có hiểu những gì ông đọc không?” Người này trả lời, “Làm sao tôi hiểu được, trừ khi ai đó hướng dẫn tôi.” Sau đó ông Philípphê giải thích cho người này hiểu lời hứa ban Đấng Mêsia trong Cựu Ước là Đức Kitô Giêsu. Sau đó vị tông đồ này đã rửa tội cho người hầu trong một hồ nước gần đó (Cv 8:26-40).
Nhiều người cảm thấy bối rối như người hầu Êthiôpia khi họ đọc Kinh Thánh. Ngay cả T. Phêrô cảnh giác tín hữu rằng có những đoạn khó hiểu trong Kinh Thánh, mà ý nghĩa của chúng bị một số người bẻ cong theo ý định phá hoại của họ (2 Phêrô 3:16). Từ câu chuyện này, phải chăng Chúa Giêsu muốn ai đó như ông Philípphê vẫn hiện diện ngày nay để giúp dân chúng hiểu khi họ đọc lời Chúa hay sao? Kinh Thánh không nói sẽ phải có hàng trăm giáo phái ganh đua giải thích Kinh Thánh khác nhau. Thay vào đó, Kinh Thánh nhắc nhở, “Chỉ có một thân thể và một Thần Khí… một Chúa, một đức tin, một phép rửa” (Eph 4:4-5).
Sách Giáo Lý dậy rằng qua bí tích rửa tội mọi Kitô Hữu được “đặt trong một sự hiệp thông chắc chắn, dẫu chưa toàn hảo, với Giáo Hội Công Giáo” (GLCG 838). Lý do người Công Giáo mong muốn sự hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội của Chúa Kitô là để các bạn ngoài Công Giáo có được sự hiệp thông trọn vẹn. Như thế mọi Kitô Hữu có thể chu toàn lời cầu xin của Chúa Giêsu rằng mọi môn đệ “có thể là một”, cũng như Người và Chúa Cha là một (Ga 17:11).
TẠI SAO CHÚNG TÔI TIN: GIÁO HỘI CÔNG GIÁO
|