Bạn có để ý trong phim ảnh khi các người hùng phải đương đầu với điều gì quỷ quái hay khác thường, họ luôn nhờ đến một linh mục Công Giáo giúp họ không? Ngay cả người không tôn giáo cũng nhận ra một loại sức mạnh huyền bí phát ra từ một linh mục. Nhưng điều họ cảm thấy thì không phải là một loại ma thuật dị đoan. Đúng hơn, đó là ơn của Chúa để biến đổi linh hồn của một linh mục và trang bị cho họ để chống trả với tội lỗi và ngay cả các sức lực quỷ quái muốn tấn công Giáo Hội của Chúa Kitô.
T. Phaolô dậy rằng Giáo Hội của Chúa Kitô sẽ có một phẩm trật gồm các phó tế (1 Tim. 3:8-13); các linh mục (1 Tim. 5:17); và các giám mục (1 Tim. 3:1-7). Khi tôi đọc những đoạn này, tôi tự hỏi, “Ngày nay, giáo hội nào có phó tế, linh mục, và giám mục?” Tôi nghĩ rằng, trong những giáo hội đó, tôi phải tìm thấy giáo hội nguyên thủy mà Chúa Kitô đã thiết lập trên T. Phêrô và các tông đồ khác.
Trong Cựu Ước, dân Chúa có chức tư tế với ba cấp bậc mà cả ba được hoàn thành trong Giáo Hội của Chúa Kitô. Thứ nhất, tòan thể dân chúng được gọi là một vương quốc tư tế, vì lối sống thánh thiện của họ sẽ cho phép họ được cầu thay nguyện giúp cho thế giới trần tục (Xh 19:6). Một số người trong dân này, như chi tộc Lêvi, là một phần của chức tư tế thừa tác và họ dâng lễ vật thay cho dân (Xh. 28:41). Sau cùng, có thượng tế, ông được vào nơi ngự linh thiêng của Thiên Chúa mỗi năm một lần để dâng lễ đền tội cho toàn thể dân chúng (Xh. 28:1, Lêvi 21:10).
Vì sự phá hủy Đền Giêrusalem năm 70, chức tư tế thừa tác của dân Do Thái không còn nữa; chức tư tế Kitô Giáo hiện thời đã thế chỗ.
Cũng như trong Cựu Ước, T. Phêrô nói rằng mọi Kitô Hữu thuộc về hàng tư tế thánh (1 Ph 2:5), thư gửi tín hữu Do Thái nói Đức Giêsu Kitô là vị thượng tế mới của chúng ta (Dt 4:14). Không như các thượng tế khác, Đức Kitô là Thiên Chúa và không mắc tội, nên hy lễ của Người trên thập giá có thể tẩy sạch mọi tội lỗi của thế gian. Chính hy lễ duy nhất này mà các linh mục Công Giáo lại dâng lên Chúa dưới hình thức Thánh Thể (xem thêm chương 14). Qua sự phục vụ của mình, các linh mục đang chu toàn chức tư tế thừa tác của Cựu Ước. Thư của T. Giacôbê còn ám chỉ đến sự phục vụ cộng đồng của các linh mục khi cử hành các bí tích để chữa kẻ đau ốm và tha tội:
Ai trong anh em đau yếu ư? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa. Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh; người ấy được Chúa nâng dậy, và nếu người ấy đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha. Anh em hãy thú tội với nhau và cầu nguyện cho nhau để được cứu thoát. Vì lời cầu xin tha thiết của người công chính rất có hiệu lực (Gia 5:14-16).
Ngày nay, bí tích này được gọi là xức dầu bệnh nhân và còn là một phần trong các nghi thức cuối cùng, hay lời cầu nguyện và bí tích được ban cho những ai đang hấp hối. Một trong các bí tích mà linh mục ban, nếu người này còn tỉnh và biết rõ, là cơ hội sau cùng để xưng thú tội lỗi. Hãy để ý trong Giacôbê 5:16 nói rằng chúng ta phải thú tội mình “với nhau”, trong bối cảnh này nó bao gồm các trưởng lão hay linh mục của Giáo Hội của Chúa.
Tại sao tôi không thể xưng tội trực tiếp với Thiên Chúa? Sao tôi phải đi xưng tội (hoặc còn được gọi là bí tích hòa giải)? Đây là câu trả lời của tôi: Bởi vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta và ban cho chúng ta một phương cách lạ lùng để cảm được sự tha thứ của Người.
Giáo Hội dậy rằng Thiên Chúa đã ban cho chúng ta các bí tích để có được những giây phút cảm nghiệm ơn Chúa đổ xuống tâm hồn chúng ta. Hãy nghĩ đến ơn sủng như các quà tặng miễn phí của Thiên Chúa để lấy đi tội lỗi và làm cho chúng ta ngày càng trở nên giống Chúa hơn. Thiên Chúa có thể ban cho chúng ta ơn sủng trong một phương cách vô hình sau khi chúng ta đọc lời cầu xin nào đó, nhưng Người biết chúng ta được tạo bởi vật chất, và thể chất ấy quan trọng!
Tại sao khi nhận được một lá thư cảm ơn, điều đó lại quan trọng hơn một email cảm ơn? Tại sao một cái ôm hôn có sức mạnh hơn lời nói “tôi yêu mến bạn”? Chính vì trong các hành động này chúng ta cảm được tình thương và lòng biết ơn qua các giác quan cũng như bằng tâm trí. Thiên Chúa biết điều này và đó là lý do Người ban các bí tích cho Giáo Hội, hay các dấu chỉ hữu hình bên ngoài của việc lãnh nhận ơn Chúa bên trong.
Có bảy bí tích, mỗi bí tích có một cách đặc biệt để cử hành (hình thức) và một chất đặc biệt phải được sử dụng (chất liệu). Hình thức của bí tích rửa tội gồm lời nói, “Ta rửa ngươi nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần.” Chất liệu là nước bao phủ người này và là phương tiện vật chất nhờ đó tội của họ được tẩy sạch (Cv 22:16).
Bí tích tha tội gồm một vài lời nguyện về hình thức, nhưng chất liệu là chính vị linh mục. Sự hiện diện và tiếng nói của người là máng chuyển mà qua đó ơn Chúa đi vào tâm hồn hối nhân và hòa giải họ với Thiên Chúa. T. Phaolô có nói, “Tất cả điều này là từ Thiên Chúa, đấng hòa giải chúng ta với chính Người qua Đức Kitô và trao cho chúng ta tác vụ hòa giải” (2 Cor 5:18).
MỘT LINH MỤC CỨU VỚT CÁC LINH HỒN TRÊN TẦU TITANIC
Năm 1912, một linh mục Anh quốc, Cha Thomas Byles, mua vé lên tầu Titanic đến Nữu Ước để tham dự lễ cưới của người em. Người ở tầng thứ hai khi tầu đụng phải tảng băng và người vẫn ở lại tầu để nghe xưng tội trước khi tầu chìm.
Một nhân chứng nói, “Cha Byles đã có thể sống sót, nhưng người không rời tầu khi còn một hành khách… Sau khi tôi lên chiếc xuồng, là chiếc sau cùng, và chúng tôi từ từ ra xa, tôi có thể nghe được rõ ràng tiếng nói của vị linh mục ấy và lời cầu nguyện của người.”99
Người em và gia đình của Cha Byles cẩn thận đi tìm người trong số các nạn nhân sống sót, nhưng họ tin rằng người đã chết ở biển; họ không tìm thấy thi hài của người. Cha sở hiện nay ở giáo xứ mà Cha Byles phục vụ cách đây gần một thế kỷ đã bắt đầu tiến trình xin Giáo Hội chính thức tuyên xưng Cha Byles là thánh.100
Một linh mục không thể tha tội mà không có Thiên Chúa, cũng giống như một mục sư Tin Lành rửa tội cho ai đó để trở nên Kitô Hữu mà không có Thiên Chúa. Một linh mục có cùng quyền tha tội như các tông đồ, là những người mà Chúa Giêsu nói, “Nếu các con tha tội cho ai, họ được tha; nếu các con cầm tội ai, họ bị cầm buộc” (Ga 20:23).
Để các tông đồ biết những tội nào của một người phải bị cầm giữ lại, tỉ như, người ấy không thực sự hối lỗi, họ phải biết đó là những tội nào. Trừ phi được Chúa mặc khải cho biết, chỉ có thể biết được những tội này khi một người xưng thú. Như T. Cyprian ở Carthage nói, “với sự đau buồn và đơn giản xưng thú mọi điều cho các linh mục của Thiên Chúa, và tỉ mỉ nhìn nhận, trút bỏ gánh nặng ra khỏi tâm trí, và tìm kiếm linh dược bổ ích cho các thương tích dù nhỏ và vừa phải”.101
Giáo Hội Công Giáo chọn những người nam làm linh mục vì Giáo Hội luôn cố gắng bắt chước Chúa Giêsu Kitô. Tuy có nhiều phụ nữ phục vụ trong sứ mệnh của Đức Giêsu, Người đã không mời gọi họ trở nên tông đồ. Thật vậy, Đức Giêsu để lại cho Giáo Hội một tín điều, hay một phần không thay đổi của sự mặc khải của Thiên Chúa, rằng chỉ có người nam mới có thể thay cho “cá nhân Đức Kitô” (tiếng Latinh, alter christus) và phục vụ nàng dâu của Đức Kitô là Giáo Hội (Eph 5:22-33).102
Điều kiện là các linh mục không được kết hôn, hay độc thân, là một kỷ luật chứ không phải một tín điều không thay đổi. T. Phêrô đã kết hôn (Mt 8:14), tuy chúng ta không biết vợ của người có còn sống khi người trở nên vị lãnh đạo của Giáo Hội hay không, vì Kinh Thánh không bao giờ nhắc đến bà.103
Đức Kitô không bao giờ dậy bảo Giáo Hội về vấn đề này, nên Giáo Hội được tự do đưa ra các quy tắc để phục vụ Thân Thể Chúa Kitô cách tốt nhất.
Trong Giáo Hội Công Giáo Đông Phương, người nam đã kết hôn có thể trở nên linh mục nhưng các linh mục không kết hôn thì không được kết hôn sau này. Trong Giáo Hội Tây Phương có những ngoại lệ cho các linh mục đã kết hôn, họ vào đạo từ các tôn giáo khác, như Anh Giáo, nhưng hầu hết các linh mục đều độc thân.
Các linh mục này phải theo một truyền thống được T. Phaolô nhắc nhở khi nói rằng ai không kết hôn thì có thể hoàn toàn tập trung vào việc làm vui lòng Thiên Chúa mà không bị cản trở bởi bổn phận chăm sóc gia đình (1 Cor 7:32). T. Phaolô xác nhận sự tốt lành của hôn nhân, nhưng người còn ao ước rằng nếu có thể mọi người hãy sống độc thân như người. Ngay cả người còn diễn tả một số quả phụ thời Giáo Hội tiên khởi đã thề sống độc thân như thế nào (1 Cor. 7:7; 1 Tim 5:12).
TẠI SAO NGƯỜI CÔNG GIÁO GỌI LINH MỤC LÀ “CHA”?
Nếu trong Mátthêu 23:9 Đức Giêsu nói rằng “đừng gọi ai là cha,” vậy sao người Công Giáo gọi các linh mục là “cha”? Vì cùng một lý do mà T. Phaolô tự gọi mình là cha đối với các Kitô Hữu ở Côrintô (1 Cor 4:15), đó là một danh xưng thích hợp để chăn dắt đàn chiên của Chúa Kitô.
Trong Mátthêu 23:8-10, Đức Giêsu còn nói đừng gọi ai là thầy hay “bậc thầy” (master), nhưng người Tin Lành thường gọi các mục sư và thần học gia là “tiến sĩ” (doctor) là chữ theo nghĩa đen có nghĩa “bậc thầy”.
Đức Giêsu chỉ cảnh cáo các môn đệ trước sự cao ngạo tâng bốc của các người lãnh đạo Do Thái và họ nâng quyền bính của họ lên trên quyền bính của Thiên Chúa. Đức Giêsu không cấm các người cha tinh thần hay các thầy mà Người mời gọi họ vào sự phục vụ Giáo Hội.
Các thí dụ khác trong Kinh Thánh về việc sống độc thân có thể thấy nơi các ngôn sứ Elida và Giêrêmia, cũng như chính Chúa, Người nói, “có những hoạn nhân [không thể giao hợp tình dục] là người tự ý làm cho mình trở nên hoạn nhân vì Nước Trời” (Mt 19:12). Sách Chú Giải Kinh Thánh của Công Giáo nói rằng trong câu này Đức Giêsu khích lệ sự tự ý tránh các tương giao tình dục, “không bởi cắt bỏ cơ phận của mình nhưng bởi từ bỏ chính mình.”104
Một số người nói rằng nếu các linh mục được phép kết hôn thì sẽ ít đi sự lạm dụng tình dục trong Giáo Hội và sẽ có thêm nhiều người muốn trở thành linh mục. Nhưng nhiều người ấu dâm là người nam đã kết hôn, và đời sống độc thân không làm cho người ta bị hấp dẫn bởi trẻ em. Hơn nữa, chức linh mục không phải là một công việc mà có thể thay đổi điều kiện để thu hút các ứng viên. Kinh Thánh nói khi Đức Giêsu thấy đám đông dân chúng đi theo Người
Người chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Vậy, Người nói với môn đệ: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít; vì thế anh em hãy xin Chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Mt 9:36-38).
Các linh mục là những người đáp lại lời mời của Chúa để đi vào thế gian và dẫn đưa các linh hồn lầm lạc về với Mục Tử Nhân Lành, là Chúa Giêsu Kitô.
TẠI SAO CHÚNG TÔI TIN: CÁC LINH MỤC
|