S au khi trở nên một Kitô Hữu tôi bị giằng co với việc có nên tiếp tục theo đạo Công Giáo hay không. Khi ngồi trong nhà thờ và nhìn khói hương bay lên từ bàn thờ, tôi cảm thấy có một động lực thúc giục tôi hãy ở lại và hãy là một phần của điều mà tôi cảm thấy như một mầu nhiệm linh thiêng. Đàng khác, có nhiều điều người Công Giáo tin nhưng tôi không thể tìm thấy trong Kinh Thánh, làm cho tôi nghĩ rằng đó chỉ là những truyền thống do con người đặt ra.
Sau cùng tôi quyết định là việc theo giáo hội nào thì không quan trọng một khi tôi đặt lòng tin vào những gì Kinh Thánh dậy. Nhưng rồi tôi gặp phải một chướng ngại lớn: Tôi không thể tìm thấy một câu Kinh Thánh nào nói rằng bất cứ gì tôi tin đều có thể được tìm thấy trong Kinh Thánh. Và càng nghiên cứu lịch sử, tôi càng thấy rằng Giáo Hội Công Giáo đã giới thiệu cho chúng ta cuốn Kinh Thánh.
Nếu tôi tin vào lời của Chúa, tại sao tôi không gia nhập Giáo Hội mà nó đã đem cho chúng ta lời hằng sống trong hình thức Sách Thánh?
Trong thế kỷ 16, các tín hữu Kitô như Martin Luther và John Calvin chống lại điều mà họ nghĩ chỉ là “truyền thống con người” của Giáo Hội Công Giáo. Vì họ chống với Giáo Hội, họ được gọi là “Protestants Reformers” (người cải cách chống đối). Tuy nhiên, thay vì cải tổ Giáo Hội Công Giáo, họ tẩy chay thẩm quyền của Giáo Hội và thay thế với ý tưởng rằng mọi giáo huấn Kitô Giáo, hay học thuyết, phải xuất phát từ Kinh Thánh mà thôi. Nguyên tắc này sau đó được gọi là sola scriptura (tiếng Latinh có nghĩa “chỉ một mình Kinh Thánh”).
Nhưng nếu mọi học thuyết được cho rằng xuất xứ từ Kinh Thánh thì Kinh Thánh dậy về học thuyết sola scriptura này ở đâu?
Thật đúng là sách Khải Huyền 22:18 cảnh cáo rằng “ai nghe những lời tiên báo của sách này: nếu bất cứ ai thêm vào, Thiên Chúa sẽ đưa người ấy vào những tai họa được diễn tả trong sách này.” Nhưng Gioan, tác giả sách Khải Huyền, chỉ cấm thêm những chữ vào các thị kiến ông nhận được. Ông không từ chối rằng lời của Chúa có hiện diện ngoài Kinh Thánh, hay ngay cả bên ngoài sự tiết lộ của chính ông.
Đoạn thường được trích dẫn để bảo vệ cho sola scriptura là 2 Timôtê 3:16-17: “Mọi Sách Thánh được linh ứng bởi Thiên Chúa và có lợi để dậy bảo, khiển trách, chấn chỉnh, và để huấn luyện sự công chính, mà người của Thiên Chúa có thể chu toàn, được trang bị cho mọi việc tốt lành.”65
Người Công Giáo đồng ý rằng mọi Sách Thánh được Thiên Chúa linh ứng. Sách Thánh thì cũng hữu ích, nhưng điều này không có nghĩa Sách Thánh là phương tiện duy nhất giúp chúng ta dậy bảo về Đức Tin hay lớn lên trong sự thánh thiện. Chúng ta còn cần một đời sống cầu nguyện tích cực và lời khuyên của các Kitô Hữu trưởng thành. Trong 2 Timôtê 2:21, Phaolô nói rằng nếu Timôtê thanh tẩy chính mình khỏi ảnh hưởng xấu, ông sẽ là một máng chuyển sẵn sàng cho “công việc tốt lành”. Dĩ nhiên, điều đó không có nghĩa là nếu Timôtê tránh xa những ảnh hưởng xấu, ông sẽ tự động biết mọi học thuyết căn bản của Đức Tin.
Kinh Thánh dậy rằng Sách Thánh là một dụng cụ để trang bị cho chúng ta thi hành các việc tốt lành, nhưng nó không phải là dụng cụ duy nhất làm cho chúng ta được sẵn sàng với công việc đó. Thật vậy, Kinh Thánh dậy rằng lời của Chúa thì không bị giới hạn trong chữ viết mà thôi.
Các Kitô Hữu tiên khởi đã không học hỏi về đức tin từ Kinh Thánh bởi vì sách Tân Ước chưa được viết xuống. Điều này được thấy khi T. Phaolô cảm ơn tín hữu thành Côrintô vì “duy trì các truyền thống mà tôi đã truyền lại cho anh chị em” (1 Cor. 11:2), và dậy bảo môn đệ của ông là Timôtê, “điều mà con nghe ta nói trước nhiều nhân chứng thì hãy trao lại cho người có lòng tin, họ cũng có thể dậy bảo người khác” (2 Tim 2:2).
T. Phaolô cảm ơn tín hữu thành Têsalônica vì đã đón nhận lời giảng dậy của ông, không như lời người phàm, nhưng như chính lời của Thiên Chúa (1 Thes 2:13). Trong thư thứ hai của ông gửi cho giáo đoàn này, ông nói với họ “hãy đứng vững và giữ vững các truyền thống mà anh chị em đã được chúng tôi dậy bảo, bằng lời nói miệng hay bằng thư từ” (2 Thes 2:15).
TRUYỀN THỐNG VÀ TRUYỀN THỐNG ĐƯỢC XÁC ĐỊNH
* Truyền thống giáo hội: Các quy tắc và thói quen được Giáo Hội dậy bảo để giúp chúng ta trong việc thờ phượng Thiên Chúa. Chúng gồm các kiểu cầu nguyện hay quy tắc thích nghi khi hữu ích cho Thân Thể Chúa Kitô.
* Truyền Thống Thánh: Lời Chúa trong hình thức truyền khẩu mà Chúa Giêsu và các tông đồ đã giao phó cho Giáo Hội và không thể thay đổi. Chúng gồm các giáo lý căn bản về Đức Tin và những cách sống Đức Tin trong mọi thế hệ.
Truyền Thống Thánh thì không giống như các thói quen có thể thay đổi theo thời gian, như cách ăn mặc hay kiểu cầu nguyện (hay “truyền thống” với chữ “t” thường).66 Truyền Thống (với chữ “T” hoa) ám chỉ lời Chúa được “truyền lại” hay được “bày tỏ”. Nó không thay đổi dù nhận thức của chúng ta về điều đó gia tăng với thời gian, cũng giống như sự hiểu biết của chúng ta về Sách Thánh gia tăng theo thời gian.
Trong thế kỷ thứ hai, T. Iranaeus viết, “Trong khi ngôn ngữ của thế giới thì đa dạng, tuy thế, thẩm quyền của truyền thống là một và giống nhau.” Người cũng yêu cầu độc giả, “Nếu các tông đồ thực sự không để lại các bài viết cho chúng ta thì sao? Điều cần thiết là phải theo truyền thống, nó được ủy thác cho những người được các tông đồ giao phó các giáo hội cho họ, có phải không?”67
Một số Kitô Hữu tẩy chay ý tưởng Truyền Thống Thánh vì họ tin rằng Chúa Giêsu kết án việc đó. Họ viện dẫn lúc Đức Giêsu nói với các người lãnh đạo Do Thái, “Vì truyền thống của các ông, các ông đã làm cho lời Chúa trở nên vô ích” (Mt 15:6). Nhưng trong trường hợp này Đức Giêsu kết án một truyền thống đặc biệt do con người đặt ra mà nó trái với các giới răn của Thiên Chúa. Đặc biệt, Đức Giêsu chỉ trích truyền thống áp dụng một lễ tế bằng tiền, được gọi là korban, cho Đền Thờ thay vì dùng tiền để giúp đỡ cha mẹ già yếu. Truyền thống này trái với Điều Răn Thứ Tư, “Hãy thảo kính cha mẹ của ngươi.”
Tuy nhiên, Đức Giêsu đã không hoàn toàn tẩy chay truyền thống tôn giáo vì Người nói với các môn đệ hãy vâng lời các người lãnh đạo Do Thái vì họ ngồi vào vị trí được gọi là “ghế Môsê” (Mt 23:2-3). Đây không thực sự là cái ghế nhưng là chữ ám chỉ một truyền thống Do Thái, không được thấy trong Sách Thánh, về thẩm quyền dậy bảo của những người lãnh đạo Do Thái. Thật vậy, trước khi về trời Đức Giêsu không bao giờ ra lệnh cho các tông đồ hãy viết xuống bất cứ điều gì. Thay vào đó, sứ vụ của họ là rao giảng tin mừng, và lời Chúa tiếp tục được truyền lại qua sự truyền khẩu ngay cả sau khi Tin Mừng được viết xuống.
Thí dụ hiển nhiên nhất của Truyền Thống Thánh mà cả Công Giáo lẫn Tin Lành đều chấp nhận là qui điển của Kinh Thánh. Chữ “canon” xuất phát từ tiếng Hy Lạp có nghĩa “quy luật”, và ám chỉ danh sách chính thức của Giáo Hội về các sáng tác được linh ứng. Bạn có thể tìm thấy danh sách này trong mục lục của mọi cuốn Kinh Thánh Công Giáo hay Tin Lành. Qui điển của Sách Thánh đầu tiên được công bố ở Rôma năm 382 và sau này được xác định trong hai công đồng của Công Giáo ở Bắc Phi (Hippo năm 393 và Carthage năm 397).68
Tuy nhiên, nếu bạn là một Kitô Hữu và từ chối thẩm quyền của Giáo Hội Công Giáo, thì bởi thẩm quyền nào được tìm thấy trong các cuốn Kinh Thánh ngày nay để bạn có thể nói Kitô Hữu phải chấp nhận qui điển Kinh Thánh?
Một số người nói rằng các sách đó hiển nhiên thuộc về Kinh Thánh không cần được Giáo Hội phê chuẩn, nhưng điều đó có thực sự hiển nhiên không? Thư của T. Phaolô gửi cho Philêmôn không dậy điều đặc biệt nào về giáo lý, và thư thứ ba của T. Gioan không nhắc đến ngay cả tên của Chúa Giêsu. Ngược lại, các văn bản khác rất phổ thông trong thời tiên khởi của Giáo Hội, như cuốn Didache hoặc thư của T. Clement, lại không thuộc về qui điển Kinh Thánh.69
Những người khác nói “giáo hội” (viết chữ thường) xác định qui điển này, nhưng chúng ta không buộc phải tuân theo bất cứ điều dậy bảo nào của các “giáo hội” đó. Nhưng nếu nhóm Kitô Hữu tiên khởi không có thẩm quyền của Chúa Kitô thì chúng ta không có lý do gì để tiếp tục vâng theo các quyết định giáo lý của họ, kể cả những quyết định về qui điển. Thần học gia Tin Lành R.C. Sproul đề nghị rằng qui điển của Kinh Thánh là “một danh sách có thể sai lầm của các sách không thể sai lầm.”70 Điều này có nghĩa bất cứ Kitô Hữu nào cảm thấy được Chúa Thánh Thần tác ộng thì đều có thể cho rằng mục lục của Kinh Thánh cần được xét lại, hoặc ngay cả một số phần của Kinh Thánh phải được bớt đi.71
Thật vậy, 500 trước đây Martin Luther và các nhà Cải Cách Tin Lành khác đã làm đúng như vậy. Luther gọi thư của T. Giacôbê là “một thánh thư rơm rác” vì nó mâu thuẫn với thần học của ông, nên ông đưa nó ra đằng sau Kinh Thánh. Tuy Luther và các nhà Cải Cách khác đã giữ lại thư của T. Giacôbê, họ loại bỏ các sách, được gọi là deuterocanonical (thứ kinh), ra khỏi Cựu Ước. Các sách này, như Sirach, Tôbia, và Macabê, là phần của Kinh Thánh mà Đức Giêsu đã sử dụng và được coi là Kinh Thánh linh ứng trong thời Giáo Hội tiên khởi.72 Một lý do những người Cải Cách tẩy chay các sách này là vì chúng dậy bảo giáo lý của Công Giáo tỉ như sự hiện hữu của luyện tội và cần phải cầu nguyện cho người đã chết.73
Người Công Giáo đồng ý là chúng ta không nên tin bất cứ gì mâu thuẫn với lời của Chúa, hoặc trong dạng chữ viết (Kinh Thánh) hoặc dạng truyền khẩu (Truyền Thống).
Nếu một truyền thống được cho là mâu thuẫn với Sách Thánh, truyền thống ấy phải có nguồn gốc con người -- chữ “t” thường -- thay vì từ Thiên Chúa -- chữ “T”. Nhưng nếu một văn bản cho rằng là Sách Thánh (tỉ như một phúc âm bị giả mạo hay dị giáo) nhưng mẫu thuẫn với Truyền Thống Thánh, thì nó cũng phải thuộc về nguồn gốc con người. Thiên Chúa nói qua chữ viết, nhưng như chúng ta vừa thấy, chỉ qua Truyền Thống Thánh chúng ta mới có thể biết văn bản nào là lời Chúa và văn bản nào thì không.
Truyền Thống Thánh còn bảo vệ Giáo Hội khỏi sự dẫn giải sai lầm Kinh Thánh. Các bạn Tin Lành đôi khi tranh luận với các tôn giáo khác mà họ từ chối giáo lý căn bản của Kitô Giáo tỉ như thiên tính của Đức Kitô. Họ vạch ra đoạn Kinh Thánh mà họ nói nó minh chứng Đức Giêsu là Thiên Chúa, thì người kia lại nói rằng, “Đúng, nhưng đó không phải là cách tôi giải thích các đoạn ấy.” Tôi nghĩ thật mỉa mai khi các bạn Tin Lành nói, “nhưng sự dẫn giải của tôi cũng giống như của Kitô Hữu cách đây 2,000 năm!”
Đây là một thí dụ thật hay về cách Thiên Chúa nói trong Kinh Thánh qua chữ viết (hay những gì Kinh Thánh nói), mà còn qua Truyền Thống cửa miệng (hay những dậy bảo về ý nghĩa của Kinh Thánh). Nhưng truyền thống của ai mà chúng ta phải tìm kiếm để được hướng dẫn khi giải thích Kinh Thánh?
Ngay cả các bạn Tin Lành cũng không đồng ý với nhau về điều Kinh Thánh dậy về các vấn đề, tỉ như, có nên rửa tội cho bé sơ sinh không hoặc ơn cứu độ có bị mất không. Không lạ gì trong thư thứ hai, T. Phêrô dậy, “lời ngôn sứ trong Sách Thánh thì không phải là sự giải thích của riêng người nào” (2 Phêrô 1:20).
T. Vincent ở Lerins nêu lên điểm này trong thế kỷ thứ năm khi người nhận thấy rằng các dị giáo cũng có thể trích dẫn Kinh Thánh như các tín hữu. Điều này dẫn đến việc cần phải có một tổ chức thẩm quyền giúp chấm dứt tranh luận về những gì Kitô hữu phải tin. Thẩm quyền này không gì khác hơn là Giáo Hội mà Chúa Kitô đã thiết lập, hoặc, như T. Vincent viết, “Quy tắc để hiểu đúng các lời ngôn sứ và tông đồ phải đóng khung trong sự phù hợp với tiêu chuẩn của Giáo Hội và sự dẫn giải Công Giáo.”74
TẠI SAO CHÚNG TÔI TIN: KINH THÁNH VÀ TRUYỀN THỐNG
|