Trong thời cổ La Mã, các người cha có quyền hầu như vô hạn trên gia đình. Họ được gọi là paterfamilias, họ có thể vứt bỏ các con sơ sinh trong rừng nếu họ không muốn nuôi chúng. Nhiều khi có người đi qua đó tìm thấy các trẻ này và nuôi chúng lớn lên để trở thành nô lệ, nhưng thường các trẻ này bị xâu xé bởi thú rừng hay bị chết dần mòn vì đói khát.
Giữa sự khủng khiếp này, các phần tử của một tôn giáo mới được gọi là Kitô Giáo có một lập trường. Giáo lý của họ cấm không được giết trẻ con trước khi và sau khi sinh, và một số tín hữu còn giải cứu các trẻ sơ sinh bị bỏ rơi và nuôi chúng lớn lên như con của mình.157 Những người cha trong Đế Quốc La Mã có quyền chọn lựa những gì xảy ra trong gia đình của họ, nhưng Kitô Hữu nói rằng không ai có quyền “chọn” để giết một con người vô tội.
Ngày nay việc giết hại các trẻ mà cha mẹ không muốn vẫn còn xảy ra, nhưng nó không xảy ra trong rừng. Thay vào đó, nó xảy ra trong các bệnh viện và dưỡng đường, ở đây nó được gọi là “quyền chọn lựa”. Nhưng cũng như đã xảy ra trên 2,000 năm trước, Giáo Hội Công Giáo chống việc giết các thai nhi, và Giáo Hội thi hành điều này dựa trên những lý luận vượt ra ngoài phạm vi tôn giáo mà bất cứ ai có lý trí đều cảm kích.
Một số người nói, “Không thích phá thai, thì đừng phá thai!” hoặc, “Đừng áp đặt luân lý của quý vị trên chúng tôi!” Nhưng người văn minh cần đặt vấn đề luân lý với người khác. Chúng ta cần nhấn mạnh quan điểm rằng ăn cắp thì sai đối với những tên ăn cắp mà chúng nghĩ rằng “đâu có gì quan trọng.” Chúng ta nêu quan điểm với các cha mẹ, hành hạ trẻ em thì sai dù họ nghĩ rằng việc đánh con của họ “không liên quan gì đến người khác.” Hơn thế nữa, Giáo Hội không áp đặt luân lý, nhưng Giáo Hội dịu dàng đề nghị một lối sống cần có sự đối xử với mọi người một cách tôn trọng và tử tế.
“Quốc gia không thể áp đặt tôn giáo, nhưng nó phải bảo đảm sự tự do tôn giáo và sự hài hòa giữa các tín hữu của các tôn giáo khác nhau”158 -- ĐGH Bênêđích XVI
Có lần tôi thuyết trình trong một đại học đời, một bà trong cử tọa hỏi rằng tôi có từ chối phá thai cho một phụ nữ mà người ấy đã có ba con và gia đình chỉ vừa đủ ăn không. Tôi đồng ý với bà rằng sự nghèo đói là một khó khăn không thể tưởng được, nhưng sau đó tôi hỏi, “Có sai lầm gì khi người phụ nữ này giết một trong ba đứa con của bà, tỉ như đứa hai tuổi, để có thêm nguồn tài chánh cho đứa con chưa sinh ra không?” Bà nói, “Dĩ nhiên điều đó sai lầm,” tôi hỏi, “Tại sao?”
“Vì ông không thể giết những con người thực sự,” bà trả lời.
Đó thực sự là vấn đề, không phải là sự nghèo đói. Nếu thai nhi không phải là con người thực sự, thì sự phá thai chỉ là một phẫu thuật thông thường và ai chống đối điều đó thì cũng kỳ dị như chống đối việc giải phẫu tim. Nếu chúng ta lưu tâm đến công lý và công bằng, chúng ta phải thay đổi cách suy nghĩ của con người để sự sống của các thai nhi có thể được luật pháp bảo vệ.
HY VỌNG HẬU-PHÁ-THAI
Giáo Hội dậy rằng lòng thương xót và ơn sủng của Thiên Chúa thì thật gần cho những ai thống hối vì đã can dự trong việc phá thai. Trong tông huấn “The Gospel of Life” (Phúc Âm Sự Sống), Thánh Giáo Hoàng Gioan Phalô II viết thông điệp này cho những phụ nữ sau khi họ phá thai:
Đừng buông xuôi chán nản và đừng mất hy vọng. Thay vào đó hãy cố gắng tìm hiểu những gì đã xảy ra và thành thật đối diện với nó. Nếu bạn chưa làm như vậy, hãy khiêm tốn và tin tưởng vào sự sám hối. Thiên Chúa Cha giầu lòng thương xót thì sẵn sàng ban cho bạn sự tha thứ và bình an của Người trong bí tích hòa giải. Với niềm hy vọng chắc chắn, bạn hãy phó thác con của bạn cho Chúa và lòng thương xót của Người. Với sự giúp đỡ chuyên môn và khuyên bảo thân thiện của người khác, và như một hậu quả của kinh nghiệm đau thương, bạn có thể trở nên một trong những người mạnh mẽ bảo vệ quyền sống của mọi người.159
Nếu bào thai hay trẻ chưa sinh được lớn lên, nó phải có sự sống. Nếu một bào thai có cha mẹ và DNA như một người, nó phải là con người. Thai nhi không phải là một phần thân thể như các tế bào da hoặc tinh trùng hay trứng. Đó là một con người trọn vẹn mà chỉ cần thời gian, sự nuôi dưỡng, và môi trường tốt nó sẽ phát triển thành một con người đầy đủ (cùng những điều mà bạn và tôi cần để phát triển thành một con người).
Sách y khoa Human Embryology & Teratology khẳng định: “Sự thụ thai là một điểm mốc quan trọng vì, dưới những hoàn cảnh bình thường, một cơ thể con người mới, nét riêng về di truyền được thành hình”.160
ĐỊNH NGHĨA SỰ SỐNG
* Embryo (phôi thai): chữ Hy Lạp này có nghĩa “người đang phát triển”; một con người từ lúc thụ thai cho đến tuần thứ tám.
* Fetus (thai nhi): chữ La tinh này có nghĩa “người trẻ”, một con người từ tuần thứ tám cho đến khi sinh ra.
Một số người còn nói rằng nếu thai nhi là một phần tử của giống người, nó không phải là một “pháp nhân” (person), hoặc nó không “thực sự con người.” Nhưng “pháp nhân” là gì? Điều gì làm cho chúng ta trở nên “con người trọn vẹn”?
Nếu khả năng suy nghĩ hay cảm giác làm cho ai đó trở nên một con người thì các trẻ sơ sinh và một vài người khuyết tật bẩm sinh sẽ không qua được quan niệm đó. Các trẻ sơ sinh không thể suy nghĩ hay không có cảm giác nhiều hơn các thú vật như con bò hay con chuột, nhưng chúng ta đối xử với các trẻ sơ sinh tốt hơn các con vật chỉ vì chúng là con người về sinh học. Vì khoa học chứng minh rằng trẻ chưa sinh cũng thuộc về giống người, điều này có nghĩa chúng ta phải quý trọng trẻ chưa sinh cũng giống như trẻ sơ sinh, và bảo vệ chúng khỏi bị giết qua sự phá thai.
Người khác nói rằng một trẻ chưa sinh thì không thể sống cho đến khi sinh ra, nên nó không phải là một con người vì nó cần thân thể của người mẹ để sống. Nhưng chúng ta lấy quyền gì để đưa một con người mà họ chỉ có thể sống trong một môi trường này vào một môi trường khác mà họ không thể sống? Hãy thử tưởng tượng một nhóm người Hỏa Tinh đưa chúng ta vào hành tinh của họ, ở đây chúng ta ngộp thở vì không có dưỡng khí. Hành động này có được biện minh vì người trái đất “không thể sống” trên Hỏa Tinh không? Dĩ nhiên không! Cũng vậy, con người chưa sinh có quyền được sống trong một môi trường được thiết kế để duy trì sự sống của họ: là lòng mẹ.
Ở điểm này, một số người nói, “Được, đó là một em bé. Nhưng tôi có quyền làm bất cứ gì tôi muốn với thân thể của tôi.”161 Nhưng điều đó có đúng không khi các bác sĩ không thể từ chối cho phụ nữ mang thai dùng thuốc “thalidomide” mà, trong khi hiệu quả là giảm bớt buồn nôn khi có thai, thuốc còn có thể khiến thai nhi sinh ra mà không có tay hay chân. Càng vô lý hơn nữa khi lôi một bé sinh non, mạnh khỏe ra khỏi lồng kính và nhét lại vào bụng người mẹ, và rồi giết nó, vì người phụ nữ có thể làm “bất cứ gì” với thân thể của chính mình.
Thật đúng là chúng ta có quyền kiểm soát thân xác chúng ta, nhưng điều đó không đem cho chúng ta quyền để dùng thân xác của mình mà làm hại đến người vô tội. Điều này rất đúng với con người bé nhỏ, chưa sinh mà một người nam và một người nữ đã giúp tạo thành. Nếu chúng ta mong đợi các người cha phải có trách nhiệm và giúp đỡ con cái mà họ tạo nên thì tại sao không mong đợi các người mẹ cũng có cùng trách nhiệm với các trẻ ấy? Không phải là họ cung cấp “sự giúp đỡ con cái” qua thân thể được thiết kế cách tự nhiên để chăm sóc con cái hay sao?
CÒN TRƯỜNG HỢP HIẾP DÂM THÌ SAO?
Không bao giờ đó là lỗi của người phụ nữ nếu họ bị hiếp dâm và không bao giờ họ bị phạt vì điều ấy đã xảy ra. Không may, trong văn hóa chúng ta, đôi khi chúng ta đổ lỗi cho người phụ nữ vì tội ác vi phạm đến họ, và trong các văn hóa khác phụ nữ còn bị giết vì mang thai qua sự hãm hiếp. Đó là điều man rợ và sai lầm; người vô tội không thể bị đau khổ vì tội ác của người khác.
Nhưng còn đứa trẻ được thành thai qua sự hãm hiếp thì sao? Nó cũng chỉ vô tội như mẹ nó và tuy vậy chúng ta lại cho rằng không có gì trở ngại khi để nó bị đau khổ vì tội ác của người khác. Thật vậy, tại sao chúng ta không dành sự chăm sóc cho các nạn nhân của sự hãm hiếp với lòng cảm thông, dịu dàng và chỉ trừng phạt những ai gây nên hành vi hung bạo này?
Tuy Giáo Hội hỗ trợ kỹ thuật để giúp cha mẹ thụ thai con cái cách tự nhiên, Giáo Hội chống với việc thụ thai trong ống nghiệm (in vitro fertilization -- IVF). Tiến trình này gồm việc phối hợp tinh trùng và trứng trong một phòng thí nghiệm, sau đó cấy phôi thai mới thành lập này vào thân thể một phụ nữ. Đôi khi phụ nữ này là chính mẹ của đứa bé, nhưng trong nhiều trường hợp, đó là một người lạ mà họ có vai trò là một lòng “thay thế” ("surrogate" womb) cho đứa trẻ.
Giáo Hội chống với IVF vì trẻ em có quyền được thành thai và lớn lên trong lòng của mẹ mình. Chúng không thể được chế tạo trong phòng thí nghiệm bởi các chuyên viên mà họ coi chúng như một sản phẩm. Ngoài ra, họ thường tạo ra nhiều hơn một phôi thai, điều đó có nghĩa đứa bé mạnh khỏe nhất được sống trong khi các anh chị em của nó thì bị tiêu hủy.
Một số người thấy khó để hiểu sự sai lầm của việc giết các phôi thai, vì họ tưởng tượng con người được cấu tạo trong lòng mẹ như một chiếc xe được chế tạo trong hãng xưởng. Nếu chúng ta không nói đó là chiếc xe khi con ốc đầu tiên được xoắn vào bù-loong, vậy sao chúng ta lại nói đó là con người khi các tế bào đầu tiên gặp nhau? Nhưng sự loại suy này thì không chính xác, bởi vì con người không phải là các món đồ được chế tạo; chúng là cá thể đang thành hình. Đây là một thí dụ của giáo sư luật Richard Stith cho thấy sự khác biệt.162
Trong thế kỷ hai mươi, máy chụp ảnh Polaroid in hình trên tờ giấy được chứa trong máy ảnh. Khi tờ giấy lòi ra từ máy ảnh sau khi chụp, tấm hình trông mờ mờ mầu nâu. Sau một vài phút hình bắt đầu xuất hiện trên tờ giấy này, cho đến khi nó hiện hình hoàn toàn.
Bây giờ, hãy tưởng tượng bạn đứng trên một con tầu ở hồ Scotland và bạn lấy máy Polaroid ra để chụp con quái vật Loch Ness. Bạn đưa tấm hình ấy cho một người xem, họ vất tấm hình ấy xuống nước và nói, “Tệ quá, nó chỉ là một vệt mờ chứ không phải con quái vật Loch Ness.”
Bạn sẽ phản ứng thế nào với người ấy? Bạn sẽ nổi nóng và la lên, “Không! Đó là hình của con quái vật Loch Ness mà; ông không cho nó đủ thời giờ để hiện hình mà ông thấy được, và bây giờ thì mất rồi!”163
Tương tự, một phôi thai bị tiêu hủy là một con người mà không được phát triển vào “giai đoạn sơ sinh” của sự sống để có thể nhận ra rõ hơn. Tiêu hủy một phôi thai con người hay thai nhi thì không chấm dứt sự sống của một cá thể có tiềm năng; nó chấm dứt sự sống của một con người với tiềm năng vĩ đại.
Những con người nhỏ bé này, họ ở trong một giai đoạn sự sống mà tất cả chúng ta phải trải qua, họ có cùng một phẩm giá của mọi con người từ lúc thụ thai cho đến khi chết cách tự nhiên. Phẩm giá này đáng được nhìn nhận và tôn trọng theo luật lệ, mà nó là lý do Giáo Hội tranh đấu cho quyền sống của tất cả mọi người, nhất là những người yếu đuối nhất và dễ bị tổn thương nhất.
CHUYÊN VIÊN PHÁ THAI ĐỔI Ý
Bs. Bernard Nathanson là một bác sĩ từng giám sát 60,000 vụ phá thai, gồm cả việc phá thai chính con của ông.164 Năm 1969, ông đồng sáng lập NARAL, một tổ chức nhằm đảo ngược luật cấm phá thai. Tuy nhiên, trong thập niên 1980, Bs. Nathanson nhìn thấy biết bao chứng cớ từ các hình siêu âm và bào thai cho thấy sự phá thai đã tiêu diệt đời sống của những con người bé nhỏ như thế nào.
Sau này ông gia nhập phong trào phò-sự-sống và thú nhận rằng chính ông và những người hỗ trợ phá thai đã nói dối về con số phụ nữ bị chết vì phá thai bất hợp pháp chỉ vì ông muốn thấy sự thay đổi về luật pháp. Ông viết, “Thường từ ‘5,000 đến 10,000 người chết hàng năm.’ Tôi thú nhận rằng tôi biết con số đó không chính xác, và tôi cho rằng những người khác cũng làm như vậy nếu họ suy nghĩ về điều đó. Nhưng trong ‘tính cách luân lý’ của cuộc cách mạng của chúng ta, đó là một con số hữu dụng.”165
Nathanson sinh ra là người Do Thái nhưng ông trở lại Công Giáo năm 1996. Ông nói, “Tôi tin tưởng vào tương lai, dù thế nào đi nữa, vì tôi đã giao phó đời tôi cho Chúa Kitô. Tôi không còn điều khiển gì nữa, và tôi không muốn điều khiển. Tôi đã gây ra sự hỗn độn; không ai tệ hại hơn tôi. Bây giờ tôi trong tay Chúa.”166 Tấm thẻ cầu nguyện được phát ra trong ngày ông được rửa tội có in câu Kinh Thánh, “Chúa là đấng giầu lòng thương xót.” (Eph 2:4).
Bs. Nathanson từ trần ngày 21 tháng Hai, 2011.
TẠI SAO CHÚNG TÔI TIN: BẢO VỆ SỰ SỐNG
|