C húng ta hãy đi ngược thời gian đến khoảng mười năm sau khi tôi trở lại đạo Công Giáo. Lúc đó là 4g45, vợ tôi và tôi đang đứng trong một trạm xe điện ở ngoại ô Rôma để chờ xe đến. Cả một đám người trên sàn không làm gì hơn là dán mắt nhìn vợ tôi đi đi lại lại trong chiếc áo cưới dài tha thướt. Cả ai chúng tôi đều mặc y phục đám cưới vì các đôi tân hôn được phép ngồi trong khu đặc biệt của Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, ở đây chúng tôi có cơ hội gặp đức giáo hoàng.
Chúng tôi được dặn rằng đức giáo hoàng thường chỉ vẫy tay các đôi tân hôn sau bài diễn văn buổi sáng, đó là lý do chúng tôi giật mình khi một nhân viên an ninh chỉ vào giữa đám người, trước mặt 50,000 cử tọa, và nói với chúng tôi, “Anh chị đến đằng kia để gặp đức giáo hoàng.”
Bụng tôi như thể đầy kim găm, và sau cùng khi đức giáo hoàng gặp chúng tôi, tôi sững sờ không nói thành lời. Vợ tôi quên cả mọi thủ tục và ôm lấy đức giáo hoàng, mà các nhân viên an ninh có vẻ không hài lòng.
Ngay cả các bạn ngoài Công Giáo của tôi cũng phấn khởi khi biết chúng tôi được gặp đức giáo hoàng. Nhưng tại sao đức giáo hoàng lại quá quan trọng đối với người Công Giáo? Câu trả lời là vì Chúa Kitô đã giao phó cho đức giáo hoàng, vị giám mục Rôma, một chức vụ mà Người từng giao phó cho T. Phêrô -- là mục tử cho toàn thể Giáo Hội của Người.
Vị này được gọi là “giáo hoàng” vì chữ ấy xuất phát từ tiếng Latinh có nghĩa “cha” (papa). Cũng như T. Phaolô nói người trở nên một người cha đối với các Kitô Hữu ở thành phố Hy Lạp Côrintô (1 Cor. 4:15), đức giáo hoàng là một người cha thiêng liêng đối với mọi tín hữu. Người được giao phó các trách nhiệm giống như Chúa Kitô đã giao cho T. Phêrô, gồm chăm sóc tinh thần đàn chiên của Chúa Kitô (Ga 21:15-19) và xác định giáo lý cũng như cách sống đạo cho Giáo Hội của Chúa Kitô (Mt 16:18-19).
Vai trò của T. Phêrô là “tông đồ trưởng” thì hiển nhiên người được nhắc đến nhiều hơn bất cứ tông đồ nào khác, người thường đối thoại với cả nhóm, và được đứng đầu trong hầu hết các danh sách tông đồ (Mt 10:2). Chúng ta biết các danh sách này được thực hiện theo thứ tự quan trọng, vì Giuđa thường bị xếp vào cuối cùng.
Sách Công Vụ cũng diễn tả vai trò vô song của T. Phêrô trong Giáo Hội sơ khai, gồm thẩm quyền của người để đưa ra một tuyên bố có tính cách bó buộc trong Công Đồng Giêrusalem (Cv 15). Như học giả ngoài Công Giáo là J.N.D. Kelly viết, “Phêrô là người lãnh đạo không thể chối cãi của giáo hội đầy sinh lực.”88
PHÊRÔ DẪN DẮT GIÁO HỘI
- Là tông đồ đầu tiên được gặp Đức Giêsu phục sinh (Lc 24:34, 1 Cor. 15:5)
- Giảng bài đầu tiên và tiếp nhận các người hoán cải đầu tiên (Cv 2:14-41)
- Thi hành việc chữa lành đầu tiên trong Giáo Hội (Cv 3:6-10)
- Ra vạ tuyệt thông dị giáo đầu tiên (Cv 8:18-24)
- Đón nhận mặc khải đầu tiên về người Ngoại Giáo (Cv 10:44-48)
- Tuyên bố đầu tiên về giáo lý có sức bó buộc toàn thể Giáo Hội (Cv 15:7-11).
Chúa Giêsu còn đặt tên Phêrô cho ông, trước đây gọi là Simon. Điều này quan trọng, vì trong Kinh Thánh khi Thiên Chúa đổi tên của một người, Chúa cũng thay đổi vận mệnh của người ấy. Thí dụ, vận mệnh của ông Abram là tổ phụ của người Do Thái, nên Thiên Chúa đổi tên ông thành Abraham, có nghĩa “cha của nhiều dân tộc.” Tên “Phêrô” nghĩa là “đá,” nó có nghĩa vận mệnh của ông Phêrô là trở nên một loại đá hay nền tảng. Chúa Giêsu đã tiết lộ loại đá đó mà ông sẽ trở thành sau khi ông Phêrô nhận biết Chúa Giêsu rất đúng là “Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Chúa Giêsu nói:
Simon con ông Giôna, anh thật có phúc. Vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Và Thầy nói với anh, anh là Phê-rô, trên tảng đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực của tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời, và bất cứ gì anh cầm buộc dưới đất cũng sẽ bị cầm buộc trên trời và bất cứ gì anh tháo cởi dưới đất cũng sẽ được tháo cởi trên trời.” (Mt 16:17-19).
Trong thế giới thời xưa, các thành được bao bọc bởi các bức tường lớn và chỉ có thể vào thành qua một cổng lớn. Người cầm quyền thành này được trao cho một chìa khóa của cổng này, mà nó còn là một dấu hiệu thẩm quyền của ông trên thành phố. Khi Chúa Giêsu trao cho Phêrô “chìa khóa nước trời”, Người ám chỉ đến một đoạn sách Isaia trong Cựu Ước diễn tả Hêgiêkia, vua Israen, đã trao cho Eliakim thẩm quyền trông coi toàn thể vương quốc của ông. Theo Isaia 22:22, Eliakim sẽ có “chìa khóa nhà Đavít; khi nó mở, không ai đóng được; và khi nó đóng, không ai mở được.”
Chúa Giêsu nói với các tông đồ, “như Chúa Cha đã lập một vương quốc cho Thầy, thì Thầy cũng lập cho anh em” (Lc 22:29). Cũng như bất cứ vị vua Do Thái nào có trách nhiệm, Chúa Giêsu chọn một người, tông đồ Phêrô, trông coi vương quốc này như thủ tướng của Người.89 Như học giả Tin Lành Craig Keener viết trong bình luận của ông về Mátthêu, “[Đức Giêsu] ngụ ý với biệt hiệu của ông Simon, ‘Phêrô’, mà dịch thô là ‘Đá Tảng’: Phêrô là ‘đá tảng’, và trên đá này Đức Giêsu sẽ xây Giáo Hội của Người”.90
CÓ PHẢI ĐỨC GIÁO HOÀNG LÀ PHẢN KITÔ?
Những tấn công mạnh mẽ và liên lỉ nhất về chức vị giáo hoàng là cho rằng đức giáo hoàng là thù địch của Đức Kitô hoặc quái vật trong sách Khải Huyền. Những những cáo buộc này thật dễ để bác bỏ.
1 Gioan 2:22 nói rằng tên Phản Kitô “từ chối Đức Giêsu là Kitô,” nhưng không có một giáo hoàng nào làm như thế.91 Tương tự, Khải Huyền 17 nói về quái vật ngồi trên bảy ngọn núi và bách hại những người thánh thiện của Thiên Chúa, nhưng Giáo Hội Công Giáo không bách hại Kitô Hữu và không ngồi trên “bảy ngọn núi.” Thành Vatican ở trên đồi Vatican, nó bắc ngang qua con sông chảy từ bảy ngọn đồi của Rôma cổ, ở đây các Kitô Hữu bị đóng đinh và trở thành thức ăn cho sư tử.
Các học giả đồng ý rằng “quái vật” trong Khải Huyền có lẽ tiêu biểu cho một hoàng đế La Mã tỉ như Nêrô, hoặc toàn thể Đế Quốc La Mã vì Giáo Hội bị bách hại thật dữ dội trong thế kỷ đầu tiên.
Giáo lý về ơn bất khả ngộ của đức giáo hoàng dậy rằng nhờ một ơn đặc biệt của Thiên Chúa, đức giáo hoàng được bảo vệ khỏi sai lầm trong việc dẫn dắt Giáo Hội của Chúa Kitô. Hầu hết người Tin Lành nhìn nhận rằng T. Phêrô tối thiểu không sai lầm khi người viết thư thứ nhất và thứ hai, vì hai thư có trong Kinh Thánh. Người Công Giáo chỉ đơn giản tin tưởng rằng loại bảo vệ này được ban cho T. Phêrô và các người kế vị để không ai dẫn dắt Giáo Hội vào sự lầm lạc.
Nhưng tại sao chúng ta phải tin là đức giáo hoàng không sai lầm?
Mátthêu 16:18 nói “quyền lực tử thần” (một số bản dịch viết “các cửa hỏa ngục”) sẽ không bao giờ thắng nổi Giáo Hội, nên thật ý nghĩa khi vị chủ chăn của Giáo Hội Công Giáo sẽ không bao giờ đưa giáo hội vào hỏa ngục bởi những dậy bảo dị giáo. Luca 22:31-32 ghi nhận lời Đức Giêsu nói với ông Phêrô, “Satan đòi nắm giữ anh, để nó có thể sàng sẩy anh như lúa, nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để đức tin của anh không bị sai lạc.” Đoạn nguyên thủy tiếng Hy Lạp cho thấy Satan đòi sàng sẩy “tất cả anh em”, hoặc mọi tông đồ, nhưng Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho “anh” trong nghĩa số ít, chỉ một mình Phêrô, để đức tin của ông không bị sai lạc.92
Thật đúng là có lần Đức Kitô gọi Phêrô là “Satan” khi tìm cách ngăn chặn khổ hình Thập Giá (Mt 16:23). Người cũng biết Phêrô sẽ chối bỏ Người trong phiên tòa xét xử, nhưng Thiên Chúa không kêu gọi người không có khuyết điểm -- Thiên Chúa làm cho những ai được kêu gọi trở nên toàn hảo. Đó là lý do Đức Kitô cầu nguyện rằng một khi Phêrô “từ bỏ” tội lỗi của mình, ông sẽ dẫn dắt và củng cố các tông đồ khác (Lc 22:32).
Ơn bất khả ngộ không giữ cho đức giáo hoàng khỏi phạm tội (ngay cả tội trọng). Thí dụ, ông Phaolô khiển trách ông Phêrô vì từ chối không ăn chung với Dân Ngoại để khỏi làm mất lòng người đồng hương Do Thái (Gal 2:14), nhưng ông Phaolô không từ chối thẩm quyền của ông Phêrô hoặc cho thấy ông này dậy bảo sai lạc.93 Ông chỉ nhắc nhở Phêrô rằng ông cần phải sống những gì ông giảng dậy. Như thần học gia Tin Lành Thomas Schreiner viết, “Ông Phêrô và Phaolô vẫn đồng ý với nhau về thần học. Ông Phaolô khiển trách ông Phêrô vì ông này hành động trái với những điều ông tin tưởng.”94
Bất khả ngộ cũng không có nghĩa đức giáo hoàng sẽ có câu trả lời xác thực cho mọi vấn đề mà Giáo Hội đang đối phó. Ơn bất khả ngộ chỉ giữ cho đức giáo hoàng khỏi bị sai lầm dẫn dắt Giáo Hội theo tà thuyết. Một số Giáo Phụ, tỉ như T. Cyprian ở Carthage, chỉ trích các quyết định của đức giáo hoàng; nhưng ngay cả T. Cyprian cũng tin rằng đức giáo hoàng không thể dẫn Giáo Hội đi sai đường.
Nếu như T. Phêrô không có thẩm quyền bất khả ngộ trên Giáo Hội tiên khởi, làm thế nào chúng ta biết thẩm quyền này được truyền lại cho các đấng kế vị?
Trong thế kỷ thứ nhất, đấng kế vị thứ ba của T. Phêrô, là T. Clêmentê, đã can thiệp vào cuộc tranh chấp trong Giáo Hội ở Côrintô. Người cảnh cáo dân thành Côrintô là họ “sẽ bị nguy hiểm không ít” nếu không vâng lời người, như thế chứng tỏ thẩm quyền của người trên các Kitô Hữu không ở Rôma. T. I-nha-xiô ở Antiôkia nhắc đến Giáo Hội Rôma là giáo hội dậy bảo các giáo hội khác và “chỉ huy trong yêu thương” các giáo hội khác. Thật vậy, các bản văn của ĐGH Clêmentê (92-99) và ĐGH Sôtê (167-174) thật phổ thông đến nỗi được đọc trong Giáo Hội cùng với Kinh Thánh.95
Vào năm 190, ĐGH Víctô I ra vạ tuyệt thông các giáo đoàn trong vùng vì không cử hành lễ Phục Sinh vào ngày thích hợp. Một giám mục người Pháp là T. Irênê nghĩ rằng đây không phải là một ý kiến hay, nhưng chính người và cũng không có ai khác từ chối thẩm quyền của Đức Víctô khi thi hành việc này. Thật vậy, Irênê nói về Giáo Hội ở Rôma, “Đây là vấn đề cần thiết, rằng mọi Giáo Hội phải đồng ý với Giáo Hội này vì thẩm quyền ưu việt của nó.”96 Công đồng Canxêđon ở thế kỷ thứ năm đọc lớn một lá thư của ĐGH Lêô I nhằm bảo vệ giáo lý truyền thống về thiên tính của Đức Kitô. Sau khi đọc xong, các giám mục tham dự đồng thanh nói, “T. Phêrô đã lên tiếng nói qua Giáo Hoàng Lêô!”
Chúa Kitô luôn luôn là vị vua nơi vương quốc của Người, nhưng giống như bất cứ ông vua tốt lành nào khác, Người chỉ định thủ tướng để trông coi vương quốc ấy. Cũng như gia trưởng của dân Israen là Êliakim được coi là “cha của cư dân ở Giêrusalem và nhà Giuđa” (Isa 22:21), đức giám mục ở Rôma là một người cha, hay giáo hoàng, đối với những ai thuộc về Giáo Hội của Chúa Kitô. Người thừa hưởng các quyền lực đối với vương quốc đó và trung thành với trách nhiệm trông coi vương quốc cho đến khi Vua Kitô trở lại trong vinh quang.
MỘT ĐỨC GIÁO HOÀNG CHỐNG VỚI GIỐNG MAN RỢ
Đức giáo hoàng không chỉ bảo vệ Giáo Hội khỏi những đe dọa tinh thần nhưng còn về thể chất nữa. Khi đế quốc La Mã sụp đổ vào thế kỷ thứ tư, từ phương bắc đám người man rợ xâm lăng, đốt phá làng mạc thành bình địa và giết hại những người không chịu làm nô lệ. Trong các giống man rợ đáng sợ nhất là Attila người Hun, mà sự dã man của hắn nổi tiếng đến độ người La Mã phải gọi hắn là “Tai Họa của Thiên Chúa”.
Vào năm 452, đội quân của Attila tụ tập để tấn công vào thành Rôma, nhưng ĐGH Lêô I đã đẩy lùi Attila. Một vài năm sau, một sử gia viết về cuộc đụng độ này, nói rằng Attila “thật kinh ngạc bởi sự hiện diện của vị thượng tế này nên hắn ra lệnh cho đội quân của hắn từ bỏ chiến tranh và hứa giữ hòa bình, rồi hắn từ giã vùng sông Danube”.
TẠI SAO CHÚNG TÔI TIN: ĐỨC GIÁO HOÀNG
|