Một lần khi ngồi trong nhà hàng ăn tôi nhận thấy có hai cô gái ở bàn khác mỉm cười với tôi. Tôi cười lại và họ bước đến chỗ tôi ngồi rồi một trong hai cô hỏi, “Chào anh, tôi có thể hỏi anh một câu hỏi không?”
“Được chứ,” tôi trả lời với giọng nói cố gắng trầm tĩnh. “Anh không ngại để trả lời một vài câu hỏi của chúng tôi chứ?”
Trước hết họ hỏi tôi thuộc tôn giáo nào và tôi nói với họ tôi là người Công Giáo. Sau đó một cô hỏi, “Theo cấp bậc từ một đến mười, anh tin tưởng thế nào về việc anh sẽ lên thiên đường?”
Tôi suy nghĩ giây lát và trả lời, “Tôi chắc chắn là tôi sẽ lên thiên đường, nhưng tôi không biết cấp bậc số mấy…” Cô thứ hai nhảy vào và nói, “Thực sự cấp bậc đúng là số mười. Tất cả những gì anh cần làm để lên thiên đường là tin vào Chúa Giêsu Kitô. Nếu anh làm như vậy, anh không bao giờ mất sự cứu độ.”
Trong khi điều này nghe thật tuyệt vời, vấn đề của quan điểm cứu độ này là nó không có trong Kinh Thánh. Kinh Thánh không dậy rằng chỉ cần một hành động đức tin là bảo đảm chúng ta lên thiên đường. Thay vào đó, sách dậy rằng sự cứu độ là một tiến trình của “đức tin hoạt động qua tình yêu” (Gal 5:6), nhờ chúng ta được trở nên dưỡng tử tinh thần trong gia đình của Thiên Chúa.
Thiên Chúa ước ao mọi người được cứu độ (1 Tim 2:4). Đó là lý do trong một hành vi yêu thương, Đức Giêsu Kitô, là con người thực sự, đại diện cho tất cả chúng ta trên thập giá và đã tuyệt đối vâng lời Thiên Chúa trong một phương cách mà không ai khác có thể. Vì Đức Giêsu còn là Thiên Chúa, cái chết của Người trên thập giá có giá trị vô cùng. Chính hy lễ tình yêu này quá tốt đẹp nên có thể bù đắp cho tội lỗi của Kitô Hữu và của cả toàn thể nhân loại (1 Ga 2:2).
Điều đó có nghĩa mọi người sẽ lên thiên đường?
Thiên Chúa ban cho mọi người ơn sủng đủ để biết đến Người và Người ban ơn cứu độ. Nhưng vì Thiên Chúa là tình yêu, và tình yêu không bao giờ tự áp đặt trên người được yêu, Thiên Chúa sẽ không ép buộc người ta được cứu độ. Một số người sẽ từ chối ơn cứu độ của Thiên Chúa, nhưng một số người khác sẽ không chống đối ơn Chúa. Họ sẽ thấy sự xấu xa của tội và xin Chúa giúp họ thoát khỏi tội. Họ sẽ theo kế hoạch ba bước của Kinh Thánh để được cứu độ:
Trong bài giảng đầu tiên, T. Phêrô nói với một đám người ở Giêrusalem, “Hãy sám hối, và mọi người trong anh chị em hãy nhận phép rửa trong danh của Đức Giêsu Kitô để anh chị em được tha thứ tội lỗi; và anh chị em sẽ nhận được ơn của Chúa Thánh Thần” (Cv 2:38). Tương tự, T. Phaolô nói với ông cai tù người Philíp, “Hãy tin vào Chúa Giêsu, và ông sẽ được cứu, chính ông và gia đình ông” (Cv 16:31). Bản văn tiếp tục cho biết người cai tù này “được rửa tội ngay lập tức, cùng toàn thể gia đình ông” (Cv 16:33).
Các tông đồ giảng rằng những người lớn hoán cải (như tôi) thì phải sám hối tội lỗi, tin vào Chúa Giêsu, và sau đó đón nhận Chúa Giêsu nhờ được rửa tội. Tuy nhiên, thứ tự này có thể thay đổi. Với những ai chưa từng phạm tội cá nhân, như trẻ sơ sinh, kế hoạch sẽ như thế này:
Khi vợ tôi mới sinh ra (giống như hầu hết người Công Giáo) thì được rửa tội. Điều này xóa đi tì vết của nguyên tội và đổ đầy linh hồn với ơn Chúa. Ơn này giúp cho vợ tôi tìm hiểu về Chúa Giêsu, và là “động lực tinh thần” để sám hối tội lỗi và tin vào Chúa Kitô và Giáo Hội của Người.
Có phải ơn cứu độ chỉ có vậy? Sám hối, tin, và đón nhận? Đó là sự cứu độ ban đầu, hay là chúng ta được nhận vào gia đình của Thiên Chúa. Sự cứu độ sau cùng của chúng ta thì không hoàn tất cho đến khi chúng ta vào thiên đường. Giữa lúc ban đầu và sau cùng của ơn cứu độ là những giây phút chúng ta sống ở đời này, nơi chúng ta nhớ đến sự giảng dậy của Chúa Giêsu rằng “ai kiên trì cho đến cùng sẽ được cứu” (Mt 10:22).
Sự cứu độ không chỉ bao gồm giây phút khi chúng ta đón nhận Đức Kitô. Đúng hơn, đó là một tiến trinh mà qua đó chúng ta sống đức tin và vâng lời Chúa Kitô cho đến chết. Sau đây là một diễn tả minh họa cho điều tôi muốn nói.
Hãy tưởng tượng bạn bị kẹt trong cơn bão ngoài biển với một số bạn hữu và tầu của bạn đang chìm. Qua máy truyền tin bạn nghe nói nếu muốn được cứu thoát bạn phải mặc áo phao, cho biết vị trí của bạn, và đợi tầu cứu cấp đến. Khi con tầu bị nhồi lên dập xuống, nước tràn vào sàn tầu, bạn trả lời, “Được, hãy cứu chúng tôi!” Sau đó bạn mặc áo phao và nhảy xuống nước.
Hai ngày trôi qua và không thấy tầu cấp cứu đâu. Một người nói không có sự cấp cứu và quyết định tự bơi vào bờ rồi không bao giờ thấy anh ta nữa. Một vài ngày sau, tầu cấp cứu đến và tìm thấy bạn, họ kéo bạn lên sàn tầu, và bạn thở dài nhẹ nhõm. “Được cứu rồi!”
Nhưng chính xác là khi nào bạn được cứu? Có phải là khi bạn đặt chân lên sàn tầu cấp cứu? Hay khi bạn gọi máy truyền tin? Kinh Thánh nói sự cứu độ là một tiến trình được khởi đầu trong quá khứ nhờ đức tin, nó tiếp tục trong suốt cuộc đời chúng ta ở hiện tại, và chấm dứt với tương lai vinh hiển đời đời ở thiên đường. Hãy nhìn đến từng phần của ơn cứu độ:
Quá Khứ Cứu Độ: Thư gửi tín hữu Êphêsô 2:8-9 nói, “Nhờ ơn sủng anh chị em được cứu qua đức tin; và đây không phải do sức của anh chị em, đó là quà tặng của Thiên Chúa -- không phải vì việc làm, đừng để ai khoe khoang”. Rất đúng! Dù là vợ tôi được rửa tội khi còn nhỏ và sau này tin tưởng vào Chúa Kitô, hoặc chính tôi tin vào Chúa Kitô và muốn được rửa tội, cả hai chúng tôi được cứu nhờ đức tin. Thiên Chúa nhận chúng ta làm con nuôi của Người và chúng ta không làm gì cả để có được quà tặng đức tin đó; chúng ta chỉ không từ chối điều đó. Điều này tương tự như người trên con tầu đang chìm không từ chối sự cứu vớt mà họ nghe được từ máy truyền tin, nhưng họ chấp nhận và chờ đợi sự giúp đỡ.
Khi Kinh Thánh nói chúng ta không được cứu bởi việc làm, nó có nghĩa ở giây phút đầu tiên của sự cứu độ không có công sức của chúng ta. Nhưng như chúng ta sẽ thấy, việc làm giữ một vai trò trong tiến trình cứu độ của chúng ta.
ĐƯỢC CÔNG CHÍNH HÓA CHỈ BỞI ĐỨC TIN?
Trong Rôma 3:28 Phaolô nói, “Chúng tôi cho rằng người ta được công chính hóa nhờ đức tin bên ngoài những công việc của lề luật.” Những người Cải Cách cho rằng T. Phaolô lên án ý tưởng cho rằng việc tốt lành góp phần trong sự cứu độ. Nhưng các học giả Tin Lành như James Dunn và N.T. Wright cho thấy rằng những người Cải Cách như Luther và Calvin đã hiểu sai lý luận của T. Phaolô.133
Khi Phaolô nói về việc được công chính hóa, hay được làm cho chính trực ngoài Lề Luật, ông không muốn nói là việc lành không dính dáng gì đến ơn cứu độ. Điều ông muốn nói là người ta được cứu ngoài việc tuân thủ Luật Môsê, hoặc người ta không phải trở thành người Do Thái trước khi họ có thể trở thành Kitô Hữu.
Đó là lý do trong ngay câu kế, Phaolô nói, “Hoặc có phải Thiên Chúa là Chúa của người Do Thái không thôi? Người không phải là Thiên Chúa của Dân Ngoại hay sao?” (Rm 3:29). Đó cũng là lý do trong Galát 5:6, Phaolô nói, “Vì trong Đức Kitô Giêsu, cắt bì hay không cắt bì thì có ích gì, nhưng đức tin làm việc qua tình yêu.”
Phaolô không nói rằng việc làm thì không dính dáng gì đến ơn cứu độ, vì ông nói rằng Thiên Chúa “sẽ trả cho mỗi người xứng với công việc của họ: với những ai kiên nhẫn tìm kiếm vinh quang và danh dự và sự bất tử, Người sẽ ban cho sự sống đời đời” (Rm 2:6-7).
Hiện Tại Cứu Độ: Trong Philípphê 2:12 Phaolô nói với chúng ta, “Hãy luyện tập ơn cứu độ của anh chị em với sự sợ hãi và run rẩy.” Một khi người ta giữ được tình trạng ơn sủng, họ sẽ lên thiên đường sau khi chết. Gioan 3:36 nói, “Ai tin vào Chúa Con thì có sự sống đời đời; ai không vâng lời Chúa Con sẽ không thấy sự sống.” Đó là lý do Giacôbê 2:24 nói, “Một người được công chính hóa bởi việc làm và không bởi đức tin mà thôi.”
Không có những việc làm riêng biệt để “kiếm” được ơn cứu độ. Thật vậy, chúng ta được cứu độ nhờ hợp tác với ơn Chúa để thi hành những công việc mà Người đã chuẩn bị cho chúng ta ngay cả trước khi chúng ta được sinh ra (Eph 2:10). Vì chúng ta là con nuôi của Thiên Chúa, mọi sự chúng ta làm trong Đức Kitô, ngay cả đời sống thế tục, công việc hàng ngày, sẽ hài lòng Thiên Chúa khi chúng được thi hành trong tinh thần khiêm tốn và bác ái. Tuy nhiên, nếu chúng ta phạm một tội trọng (1 Ga 5:17), và xa rời ơn sủng (Gal 5:4), chúng ta bị nguy cơ mất ơn cứu độ (Dt 10:28-29).
Nếu chúng ta từ bỏ đức tin hay phạm một tội trọng và tự tách biệt khỏi Thiên Chúa, chúng ta sẽ giống như người bị chìm tầu tìm cách tự mình bơi vào bờ và bị hủy diệt. Thật vậy, T. Phaolô cảnh cáo môn đệ Timôthê là đừng giống như những người khước từ những gì lương tâm dạy bảo và “làm cho đức tin bị sụp đổ.” (1 Tim 1:19).
Tương Lai Cứu Độ: Cũng như sự thử thách của người sống sót khỏi cảnh chìm tầu vẫn chưa hết cho đến khi đặt chân lên đất liền, sự cứu độ của chúng ta cũng không hoàn tất cho đến khi bước vào vương quốc Thiên Chúa. Nhưng trong thư gửi tín hữu Rôma 10:13 Phaolô nói, “Những ai kêu cầu đến danh của Chúa thì sẽ được cứu.” Không phải điều đó có nghĩa là chúng ta chỉ cần tin và biết rằng chúng ta sẽ được cứu hay sao?
Phaolô không có ý nói sự cứu độ của một người được chấm dứt ngay sau khi họ tin vào Chúa Giêsu. Trong Rôma 13:11, Phaolô nói về những ai không nhiều đức tin, “Bây giờ sự cứu độ thì gần chúng ta hơn là khi chúng ta mới tin.” Đức tin mở đầu ơn cứu độ của chúng ta, và nếu chúng ta “giữ đức tin” (2 Tim 4:7) thì chúng ta “sẽ được cứu.” Đó là lý do Phaolô cảnh cáo Giáo Hội ở Rôma rằng nếu họ không tiếp tục trong sự nhân từ của Thiên Chúa, “cả anh chị em cũng sẽ bị cắt bỏ” (Rm 11:22).
Thật may cho chúng ta, Thiên Chúa đã ban cho Giáo Hội “tác vụ hòa giải”. Bất cứ ai tự tách rời khỏi Chúa Kitô, bất kể những gì họ đã làm, đều có thể phục hồi sự tương giao mật thiết với Thiên Chúa qua bí tích xưng tội (Ga 20:23). Những ai muốn hòa giải với Thiên Chúa đều biết rằng “bất cứ ai ở trong Đức Kitô, họ là một tạo vật mới; người cũ đã qua, đây, người mới đã đến” (2 Cor 5:17-18).
ĐỨC TIN HOẠT ĐỘNG QUA TÌNH YÊU
Nhờ ơn Chúa, tâm hồn chúng ta được biến đổi nên chúng ta có thể thi hành những công việc yêu thương làm Người vui lòng và chuẩn bị chúng ta vào vương quốc của Người. Hiệu quả của ơn này có thể được thấy nơi những người như Mẹ Têrêsa (bây giờ là T. Têrêsa ở Calcutta), người đã dâng hiến cuộc đời để phục vụ người nghèo và người hấp hối. Mẹ sáng lập dòng Các Nhà Truyền Giáo Bác Ái, mà hiện thời hàng ngàn hội viên đã thề trao ban “hết tâm hồn để phục vụ miễn phí người nghèo nhất trong những người nghèo.”
Một phần của sự phục vụ đó gồm những nhà cho người hấp hối, là những người không được giúp đỡ trong các bệnh viện và gia đình họ đã bỏ rơi. Các nhà truyền giáo này đã thành lập nhà đầu tiên vào năm 1985 cho người hấp hối, đặc biệt vì HIV/AIDS, ở Greenwich Village của Nữu Ước. Một nhà tương tự được mở ra ở Hoa Thịnh Đốn, bất kể sự chống đối của các cư dân ở đây vì họ không muốn “những loại người ấy” trong khu vực của họ.134
Mẹ Têrêsa tóm lược việc làm và đức tin của mẹ theo cách này: “Bởi dòng máu, tôi là người Albani. Bởi công dân, tôi là người Ấn Độ. Bởi đức tin, tôi là một nữ tu Công Giáo. Về ơn gọi của tôi, tôi thuộc về thế giới. Về tâm hồn của tôi, tôi hoàn toàn thuộc về Thánh Tâm Chúa Giêsu.”135
TẠI SAO CHÚNG TÔI TIN: ĐỨC TIN HOẠT ĐỘNG QUA TÌNH YÊU
|