Một vài năm trước đây, các bạn tôi có mua một máy làm bánh “donut”. Chỉ cần đổ vào máy một ít bột nhồi và sau một phút các bánh “donut” nhỏ tuôn ra. Khi họ nói với đứa con năm tuổi về máy đó, mắt nó sáng lên và nói, “Thật tốt quá! Bây giờ mình không phải đến nhà thờ nữa!”
Giống như đứa nhỏ này, một số người đến nhà thờ vì bánh “donut”. Theo nghĩa đen nó chỉ là bánh, nhưng “donut” là lý do phi tôn giáo giúp họ dậy sớm hơn thường lệ vào ngày Chúa Nhật. Có thể họ cảm thấy cần phải làm hài lòng người trong gia đình hay người phối ngẫu. Hoặc có thể họ đến nhà thờ vì đó là điều mà gia đình họ quen làm. Khi lớn lên, có thể họ chỉ giữ truyền thống đó trong những ngày lễ lớn như Phục Sinh và Giáng Sinh. Nhưng với nhiều người, bánh “donut” không còn giá trị đó nữa và họ không còn đến nhà thờ. Họ có thể nói:
“Thánh Lễ Công Giáo nhàm chán. Tôi không thích vì chẳng được ích gì.”
“Họ luôn luôn xin tiền.”
“Nhạc thì dở và bài giảng còn tệ hơn.”
Khi người ta hỏi tôi tại sao đến nhà thờ mỗi ngày Chúa Nhật, tôi nói với họ không phải vì bài giảng dở, không phải vì nhạc tệ, không phải vì bất cứ gì khác, nhưng vì bánh và rượu trong mỗi Thánh Lễ Công Giáo đều trở nên Mình và Máu của Chúa Giêsu Kitô. Tôi đi là vì bánh và rượu đó không chỉ tượng trưng cho Chúa Giêsu nhưng thực sự trở nên mình, máu, linh hồn, và thiên tính của Người. Đức Giêsu ở đó, không chỉ ngày Chúa Nhật, nhưng hàng ngày, sẵn sàng được đón nhận bởi tín hữu để họ có thể được sự sống đời đời.
Khi lần đầu tiên tôi đến thăm một nhà thờ Công Giáo, người mời tôi giải thích rằng dịch vụ này được gọi là “Mass” vì chữ đó xuất phát từ chữ Latinh missa, có nghĩa “sai đi.” Người Công Giáo đến tham dự Thánh Lễ để họ được trang bị và “được sai đi” để chia sẻ tin mừng cho toàn thế giới. Tuy nhiên, khi người bạn đó nói với tôi về “lễ vật hy sinh của Thánh Lễ”, tôi đã dừng lại trước khi bước qua ngưỡng cửa nhà thờ.
“Lễ vật hy sinh? Chắc là bạn không giết một con dê trên bàn thờ chứ? Tôi không chắc là mình có chuẩn bị cho điều đó không?”
Anh ấy cười lớn và nói lễ vật hy sinh ở đây là bánh và rượu được dâng lên bàn thờ, được gọi là Eucharist (Thánh Thể), chữ này xuất phát từ tiếng Hy Lạp có nghĩa “tạ ơn”.
Sách Giáo Lý nói, “Vì trong Thánh Thể bao gồm toàn thể lợi ích tinh thần của Giáo Hội, đó là chính Chúa Kitô, sự Vượt Qua của chúng ta” (GLCG 1324).
Chữ “Vượt Qua” ám chỉ đến một biến cố mà người Do Thái vẫn còn cử hành. Khi họ còn bị nô lệ ở Ai Cập, Thiên Chúa nói với họ hãy giết một con chiên không tì tích để thần báo tử được sai đến để trừng phạt người Ai Cập sẽ “vượt qua” căn nhà của họ (Xh 12:43-51). Kitô Hữu cũng có một con chiên được hiến tế để cái chết tinh thần vượt qua họ: là Đức Giêsu Kitô.
Gioan Tẩy Giả nói rằng Đức Giêsu là “chiên của Thiên Chúa, người lấy đi tội lỗi của trần gian” (Ga 1:29), và T. Phaolô nói, “Đức Kitô, Chiên Vượt Qua của chúng ta, đã bị hy sinh” (1 Cor 5:7). Chiên Vượt Qua trong Cựu Ước phải là một con đực, không tì tích, và chân nó không bị bẻ gẫy (Xh 12:5,46). Đức Kitô, chiên Vượt Qua của chúng ta, là người nam, không tội lỗi (Dt 4:15), và trong khổ hình Thập Giá chân Người không bị đánh giập (Ga 19:33). Sau cùng, sự Vượt Qua không hoàn tất cho đến khi ăn thịt chiên, và vì thế cuộc “Vượt Qua” mà Kitô Hữu vẫn cử hành phải được hoàn tất theo cùng một phương cách.
Vì Chúa Giêsu không muốn chúng ta thành kẻ ăn thịt người, Chúa ban cho chúng ta mình và máu Người để ăn uống dưới hình thức lạ lùng là bánh và rượu. Người nói:
Thật, tôi bảo thật các ông, nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình; ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết. Vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy (Ga 6:53-57).
Tiếng Hy Lạp nguyên thủy của đoạn này nói lên một thông điệp mạnh mẽ hơn những gì chúng ta đọc bằng tiếng Việt. Trong Gioan chương 6 đoạn đầu, Đức Giêsu dùng chữ phago, tiếng chung nói về ăn, nhưng trong những câu này Người đổi sang trogo, có nghĩa “gặm nhấm hay nhai”. Tương tự, Đức Giêsu dùng chữ sarx, ám chỉ chất thịt mềm bao bọc xương chúng ta, và không phải là soma, nó chỉ có nghĩa “thân thể”. Việc chọn lựa chữ của Chúa Giêsu, như được dẫn giải trong tiếng Hy Lạp, cho thấy Người nói về việc nhai thực sự và ăn chính thịt của Người.
Sau khi sống lại, Đức Giêsu xuất hiện với hai môn đệ trên đường đến làng Emmau. Người giấu căn tính của Người cho đến sau khi Người chúc tụng và bẻ bánh chia cho họ ăn. Hiển nhiên Đức Giêsu muốn nói rằng sau khi sống lại, các môn đệ sẽ không thấy Người trong hình dạng con người, nhưng thay vào đó Người “được họ biết đến dưới việc bẻ bánh” (Lc 24:35).
Khi tôi nói với một người bạn không phải Công Giáo là tôi tham dự Thánh Lễ, anh cười nhạo. “Bạn không nghĩ là kỳ quái khi người Công Giáo tin rằng họ ăn thịt và uống máu thực sự của Đức Giêsu sao?” Sau đó tôi chỉ cho anh đoạn Phúc Âm Gioan 6:53-57 và hỏi anh nghĩ Đức Giêsu muốn nói gì khi Người nói, “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì có được sự sống đời đời.” Bạn tôi đọc đoạn này, rồi gấp cuốn Kinh Thánh lại, anh nhún vai nói, “Đó chỉ là ẩn dụ.”
Nhưng sự giải thích đó không làm tôi yên tâm.
Thực sự Đức Giêsu có dùng phép ẩn dụ để diễn tả sứ mệnh của Người. Đức Giêsu nói về chính mình, “Ta là cửa” (Ga 10:9) và “Ta là cây nho” (Ga 15:5), nhưng trong những trường hợp đó Đức Giêsu đã không nói với chúng ta là “hãy cho dầu nhớt vào bản lề thật” hay “hãy tưới nước vào gốc cây thật”. Ngoài ra, không ai tẩy chay Đức Kitô vì dùng phép ẩn dụ dính dáng đến cánh cửa hay cây nho, nhưng khi Đức Giêsu nói người ta phải ăn thịt của Người mới có sự sống đời đời, Kinh Thánh nói với chúng ta rằng “nhiều môn đệ của Người rút lui và không còn đi theo Người nữa” (Ga 6:66).105
CÁC KITÔ HỮU TIÊN KHỞI TIN VÀO SỰ HIỆN DIỆN THỰC
T. Phaolô nói với dân thành Côrintô rằng ai “ăn bánh hay uống chén của Chúa trong phương cách không xứng hợp thì sẽ bị tội làm ô uế mình và máu của Chúa” (1 Cor 11:27). Chỉ sáu mươi năm sau, T. Inhaxiô ở Antiôkia nói, “Thánh Thể là thịt của Đức Giêsu Kitô Cứu Thế, thân thể này đã chịu đau khổ vì tội của chúng ta và Chúa Cha đã nâng thân thể ấy chỗi dậy, vì sự nhân lành của Người”.106 J.N.D. Kelly nhìn nhận rằng trong thời Giáo Hội sơ khai, “việc thánh hóa bánh và rượu được coi là, và được đối xử và được xác định là, mình và máu của Đấng Cứu Thế.”107
Trong bữa Tiệc Ly trước khổ hình Thập Giá, Đức Giêsu trao cho các môn đệ bánh và rượu. Đức Giêsu không nói, “Bánh này bao gồm thân thể của thầy” hoặc “Thầy ở trong rượu này.” Đức Giêsu chỉ nói về bánh, “Hãy cầm lấy, hãy ăn đi; đây là mình thầy” và với rượu “Tất cả anh em, hãy uống đi; vì đây là máu giao ước của thầy” (Mt 26:26-28). Giáo Hội dậy rằng khi bánh và rượu được thánh hóa trong Thánh Lễ, thực chất của chúng đổi thành mình và máu của Đức Kitô tuy hình dáng bánh và rượu vẫn còn.
Một thực chất là “cốt lõi siêu hình” của một vật mà nó kết hợp mọi bề ngoài của vật ấy thành một thực thể duy nhất. Thí dụ, người ta trông khác nhau khi lớn lên từ lúc sơ sinh cho đến khi trưởng thành. Thật vậy, nhiều tế bào chết đi và được thay thế bằng các tế bào mới, nhưng qua những thay đổi này, chúng ta vẫn cùng một người. Đó là vì chúng ta sở hữu một thực chất vô hình, ở bên trong, hay một cốt lõi siêu hình mà nó kết hợp mọi phần của chúng ta. Sự kết hợp này chỉ vỡ vụn khi chết, khi linh hồn lìa khỏi xác và chúng ta bắt đầu rữa nát.
Trong Thánh Lễ, bánh và rượu không biến đổi thành mình và máu Đức Kitô, vì hình dạng của chúng, hoặc bề ngoài và mùi vị của bánh và rượu, không thay đổi. Đúng hơn, thực chất của bánh và rượu đổi thành thực chất của mình và máu Đức Kitô.
Qua phép lạ này, Thiên Chúa làm cho hình dáng của bánh và rượu vẫn vậy nhưng Người thay đổi thực thể bên trong mà nó kết hợp các hình dáng này, thực chất, với mình và máu của Đức Kitô. Đó là lý do người Công Giáo nói rằng trong việc Thánh Hóa, bánh và rượu biến thể, hay thay đổi thực chất, thành mình và máu Đức Kitô. Điều này giải thích làm thế nào chúng ta tiêu thụ cái có hình dạng là bánh và rượu và vẫn trung thành với mệnh lệnh của Đức Giêsu là “hãy ăn thịt và uống máu Người”.108
Sau cùng, trong Thánh Lễ, Đức Kitô không bị tái hy sinh trên thập giá. Không như của lễ là thú vật thời Cựu Ước, sự hy sinh của Đức Kitô thì tuyệt hảo và không cần lập lại (Dt 10:10). Thật vậy, trong mỗi Thánh Lễ, sự hy sinh của Đức Kitô lại được tái dâng lên, hay được dâng lên lần nữa, cho Chúa Cha, và chúng ta nhận được hiệu quả ơn cứu độ nhờ sự hy sinh của Người qua việc ăn "bánh" và uống "rượu" Thánh Thể.109 Sách Didache, cuốn giáo lý thế kỷ thứ nhất, cũng nói với Kitô Hữu hãy “tụ họp nhau vào ngày của Chúa, và bẻ bánh và dâng Thánh Thể; nhưng trước hết hãy xưng thú lỗi lầm của anh chị em, để hy lễ của anh chị em có thể trở nên của lễ tinh tuyền.”110
Sau khi trở thành người Công Giáo tôi thường đếm số lần tôi lãnh nhận Chúa trong Thánh Thể. “Lần thứ bẩy mình lãnh nhận Chúa Giêsu!” Tôi tự nhủ. Bây giờ tôi không nhớ được số lần tôi rước Thánh Thể, và khi tôi mệt mỏi và chán nản trong Thánh Lễ tôi bị cám dỗ hãy “cố cho qua”.
Sau đó tôi nhớ đến một câu chuyện của triết gia Peter Kreeft hay kể. Ông nói rằng khi một trong những môn sinh của ông giải thích Thánh Thể cho một người bạn Hồi Giáo, người này nói, “Tôi không nghĩ là bạn thực sự tin như vậy.” Người môn sinh hỏi tại sao ông lại nghĩ như vậy và người bạn Hồi Giáo nói, “Nếu tôi tin cái trông giống như miếng bánh tròn thực sự là Alla (Thiên Chúa), tôi nghĩ tôi sẽ ngất xỉu. Tôi sẽ quỳ sụp dưới chân Người như chết vậy.”111
Tôi vui mừng vì điều tôi có được từ Thánh Lễ thì không chỉ là một cảm giác ấm áp, mờ nhạt. Đúng hơn tôi có cảm giác được đón nhận Thiên Chúa của cả vũ trụ trong bàn tay, trong môi miệng, và trong chính thân xác của tôi. Tôi có được niềm vui khi biết rằng Thiên Chúa đã tự hạ mình để trở nên một vật thể mà Người làm cho thân xác của tôi (1 Cor. 6:19) trở nên đền thờ cho Người thực sự hiện diện. Theo cách đó, chính đời sống của Chúa Giêsu kết hợp với đời tôi để tôi có thể chia sẻ sự sống đời đời với Người.
TẠI SAO CHÚNG TÔI TIN: THÁNH LỄ VÀ THÁNH THỂ
|