Kinh Thánh nói nếu Đức Giêsu đã không trỗi dậy từ cõi chết, thì đức tin Kitô Hữu vô ích (1 Cor. 15:17). Tuy nhiên, nếu Đức Giêsu đã trỗi dậy từ cõi chết, thì chúng ta biết Đức Giêsu có thể ban cho bất cứ ai theo Người được sự sống đời đời như Người đã hứa (1 Ga 2:25). Nhưng làm thế nào chúng ta biết Đức Giêsu thực sự trỗi dậy từ cõi chết và sự diễn tả này trong Kinh Thánh thì không phải là một câu chuyện do ai đó bịa ra?
Một cách là cho thấy rằng biến cố Phục Sinh là sự giải thích duy nhất cho các sự kiện chung quanh cái chết của Đức Giêsu, những sự kiện mà hầu như mọi người, kể cả những người hồ nghi, đồng ý là có tính cách lịch sử. Ngay cả những học giả không nhìn nhận Kinh Thánh là lời của Thiên Chúa, họ cũng thú nhận là điều đó không hoàn toàn bịa đặt. Thí dụ, học giả hoài nghi John Dominic Crossan từ chối rằng Đức Giêsu chỗi dậy từ cõi chết, nhưng ông nói, “Người bị đóng đinh thì chắc chắn như bất cứ sự kiện lịch sử nào.”41
Tương tự, học giả Tân Ước vô thần Gerd Ludermann nói, “Có thể coi là một điều chắc chắn trong lịch sử rằng sau cái chết của Đức Giêsu, ông Phêrô và các môn đệ đã cảm nghiệm được Đức Giêsu xuất hiện với họ là Đức Kitô phục sinh.”42
Ludermann không nghĩ Đức Giêsu thực sự trỗi dậy từ cõi chết, nhưng cho rằng các tông đồ đã cảm nghiệm một ảo giác. Tuy nhiên, ông nghĩ các tông đồ đã cảm nhận rằng họ nhìn thấy Đức Giêsu phục sinh, và sự kiện lịch sử này cần được giải thích.
Khi chúng ta khảo sát các giả thuyết được đưa ra để giải thích các sự kiện này, bạn sẽ thấy rằng chỉ có một giả thuyết giải thích được các điểm sau: 1) Đức Giêsu chết vì Khổ Hình Thập Giá; 2) ngôi mộ trống của Người; 3) những lần xuất hiện sau Khổ Hình Thập Giá với các môn đệ; và 4) các môn đệ sẵn sàng chịu chết vì đức tin, đó là giả thuyết Đức Giêsu thực sự chỗi dậy từ cõi chết.
Có một lối giải thích các sự kiện này là cho rằng Đức Giêsu không thực sự chết mà Người chỉ ngất đi trên thập giá và tỉnh dậy trong mộ. Sau đó Đức Giêsu gặp các môn đệ và họ tưởng là Người trỗi dậy từ cõi chết. Nhưng ngay cả trường hợp Đức Giêsu bằng cách nào đó thoát khỏi cái chết Khổ Hình Thập Giá, các tông đồ sẽ không bao giờ nghĩ Người trỗi dậy từ cõi chết một cách lạ lùng. Khi nhìn thấy thi thể đẫm máu, tan nát của Người, họ sẽ mau chóng tìm cách chữa trị cho Người và phải nghĩ rằng Đức Giêsu đã đánh lừa sự chết.
Hơn nữa, hầu như Đức Giêsu không có cơ hội để sống sót khi bị đóng đinh. Năm 1986, Hiệp Hội Y Khoa Hoa Kỳ công bố một bài phân tích cái chết Khổ Hình Thập Giá.43 Họ đi đến kết luận là hầu như không thể nào Đức Giêsu sống nổi qua trận đánh bằng roi xé da xẻ thịt cũng như sự ngạt thở khi bị đóng đinh.
Làm thế nào chúng ta biết Đức Giêsu không bị quăng vào một ngôi mộ vô danh và bị lãng quên cho đến khi các môn đệ tưởng tượng ra họ thấy Người còn sống? Chúng ta sẽ nói sau về giả thuyết thấy bằng ảo giác, nhưng trước hết hãy nghĩ đến ý tưởng rằng Đức Giêsu được chôn cất một cách bất xứng và thân xác Người bị bỏ quên trong một ngôi mộ dành cho các tội phạm.
Sách Thứ Luật 21:22-23 cấm người Do Thái để tội nhân bị treo trên một cái cây, nên Đức Giêsu phải được chôn cất ngay sau khi từ trần trên thập giá. Thật vậy, bộ xương duy nhất chết vì bị đóng đinh trong thế kỷ thứ nhất mà các nhà khảo cổ có được thì tìm thấy trong một ngôi mộ, chứ không phải trong một nghĩa trang của các tội nhân.44 Việc chôn cất Đức Giêsu trong một ngôi mộ cũng được diễn tả trong cả bốn cuốn Phúc Âm và được xác nhận trong thư thứ nhất của T. Phaolô gửi tín hữu Côrintô.
Các Phúc Âm nói ông Giuse ở Arimathê, một thành viên của hội đồng mà họ đã kết án tử hình Đức Giêsu, đã chôn cất Người (dầu sao Gioan 3:1-2 nói rằng ông Giuse này là một môn đệ của Đức Giêsu, nhưng trong bí mật, vì sợ các người lãnh đạo Do Thái khác). Nếu các tác giả Phúc Âm sáng chế ra câu chuyện Đức Giêsu được chôn trong một ngôi mộ, có lẽ họ phải ban cho thầy mình vinh dự là được mai táng bởi chính tay các bạn hữu và gia đình của Người.
Điều này có nghĩa đó là chứng cớ lịch sử rõ ràng rằng sau Khổ Hình Thập Giá, thi hài Đức Giêsu được đặt trong một ngôi mộ có thể xác định và không chỉ tiêu tan trong một nghĩa trang công cộng.
Hầu hết các sử gia đồng ý là các môn đệ nghĩ họ đã thấy Đức Giêsu phục sinh. Câu chuyện Đức Giêsu xuất hiện với họ không phải là một huyền thoại được hình thành sau nhiều thế kỷ, nhưng được ghi nhận bởi ông Phaolô (1 Cor. 15:3-7). Hầu hết các sử gia nhìn nhận nhân vật Phaolô hiện hữu, chúng ta có các thư ông viết, và ông Phaolô biết những người được thấy Đức Giêsu phục sinh (Gal 1:18-19). Nhưng có thể nào các cảm nghiệm đó là những ảo giác xảy ra bởi sự sầu muộn khủng khiếp sau khi Đức Giêsu bị hành hình?
Trước hết, thường là các cá nhân, chứ không phải nhóm, có những ảo giác. Nhiều tác giả thánh kinh xác nhận rằng các nhóm môn đệ của Đức Giêsu nói rằng họ được thấy Người sau cái chết (Lc 24:36-49, 1 Cor 15:5-6). Tâm lý gia Gary Collins viết, “Theo tính chất, chỉ một người có thể thấy ảo giác vào một thời điểm. Chắc chắn không thể một nhóm người có cùng ảo giác về một điều gì đó.”45
Thứ hai, giả thuyết cho rằng các môn đệ buồn nản của Đức Giêsu bị ảo giác về sự phục sinh của Người thì không giải thích được tại sao các kẻ thù của Giáo Hội lại tin vào sự Phục Sinh. Thí dụ nổi tiếng nhất là T. Phaolô, ông là một người lãnh đạo Do Thái từng bách hại Giáo Hội cho đến khi ông gặp gỡ Đức Kitô phục sinh thì điều đó thúc giục ông tham gia với những “người Do Thái lạc đạo” mà ông đang bách hại. Sự giải thích tốt nhất cho sự hoán cải đột ngột này là Đức Giêsu thực sự đã hiện ra với ông Phaolô, cũng như Người đã từng xuất hiện với các môn đệ khác sau khi phục sinh.
MỘT NGƯỜI VÔ THẦN NHÌN NHẬN: CHỨNG CỚ THÌ ĐẦY DẪY
Antony Flew có thời gian là một trong những người vô thần nổi tiếng của Tây Phương. Bài tiểu luận của ông, “Theology and Falsification” (thần học và sự xuyên tạc) là một trong những bài tiểu luận được ấn hành nhiều nhất trong lịch sử triết học của thế kỷ hai mươi. Đó là lý do tại sao thật đáng chú ý khi ngay cả chính ông cũng thú nhận trong một cuộc tranh luận với một Kitô Hữu rằng “chứng cớ cho sự Phục Sinh thì tốt hơn những xác nhận phép lạ trong bất cứ tôn giáo nào khác. Nó vô cùng khác biệt về phẩm và lượng.”46
Thí dụ, sách Qu’ran không ghi lại ông Muhammad làm phép lạ, và các nguồn tài liệu xa xưa về Đức Phật nói rằng ông từ chối làm phép lạ.47 Cả hai người này chỉ được diễn tả làm phép lạ trong các truyền thuyết được viết xuống sau khi họ chết nhiều thế kỷ. Điều này thật tương phản với các tường thuật về sự phục sinh của Đức Kitô mà chúng ta tìm thấy trong Kinh Thánh. Không như câu chuyện của những người-làm-việc-kỳ-diệu thời xưa, các tường thuật của Kitô Giáo về biến cố này được viết xuống sau một vài thập niên (không phải vài thế kỷ) và được bảo tồn trong rất nhiều tư liệu.
Không lâu sau khi bạn tôi chết cách đây vài năm, tôi mơ thấy cô ta còn sống. Nếu tôi cảm được sự hiện diện của cô khi tôi tỉnh giấc, tôi sẽ phải kiểm chứng lại ngôi mộ của cô và, nếu ngôi mộ trống, tôi sẽ biết đó không phải là ảo giác. Điều này đưa chúng ta đến lý lẽ đơn giản nhất chống lại thuyết ảo giác: vào bất cứ lúc nào các tông đồ đều có thể đến mộ Đức Giêsu để xem có thi hài trong đó hay không, điều đó sẽ giúp minh chứng về Đức Giêsu mà họ nghĩ rằng đã trông thấy thì có phải là một ảo giác.
Chúng ta đã thấy về phương diện lịch sử chắc chắn Đức Giêsu được chôn trong một ngôi mộ có thể định vị trí. Các Phúc Âm nói với chúng ta rằng vào ngày Chúa Nhật sau khi Phục Sinh, một nhóm các bà đã khám phá ngôi mộ trống. Nhưng tại sao chúng ta phải tin ngôi mộ của Đức Giêsu thì trống rỗng và các tác giả Phúc Âm không bịa ra điều này?
Thực sự có ba lý do và chúng có thể tóm lược trong một chữ tắt “JET”.48
Thứ nhất, các môn đệ nói rằng ngôi mộ trống này ở trong thành Giêrusalem, nên kẻ thù của Giáo Hội thời tiên khởi dễ có thể lấy cái xác ra khỏi ngôi mộ và chứng minh rằng Đức Giêsu đã không trỗi dậy từ cõi chết vì ngôi mộ không trống rỗng.
Thứ hai, những kẻ thù đầu tiên của Giáo Hội đồng ý rằng ngôi mộ của Đức Giêsu thì trống rỗng. Phúc Âm Mátthêu nói các người lãnh đạo Do Thái trong thời của ông (khoảng bốn mươi bốn năm sau Khổ Hình Thập Giá) tin rằng xác của Đức Giêsu bị lấy trộm từ ngôi mộ (Mt 28:11-15). Nhà văn Kitô Giáo ở thế kỷ thứ hai là T. Justin Tử Đạo cũng nói rằng người Do Thái trong thời của ông tin rằng xác của Đức Giêsu bị lấy trộm.49 Tôi sẽ giải thích tại sao giả thuyết này sai, nhưng hãy để ý là các nhà phê bình này không nói là các môn đệ bị ảo giác -- họ chỉ giải thích tại sao ngôi mộ của Đức Giêsu thì trống rỗng.
Sau cùng, các Phúc Âm bao gồm lời chứng của các phụ nữ nhận thấy ngôi mộ trống. Trong thời Đức Giêsu, lời chứng của một phụ nữ được coi là xác thực như của một đứa trẻ hay một tội nhân. Một tổng hợp sự khôn ngoan của người Do Thái xưa được gọi là sách Talmud nói, “Những lời của sách Torah phải bị đốt đi còn hơn là giao cho các phụ nữ.”50 Sử gia Do Thái Josephus nói rằng sự “nhẹ dạ và liều lĩnh” của phụ nữ làm cho lời chứng của họ không đáng tin.51 Nếu các tác giả Phúc Âm sáng chế ra câu chuyện về ngôi mộ của Đức Giêsu được tìm thấy trống rỗng, họ phải dùng các nhân vật đáng tin như ông Phêrô hay ông Gioan. Chi tiết đáng xấu hổ về các bà tìm thấy ngôi mộ trống được gồm trong câu chuyện này chỉ vì đó là điều thực sự xảy ra.
MỘ ĐỨC GIÊSU CÓ THỰC TRỐNG RỖNG?
J -- Các tông đồ rao giảng ở Jerusalem (Giêrusalem) nơi một ngôi mộ trống có thể bị bác bỏ.
E -- Các Enemies (kẻ thù) của Giáo Hội đồng ý rằng ngôi mộ không có xác.
T -- Testimony (lời chứng) xấu hổ của các phụ nữ thì không phải là bịa đặt.
Có thể nào các môn đệ đã lấy xác Đức Giêsu và sau đó nói rằng Đấng Mêsia của họ đã chỗi dậy từ cõi chết? Không phải là không thể, nhưng giả thuyết này vô cùng không chắc. Đó là vì không có chứng cớ của việc trộm cắp trong âm mưu này -- không có ghi nhận của một Kitô Hữu nào sau khi phạm tội rằng tất cả chỉ là trò lừa đảo. Hơn nữa, man trá là để có lợi cho cá nhân; điều duy nhất các môn đệ có được từ sự man trá này là sự bách hại và cái chết. Vì không ai muốn chết cho chuyện bịa đặt, chúng ta có thể tin tưởng rằng các môn đệ của Đức Giêsu thực sự tin vào biến cố Phục Sinh mà họ rao giảng cho người khác.52
Dĩ nhiên, trong lịch sử nhiều người từng chết cho những điều mà họ nghĩ là có thật. Những người Hồi Giáo ôm bom tự sát đã chết cho đức tin Hồi Giáo vì tin rằng Ala sẽ thưởng họ trên thiên đường, nhưng sự thành tâm của họ không chứng minh đạo Hồi thì đúng. Tuy nhiên, sự khác biệt chính yếu là các tín đồ Hồi Giáo ôm bom tự sát thì không ở trong một vị thế để biết đạo Hồi có sai lầm hay không (họ chưa bao giờ tiếp chuyện với ngôn sứ Muhammad của Hồi Giáo, ông này sống trước họ nhiều thế kỷ). Ngược lại, các tông đồ ở trong một vị thế để biết Kitô Giáo có sai lầm hay không bằng cách xem xét ngôi mộ của Đức Giêsu để thấy xác của Người có còn trong đó hay không.
Không cách chi tất cả các môn đệ Đức Giêsu đều bị lừa gạt hay tất cả đều chọn cái chết thê thảm để lừa dối người khác. Chỉ có thể là sự phục sinh của Đức Giêsu thực sự đã xảy ra và nhờ đó họ can đảm chia sẻ tin mừng này dù bị bách hại. Họ biết rằng nếu họ có chết, họ sẽ sống đời đời nhờ Đức Kitô. Chúng ta cũng có thể có sự sống đời đời nếu chúng ta tin tưởng vào lời hứa của Thiên Chúa và chọn bí tích thánh tẩy trong sự Phục Sinh của Đức Kitô Giêsu (Rôma 6:3-5).
“CON SẴN SÀNG TRỞ NÊN MỘT KITÔ HỮU”
Tôi nhớ có một đêm thức trắng khi còn ở trung học để theo dõi cuộc tranh luận trên Internet giữa các Kitô Hữu và những người vô thần. Một câu hỏi làm tôi băn khoăn: Tất cả khởi đầu như thế nào? Kitô Giáo không chỉ khởi sự với một người có những thị kiến về Thiên Chúa mà không ai khác có thể xác nhận. Nó khởi sự với lời công bố rằng một người đã chỗi dậy từ cõi chết. Điều đó được kèm theo bởi chứng cớ lịch sử, như ngôi mộ trống và được chứng minh rằng đây không phải là một lừa đảo hay một ảo giác. Đêm đó tôi nhận ra rằng Chúa Giêsu thực sự sống động và Người là Thiên Chúa “đâu đó” mà tôi đã không nghĩ đến sau nhiều năm dài. Sau đó tôi cúi đầu, mở đôi bàn tay ra, và cầu nguyện, “Lậy Chúa Giêsu, nếu Ngài có thật, xin giúp con tin. Con sẵn sàng trở nên một Kitô Hữu.”
TẠI SAO CHÚNG TÔI TIN: SỰ PHỤC SINH
|