Nhiều người tin rằng có Thiên Chúa, hoặc tối thiểu một “quyền lực cao hơn” đã dựng nên vũ trụ. Điều họ không biết là họ cần phải có tôn giáo để hiểu Thiên Chúa. Họ thắc mắc, “Tại sao tôi phải là một phần tử của một tôn giáo như Kitô Giáo với lề luật và sự đạo đức giả? Tôi quan tâm đến tinh thần hơn là tôn giáo.”
Trước hết, có tinh thần thì không xấu. Một người có tinh thần thì biết nhiều về thực tại hơn là chỉ có vật chất. Họ có thể cảm ơn Thượng Đế vì thế giới xinh đẹp mà Người đã dựng nên. Nhưng cũng như hầu hết mọi người muốn gặp nghệ nhân mà mình ưa thích, một người thực sự có tinh thần thì cũng muốn biết đến nghệ nhân đã dựng nên toàn thể vũ trụ. Tiến trình tìm hiểu Thượng Đế và đáp ứng với sự mặc khải của Người là điểm cốt yếu của tôn giáo.
KINH THÁNH NÓI GÌ VỀ TÔN GIÁO?
“Ai tự cho mình đạo đức mà không kiềm chế miệng lưỡi, là tự dối lòng mình, vì đó chỉ là thứ đạo đức hão. Sự đạo đức tinh tuyền và không tỳ ố trước mặt Thiên Chúa Cha là thăm viếng cô nhi quả phụ lâm cảnh gian truân, và giữ mình cho khỏi mọi vết nhơ của thế gian” (Giacôbê 1:26-27)
Đạo đức giả, bạo lực, và “danh sách dài các quy luật” thì không phải là những lý do chính đáng để tẩy chay tổ chức tôn giáo, hoặc bất cứ hoạt động nào có tổ chức của con người. Hãy tưởng tượng ai đó nói rằng, “Tôi không tin các tổ chức thể thao. Các đội thể thao thì đầy những gian lận và người hâm mộ là những tên ngốc đáng ghét. Ngay cả một số người còn biểu tình náo loạn sau các trận đấu. Và có quá nhiều quy định vô nghĩa! Riêng tôi có thể là lực sĩ mà không cần phải thi đấu hay xem các cuộc tranh tài.”32
Bạn có thể thấy điều này giống như sự phê bình về tổ chức tôn giáo.
Cũng như không công bằng để nói rằng mọi lực sĩ đều gian lận hay mọi người hâm mộ thể thao đều ngốc, cũng vậy, thật không đúng khi nhạo báng mọi Kitô Hữu là đạo đức giả.
Điều này cũng tương tự như khi cho rằng tôn giáo thì bạo động, giống như ý tưởng rằng “tôn giáo chịu trách nhiệm cho tất cả các chiến tranh.” Các người nổi loạn trong thể thao không đại diện cho mọi người hâm mộ thể thao và các tín đồ thích bạo động không đại diện cho mọi tín hữu. Hầu hết các cuộc chiến tranh thì không vì lý do tôn giáo nhưng vì các lý do ngoài tôn giáo, tỉ như chiếm đất hay các nguồn tài nguyên.
Còn các quy tắc được cho rằng vô nghĩa của tôn giáo thì sao?
Trước hết, mọi văn hóa đều mong đợi những cách đối xử mà, nếu bạn viết xuống, sẽ thành một danh sách thật dài. Hãy nói “xin vui lòng” và “cảm ơn”, khi ăn thì đừng nói điện thoại, khi vào nhà phải cởi giầy ra, đừng phóng xuống hồ nước cạn, và vân vân. Sách quy luật chính thức của NFL thì dầy hơn 300 trang -- và đó chỉ là một trò chơi! Vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta, và đời sống thì phức tạp hơn cách ăn uống hay chơi bóng tròn, chúng ta không nên ngạc nhiên trước sự mặc khải của Thiên Chúa bao gồm cả một số quy tắc để giúp chúng ta hạnh phúc và lành mạnh về tinh thần.
Nhưng làm thế nào để chúng ta thực sự biết được các quy tắc này đến từ Thiên Chúa và không do con người sáng chế ra? Làm thế nào chúng ta biết sự mặc khải nào hay quy luật tôn giáo nào phải tuân theo? Chúng ta có thể nhận biết bằng cách chuyển hướng về người quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại.
Khi tôi phân vân có nên là một Kitô Hữu hay không, tôi đọc thật nhiều về các tôn giáo khác nếu có thể. Lúc đầu tôi choáng ngợp khi so sánh các giáo huấn của các tôn giáo như Hồi Giáo, Ấn Giáo, và Phật Giáo với Kitô Giáo, nhưng rồi tôi nhận thấy rằng tất cả đều có một điểm mà tôi có thể so sánh: một giảng dậy về Đức Giêsu Kitô.
CHỨNG CỚ NGOÀI KINH THÁNH VỀ ĐỨC GIÊSU
Josephus, sử gia Do Thái thế kỷ thứ nhất, nói rằng Đức Giêsu là một người uyên bác mà Pontius Pilate đã kết án chết trên thập giá.33 Trong đầu thế kỷ thứ hai, sử gia La Mã là Tacitus nói các tín hữu Kitô có tên này là từ “Christus” (Kitô), là người “đã bị kết án tử hình bởi Pontius Pilate, quan tổng trấn ở Giuđê dưới thời trị vì của Tiberius”34. Bart Ehrman, một học giả theo phái bất khả tri, là chuyên gia hàng đầu về Kinh Thánh, đã viết, “Quan điểm cho rằng Đức Giêsu hiện diện thì hiển nhiên được mọi chuyên gia trên trái đất này công nhận.”35
Hầu như mọi tôn giáo lớn trên thế giới đề có điều nói về căn tính của Đức Giêsu. Người Do Thái nói Đức Giêsu là một thầy dậy, người Hồi Giáo nói Đức Giêsu là một ngôn sứ, và người Ấn Giáo, Phật Giáo nói Đức Kitô là một “người đã giác ngộ”. Tất cả đều nói về cùng một điều căn bản: Đức Giêsu là một vĩ nhân, nhưng không phải là Thiên Chúa. Tuy nhiên, nếu Đức Giêsu hóa ra là Thiên Chúa thì dù các tôn giáo này có một số giáo huấn tốt, tôi biết các giáo huấn ấy không phải những mặc khải của Thiên Chúa. Làm thế nào các tôn giáo này lại không dậy về điểm quan trọng khi Thiên Chúa trở nên một con người trong Đức Giêsu Kitô?
Ngay cả tên Giêsu Kitô cũng có thể gây ra sự căng thẳng và bất an, có lạ lùng không? Một số người nói rằng vì danh xưng ấy nhắc họ nhớ đến những cảm nghiệm xấu khi ở trong giáo hội hay về lịch sử bạo lực của Kitô Giáo. Nhưng những chữ “Kitô Giáo” hay “Giáo Hội Công Giáo” thì không gây ra cùng sự bồn chồn như thế. Tôi cho rằng danh xưng này khuấy động những cảm xúc mạnh nơi người ta bởi vì danh xưng ấy có sức mạnh. Và tên Giêsu có sức mạnh bởi vì người mang tên ấy là Thiên Chúa trong thân xác loài người và có sức mạnh vô song.
Ý NGHĨA CỦA TÊN?
* Giêsu: từ chữ cổ Do Thái, “Yeshua”, có nghĩa “Thiên Chúa cứu độ”
* Kitô: từ tiếng Hy Lạp “Christos”, một danh hiệu có nghĩa “người được xức dầu” và có nghĩa chung là “đấng cứu vớt”.
Tại sao chúng ta phải tin vào một sự kiện phi thường như thế? Đây là ba lý do:
1. Đức Giêsu tin rằng người là Thiên Chúa, và chúng ta có thể tín thác vào Người
Đức Giêsu tự nhận biết chính mình thì không chỉ là một ngôn sứ hay một bậc thầy. Thí dụ, Đức Phật nói, “Hãy tự cứu lấy mình… hãy giữ chặt chân lý như nơi nương tựa,”36 trong khi Đức Giêsu nói, “Ta là ánh sáng của thế gian” (Ga 8:12). Đức Giêsu còn nói, “Ta là đường, và sự thật, và sự sống; không ai đến với Cha mà không qua ta” (Ga 14:6).
Một đầu mối khác dẫn đến thiên tính của Đức Giêsu là Người hành động như Thiên Chúa. Thí dụ, Người tha tội, là điều mà chỉ Thiên Chúa mới có quyền thi hành (Mc 2:5-7). Trong Gioan 20:28, môn đệ của Đức Giêsu là ông Tôma đã gọi Người là “Chúa của con và Thiên Chúa của con.” Đức Giêsu đã không sửa sai ông Tôma, vì điều ông nói là sự thật.
CHỨNG CỚ KINH THÁNH VỀ THIÊN TÍNH CỦA ĐỨC KITÔ
* Đức Giêsu được gọi là Thiên Chúa (Ga 1:1, Titô 2:13, Col 2:9)
* Đức Giêsu hành động như Thiên Chúa (Mc 2:5-7, Lc 22:29, Ga 8:58-59)
* Đức Giêsu được vinh danh như Thiên Chúa (Ga 20:28, Phil 2:5-11, Dt 1:6-8).
Trong Sách Thánh Do Thái, danh của Thiên Chúa được coi là linh thiêng đến độ không thể phát âm. Ngay cả ngày nay nhiều người Do Thái đọc chữ “God” với dấu gạch ngang (“G-d”) để kính trọng danh này. Nhưng trong Gioan 8:58, Đức Giêsu dùng danh linh thiêng, không thể phát âm của Thiên Chúa cho chính mình.
Người nói rằng “trước Abraham đã có ta,” ám chỉ rằng Người hiện diện đời đời như Thiên Chúa trước khi có ông Abraham, ông đã sống hàng ngàn năm về trước. Hành vi này chọc tức giới lãnh đạo Do Thái và khích động họ giết Đức Giêsu về tội phạm thượng. Nhưng đối với Đức Giêsu thì không phạm thượng khi sử dụng danh của Thiên Chúa bởi vì Người là Thiên Chúa.
Vào điểm này ai đó sẽ nói, “Tôi sẽ cho rằng Đức Giêsu không phải là một người nói dối (vì Người là một thầy dậy giỏi), và Người không điên (vì Người là thầy dậy khôn ngoan), nhưng có lẽ Người là một huyền thoại. Làm sao chúng ta biết Đức Giêsu thực sự nói người là Thiên Chúa? Nếu có ai đó thêm điều này vào Kinh Thánh để che lấp một câu chuyện về Đức Giêsu chỉ là một con người thì sao?”
Điều này đưa chúng ta đến lý do kế tiếp.
2. Chúng ta có thể tin vào tài liệu Tân Ước.
Hiện thời có trên 5,500 bản sao các bản viết tay cuốn Tân Ước bằng tiếng Hy Lạp. Cũng còn có 15,000 bản sao được viết bằng các thứ tiếng khác như Latinh, Cóptíc, và Syria. Bản sao cuốn Tân Ước đầu tiên đầy đủ nhất có thể xác định thời gian là trong vòng 300 năm sau khi có bản nguyên thủy.37 Bây giờ hãy so sánh điều này với một trong những thí dụ nổi tiếng nhất của văn hóa cổ Hy Lạp: cuốn Iliad của Homer. Nó được viết trong thế kỷ thứ tám trước công nguyên và, tuy một vài mảnh vụn của cuốn Iliad có thể xác định thời gian là trong vòng 500 năm thời ông Homer, bản sao trọn vẹn xưa nhất được viết vào thế kỷ thứ mười, hay 1,800 năm sau!
Vì có quá nhiều bản sao của cuốn Tân Ước trong thế giới cổ (kể cả hàng ngàn bản không còn sót lại đến ngày nay), không một ai hay nhóm nào có thể thu gom tất cả lại và thay đổi câu chuyện của Đức Giêsu. Cũng thế, không như tiểu sử của những người như A Lịch Sơn Đại Đế hay Đức Phật, được viết lại nhiều thế kỷ sau khi họ chết, những diễn tả về Đức Giêsu trong Kinh Thánh được viết lại chỉ trong vòng một vài thập niên sau khi Người từ trần, hoặc bởi nhân chứng hoặc bởi người biết đến các nhân chứng về sứ mệnh của Đức Giêsu.38
Học giả Kinh Thánh F.F. Bruce nói thẳng thừng: “Không cuốn nào trong văn hóa cổ xưa trên thế giới được chứng nhận bằng văn bản dồi dào như Tân Ước.”39
3. Các tín hữu Kitô đầu tiên tôn thờ Đức Giêsu như Thiên Chúa
Các văn bản tiên khởi của Kitô Hữu cho thấy họ tin rằng Đức Giêsu là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Col 1:15), trong Người sự trọn vẹn của thiên tính ngự trong thân xác (Col 2:8-9). Đức Giêsu có “hình dáng của Thiên Chúa” và một danh hiệu mà mọi đầu gối phải bái lậy (Phil 2:5-11). Ngay cả Kinh Thánh gọi Đức Giêsu là “Thiên Chúa vĩ đại và đấng cứu vớt chúng ta.” (Titô 2:13).
Khi quan tổng trấn La Mã ở thế kỷ thứ hai là Pliny yêu cầu Kitô Hữu phải thờ các thần của La Mã, họ từ chối. Trong một lá thư giải thích thái độ này cho hoàng đế La Mã, Pliney nói rằng Kitô Hữu “có thói quen gặp nhau vào một ngày nhất định trước khi bình minh, khi họ hát các câu thánh ca đối với Đức Kitô như đối với một vị thần, và tự bó buộc mình với một lời thề nghiêm túc.”
Cũng nên nhớ rằng các Kitô Hữu tiên khởi là những người hoán cải từ Do Thái Giáo. Trong hơn 1,000 năm dân Do Thái tự tách biệt mình với các dân ngoại ở lân cận bằng cách từ chối tôn thờ một con vật hay một con người là Thiên Chúa. Người Do Thái thời Đức Giêsu sẽ không bao giờ tin rằng Đức Giêsu là Thiên Chúa trừ phi các phép lạ của Người, kể cả việc Người sống lại từ cõi chết, minh chứng điều đó.
Vì Đức Giêsu đã minh chứng Người là Thiên Chúa, chúng ta có thể tin Người khi Người nói, “Ta là sự sống lại và là sự sống; ai tin ta, dù họ chết, họ sẽ sống, và ai sống và tin ta thì không bao giờ phải chết. Con có tin điều này không?” (Ga 11:25-26).
BÔNG HOA NHỎ CỦA CHÚA GIÊSU
Năm 1887, Henri Panzini bị kết tội giết ba người ở Balê. Cô Têrêsa Martin mười bốn tuổi, cô gái út của một gia đình Công Giáo đạo đức, nghe biết ông này không sám hối, và cô đã cầu nguyện đêm ngày cho ông ta đừng bị xuống hỏa ngục. Sau đó cô được tin rằng khi ông Panzini sắp sửa bị chém đầu, ông đã vói tay cầm lấy tượng chịu nạn trong tay linh mục và hôn tượng ấy ba lần. Cô đã viết trong nhật ký về việc Thiên Chúa nhận lời cô cầu xin:
“Thật là một đáp trả ngọt ngào! Sau ơn độc đáo này, sự ao ước của tôi muốn cứu vớt các linh hồn gia tăng mỗi ngày…sự khao khát của linh hồn bé nhỏ của tôi đã gia tăng và chính sự khao khát mãnh liệt này mà Người đã ban cho tôi tình yêu của Người như nước uống sảng khoái nhất.”40
Têrêsa rất muốn trở nên một nữ tu, nhưng đức giám mục địa phận từ chối vì cô còn quá trẻ. Một vài tháng sau khi Panzini bị hành hình, Têrêsa đã gặp Đức Giáo Hoàng Lêô XIII, và thỉnh cầu của cô đã được ban cho. Khi là nữ tu, chị tự coi mình là “bông hoa nhỏ của Chúa Giêsu” vì chị nghĩ về chính mình không phải là một hoa hồng rực rỡ, nhưng như một hoa dại đơn sơ bừng nở ở nơi Thiên Chúa đã gieo trồng.
Tuy chị chết vì lao phổi khi hai mươi bốn tuổi, tiểu sử của chị đã gây hứng khởi biết bao người theo Chúa Giêsu và vinh danh Người trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù đơn sơ. Thật trớ trêu, sự khôn ngoan đơn sơ của Bông Hoa Nhỏ lại có một ảnh hưởng thật sâu đậm đến độ, vào năm 1997, Têrêsa được tuyên xưng là Tiến Sĩ Hội Thánh. Trong gần 10,000 vị thánh mà Giáo Hội Công Giáo nhìn nhận, chỉ có ba mươi ba vị được ban cho danh hiệu này.
TẠI SAO CHÚNG TÔI TIN: CHÚA GIÊSU
|