Các thiếu niên muốn được thách đố. Trong 30 năm tôi là hiệu trưởng của trường nữ trung học mà đa số học sinh là những em bị luật pháp cho là phạm pháp và được tòa án thiếu nhi gởi đến trường Good Shepherd của chúng tôi. Thật vậy, đa số những em này đã bỏ nhà ra đi vì bị đánh đập hay bị lạm dụng tính dục, các em quá trẻ để có thể tự mưu sinh nên đã phạm pháp. Một số em khác là những em bị cha mẹ bỏ rơi.
Trong hoàn cảnh này, tối thiểu tôi đã làm việc với 3,000 thiếu nữ. Ðây là những cô gái cứng đầu. Và lần đầu tiên khi một thiếu nữ nói với tôi, “Con biết dì thương con. Dì đoán thử coi tại sao?” Tôi lặng người không biết câu trả lời.
Nhưng đó là câu nói được lập đi lập lại nhiều lần.
Và những câu trả lời cũng tương tự. “Bởi vì, khi con làm điều gì sai lầm, dì đã khiển trách con. Ðối với dì, bỏ qua thì quá dễ. Nhưng dì đã không làm.”
Ðúng vậy. Luôn luôn những thiếu nữ này nói: “Dì không sợ nguy hiểm để khiển trách con. Ðó là lý do tại sao con biết dì thật sự quan tâm đến con.”
Tôi bàng hoàng. Nhưng về sau, tôi biết được một điều căn bản: Thiếu niên không muốn bị bỏ quên. Họ muốn, và cần một người lớn nói với họ thật rõ ràng rằng “Thái độ của con không thể chấp nhận được,” khi họ làm những điều sai trái.
Những người trẻ cũng muốn người lớn tin tưởng họ, nói với họ rằng họ có thể thành công. Và không ai có thể chứng minh điều này cho tôi bằng cô Ann Marie.
Trường Good Shepherd của chúng tôi chỉ nhận những thiếu nữ có chỉ số thông minh (I.Q.) trung bình hay cao hơn. Tuy nhiên, số I.Q. của Ann Marie lại quá thấp--khoảng 60. Tuy nhiên, tôi tin chắc là cô thật sự có khả năng trung bình, và tôi đã khuyến khích cô phát triển sự tự tin. Tôi lập đi lập lại rằng cô có khả năng như những bạn cùng lớp, và tôi khuyến khích cô học hành.
Nhưng chỉ có một mình tôi tin vào sự bình thường của Ann Marie: Một ngày kia, một cán sự xã hội đến trường và đem Ann Marie đi. Người cán sự xã hội tin rằng chỗ thích hợp cho Ann Marie là trường của tiểu bang dành riêng cho những thanh thiếu niên bị tật nguyền về trí tuệ.
Tôi cay đắng nuốt lệ. Không lẽ sự tự tin mà Ann Marie đã tạo được cho cô sẽ bị mai một mãi mãi sao? Tôi quyết định cầu xin Mẹ Maria cho cô hằng đêm. Và tôi đã liên tục cầu nguyện cho cô trong 25 năm.
Mãi về sau tôi mới biết về số phận của Ann Marie. Ðó là khi tôi đến một thành phố nơi cô sinh sống. Tôi đã không ngờ điều đó. Tôi biết được là nhờ Ann Marie đến gặp tôi. Bấy giờ, cô là một y tá thực thụ. Cô đã tin ở tôi! Vì sự tin tưởng vào khả năng của cô, Ann Marie nói với tôi rằng, cô đã tin tưởng ở chính cô. Và đó là lý do tại sao cô thành công.
Các thiếu niên cần những người lớn là những người chúng tin tưởng đủ để tâm sự. Nhưng đa số các phụ huynh ngày nay không có nhiều thì giờ để nuôi dưỡng mối giây thân ái này và cho con cái những bầu khí chúng cần. Tuy nhiên, tôi biết có một cặp vợ chồng kia thật ngoại lệ, và tôi coi họ là những người bạn tốt của tôi. Cả hai đều là giám đốc, và tôi quen biết họ đã nhiều năm.
Cả hai làm việc toàn thời gian do nghề nghiệp đòi hỏi và họ đã làm như thế từ khi đứa con thứ hai của họ được 4 tuổi. Ngay cả như vậy, họ bền bỉ dành những thời giờ quý báu cho con cái. Sáu đêm một tuần, họ ăn tối chung với nhau. Trong thời gian các con của họ ở vào tuổi thiếu niên, việc đầu tiên họ làm sau những chuyến công tác đi xa là dành thời giờ với con. Kết quả là cả hai con của họ đều nên người. Bởi vậy, tôi biết cha mẹ có thể làm được những công việc mất nhiều thì giờ mà vẫn dành thời giờ cho con cái và để ý đến chúng.
Ngược lại, đa số những thiếu nữ gởi đến trường chúng tôi không khéo léo trong việc giao tế nhân sự. Họ không biết giao tiếp thế nào với người lớn và ít nghe lời người bề trên. Thông thường, vấn đề này là bởi gia đình mà cha mẹ thường ra lệnh cho con cái, chú ý nhiều đến những thái độ khác thường hơn là khuyến khích cách xử thế với người khác.
Nhưng các thiếu niên không thích lối sống này, và chúng không thành công khi được giáo dục kiểu này. Chúng tôi, những nữ tu, là những người quan trọng trong đời sống của các thiếu niên, dậy cách giao tiếp cho những cô thiếu nữ cứng đầu và làm gương cho họ, khiển trách họ, ca ngợi họ khi biết cách đối xử, và luôn sẵn sàng chia sẻ tâm tình với họ. Với trẻ em, sự bền bỉ làm gương là sự quan trọng chính yếu; cũng như phải dành thời giờ cho các em. Ðó là lý do thật hiển nhiên cha mẹ phải dành thời giờ cho con cái và, qua cách sống, dậy các em biết đối xử và giao tế nhân sự.
Tôi không biết có cách gì tốt hơn là việc gia đình ăn chung với nhau. Dĩ nhiên, trên thực tế, không phải tất cả các phụ huynh đều có thể thực hiện được điều này. Những phụ huynh đơn độc (single parent) có những khó khăn đặc biệt khi phải dành thời giờ cho các con nhỏ. Tuy nhiên, các thiếu niên rất cần có những thời giờ quý báu với người lớn.
Những em thiếu thốn điều này thường quay về nhóm bạn để thỏa mãn nhu cầu gặp gỡ. Trong thành phố, những nhóm như thế thường là băng đảng. Và như vậy, nếu thiếu niên không có cha mẹ có thể hỗ trợ và nghe các em, chúng cần một người khác thay thế: như bà con, huấn luyện viên thể thao, người cố vấn, những đàn anh hay đàn chị.
Thể dục cũng là một trong những ưu tiên của thiếu niên. Tại sao? Gần đây, quá nhiều thiếu niên dành thời giờ cả buổi tối để xem ti vi, và trong khi xem ti vi, chúng ăn vặt. Kết quả là chúng quá mập.
Nhiều trường học ngày nay có những sinh hoạt, nhưng thiếu niên cần sự khuyến khích để tham gia. Chúng cần cha mẹ bỏ ra ít giờ để xem chúng đấu banh. Một lần nữa, thời giờ là một vấn đề cho các cha mẹ bận rộn.
Các thiếu niên cũng cần đến tôn giáo. Tôi nói lên điều này vì đa số những thiếu nữ hoang đàng gởi đến trường Good Shepherd biết rất ít về Thiên Chúa, và càng không biết cầu nguyện. Tuy nhiên, chúng thường bị hấp dẫn bởi bầu khí tôn giáo của chúng tôi và hỏi nhiều câu thắc mắc. Dù rằng chúng chỉ có thể được rửa tội hay gia nhập Giáo Hội với sự ưng thuận của cha mẹ, nhưng có được sự ưng thuận này thường không mấy khó khăn vì thường chính cha mẹ chúng cũng không có tôn giáo nào cả.
Tại sao tôn giáo lại quan trọng? Tôn giáo đem lại cho chúng ta rất nhiều điều chứ không chỉ có bầu khí cầu nguyện. Thường thường, tôn giáo đem cho chúng ta những quy tắc chung cho cuộc sống hàng ngày, trong cộng đồng và trong văn hóa chúng ta. Và trao truyền lại cho con cái những nhắn nhủ về sự hài hòa và biết tự kềm chế, có lẽ đó là món quà tốt nhất mà chúng ta có thể trao cho con cái.
Ðời sống có nhiều lựa chọn, và với sự trợ giúp của những quy tắc tôn giáo, các em biết cách chọn lựa những gì đúng trong đời sống là một công việc thật sự nhiều công phu.
Tuy nhiên, hơn bất cứ điều gì khác, các thiếu niên muốn được người lớn dậy chúng về cách liên hệ và đóng góp vào xã hội, muốn có những người lớn khuyến khích chúng, giúp chúng đạt được những nhu cầu trong phương cách có thể chấp nhận được, muốn người lớn cho chúng thời giờ và chú ý đến chúng cách đặc biệt.
Và một cách đáng kể, đức tin đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình này. Thiếu niên muốn người lớn cho chúng một đức tin tôn giáo phòng khi những biến động của đời sống. Và đức tin đó phải mạnh đủ để cung cấp cho các thiếu niên một sự hỗ trợ vững vàng khi chúng phải đương đầu với sóng gió cuộc đời.