Ba mươi năm trước đây, bà Florence Scheiffler sẩy thai đứa con đầu lòng khi chồng còn đang ngủ. Thật đau buồn, bà cố gắng chia sẻ sự mất mát bào thai được sáu tuần ấy với ông chồng là bác sĩ.
Phản ứng của ông là phản ứng bình thường của một y sĩ trước cái chết. Ông an ủi bà, “Sẩy thai là điều thường tình,” nhưng sự đau buồn và cô lập khiến bà không muốn đề cập đến điều ấy nữa. Sẩy thai là một trong những điều mà người phụ nữ không muốn nói đến.
Mặc dù thái độ của xã hội đối với sự sẩy thai đã thay đổi, cảm nghiệm của bà Florence không phải là điều bất thường đối với ngày nay. Các nhà nghiên cứu ước chừng từ 20% đến 50% các bà mang thai bị sẩy thai, và người ta chưa làm gì nhiều để giúp đỡ các phụ nữ bị sẩy thai đối phó với vấn đề.
Thường thường các bà bị sẩy thai khi ở nhà hay trong nhà thương, và phôi thai bị trôi vào hệ thống vệ sinh trong giây phút bàng hoàng và đau buồn, hoặc được y tá vội vàng đưa đi phế thải. Sau này, các bà thường có mặc cảm tội lỗi về việc vứt bỏ bào thai ấy.
Cha Peter West, một linh mục ở Nữu Ước thuộc tổ chức Priest For Life, khuyên các bà không nên đổ lỗi cho mình. Trong xã hội ngày nay, phẩm giá của các thai nhi không được đề cập cách đúng đắn.
Cha giải thích, “Có sự thiếu sót về giáo dục trong lãnh vực này. Những ai từng vứt bỏ bào thai mà không chôn cất nó cũng đừng mặc cảm tội lỗi. Vì họ không biết. Nhưng, trong tương lai, chúng ta phải cố gắng tôn trọng tính cách thiêng liêng của sự sống qua cách chăm sóc các bào thai bị hư hỏng và chôn cất chúng tử tế.”
Giáo huấn về việc tôn trọng sự sống và thân xác con người chỉ mới được áp dụng cho các bào thai bị hư hỏng trong vài năm vừa qua.
Chỉ có vài linh mục được huấn luyện để đối phó với sự đau buồn của người sẩy thai. Một số linh mục biết họ có thể an ủi đôi vợ chồng bằng cách cử hành Thánh Lễ an táng, nhưng nhiều vị không được huấn luyện gì về vấn đề này.
Thí dụ, khoảng hai năm trước đây, khi bà Pat Pinpinella sẩy thai và đã cố giữ các phần thân thể của bào thai để chôn cất tử tế. Nhưng khi ông chồng đến xin cha cử hành một nghi thức nào đó, thì cha từ chối. Cho đến bây giờ, ông bà Pinpinella vẫn còn đau buồn về điều ấy.
Bà cho biết, “Chúng tôi cảm thấy bị bỏ rơi. Có lẽ cha ấy không coi đó là sự sống.”
Quả thật, khi không coi bào thai là một con người lại càng làm các cha mẹ bị sẩy thai đau buồn hơn.
Nếu các cha mẹ không có cơ hội để nhận biết sự sống và sự chết của con mình qua Thánh Lễ hoặc việc chôn cất mà có sự hiện diện của gia đình, bạn hữu thì điều ấy lại càng làm họ hoang mang về sự hiện hữu và phẩm giá của con người, dù là bào thai.
Cha John Sullivan, giám đốc chương trình phò-sự-sống ở giáo phận Springfield, Mass., thú nhận rằng hầu hết các linh mục cần được huấn luyện về lãnh vực thật tế nhị này.
Người nói, “Sẩy thai là điều chúng tôi không được học hỏi về phương diện mục vụ, so với các trường hợp khác. Ðó là những gì một linh mục có thể làm để giúp gia đình đang đau khổ. Nghi thức đã có sẵn ở trong sách. Nhưng nhiều linh mục không nghĩ đến để đem ra áp dụng cho người bị sẩy thai.”
Giáo Hội có hướng dẫn về lãnh vực này.
Vào năm 1987, Thánh Bộ Ðức Tin đã công bố văn kiện Donum Vitae (Huấn Thị về Việc Tôn Trọng Sự Sống Con Người từ Căn Nguyên và về Phẩm Giá của Sự Sinh Nở), khẳng định rằng, “Thi thể của bào thai hay phôi thai, dù bị hủy hoại cách cố ý hay vô tình, đều phải được tôn trọng như thi thể của các người khác.”
Ðức Ông Orville N. Griese, cựu giám đốc nghiên cứu của Trung Tâm Sinh Ðạo Ðức Học Công Giáo Toàn Quốc ở Braintree, Mass., nhận định rằng “nếu có thể được, các thai nhi chết lúc mới sinh hoặc các phôi thai hư hỏng phải được chôn cất trong một nghĩa trang Công Giáo, nhất là khi chúng đã được rửa tội.”
Kể từ năm 1991, tổ chức quốc tế Elizabeth Ministry, có trụ sở ở Giáo Phận Green Bay, Wis., đã bắt đầu giúp các linh mục, giáo xứ và giáo phận thực hiện chương trình giúp đỡ giáo dân bị đau khổ vì sẩy thai. Tổ chức này cung cấp các vật dụng như sách vở và kinh nguyện về sẩy thai cho các gia đình đau khổ.
Bà Jeanne Hanneman, là người đồng sáng lập tổ chức nói trên, cho biết: “Chúng tôi biết là người ta rất cần đến sứ vụ này, vì từ mãi đâu đâu trên thế giới, người ta gọi cho chúng tôi để xin các vật dụng và tài liệu.”
Trong vật dụng có một chậu nhỏ để đựng phôi thai. Chậu này được sáng chế ra khi có một linh mục phải đem thi thể phôi thai vào bệnh viện mà ngài không biết phải dùng gì để đựng, sau cùng ngài phải lấy hộp “Cool Whip”. Trên đường đến bệnh viện, ngài nhận ra rằng phôi thai cũng cần có một “quan tài” xứng đáng.
Sự bau buồn vì sẩy thai của các cha mẹ thật khôn cùng.
Cha Peter West của tổ chức Priest For Life nói rằng, “Khi sẩy thai, các cha mẹ bị chấn thương và nhiều khi họ không được đối xử như vừa mới mất một người thân yêu. Ðối với họ, đứa bé đó thật yêu quý. Họ trải qua một thảm kịch và cần được đối xử cách xứng hợp.”
Bà Martha Sullivan, làm việc trong Khu Chăm Sóc Tinh Thần của Trung Tâm Y Tế St. Elizabeth ở Brighton, Mass., đã khuyên bảo hàng trăm cặp bị sẩy thai. Bà nói: “Tôi không biết là có bà mẹ nào được chuẩn bị cho sự đau buồn ghê gớm này không. Nhưng chúng ta phải nhớ đó không chỉ là một phụ nữ. Ðó là người mẹ và người cha, cả hai vừa mới mất con. Họ không được chuẩn bị cho sự đau buồn đó, và xã hội cũng coi thường sự sầu khổ ấy.”
Bà Sullivan cho biết, sự đau đớn của đôi vợ chồng không liên hệ đến giai đoạn mang thai. Bà giải thích: “Một số người nghĩ rằng đó chỉ là một mất mát, không đau khổ nhiều. Ðiều đó không đúng. Nói chung, từ lúc biết là có thai, họ đã bắt đầu hoạch định và mơ ước. Ðứa con là một điều rất thực đối với họ.”
Sau khi sẩy thai người vợ thường cảm thấy hình như ông chồng không hiểu sự đau buồn của mình. Tuy nhiên, cần phải biết là người đàn ông đau buồn một cách khác biệt và sự buồn sầu của họ thường không tỏ lộ ra bên ngoài.
Người cha thường cảm thấy hoang mang. Vì lẽ ra ông phải là người bảo vệ vợ con, nhưng trong trường hợp này ông hoàn toàn bất lực. Ông phải là người an ủi vợ mình, nhưng ông không biết làm gì hơn để giúp đỡ.
Bà Jeanne Hanneman của tổ chức Elizabeth Ministry cho biết, “Thực sự người đàn ông cũng đau khổ không kém người đàn bà. Nhưng họ đau khổ theo cách khác. Người phụ nữ sẩy thai trông đợi chồng mình giúp đỡ. Nhưng ông không giúp đỡ được vì đang đau buồn trong một kiểu cách khác.”
Một trong những phương cách giúp cha mẹ bớt đau buồn là đặt tên cho bào thai.
Bà Donna Roehl cho biết, “Chúng tôi cố khuyên cha mẹ đừng gọi là 'nó'. Khi đứa bé có tên, điều đó giúp chúng ta hiểu thai nhi đó cũng có sự sống.”
Gia đình, bạn hữu tham dự nghi thức an táng có thể gọi tên của em và điều đó giúp cha mẹ nhận ra rằng họ cũng có con.
Giáo Hội có những nghi thức để chôn cất người Công Giáo. Mọi gia đình cần biết rằng những nghi thức này cũng có thể áp dụng cho các phôi thai bị hỏng.
Hầu hết các bệnh viện Công Giáo đều sẵn sàng chôn cất bào thai trong khu nghĩa trang Công Giáo dành riêng cho các đứa trẻ chết khi mới sinh hoặc phôi thai bị hỏng. Các bệnh viện thường giữ các phôi thai trong một thùng đông lạnh và chôn tất cả các thai nhi khoảng hai lần một năm.
Tuy nhiên, không phải bệnh viện nào cũng có dịch vụ này, cha mẹ cần phải hỏi để quyết định phải làm gì với thi thể các em.
Một số bệnh viện cho phép cha mẹ đem thi hài các em về, nhưng cha mẹ phải đòi hỏi, vì đó không phải là một chọn lựa thông thường.
Cha John Sullivan đề nghị, thay vì dùng nhà quàn, gia đình có thể tụ tập tại nhà, và sau đó có Thánh Lễ ở nhà thờ và chôn cất ở nghĩa trang. Nhiều nghĩa trang Công Giáo khi được biết đó là phôi thai, chi phí chôn cất thường rất rẻ, có khi miễn phí.
Cha Sullivan tin rằng tang lễ giúp cha mẹ đương đầu với hậu quả của sự mất mát và Thánh Lễ giúp chúng ta hy vọng là một người thân yêu đã được vào thiên đàng.
Cha nói, “Ðứa trẻ thì vô tội và chưa làm điều gì để mất ơn cứu độ. Chúng ta không biết chắc điều gì sẽ xảy ra cho một đứa trẻ chưa rửa tội. Nhưng chúng ta biết rằng các em đang trong bàn tay từ ái của Thiên Chúa. Do đó chúng ta hy vọng rằng chúng đang ở với Thiên Chúa.”
Nghi thức tưởng nhớ là một phương cách giúp cho các gia đình bị sẩy thai. Các cha mẹ để nhà thương Công Giáo chôn cất con mình có thể cảm thấy cần có Thánh Lễ hay nghi thức để cầu nguyện cho con.
Tỉ như bệnh viện St. Elizabeth ở Brighton, Mass., dâng Thánh Lễ hàng tháng và mời gia đình vừa mới bị sẩy thai đến tham dự và nhận phép lành.
Nhà thương này cũng tổ chức lễ giỗ hàng năm và mời các gia đình đến tham dự. Trong Thánh Lễ, các cha mẹ có thể đọc tên con của mình để mọi người cùng cầu nguyện.
Cha Thomas Landry, tuyên uý bệnh viện Memorial của Ðại Học Massachusett ở Worcester, xác nhận rằng nghi thức tưởng nhớ giúp các gia đình đối phó với việc mất con.
Người nói: “Khi chúng tôi tổ chức nghi thức tưởng nhớ hàng năm ở bệnh viện, có một bà cụ cũng tham dự nghi lễ và dường như bà sốt sắng hơn tất cả các bà mẹ khác. Sau cùng, chúng tôi được biết, bà cũng mất một đứa con. Nhưng cho đến hôm đó, không ai đem cho bà một cơ hội để thương tiếc đứa con. Nghi thức tưởng nhớ hôm ấy đã giúp bà nguôi ngoai sau 40 năm dài.”
Cha Landry đề nghị các giáo xứ tổ chức nghi thức tưởng nhớ hàng năm cho tất cả các gia đình bị sẩy thai. Người nói, không trễ để đặt tên cho các đứa bé ấy và cũng không trễ để thú nhận mình đã mất một đứa con.
Bà Kathy Lammert, giám đốc điều hành tổ chức SHARE nhằm hỗ trợ các gia đình bị sẩy thai, nói rằng: “Chúng ta cần bắt đầu nhìn nhận sự sống của mọi đứa trẻ. Người Công Giáo tin rằng cái chết của một đứa bé qua sự sẩy thai là cái chết của một con người. Chúng ta cần giúp các gia đình thương tiếc cái chết đó.”
Mỗi phụ nữ sẩy thai theo một cách khác biệt. Có người bị ra máu trong thời gian ngắn và phôi thai tuột ra ngoài. Có người đau và chẩy máu cả tuần lễ trước khi đau quặn và giống như sinh sớm.
Có những lầm thai nhi chết trong bụng mẹ mà không có dấu hiệu gì. Trường hợp này, cái chết chỉ được khám phá khi dùng kỹ thuật siêu âm hoặc các thử nghiệm khác.
Nếu nghĩ rằng rất có thể bị sẩy thai, hãy nhớ những điều sau:
1. Gọi Bác Sĩ và Linh Mục
Bác sĩ có thể sắp xếp để gặp bạn ở bệnh viện. Thường nhân viên cấp cứu ở nhà thương không được huấn luyện để đối phó với sự đau khổ tâm thần mà đôi vợ chồng bị xảy thai sẽ phải trải qua, do đó, cần có bác sĩ hoặc linh mục để hỗ trợ bạn.
2. Giữ Lại Các Phần Của Phôi Thai
Nếu bị sẩy thai ở nhà, hãy thu lượm lại các phần thân thể và đặt trong một hộp sạch để đưa đến bệnh viện. Do sự phân tích, các chuyên khoa có thể biết phần phôi thai nào vẫn còn trong bụng của người mẹ.
Mặc dù linh mục không thể rửa tội cho một xác chết, nhưng ngài có thể ban phép lành.
Kinh cầu nguyện cho các gia đình bị sẩy thai có in trong tập Book of Blessings của Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ.
3. Yêu Cầu Nhà Thương Giảo Nghiệm và Thử Nghiệm
Thử nghiệm thường được thi hành trên bộ phận của hài nhi. Luật thay đổi tùy tiểu bang, nhưng trong hầu hết các tiểu bang, một hài nhi chết trong bụng mẹ sau 20 tuần thai nghén hoặc quá một cân lượng nào đó, đều được coi là sinh non và phải qua phần giảo nghiệm.
Có nhiều hình thức giảo nghiệm. Có khi chỉ thử nghiệm bên ngoài thân thể. Có khi phải mổ xẻ các bộ phận. Một số bệnh viện cho phép bạn chọn hình thức thử nghiệm.
4. Có Thể Chọn Lựa Nghi Thức Phụng Vụ và An Táng
Các nghi thức an táng và phụng vụ Công Giáo có thể áp dụng cho các trẻ em chưa rửa tội. Ðôi vợ chồng phải tận dụng cơ hội này vì nó có thể giúp họ thương tiếc và đem lại phẩm giá cho đứa con mới chết.
Hầu hết các nhà thương Công Giáo đều sẵn sàng chôn cất các hài nhi. Sau một thời gian đều đặn, các phôi thai và các em chết non được chôn trong khu đặc biệt ở nghĩa trang Công Giáo.
Cha mẹ có thể chọn hình thức này hay đem thân thể các em về để mai táng cách riêng tư. Bệnh viện không buộc phải cho biết các lựa chọn này, do đó, bạn phải hỏi.
Nhiều nhà thương không-Công-Giáo vất bỏ các phôi thai như đồ phế thải thông thường của y học. Nên tìm hiểu về cách giải quyết của nhà thương đối với các phôi thai.
Một số nhà thương có quãng chờ đợi mà trong thời gian này họ cất giữ các phôi thai. Ðiều này giúp cho cha mẹ có thời giờ suy nghĩ cách giải quyết với phôi thai.
5. Yêu Cầu Ðược Thấy Thi Thể Các Em
Một số phụ huynh cảm thấy an ủi khi được thấy phôi thai sau khi bị sẩy thai.
Một số khác lại cảm thấy ghê sợ. Một số bệnh viện cho phép các bà mẹ cầm lấy thân thể bé nhỏ của các phôi thai, hoặc cho giữ một phần thân thể của các em để kỷ niệm.
6. Quay Về Giáo Hội Ðể Ðược Hướng Dẫn và Hỗ Trợ
Nếu linh mục giáo xứ không thể giúp đỡ trong lúc ấy, có thể nhờ cha tuyên uý nhà thương. Hãy nói lên sự lưu tâm về phẩm giá của phôi thai mà bạn muốn được tôn trọng.
7. Ðặt Tên Cho Phôi Thai và Xin Lễ Cầu Nguyện
Khi đề cập đến phôi thai bằng tên, điều đó giúp bạn nhận ra sự sống của phôi thai. Một Thánh Lễ cầu nguyện sẽ giúp chúng ta thấy đó là một phần tử của gia đình và nhân loại.
8. Ðừng Tìm Cách Quên Cái Chết Của Phôi Thai
Hãy dành thời giờ để thương nhớ. Hãy biết rằng bạn đang cảm nghiệm cái chết của một người thân yêu trong gia đình.
9. Hãy Kể Cho Gia Ðình và Bạn Hữu
Kể lại câu truyện sẩy thai sẽ giúp bạn đương đầu với cái chết của thai nhi.
Cần phải vài tháng thì lượng kích thích tố trong người mẹ mới thay đổi. Thân thể bạn có thể giống như một người đang mang thai. Kể lại chuyện sẩy thai, cũng như nói lên mong ước của mình nơi đứa bé, sẽ giúp bạn đối phó với giai đoạn đầu tiên của sự đau buồn, đó là chấp nhận cái chết của em.
10. Tìm Sự Giúp Ðỡ
Ðừng sợ liên lạc với các đoàn thể trong Giáo Hội để giúp bạn nhận biết và đối phó với sự đau buồn.