Một vài hướng dẫn có thể giúp soi sáng bốn cách tranh luận không tốt. Trong cuốn “God and Your Personality,” chúng tôi gọi những cách này là “Kiểu Lệ Thuộc,” “Kiểu Hung Hăng,” “Kiểu Chịu Ðựng,” và “Kiểu Kiểm Soát.” Hãy cầu xin Thiên Chúa giúp bạn nhận ra kiểu cãi nhau của mình khi bạn đọc những hàng sau, và hãy biết rằng bạn có thể thay đổi kiểu tranh luận.
Khi có tranh chấp, những người trong gia đình Kiểu Lệ Thuộc thường hay chiều chuộng và vuốt ve người phối ngẫu hay con cái. Họ sợ rằng người trong nhà mà giận nhau thì không còn yêu thương nhau nữa. Họ cần gia đình lúc nào cũng có vẻ hòa thuận và lễ độ. Họ ép buộc con cái và người phối ngẫu phải nuốt giận, cố đối xử với nhau cách tử tế. Khi người trong nhà cãi nhau, hay nói những điều tiêu cực, người kia cảm thấy đau lòng và cảm thấy có lỗi vì họ đã quá nhậy cảm để lên tiếng chỉ trích. Họ muốn che đậy sự bất đồng bằng một nụ cười.
Hậu quả của những gia đình này là họ sẽ gặp khó khăn khi đối diện với những bất đồng không chỉ ở ngoài mặt. Như thế những bất đồng trong gia đình được vùi đi. Họ cảm thấy không đúng khi nói lên những tâm tình tiêu cực.
Bởi ngăn chặn sự giận dữ--là một biểu lộ thích hợp--những gia đình này đã mất cơ hội học cách đối phó với sự giận dữ và để thông cảm nhau hơn. Vì quá cần sự yêu thương, người trong gia đình đã thật sự trì trệ việc phát triển tình gia đình.
Khi tranh chấp, những người trong gia đình Kiểu Hung Hăng thường lạm dụng sự giận dữ. Họ la hét và dọa nạt để đạt được ý họ. Thay vì chia sẻ quyền lực với những người trong gia đình, họ sử dụng quyền lực trên người khác, đổ lỗi cho người khác hay quá đáng hơn nữa, đe dọa người khác.
Họ bào chữa cho việc la hét, việc quăng đồ vật hay đóng cửa rầm rầm bằng cách cho rằng đó là vì con cái, người phối ngẫu gây nên. “Nếu thằng Châu không làm dơ bẩn cái bồn tắm, thì tôi đâu có giận dữ như thế này.” “Nếu mình không quá dễ dãi với con cái thì tôi đâu có phải đánh đập chúng.”
Những người khác thì thấy sợ hãi hay khó chịu khi phải ở gần những người có Kiểu Hung Hăng. Họ tìm cách trốn tránh. Người phối ngẫu và con cái có thể chịu đựng hoặc tìm cách vuốt ve cha mẹ quá hung hăng. Khi Kiểu Hung Hăng lấn lướt, những xung đột bùng nổ như trái bom và gia đình sẽ rơi vào tình trạng nguy hiểm.
Một số trẻ em bắt chước Kiểu Hung Hăng bằng cách la hét anh chị em của nó hay đánh nhau khi có tranh chấp. Cha mẹ Kiểu Hung Hăng có thể phản ứng bằng cách la lên rằng, “Ðừng đánh em con!” trong khi lại đánh đòn đứa lớn. Ảnh hưởng xấu của thái độ hung hăng là làm hao mòn tình gia đình và khiến mọi người cảm thấy đau khổ và nghi ngờ.
Những người trong gia đình Kiểu Chịu Ðựng cảm thấy không đủ sức để đối phó với những tranh chấp, bởi thế họ né tránh bằng cách tự tách biệt về phương diện tình cảm. Nếu một người trong gia đình đối chất, họ nói, “Anh/Em/Con muốn làm gì thì làm,” và họ lầm lũi đi vào phòng hoặc ra vườn. Nếu bạn cố đẩy trách nhiệm cho họ, họ trả lời, “Tôi đã làm hết sức, đừng quấy rầy tôi,” và lánh mặt.
Người chịu đựng rất khó chịu khi phải nói lên những bất đồng. Họ thiếu sự tự tin và cảm thấy không xứng đáng là người làm cha mẹ, làm vợ chồng hay làm con. Họ coi việc bất đồng ý như một sự tẩy chay cá biệt mà họ không thể chịu đựng nổi. Họ rút lui và một mình gậm nhấm đau thương. Dù rằng họ cảm thấy buồn khi một người trong nhà đau khổ, nhưng ít khi họ nói lời an ủi vì họ cảm thấy vụng về khi thố lộ tâm tình riêng tư.
Họ tạo nên một lỗ hổng trong gia đình khiến những người khác lại tức giận nhau chỉ vì khó chịu với người chịu đựng, vì người này rút lui khỏi sinh hoạt của gia đình.
Kiểu Kiểm Soát muốn gia đình phải tuyệt hảo. Những người trong gia đình Kiểu Kiểm Soát đặt ra nhiều quy luật và sửa sai những ai không sống đúng quy luật đó. Ðiều này tạo nên sự tương tranh loại nhỏ nhặt. Bởi hành động như một người-biết-tất-cả, người kiểm soát phản ứng với sự bất đồng bằng cách đổ lỗi cho người khác: “Anh phải biết nhiều hơn thế.” “Nếu con nghe lời bố dặn thì đâu có xảy ra như vậy.” “Mẹ rất thất vọng khi thấy con không thể giữ những quy tắc của căn nhà này.”
Những người kiểm soát tin rằng họ đang làm đúng. Họ không nhận ra rằng đó là kiểu hách dịch. Khi bất đồng, họ không lắng nghe quan điểm của người khác, hay tôn trọng tâm tình của người khác, mà tin chắc rằng họ là thần tượng của các người dưới. Rốt cục những người trong gia đình cảm thấy không được tôn trọng và bị hạ nhục, mà không còn lối thoát.
***
Bạn đã tìm thấy kiểu nào bạn có vẻ ưa thích chưa? Dù đó là Kiểu Lệ Thuộc, Hung Hăng, Chịu Ðựng hay Kiểm Soát, hay một tổng hợp của những kiểu này, mỗi kiểu đều không khuyến khích việc giải quyết tranh chấp trong gia đình. Mỗi kiểu đều giới hạn khả năng của gia đình để yêu thương và sống như Ðức Kitô. Giáo Lý Công Giáo nói rằng, “Gia đình Công Giáo là một sự hiệp thông của con người, là dấu chỉ và hình ảnh của Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần” (số 2205).
Làm thế nào để chúng ta phát triển trong sự hiệp thông gia đình, để thay vì đi vào sự tranh luận cũ kỹ, chúng ta trở nên sáng tạo và lành mạnh khi phải đối phó với những bất đồng trong gia đình?
Nếu bạn bị kẹt trong Kiểu Lệ Thuộc, bạn có thể thấy rằng phải cương quyết khi gia đình có bất đồng. Thay vì cố làm hài lòng và vuốt ve chồng, người vợ có thể hít một hơi dài, và hãy nói ra, hãy cầu xin Chúa giúp trả lời cách rõ ràng: “Em không thích khi anh la hét như vậy. Nếu anh muốn nói chuyện cách bình tĩnh, em sẽ sẵn sàng.” Hay, “Anh hiểu là em giận anh, nhưng dù sao đi nữa đã đến giờ đi ngủ.”
Ðối phó với sự bất đồng của người trong nhà bằng cách hãy tự nhủ rằng: bạn không hiện diện trên cõi đời này chỉ để thỏa mãn kỳ vọng của người khác. Bạn vẫn muốn được yêu thương, nhưng bạn không muốn mang mặc cảm tội lỗi khi thành thật với chính mình và với gia đình. Hãy xin Ðức Kitô giúp bạn thêm sự tự chủ để bạn có thể vươn lên mà không để sự sợ hãi hay mặc cảm tội lỗi ngăn cản bạn.
Hãy lập đi lập lại lời sau: “Tôi phục vụ gia đình bằng cách ngày càng cương quyết khéo léo hơn.” Lời cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hãy giúp con cẩn thận khi bầy tỏ sự công chính và cương quyết khi gia đình cần đến con.
Nếu bạn là người quá hung hăng bạn phải tập phát triển tình yêu khi gia đình có bất đồng. Hãy tự hỏi xem bạn có muốn từ bỏ sự giận dữ và nhu cầu đổ lỗi người khác không. Bất cứ lúc nào bạn bắt đầu thấy giận dữ, hãy ngưng ngay và cầu xin Chúa Thánh Thần giúp bạn kiên nhẫn. Hãy xin Chúa giúp bạn phản ứng mà phản ứng đó nói lên sự quan tâm và sẵn sàng tin tưởng vào quan điểm của người khác.
”Bố xin lỗi vì quá nóng giận. Bố nghĩ chúng ta phải đợi cho đến mùa hè thì mới mua một con chó, nhưng tại sao mỗi đứa không nói lên cách gì hay hơn.”
Bởi phân tán sự nóng nẩy với sự chăm sóc, bạn đã học được cách cương quyết khéo léo. Và rồi bạn sẽ vững vàng trong việc thăng hoa tình gia đình, trong khi cung cấp cho gia đình ơn sủng tình yêu của bạn. Lời cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hãy giúp con biết cách nói lên sự thật trong yêu thương.
Nếu bạn có khuynh hướng rút lui khỏi sự tranh chấp trong gia đình và tránh né quyết định về những vấn đề trong nhà, bạn có thể bắt đầu tập thay đổi bằng cách phát triển sự tự tin. Hãy cầu xin Chúa để tin rằng bạn là một con người có giá trị với nhiều khả năng để phục vụ gia đình, nhất là trong những trường hợp bất đồng. Vì bạn là người nhậy cảm nên bạn có thể thấy được quan điểm của người khác, và có thể cho họ sự khôn ngoan của bạn phát sinh bởi tính khiêm tốn.
Khi thấy gia đình có bất đồng, hãy xin Chúa giúp bạn ở lại trong hoàn cảnh đó, và ban cho bạn lời lẽ và hành động mà chúng sẽ khuyến khích sự hòa giải và tương nhượng mới mẻ: “Tôi biết là mọi người trong nhà đã chán ngấy hành động lẩn tránh của tôi. Tôi muốn đóng góp nhiều vào sinh hoạt gia đình. Mọi người nghĩ thế nào nếu chúng ta xum họp gia đình mỗi tuần một lần để tất cả chúng ta có thể nói lên những gì đang xảy ra cho chúng ta? Như thế chúng ta có thể giúp nhau giải quyết bất đồng trước khi vượt ra ngoài tầm tay.”
Khi bạn phát triển được sức mạnh, gia đình bạn có thể tăng tiến nhờ ở bạn. Ðiều này, ngược lại sẽ giúp bạn thêm tự tin, và đưa sức mạnh của tính nhậy cảm của bạn vào việc tranh luận của gia đình. Lời cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con sự tự tin để con có thể hoàn toàn góp phần vào gia đình con.
Ðể thoát ra khỏi Kiểu Kiểm Soát, công việc của bạn là phải thú nhận với chính mình, với Thiên Chúa, với gia đình rằng bạn không biết gì cả! Có nghĩa là phải thú nhận bạn đã lầm lỗi, và phải biết mau chóng thú nhận. Hãy cầu xin Chúa giúp đỡ bạn trở nên nhân bản hơn và thành thật hơn. Mọi người sẽ thấy thoải mái.
Hãy nhận biết mình yếu đuối để bạn có thể khiêm tốn nhận thức rằng người khác cũng có ý kiến hay. Bởi việc phát triển sự nhậy cảm--khả năng ưu tư đến tâm tình của người khác--bạn sẽ không còn coi mình quá quan trọng. Hãy cởi mở với người trong nhà về chính sự lo âu và hồ nghi của bạn, để họ từ từ tin tưởng bạn: “Mẹ xác nhận là me quá khó khăn với mọi người trong nhà này. Mẹ biết là mẹ không hoàn hảo. Hãy giúp mẹ dễ dàng nhận ra tâm tình của các con. Mẹ không muốn lập lại hoài, nhưng mẹ sợ rằng cái nhà này sẽ sụp đổ. Mẹ có thể làm gì đây?”
Hãy khuyến khích hơn là chỉ trích và coi đó như một phương cách hiệu nghiệm để thôi thúc mọi người trong gia đình mà không phán đoán họ. Khi họ lỗi lầm, bạn có thể nói, “Bố cũng gặp khó khăn khi gặp vấn đề đó,” hay “Rất khó nhọc khi học được một điều gì mới, phải không?”
Bởi việc thú nhận không hoàn hảo, bạn có thể bao gồm sức mạnh có tính cách tổ chức của bạn với sự khiêm tốn ngày càng gia tăng để mỗi phần tử trong gia đình sẽ cảm thấy quan trọng và hiểu biết. Lời cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con đang rời khỏi cái tôi của con. Xin cảm tạ Chúa đã thế chỗ cho con. Amen.
Gia đình bạn là một “Giáo Hội tại gia,” Giáo Lý nói như thế, và tiếp tục rằng: “Sự liên hệ trong gia đình đem đến một tâm tình lệ thuộc, yêu thương và nhiều lợi ích, vượt lên trên tất cả do bởi sự tôn trọng lẫn nhau” (số 2206). Gia đình luôn luôn có những bất đồng do sự khác biệt cá nhân và cá tính biệt lập. Nhưng khi thay thế những kiểu cãi nhau không tốt đẹp bằng những kiểu lành mạnh hơn, mọi người trong gia đình có thể phát triển bởi cùng nhau chăm sóc, cương quyết, khiêm tốn và tự tin cho một chuỗi liên hệ tốt đẹp.