Hầu hết cuộc đời tôi, tiền và sợ hãi đi đôi với nhau. Tôi có đủ chưa? Tôi sẽ bị khánh tận chăng? Nếu tôi có thêm chút tiền, tôi sẽ khỏi phải lo.
Và rồi tôi nhớ lại một thống kê mới đây nói rằng: Trong vòng 40 năm qua, trong khi số tiêu thụ gia tăng gấp đôi, số người thỏa mãn với cuộc sống vẫn không thay đổi -- khoảng 33%. Nếu có thêm “cái này cái nọ” vẫn không đảm bảo hạnh phúc, thì còn cái gì?
Có một câu trả lời trong cuốn Your Money or Your Life (Penguin, 1992) của tác giả Joe Dominguez và Vicki Robin, khiến đã tạo nên phong trào “tự ý sống đơn giản.” Cuốn sách này cũng khích động tôi tụ tập các bạn tôi lại hàng tuần trong vòng sáu tháng để bàn luận về thái độ của chúng tôi đối với tiền bạc.
Ðồng tiền là điều kÿ đề cập đến trong xã hội này. Người ta sẽ trả lời bạn về các vấn đề tình dục, sống chết, gia đình, nhưng cứ thử hỏi một vài người về cách họ tiêu tiền, hay họ kiếm được bao nhiêu, hoặc tại sao họ lại tiêu xài như thế thì bạn sẽ biết. (Tôi phải hứa đổi tên của họ khi viết bài này).
Nancy là một nhà giáo dục trầm tĩnh, không se xua, đã bỏ việc hai năm trước để tự làm chủ. Bà sống một cách khôn ngoan nhưng thỉnh thoảng cũng vẫn phải rút tiền tiết kiệm chút đỉnh, khiến bà lo âu.
Laura, một phụ nữ nhiều nghị lực, có hai con, hơi khó tính vì tình trạng tài chánh xuống dốc bởi người chồng trước và hệ thống pháp lý. Bà là giám đốc một tổ chức bất vụ lợi, lương ít hơn $30,000 và rất ít tiền để tiêu phí.
Bileen là một chuyên gia địa ốc kiếm tiền nhiều hơn chồng. Bà trách nhiệm vấn đề tài chánh trong gia đình, và luôn trả nợ đúng kỳ hạn, tuy nhiên để sắm sửa thêm trong nhà, để cho cô con gái thêm chút tiền, và để thoả mãn tính thích ăn mặc đẹp của bà đã khiến bà nợ trên $20,000 trong thẻ tín dụng.
Tôi là một văn bút tự do, ly dị, con đã lớn, lợi tức của tôi ở tuổi 50 thì không có gì đáng nói, nhưng đủ cho các nhu cầu. Thế nhưng, tôi tự hỏi, tại sao tôi vẫn cảm thấy bất an?
Nhóm chúng tôi lúc đầu gặp nhau vẫn còn nhiều lo sợ, nhưng sau sáu tháng thảo luận một cách thành thật, chúng tôi khám phá ra một vài điều đã thay đổi lối sống của chúng tôi. Như bài tập đầu tiên của nhóm, chúng tôi phải viết bản tự kiểm về tài chánh. Kỷ niệm nào sung sướng nhất có liên hệ đến tiền bạc? Kỷ niệm nào buồn nhất?
Càng viết thì tôi càng nhận ra rằng vì mẹ tôi luôn lo sợ bị nghèo nên khiến tôi cảm thấy bất an về tài chánh. Cha mẹ của Nancy cấm bà không được đi làm kiếm tiền khi còn là thiếu nữ nhưng khuyến khích bà làm việc tình nguyện. Bây giờ bà cảm thấy bối rối để tự cho phép được trả lương xứng với công việc của bà. Bà Eileen bị cha mẹ nhạo cười về cách ăn mặc của bà khi còn nhỏ và bà thề là khi lớn lên sẽ ăn mặc thật đẹp. Bà nói, “Không lạ gì, tôi sắm sửa cho đến lúc đi hết nổi.”
Khi chúng tôi tiếp tục thảo luận, nhóm chúng tôi lại càng khám phá thêm nhiều điều.
Khám phá #1: Ða số người ta không hiểu tại sao họ lại tiêu pha như vậy. Chúng ta bị khích động bởi những động lực thiếu cân nhắc, ngay cả bởi những điều chúng ta được nghe khi còn nhỏ: “Buồn thì đi 'shopping'.” “Chồng tôi không để ý đến tôi, nên tôi phải tiêu; ông ấy không thể không chú ý đến những tờ giấy nợ!”
Nhóm chúng tôi tiếp tục ghi lại sự chi tiêu hàng ngày. (Nhiều người chi tiêu từng đồng từng cắc cho đến mức 20% lợi tức của họ mà không hiểu tiền ấy đi đâu). Chúng tôi cũng ghi lại những cảm xúc khi tiêu tiền. Bà Eileen có vội vã khi mua chiếc áo mới không? Tôi có mặc cảm tội lỗi khi ăn trưa ở ngoài tiệm không? Bà Laura có thấy khó chịu khi máy ATM bị hư không?
Một khi để ý đến cảm xúc của mình, bà Eileen cho biết bà bắt đầu biết cách đối phó trực tiếp với sự căng thẳng thay vì cố dấu nó trong việc đi “shopping.”
Khám phá #2: Những cái muốn không hẳn là những cái cần. Theo tác giả Joe Dominguez, chúng ta sống trong một xã hội mê tiền, là một nơi “có nhiều thì tốt hơn và bạn không bao giờ có đủ.” Các quảng cáo khiến chúng ta cảm thấy không thoả mãn, và những món hàng xa xỉ đã mau chóng trở thành những gì cần thiết: máy mở cửa garage (garage-door opener), máy xay thực phẩm, máy điện thư (fax), điện thoại di động (cellular phone), máy điện toán, dàn máy “stereo”, cable TV. Một cách để tránh tiêu phí là tự hỏi rằng: “Tôi có thể sống mà không cần đến cái đó không?” Nếu câu trả lời là có thể, thì đừng mua.
Một cách khác để tránh việc mua sắm bốc đồng là trả bằng tiền mặt, vì khi dùng thẻ tín dụng, người ta có khuynh hướng chi tiêu thêm đến 23%. Hãy tập cách quên đi những quảng cáo trên TV. Ðợi thêm một ngày trước khi mua những gì trên $50. Nếu ngày hôm sau vẫn thấy nó có lý thì mới mua.
Khám phá #3: Một khi đã có đủ, đừng sắm thêm. “Ðủ” có nghĩa đủ để sống thoải mái -- ngay cả có thêm một vài thứ xa hoa -- nhưng đừng chi tiêu vì muốn được người khác chú ý.
”Những xa hoa cần thiết” thì khác nhau tùy theo người. Ðối với tôi, nó có nghĩa mua một căn nhà “townhouse” sau khi đã thuê mướn ba năm. Xa hoa của bà Nancy là đi nghe nhạc hoà tấu và mua cái đèn “Tiffany” ở một tiệm đồ cổ. Bà Laura thì giữ lại chiếc xe cũ 10 năm của bà và dùng tiền dư để đưa con đi nghỉ hè. Bà Eileen thì ngừng chi tiêu thêm vào thẻ tín dụng vì đối với bà “ít nợ hơn dường như là một xa hoa.”
Khám phá #4: Bạn là ai không lệ thuộc vào những gì bạn có. Trong khi lấy chồng luật sư, bà Laura sống trong căn nhà bốn phòng ngủ lộng lẫy; bây giờ nhà của bà chỉ bằng một nửa. Trong một thời gian khá lâu, bà cảm thấy thiếu thốn khi không có những dấu hiệu thành công của chồng bà, nhưng khi nhóm chúng tôi tiếp tục gặp gỡ, bà bắt đầu nhận ra khả năng điều hành cơ quan bất vụ lợi của bà. Ngay cả bà có thể điều đình với ban giám đốc để tăng lương cho bà 20%. Bà Laura nói, “Sự ly dị dạy tôi rằng tôi không thể ù lì chờ đợi ai đó săn sóc cho tôi. Chúng ta phải tự lo cho mình, và tôi đang làm công việc đó ngày càng tốt đẹp hơn.”
Sự thảo luận của chúng tôi giúp bà Eileen thấy rằng những của cải hào nhoáng không phản ảnh giá trị thực của bà. Bây giờ, bà không còn nghĩ nhiều đến địa vị nhưng cố tìm cách thân thiết với con gái nhiều hơn trước. Bà nói, “Nhóm này giúp tôi tin rằng người ta chấp nhận tôi vì con người của tôi chứ không phải vì những gì tôi có.”
Khám phá #5: Hãy sống trong cái chu kỳ “cho và nhận”. Và nhu cầu của bạn sẽ được thoả đáp. Trong một buổi gặp gỡ, bà Eileen nhìn bà Nancy và cười nói, “Bà đang ở trong cái chu kỳ đó.” Cả nhóm hiểu bà muốn nói gì.
Bà Nancy sống rất độ lượng. Bà cho một cô sinh viên ở nhờ ba tháng trong phòng ngủ còn dư của bà. Bà giúp đôi vợ chồng tị nạn từ Trung Phi đi tìm chỗ ở, kiếm giường chiếu cho họ. Bà mau mắn chở người ta đi bác sĩ. Và nhiều điều tốt đẹp đang xẩy đến cho bà. Bạn của cô sinh viên ấy là một chuyên viên điện toán đã sửa giùm cho bà cái máy “computer,” tiết kiệm cho bà khỏi mất tiền sửa. Khi bà dọn nhà thì người hàng xóm đã cho bà mượn chiếc xe “truck,” khỏi tốn tiền thuê. Ông chủ chung cư rất mến bà nên đã không tăng tiền thuê nhà trong ba năm qua.
”Hãy trông nhờ vào bạn hữu và sẵn sàng giúp đỡ khi họ cần là phương cách hữu hiệu nhất để cắt giảm sự lệ thuộc vào vật chất và những dịch vụ mất tiền,” ông Brad Edmonston viết như vậy, ông là biên tập viên lão thành của tờ American Demographics. Ðừng trông đợi được đền ơn ngay, nhưng hãy tin vào nguyên tắc này, “Cho đi thì sẽ được nhận lại.”
Và như kết quả của việc thảo luận tài chánh trong nhóm, tôi vẫn luôn nhớ đến một sự thật quan trọng được Dominguez và Robin viết trong cuốn Your Money or Your Life: Chúng ta dùng đồng tiền để đánh đổi lấy năng lực và thời giờ là những thứ không thể thay thế được, các tác giả khuyên chúng ta hãy nhớ như thế, và: Hãy chắc rằng đó là sự trao đổi khôn ngoan.