Nếu chúng ta thực sự muốn nuôi dưỡng con cái trở nên người Công Giáo, chúng ta phải coi trọng sự phát triển tâm linh của chính chúng ta. Như ai ai cũng biết, chúng ta không thể cho đi cái mà mình không có.
Sự phát triển tâm linh của chúng ta bao gồm nhiều thứ, kể cả sự cầu nguyện, sự học hỏi giáo lý, việc phục vụ cộng đồng. Quá nhiều điều đến nỗi bạn có thể nói là chúng ta bị lạc hướng và bị tràn ngập. Hoặc chúng ta không biết bắt đầu từ đâu.
Bất kể chúng ta bắt đầu đời sống tâm linh từ đâu, chúng ta phải biết chắc một điều. Ðiều quan trọng nhất mà chúng ta có thể thực hiện để đảm bảo sự phát triển tâm linh là sự cầu nguyện. Chúa Giêsu, dĩ nhiên, trong ý nghĩa hạn hẹp, Ngài không phải là bậc cha mẹ. Nhưng trong ý nghĩa nào đó, Ngài giống như người cha mẹ. Ngài xuống thế để đem con cái về với gia đình của Thiên Chúa Cha (xem Gioan 1:12-14). Và Chúa Giêsu, là gương mẫu đời sống tinh thần của chúng ta, luôn luôn dành thời giờ để cầu nguyện.
Tôi không muốn nói về sự cầu nguyện mà chúng ta thường xin để trải qua những thử thách hàng ngày. Mọi người chúng ta thường cầu nguyện khi lâm cảnh nguy nan, tỉ như: “Chúa ơi, xin cho con sự kiên nhẫn để đối phó với đứa con hay khóc nhè này!” hoặc “Chúa ơi, xin giúp con dằn sự nóng giận để khỏi tát đứa con hỗn xược này.” Những lời cầu nguyện đó thật quan trọng, và lẽ ra chúng ta phải cầu xin như thế thường xuyên hơn.
Theo gương Chúa Giêsu, Ngài thường dành thời giờ để cầu nguyện, chúng ta cũng phải gạt những bận rộn sang một bên để dành thời giờ cầu nguyện. Chúng ta cần những lúc riêng tư với Thiên Chúa, để thờ phượng Ngài, để cảm tạ Ngài, và để xin lỗi Ngài và phó thác những nhu cầu của chúng ta cho Chúa. Và Thiên Chúa cần thời giờ riêng tư với chúng ta để canh tân, tha thứ, dạy dỗ, sửa sai, và hướng dẫn chúng ta.
Do đó, nếu chúng ta muốn là người Công Giáo chân chính, chúng ta phải dành thời giờ cầu nguyện. Nói thì dễ, làm thì khó. Ðúng vậy, đưa chương trình cầu nguyện vào thời khóa biểu bận rộn hàng ngày thì rất khó. Nhưng đó là điều chúng ta phải thi hành. Sau đây là vài đề nghị thực tiễn có hiệu quả.
1. Quyết tâm dành thời giờ cầu nguyện riêng tư với Chúa. Nếu không quyết tâm, chúng ta sẽ không bao giờ thi hành.
2. Dành quãng thời gian tốt nhất cho Chúa. Hãy nhận ra lúc nào tốt nhất và dành thời giờ đó cho việc cầu nguyện. Thời gian cầu nguyện tốt nhất của tôi là buổi sáng. Tuy nhiên, vợ tôi lại thích cầu nguyện vào buổi tối.
3. Sắp xếp để tối thiểu có được 10 hay 15 phút cầu nguyện. Có thể điều đó không luôn luôn thực hiện được với các cha mẹ có con còn nhỏ, nhưng hãy cố gắng tối đa, và đừng cảm thấy mặc cảm tội lỗi nếu luôn luôn bị gián đoạn. Có thể chờ các con đã đi ngủ, hoặc thức dậy sớm hơn để cầu nguyện.
4. Tìm một nơi cầu nguyện cách thoải mái và không bị gián đoạn. Hiện nay, tôi cầu nguyện trong phòng khách, ngồi trong cái ghế tôi thích nhất. Nhưng trong quá khứ tôi phải thay đổi tùy hoàn cảnh. Thí dụ, trong một năm, trên đường đến sở làm tôi thường dừng xe ở nhà thờ để cầu nguyện, và cũng có thời gian tôi thu mình trong văn phòng làm việc để cầu nguyện trong lúc ăn trưa.
Cầu nguyện là sự đối thoại với Thiên Chúa, do đó tôi đề nghị bạn bắt đầu sự cầu nguyện bằng cách chú ý đến sự hiện diện của Thiên Chúa. Và xin Ngài giúp bạn cầu nguyện cách sốt sắng. Sau đó làm bất cứ gì để mở lòng ra cho Chúa, dù đọc kinh hay lần chuỗi. Hãy dùng sách cầu nguyện. Ðọc một đoạn Sách Thánh và suy nghĩ về đoạn ấy. Ðọc một đoạn thánh vịnh. Hát một bài thánh ca. Nói với Chúa bằng chính ngôn từ của mình. Và luôn luôn dành thời giờ trong thinh lặng, để Chúa nói với bạn và hành động trong con người bạn