Hỏi: Vợ chồng chúng tôi biết rằng phải kiên nhẫn với những lỗi lầm của ba đứa con, nhưng chúng tôi sợ rằng càng khoan dung với các sai lầm của chúng, thì càng làm chúng xấu hơn.
Trả Lời: Bà vừa đề cập đến sự căng thẳng hiện diện trong mọi tương giao, nhưng nhất là trong gia đình: Làm thế nào để đốc thúc con cái mà không làm chúng xa cách cha mẹ? Làm thế nào để đề cập đến các sái quấy của người khác mà không đưa đến tình trạng ù lì hay tệ hại hơn?
Một trong những cách cha mẹ thường dùng để thoát khỏi cảnh tiến thoái lưỡng nan này là hành động một chiều, trông nhờ vào hy sinh của người khác. Vì cá tính hoặc vì hoàn cảnh, chúng ta có thể chịu đựng lỗi lầm của con cái để chúng khỏi làm loạn. Hoặc chúng ta có thái độ khắt khe, dù có thể làm chúng xa cách hoặc cảm thấy không được yêu thương.
Khuyết điểm của phương cách này là cha mẹ chỉ muốn sao cho mình cảm thấy an tâm là đủ mà không nghĩ đến nhu cầu của con cái trong hoàn cảnh đặc biệt.
Cách tốt hơn để tránh khỏi tình trạng tiến thoái lưỡng nan là thay đổi mục đích và hướng nhìn, nhằm thoát khỏi khuôn khổ giữa sự kiểm soát và sự chịu đựng. Ðó không phải là tình trạng hoặc cái này hoặc cái kia. Ðúng hơn, đó là tình trạng của cả hai bên.
Chúng ta muốn con cái hiểu biết về chính chúng, ưu cũng như khuyết điểm, và chúng ta muốn làm bất cứ gì có thể trong khả năng chúng ta để khuyến khích chúng phát triển và thay đổi. Chúng ta muốn quý trọng những sự thật về chúng và không còn để tâm đến chương trình này nọ hoặc xu hướng tâm lý của chính chúng ta.
Chúng ta phải làm thế nào?
Chúng ta tin rằng sự thật sẽ giải thoát chúng ta. Chấp nhận sự thật của người khác và của chính mình thì không ngược với sự phát triển và thay đổi; đúng hơn, đó là yếu tố cần thiết.
Ðầu tiên chúng ta phải chấp nhận. Chúng ta phải nhận ra những ưu và khuyết điểm của bậc cha mẹ khi chúng ta phát triển. Thí dụ, nếu không nhận ra sự thiếu kiên nhẫn của chính mình, chúng ta thường phản ứng quá đáng trước sự thiếu kiên nhẫn của con cái. Nếu không nhận ra sự khó khăn của chính mình khi phải đương đầu với tính nóng giận, chúng ta sẽ dễ nổi giận và phản ứng quá đáng trước một chút tức giận của con cái.
Thiếu sự chấp nhận chính mình có thể ngăn cản sự tự giác, và có thể làm chúng ta thường nghĩ đến khó khăn của mình mà quên đi các vấn đề của con cái.
Với việc chấp nhận chính con người mình thực sự là ai, chúng ta có thể bắt đầu thông cảm chấp nhận lỗi lầm của con cái. Về phương diện chiến thuật, làm thế nào để giải quyết vấn đề nếu chưa thực sự biết đó là gì? Làm thế nào để giải quyết khó khăn nếu chưa bình tĩnh nhìn đến vấn đề?
Thí dụ con của bà làm công việc nhà một cách cẩu thả, hoặc miễn cưỡng thi hành những việc được giao phó, hoặc la mắng các em nó một cách không đúng.
Hãy chấp nhận trước khi sửa đổi. Hãy cám ơn nó vì đã làm công việc nhà, hoặc cố gắng giúp đỡ cha mẹ. Hãy chấp nhận sự gắng sức của nó bằng cách biết ơn. Rồi sau đó, mới có thể bắt đầu việc thay đổi.
Thí dụ, bà có thể nói: “Mẹ cám ơn con đã giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa hôm qua. Nhưng có điều mẹ muốn cho con biết để sau này con làm công việc ấy tốt đẹp hơn.” Hoặc: “Như mẹ đã nói hôm qua, nếu con làm bài ở nhà cho đúng giờ thì thật tốt đẹp. Vậy từ nay trở đi, cố gắng làm xong bài vở trước 8 giờ tối, nếu không con phải mất cả một buổi tối.” Hoặc: “Mẹ cám ơn con đã giúp mẹ khi các em không biết nghe lời. Ðể mẹ dạy con kiểu cách ăn nói với chúng mà không làm con nóng giận.”
Hãy chấp nhận những cái tốt nhất và những cái tệ nhất, nhưng chỉ đề cập đến sự thay đổi tốt hơn sau khi đã nói lên sự cám ơn và sự chấp nhận ấy.
Chính lúc ấy bà mới có thể nói đến những phương cách giúp con cái phát triển.
Vì chấp nhận thì khó khăn. Nó đòi hỏi phải có đức tin để sự phát triển và thay đổi được hướng dẫn bởi sự tha thứ khuyết điểm của con cái, biết cám ơn sự cố gắng của chúng và kiên nhẫn đưa ra những thay đổi vào đúng lúc, khi chúng sẵn sàng muốn nghe.
Tha thứ là mấu chốt để sự chấp nhận có thể trở nên sự thay đổi tốt đẹp hơn.
Nhưng bước đầu tiên, như Socrate đã nói: Hãy biết mình.
Hãy biết mình, hãy chấp nhận chính mình và sau đó hãy thăng tiến chính mình. Nếu không dành thời giờ để nhận biết và hiểu được khuyến điểm về tính khí hay giáo dục của bạn, thì bạn không thể hiểu biết và chấp nhận khuyết điểm của con cái. Tất cả những điều này thì cần thiết trước khi sự thay đổi thực sự xảy ra.
Tại sao niềm tin nơi Ðức Kitô lại cần thiết trong tiến trình này?
Vì một lý do, Người là gương mẫu của sự chấp nhận để dẫn đến sự thay đổi. Phương cách của Người là mục đích của chúng ta.
Chúng ta cũng cần đến ơn sủng của Người để hành động vì lợi ích tốt đẹp nhất, và vì tình yêu thương con cái, chứ không vì xu hướng và sự lo lắng của chúng ta.
Ðức Kitô giúp chúng ta chấp nhận những sự thật về chính mình và về con cái mà không làm chán nản hoặc tuyệt vọng. Người giúp chúng ta có được sự thông cảm chấp nhận và sự kiên nhẫn. Và Người giúp chúng ta thăng tiến bất cứ gì cần phát triển và thay đổi.