Phương nghĩ Dũng, chồng nàng là người keo kiệt. Nàng muốn vui hưởng đời sống cách tận tình. Trong lãnh vực tài chánh, điều này có nghĩa nàng là người thích tiêu pha hơn tiết kiệm. Thấy cái áo đẹp là Phương mua ngay. Cuối tuần nàng phải đi ăn tiệm, đi xem xi-nê.
Ngược lại, Dũng là một người tiết kiệm. Anh tin rằng nếu anh không ngăn cản Phương tiêu pha thì họ sẽ lâm vào tình trạng khánh tận. Anh muốn có thật nhiều tiền trong ngân hàng trước khi chi tiêu món gì. Anh lo toan việc tài chánh trong gia đình và để dành tiền cho con vào đại học, cho việc tân trang nhà cửa, và tiền dùng vào những trường hợp khẩn cấp, tiền khi về hưu. Nhưng hàng tháng, họ lại phải rút tiền để trang trải những chi phí bất ngờ.
Dũng thấy anh luôn phải nói với Phương rằng, “Chúng ta không thể kham nổi chuyện đó.” Phương đáp lại, “Lúc nào anh cũng nói thế. Nếu nghe theo anh thì đời chẳng còn gì vui.”
Vấn đề trở nên lẩn quẩn. Phương càng tiêu nhiều bao nhiêu thì Dũng lại càng ngăn cản và tiết kiệm bấy nhiêu. Khi họ đề cập đến vấn đề này thì luôn luôn là cãi nhau. Dũng cố cho Phương thấy sai lầm của nàng và Phương, ngược lại, cố chứng minh cho Dũng thấy rằng chàng đã kiểm soát nàng như thế nào. Họ cương quyết không nhượng bộ, ai cũng muốn thắng. Nhưng thực tế cả hai đều thua.
Vợ chồng thường bất đồng về trách nhiệm trong nhà, về vấn đề tình dục, việc dạy dỗ con cái, v.v. Khi bất đồng thì mọi vấn đề đều bỏ qua, không muốn giải quyết. Làm thế nào để hai vợ chồng bớt những cơ hội tranh chấp?
Mọi vợ chồng đều có những khác biệt. Khi bình thản, mọi khác biệt được chấp nhận cách vui vẻ. Nhưng khi bị áp lực, nhiều người nhìn vấn đề với đôi mắt thận trọng, khó khăn hơn. Sự giận dữ, sự phán đoán cộng với ý muốn thay đổi người khác thay thế cho sự vui vẻ và chấp nhận.
Sự lo lắng thái quá thường khiến đôi vợ chồng đối nghịch nhau.
Cho đến khoảng thời gian gần đây, người chồng thường giữ vai trò chủ yếu trong đời sống hôn nhân như chủ gia đình. Người vợ giữ vai trò chính yếu trong việc giữ gìn nhà cửa. Trên thực tế, chúng ta thấy không hẳn như vậy. Ngày nay, vai trò của người vợ hay người chồng không còn lệ thuộc vào văn hoá nữa.
Vợ chồng thuận hoà là do cùng hoạch định, cùng chia sẻ trách nhiệm. Xung khắc thường xảy ra khi có những điểm không rõ ràng, hay có những điều mong muốn mà không được thực hiện. Từ những nhận xét như:
“Tôi làm nhiều hơn là những gì tôi phải làm. Như vậy thì không công bằng.”
“Tại sao tôi phải luôn luôn mở miệng trước?”
“Làm đầy tớ cho anh mệt quá rồi. Phải chi anh biết ngăn nắp, sạch sẽ.”
Những nhận xét này thường đưa đến sự tranh chấp quyền thế.
Khi hai vợ chồng cùng cứng đầu, hay thuộc loại ngoan cố thì chắc chắn sẽ có tranh chấp. Ðiều này dễ xảy ra với những người là con cả trong gia đình. Tuy nhiên, với ý chí mạnh mẽ, việc thay đổi tính tình không quá khó khăn.
Càng ít hiểu biết về mình bao nhiêu thì càng phản kháng nhiều với môi trường sống bấy nhiêu, trong đó có người phối ngẫu của mình. Tranh chấp quyền thế là dấu hiệu của sự thiếu hiểu biết về chính mình. Người không biết nghĩ gì, làm gì, cảm thấy thế nào, muốn gì trong đời sống hôn nhân thường phản ứng nông nổi.
Biết phân định trước sau là dấu hiệu của người biết mình. Nó chứng tỏ họ có khả năng phân biệt những gì quan trọng và những gì tầm thường. Vợ chồng hay tranh chấp quyền thế là vì không nhận biết điều gì quan trọng. Sự suy nghĩ chín chắn về đời sống hôn nhân sẽ giúp vợ chồng bỏ qua dễ dàng những gì nhỏ nhen và chú tâm đến điều quan trọng hơn.
Vợ chồng có thể thay thế sự tai hại của tranh chấp quyền thế bằng sự tốt đẹp của sự hiểu biết nhau. Tranh chấp quyền thế xảy ra khi một người cố gắng thay đổi người khác. Sức mạnh của sự biết mình được chứng tỏ qua khả năng thông đạt rõ ràng nhằm nói lên cảm nghĩ, tâm tình và biết lắng nghe người phối ngẫu một cách bình tĩnh. Sức mạnh này giải toả những đối nghịch trong đời sống hôn nhân.