Mọi sự dường như luôn luôn bắt đầu một cách vô tội vạ. Ðó là những chuyện nhỏ.
Khi Thủy--bé gái 12 tuổi--bắt đầu cho những chén bát dơ bẩn sau bữa ăn tối vào chậu rửa chén, và khi bé vừa mới bắt tay vào việc thì có người bạn điện thoại cho cháu. Thủy xin phép mẹ nói chuyện với bạn đôi chút và sẽ thanh toán đống chén bát sau. Chắc chắn là được, mẹ nói vậy. Nửa giờ sau, tình cờ bố đi vào bếp và thấy đống chén dơ còn nằm đó.
Ông biết là trách nhiệm của Thủy và bảo bé cắt điện thoại-ngay bây giờ!-và trở vào bếp.
“Nhưng mẹ cho phép con rồi mà!” Thủy phản đối.
“Bố không cần biết mẹ nói gì,” Bố nói Thủy “Ði vào bếp!”
Ngay lúc ấy mẹ xuất hiện, cất tiếng hỏi chuyện gì om sòm vậy.
Bố nói, “Con Thủy không chịu rửa chén.”
“Thì nó sẽ làm mà,” mẹ bào chữa. “Nó muốn điện thoại với bạn trong chốc lát.”
Bố: “Làm việc trước, chơi sau.”
Mẹ: “Bạn bè cũng quan trọng. Anh biết là con nó sẽ thanh toán đống chén bát trước khi đi ngủ mà.”
Bố: “Em chiều con quá.”
Mẹ: “Anh không thể điều hành căn nhà này như trại lính.”
Bố: “Con cái cần phải có kỷ luật. Chúng cần học biết trách nhiệm.”
Mẹ: “Con cái cần học cách giữ bạn. Bạn tốt thì khó tìm và khó giữ.”
Bố: “Bạn bè đâu có trả tiền nhà cho nó khi chúng lớn lên đâu.”
Mẹ: “Dĩ nhiên là không, nhưng chúng bạn làm đời sống phong phú hơn. Nếu chỉ vì anh không có bạn thì không có nghĩa là ai ai cũng phải sống như thế!”
Bố: “Anh có nói gì khi mấy bà bạn em đến nhà này đâu?”
Mẹ: “Nhà này không chỉ của riêng anh. Nó cũng là nhà của em!”
Hiển nhiên là cho đến giờ phút này, đống chén bát đã chìm vào quên lãng. Nhưng không, nó đã trở nên một điều to tát hơn, một điều xấu xa hơn, một điều đe dọa hơn.
Người ta thường nói tình dục tạo nên những bất đồng lớn nhất giữa hai vợ chồng, nhưng những vợ chồng lấy nhau lâu biết rằng đó không phải là sự thật. Ðó là tài chánh. Ðó là con cái. Làm thế nào để quán xuyến tiền bạc. Làm thế nào để nuôi nấng con cái.
Tại sao việc nuôi con quá phức tạp? Có vài lý do. Thứ nhất--và nghiêm trọng hơn--là vợ chồng không hoà thuận với nhau thường đem con cái ra làm quân cờ thí. Người vợ có thể đạt được điều mình muốn bằng cách chỉ huy con cái. Người chồng có thể “thắng thế” bằng cách để con cái thi hành những gì mà ông biết sẽ làm vợ bị day dứt.
Con cái trở thành dụng cụ của họ để gây thương tích cho nhau. Và, dĩ nhiên, con cái không thể thoát ra khỏi cuộc tranh chấp mà không bị tổn thương. Từ bên ngoài nhìn vào một cách khách quan -- thật khó để nhận ra vấn đề và càng khó hơn nữa để công nhận vấn đề nếu từ bên trong nhìn ra -- những vợ chồng thường rơi vào tình trạng đó nên tìm sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý.
Những bất đồng của họ về vấn đề dạy dỗ con cái thường không chỉ là vấn đề giáo dục; đó là những dấu hiệu của một điều gì khác nữa. Cũng như tiếng ho có thể bởi cảm lạnh mà cũng có thể là dấu hiệu của sưng phổi. Chỉ cảm lạnh thôi thì việc chữa trị cũng đơn giản; nhưng nếu là sưng phổi thì việc chữa trị cũng tốn kém hơn.
Nhưng bất đồng về cách dạy dỗ con cái không luôn luôn có nghĩa là hôn nhân đang gặp khó khăn. Nó là một điều bình thường của hôn nhân không hơn không kém.
Trong một đời sống hôn nhân tiêu biểu, người nam và người nữ chung sống với nhiều định kiến, nhiều điều tin tưởng chân thành, về nhiều vấn đề mà họ học biết từ gia đình gốc của họ. Về tình dục. Về tài chánh. Về con cái. Và họ thường cho rằng người kia cũng tin tưởng như thế. Ðó là cách mọi người suy nghĩ. Ðó chỉ là cách... mọi sự là như vậy.
Ðây là những chất lượng của một vở hài kịch. Ông nói gà bà nói vịt. Và sau gần nửa giờ đồng hồ bàn cãi, thì cả hai đồng ý rằng họ đều ghét cái mớ lông đó dù là gọi là gà hay vịt.
Nghệ thuật có thể phỏng theo đời sống, nhưng đời sống khó có thể giống như nghệ thuật.
Khi Bố cho phép đứa con gái 9 tuổi được tô môi son thì không có cái máy phát tiếng cười ở hậu trường như nhắc nhở điều gì... và hai phút sau Mẹ nổi sung vì đứa con gái mà bà vẫn coi là con nít, bây giờ, theo quan điểm của bà nó giống như một con đĩ!
Bố chỉ nhìn thấy chút màu hồng trên đôi môi đứa con gái. Mẹ lại nhìn đó như một cánh cửa mở ra cho việc sơn móng tay, vẽ mắt, và những gì nữa thì chỉ có Chúa biết.
Ai đúng? Có lẽ người này hay người kia. Có lẽ cả hai. Có lẽ không ai đúng.
Một trong nhiều thử thách của việc làm cha mẹ là khi xảy ra một vấn đề cho một đứa con trong một trường hợp đặc biệt, thì Bố và Mẹ ít khi cùng chung một quan điểm.
ở một thái cực, con cái được coi như sở hữu. Chúng được nhìn đến và không được lắng nghe. Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi. ở thái cực kia, con cái được quyền tự trị đầy đủ ngay từ khi chào đời. Chúng luôn có quyền lựa chọn. Quy luật chỉ làm ngột ngạt tâm thần và hư hại đến sự tự trọng của chúng.
Hầu hết các cha mẹ đều rơi vào giữa hai thái cực này, đó là điều tốt, vì cả hai thái cực đều lố bịch như nhau. Ðiều mà Bố và Mẹ có thể không nhận ra là những kinh nghiệm và kiến thức của họ không chỉ xác định cái phần tổng quát trên cái quan điểm chung, nhưng còn cái vị trí nhất định mà họ cho là “đúng” khi có vấn đề hay hoàn cảnh đặc biệt xảy ra.
Mẹ xuất thân từ một gia đình mà “giờ giới nghiêm” ít có hiệu lực và rất lỏng lẻo: Nửa đêm có nghĩa khoảng 12 giờ, trước sau vài phút, trừ khi gọi điện thoại về nhà báo sẽ về trễ và nài nỉ thêm một vài phút nữa. Khi cha mẹ của Bố nói về nhà “lúc nửa đêm”, nó có nghĩa đúng 12 giờ không hơn không kém. Bây giờ, đứa con 15 tuổi của họ về nhà trễ nửa giờ. Họ phải làm gì?
Sau đây là một vài đề nghị cho các cha mẹ phải đối phó với những vấn đề tương tự, và một vài phương cách để tránh đưa sự bất đồng nhỏ thành một cuộc chiến giữa vợ chồng.
1. Hãy nhớ rằng bạn không phải quyết định ngay lúc đó. Bạn luôn luôn có thể nói với con cái là bạn cần thời gian suy nghĩ và-cùng nhau-quyết định về hậu quả của hành động. Có thể cả hai bạn quá mệt mỏi để sáng suốt suy nghĩ nên đôi khi đi ngủ mà còn giận con cái thì vẫn tốt hơn. Sự việc sẽ được nhìn thấy khác biệt khi cả hai đã nghỉ ngơi và cơn giận đã nguôi ngoai.
2. Ðừng trả lời “được” hay “không” mà không hỏi ý kiến của người phối ngẫu. Con cái sẽ biết cách phải hỏi cha hay mẹ để xin xỏ điều gì đó. Và đừng nói với con cái là điều đó thì OK với Bố nhưng chúng còn phải hỏi Mẹ. Vì vô tình bạn đã đặt vợ/chồng mình thành một người xấu.
3. Cả Bố và Mẹ đều có quyền phủ quyết. Nếu một trong hai người nói không, câu trả lời sẽ là không. Bạn có thể thảo luận về sự phủ quyết này--cách riêng tư, không có con cái--nhưng bạn không thể lấn lướt quyền này mà quyết định lại.
4. Suy nghĩ về lý do bạn quyết định. Lý do của bạn có đúng không? Hay bạn chỉ áp dụng một cách máy móc những gì cha mẹ bạn đã làm ngay ở những trường hợp không còn thích hợp? Ðừng ngạc nhiên khi thấy bạn phun ra những lời y như cha mẹ bạn. Hầu như mọi người làm cha mẹ đều như thế. Phải từ từ bạn mới có thể làm chủ được những gì bạn muốn nói.
5. Sẵn sàng nhường nhịn người phối ngẫu. Có thể bạn phải xích ra một chút, và người kia xích vào một chút. Vị trí mới đó có thể khiến cả hai không thoải mái, nhưng không có luật lệ nào nói rằng bạn phải chịu trận ở đó cả. Bạn có thể thấy rằng điều đó không tốt gì cho con cái, nên bạn và người phối ngẫu--cả hai--lại phải xê xích chút đỉnh.
6. Hãy tự hỏi mình điều gì tốt nhất cho đứa con này ngay bây giờ, ngay tại đây, và hãy biết rằng đó không phải là điều làm chúng vui thích ngay lúc đó. Có những điều rất tốt cho con cái mà làm chúng không vui, trong giai đoạn ngắn. Thường đó là những điều có thể thay đổi cả thế giới, và đem lại hạnh phúc sâu xa trong tương lai.
Ðó là giấc mơ của mọi cha mẹ. Bất cứ cha mẹ nào cũng đều muốn thấy con mình trở thành một người hạnh phúc và khoẻ mạnh. Ai có thể chối cãi được điều đó?