Tất cả mọi đứa trẻ cần học cách xử dụng đồng tiền, dùng nó như một phương tiện chứ đừng làm nô lệ cho đồng tiền.
Nhưng đâu là cách tốt nhất để dậy con?
Tiến sĩ Tom Conklin, một tâm lý gia và thầy sáu vĩnh viễn, và vợ của ông là bà Cheryl Conklin, chuyên gia điện toán, có năm đứa con và họ bắt đầu cho tiền con cái từ khi chúng ở lớp vườn trẻ. “Trong gia đình chúng tôi, đến tuổi nào đó thì mới được hưởng một số điều--như được đồng hồ đầu tiên, máy chụp hình đầu tiên, hay xỏ lỗ tai cho con gái,” bà Cheryl nói. “Việc cho con tiền là một cái gì đó để chúng nhắm đến--một hình thức uốn nắn. Chúng tôi nghĩ rằng mọi người cần có chút tiền để chi tiêu.”
Mục đích của việc cho tiền là để con cái tập cách xử dụng tài chánh. “Không bao giờ chúng tôi để con cái có quá nhiều tiền--khi chúng đến tuổi thiếu niên, chúng chỉ cần có đủ tiền để thỉnh thoảng đi xem xi-nê, hay lâu lâu mua một cuộn băng,” ông Tom cho biết như thế.
Việc cho tiền con cái có được dính dáng đến công việc nhà hay không?
“Chúng tôi không bao giờ dùng tiền cho con cái như một hình phạt,” ông Tom nói. “Ðó là những gì được nhận. Tuy nhiên, chúng tôi luôn luôn nhấn mạnh rằng gia đình mình cần cố gắng nhiều để sinh sống. Những công việc nhà không phải là việc tùy ý thích.”
Khi lần đầu tiên giao việc cho con cái, nhiều cha mẹ thường liên kết công việc với đồng tiền, làm cho con cái trở nên một nhân viên làm việc kiếm tiền, và họ nghĩ rằng điều này sẽ khuyến khích chúng cách lạ lùng.
“Nó thật công hiệu--trong vài tuần đầu,” ông Mike O'Laughlin nói, ông là giám đốc điều hành việc quảng cáo, có 3 con tuổi từ 4 đến 11. “Thật là một sáng kiến. Và rồi, giống như đường cong cái chuông, sự hăng hái của chúng giảm dần. Chúng bắt đầu nói với nhau rằng, 'Tụi mình làm mọi việc như vậy chỉ có $1.50 sao. Như vậy tụi mình không làm nữa.' Rồi những gì sẽ xẩy ra thì không giống như nhân viên ngoài đời, bạn không thể sa thải chúng nếu chúng không chu toàn bổn phận. Trước khi bạn ý thức được điều này thì chẳng còn đứa nào muốn làm việc nữa.”
Thêm nữa, để theo dõi chúng thì thật nhức đầu. Ông Mike cho biết, “Thật mệt khi phải coi xem chúng có làm việc đàng hoàng không”.
Bà Cheryl Conklin cho biết khi không dùng đến đồng tiền, nó giới hạn được những phức tạp của việc theo dõi cách tiêu xài. “Nếu con cái làm việc không đàng hoàng, chúng ta dùng cách khác. Thật mất nhiều công sức để tính toán xem chúng được trả bao nhiêu tiền. Nếu công việc nhà không dính dáng đến số tiền được cho, điều này không còn cần thiết.”
Việc quyết định số tiền cho con cái sẽ khiến bạn thấy thoải mái nếu dựa trên lợi tức của gia đình. Phải chắc rằng mọi người hiểu trách nhiệm của đứa trẻ với số tiền được cho: ăn trưa, cho cơ quan từ thiện, mua thế những gì đánh mất, v.v. Và cũng cho con cái biết những gì chúng không được mua.
Thật quan trọng để thỉnh thoảng xem xét việc chúng tiêu tiền.
“Cứ vào tháng Chín thì chúng tôi thay đổi số tiền cho con cái và trách nhiệm của việc tiêu tiền,” ông Tom Conklin cho biết.
“Trong những năm cuối của bậc tiểu học số tiền cho gồm cả việc ăn trưa,” bà Cheryl nói. “Ðiều này giúp chúng nghĩ đến việc mang theo đồ ăn đến trường thay vì phải mua đồ ăn. Chúng được phép giữ tiền mua đồ ăn, và chúng không phải mua những gì để đem theo ăn trưa.”
Thế còn những cần thiết khác của đời sống? Ðể dậy con biết gìn giữ những gì mua cho chúng, bà Linda Brosmer, có 2 con, tuổi từ 6 đến 12, đã buộc chúng phải chịu trách nhiệm những gì đánh mất. “Con gái tôi ở trong nhóm bơi lội. Chúng tôi đồng ý là, tôi mua cho cháu cái kính lặn. Nếu cháu đánh mất, thì cháu phải mua cái khác.”
Trong khi việc cho tiền con cái có nhiều lý do tốt, nó không có nghĩa bó buộc cha mẹ phải làm như thế. Nhiều cha mẹ không cho tiền con cái vì giới hạn tài chánh, vì những quan niệm cá biệt hay vì con cái không trưởng thành.
“Tôi không tin việc cho tiền là tốt,” bà Phyllis Oliveira, một hướng dẫn viên đại học có 3 con đã lớn, tuổi từ 23 đến 33. “Tôi nghĩ con cái là phần tử của gia đình và phải đóng góp vào gia đình--không phải thuê mướn để giúp đỡ.”
Còn việc trả tiền phụ trội cho con cái khi chúng làm thêm một số công việc ngoài nhiệm vụ bình thường thì sao?
Một số cha mẹ có trả thêm cho con cái, nhưng chỉ với những công việc phải thuê mướn người ngoài làm. Coi sóc em nhỏ là một trong những công việc này.
“Khi tôi còn nhỏ, tôi phải coi sóc các em tôi,” bà Betty Normand nói. “Cha mẹ tôi thỉnh thoảng có trả công cho tôi--thường là những khi tôi phải nghỉ việc ở ngoài để giữ em. Tôi nghĩ đó là sự rộng lượng của cha mẹ, mặc dù tôi thấy điều đó không cần thiết.”
Ðôi khi tình trạng của gia đình nói lên cách sinh hoạt.
“Mùa hè vừa qua con cái tôi hỏi chúng có được cho thêm tiền khi làm thêm một số công việc nhà không,” bà Linda nói. “Triết lý của tôi là khi chúng làm những việc bình thường thay cho cha mẹ thì chúng được trả tiền.”
Mọi cha mẹ đều muốn con cái học biết trách nhiệm trong việc xử dụng đồng tiền. Một số người dậy con tính toán chi tiêu cách khôn ngoan bằng cách để con quyết định trong việc mua sắm quần áo. Khi đến lúc phải mua quần áo, ông bà Conklin để con quyết định với số tiền được cho. “Nó là phương cách hữu hiệu vì cháu phải quyết định xem có nên mua ba bộ quần áo thật đẹp thay vì mua năm bộ không đẹp lắm,” bà Cheryl nói.
Bất cứ cách gì bạn quyết định trong việc cho tiền con cái, hãy nhớ rằng chúng cần sự tự do để lựa chọn, ngay cả lựa chọn không khôn ngoan, với đồng tiền của chúng. Mua sắm cái gì đó mà sau này mới biết là sai lầm có thể là bài học tốt để biết giá trị của đồng tiền.