Ông bà Minh như sét đánh mang tai khi nghe tin đứa con trai cả, cậu Thanh, phải vào trung tâm cai thuốc ở ngoại ô thành phố Illinois để chữa bệnh ghiền ma túy.
Mọi sự khởi đầu một cách vô tội vạ--từ một vài loong bia trong buổi “party” với chúng bạn, sau đó là hút thử một vài điếu cần sa. Kế đến việc học hành, cũng như sinh hoạt thể thao của Thanh ngày càng sa sút. Cái này dẫn tới cái kia. Những lần cãi lại cha mẹ, đấu khẩu với thầy cô và chúng bạn được tiếp nối bằng những lần khuyên bảo của người cố vấn trong trường, nhưng chứng nào vẫn tật ấy, sau cùng Thanh phải nhập viện cai trừ ma túy.
Hoàn cảnh của ông bà Minh là trường hợp điển hình trong hàng ngàn trường hợp của các gia đình khác trên toàn quốc, xảy ra hàng năm--cũng có thể là của chính bạn. Chi tiết có khác, nhưng kiểu cách vẫn như nhau. Khi đối diện với vấn đề dai dẳng và ngày càng gia tăng này, có nhiều điều mà các phụ huynh Công Giáo phải thi hành để ngăn chặn thảm cảnh ấy có thể xảy ra cho chính gia đình mình.
Làm cha mẹ, bạn là người đầu tiên và tốt nhất để bảo vệ con cái khỏi bị nghiện ma túy hoặc nghiện rượu. Bạn có thể ban cho con cái lòng yêu thương, tài năng của bạn, sự chỉ bảo, hướng dẫn và những quy tắc rõ ràng, và quan trọng nhất là làm gương cho con cái.
Hãy nhớ rằng, không một tổ chức nào có thể thi hành các điều ấy một cách thường xuyên như chính bạn. Vì bạn là người đầu tiên nuôi nấng và giáo dục con cái trong một mái nhà Công Giáo và cung cấp cho con cái sự hiểu biết về tôn giáo qua giáo xứ hoặc nhà trường.
Trước khi đối phó với vấn đề ma túy và rượu, nên đọc kỹ những hướng dẫn sau đây. Ðó là những kinh nghiệm của tôi sau nhiều năm sinh hoạt với thanh thiếu niên và cha mẹ của họ. Những hướng dẫn này đem lại cho bạn một đường lối thực tiễn và có hiệu quả để đối phó với các thiếu niên đang nghiện ngập hoặc để phòng ngừa con em đi vào con đường ấy.
Là những bậc phụ huynh Công Giáo lưu tâm đến con cái, bạn cần:
Hành động có giá trị hơn lời nói. Ðó là lý do tại sao chỉ nói với con cái thì chưa đủ, mà còn phải làm gương cho chúng noi theo. Chúng biết khi nào và tại sao cha mẹ nhượng bộ. Qua những hành động, quý vị đưa ra những gương mẫu tích cực.
Một thiếu niên nói với tôi, “Tối thứ Sáu nào ba mẹ cháu cũng đến quán rượu và say sưa, nhưng ổng bả lại phàn nàn khi cháu uống một hai loong bia với chúng bạn!”
Cha mẹ của em đã đưa ra những dấu hiệu sai lầm. Thật vậy, họ là thí dụ của một điều cổ hủ “Làm những gì tôi nói chứ đừng theo những gì tôi làm.”
Các bậc cha mẹ chê bai những người không biết uống rượu là “cù lần” thì điều đó cũng không khác gì họ coi thường việc uống rượu hay dùng ma túy. Những dấu chỉ này có thể khuyến khích thiếu niên bắt đầu sử dụng chất kích thích.
Một thanh niên bị nghiện rượu cho tôi biết về cha của anh, ông thường khinh khi vấn đề rượu chè và không coi đó là quan trọng.
Cha mẹ cũng đừng lên án những người lạm dụng ma túy hay nghiện rượu.
Một số người có các yếu tố di truyền dễ bị nghiện chất kích thích. Cơ thể của họ điều chế chất rượu và ma túy khác với cơ thể của những người không có yếu tố di truyền nghiện chất kích thích. Và cũng có nhiều người, kể cả các thiếu niên, họ dùng chất kích thích là vì cảm thấy không được yêu thương, từ Thiên Chúa, từ Giáo Hội và từ những người khác.
Chúng ta cần tỏ ra sự lưu tâm đối với những người ấy, và cần cho họ thấy rằng chúng ta sẵn sàng giúp đỡ và yêu thương họ.
Các cuộc nghiên cứu cho thấy các em có sự tự tin thường ít bị nghiện chất kích thích. Ðó là lý do tại sao thật quan trọng để cha mẹ tỏ lòng yêu thương các em qua lời nói cũng như hành động, vì sẽ giúp các em phát triển hình ảnh tốt đẹp về chính chúng--nói cách khác, chúng tự cảm thấy có giá trị.
Tôi nhớ có em gái kể cho tôi nghe khi đi học về và khoe với mẹ là nhờ cố gắng lắm em mới đạt được điểm C trong môn đại số, thì bà mẹ bỉu môi và nói, “Tưởng gì hay. Chị của mày được điểm A thì sao!”
Sự khuyến khích không chỉ quan trọng để giúp các em phát triển tình cảm, mà còn cần thiết để giúp các em tìm ra những phương cách lành mạnh, sáng tạo thay thế cho việc lạm dụng chất kích thích.
Tôi phục thái độ của một bà mẹ, khi cho tôi biết về con cái của bà, “Tôi bỏ bớt thì giờ làm việc để đưa con cái đi học đàn, chơi thể thao và xem xi-nê. Và tôi không muốn gì khác hơn.” Cơ hội con cái của bà bị nghiện chất kích thích sẽ ít hơn con cái của những bậc cha mẹ thường than thở là “quá bận rộn” làm việc.
Cha mẹ cũng có thể giúp con cái chống trả ma túy và nghiện rượu bằng cách cùng sinh hoạt với các phụ huynh khác để chia sẻ những ưu tư và để khám phá ra những phương cách đối phó với vấn đề hiện có hay sẽ xảy ra.
Thí dụ, một nhóm phụ huynh ở Charlotte, N.C., thuê một công viên giải trí, mướn một ban nhạc và, với sự hỗ trợ của cảnh sát địa phương, đảm bảo rằng không có cần sa ma túy hay rượu bia trong buổi “party” ra trường của con em họ. Hành động của họ giúp giảm bớt những ẩu đả gây thương tích hay chết người trong các buổi liên hoan ra trường.
Cha mẹ có trách nhiệm đặt ra những quy tắc rõ ràng và nhất định cho con em.
Ðể thành hình những quy tắc này, họ có thể bàn thảo với các cha mẹ khác, với các vị hướng dẫn tinh thần, với thầy cô và các người cố vấn trong cộng đồng.
Những quy tắc này phải nghĩ đến các trường hợp khác nhau mà con cái họ có thể phải đối diện, tỉ như tổ chức “party” ở nhà hay ở nơi khác, hoặc lái xe hay đi chung xe với những người có thể đang dùng chất kích thích.
Nếu con cái bạn tổ chức “party”, những giới hạn về thời giờ cũng như số người được mời cũng cần được để ý đến.
Tôi nhớ có nhiều trường hợp các thiếu niên tổ chức “party” cho một “ít người” đã biến thành cuộc họp hàng trăm người chỉ vì lời rỉ tai về buổi “party”. Càng đông người càng khó kiểm soát, và gây nên nhiều thiệt hại nhà cửa trước khi cảnh sát có thể giải tán được đám đông.
Nếu con bạn muốn tổ chức “party”, nên liệt kê danh sách những người được mời, gửi thiệp mời, thiết đặt những quy tắc đối với những người mang rượu hay ma túy, và phải đảm bảo rằng không ai được mang những chất kích thích vào nhà bạn.
Tất cả những điều ấy được thi hành với sự cộng tác của con em. Hãy cho chúng biết rằng vì yêu thương chúng mà bạn hành động như vậy.
Nhưng nếu con cái bạn đã đi quá xa ngoài sự ngăn ngừa thì sao? Nếu chúng đã có dấu hiệu lạm dụng chất kích thích thì sao?
Bạn cần để ý để nhận ra những dấu hiệu của việc lạm dụng ma túy hay nghiện rượu, tỉ như tính tình thay đổi thất thường, học hành sút kém, ngày càng vô kỷ luật, không còn hăng hái và có những sinh hoạt bí mật. Những dấu hiệu này rất có thể là con cái bạn đang lạm dụng chất kích thích.
Nếu đúng vậy, có vài điều bạn phải thi hành:
Hứa xây dựng gia đình là một trong những quyết định quan trọng bạn có thể làm. Ðiều này rất đúng nếu con bạn đang bị nghiện ngập.
Hãy nhớ là bạn không cô đơn. Nhiều phụ huynh đương đầu với sự thử thách này với sự giúp đỡ của các giáo dân trong xứ, của nhà trường hay cộng đồng.
Cũng có những nhà chuyên môn có thể giúp đỡ bạn. Tuy nhiên họ không thể lấy đi trách nhiệm của bạn, họ chỉ có thể giúp đỡ và hỗ trợ bạn cách tốt nhất để giúp con cái bạn chống trả việc lạm dụng chất kích thích.
Có đứa con nghiện ngập không có nghĩa bạn là người cha mẹ xấu xa. Nó có nghĩa bạn cần sự giúp đỡ để đối phó với vấn đề. Nếu con bạn đang nghiện ngập và không thể hay không muốn từ bỏ, bạn phải mau chóng tìm sự trợ giúp của các nhà chuyên môn, cũng như sự hỗ trợ tinh thần của các linh mục trong xứ.
Rất có thể bạn cảm thấy hoang mang, lo sợ hay bất lực, nhưng đừng bỏ cuộc. Bạn không cô đơn. Hãy dùng đến sức mạnh của sự cầu nguyện và xin Chúa giúp đỡ.
Sau cùng, nếu chính bạn hay người phối ngẫu của bạn lạm dụng chất kích thích thì cũng thật quan trọng để tìm đến các nhà chuyên môn. Càng sớm được giúp đỡ, càng có lợi cho toàn thể gia đình bạn.