Gia đình chúng tôi rất đạo đức, Thiên Chúa đóng vai trò quan trọng trong đời sống chúng tôi. Nói cho cùng, chúng tôi đi lễ hàng tuần.”
Hầu như bất cứ phần tử nào của một gia đình Công Giáo cũng đều có thể nói như thế. Nhưng làm thế nào để Thiên Chúa “đóng vai trò quan trọng” nếu chúng ta chỉ dành cho Chúa có một giờ trong một tuần lễ 168 giờ đồng hồ?
Tôi tin rằng nhiều gia đình Công Giáo ở Hoa Kỳ ngày càng ít chú trọng đến tôn giáo. Học sinh bắn giết nhau, thiếu nữ vất con vào thùng rác, cha mẹ giết chính con mình: Những biến cố thô bạo này muốn nói rằng xã hội chúng ta cần sự giúp đỡ.
Theo kiểu cách văn hóa ngày nay, chúng ta muốn đổ lỗi cho người khác hoặc cái gì đó. Chúng ta thường nghe người ta nói một trong những điều sau: Tôi bị bạc đãi khi còn nhỏ. Mẹ tôi không thương yêu tôi. Cha tôi không dành thời giờ cho tôi. Chúng tôi dọn nhà luôn khi tôi còn nhỏ. Ðó là vì truyền hình và phim ảnh. Mọi người ai cũng làm như vậy.
Là bậc cha mẹ có lẽ chúng ta phải thú nhận rằng phần nào chúng ta cũng có trách nhiệm trong những lời bào chữa đó. Thánh Lễ hàng tuần chỉ giúp con cái chúng ta tiếp xúc với Thiên Chúa ít hơn một phần trăm tổng số thời giờ của chúng. Như thế đừng lấy làm lạ khi xã hội chúng ta đang theo một chiều hướng quái dị. Nếu chúng ta muốn thế giới này trở nên nơi tốt đẹp cho con cái thì chúng ta phải bắt đầu với chính con cái của mình và giúp chúng cảm nhận được Thiên Chúa trong nhiều phương cách khác nhau chứ không chỉ có Thánh Lễ hàng tuần.
Không ai hồ nghi rằng cả gia đình tham dự Thánh Lễ là điều quan trọng. Nhưng các bậc cha mẹ phải tìm ra những phương cách để kiên cường các điều học hỏi được ở Thánh Lễ.
Sau đây là những đề nghị nhằm đảm bảo sinh hoạt hàng ngày sẽ phản ánh đức tin của chúng ta nơi Thiên Chúa.
1. Cầu Nguyện Lớn Tiếng
Hầu hết các cha mẹ đều thúc giục con cái đánh răng hay tắm rửa trước khi đi ngủ. Nhiều cha mẹ còn đọc sách cho con cái nghe. Vậy tại sao không cầu nguyện trước khi đi ngủ? Hãy chỉ cho con cái cách cầu nguyện bằng chính lời của chúng. Bạn cũng có thể đọc một câu Phúc Âm.
Bạn chờ đợi cả năm để đi nghỉ hè. Mọi đồ đạc đã được chất lên xe, và bạn sẵn sàng nổ máy. Sao không dùng một vài phút để cầu nguyện lớn tiếng, xin Chúa gìn giữ và hướng dẫn cho chuyến đi xa đó? Hoặc dâng lời cầu xin hoặc cảm tạ khi bạn đã đến nơi nghỉ hè hoặc khi về đến nhà? Dâng lời cầu nguyện trong chuyến đi cũng có thể trở nên thường xuyên như việc đổ xăng dọc đường.
2. Hãy Thú Nhận là Chúng Ta Cần Ðến Thiên Chúa
Khi bạn đi ngang qua một tai nạn bên đường hoặc khi nghe tiếng xe chiếc xe cứu thương hụ còi inh ỏi, hãy tự nhiên lớn tiếng cầu nguyện với con cái, “Chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp đỡ cho những người ấy và xin Chúa ban sức mạnh cho họ.” Nếu bạn thi hành điều này thường xuyên, con cái bạn sẽ bắt chước. Hãy nói cho chúng biết người bị tai nạn thì đau khổ biết chừng nào và họ cần được Thiên Chúa an ủi.
Hãy thường xuyên nói với con cái về các thảm kịch trong đời sống khi xem truyền hình và làm thế nào Thiên Chúa có thể hàn gắn những đau thương đó.
3. Biết Cảm Tạ
Tập thói quen cảm tạ Thiên Chúa, nhất là trước bữa ăn. Nếu bạn quen dùng kinh Lạy Cha trước bữa ăn, thì cũng nên khuyến khích con cái cầu nguyện bộc phát. Có lần cháu Dũng, 7 tuổi, dâng lời nguyện sau: “Cám ơn Chúa đã cho chúng con thức ăn -- ngoại trừ món rau luộc. Amen.”
4. Hát Thánh Ca
Cùng với những bài hát quen thuộc mà nhà trường dạy các em, hãy tập cho chúng các bài thánh ca nhất là trong mùa Giáng Sinh. Làm thế nào con cái biết được các bài thánh ca phổ thông nếu chúng ta không dạy cho chúng?
5. Hồi Tưởng Những Người Ðã Qua Ðời
Mặc dù ông nội các cháu qua đời đã được nhiều năm, con cái của tôi luôn nhắc lại những kỷ niệm của chúng với ông nội. Chúng chưa bao giờ được gặp người chị của tôi, đã chết cách đây 20 năm, nhưng đối với các cháu, tôi luôn luôn làm chị ấy trở nên một người sống động bằng cách thường nhắc lại các biến cố cũng như các cuộc đối thoại với chị tôi.
Tôi khuyến khích con cái nói lên cảm tưởng của chúng về thiên đàng, và tôi cũng cho chúng biết cảm tưởng của tôi. Chúng tôi cũng tưởng tượng ra khung cảnh của thiên đàng với đủ loại người trong ấy, như chính trị gia, thương gia, lực sĩ và nghệ sĩ.
6. Tặng Quà Có Tính Cách Tôn Giáo
Bất cứ khi nào có dịp tặng quà, bạn cũng có thể bao gồm một món quà có tính cách tôn giáo. Không cần phải xa hoa đắt tiền. Có thể là một câu Phúc “m được đóng khung. Ðể đánh dấu ngày Giáng Sinh thứ sáu của mỗi đứa, tôi thường cho chúng một hang đá nhỏ.
7. Giúp Ðỡ Người Khác
Cũng như mọi giáo xứ khác, giáo xứ chúng tôi cũng xin thực phẩm và quần áo cho người nghèo. Gia đình chúng tôi tập thói quen mua một vài món cho người nghèo mỗi khi đi chợ -- một loong súp, một hộp sữa đặc, một bao gạo nhỏ. Con cái sẽ thấy rằng, để giúp đỡ người khác thì không cần phải có nhiều tiền.
Chính con cái cũng có thể tặng quần áo, giầy dép, đồ chơi của chúng. Tập cho con cái thói quen đừng phung phí. Khuyến khích chúng để dành tiền cho người nghèo.
Quan trọng hơn nữa, hãy nhận ra những người nghèo trong khu vực đang sống. Ðừng dạy chúng khinh bỉ họ nhưng hãy đến giúp đỡ họ.
8. Tham Dự Các Sinh Hoạt Giáo Xứ
Tích cực tham dự sinh hoạt giáo xứ là một cách làm gương cho con cái cách hữu hiệu. Làm thế nào con cái muốn đi học giáo lý trong khi bạn không bao giờ muốn đến nhà thờ ngoại trừ Thánh Lễ Chúa Nhật?
Hãy tiếp tay trong các sinh hoạt của giáo xứ. Bạn không mất nhiều thời giờ như bạn nghĩ. Có thể chỉ một vài tiếng giúp chuẩn bị bán thực phẩm gây quỹ. Hoặc nhận nướng bánh ở nhà. Hoặc nhận đảm trách một gian hàng “Oktoberfest” trong một hai giờ đồng hồ. Hãy nhớ rằng, khi giúp đỡ giáo xứ là bạn đang dạy con cái về trách nhiệm của một người trưởng thành.
Hiển nhiên là sau khi theo những đề nghị ở trên sẽ không làm giảm bớt vấn đề bạo lực trong xã hội, nhưng nếu chúng ta, là bậc cha mẹ, một cách chuyên cần và bền bỉ đưa Thiên Chúa vào đời sống thì con cái chúng ta sẽ học biết cách chăm sóc và tôn trọng người khác. Cứ như thế, xã hội chúng ta sẽ thăng tiến, từng gia đình một.
Ðể có sự tương giao với Thiên Chúa, chúng ta phải sẵn sàng dành thời giờ nhiều hơn là một giờ mỗi tuần trong Thánh Lễ Chúa Nhật.